© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtKiến trúc
8.10.2008
Trịnh Thanh Thủy
Có hay không một nền kiến trúc Việt Nam đặc thù?
 
Sau lần viếng thăm Việt Nam gần đây, nhìn thấy một Việt Nam thay đổi ở nhiều mặt, nhất là mặt kiến trúc, tôi nhận ra kiến trúc quê hương tôi đang bước vào một khúc quanh lạ lẫm. Tôi đi từ Bắc chí Nam phát hiện nhiều căn nhà cao tầng sừng sững mọc lên, những cao ốc mỏng mảnh hình ống, đủ màu vui mắt chen chúc nhau gợi tôi nhớ những căn nhà technique color trong khu phố dành cho thế giới trẻ thơ ở Disneyland.

Nhìn vào sự phát triển nhanh chóng của ngành xây dựng hiện nay, tôi vừa mừng vừa lo. Không biết sự tiến hoá này sẽ thay đổi bộ mặt kiến trúc Việt Nam từ thành thị tới nông thôn đến đâu? Không biết có ảnh hưởng trực tiếp đến các di sản quốc gia hay lịch sử vì tính hiện đại của nó không? Bản sắc dân tộc có là một định hướng chỉ nam trong các dự án kế hoạch xây dựng không?

Năm 1989, Ông Sturgis có viết: “Để hiểu thấu nơi chốn chúng ta ở ngày nay, chúng ta cần biết rõ nơi ta ở trong quá khứ”. Tuy nhiên ước muốn bảo tồn lịch sử văn hoá và ước muốn phát triển, đổi mới, làm lại lịch sử đã làm chúng ta do dự. Không tăng trưởng, chúng ta sẽ vướng vào sự chậm tiến, trì trệ. Vì vậy chúng ta cần phải hiểu quá khứ trong khi theo đuổi sự tăng trưởng. Điều tối quan trọng là tôn trọng và bảo tồn những cái chúng ta có trong quá khứ.

Tính “chuộng mới nới cũ” và “chạy cho kịp trào lưu” của người dân Việt hiện nay góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng nền một nền kiến trúc Việt Nam đặc thù hay lai căng. Chúng ta đừng nên rẻ rúng cái cũ hay xem thường kiến trúc của một đô thị hoặc nông thôn vì kiến trúc của nó thể hiện nền văn hoá đặc thù của dân tộc đó. Từ xưa, người Việt mình vì nghèo nên có thói quen khi xây nhà ít khi thuê kiến trúc sư vì sợ tốn tiền. Nhà cửa, cái thụt ra, cái thụt vào, rất mất trật tự. Khi xây thì lấn trước, lấn sau, lấn chỗ nào được thì cứ lấn, được tấc nào hay tấc ấy. Muốn xây nhà thì gọi nhà thầu xây dựng hoặc các ông thợ xây nhà đến và chủ nhà tự ra đồ án, thiết kế lấy kiểu nhà mình thích. Dở hơn thì bắt chước. Cứ qua hàng xóm, lượn một vòng tham quan, khi về là có một kiểu nhà bà phước đồng phục, khác nhau chỉ ở màu sơn. Muốn khác hơn thì thêm bông hoa, màu mè cho bắt mắt miễn sao nhà mới là tốt và có giá thôi.

Ngày nay tuy luật lệ xây dựng chặt chẽ hơn, mọi công trình xây dựng đều phải do Bộ Xây dựng thông qua nhưng vì khe hở luật pháp quá lớn nên những vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đã xảy ra khá nhiều, nảy sinh những căn nhà, toà nhà cao tầng xây dựng không đúng tiêu chuẩn méo mó, kỳ dị, lún, nứt chỉ sau một thời gian ngắn sau khi xây. Sự sai phạm không theo đúng các quy định pháp luật, lại thêm tham nhũng tạo ảnh hưởng trực tiếp các công trình thi công gây tác hại như làm lệch, lún, nứt đến nhà của cư dân quanh vùng. Đời sống sinh hoạt của khu dân cư cũng bị vạ lây: Không che chắn kỹ làm bụi bẩn, vật liệu rơi vãi xuống nhiều nhà dân; đập bể phốt nhưng không hút, khiến mùi hôi thối bốc ra xung quanh, gây ô nhiễm môi trường suốt mấy tháng trời. Người dân gửi đơn kêu cứu khắp các cơ quan chức năng trong tỉnh, mà sự việc trên vẫn chưa được giải quyết hoặc có giải quyết cũng không thoả đáng.

