J.M.Coetzee gần như không bao giờ cho phỏng vấn, nên tôi tự xem mình rất may mắn khi được ông chấp thuận tiếp kiến vào đầu thập niên 1990. Tại văn phòng của ông ở Cape Town, tôi gặp một tiểu thuyết gia có hình dáng xanh xao, khắc khổ trong bộ đồ bằng tuýt và vải nhung kẻ sọc; trước đó, người đại diện của ông đã nghiêm khắc chỉ dẫn tôi là tránh các câu hỏi liên quan tới người con trai của ông đã ngã từ một lan can, bà vợ cũ qua đời vì ung thư và cách thức mà các thảm kịch riêng tư ấy có thể đã ảnh hưởng lên những văn bản gần đây nhất của ông. Chúng tôi sẽ chỉ nói về văn chương, nhưng câu hỏi mở đầu của tôi được tiếp nhận bằng một sự im lặng khủng khiếp. Coetzee viết câu hỏi đó vào sổ tay. Ông ngẫm nghĩ nó trong vài phút, rồi khởi sự phân tích những giả dụ trên đó nó đặt nền tảng, một quá trình đưa tới những cái nhìn sâu xa và sắc bén vào các khiếm khuyết trí thức của tôi nhưng ngược lại, nó chẳng vén lộ chút nào về bản thân Coetzee. Mọi câu hỏi của tôi đều bị ứng xử như thế, và tôi bị dứt điểm như thể phóng viên của một tờ báo rô-nê-ô. Tôi hỏi, một cách tuyệt vọng: "Ông thích loại âm nhạc nào?" Cây bút sột soạt và nhà văn lớn ấy ngẫm nghĩ, rồi nói: "Âm nhạc, trước đây tôi không bao giờ nghe."
Và đó là quanh quẩn cái giai thoại nhiều màu sắc mà bạn từng nghe về John Maxwell Coetzee. Ông cực kỳ riêng tư (một số người nói là ngượng ngịu lóng ngóng) và trí thức một cách thâm trầm (một số người nói là lạnh lùng), nhưng trên tất cả, ông là đại sư phụ về trò chơi rắc rối của lý thuyết văn chương hậu hiện đại, và khi ông chịu mở miệng chút nào thì lại có khuynh hướng nói như đánh đố và mật mã. Là người Nam Phi, ông sống trong một xã hội mà các nhà văn luôn luôn phóng ra những cuộc bút chiến và sản sinh những cuốn tiểu thuyết hiện thực khốc liệt về cuộc khủng hoảng bất tận của chúng tôi. Coetzee thì không. Ông vẫn từ chối bày tỏ lập trường, đến với chính nghĩa hoặc đưa ra ý kiến. Người ta đồn là ông rất khoái xem đấu bóng bầu dục, ăn chay và sống trong một ngôi nhà có những phương tiện bảo vệ khủng khiếp bằng điện tử, nhưng chẳng ai biết chắc cả.
Và còn nữa, còn nữa. Khi mọi trò chơi văn chương đã hoàn tất và câu cuối của ông được giải cấu trúc, Coetzee sẽ được nhớ tưởng như một cái gì đó hoàn toàn đơn giản: từng có nơi đây một nhà văn diễn tả một cách trung thực hơn bất cứ nhà văn nào khác về những gì là tinh sạch và có ý thức trên bề mặt ngốc ngếch và tàn bạo của sự phân biệt chủng tộc (apartheid)
[1] . Ðiều này có thể gây lúng túng cho những kẻ sống bên ngoài Nam Phi vì trong các tác phẩm của ông không bao giờ nói rõ từ ngữ a-pác-thai và không nhất thiết lấy bối cảnh Nam Phi. Năm 1980, khi cuốn
Waiting for the Barbarians -
Trong khi chờ bọn rợ, một tác phẩm bậc thầy của Coetzee được xuất bản thì tôi đang ở Mỹ, sống giữa những người xem nó như một truyện cao-bồi siêu hiện thực được dàn dựng trên một vùng biên giới vô danh nào đó và họ tự hỏi không biết toàn bộ sự nhắng nhít trong cuốn tiểu thuyết ấy nói tới cái gì. Ðối với tôi, cũng như đối với nhiều người da trắng ở Nam Phi, cuốn tiểu thuyết đó là một ngụ ngôn buốt nhói và không chịu đựng nổi về đời sống hằng ngày và các tình thế đạo đức tiến thoái lưỡng nan của chúng tôi, một cuốn sách dấn rất sâu vào bình diện tâm thần và rất hấp dẫn tới độ khiến ta bàng hoàng và bị mê hoặc.
