Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!
Nghĩ lai rai – Mười bốn 1. Ở Pháp, sau cuộc Cách mạng 1789,
Condorcet đã quả quyết: “
Cuộc Cách mạng Pháp đặt nền tảng chính trị cho tiến trình hoàn hảo liên tục các đức hạnh của con người” (Ghê chưa?) Năm sau,
Condorcet được Cách mạng Pháp gia ơn cho phép chọn lựa giữa thuốc độc và máy chém. Hồi cuối:
Condorcet đã lom khom cúi xuống lượm cái thủ cấp của mình lên mà khóc thét: “Tưởng rằng nó
đức hạnh ai dè… nó
đứt thiệt!”
2. Liên tiếp một thời gian dài, khi ngồi vào bàn ăn, các văn nghệ sĩ ta dọn lên rặt có hai món đặc sản xen kẽ nhau: hết
rong rêu tới
sỏi đá, hết sỏi đá tới rong rêu. Một khi thức ăn chỉ có toàn là “
rong rêu / sỏi đá” thì nuốt vô chỉ có mà mắc nghẹn, cắn vô chỉ có mà gãy răng! Chơi chi mà ác quá vậy mấy cha nội? Làm ơn cho bần tăng ngả mặn chút đỉnh: ăn vú heo nướng, đớp dái dê lăn bột, hoặc xơi ngầu pín hầm thuốc bắc thử coi! Bổ lắm! Bổ lắm!
3. Đó là phần thức ăn. Về mặt thơ nhạc giao duyên, mỗi nghệ sĩ ta lại tự chọn cho mình một con vật để làm biểu hiệu:
“Em đi lấy chồng rồi / Anh làm
con sâu nhỏ / Rúc vào trái táo đỏ / Đắp chăn rên hù hù”
“Anh làm
chim bói cá / Trên cọc nhọn trăm năm / Hai bàn chân lủng hết / Anh đau cẳng quá xá / Cho nên anh đi cà nhắc... cho tới bi giờ!”
“Bên bãi cát Nha Trang / Anh làm
con dã tràng / Bò ngang không bò tới”
Vân vân... và vân vân...
4. Lời dân nhậu: “Ăn gan thì bổ gan, ăn tim thì bổ tim, ăn phổi thì bổ phổi. Còn uống rượu thì bổ… cột đèn!” Xin nhắc lại: ăn sỏi đá thì gãy răng! Còn nhai rong rêu thì trẹo quai hàm!
5. Thử bàn về thái độ
nghiêm chỉnh… một cách nghiêm chỉnh!
Khi phải nói về một vấn đề
quan trọng nào đó, người ta thường giữ cho mình một tư thế nghiêm chỉnh. Nghiêm chỉnh để thấy mình (quả thiệt) là quan trọng, nghiêm trọng, và trầm trọng. Những nhà đạo đức
thiệt thường đều giữ cho mình một vẻ nghiêm chỉnh (ngoại trừ Đức Đạt lai Lạt ma). Những nhà
đạo đức giả lại càng (giả bộ!) nghiêm chỉnh hơn thập bội các nhà đạo đức
thiệt. Cù mãi chả chịu cười! Nói theo kiểu Nam kỳ: “Cái thằng đó có thọc lét cách mấy cũng không chịu cười!” Tại sao vậy? Bởi lẽ người đời khoái tin những người “có vẻ” nghiêm chỉnh - thiệt hay giả bất cần. Vì vậy, phải nghiêm chỉnh mới ăn tiền thiên hạ! Và các nhà đạo đức giả thừa biết điều đó.
Tuy nói vậy, bần tăng không phải là người chủ trương (cái đạo) “
không nghiêm chỉnh” một chăm phần chăm. Bần tăng chỉ muốn gióng một tiếng chuông báo động: “Coi chừng!” Khi bàn chuyện đánh giặc, người ta hết sức nghiêm chỉnh. Khi cầm súng bắn vào người khác ở mặt trận, không thấy một ai cười. Khi thổi kèn xung phong thúc giục quân sĩ chém giết nhau, cũng không thấy một ai cười. Sau khi tàn sát nhau tơi bời, tới lúc ký kết hoà ước, người ta cũng ký một cách hết sức nghiêm chỉnh (chẳng hạn Hòa ước Paris 1973 về chiến tranh Việt Mỹ). Tới lúc cần xé bỏ hoà ước, người ta cũng xé một cách hết sức nghiêm chỉnh (chẳng hạn Bắc Việt xé Hòa ước Paris 1973 rồi xâm lăng miền Nam năm 1975). Rồi tuyên chiến. Cũng tuyên chiến một cách hết sức nghiêm chỉnh. Dĩ nhiên. Nghiêm chỉnh mút mùa (... lệ thủy)!