Trước đây ý niệm văn hoá kiến trúc hầu như không có trong lòng người Việt. Có thể không ai thấy hoặc có lẽ không cần biết đến cái gì gọi là cấu trúc của một đô thị, một quốc gia. Tôi có hỏi ý kiến một vài người về việc này. Có người quan tâm thì bảo mình nghèo quá mà, một quốc gia nặng về nông nghiệp sau nhiều năm chiến tranh mới phát triển như ta thì bàn chi đến việc văn hoá kiến trúc cao xa đó. Gia tài của mẹ để lại sau chiến tranh là một nước Việt buồn. Bom đạn, tan hoang tàn phá khắp nơi, giờ thanh bình chỉ mong có cái nhà gạch để ở là may rồi, nói chi đến văn hoá kiến trúc.

Người ta bảo, nước mình tự do thế mà còn phàn nàn chi nữa, muốn xây thế nào thì xây, kích thước tiêu chuẩn không bị bó buộc, không ai bắt chữa đi, sửa lại. Chả bù, ở Mỹ muốn xây cái gì cũng phải có kỹ sư thành phố xuống kiểm soát, bắt chỉnh đi chỉnh lại cho đúng tiểu chuẩn, xây cái nhà mãi không xong. Khu nào dành cho nhà tư, không cho xây xí nghiệp, nhìn mãi một khuôn mẫu đến là đơn điệu. Khu thương mại thì chỉ có cửa hàng buôn bán không cho ở, trong khi bên ta dưới nhà thường là buôn bán, trên thì xây lầu để ở. Xây thêm cái phòng cũng phải xin phép, sửa lại cái nhà xe làm phòng cho thuê cũng không cho. Ở Việt Nam thế mà sướng, cái gì khó khăn mấy rồi cũng xong. Thủ tục “đầu tiên” qua rồi thì căn nhà có méo mó hay sai luật đến mấy cũng được thông qua.

Kẻ góp ý, tự do là một chuyện, qui luật là chuyện khác. Ta thử nhìn một trang giấy với những dòng chữ đẹp đẽ, ngay ngắn, theo hàng thẳng lối. Nơi nào chữ hoa thì viết hoa, nơi nào xuống dòng thì phải xuống dòng, có đẹp đẽ hơn một trang giấy lổn ngổn chữ, thụt ra thụt vào, chữ to lấn chữ nhỏ, chồng chéo lên nhau. Luật lệ ràng buộc nhiều điều nhưng thiếu chúng mọi sự sẽ loạn. Một đô thị kiến trúc mới, có những luật bảo toàn an sinh rất có lợi cho người dân. Chẳng hạn ở Mỹ mỗi con đường đều có nơi đặt vòi nước cứu hỏa, để phòng khi hoả hoạn có nước mà chữa cháy. Việt Nam có những nơi nhà cửa san sát, ngõ ngách chật hẹp khi bà hỏa tới viếng, người dân không chỗ chen chân để chạy, nói gì đến chỗ cho xe vòi rồng vào cứu hoả.

Nói chuyện mình rồi lại nghĩ tới người. Thái có những đền đài cung điện với kiến trúc chùa tháp và những mái cong là đặc thù của nền văn minh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Pháp, Anh, Ý, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha trong những kiến trúc nghệ thuật Roman, sắc nét nhất là các ngôi nhà thờ cổ, toà thánh, trần cao ngất (Sistine Chapel). Các công trình kiến trúc nhà cao tầng, tầng nối tầng, nhà nối nhà, kiên cố ở Ý đã vang danh đế quốc La Mã một thời. Nhữ ng tác phẩm xây dựng lẫy lừng của Brunelleschi, Ghiberti làm lóng lánh các kiến trúc Phục Hưng, Gothic và Baroque. Trung Quốc sắc nét Đông Á trong kiến trúc “Tử cấm thành” nhìn vào ai cũng nhận ra nó là của Trung Hoa. Khi tới Dali, tức nước Đại Lý xưa, du khách chợt sững sờ với một khu phố kiến trúc thật đặc biệt của những căn nhà mái cong sơn trắng trang nhã điểm hoa văn hay tranh vẽ sơn thủy khắp nơi, trong cũng như ngoài nhà. Người dân Đại Lý dành riêng khu phố cổ cho du khách, còn chính họ, họ dời ra nơi khác xây dựng một khu phố mới tân tiến hơn. Hàng năm rất nhiều du khách, phần lớn từ Âu châu ghé thăm Dali, Trung Quốc để tìm hiểu thêm về một nền văn hoá lạ do sự kết hợp của những bộ tộc thiểu số. Họ còn tận hưởng được khí hậu cao nguyên mát mẻ trong lành và thưởng thức những kiến trúc trang nhã hài hoà sạch và đẹp cho giờ phút thư dãn của một chuyến nghỉ hè lý thú.

