TÆ° tưởngLịch sá»14.7.2005
VÅ© Ngá»c Tiến
Ãiá»u tra Ä‘á»i sống cÆ° dân đô thị Bắc Việt Nam giai Ä‘oạn 1954-1975
4 kì
5. Phân hóa giàu nghèo trong cư dân đô thị
Phân hóa trong sinh viên, trí thức
Trong số gần 8 vạn học sinh chuyên nghiệp, sinh viên đại học thời chiến tranh, có khoảng hơn 6.000 người được du học ở Liên Xô và Ðông Âu. So với những sinh viên ở trong nước rất đói khổ vì phải đi sơ tán, số người này có đời sống tương đối tốt trong 4 hoặc 5 năm học. Khi về nước họ có hai lợi thế so với người học trong nước: Một là trình độ ngoại ngữ hơn hẳn sinh viên tốt nghiệp trong nước. Hai là vì có chút hàng hóa mang về, tuy không nhiều nhưng so với mức sống chung là cả một gia tài lớn thời đó, họ dễ dùng tiền xin việc làm ở thành phố, kiếm được căn hộ lắp ghép. Lấy học sinh đi du học tại Liên Xô (năm 1970-1975) làm ví dụ: “Lương sinh viên 90 rúp/tháng, nghiên cứu sinh 120 rúp/tháng. Các khoản ăn, uống và sinh hoạt phải chi khoảng 50-60 rúp/tháng, còn dư ra khoảng 30-60 rúp/tháng. Tính ra sau mỗi năm học, họ dành dụm được khoảng 400-500 rúp. Tiểu chuẩn cho phép sinh viên 2 năm về phép một lần, thì khi về họ có khoảng 1.000 rúp. Nếu căn cứ vào giá hàng hóa của Nga thời đó sẽ thấy sinh viên Việt Nam đi học Liên Xô chẳng mua được gì mấy trong lần nghỉ phép. Giá một số mặt hàng mà người Việt Nam hồi đó ưa chuộng như sau: Máy ảnh Kiev (180 rúp), bàn là (7 rúp), máy khâu Minsk (35 rúp), xe đạp Sport (40 rúp), radio-quay đĩa Rigonda (120 rúp), xe máy Java (200 rúp)… Tổng cộng sau 5-6 năm học ở Liên Xô (một lần về phép) sinh viên đi học có thể mua về nước được: 1 xe máy, 1 xe đạp, 1 máy ảnh, 2-3 quạt điện, vài chiếc bàn là, 1 đài rađiô quay đĩa, một máy khâu và một số đồ nhôm, bàn ghế gấp… Ai chịu khó không đi phép giữa kỳ hoặc tham gia lao động ở nông trường vào dịp hè có thể mua được nhiều hàng hơn. Ai mua nhiều sách kỹ thuật, văn học hoặc thích đi nhà hát sẽ gần hết tiền để dành, vì một vé xem opera, ba-lê giá 15-20 rúp. Học sinh, sinh viên đi học ở Ðông Ðức lương 600 mác/tháng, giá hàng hóa rẻ hơn ở Nga nên thường giàu hơn một chút. Học sinh đi học ở Ðức về thường có xe Diamant hoặc Mifa, xe máy Simson hoặc Star, máy ảnh Praktica… (Nguồn: Ngoại thương Việt Nam 1976-1996, phần 11, của tác giả ÐP, Viện Kinh tế học, 5/1999).
Sự phân hóa trong nhóm cán bộ công nhân biên chế Nhà nước khá sâu sắc, mặc dù nó được che đậy bởi vỏ bọc bình đẳng tới mức lương Bộ trưởng chỉ gấp 5 lần lương công nhân quét rác. Trước chiến tranh, sự phân hóa mức sống chỉ thể hiện qua chế độ tem phiếu và sự ưu đãi cung cấp về nhà ở, phương tiện đi lại, tiện nghi sinh hoạt… theo bậc lương, chức vụ. Bắt đầu từ năm 1967, các biểu hiện trên vẫn còn, nhưng xuất hiện nhiều dạng thức phân hóa khá mạnh mẽ và có nhiều bất hợp lý, trái với quy luật kinh tế.
