© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
11.5.2007
Bình Nguyên Lộc
Lột trần Việt ngữ
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Phụ lục

A. Người Jêh bí mật

Người Mỹ chỉ mới đến Việt Nam có mấy năm, nhưng làm việc nhiều bằng 10 người Pháp trong vòng một trăm năm, về ngôn ngữ Thượng Việt.

Tuy nhiên họ vẫn sai lầm y hệt như người Pháp về ngôn ngữ Thượng: họ cho rằng Thượng Việt nói tiếng Cao Miên, trong khi Thượng Việt chỉ nói tiếng Mã Lai đợt I, tức tiếng Việt Nam.

Cứ đối chiếu những danh từ cổ sơ nhứt của loài người giữa Cao Miên, Việt Nam và Thượng Việt như Cá, Cây, Lá, Mắt, Trời thì đã biết Thượng Việt nói giống ai.

Sự sai lầm ấy, chúng tôi cho rằng cố ý, vì các nhà ngữ học ấy nhiều khả năng thật sự thì không thể bảo rằng họ sai lầm thô sơ vì dốt. Nhưng chúng tôi chỉ phớt qua về điểm đó, vì nó sẽ động chạm mạnh đền nhiều thế lực và sẽ gây hại cho chúng tôi.

Có một điểm làm cho các ông da trắng bối rối lắm là ngôn ngữ của người Jêh. Người Jêh là đồng bào Thượng ở cực bắc tỉnh Kontum, tức có địa bàn ở trên người Sơ Đăng và nằm ngang tỉnh lỵ Quảng Ngãi về mặt vĩ tuyến.

Các ông da trắng thấy rằng người Jêh có ngôn ngữ giống ngôn ngữ Nam Dương đến 70% tức giống hơn người Chàm đã giống.

Thế nên vài ông kết luận rằng người Jêh đã từ Nam Dương di cư tới đó hồi Thượng cổ.

Chúng tôi có thử giải thích nguồn gốc của người Jêh, nhưng sau khi học xong ngôn ngữ của họ, chúng tôi thấy rằng lối giải thích của chúng tôi, tuy có căn bản vững, nhưng vẫn sai như thường. Dưới đây là lối giải thích sai mà chúng tôi ngỡ là đúng, nhưng cũng xin trình ra:

Quảng Ngãi thuộc vào Chiêm Động, tức trung tâm văn hóa của Lâm Ấp. Dân Lâm Ấp không thể chấp nhận cạnh họ còn “man di”, nên họ chỉ còn một con đường đi độc nhứt là nỗ lực khai hóa thứ người đó, và vì sự nỗ lực quá lâu đời, từ đầu Tây lịch, nên Jêh bị Lâm Ấp hóa, rồi về sau bị Chàm hóa.

Ta biết được điều đó, bằng vào những địa danh Chàm còn sót lại ở miền Trung, nó giống hệt các danh từ Nam Dương mà khác hẳn danh từ Chàm đời nay, tức Lâm Ấp ăn nói giống hệt Nam Dương.

Thí dụ ở Ninh Thuận có một làng nay còn mang tên là MATI. Đó là động từ Nam Dương có nghĩa là Chết. Nhưng chính người Chàm Ninh Thuận lại diễn cái ý niệm chết đó bằng động từ MƯTAI.

Kết luận: người Chàm trung cổ và người Lâm Ấp cổ có ngôn ngữ giống hệt Nam Dương không khác một nét. Sở dĩ nay họ nói khác là vì luật Swadesh, và sở dĩ người Jêh có ngôn ngữ của người Nam Dương là vì họ bị Lâm Ấp hóa hồi cổ thời. Hoặc cũng có thể người Chàm Ninh Thuận không phải là người Chàm. Nếu luật Swadesh chi phối ngôn ngữ của Chàm Ninh Thuận thì chỉ có 20% hoặc 40% danh từ bị biến dạng. Nhưng danh từ Lâm Ấp cổ thời và Chàm cổ thời khác với danh từ Ninh Thuận đến 100%.