Nét đặc thù của kiến trúc là một yếu tố quan trọng để lôi cuốn và mê hoặc du khách khắp nơi.

Nhìn lại văn hoá kiến trúc của ta, tôi bỗng tự hỏi: Chúng ta có một kiến trúc Việt Nam đặc thù hay không?

Kiến trúc một quốc gia bao gồm kiến trúc đô thị và kiến trúc nông thôn.

Nhắc đến kiến trúc nông thôn chúng ta chợt thấy gần gũi hơn với cội nguồn, cái cũ và truyền thống vì những gì mới mẻ tân tiến thường xảy ra nơi đô thị là chốn phồn hoa.

Từ xa xưa, kiến trúc nông thôn đi đôi với kiến trúc dân gian là cơ cấu không gian của những đơn vị làng, xã. Đơn vị nhỏ của làng gồm cổng làng, nhà ở, lũy tre bao bọc, nghĩa địa, đình, chùa, chợ búa... Đơn vị nhỏ nhất là nhà, hạt nhân cơ bản của một xã hội. Kiến trúc cổ truyền Việt Nam đa phần sử dụng kết cấu khung gỗ như nhà gỗ truyền thống Việt Nam, gồm các vật liệu bổ trợ như gạch, đá, ngói, đất, rơm, tre...

Trong thể loại kiến trúc này, thực sự không có sự khác biệt hoặc phân chia nhiều về kết cấu. Dựa trên vật liệu và đặc điểm cũng như tính chất của hệ kết cấu, trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam không thực sự tồn tại các công trình có kích thước lớn như ở các quốc gia khác. Những ngôi nhà truyền thống của một vài làng cổ ở miền Bắc còn sót lại đến nay, cho thấy chúng ta có một kiểu mẫu kiến trúc nông thôn căn bản, giản dị, với những mái tranh hoặc một tầng mái dốc. Các ngôi chùa cổ cũng có mái cong, dốc, tầng thấp khiến người muốn vào phải cúi gập người để vào. Theo lời giải thích của một nhà tu, mục đích của lối kiến trúc này giúp con người bớt ngạo mạn, bỏ đi cái tôi, bản ngã to lớn của mình. Có giàu sang, đức độ, tiếng tăm, lẫy lừng đến đâu vào chùa cũng phải cúi xuống mà vào.

Các kiểu nhà miền Bắc thời ấy thường là: Nhà chữ nhị là hai nhà sóng đôi; Nhà chữ công: trước sau hai nhà song có mái hiên nối; Nhà chữ môn: nhà chính và hai nhà phụ hai bên vuông góc với nhà chính. Miền Trung và miền Nam cũng có cấu trúc nhà ba gian, và hai chái phụ ở hai đầu nhà sẽ là hướng Đông Tây chống hơi nóng mặt trời sáng và chiều.

Gian chính làm nhà thờ hay tiếp khách còn hai gian kia để ở và lo việc bếp núc.

Vật liệu xây dựng thì cũng ít có tính cách lâu dài, chỉ trừ các công trình công cộng: gạch, đá, gỗ quý (thiết mộc)... mà đa số dùng các vật liệu địa phương sẵn có như lá, tranh, tre, gỗ đẽo, đá kê nền cột, đất sét nung hoặc không nung, bùn trộn rơm.

Hướng nhà cũng được chọn, thường hướng Nam, để đón gió cho phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm. Vật lý kiến trúc: thông gió tự nhiên, tường và mái nhà thường trùm kín nhà do mưa rất nhiều, hơn nữa cửa đi và cửa sổ mở rất ít do an ninh ngừa trộm cắp nên chiếu sáng tự nhiên rất tối và kém sáng sủa.