Khổ nhất trong nhóm này là công nhân xí nghiệp, nhân viên hành chính, giáo viên có bậc lương thấp từ 36 đồng, 45 đồng đến 63 đồng. Người công nhân từ lúc mới vào nghề lương 36 đồng/tháng đến lúc hưởng lương bậc 2/7 là 58 đồng/tháng, được hưởng tem phiếu hạng bét, nếu có con đi học sẽ luôn trong tình trạng thiếu tiền, có lúc phải bán phiếu vải, phiếu thịt đi lấy tiền chi tiêu trong gia đình. Người giáo viên hoặc nhân viên hành chính lương 45-63 đồng có tem phiếu bìa E, bìa D ở mức cung cấp thực phẩm quá ít, lại phải chịu tiêu chuẩn 13 kg/tháng, thường là đói ăn và thiếu đạm nghiêm trọng.
Thầy giáo NQV, sinh năm 1936, hiện nghỉ hưu tại khu tập thể Trung Tự kể:
“Hai vợ chồng tôi đều là giáo viên, gạo 13kg/tháng, lương vợ 56, lương chồng 70, cộng với phụ cấp khu vực 12% và thâm niên (chồng 6%, vợ3%), tất cả nhà trông vào 147 đồng và mấy bìa phiếu nên đói lắm. Ba đứa con đi học, quần áo, giấy bút không đủ. Nhiều bữa vợ chồng thay nhau ra xếp hàng mua “mì không người lái” (loại mì chỉ nấu với nước, muối, mắm không có thịt) 1,5 hào/bát, mỗi lần một người xếp hàng mua được 2 bát, nên 5 lần xếp hàng mới mua được đủ 10 bát cho cả nhà 5 người ăn thay cơm vì hết gạo.”
Ðối với người công nhân viên chức, giáo viên lương thấp, niềm hi vọng có khoản thu nhập thêm là những đợt cơ quan bán hàng căng tin. Người nghiện thuốc lá, mỗi xuất nam giới mua 2 bao thuốc Tam Ðảo, 3 bao Trường Sơn cũng phải đem bán, mua thuốc cuốn hút, lấy tiền chênh lệch phụ thêm vào bữa ăn.
Ông QTT công nhân cơ khí Nhà máy Bóng đèn phích nước kể:
“Thuốc lá tiêu chuẩn được mua 2 bao Tam Ðảo và 3 bao Trường Sơn. Tam Ðảo giá 4 hào/1 bao, bán cho hàng nước được 7-8 hào/1 bao; còn Trường Sơn giá 2,5 hào/1 bao, bán được 4 hào/1 bao, tổng cộng một suất lãi được 1,05-1,25 đồng. Tôi mua nửa lạng thuốc lá cuốn giá 7 hào vẫn thừa ra 3,5-5,5 hào cho con mua vở, mực, ngòi bút… Giấy cuốn thuốc lá thì dùng giấy lịch, giấy đánh máy hỏng của văn thư nhà máy hoặc thậm chí giấy báo…”
Mỗi đợt cơ quan phân phối phụ tùng xe đạp là cả một cuộc cọ xát, bình xét ồn ào. Ðối với người lương thấp, 1 xích líp xe đạp của Trung Quốc mua 4 đồng/chiếc bán được 10 đồng/chiếc, lãi 6 đồng; 1 săm Sao Vàng 5 đồng/chiếc bán được 8-9 đồng/chiếc… Tất cả đều là thu nhập thêm bù đắp vào sinh hoạt vốn rất thiếu thốn. Hiện tượng này được mô tả khá sinh động trong tiểu thuyết Ðám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, với hình tượng nhân vật Tự.
Những người có mức sống no đủ, sung sướng thời chiến tranh, gồm hai loại. Thứ nhất là những người nắm quyền lực hoặc có lương cao. Số người này thực ra không nhiều và xét cho cùng họ xứng đáng được hưởng. Họ được hưởng tem phiếu từ bìa C1, C2 đến A, B. Họ được Nhà nước cấp nhà rộng, phương tiện đi lại, một số tiện nghi sinh hoạt… và có tiêu chuẩn chữa bệnh ở bệnh viện riêng (Bệnh viện Việt Xô, nay là Bệnh viện Hữu Nghị), bệnh nặng có thể được ra nước ngoài chữa bằng kinh phí Nhà nước đài thọ. Thứ hai là những người giàu có bằng việc “kinh doanh chức nghiệp”, tuồn hàng ra thị trường tự do, ăn cắp, hối lộ… Loại này chức vụ và bậc lương không cao, chủ yếu là những người nắm nguồn hàng, tiền, phương tiện vận chuyển… của Nhà nước. Họ là cán bộ cấp tem phiếu, cán bộ tuyển sinh đi học nước ngoài và học đại học, trung học chuyên nghiệp trong nước thuộc các sở, ty cấp tỉnh đến Trung ương. Một số lượng đông đảo hơn là nhân viên các cửa hàng bách hóa, thực phẩm, lương thực, lái xe ở tất cả các cấp từ huyện lỵ, tỉnh lỵ đến thành phố Hà Nội, Hải Phòng… Như đã trình bày ở các phần trên, việc phân chia ra nhiều chế độ đãi ngộ trong cán bộ công nhân viên chức xét về năng lực, sự cống hiến và địa vị xã hội là xứng đáng, không có gì đáng phê phán nặng nề như nhiều nhà nghiên cứu đã thổi phồng lên. Cái đáng phê phán là hình thức phân biệt đãi ngộ lẽ ra chỉ nên quy vào tiền lương một cách rạch ròi, sòng phẳng, thì người ta lại đẻ ra đủ loại tem phiếu phức tạp, tạo kẽ hở cho một số người làm giàu bất chính quá dễ, quá nhanh.