Nên biết rằng có một tiểu vương quốc ở Bình Tuy, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, như bia Võ Cảnh đã cho biết, vốn là thuộc quốc của Phù Nam. Chàm chỉ chiếm tiểu vương quốc ấy hồi thế kỉ thứ 9. Họ lãnh đạo, nên địa danh do họ đặt ra vì lý do hành chánh, nhưng địa danh đó không thể ăn khớp với lối nói của người dân. Làng thì là làng Mati, nhưng dân lại nói là Mưtai. Mà khác hết ở toàn khối ngôn ngữ, chớ không phải chỉ khác có 20%, theo luật Swadesh, sau 1000 năm.

Người ta tự hỏi, nếu thế thì người Chàm biến đi đâu. Rất dễ biết, họ biến thành người Việt miền Trung, và chúng tôi có chứng tích như vậy.

Các ông da trắng không có nói như chúng tôi vì các ông không biết rằng người Jêh vốn là Lạc bộ Trãi, mặc dầu các ông gọi Jêh là Austroasiatiques, tức gọi đúng 100% theo tiền sử học. Nhưng có lẽ các ông không hiểu hai danh xưng Austroasiatiques và Austronésiens là gì, nên một mặt, các ông cho rằng họ từ Nam Dương lên, một mặt các ông gọi họ là Lạc bộ Trãi, tức bọn từ Hoa Bắc di cư xuống.

Bằng vào ngôn ngữ, chúng tôi thấy người Jêh là Lạc bộ Trãi thật sự, nhưng bị Lâm Ấp hóa, y hệt như người Rôglai bị Chàm hóa. Những danh từ căn bản của họ là danh từ Lạc bộ Trãi chớ không của Lạc bộ Mã.

Lối giải thích của chúng tôi có vẻ vững chãi lắm, nhưng xét lại thật kĩ ngôn ngữ Jêh thì chúng tôi giựt mình: NGƯỜI JÊH CÓ DÙNG DANH TỪ Ả RẬP.

Khi Chiêm Thành mất Quảng Ngãi thì họ chưa theo đạo Hồi của người Ả Rập thì họ không thể biết tiếng Ả Rập để dạy người Jêh.

Thế là chúng tôi sai. Nhưng các ông da trắng lại càng sai đậm hơn bởi các ông nó đến một cuộc di cư vào thời thượng cổ, mà vào thời thượng cổ thì người Nam Dương chưa biết lấy một tiếng Ả Rập nào hết, mà dân Ả Rập cũng chưa văn minh như một ngàn năm sau Tây lịch, tức không có đi đâu cả để truyền bá ngôn ngữ của họ tới Nam Dương. Trong khi các dân tộc lớn, dân Ả Rập là dân tộc văn minh sau cùng hết.

Thế thì nguồn gốc của người Jêh bí mật thật sự chớ không phải chuyện chơi. Có thế nào mà đó là những tiếng Ả RẬP do người Chàm mới đưa sau vào đó chăng, tức sau khi họ mất Quảng Ngãi rất lâu?

Nhưng chúng tôi cũng có thể xét qua về sự có thể ấy, nhưng cũng không đúng vì những danh từ Ả RẬP mà người Jêh dùng, toàn là danh từ mà người Chàm không có dùng. Thí dụ: Trạng từ VÌ thì người Chàm chỉ dùng trạng từ Mã Lai là YUA, trong khi đó người Jêh dùng trạng từ Ả RẬP là SƠBAB.

Người Chàm cũng chỉ mới theo đạo Hồi về sau, qua trung gian người Nam Dương, tức họ còn đang ở trong thời kì Hồi hóa mạnh thì không thể bảo rằng họ đã trở về với dân tộc họ mà chỉ mới nói YUA đây thôi, còn bốn trăm năm trước thì họ nói SƠBAB. Không, họ chưa tiến đến giai đoạn dân tộc hóa đạo Hồi, và họ nói YAU là đã nói từ nhiều ngàn năm xưa.

