© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
22.4.2008
Patrick James Honey
Trương Vĩnh Ký và Chuyến đi Bắc-kỳ năm Ất-hợi (1876) qua con mắt một nhà nghiên cứu nước ngoài
Trần Hải Yến dịch
 
Trương Vĩnh Ký (1837-1898) để lại một khối lượng trước thuật đồ sộ, gồm trên 100 trăm tác phẩm về nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên cuộc đời 61 năm của ông cũng gây nên nhiều nhận định trái chiều. Để có thêm tư liệu cho việc tìm hiểu cuộc đời Trương Vĩnh Ký và định giá vai trò vị trí của ông trong tiến trình văn hóa dân tộc, chúng tôi xin trích giới thiệu ý kiến của một nhà nghiên cứu nước ngoài, P.J. Honey [1] về một trong những tác phẩm vẫn còn gây tranh cãi của Trương Vĩnh Ký, Chuyến đi Bắc-kỳ năm Ất-hợi (1876). [2]
Lời giới thiệu

... Chuyến đi Bắc-kỳ, ở một số phương diện là một tài liệu bí hiểm, đặt ra không ít câu hỏi. Chẳng hạn, vì sao tiêu đề của nó lại lấy tên âm lịch: năm Ất-hợi, theo dương lịch là năm 1875, ngoại trừ vài tuần chênh lệch, mà không lấy là Bính-tí, dương lịch là 1876? [3] Vấn đề nữa là tại sao Trương Vĩnh Ký để đến 1881 – khoảng 5 năm sau đó – mới cho xuất bản những ghi chép này? Báo cáo về chuyến đi ông viết gửi quan Toàn quyền Pháp thì được soạn thảo và gửi đi trong vòng 8 ngày sau khi ông trở lại Sài Gòn. Quan trọng hơn là vì sao nội dung của báo cáo và nội dung của Chuyến đi Bắc-kỳ lại rất khác nhau? Có nhiều chỗ tài liệu này dường như mâu thuẫn với tài liệu kia.

Vào thế kỷ 19 du lịch để du lịch, ngao du đây đó để mở mang hiểu biết hoặc trải nghiệm không phải là thói quen của người Việt. Ngược lại, thông lệ của triều đình là đày đi biệt xứ những quan lại phạm tội hoặc phạm sai lầm để trừng phạt. Chuyến đi của Trương Vĩnh Ký đến Bắc Kỳ do đó rất khác thường, được tiến hành, như nó “cho biết”, là “chơi một chuyến cho biết”. Quả thực, đúng như vậy, có những người Việt Nam đã nghi ngờ ông dùng chuyến đi này nhằm mục đích do thám tình hình ở Bắc Kỳ cho nhà cầm quyền Pháp, do đó họ có thể kết luận liệu đó có phải là mưu mô của viên Toàn quyền nhằm thôn tính Bắc Kỳ như đã từng xảy ra đối với Nam Kỳ. Những người này phán đoán dựa trên chỉ riêng Chuyến đi Bắc-kỳ..., vì bản báo cáo bí mật gửi quan Toàn quyền chỉ được công khai sau khi Trương Vĩnh Ký qua đời nhiều năm. Nội dung bản báo cáo hoàn toàn mang tính chính trị và chủ yếu đề cập đến một sự thôn tính có thể có của người Pháp ở Bắc Kỳ. Trong bản báo cáo, Trương Vĩnh Ký dường như đang tìm cách thuyết phục quan Toàn quyền những lợi ích mà người Pháp có thể có nếu chiếm được Bắc Kỳ.

