Vấn đề Thượng đế là vấn đề muôn thủa đã được bàn từ khi con người biết sống hợp quần thành xã hội. Mặc dù cho đến nay vấn đề vẫn chưa được kết thúc vì mỗi người mỗi ý, nhưng nó vẫn chi phối gần như toàn bộ những sinh hoạt của con người xưa nay. Người ta có thể chấp nhận chết rất dễ dàng vì niềm tin của mình nhưng hầu như chúng ta chưa được thấy có cha mẹ nào chịu chết thay cho con cái. Vì tầm quan trọng của vấn đề, tôi xin được góp ý cùng những quí vị hành giả đã mấy tháng qua cùng tôi nhọc nhằn đi tìm chân lý, dù chân lý mới chỉ ló rạng được một phần rất nhỏ.
1.
Sau khi đọc bài “
Tại sao tôi là con chiên của Chúa” của tác giả Đỗ Xuân Phương (ĐXP), tôi nhận thấy có một vài điểm cần làm sáng tỏ hơn để mọi người nhận định.
Tác giả đã trích dẫn lời Phật Thích Ca cho rằng câu hỏi về “nguyên nhân đầu tiên” là một câu hỏi sai nên không có câu trả lời. Tôi cho rằng không bao giờ có câu hỏi sai, mà chỉ có câu trả lời sai. Một câu hỏi mà không có câu trả lời hợp lý không có nghĩa câu hỏi đó sai. Đồng ý rằng có những trường hợp câu hỏi không được trình bày rõ ràng dễ hiểu, thì trong trường hợp đó người ta sẽ đặt lại câu hỏi cho rõ ràng dễ hiểu hơn. Trường hợp câu hỏi ở đây mà một đứa trẻ thường hay hỏi “vậy ai sinh ra Thượng đế?” là một câu hỏi quá rõ ràng dễ hiểu, hoàn toàn hợp lý luận và rất triết lý nữa là đàng khác. Nếu không thể trả lời thì chỉ cần nói đơn giản rằng “tôi không biết” là đủ. Không có ai khó tính đến nổi ép buộc tác giả phải cho lời giải đáp khi tác giả không biết. Vậy xin hỏi tác giả câu hỏi đó sai chỗ nào? Và phải sửa thế nào để câu hỏi đó mới đúng?
Bất cứ một dòng tư tưởng triết lý nào cũng có một lý thuyết về nguồn gốc vũ trụ và con người. Riêng trong giáo lý Phật giáo, chúng ta không thể tìm được một giải thích nào rõ ràng hơn. Khi bị chất vấn về những vấn đề siêu hình như “vũ trụ vô hạn hay hữu hạn về cả thời gian lẫn không gian? Cái ta đây bởi đâu mà đến, để làm gì và sẽ đi về đâu? Có linh hồn không, hay chỉ có tứ đại ngũ uẩn họp thành hình hài này?” thì đức Thích Tôn chỉ lẩn tránh và trả lời rằng “Ta chỉ nói với các ông về đạo diệt khổ, còn những gì phù phiếm ta không nói đâu.”
[1] Tìm hiểu thêm trong triết lý đạo Phật thì chúng ta được biết rằng quan niệm “vô thủy vô chung” trong Phật giáo hàm ý vũ trụ không có một điểm khởi đầu.
2.
Trong bài “
Đức tin vào Thượng đế của nhà vật lý”, tác giả ĐXP nêu danh giáo sư Trịnh Xuân Thảo, còn “Một bạn đọc” trong mục “
Thư độc giả ngày 17.3.2005” cũng nêu danh hai nhân vật khoa học tên tuổi Newton và Einstein, để bênh vực cho hữu thần luận mà không trình bày cho độc giả biết những lý luận của họ. Thực ra, khoa học và triết lý là hai địa hạt hoàn toàn khác nhau. Vậy một nhà khoa học có uy tín chưa chắc đã là một triết gia hay thần học gia có những lý luận thuyết phục. Uy tín, sự quan trọng hay có số đông người tin theo cũng không làm tăng thêm giá trị cho lập luận. Lập luận có thuyết phục hay không là do chính lập luận có vững chắc, logic và có bằng chứng cụ thể để hỗ trợ hay không.