Trước hết nói về loại người giữ và duyệt cấp tem phiếu. Hệ thống này nằm từ cấp huyện, tỉnh, thành lên đến Bộ Nội thương. Vì nó là tiền, lại không phải là tiền, nên sinh ra cấp khống, cấp ẩu và thậm chí tuồn ra thị trường từng tập tem phiếu, mà nếu có bị tố giác thì mức độ tội phạm không nặng như ăn cắp tiền. Trong thời kỳ này (1974) dư luận xôn xao bởi vụ án Nguyễn Trí Tuyển, Phó giám đốc Sở Thương nghiệp Hà Nội đã cấp khống một lượng lớn tem phiếu, nếu qui đổi giá trị ra tiền có thể xây được nhà máy Trung qui mô (Nhà máy cơ khí Hà Nội). Nhưng ông ta và các cộng sự chỉ thu được 1/10 giá trị quy đổi đó, còn kẻ được lợi nhiều nhất là gian thương “phe tem phiếu” (theo lời kể của luật sư V tham gia phiên tòa, hiện về hưu, sống ở Hà Nội).
Tem gạo là một thứ dễ làm giả, nên ngoài lượng phát khống rò rỉ từ ngành thương nghiệp, trong xã hội xuất hiện bọn tội phạm làm tem gạo giả, loại từ 250 gam đến 5 kg. Năm 1971 tại Viện Ðịa chất và khoáng sản (Thanh Xuân- Hà Nội) có một kỹ sư phạm tội làm tem gạo giả bằng in lưới và chịu ra tòa nhận án phạt 2 năm tù giam. Một loại nữa là phiếu sữa dùng cho sản phụ bị mất sữa, rất khó quản lý. Nhân viên phòng thương nghiệp chỉ cần móc ngoặc với bác sĩ bệnh viện cấp giấy chứng sinh giả và xác nhận mất sữa cho người giả mạo là trót lọt. Hiện tượng này đã gặp ở bệnh viện Hải Phòng, Nam Ðịnh, Việt Trì, Hòn Gai…
Hình thức làm giàu đơn giản nhất, dễ nhất là tuồn hàng nhà nước ra thị trường tự do mà các lỗ rò rỉ là nhân viên bán hàng. Tại các cửa hàng bách hóa thường có qui định bất thành văn là dành một lượng 10% số hàng nhập về như: thuốc lá, đường sữa, bánh kẹo, giấy viết, xoong nồi, bát đĩa… để bán theo lệnh của quan chức địa phương phục vụ hội nghị, khách đến công tác hoặc nhu cầu đột xuất. Theo ông NÐB, cửa hàng phó cửa hàng bách hóa phục vụ công trình khảo sát đập sông Ðà ở phố Ðúng, thị xã Hòa Bình, năm 1970 cô H là nhân viên bán hàng đã thông đồng với một cán bộ Ủy ban trị thủy sông Ðà tuồn hàng ra ngoài từ lỗ rò rỉ này mà kiếm đủ tiền về Hà Nội tậu nhà, mua xe đạp Diamant, đài bán dẫn, quần áo đắt tiền… Nếu chỉ trông vào lương tháng 45 đồng thì cô H phải ăn nhịn để dành 20 năm mới mua được 1 chiếc xe đạp là cùng.