Với một sự thẳng băng không điển hình cho một người Việt và sự vô tư không có ở các cây bút Pháp đương thời, Trương Vĩnh Ký đã báo cáo những khác biệt và sự bất bình chia rẽ các giáo sĩ Pháp và giáo sĩ bản địa, sự hận thù giữa những người theo Kitô giáo và không Kitô, ông cũng trách móc những hành vi tàn bạo gây ra trong chiến dịch của “nhà nho” đối với cả hai phía. Viết về cuộc trò chuyện dài giữa ông với các quan lại, trong đó có một số là bạn hữu của ông từ chuyến Tây du của Phan Thanh Giản, ông miêu tả sự bất bình của họ với chủ nghĩa bảo thủ cực đoan của các quan thượng thư trong triều đình Huế và sự miễn cưỡng của những vị quan này khi phải ủng hộ bất kỳ tư tưởng mới mẻ nào. Ông cũng không che giấu sự thiếu thốn cực kỳ lớn của họ về bổng lộc, khiến họ phải lao theo các vụ tham nhũng. Thường dân ở Bắc Kỳ là những kẻ khốn cùng, họ luôn luôn đói khát và không được an ninh, ổn định đủ để đảm bảo một cuộc sống tạm được. Bộ máy quan liêu bất lực trong việc ổn định lại trật tự và no ấm cho vùng đất này, đến mức người Bắc Kỳ phải ghen tị nhìn những người bà con Nam Kỳ của mình đang sống sung sướng dưới sự bảo trợ của Pháp. Báo cáo kết thúc bằng một miêu tả sinh động về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và cư dân cần cù dễ sai khiến của Bắc Kỳ. [4]

Chuyến đi Bắc-kỳ, hoàn toàn ngược lại, im lặng về sự nghèo nàn và bất ổn cố hữu nói trên. Quan lại được khắc hoạ là những người quanh năm suốt tháng thích yến ẩm vui vẻ, ngao du với những đám tuỳ tùng lòe loẹt đông đảo, đãi đằng khách khứa bằng những đặc sản. Tác phẩm ghi chép kỹ lưỡng về đặc sản của từng vùng, ghi lại nhà quán nào nổi tiếng về món gì và miêu tả chi tiết về hội hè của dân quê. Bản thân Trương Vĩnh Ký được khoản đãi thịnh soạn, những bữa tiệc ông dự thường có con hát phục vụ với món tiền công hậu hĩ, và dường như là ông đã ngao du xứ sở mà không hề phải lo lắng gì về sự an toàn của chính mình. Ấn tượng về Bắc Kỳ là một vùng đất yên lành và thịnh vượng với những cư dân thân thiện và mến khách, và vô số các di tích hấp dẫn về quá khứ huy hoàng của Việt Nam.

Vì sao có những trái ngược như vậy trong hai tài liệu này? Và liệu Trương Vĩnh Ký có thực sự đang thực thi nhiệm vụ do thám cho các ông thầy Pháp và đang hối thúc họ thôn tính thêm một vùng đất nữa của quê hương ông? Những ghi chép còn lại cho thấy Trương Vĩnh Ký vẫn nhận toàn bộ lương bổng trong suốt thời kỳ ông vắng mặt khỏi trường Hậu bổ, nó chứng tỏ ông đã thực thi một công việc của chính phủ. Có chút nghi ngờ rằng ông tiến hành chuyến đi này theo chỉ thị của các quan lại thực dân Pháp, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa rằng ông đã chuẩn bị phản bội lại đồng bào mình trước những kẻ xâm lăng ngoại bang. Tình yêu của ông dành cho đất nước mình, dân tộc mình và nền văn hóa Việt Nam thể hiện rất rõ ràng trong các trang viết của ông. Hơn thế, ông có nhiều bạn hữu thân thiết trong giới quan lại Việt Nam, một số trong đó giữ những trọng trách lớn, và những người này rất khó tiếp tục tình bạn với ông nếu họ có chút hoài nghi nào về lòng trung thành của ông. Có thể ông chấp nhận đề nghị về chuyến đi vì ông tin rằng ông có khả năng hơn những người khác trong việc nắm bắt tình hình ở Bắc Kỳ, rằng ông có thể nói chuyện thẳng thắn với những người bạn đang làm quan ở đó. Chắc chắn là ông đã thích thú với cơ hội ngao du Bắc Kỳ, vì ông thích thăm thú những vùng đất mới. [5] Báo cáo ông viết sau chuyến đi, ngoài sự vô tư và độc lập trong phán đoán, cho thấy một mối quan tâm sâu sắc đối với những gì ông thấy và mối cảm thương dành cho đồng bào Bắc Kỳ của mình.