Tôi không biết giáo sư Trịnh Xuân Thảo, nhưng tôi biết nhà khoa học Albert Einstein đã từng công khai tuyên bố ông là người theo chủ nghĩa nhân bản (Humanism), một chủ nghĩa hoàn toàn bác bỏ thuyết sáng tạo. Họ tin chỉ có một cuộc sống hiện tại nên cứu cánh cuộc đời là hạnh phúc khi còn sống. Họ không đi tìm sự cứu rỗi ở đời sau vì họ không tin con người còn có phần linh hồn bất tử. Khẩu hiệu của họ là “cuộc đời này là tất cả và đủ rồi” (this life is all and enough). Albert Einstein (1879-1955) đã tóm tắt quan niệm rất nhân bản của ông như sau:
“Trong thời đại tiến hóa tinh thần của con người lúc ban sơ, trí hoang tưởng của con người đã sáng tạo ra thần thánh theo hình ảnh của họ, để thần thánh ảnh hưởng ít nhiều hay hoàn toàn quyết định vào thế giới hiện tượng qua ý muốn của họ. Ý tưởng về Thượng đế được dạy trong các tôn giáo hiện nay là sự thăng hoa quan niệm thần thánh cổ hủ đó. Chẳng hạn, tính nhân cách hóa đó được nhìn thấy trong sự kiện con người cầu xin sinh vật Thượng đế rồi lại cố gắng theo đuổi để đạt cho được điều mình ước mong. Trong tiến trình tranh đấu tiến đến đạo đức, những thày dạy giáo lý tôn giáo phải từ bỏ giáo lý về một Thượng đế cá nhân, nghĩa là từ bỏ nguồn gốc sợ hãi và hy vọng mà trong quá khứ đã đặt quyền lực quá rộng lớn trong tay những ông linh mục.”
[2]
Còn Isaac Newton (1642-1727) thì lý do duy nhất ông tin vào thuyết sáng tạo vì ở thời điểm đó ông không thể giải thích nổi những điều bất thường về chuyển động của các vì sao và các sao chổi. Mặc dù vậy, ông không bao giờ tin việc Thượng đế xen vào tiến trình tiến hóa của vũ trụ. Thượng đế tạo dựng vũ trụ rồi để vũ trụ tự động tiến hóa theo những định luật khoa học tự nhiên. Những điều bất thường đó ngày nay đã được các nhà toán học và khoa học vũ trụ giải thích rất rõ ràng rồi. Nhà toán học vĩ đại Johannes Kepler (1571-1630), một trong những khoa học gia đặt nền móng cho khoa học vũ trụ hiện đại, lại tin vào chiêm tinh bói toán và thờ phượng mặt trời.
[3] Điều đó cho thấy uy tín của họ không nhất thiết làm tăng giá trị cho lập luận của họ ở lãnh vực mà họ không có chuyên môn. Mà dù họ có chuyên môn đi chăng nữa, những lập luận của họ vẫn phải được duyệt xét theo phương pháp khoa học như bất cứ lập luận nào của một ai khác.
Lời kệ của đức Thích Tôn được ghi lại trong kinh Tăng Nhất Tập chứa đựng một chân lý mà cho đến nay không có một ai có thể phản bác ở bất cứ điểm nào:
“Đừng tin điều gì do kinh sách.
Đừng tin điều gì do tập quán lưu truyền.
Đừng tin điều gì vì được người ta nhắc đi nhắc lại.
Đừng tin điều gì do bút tích của thánh nhân.
Đừng tin điều gì do người ta tưởng tượng ra rồi gán cho thần phật nói.
Đừng tin điều gì vì uy tín của thày dạy
Nhưng hãy tin vào điều các con đã từng trải, đã kinh qua và suy xét cho là đúng, có lợi cho các con và kẻ khác.
Lòng tin ấy sẽ thăng hoa đời con, và các con hãy lấy đó làm tiêu chuẩn.”