Chỉ một cuốn
Barbarians thôi cũng đủ đem lại thế giá cực độ về văn học cho Coetzee, nhưng dưới ngòi bút của ông, còn có nhiều cuốn tiểu thuyết vĩ đại khác mà trong đó, đứng ở hàng đầu là
cuốn Life and Times of Michael K -
Cuộc đời và thời đại của Michael K (1983), cuốn thứ nhất trong hai cuốn được giải thưởng Booker
[2] , và
Foe -
Kẻ thù (1986), câu chuyện một phụ nữ Anh bị mắc cạn trên một ốc đảo sa mạc, vật vã một cách tuyệt vọng để hiệp thông với một người nô lệ da đen bị cắt lưỡi. Bề mặt, cuốn tiểu thuyết ấy là một bản kể lại truyền thuyết
Robinson Crusoe, nhưng trong sâu thẳm của nó, tôi cảm nhận được điều gì đó hoàn toàn khác, đó là cuốn sách sâu xa nhất từ trước tới nay viết về các tương quan chủng tộc trong một xã hội mà người da trắng thường bị tách biệt với người da đen bởi vực sâu không hiểu nổi về ngôn ngữ và văn hoá. Trong cuộc phỏng vấn ấy tôi hỏi: "Không đúng vậy sao?" Cây bút sột soạt, nhà văn ngẫm nghĩ và Coetzee nói: "Không phải đó là cái anh có ý nói sao? Tôi không muốn phủ nhận với anh hành động đọc của anh."
Khi tấn tuồng rộng lớn hơn của Nam Phi hạ màn, dường như Coetzee quay về lấy cảm hứng trong đời sống riêng tư. Con trai ông qua đời khi bị ngã một cách kỳ bí; ông viết
The Master of Petersburg -
Người thầy ở Petersburg, một cuốn tiểu thuyết về một người cha hoảng loạn, tương tự như ông. Người vợ của của ông qua đời vì bệnh ung thư và ông viết cuốn
Age of Iron -
Thời đại đồ sắt, một tác phẩm chứa đựng những mô tả đau đớn tột cùng, chưa từng được viết ra. Vào giữa thập niên 1990, ông tới với những tường trình về tuổi trẻ của mình, và rồi ra đời cuốn
Disgrace -
Ô nhục (1999), câu chuyện về một giáo sư đại học da trắng đầy kiêu hãnh bị đuổi việc vì cảnh sát giới tính, bị sỉ nhục bởi các phạm nhân hình sự và bị tụt xuống một đời sống rúm ró tuyệt vọng trên mé ngoài bản lề của một Nam Phi mới. Tác phẩm ấy bị ám ảnh bởi sự vỡ mộng và yếm thế, và cách riêng, không ai ngạc nhiên khi Coetzee, lúc này 63 tuổi, thầm lặng lên đường sang Australia vào năm 2002, để lại thắc mắc cho vài người trong chúng tôi: Giờ đây Coetzee đã bỏ chúng tôi mà đi thì quả thật giải Nobel của ông có là một khải hoàn cho nước Nam Phi như báo chí của chúng tôi tuyên bố?
Chẳng có điểm nào làm sáng tỏ khi nhìn về Coetzee. Ông không xuất hiện trong hai buổi lễ trao giải thưởng Booker cho ông, và chẳng ai biết được ông có sẽ xuất hiện để nhận giải Nobel vào ngày 10 tháng 12 sắp tới tại Stockholm hay không. Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông,
Elizabeth Costello, mà bản thân là một tiểu thuyết gia hậu hiện đại, có thể đưa ra dấu vết nào đó về suy nghĩ của ông. Khi được chọn trao một giải thưởng văn học, cô ta nói: "Ðáng lẽ ra tôi nên yêu cầu họ quên buổi lễ đó và gởi ngân phiếu cho tôi bằng bưu điện."
© 2003 talawas
[1]Nam Phi chính thức chấm dứt chế độ a-pác-thai vào tháng 2.1993, lúc chính phủ và các lãnh tụ Ðảng Quốc đại Nam Phi (African National Congress) đồng ý thiết lập một "chính quyền hiệp nhất quốc gia" để tiến hành việc chuyển nhượng quyền cai trị của thiểu số da trắng. Nelson R. Mandela làm tổng thống từ năm 1994 tới năm 1999.
[2]Giải Booker: Một giải thưởng văn học thế giá nhất của Anh, được bảo trợ bởi Công ti Booker McConnell và điều hành bởi Hiệp hội Sách Quốc gia (National Book League) tại Vương quốc Anh. Giải được thành lập năm 1969, trị giá 20.000 bảng, trao hàng năm cho một cuốn truyện dài viết bằng tiếng Anh, xuất bản trong vòng 12 tháng trước đó, tác giả là công dân của Anh, Khối Thịnh Vượng Chung, Eire, Pakistan hoặc Nam Phi. Ban giám khảo gồm các nhà văn, nhà phê bình, nhà xuất bản, giáo sư đại học nổi tiếng.
Nguồn: Tuần báo Time, số 13.10.2003, ấn bản Canada, trang 66.
Nhan đề tiếng Anh là:
Only the Big Questions, A South African writer refects on his country's new Nobel laureate -
Chỉ những vấn nạn lớn, một nhà văn Nam Phi ngẫm nghĩ về người đồng hương vừa được giải Nobel. Tác giả
Rian Malan là một nhà văn Nam Phi, tác giả cuốn
My Traitor's Heart -
Trái tim người phản bội tôi, do nhà Atlantic Monthly Press xuất bản năm 1990. Ông hiện sống tại Cape Town, thủ đô lập pháp của Nam Phi.