Đạo Hồi được truyền bá đi khắp nơi vào thời kỳ có sử, tức thời trung cổ Âu Châu, tức chỉ mới đây thôi, thế mà một cuộc di cư của người Nam Dương theo đạo Hồi, đến Kontum, sao lại không được sử biết?

Bây giờ chúng tôi xin thử giải thích khác hơn thử xem sao: người Jêh là một thứ người với người Châu Giang, tức là thường dân đi theo gót đạo quân viễn chinh của Java đã xâm lăng Cao Miên. Cao Miên quật cường, đế quốc Java bị đuổi đi, nhưng thường dân còn ở lại đông đảo ở Cao Miên, ở Nam Kỳ và ở Bắc Kontum. Nên biết rằng Bắc Kontum nằm tại ngã ba biên giới Miên-Lào-Việt. Có lẽ đó là quân xâm lăng nữa cũng nên chớ không là thường dân, nên mới bị đuổi và phải chạy xa như vậy, chớ thường dân Java vẫn ở lại được, ngay tại Nam Vang mà không bị trả thù.

Nhưng lối giải thích nầy lại vấp phải sự kiện sau đây là tất cả dân Java ở lại, đều theo đạo Hồi, còn dân Jêh thì không có theo đạo Hồi. Vậy kiến giải thứ nhì cũng không đúng, hơn thế nó lại mâu thuẫn với nhận xét của chúng tôi: Jêh thuộc Lạc bộ Trãi, thì không thể là người Nam Dương được.

Buồn cười lắm là các ông da trắng, một mặt xác nhận rằng Jêh ngữ có 70% danh từ giống Nam Dương, một mặt cứ tiếp tục chủ trương rằng Jêh ngữ thuộc gia đình Cao Miên ngữ. Nhưng cái 30% còn sót lại, lại giống tiếng Việt Nam!!! Mà các ông không biết.

Các ông không biết vì đó là cái tiếng Việt của vua Hùng Vương nó hơi khác tiếng Việt ngày nay. Dân Jêh là dân nói PIET thay vì LƯỠI (vì thế mà dân ta đọc tiếng Tàu XỨA là THIỆT) nói KCHIAT thay vì CHẾT, nói TÀ LÊ thay vì DỄ, nói LAANG thay vì LƯNG, nói TMEK thay vì MUỖI, nói NANG thay vì CAU và MONANG thay vì MO CAU, nói MANGAAY thay vì NGƯỜI, nói ĐRA thay vì GIÀ.

Nhưng thà là làm thinh khi không biết, chớ sao cho rằng họ thuộc gia đình Cao Miên, cho dẫu là cái 30% đó cho là tiếng Cao Miên đi nữa. Nhưng các ông thừa biết rằng cái 30% đó không phải là tiếng Cao Miên.

100% sách Pháp cho rằng Thượng Việt ngữ là Cao Miên ngữ.

95% sách Mỹ cho rằng Thượng Việt ngữ là Cao Miên ngữ. Chúng tôi xin dùng chính luật ngữ học của người Mỹ, luật M. Swadesh để đối chiếu vài danh từ của con người cổ sơ, thử xem Thượng là Cao Miên hay là Việt Nam.

CÁ đã đối chiếu rồi, không có mặt Cao Miên. Cao Miên gọi CÁ là TRẬY. Mắt cũng đã đối chiếu rồi và cũng không có mặt Cao Miên. Cao Miên gọi Mắt là FNÉC.

TÔI của Cao Miên là NHUM, chẳng dính líu gì đến Ai, Any, Anh, Anhe, Aku, Ku của Thượng Việt cả.

CHẾT

Cao Miên:
NGỌP
Việt Nam:
CHẾT
Khả Tu:
CHET
Mạ và các phụ chi:
CHƯT
Đại Hàn:
CHƯK
Pacóh:
KACHIAT
Bà Na:
LÔCH
Bru:
CUCHÊIT
Khả Lá Vàng:
KÈT

CÂY

Cao Miên:
CHXƠ
Việt Nam:
CÂY
Mạ và các phụ chi:
KI
Khả Lá Vàng:
KI
Rôglai:
CAYƠU
Rađê:
KIÂO

Thượng Việt là Cao Miên ở chỗ nào?