[4]
Đó mới là ý nghĩa chính đáng của việc “phải vứt bỏ những trói buộc của ngôn từ khái niệm” mà tác giả ĐXP đã đi một bước trệch hướng 180 độ.
3.
Tôi không đồng ý với ông Hoàng Ngọc viết trong “
Thư độc giả ngày 2.4.2005” khi ông cho rằng người không tin gì cả có thể làm bất cứ điều gì dù là gian ác cách mấy vì họ không còn sợ ai trừng phạt. Tại sao ta lại phải làm điều gian ác nếu ta không tin có một Thượng đế đang chờ phạt? Học thuyết nhân bản (Humanism) lấy hạnh phúc con người làm cứu cánh. Nếu hạnh phúc con người còn tùy thuộc vào hạnh phúc của đồng loại thì tại sao chúng ta phải làm điều ác cho nhau? Chúng ta có thể hưởng hạnh phúc một cách trọn vẹn khi những người bên cạnh sống bất hạnh sao? Hơn nữa, có rất nhiều người gian ác hay phạm pháp có đức tin tôn giáo. Lịch sử thế giới cho chúng ta biết đã có biết bao cuộc thánh chiến. Những người khủng bố ôm bom nổ đều có đức tin vào một Thượng đế và sự thưởng phạt ở đời sau. Những bắt bớ, ngược đãi, bạo hành các nhà thần học, triết gia, nhà văn không cùng quan điểm; những thủ tiêu, xử tử, đốt sống những khoa học gia mà người ta gán cho là phù thủy, tất cả chỉ vì lý do tôn giáo. Bình thường chúng ta không thấy có sự liên hệ nào đến niềm tin tôn giáo khi con người làm điều gian ác, nhưng có điều chúng ta biết chắc chắn rằng một khi con người nhân danh tôn giáo để làm thì mức độ tàn ác sẽ vô lường. Tôn giáo có ích hay có hại cho con người cũng là đề tài còn đang bàn cãi, chưa đóng khép. Do đó, talawas còn đang tốn nhiều gigabit để cho chúng ta góp ý. Có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta cùng đổi sang đề tài này. Đó là lý do tại sao talawas có một mục riêng cho các vấn đề tôn giáo.
4.
Trong bài “
Karol Wojtyla với tác phẩm Đạo đức học sơ yếu”, ông Phạm Vĩnh Cư viết: “Nếu thiếu công bằng cộng với thiếu hiểu biết thì những người không theo đạo này, mỗi khi nói đến nó, dễ chỉ nhắc đi nhắc lại một số lỗi lầm lịch sử của nó, mà chính nó đã công khai thừa nhận và chối bỏ, và theo những định kiến hẹp hòi và cũ kĩ sẽ tiếp tục nhìn thấy ở nó chỉ một tàn dư đáng bực mình của “đêm trường trung cổ”. Nếu chỉ đọc sơ qua thì chúng ta thấy ý tứ hoàn toàn hữu lý. Tuy nhiên nếu xét cho kỹ càng hơn thì sự việc không đơn giản như vậy.