Nơi nào gần sông chúng ta có nhà sàn là những căn nhà cao lêu khêu có chân, cọc đóng dưới nước. Dân tộc thiểu số miền núi cũng ở nhà sàn cao để tránh thú dữ. Sau này khi đi qua các vùng có nhiều đồng bào Thượng ở Đà Lạt, tôi không còn nhìn thấy những căn nhà sàn ấy nữa, hoặc có còn thì rất ít, rải rác vài nơi hẻo lánh. Chính phủ với các công trình quy hoạch xây dựng đã thay thế chúng bằng những khu nhà chung cư, hình ống với tháp tròn hay nhọn cho họ ở. Tiếc quá, theo tôi những ngôi nhà sàn ấy là nét đặc thù của đồng bào dân tộc.

Cây cầu tre
Tôi còn thấy các cây cầu khỉ, cầu tre, cầu ván là nét đặc thù của dân tộc miền Nam Việt Nam. Những cây cầu dễ làm, khó đi, lắt lẻo, đầy tình tự dân tộc réo rắt trong điệu hò, ca dao Việt Nam. “Ví dầu cầu ván đóng đinh - Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi”. Bây giờ những cây cầu khó đi kia dần dần được thay thế bằng những cây cầu đúc rất tiện cho việc đi lại nhưng tiếng hò ru con “cầu tre lắt lẻo” vẫn còn ầu ơ vang vọng nhắc nhớ người người chiếc cầu tre mẹ đi ngày nào dẫn con qua vạn nẻo đường đời trắc trở.

Kiến trúc đô thị: Trong lịch sử của bề dày hàng nghìn năm, kiến trúc Hà Nội xưa tức Thăng Long thành đã sớm có sự giao thoa với kiến trúc Chăm Pa (một nền văn hoá có ảnh hưởng sâu rộng của văn hoá Ấn Độ) như trong bài viết của Đoàn Minh Châu về Hà Nội:

“Sự hoà quyện giữa văn hoá Việt - Chăm trên đất kinh thành tạo ra một nét đặc sắc riêng, trở thành một thành tố cấu thành nghệ thuật điêu khắc – kiến trúc Thăng Long. Điều đó còn thấy rõ ở khá nhiều công trình văn hoá. Sử sách còn ghi dấu một kiến trúc rất Chăm Pa, tháp Báo Thiên nằm bên hồ Lục Thuỷ ( phần còn lại chính là Hồ Gươm hiện nay), ở vào vị trí khu vực chùa Bà Đá - Nhà thờ lớn hiện nay và hồi đó được ca ngợi như “cột chống trời, cao chót vót hơn 4 chục trượng, 12 tầng, do vua Lý sai tù binh chiếm thành (Chăm Pa) xây” (Sách An Nam chí lược của Lê Trắc viết năm 1333). Kiểu kiến trúc như tháp Báo Thiên có thể coi là đặc trưng kiến trúc thời kỳ đầu dựng thành Thăng Long, sau đó đã xuất hiện rất nhiều bên cạnh những ngôi chùa cổ kính mang đậm sắc thái Việt ở nhiều làng quê Bắc bộ như một phần không thể thiếu của nét văn hoá Kinh Kỳ. Nhiều sắc thái của văn hoá Chăm Pa khác còn được lưu giữ ở nhiều di tích như chùa Châu Lâm tức chùa Bà Banh - Bà Đanh, quãng trường Bưởi (Chu Văn An), rồi chùa ‘Bà Già’ ở Phú Xá, Chùa Tứ Liên (cũng đều quanh Hồ Tây), đặc biệt là đã đi vào tấm bia chạm ‘Bà Banh’ trần trụi, rất Chăm còn đọng lại ở nhiều giai thoại văn học.”
(Đoàn Minh Châu, “Bản lĩnh văn hoá của Hà Nội nghìn năm”)

Ngoài nét lai Chăm Pa, chúng ta thấy nhiều kiểu thức, sắc thái kiến trúc cơ bản của Việt Nam bị ảnh hưởng mỹ thuật kiến trúc Trung Quốc qua những công trình điêu khắc và kiến trúc còn sót lại. Điển hình là Văn Miếu, Đền thờ Vua Hùng, Vua Đinh Tiên Hoàng ở miền Bắc. Người Hoa dùng màu vàng và đỏ tối đa trong các kiến trúc cung điện hay chùa đình, Tử cấm thành là một thí dụ. 