Ta đã đối chiếu CÁ, MẮT, TÔI, CHẾT, CÂY. Đối chiếu thêm một danh từ nữa thì xong.

CHÓ

Cao Miên:
KE
Việt Nam:
CHÓ
Sơ Đăng:
CHÓ
Bana:

Mạ:

Bru:
ACHO

Thượng Việt là Cao Miên ở điểm nào?

Chúng tôi xin dựa vào một sự kiện khác để thử giải thích lần thứ ba. Người Rôglai và người Churu cũng là hai nhóm Trãi, nhưng cũng nói giống Nam Dương lối 60, 70%. Nhưng các ông da trắng không hề dám nói đến một cuộc di cư của người Nam Dương lên xứ Churu và xứ Rôglai, vì họ có chứng tích rằng chính người Chàm đã khai hóa Churu và Rôglai, mà người Chàm thì nói giống Nam Dương đến 90%.

Vậy chúng tôi kết luận rằng khi Cao Miên quật cường thì một số lính Java chiếm đóng Cao Miên, đã chạy trốn vào xứ của người Jêh. Bọn lính Java nầy thì đã biết tiếng Á Rập rồi.

Người Jêh còn kém nên được bọn lính ấy khai hóa, thế nên họ mới mất 70% danh từ.

Bọn Java ấy thì mất cán bộ tôn giáo, nên cũng mất tôn giáo luôn. Cứ nhìn vào người Chàm Ninh Thuận, ta sẽ biết cái gì. Họ không mất hẳn cán bộ đạo Hồi, thế nhưng họ còn giữ được gì của đạo Hồi? rất là ít.

Bọn Java nói trên, sống ở xứ Jêh lối ba thế hệ người là chẳng còn biết gì nữa về đạo Hồi rồi.


B. Những con số ngộ nghĩnh

Trong quyển LES RELIGIONS CHINOIES ông H. Maspéro viết rằng ở Đông Nam Á, tất cả các dân tộc đều có nhưng con số đếm (Numérations) giống hệt Trung Hoa và ông kết luận rằng người Thái là người cổ Trung Hoa.

Nhưng qua các biểu đối chiếu trong các quyển sử chúng tôi, thì ai cũng thấy rằng các dân tộc có nhưng con số đếm giống hệt như Việt Nam, trừ Chàm và Thái.

Nhưng Chàm và Thái cũng không đếm như Tàu.

Chàm đếm y hệt như Nam Dương.

Thái thì có vay mượn một mớ của Tàu nhưng còn giữ được một mớ, nhưng con số thượng cổ ấy lại không giống Tàu Kim hay Tàu cổ gì hết.

Người Thái giữ được:

Nữa
Rưỡi
Một
Trăm

Số 2 họ mượn của Tàu, nhưng lại mượn sai, họ mượn chữ SONG có nghĩa là CẶP.

Thế thì Thái là cổ Trung Hoa ở chỗ nào?

Nghĩa Nhựt Bổn giữ được:

Bốn
Bảy
Tám
Mười

Tức cũng đồng số với Thái, nhưng mà tiếng giữ được dĩ nhiên không là tiếng Tàu, vì nếu là tiếng Tàu thì đâu có thể nói là “giữ được”.

Ta rất ngạc nhiên hỏi tại sao họ không mất hết mà lại giữ làm gì có 4 con số?

Hình như là tôn giáo không phải là vô can trong vụ này. Bốn con số ấy có thể dính với tôn giáo gốc của hai dân tộc đó chăng?

Chúng tôi chưa tìm được bằng chứng nào đáng kể hết. Nhưng cũng nên biết sơ rằng trong truyền thuyết về nguồn gốc người Nhựt con số 8 rất quan trọng: bà Trời của Nhựt Bổn có 8 người con, hóa ra 8 hòn đảo ngày nay của họ.

Ta bị trực trị, nhưng giữ được tất cả thì quả thực quá tài tình. (Chúng tôi không kể đến ngàn, triệu, ức, vì dân ta thuở ấy không có dịp đếm nhiều đến thế.)

