© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
23.12.2005
Knut Ahnlund
Chính kiến rồ dại
Hồ Phạm Huy Đôn dịch
 
Báo Thế giới: Gần một năm sau khi bà Elfriede Jellinek được trao giải Nobel văn học, ông rút ra khỏi Viện Hàn lâm Thụy Điển. Xin ông cho biết vì sao?

Knut Ahnlund: Lúc bà Jellinek được giải, tôi chưa hề đọc một dòng nào của bà cả. Giữa hai trận ốm tôi đã đánh vật với khoảng 30 tác phẩm của bà ấy và tốn không ít thời gian cho cái công việc nhọc nhằn này. Viện Hàn lâm đã đưa ra một quyết định nặng tính cơ hội. Họ tưởng rằng sẽ được tiếng tốt nếu trao giải cho một nhà nữ quyền cực đoan. Nhưng bà Jellinek không hề là một nhà nữ quyền cực đoan. Bà chỉ nối kết từ ngữ thành một khối hỗn độn, gia thêm mùi vị của sự gợi dục ác dâm và khổ dâm đầy bạo lực, nhưng lại gượng gạo đội lốt chống khiêu dâm. Đó là lý do của sự trọng vọng nhầm lẫn dành cho bà và 35 đầu sách của bà.

Báo Thế giới: Ông nghĩ sao về việc trao giải cho Harold Pinter?

Knut Ahnlund: Đây cũng không phải là một quyết định hay, nó khiến tất cả các nhà văn có tầm cỡ thật sự đang còn phải chờ đợi bị mất giải thưởng. Kịch phẩm của Pinter chỉ là một phiên bản second-hand của Beckett hoặc Ionesco nhưng lại được đánh giá cao một cách quá đáng. Tác phẩm của ông ấy được xem là sâu sắc mặc dù không sâu sắc chút nào cả. Dù đọc hay nghe cũng rất khó theo đến cùng, kịch của ông ấy vốn đầy những khoảng lặng kéo dài, sự hành xử đầy bộc phát. Chính kiến rồ dại của ông ấy cũng không làm vấn đề hay hơn. Còn những tác phẩm sau này của ông ấy thì thật là khủng khiếp.

Báo Thế giới: Vậy có thể giải thích những quyết định nặng tính cơ hội này như thế nào?

Knut Ahnlund: Trong di chúc viết năm 1895 Alfred Nobel đã quy định nên trao giải cho một cá nhân „có tác phẩm văn học xuất sắc nhất theo xu hướng lý tưởng“. Lời hướng dẫn bí hiểm này trở thành một trở ngại gây nhiều tranh cãi xung quanh việc đề cử và trao giải thưởng từ 60 năm nay. Theo hướng dẫn này thì người được giải phải có một tư cách nhất định, phải trung thành ở một mức nhất định với những qui ước, niềm tin cũng như hình thức đang tồn tại. Dù không ai rõ Nobel muốn nói gì qua cụm từ „theo xu hướng lý tưởng“, thì đó vẫn là một dạng yêu cầu tối thiểu.

Báo Thế giới: Và hậu quả là?

Knut Ahnlund: Các nhà cách mạng, các trí tuệ tự do hay những tay kẻ liều mạng như Leo Tolstoi, Henrik Ibsen, August Strindberg, Thomas Hardy và nhiều người khác nữa đã bị ra rìa. Theo thời gian, ý nghĩa của từ „lý tưởng“ được suy diễn ngày càng rộng hơn và giờ đây được hiểu theo một cách hoàn toàn khác trước. Bước ngoặt quyết định là việc trao giải năm 1964 cho Sartre và năm 1969 cho Beckett. Nhưng theo tôi thì không thể trao giải một cách hoàn toàn độc lập với những cân nhắc nào đó về đạo đức và nội dung đạo đức.

Báo Thế giới: Còn yếu tố chính trị có vai trò gì?

Knut Ahnlund: Hội đồng trao giải Nobel bao giờ cũng khắt khe với các ứng cử viên phát-xít hơn là với các ứng cử viên cộng sản. Nếu không ủng hộ Quốc xã thì chắc chắn Ezra Pound đã được giải. Việc Knut Hamsun sau này có thiện cảm với Hitler cũng làm ảnh hưởng đến cơ may của ông. Thậm chí một mối liên hệ khá lỏng lẻo thôi cũng đủ gây thiệt hại rồi: Jorge Luis Borges, dù không được xem là du kích của các nhà cầm quyền hữu khuynh Nam Mỹ, đã không được giải chỉ vì nhận sự trọng vọng từ phiá bị coi là sai này. Theo tôi, đây là một trong những lỡ lầm lớn nhất của hội đồng.

Báo Thế giới: Với phía bên kia thì người ta dễ dãi hơn?

Knut Ahnlund: Thì thế. Một loạt các nhà văn từng kiên trì ca ngợi Liên Xô và chủ nghĩa Stalin hoặc từng làm việc này trong một giai đoạn nào đó đã tai qua nạn khỏi một cách đến là ngạc nhiên. Pablo Neruda từng sùng bái Stalin nhưng sau này lại chối bỏ những bài thơ ngợi ca cho tay bạo chúa này. Hai nhà văn được giải năm ngoái và năm nay đều công khai nhận mình là cộng sản, mà một trong hai người đó, bà Jellinek, có điểm yếu là chất lượng tác phẩm kém, thiếu ý tưởng và sự say mê tự kỉ dành cho bạo lực tính dục. Những người bảo vệ việc trao giải này lên án đối thủ của họ là thuộc vào một thời đại thẩm mỹ đã lụi tàn. Nhưng bản thân họ thì có quan niệm thẩm mỹ nào? Và cái gì sẽ xảy ra nếu quan niệm ấy ngày mai hay sang năm đã không còn hợp thời nữa?

Báo Thế giới: Còn hiện nay thì sao?

Knut Ahnlund: Còn trường hợp Pinter thì một là ông ấy chiếm mất chỗ lẽ ra nên dành cho một nhà văn có tầm cỡ thật sự. Hai là chính kiến rồ dại của ông có thể sinh chuyện xì-căng-đan. Nhưng có lẽ người ta lại muốn chính cái chuyện ấy?

(Mariam Lau thực hiện)


Bản tiếng Việt © 2005 talawas
Nguồn: Báo Thế giá»›i (Die Welt), 9.12.2005, http://www.welt.de/data/2005/12/09/814849.html