Kinh đô Huế với Đại Nội và các lăng vua qua các triều đại nhà Nguyễn, tiết lộ ảnh hưởng kiểu thức đền đài cung điện Trung Quốc thời Mãn Thanh với nhiều sắc đỏ, vàng đậm đặc. Các lăng tẩm Thiệu Trị, Minh Mạng, Tự Đức (ngoại trừ lăng Khải Định có thêm nét đặc biệt khảm trai và đồ sứ lai Pháp) rập khuôn cấu trúc Tử Cấm Thành và những biểu trưng quyền lực tối thượng của Hoàng gia là rồng, cùng tứ quý lân, ly, quy, phượng.

Hàn quốc cũng có kiến thiết cung điện giống Trung Quốc, nhưng họ dùng màu sắc khác biệt để tạo nét đặc thù riêng. Kỹ thuật trang trí cung điện Hàn Quốc này gọi là Dancheong tức là Đan Thanh (đỏ xanh) hay Âm Dương theo nguyên tắc ngũ hành. Năm màu chủ lực được dùng là: Trắng, đen, vàng, đỏ và xanh. Màu xanh lá cây nhẹ và cam được dùng nhiều hơn, tạo một phong thái nhẹ nhàng, thanh nhã biện biệt. Nhìn vào mát mắt chứ không chói lọi như hai màu vàng và đỏ. Biểu tượng tối cao của Hoàng gia Hàn Quốc là mặt trăng và phượng hoàng nên các nét chạm trổ và huy hiệu điêu khắc trên trần nhà các nơi mang hình hai vậy quý này. 

Mái nhà cổ nước Đại Lý
Mái chùa cổ Kim Liên - Hà Nội

 

Nếu để ý kỹ ta có thể phân rõ sự khác biệt giữa kiến trúc lăng tẩm, chùa chiền thời Lý trở về trước và các lăng tẩm chùa chiền ở Huế từ thời Gia Long trở về sau. Những kiến trúc xưa như Chùa Một cột, chùa Kim Liên, Hà Nội có góc mái cong khác với các mái cong lăng tẩm chùa chiền Huế. Nó cong vút và thon thả giông giống kiến trúc các góc mái những ngôi nhà cổ ở Dali (nước Đại Lý xưa), Trung Quốc. Điều này nếu có thể sẽ dẫn ra đầu mối cho một giả thuyết mới đây nói về nguồn gốc tộc Việt ngày xưa bắt đầu xuất phát từ các bộ tộc ở nước Đại Lý, Vân Nam tuốt bên Tàu. Các góc mái lăng tẩm triều Nguyễn giống Tử cấm thành nhiều hơn. Vua Gia Long có lẽ ưa chuộng triều Mãn Thanh nên ông bắt chước từ kiến trúc đền đài cho đến luật lệ. Ông đã bỏ cái hay của bộ luật Hồng Đức nhà Lê rất giá trị, tiến bộ và đầy tính nhân bản để ban hành bộ luật Hoàng Việt Luật Lệ dựa theo luật lệ xưa cũ của nhà Mãn Thanh.

Khu phố cổ Hà Nội còn là một quần thể kiến trúc tượng trưng cho kiến trúc đô thị xưa.

Nét độc đáo mang nặng bản sắc dân tộc Việt là cấu trúc 36 phố phường phân rõ theo sản phẩm thủ công dân cư truyền thống. Những phố Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Mã... là những ngôi nhà cổ được xây gạch, lợp ngói. Sau này bên cạnh những mái ngói có những gờ đấu, bờ nóc giật tam cấp lại xuất hiện các ngôi nhà có mặt tiền làm theo kiểu cách Âu châu ghi dấu một thời kỳ kiến trúc thuộc địa. Sự tiến hóa kiến trúc đô thị của Việt Nam có nhiều nét lai Pháp từ Bắc vào Nam là những: Nhà hát lớn Hà Nội, Toà nhà của trường đại học Đông Dương (nay là trường Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Viễn đông Bác cổ (nay là Viện Bảo tàng Lịch sử), Bộ Ngoại giao, Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), Thư viện Quốc gia, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Bảo Đại, trường học Trần Phú, Lycée Yersin, Marie Curie...