Còn tại sao người Cao Miên thuở xưa, không kém hơn các dân tộc khác chút nào hết, mà lại chỉ có năm con số rồi thôi thì thật là khó hiểu hơn là Nhựt và Thái mất 6 con số đếm.

Họ không mất vì họ không có mượn tiếng Tàu hay tiếng của ai hết mà cứ đếm bằng tiếng của họ, chỉ có khác là, 6 họ nói là 5 với 1, 7 họ nói là 5 với 2.

Vấn đề nầy hình như là vấn đề rất lớn lao của lịch sử loài người. Quả thật thế, cứ đinh ninh rằng ta có 10 con số hữu lý. Nhưng cái sự hữu lý đó nằm tại chỗ nào? Tại sao không 5, không 20 mà lại là 10?

Người Cao Miên có thể nói rằng họ hữu lý hơn vì một bàn tay chỉ có 5 ngón, mà nhân loại cổ sơ đếm bằng ngón tay. Nếu dùng cả hai bàn tay thì phải dùng cả hai bàn chân nữa, mà như thế phải là 20 chớ không phải là 10.

Có một điều chắc chắn rằng là đồng bào Thượng hoàn toàn không phải là phụ chi Cao Miên như các nhà bác học Pháp đã nói. Sao phụ chi lại có đến số 10, còn chánh lại chỉ có tới số 5?

Một phụ chi Lạc bộ Trãi là người Khả Lá Vàng rất giống với ta là họ nói tiếng CHỤC, trong khi toàn thể đồng bào Thượng chỉ có MƯỜI.

Chúng tôi nghi rằng tôn giáo là kẻ giữ được nguồn gốc một dân tộc, không phải là nói riêng về Nhựt, mà về người Thái cũng thế.

Trong lễ cúng ông thần Dwata Luong, thầy phù thủy đọc thần chú như sau:

Một, ha, ba, bốn, sáu, lên ngựa đi quanh Mường
Một, hai, ba, bốn, bảy, thọc sâu tay vào bị bạc, bị vàng
Một, hai, ba, bốn, tám, có 8 cây lọng màu da cam che đầu.
Một, hai, ba, bốn, chín, làm chúa thiên hạ

Con số 5 không được nói đến, có lẽ vì nó đả động tới cái gì đó mà cả thầy phù thủy cũng không biết. Và chính số 5 là số mà họ đã giữ được. Vì tánh cách thiêng liêng của nó.


C. Sức sống mãnh liệt của ngôn ngữ

Ngữ học là một khoa học non choẹt về tuổi tác. Nếu kể những công trình đầu tiên vào thì khoa ngữ học cũng chỉ có hai trăm tuổi. Nhưng thật ra thì người ta chỉ làm việc nhiều từ 50 năm nay mà thôi.

Giống hệt khoa tâm bịnh, hai khoa non choẹt đó phải nỗ lực kinh hồn để rượt theo các khoa khác, thành thử ngữ học và tâm bịnh học, trong 50 năm, tiến bằng 500 năm của các ngành hoạt động văn hóa khác.

Vì thế mà sử học không có thì giờ theo dõi ngữ học, và cứ chê ngữ học không đủ khả năng để được dùng làm chứng tích.

Sử học không bao giờ dè rằng ngôn ngữ có một sức sống phi thường. Nếu không bị ai phá hoại, nó còn tồn tại được ít nhất là sáu ngàn năm, nhưng nếu có ngoại nhân phá hoại, hai ngàn năm vẫn không đủ giết ngôn ngữ. Người Phúc Kiến hiện còn dùng mạnh hai trăm danh từ của Mã Lai Nam Dương thì đủ biết Tần Thỉ Hoàng có thành công trọn vẹn hay không trong cuộc diệt dân tộc Lạc bộ Mã ở Hoa Nam.

Trường hợp của Nhựt Bổn thì lại khác. Họ tự phá hoại ngôn ngữ của họ. Thế thì tưởng họ phải thành công hơn là Tần Thỉ Hoàng. Nhưng không. Tất cả những danh từ Nam Dương bị họ cố sát vẫn cứ còn nguyên vẹn trong Nhựt ngữ, không thay đổi một nét.