Bà L nhân viên cửa hàng lương thực của một quầy gạo trong quận Ba Ðình (lúc đó là khu Ba Ðình) nói:
“Chúng tôi chẳng cần đến thủ đoạn tham ô mà theo quy định về tỉ lệ gạo, mì bị mốc, chuột ăn, rơi vãi thời đó là 5%-7% cũng đủ cho chị em chia nhau một khoản tiền gấp 4-5 lần lương tháng. Những đợt gạo về chậm, dân xếp hàng dài từ 3-4 giờ sáng, chúng tôi giúp bạn bè bên bách hóa, thực phẩm mua hộ gạo cho người thân của họ, tất nhiên họ sẽ có cách giúp đỡ chúng tôi khoản thịt, cá, thuốc lá, đường, sữa. Ðó cũng là một thứ thu nhập.”
Nói chung, thời đó nhiêu cô gái bán lương thực, thực phẩm, bách hóa đều giàu có. Mốt thời thượng của họ là đi xe đạp Diamant, Mifa màu ngọc bích, đeo hoa tai và nhẫn vàng, đồng hồ Liên Xô loại đắt tiền… Họ là đối tượng chọn vợ của nhiều người, cao giá hơn cả kỹ sư, bác sĩ. Những phụ nữ đứng tuổi làm nghề này thường khôn ngoan hơn, không trưng diện ra ngoài nhưng tiền mặt có hàng nghìn, vàng có hàng vài chục cây.
Lái xe cũng là một thứ nghề hái ra tiền bằng phương tiện Nhà nước. Trong thành phố Hà Nội, tuyến xe Bờ Hồ - Hà Ðông và Yên Phụ - Hà Ðông luôn chật cứng người đứng chen chúc. Trừ số người đi vé tháng chiếm 1/3, còn lại số đi vé ngày không sao kiểm soát được, Nhà nước đành khoán tiền theo chuyến. Ðây là kẽ hở cho lái xe kiếm thêm ngoài lương.
Ông NVM lái xe tuyến đường này kể:
“Trung bình mỗi tuần chúng tôi ăn tiêu xả láng rồi, lái và phụ xe còn chia nhau mỗi người được 100-150 đồng, bằng hai suất lương cả tháng. Lái xe khách đường dài kiếm tiền bằng vé lậu, chở hàng cấm và dân buôn.”
Ông HVM ở bến xe thị xã Thái Bình kể:
“Hồi đó có khẩu hiệu ‘yêu xe như con, quí xăng như máu’, thật ra chỉ các chiến sĩ lái xe tuyến lửa và một số người là vì Nhà nước mà thực hiện, thật đáng khâm phục tinh thần yêu nước của họ. Cánh tài xế lái xe khách đường dài chúng tôi cũng yêu xe như con, quí xăng như máu nhưng lại vì túi tiền của mình trước hết. Mỗi tháng nếu xe chạy đều bọn tôi kiếm ngoài được 200-300 đồng, xe nghỉ sửa chữa là mất tiền nên có khi tự bỏ tiền túi ra sửa để xe có mặt bon bon trên dặm trường kiếm tiền.”
Lái xe tải cũng có nhiều hình thức kiếm tiền. Tuyến đi Tây Bắc, Nghệ Tĩnh chở gỗ quí. Tuyến đi Yên Bái, Thái Nguyên buôn chè. Bình thường ra cũng có thể buôn củi, sắn, lợn, gà, vịt hoặc ngày tết buôn lá dong gói bánh chưng.