Trên cõi đời ô trọc này, ai ai cũng là một
tên hề. Người không nghiêm chỉnh là một tên hề, nhưng
biết mình là hề. Người nghiêm chỉnh là một tên hề mà
không biết mình là hề. Có những người hề mà rất nghiêm chỉnh. Cũng có những người nghiêm chỉnh mà lại rất là hề. Và hơn nữa, lại còn hề tột bực, hề đỉnh cao (trí tuệ!) Vì bởi đấng hề này cố gắng nghiêm chỉnh hết mình cho mình có vẻ nghiêm chỉnh chính cống. Tới mức trong thâm tâm cứ tưởng bở là mình nghiêm chỉnh... thiệt sự!
Thử hài danh một vài nhân vật nghiêm chỉnh khét tiếng trong lịch sử: Tần Thủy Hoàng, Hitler, Nhật hoàng, Mao Trạch Đông, Staline, Truman, Bác Hồ, Pol Pot, Bush Cha, Bush Con, Bin Laden... Kể thêm: Đức Giáo hoàng, Ay Da Tô La, các vị Thuợng toạ, các vị Lãnh đạo Tinh thần (hoặc hầu hết). Ngoại trừ có một vị đã tuyên bố: “Môn thể thao mà tôi ưa thích nhứt:
Cười!” Tác giả: Đức Đạt lai Lạt ma.
Tuy nhiên, trên hết tất cả mọi người và trên hết tất cả muôn loài, trong Trời Đất có một vị nghiêm chỉnh
vô địch: Thượng Đế. Một Đấng cù mãi chả chịu cười. Cù mỏi cả tay. Vô phương! Hết thuốc chữa! Chịu thua! Một Đấng mà mỗi khi nhìn thì ta phát “
run như run thần tử thấy long nhan!” như Hàn Mặc Tử đã gào lên như thế í. Mà nghĩ cha nội này cũng thiệt là kỳ. Kiếm Thượng Đế nhìn làm chi cho phát run lên như cái... đuôi con thằn lằn? Bộ bị mắc bịnh
khổ dâm hả cha nội? Mắc bịnh cùi thôi vẫn chưa đủ khổ hay sao?
6. Chuyện mang giày: Một anh chàng ngày nào cũng đi làm việc chăm chỉ. Nhưng lúc về đến nhà, ngày nào anh ta cũng ôm lấy bàn chưn của mình mà khóc thét: đau chịu đời không thấu! Sau cùng, chịu hết nổi, anh ta đi khám bác sĩ chuyên khoa. Sau khi tuột giày, bác sĩ khám bàn chưn anh rất kỹ, không thấy gì lạ ngoại trừ bàn chưn anh lớn hơn cỡ bình thường. Bèn hỏi: “Bàn chưn anh cỡ số mấy?” Anh đáp: “Dạ cỡ 42.” Hỏi tiếp: “Anh đi giày số mấy?” Đáp: “Dạ số 40.” Bác sĩ trợn mắt: “Sao? Giày số 40? Anh dư biết bàn chưn anh cỡ số 42. Như vậy anh bị đau chưn là phải lắm! Anh chỉ cần đổi giày số 42 mà đi là sẽ hết đau”. Anh chàng lắc đầu nguầy nguậy: “Dạ không được đâu bác sĩ”. “Sao vậy?” “Tui có con vợ rất khó tánh. Ngày nào đi làm việc về tui cũng bị vợ tui cằn nhằn đay nghiến. Cái thú vui
độc nhứt và đã nhứt trong cuộc đời hẩm hiu của tui là lúc
được cởi giày!”
7. Người ta cần có
trí nhớ để tiếp tục, nhưng cần phải lãng quên để sống.
8. Một nhà thơ Nga nổi tiếng, trước khi tự nã đạn vào đầu, đã hạ bút viết lời trăn trối cuối cùng: “Thiệt tình mà nói: Không có gì để nói.” Nói chơi hay nói giỡn vậy cha nội?
9. Loài sống bằng lý trí rứt tóc phản kháng: “Tại sao ta phải sống hạnh phúc khi ta có quyền sống đau khổ? Ta tự ý
chọn lựa sống đau khổ... cho cuộc đời ta có đầy đủ
ý nghĩa (và đầy đủ tứ chi). Tự do của ta phải được thể hiện bằng sự chọn lựa!