Quan sát của cá nhân Trương Vĩnh Ký, mà quan trọng hơn là những cuộc trò chuyện của ông với các quan lại và giáo sĩ Kitô giáo dường như đã thuyết phục ông rằng nhiệm vụ đem lại cho người dân khốn khó của vùng đất này một sự ổn định và sung túc đã vượt ra ngoài khả năng của triều đình Việt Nam. Hẳn là khó tranh luận về một kết luận như vậy. Nhận thức của ông về ưu thế quân sự bất tận của Pháp và kinh nghiệm của ông về bộ máy hành chính quy củ do Pháp thiết định ở Nam Kỳ chắc chắn đã ảnh hưởng tới phán xét này của ông. Ông đã sống suốt thời kỳ chiến tranh diễn ra ở các tỉnh miền Nam, cuộc chiến đã gây ra những chết chóc cho binh lính Việt Nam, và những rối loạn xã hội là hệ quả của nó. Ông đã thấy viên chức hành chính Pháp áp đặt trật tự của họ lên tình hình hỗn độn đó và sự phồn vinh kéo theo sau đó. Bản báo cáo gây ra chút hoài nghi rằng ông tin người Pháp là lực lượng duy nhất có khả năng kiến tạo một trật tự và sự thịnh vượng tương tự ở Bắc Kỳ. Có thể hơi ngạc nhiên khi biết rằng Trương Vĩnh Ký đã bàn về khả năng thôn tính của Pháp đối với Bắc Kỳ một cách khá cởi mở với những viên quan có trách nhiệm ở đó mà không làm rúng động lòng ái quốc của họ. Quả thực đã có ấn tượng rằng họ đã nhìn khả năng đó một cách bình thản và rằng một số người đã lo lắng về việc Pháp đảm trách nhiệm vụ đó. Đây là những quan tâm đã thuyết phục Trương Vĩnh Ký thăm thú Bắc Kỳ và đệ trình lên Thống sứ bản báo cáo.

Với đam mê riêng, Trương Vĩnh Ký đã ghi chép rất nhiều về con người và vùng đất mà ông ghé thăm ở Bắc Kỳ và thu thập tất cả những thông tin về các lĩnh vực như địa lý, lịch sử, kinh tế, phong tục và bộ máy hành chính ở vùng này. Ông là một nhà sưu tập cố hữu về tư liệu và chắc chắn là đã sắp xếp chúng lại khi nghiên cứu tại ngôi nhà của ông ở Chợ Lớn để sử dụng trong tương lai. Sau này, khi có đủ rảnh rỗi, ông đã quyết định xuất bản ghi chép về chuyến đi này để giải trí và khai sáng cho độc giả Nam Kỳ. Bắc Kỳ, lúc bấy giờ, một vùng đất vừa quá khó vừa quá tốn kém để đặt chân đến. Người Nam Kỳ biết rất rõ rằng đó là cái nôi của dân tộc Việt, là nơi từng ghi dấu phần lớn các kỳ tích của lịch sử, song phần lớn họ không có cơ hội đến thăm. Đó là lý do vì sao một ghi chép về chuyến đi Bắc Kỳ hẳn sẽ được độc giả Nam Kỳ đánh giá cao. Trương Vĩnh Ký đương nhiên muốn thay đổi sự hiểu biết của những độc giả này cũng như thông tin cho họ, đó là lý do vì sao Chuyến đi Bắc-kỳ được viết theo hình thức mà nó đã hiện hữu. Những công trình lịch sử nổi tiếng được ghé thăm và miêu tả; những vùng đất được ghi chép lại; y phục, hành vi, món ăn, trò vui và... được ghi chép và nhắc đến rải rác bằng các chi tiết thú vị mà người viết trải nghiệm. Rõ ràng Trương Vĩnh Ký thấy không cần đưa vấn đề chính trị vào đây, bởi ông không có ý định coi nó là một phần của cuốn sách.