Theo lời ông LÐC, lái xe của Bộ Nông nghiệp:
“Hàng hóa thị trường tự do khan hiếm, phưong tiện vận chuyển ít, cái gì thời đó vứt lên xe từ nơi này đến nơi khác cũng kiếm ra tiền. Ðó là chưa kể nhiều lái xe lưu manh, ăn cắp hàng của Nhà nước bằng cách ‘chọc tiết lợn’ nghĩa là rút ruột các bao tải chở gạo, đường, xi măng…”
Sự phân hóa trong nhóm cư dân ngoài biên chế
Trước chiến tranh, đa số những người trong nhóm này sống ở mức nghèo khổ hơn so với cán bộ công nhân viên chức và nông dân tập thể. Bắt đầu từ năm 1966 thực tế đời sống lại có xu hướng phát triển theo chiều ngược lại vì ba lý do:
Thứ nhất, những người làm nghề tự do nhưng có hộ khẩu chính thức ở đô thị mặc nhiên được Nhà nước bao cấp cho một khoản “lương hiện vật”, đó là tiêu chuẩn gạo, dầu hỏa và một số nhu yếu phẩm tối thiểu. Nếu tất cả những mặt hàng này họ đem bán ra thị trường sẽ có giá trị gấp hai thậm chí gấp năm lần giá mua của Nhà nước. Trong khi đời sống cán bộ công nhân do điều kiện chiến tranh bị tụt thấp đi thì những người làm nghề tự do lại có nhiều cơ hội để tìm kiếm thu nhập. Ðơn giản như mở một quán trà hay bơm vá xe đạp, cắt tóc, bán kem, hàn xoong nồi, chữa khóa… đều đáp ứng nhu cầu của xã hội ngày một tăng nên thu nhập không tồi. Trong phần mô tả mốt sinh hoạt thời chiến, chúng tôi đã phân tích kỹ thu nhập của một quán trà vỉa hè. Có thể nêu thêm một ví dụ về nghề bơm vá xe đạp. Ðồ nghề của họ rất đơn giản, chỉ là một cái bơm và một chiếc hộp gỗ đựng vài cái cờ lê, mỏ lết, kìm, búa, nhựa dính và vài miếng săm rách. Nhu cầu đi lại bằng xe đạp trong chiến tranh rất cao, mà xe đạp thì cũ nát, săm lốp và phụ tùng khan hiếm, bơm vá xe là việc xảy ra thường ngày trên đường phố. Giá bơm một lốp xe 5 xu, vá săm 3 hào/1 miếng. Một người bơm vá xe đạp ở Hà Nội, Hải Phòng ít nhất trong ngày cũng có khách bơm khoảng 20 lốp xe, vá 3-5 miếng săm, bằng lương một giáo viên cấp 2 hay nhân viên văn thư đánh máy của cơ quan hành chính, lại vẫn có sổ gạo, phiếu dầu!
Thứ hai, do những khó khăn của thời chiến, Nhà nước tuy không khuyến khích nhưng ngầm thả lỏng các hộ tiểu thương buôn bán ở các chợ và mở sạp hàng nhỏ tại nhà. Sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước trong giai đoạn này là một mặt cấp đăng ký kinh doanh cho họ, mặt khác vẫn bao cấp sổ gạo và chất đốt, nhu yếu phẩm theo đăng ký hộ khẩu. Lẽ đương nhiên, thu nhập của các hộ tiểu thương này, đặc biệt ở các chợ lớn như Ðồng Xuân (Hà Nội), chợ Sắt (Hải Phòng), chợ Rồng (Nam Ðịnh)… thừa đủ để mua gạo, chất đốt theo giá tự do, nhưng Nhà nước đã vô tình cấp thêm cho họ một khoản thu nhập nữa bằng tem phiếu (?).
Bà H bán hàng khô ở chợ Bắc Qua kể:
“Tôi và các chị em bạn hàng trong chợ phần lớn mua ‘gạo bông’ của mậu dịch về đem các thêm tiền đổi lấy gạo quê để con cái ăn có chất mà học hành. Phiếu chất đốt chúng tôi đun nấu nhiều hơn các hộ cán bộ nghèo nên cũng thường phải mua thêm, mỗi nhà thường mua 5-10 lít dầu hàng tháng.”
Bà T có cửa hàng tạp hóa phố Hàng Ðào (Hà Nội) kể:
“Dân phố buôn ở Hàng Ðào chúng tôi thời ấy ai cũng chỉ bày vài thứ lèo tèo trong cái tủ con, nhưng khách mua các tỉnh về cất hàng bao nhiêu cũng có, loại gì cũng chiều. Tiếng là buôn bán nhỏ mà có khi doanh số ngầm của nhiều nhà còn không thua cửa hàng bách hóa mậu dịch ở số nhà 100 cùng phố. Tôi ít vốn nhưng thu nhập cũng khá, các con sống no đủ, không phải ăn gạo mậu dịch bữa nào.”