Dĩ nhiên là họ đã giết được một mớ, nhưng không giết chết hẳn, và nhờ thế mà chúng tôi tìm lại được cả. Nhưng có một mớ quyết tử và ẩn núp, thoát được tất cả mọi bố ráp và Nam Dương nói sao, Nhựt nói y hệt như vậy. Đó là những danh từ (7%) mà nhà bác học Nhật Bổn tìm được.

Những phát giác của chúng tôi, nếu không được ai tin, vì thiếu căn bản ngữ học, vẫn phải tin nhà bác học Nhựt, vì ông ấy không có đối chiếu hai tiếng hơi giống nhau, mà đối chiếu những cặp danh từ y hệt như nhau.

Nhà bác học ấy không biết ngôn ngữ của Lạc Địch, nên không đối chiếu SÀO của Việt Nam, và SAO của Nhựt Bổn, nhưng ông đã dùng phương pháp đó, tức là phương pháp tìm những tiếng giống hệt nhau giữa Nam Dương và Nhật Bổn, khác hẳn chúng tôi là kẻ chỉ chọn những tiếng hơi khác nhau để kết nối bằng phương pháp “Xâu chuỗi biến dạng”. Thí dụ:

Nam Dương:
Mati = Chết
Nhựt:
Naki = Chết
Việt Nam:
Mất = Chết

Thấy rõ rằng ngôn ngữ là cái gì không thể giết được, khi chúng tôi trưng ra đủ bằng chứng rằng danh từ Nhựt không phải chỉ hơi giống danh từ Nam Dương, mà giống hệt, không khác nét nào cả, khác hẳn những trường hợp MATI và NAKI nói trên.

Khi chúng tôi nói rằng Nhựt biến KAKI là CẲNG của Nam Dương, thành ASHI, vị nào không tin, vẫn phải tin, khi thấy trong vài trường hợp, Nhựt cứ còn dùng danh từ KAKI của Nam Dương.

Họ tự phá hoại ngôn ngữ, nhưng không đủ sức làm cho đổ vỡ hết, vì sự chịu đựng dẻo dai của ngôn ngữ thật là ngoài sức tưởng tượng của con người.

Trong quyển sách này, chúng tôi đã nhiều lần nói đến cuộc li khai của một nhóm Lạc bộ Mã, họ rời Nam Dương đi Nhựt Bổn để cướp ngôi các vua lon con Lạc bộ Trãi ở Nhựt.

Hình như là có sự giận hờn lớn lao giữa người Nam Dương với nhau, nên đến Nhựt rồi thì bọn ấy biến nát danh từ Nam Dương hết, đến nỗi không nhận diện được nhau nữa.

Nhưng có muốn xóa dấu vết, Nhựt Bổn vẫn không thành công, vì chúng tôi bắt được tất cả những danh từ Nam Dương ẩn trốn trong Nhựt ngữ.

Thí dụ Nam Dương gọi CẲNG là KAKI, Nhựt biến thành ASHI, nhưng để CẲNG VỊT thì họ vẫn dùng KAKI y hệt như Nam Dương, không khác một nét.

MIZUKAKI = Cẳng trước = Cẳng vịt (Palmipède)

Con mắt, người Nhựt lấy chữ Mục của Tàu và đọc là MÊ, trong khi Nam Dương gọi là Mata. Nhưng Mata vẫn còn nguyên vẹn trong Nhựt ngữ?

MATATAKI = Cái chớp mắt

Danh từ TAKI là CÁI CHỚP của Nhựt thì Nam Dương nói là KAJIP. Nhựt biến thành TAKI, nhưng KAJIP lại cứ còn, ở nơi khác.