Chính nội dung sách cho thấy rằng Trương Vĩnh Ký không nhìn nhận “Chuyến đi Bắc Kỳ” theo cùng cách nhìn với các ấn bản lịch sử và ngôn ngữ của ông, vì việc soát xét lại văn bản này nhiều khi hơi cẩu thả. Trường hợp các tỉnh Hà Nội và Ninh Bình chẳng hạn, ông tính nhầm số huyện, mà ông ghi lại tên gọi [6] . [7] Dân số, có lẽ được ghi lại theo ghi chép báo cáo địa phương, được tái tạo lại mà không có một bình giải nào, đó là điều đáng tiếc. Hẳn là thú vị khi biết được lý do về sự chênh lệch giữa tỉ lệ tăng dân số ở các vùng khác nhau và khám phá vì sao nam giới của tỉnh Ninh Bình lại giảm từ 9.800 thời Gia Long (1802-1820) xuống 3.192 người vào năm 1876. Cũng không hề nhắc đến sự cùng khốn được miêu tả trong chính bản báo cáo của ông và trong những trang viết của du khách và các nhà truyền đạo Pháp, hoặc nhắc đến sự thù địch giữa người theo đạo Gia tô và không theo đạo Gia tô, giữa quan lại Pháp và quan lại Việt. Thực tế, Trương Vĩnh Ký có viết về bữa ăn với cha Nghiêm với các món chế từ con lợn vừa giết thịt, về mức độ hoang phí của các lễ cúng tiến thần linh ở tỉnh Hải Dương, v.v... mang lại ấn tượng về sự sung túc. Có thể có một hàm ý về sự thù địch rơi rớt lại trong đoạn ghi về lần ra đi vội vàng của ông từ Thanh Hóa và sự thiếu thiện ý của chủ nhà nơi ông ở.

Nguồn sử liệu cả Pháp lẫn Việt đều giả định rằng tình trạng an ninh ở Bắc Kỳ trong những năm 1870 là tồi tệ, sự yên bình bị quấy rối bởi những đám cướp cờ vàng cờ đen, những người khuông phò nhà Lê chống lại ngai vàng Việt Nam, những kẻ bắt cóc Trung Hoa, nhưng lại không hề nhắc đến điều này và dường như chuyến đi đã hoàn tất mà không gặp phải một sự quấy rầy nào. Sự cố duy nhất cho thấy sự thiếu an ninh là cuộc giải thoát các cô gái Việt Nam khỏi toán hải tặc Trung Hoa ở Hải Phòng. Ghi chép của Trương Vĩnh Ký phản ánh mối quan hệ kỳ quặc giữa người Trung Quốc và người Việt Nam khi kể chuyện những tên hải tặc Trung Hoa từ chối cho phép những người lính Việt khám xét thuyền bè của họ, và những phản đối này đã bị một người Pháp gạt đi như thế nào.

Trên hết, Chuyến đi Bắc-kỳ giới thiệu cho độc giả một miêu tả đương thời sống động về cuộc sống ở Bắc Kỳ trước khi vùng này bị Pháp thôn tính. Trương Vĩnh Ký quan tâm đến những vấn đề như tập tục, y phục, lễ hội, trò chơi, những quan sát tôn giáo, và các mặt khác của đời sống thường nhật thường bị các cây bút Pháp sau này bỏ qua. Cùng với bản báo cáo của Trương Vĩnh Ký trình lên quan Toàn quyền về tình hình Bắc Kỳ, tác phẩm này cung cấp một chỉnh thể thông tin phong phú về thực trạng của Bắc Kỳ trong những năm cuối cùng của nhà nước Việt Nam độc lập.


(Toàn bộ chú thích trên đây đều là của người dịch)

Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Patrick James Honey (1922-2005): Giảng viên tiếng Việt và Lịch sử Việt Nam. Năm 1940 Honey học Đại học Birkbeck, London. Năm 1941 gia nhập Hải quân Hoàng gia Anh, phục vụ trên chiến hạm Atlantic, chiến hạm Nga, chiến dịch Italia và vùng Viễn Đông. Sau ngày Nhật đầu hàng, viên đại uý trẻ Honey đã theo lực lượng Anh vào Sài Gòn với trách nhiệm duy trì trật tự; đây là lần đầu tiên ông tiếp xúc với Việt Nam. Kết thúc chiến tranh, Honey về nước và năm 1949 tốt nghiệp Đại học London ngành Kinh điển. 1949-1965 giảng dạy tiếng Việt tại Trường Nghiên cứu Á Phi, Đại học London. 1965-1985 là chuyên gia Việt học, Đại học London. Ông là chủ nhiệm khoa Đông Nam Á, Đại học London, từ 1982 đến 1985.
Các công trình chủ yếu của Honey gồm: (Theo “Cáo phó” đăng trên Independent, London, số ra ngày 31 tháng 10 năm 2005)
Trong phần giới thiệu thân thế sự nghiệp Trương Vĩnh Ký đặt trước bản dịch Chuyến đi Bắc-kỳ năm Ất-hợi, P.J.Honey viết:
“Trương Vĩnh Ký chịu ảnh hưởng sâu sắc và đã quyết định đem đến cho đồng bào mình những lợi ích mà ông đã được thu gặt được từ các ông thầy phương Tây. Khát vọng này đã khích lệ ông trước tác nhiều hơn rất nhiều bất kỳ cây bút Việt Nam nào trước đó, và đã khuôn định đề tài và lối viết của ông.
Đặc điểm phân biệt rõ rệt nhất Trương Vĩnh Ký với những người đồng thời với ông và với những người Việt Nam trước đó là niềm đam mê hiểu biết, khát khao khôn cùng về thông tin và học hỏi mọi vấn đề, là óc phán xét riêng mang tính hoài nghi đối với những tư liệu thực tế mà ông thu thập được.
... Theo bất kỳ chuẩn mực nào, Trương Vĩnh Ký cũng là một học giả xuất chúng, với một bộ óc hào hứng với tất cả những gì của thế giới xung quanh ông và khả năng lao động cần cù đến mức siêu phàm. Ông thuần thục nhiều ngoại ngữ đến độ kỳ lạ, bởi có thể đọc và nói được 15 thứ tiếng, cá sinh ngữ và tử ngữ, và viết được 11 ngôn ngữ, hầu hết đều là ngôn ngữ vùng Viễn Đông. Nhưng ông không chỉ là một người biết nhiều thứ tiếng, vì ngoài việc là một thi sĩ hoàn hảo ông còn trước tác về lịch sử, văn chương, ngữ pháp, địa lý, dân gian, xã hội và nhiều lĩnh vực khác. Dường như ông hạnh phúc nhất khi làm một người thầy và người cầm bút, vì mặc dù nhờ tài năng ông đã được mời tham gia vào các chuyến công du nước ngoài và tham chính tại xứ xở của mình nhưng ông ít ham chính sự và có lẽ ông đi đây đi đó vì óc hiếu kỳ nhiều hơn bất cứ lý do nào khác.”
[2]Cuốn sách dày 125 trang, sau phần Giới thiệu, Hành trạng của Trương Vĩnh Ký là bản dịch tiếng Anh, có phụ bản chữ quốc ngữ của lần in đầu tiên (1881) tác phẩm Chuyến đi Bắc-kỳ năm Ất-hợi (1876), Báo cáo (nguyên văn tiếng Pháp) gửi Toàn quyền Pháp viết ngay sau chuyến đi, và cuối cùng là một bản đồ do Honey lập theo miêu tả lịch trình chuyến đi này.
[3]Theo ghi chép của Trương Vĩnh Ký, chuyến đi khởi hành ngày 18 tháng Chạp năm Ất Hợi, tức năm dương lịch 1876, như vậy Trương Vĩnh Ký đã theo đúng thói quen của người Việt khi ghi chép về những thời điểm ráp ranh có sự chênh lệch giữa âm lịch và dương lịch. Dịch giả đặt câu hỏi như trên có lẽ do chưa quen với thực tế này.
[4]Xin xem Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật) do Nguyễn Văn Trấn biên khảo, Ban Khoa học Xã hội thành uỷ, Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1993, các trang 36-42.
[5]Mở đầu Chuyến đi..., ông đã viết rõ: “bãi trường tham-biện vừa xong, vùng tính đi ra Bắc chơi một chuyến cho biết. Trong bụng muốn cũng đã lâu...”.
[6]
[7]Trường hợp tỉnh Hà Nội, Trương Vĩnh Ký ghi 15 huyện, nhưng theo tên các huyện mà chính ông liệt kê tiếp sau đó thì chỉ có 14. Tương tự, ở Ninh Bình ghi 7 huyện nhưng lại chỉ có 6 cái tên được ghi lại.
Nguồn: “Introduction”, Voyage to Tonking in the Year Ất-hợi (1876), University of London, 1982