Một trong những bổn phận chính yếu của người Kitô giáo là bổn phận tông đồ trong đời sống tạm bợ cõi trần, chuẩn bị cho một đời sống vĩnh cữu sau khi chết. Nói nôm na hơn thì bổn phận đó là bành trướng đạo đến những người khác. Phần thưởng thiêng liêng cho người có công trạng không phải là nhỏ. Bởi vậy, họ có một chương trình hành động được hỗ trợ bằng những thế lực rất mạnh và những nguồn tài chánh rất dồi dào. Có một linh mục kia mạnh bạo tuyên bố trên tòa giảng rằng "tôi có một Chúa để tôn thờ. Tôi thà vâng lời Chúa của tôi hơn là vâng lời người thế gian." Đó là lời tuyên bố nghe rất hữu lý, hoàn toàn phù hợp với giáo lý của họ và có sức mạnh kích thích con người bất tuân luật pháp để sẵn sàng chết cho đạo. Cách đây vài tháng ở bên Mỹ, có một nhóm người kiện bộ giáo dục vì chưa triệt để áp dụng nguyên tắc tôn giáo phải tách rời khỏi chính quyền để đòi bỏ thuyết sáng tạo hoàn toàn ra khỏi học đường. Những người Kitô giáo đã biểu tình chống đối phán quyết của tòa, xách động dân bằng khẩu hiệu "cách đây 2000 năm, Chúa đã chết để cứu chuộc chúng ta, vậy tại sao ngày nay chúng ta không thể chết cho Ngài?" Điều rõ ràng là ngày nay đang có rất nhiều quốc gia có những luật lệ đối nghịch với tín lý Kitô giáo, chẳng hạn như luật cho phép phá thai, ly dị, hôn phối đồng tính, nghiên cứu tế bào phôi (stem cells), quyền được chết... Nếu tín đồ nào cũng đặt tín điều của tôn giáo mình trên luật lệ quốc gia thì điều gì sẽ xảy ra? Tôi nghĩ sẽ rất dễ dàng dẫn đến chiến tranh nếu không có ý thức thượng tôn pháp luật, hoặc ít nhất thì tập thể quốc gia ấy cũng mất ít nhiều sự đoàn kết, một yếu tố quyết định để phát triễn và mang phúc lợi cho mọi công dân. Sinh hoạt chính trị ở Hoa Kỳ mang mầu sắc tôn giáo trong mấy tuần qua liên hệ tới quyền được chết của một người bệnh để giảm bớt đau khổ (vụ Terry Schiavo) đang là những nguy cơ phá hoại sự đoàn kết. Và trong cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2004, một vài giám mục và linh mục đã công khai tuyên bố sẽ không cho ứng viên đảng dân chủ John Kerry rước lễ và còn nói đến vạ tuyệt thông vì ông này ủng hộ luật cho phép phá thai. Lạm dụng niềm tin tôn giáo để làm áp lực chính trị tìm lợi thế phe nhóm thì rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Nguyên tắc giáo quyền phải tách rời khỏi chính quyền đã được hiến pháp Hoa Kỳ khẳng định nhưng lúc nào giáo quyền cũng tìm cách ảnh hưởng hoặc chi phối chính quyền bằng mọi cách.
Trong bối cảnh sinh hoạt chính trị và xã hội như thế, “những lỗi lầm lịch sử” vẫn rất có thể được tái diễn dưới một hình thức mới mẻ hơn, vì hoàn cảnh xã hội, cơ cấu tổ chức chính trị đã thay đổi; và vì trình độ tri thức con người không còn ấu trĩ, dễ sai bảo như ở thời trung cổ. Vấn đề nằm tại một giáo lý căn bản chủ trương bành trướng theo cấp số nhân được đảm bảo bằng phần thưởng thiên đàng ảo tưởng quá hấp dẫn khiến tín đồ không chịu an phận với niềm tin vô lý của họ, mà lại hăng hái cố gắng thiết lập những luật lệ phù hợp với tín lý đạo giáo để áp đặt lên đầu lên cổ những người khác. Nếu chúng ta nhìn vấn đề dưới góc cạnh đại thể qui mô như vậy thì việc “ôn cố tri tân” cũng là việc nên làm để tránh những lỗi lầm lịch sử dưới hình thức mới, chứ không nên vội lên án cho đó là “những định kiến hẹp hòi, cũ kĩ” hay “thiếu công bằng, thiếu hiểu biết”.
© 2005 talawas
[1]Phan Thiết,
Hành hương đất Phật, Ký sự, Chương 4, Đạo lý của Phật Thích Ca, trang 110, Southern Stars Publisher, Australia.
[2]Corliss Lamont,
Humanism, trang 140, Eight Edition, Revised. Half Moon Foundation, Amherst, NY 14226
[3]Corliss Lamont,
Humanism, trang 141, Eight Edition, Revised. Half Moon Foundation, Amherst, NY 14226
[4]Phan Thiết,
Hành hương đất Phật, Ký sự, Chương 1, Vô tự chân kinh, trang 31, Southern Stars Publisher, Australia.