Thể loại kiến trúc này được du nhập từ các nước phương Tây, cùng với sự xuất hiện của người Pháp tại Việt Nam vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Loại hình kiến trúc này phát triển song song với quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp.

Ngày nay, song song với việc mở cửa hội nhập với quốc tế bằng nền kinh tế thị trường, nhiều luồng kiến trúc khác nhau cũng hồ hởi du nhập vào nước. Kiến trúc sư Việt Nam đang lần tìm một con đường riêng và cố hình thành một khuynh hướng kiến trúc mới. Do đó đã nảy sinh một trào lưu mới vừa muốn theo phong cách hiện đại với đặc điểm cấu trúc mỹ thuật nước ngoài vừa muốn phù hợp với diện tích đất đai ít ỏi nhỏ hẹp của thành thị. Hậu quả sự lai tạp và sao chép kiểu thức ngoại quốc này khiến nền kiến trúc văn hoá xây dụng nước nhà trở nên hỗn loạn. Những ngôi nhà siêu mỏng, siêu siêu mỏng mà người ta gọi là những ngôi nhà “kỳ dị” ở thành phố Hà Nội đã mọc lên làm rối mắt dân Hà Thành.

“Đó là những ngôi nhà mà bề dày chỉ dưới 1m. Nhà siêu mỏng rất đa dạng về kiểu dáng. Từ hình tam giác, hình vuông, hình ống, hình lục giác... thậm chí là những hình thù kỳ quái mà trong từ điển hình học không có từ để diễn tả. Bộ mặt đô thị cũng vì thế mà trở nên méo mó, dị dạng.” (Trích Việt NamNet, “Vì sao Hà Nội vẫn tồn tại nhà siêu mỏng”)

Gần đây nhất, khi đi từ Bắc chí Nam, tôi bắt gặp nhiều nhà cao tầng hình ống liên kế, nền bê tông, mái nhọn hoặc hình tháp tròn, màu sắc có khi tương phản, chói lọi, mặt tiền trên cao lại điểm thêm những bông trang trí giống Mã Lai hoặc Thái Lan gì đó làm tôi có cảm tưởng sự lai tạp trong kiến trúc làm bay mất tất cả nét đặc thù nếu có của nền kiến trúc Việt Nam.

Đây là ý kiến của Nguyễn Bỉnh Quân trong một bài viết Nhà ống – ‘thất bại hoành tráng’ của đô thị mới”:

“Đùng một cái với 20 năm kinh tế thị trường, nhà ống bùng phát như một đại dịch. Có nhẽ tới 60-70% dân đô thị ở nhà ống. Chẳng ai hiểu tại sao. Nền cứ bán 4/16-20m và thế là câu hỏi tại sao kia trở nên ngớ ngẩn. Nước ta là một kình ngư khổng lồ đang ra biển lớn, doạ sẽ hoá rồng. Đường sá mọc ra hàng ngày. Nếu đường là bộ xương của đất nước với hàng vạn nhánh thì hàng triệu triệu ngôi nhà ống hai bên là triệu triệu gai đôi hành khổ cơ thể kinh tế và dân sinh. Ai bắt ta phải thế?

Một nhà sử học hỏi: Sao giữa đồi, ngoài cánh đồng cũng nhà ống hả ông? Bêtông hoá đường nông thôn cũng sinh ra nhà ống luôn! Khu công nghiệp mở tới đâu nhà ống vây xung quanh lập tức. Thị trấn, thị xã đều nhất loạt ống hoá cả. Anh nào nghĩ ra cái nền 4/16-20m đáng gọi là sư tổ của nền kiến trúc "manh mún" của Việt Nam. Thế hệ đầu ra phố cứ mặc nhiên coi nhà ống là cách ở bắt buộc. Các phòng thẳng một hàng; xe máy có thể phóng qua; gió lùa một lối; ánh sáng hai đầu, ở giữa tối om. Chả thấy có gì là bất tiện cả! Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư ngồi xe với tôi ở Vũng Tàu reo lên:


Đây có một blốc nhà liên kế kìa! Các blốc nhà liên kế được kiến trúc sư thiết kế đàng hoàng, trệt là các cửa hàng, khu công cộng, dịch vụ, các lầu là các văn phòng, căn hộ tiện nghi. Cứ vài blốc đến một ngã tư ngăn nắp. Hẻm, ngách chỉ hãn hữu. Đó là dạng nhà thông thường của các đô thị. Hiệu quả thu thuế, kinh doanh và sinh sống văn minh cao gấp hàng chục, hàng trăm lần nhà ống. Thế mà ở ta nó lại là sự lạ thì có phải ta đang làm chuyện ngược đời không!”