Thứ ba, cũng từ căn bệnh của mô hình quản lý bao cấp thời chiến đã hình thành trong xã hội đô thị một thứ chợ đen. Hàng hóa Nhà nước càng thiếu thì các kênh rò rỉ từ cán bộ, nhân viên Nhà nước như đã nói ở phần trên càng hoạt động mạnh, đẩy nhanh quá trình phân hóa mức sống trong nhóm cư dân ngoài biên chế ở đô thị, làm cho đội ngũ “dân phe” mỗi ngày thêm đông và trở thành đẳng cấp giàu có rất nhanh. Giàu nhất là “dân phe” các mặt hàng xe đạp, xe máy, kim khí, đồ điện gia dụng. Hoạt động trong lĩnh vực này thường là nam giới ở độ tuổi 30-40. Phương thức hoạt động của họ có hai dạng. Một là nghề môi giới hay còn gọi là “buôn nước bọt”. Hàng hóa trao đổi trong các cuộc buôn bán nước bọt thường là xe máy, đồng hồ, xe đạp và máy thu thanh các loại do Việt kiều từ Tân Ðảo mang về, cán bộ đi công tác ở nước ngoài mua về không có nhu cầu sử dụng, sinh viên đi học Ðông Âu về phép hoặc đã tốt nghiệp. Lối “buôn nước bọt” này có thể ăn chênh lệch giá của cả bên mua lẫn bên bán tùy theo “bản lĩnh” của người môi giới. Hình thức thứ hai là bỏ vốn ra móc ngoặc với nhân viên giữ kho, bán hàng của Nhà nước để đánh từng lô hàng, chủ yếu là phụ tùng xe đạp, xe máy và vật tư, nguyên liệu cho các nhà sản xuất hàng lậu. Kiểu buôn bán này giàu nhanh chóng nhưng nguy hiểm, thường là những đối tượng đã từng có tiền án, tiền sự. Cả hai phương thức trên đã tạo ra một lớp người giàu có gấp nhiều lần các gia đình cán bộ có chức quyền. Mốt sống của họ có thể hình dung qua câu ca dao:
Một yêu anh có Sen-kô
Hai yêu anh có mô tô “cá vàng”
Ba yêu nhà cửa gọn gàng
Bốn yêu hộ tịch đàng hoàng thủ đô…
(Ðồng hồ Sen-kô của Nhật; xe cá vàng là loại xe mobylet của Pháp đời mới thời đó do Việt kiều Tân Ðảo mang về. Những thứ này vào những năm cuối 60 đầu 70 ở Hà Nội còn sang trọng hơn cả chiếc xe ôtô Toyota Nhật bây giờ. Chỉ có “dân phe” mới có tiền mua.)
Lực lượng đông đảo nhất trong số “dân phe” là những người “phe” tem phiếu và các mặt hàng nhu yếu phẩm như thuốc lá, đường, sữa, thịt, cá… Loại này thường là phụ nữ từ 16-50 tuổi. Họ hoạt động ở các chợ, quanh các cửa hàng bách hóa, thực phẩm, lương thực. Biểu tượng phô diễn giàu sang của họ là xe đạp Diamant, Mifa (Ðức), Phượng Hoàng xích hộp (Trung Quốc), vàng trang sức và đồng hồ ngoại (Nhật, Thụy Sĩ). Sự liên kết của đám người này với nhân viên ngành thương nghiệp rất chặt chẽ, làm băng hoại đạo đức nhiều cán bộ có chức quyền.
Lời kết:
Mô hình kinh tế Stalin giai đoạn 1966-1975 là một bước kiện toàn cao hơn của mô hình sơ khởi giai đoạn 1961-1965. Xét về mặt đời sống nhân dân, nó đã phát huy được một số ưu điểm trong điều kiện chiến tranh mà những mô hình khác khó có thể làm tốt hơn. Nhưng những ung nhọt của nó cũng đã bộc lộ rõ, điển hình là sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp cư dân một cách dị mọ, trái quy luật. Sự phân hóa đó cũng tạo ra tích lũy và mầm mống của kinh tế thị trường mang tính hoang dã. Một thị trường hoang dã sẽ có sức công phá đất nước sau này còn hơn cả bom đạn chiến tranh của giặc ngoại xâm mà bây giờ người ta hay nói đến khái niệm “giặc nội xâm”. Trong tác phẩm ký Câu lạc bộ các tỷ phú đã dẫn, tôi đã chứng minh đầu những năm 90, Hà Nội có khoảng 70% số tỷ phú thuộc 3 đối tượng: cán bộ Nhà nước mà thời bao cấp là những kẻ ăn cắp hàng, tem phiếu cung cấp, có vốn tích lũy, lại biết luồn sâu leo cao để có quyền lực; những người buôn bán chợ đen cũ, quen thói chụp giật chứ không sản xuất ra sản phẩm; bọn lưu manh vào tù ra tội đã nhiều nên làm ăn liều lĩnh kiểu xã hội đen. Ba loại tỷ phú này câu kết với nhau trong một thứ mafia quyền lực – kinh tế, lợi dụng chính sách nhà đất rất lạ đời và kẽ hở của các ngành ngân hàng, ngoại thương, xây dựng cơ bản… để làm giàu và thao túng nền kinh tế đất nước.
Hà Nội, 5/1999
© 2005 talawas