Pigé? Understand? Comprendo?” Quả đúng là “
L’Homme Révolté”, Con người nổi loạn vô cùng trung thực, vô cùng hiên ngang, vô cùng hữu lý và vô cùng thích hợp với triết lý... Tây! Mấy ông Triết ta da vàng mũi tẹt còn chờ gì nữa mà không bắt chước? Bắt chước để mà nổi loạn một cách trung thực và để chọn lựa sống vô cùng đau khổ cho nó có vẻ...
chết lý! “
Phải tưởng tượng rằng Sisyphe hạnh phúc” Hết ý kiến! (Tưởng cần nhắc lại là theo thần thoại Hi Lạp, vì chống lại Trời nên Sisyphe bị Thượng đế đày lăn hòn đá lớn lên đỉnh núi. Chờ cho hòn đá lăn trở lại xuống chưn núi, Sisyphe lại lăn nó trở lên đỉnh núi. Lại lăn xuống... lại lăn lên... mút mùa lệ thủy... cho tới bây giờ vẫn còn lăn. Và
Camus đã phán: “Hãy tưởng tượng rằng Sisyphe hạnh phúc”. Cần phải có một trí tưởng tượng phong phú và rất lớn dĩ nhiên!)
10. Đời sống trong rừng thoạt trông rất hỗn loạn, vậy mà nó rất trật tự theo cái luật riêng của nó. Đòi sống con người thoạt trông rất trật tự, vậy mà nó rất hỗn loạn theo luật riêng của nó.
Luật rừng, luật người: Luật nào ít tác hại hơn luật nào? Hãy trông vào cài kết quả dài hạn thời biết liền: Trên địa cầu này, loài thú đã có mặt từ hơn mấy trăm triệu (tỉ?) năm nay mà bây giờ vẫn còn tiếp tục đều đều. Còn loài người le lói và nhảm nhí chỉ mới xuất hiện chưa đầy năm triệu năm mà ngay trong thời điểm này đã tạo ra vô số vấn đề nan giải (ô nhiễm, làm nóng địa cầu, đe doạ nguyên tử...) gieo hỗn loạn trong thiên nhiên và trong đời sống của muông thú. Than ôi! Cái thành quả sáng chói của cái gọi là “đỉnh (cứt) cao trí tuệ” mà như thế đấy ư? Coi chừng một ngày nào đó, Trái Đất sẽ đá đít cái giống “đỉnh cao trí tuệ” ra khỏi địa cầu như một tên cờ bạc lận bị túm cổ và quăng ra khỏi
casino ở
Las Vegas. “
Đi chỗ khác chơi!”
Nghĩ lai rai – Mười lăm 1. Trên bình diện sinh học,
con người cũng chỉ là một loài thú như bao loài thú khác. Cũng đầu cổ, cũng tóc tai, cũng chưn cẳng, cũng máu huyết, cũng mắt mũi, cũng miệng lưỡi, cũng tim gan, cũng phổi phèo như mọi con thú khác. Xêm xêm. Và hơn nữa, cũng có cái đuôi nhưng mọc ở phía trước (con đực). Xin nhắc khéo là nhà zăn Thế Giang có viết quyển “
Thằng người có đuôi” để miêu tả cái thằng người dưới chế độ Cộng sản. Nhưng than ôi! Con người cũng là một con thú nhưng có điều khác hơn một chút: Con người là một con thú
băng hoại. Cái giống người, cái giống
Homo, tiến hoá từ
Homo habilis sang
Homo ergaster, sang
Homo erectus, rồi tới
Homo sapiens. Và cuối cùng:
Homo sexuel:
Terminus! Mời giống
Homo xuống xe và
cút thẳng cho người ta nhờ!
2. Thơ “
lộn lèo”: Ban ngày lặt cỏ tối công phu / Đậu ủ lâu ngày hoá đậu lu / Ngày thì địa chủ đêm tu đạo / Đạo chi lạ rứa? “
Đạo ù ù” !
3. Kinh nghiệm bản thân về
tham thiền:
Thiền trong động vắng thì dễ. Thiền trong động đĩ mới quả thiệt là khó lắm thay! Thiên nan vạn nan! Hổng tin làm thử thì biết liền đó, mấy cha nội!
4. Con người bỏ ra nhiều khối tiền đồ sộ để tìm cách bay lên
mặt trăng. Nhưng lại quên bỏ ra chút đỉnh để tìm cách xít lại gần nhau trên cái
mặt đất già nua và tốt bụng này. Chung quy, tiền mất tật mang! Quả là làm chuyện ruồi bu chó cắn.