Cái Mặt, Nam Dương nói là MUKA, Cao Miên lấy âm đầu là MUK, Nhựt lấy âm sau là KA rồi biến thành KAO. Nhưng MUKA vẫn cứ còn nguyên vẹn trong Nhựt ngữ với động từ:

MUKA (U) = Đối diện

ĂN, Nam Dương nói là MAKAN, Nhựt nói là KUU, tức đã biến nát rồi, nhưng thức ăn thì gần như còn nguyên vẹn.

Nam Dương:
Makanan
Nhựt:
Makanai

Con chim Hồng, hay CÁ, Nam Dương gọi là AKA KƠ- RAPU. Nhựt biến CON CÁ thành SAKANA nhưng con chim Hồng vẫn cứ là KAMÔMÊ.

Nam Dương gọi mưa là AMA, Nhựt cũng cứ biến khác là AMÊ. Nhưng AMA vẫn cứ còn nguyên vẹn trong những danh từ Nhựt dưới đây:

AMAGOI
= GỌI MƯA (CẦU ĐẢO)
AMAGASA
= Dù che mưa (biến thể của Amakasa)
AMAGAPPA
= Áo tơi (biến thể của Amakappa)
AMAGU
= Nón che mưa
AMAGAEBRU
= Con chẫu (loại nhái xuất hiện trong chiều mưa)
AMAJITAKU
= Phòng mưa
AMAMIZU
= Nước mưa
AAMAMORI
= Sự nước mưa rỉ vào
AMAMOYÔ
= Trời chuyển mưa
AMAOOI
= Rèm che mưa

Không thể xóa dấu vết tổ tiên được, cho dẫu có giận hờn với nhau bao nhiêu đi nữa.

Khoa học chê ngôn ngữ dùng làm chứng tích đồng chủng, nhưng khoa học có biết những điều trên đây hay không là sức sống mãnh liệt của danh từ, nó thọ đến 6 ngàn năm như Any, chớ không phải chỉ có hơn hai ngàn năm như Muka, Mata, Kaki, cho dẫu là hai ngàn năm tự phá hoại đi nữa.

Ai biết song song hai thứ tiếng Nam Dương và Nhựt, tìm nối kết mà xem, tất cả nhưng danh từ Nam Dương mà Nhựt hờn mát đập tan hết, vẫn cứ còn sống nhăn trong Nhựt ngữ.

Chúng tôi tin rằng có sự giận hờn nên biến nát, bằng chứng là danh từ của Lạc bộ Trãi, tức của Việt Nam và Thượng Việt thì lại được kính nể ở Nhựt, có biến chút đỉnh, nhưng không nhiều, còn nhận ra được:

Sừng
=
TSUNO
Mới
=
MA (không lâu)
May (mắn)
=
MA
(múa) May
=
MAI
Nữa
=
NAO
Múa
=
MAU
Na ná
=
AN NA
Gió
=
KAZÊ
Nấc
=
NAKIJAKURU
Kêu
=
KIAI
Cây
=
KI
Ri (rừng )
=
MORI (Lỡ RÚ, lỡ RI)
Con
=
KO
(buồn) Hiu
=
HIAI
Xưa
=
SIUUA (SEWA)
Món
=
MÔNÔ
Đưa
=
TIWATUSU (TEWATASU)
Cay
=
KARAI
Ung mủ
=
UMU
Sào
=
SAO
(đồng) Nội
=

Chút
=
CHOTTÔ
Cứt
=
KUSO
Bướu
=
KÔBU
Cái mình
=
MI
Cái mụt
=
MÊ (lộc non)
Sán xơ mít
=
SANA

Nếu không có chuyện căm thù nhau, sao xảy ra hiện tượng kỳ dị và ngôn ngữ của kẻ thua trận, được kính nể, còn ngôn ngữ của chính họ thì lại bị phá hoại?

Nhưng đó là chuyện phụ. Chuyện quan trọng là không thể giết chết ngôn ngữ được trong khi mà Mata, Kaki, Ama, Makanai, Muka (u), cứ còn nằm đó để nói rõ to rằng một phần nước Nhựt là Nam Dương.
Nguồn: Bình Nguyên Lá»™c. Lá»™t trần Việt ngữ. Nguồn XÆ°a xuất bản. Sài Gòn 1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.