Nhà cao tầng hình ống liên kế
Nhà hình ống

 

Cấu trúc nhà ống tăng trưởng, ngôn ngữ cũng nảy sinh từ mới gọi là "Bệnh nhà kín" hay hội chứng nhà cao tầng hoặc hội chứng đau yếu do nhà ở. Bệnh này không có gì lạ với những người sống và làm việc trong các tòa cao ốc... Triệu chứng bệnh là: Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, nặng đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó tập trung, mũi bị kích thích, khô họng, da mặt khô, ngứa, nóng, căng hoặc đỏ...

Tuy kiến trúc nhà cao tầng hình ống có nhiều người phản đối nhưng nó vẫn mọc lên khắp nơi nơi, một độc giả phản ứng trong mục bạn đọc viết của trang mạng VietNamNet:

Tôi đề nghị, cần có một điều khoản trong Luật Xây dựng như sau: Không xây nhà hình ống trong đô thị mới, trong khu qui hoạch mới và cấm xây nhà cao gấp ba lần bề ngang hẹp nhất của mảnh đất xây dựng (trừ các cao ốc, chung cư…). Ví dụ: nếu mảnh đất có bề ngang hẹp nhất là 5 m thì chiều cao tối đa của toà nhà là 15m (tức chỉ được 4 tầng, không tính tầng hầm). Còn nếu bề ngang hẹp nhất là 10m, chiều cao tòa nhà cao nhất sẽ là 30m (8 tầng).

Và, như vậy đô thị mới ở Việt Nam sẽ ‘không bao giờ có các tòa nhà dị dạng, khu phố trăm hoa đua nở’ nhếch nhác, ‘cò con’ mà sẽ có một diện mạo hiện đại, văn minh.

Mạo muội vài ý kiến, xin chân thành cảm ơn!”

(Trần Văn Luyến, “Có nên phân lô xây nhà hình ống?”)

Trong cuộc trò chuyện với tờ Dân trí về kiến trúc - quy hoạch của Thủ đô Hà Nội và về thế hệ kiến trúc sư trẻ hiện nay, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - một giảng viên đại học, một vị Chủ tịch HĐQT của một văn phòng kiến trúc sư tâm sự:

“Một thành phố muốn tốt, đẹp, trước hết quy hoạch phải tốt, trong khi quy hoạch hiện tại của ta hết sức lộn xộn, cấu trúc của đô thị không mạch lạc. Người ta vẫn nói không hiểu kiến trúc Hà Nội là kiến trúc gì, như một nồi lẩu thập cẩm.”

Như chúng ta đã thấy tầm quan trọng trong sự tiến hoá kiến trúc của một quốc gia rất lớn. Những công trình kiến trúc phản ánh nếp sống, văn hóa cũng như bản sắc truyền thống của một dân tộc. Thời gian, con người, có mai một nhưng những cơ cấu kiến trúc qua nhiều thế hệ vẫn có thể còn tồn tại đâu đó để đánh dấu cho những biến đổi hay các dấu mốc lịch sử của một dân tộc. Sự hiện diện của kiến trúc đô thị hình ống chúng ta thấy bây giờ sẽ còn lưu dấu đến 20, 30, 100 năm sau như một bằng chứng hiển hiện cho một cơn shốc kiến trúc thời kinh tế thị trường. Và con cháu chúng ta trăm năm, ngàn năm nữa nhìn ngược lại lịch sử có bao giờ nảy sinh câu hỏi như tôi đã từng tự hỏi:

Cha, mẹ, ông, bà ơi! chúng ta có một nền kiến trúc Việt Nam đặc thù hay không?


Tài liệu tham khảo


© 2008 talawas