5. Một anh chàng nọ rất sùng đạo, sáng nào cũng tới giáo đường cầu nguyện
Ánh sáng Phúc âm. Nhưng tối đến thì lại khoái nhậu. Nhậu bia lu bù. Gì chớ nhậu bia vô thì
mắc tè dài dài. Đời sống anh ta trôi suông êm ả: sáng Ánh sáng Phúc âm, tối La de Con cọp. Và tè đều đều, dĩ nhiên.
Cho đến một tối nọ, khi anh ta nhậu vô cả chục chai bia, mắc tè và “hò dô ta nắm cu kéo ra” mà tè thì mình mẩy bỗng
phựt sáng. Lần thứ hai: Tè. Cũng lại phựt sáng. Lần thứ ba: lại phựt sáng nữa! Vô cùng hoảng sợ, sáng hôm sau anh ta tới nhà thờ thú tội với Cha Cả: “Thưa Cha, chẳng giấu gì Cha, ban ngày con cầu nguyện Ánh sáng Phúc âm, nhưng tối đến thì con có tật nhậu bia và đi tè. Nhưng tối hôm qua, khi tè thì cả mình con phựt sáng, Cha Cả khuyên con phải làm sao?”
Cha Cả đưa tay bóp trán ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: “Con không phải làm gì đặc biệt hết. Nhưng Cha thành khẩn khuyên con đừng có tè vô cái
tủ lạnh của con nữa”!
6. Ai cũng biết Đức có một triết gia lừng lẫy đã từng tuyên bố le lói: “
Thượng đế đã chết!” Và mọi người thành khẩn sụp lạy trước câu phán này của
Nietzsche, kể cả mấy ông da vàng, mặc dầu chính mình cũng đếch biết Thượng đế của ông Đức râu quặp này là cái chi chi cả!
Để duy trì truyền thống triết học le lói này (đã từng đẻ ra
siêu quái thai Hitler!), ở Bá Linh có một đại học (máu) le lói mang cái tên le lói của
Nietzsche. Trên cổng sắt lớn của đại học có gắn một bảng đồng đen bự tổ chảng, trên đó có khắc sâu câu phán le lói xanh dờn thuở sinh tiền của đại triết gia. Cho tới một hôm nọ, sau một đêm bão tố tơi bời, sấm chớp đầy trời, cái cổng sắt bị sập. Và trên bảng đồng đen, cái câu “
Thượng đế đã chết!” (ký tên:
Nietzsche) đã được một bàn tay bí mật nào đó xoá đi và thay bằng câu “
Nietzsche đã chết!” (ký tên:
Thượng đế). Mới biết, vẫn có người le lói hơn cái người le lói
số một trần gian!
Tuy nhiên, nghĩ kỹ lại, ngay từ đầu, khi nói “
Thượng đế có thiệt” thì đã là một hoang tưởng – ít ra là dưới dạng thức một ông già nghiêm khắc có râu trắng dài chấm rún và chuyên ban phát phán xét cuối cùng. Bởi lẽ đó, khi nói tiếp “
Thượng đế đã chết!” thì cũng là một hoang tưởng nốt. Vì vậy, bây giờ bàn về cái chuyện sống/chết của Thượng đế thì cũng là bàn chuyện tào lao mà thôi. Chung qui, từ đầu tới cuối đều là hoang tưởng. Chỉ có “
Nietzsche đã chết!” là có thiệt – ít ra là trong kinh nghiệm của một ít người.
7. Trên tất cả các tờ đô la phát hành ở Mỹ đều có in rõ ràng: “In God we trust”. Trên tất cả các tờ giấy bạc phát hành ở Do Thái đều có in rành rành: “In God we trust. The others pay cash!”
Mới biết, ở cái đất
Jérusalem này, chỉ có Thượng đế mới được ghi sổ thiếu chịu. Kỳ dư, mọi người khác đều phải móc hồ bao mà trả tiền mặt liền tù tì.
Cash! Please! Cộng thêm
VAT, of course! 8. Một triết gia Pháp trứ danh (ngó một người thấy hai người) đã phán: “
Địa ngục là kẻ khác!”
Từ từ đã cha nội (
s’il vous plaît !). Xin đừng có chen lấn. Tại cha nội ngó không kỹ đó thôi. Coi chừng cái địa ngục của cha nội chính là
cha nội đó nghe cha nội. Đi chữa mắt cho hết lé đi! Rồi hẵng tính sau. Có nói lộn cho cha nội nói lại. Mấy hồi!
9. Nếu định nghĩa: “
Làm đĩ là đem cái nhục thể của mình ra để đổi lấy một lợi lộc”, vậy thì khi vua Trần gả ép công chúa
Huyền Trân cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Ri là đã bắt con mình làm chuyện gì? Trong ngôn ngữ của thế kỷ 21 này, người ta sẽ đáp: “
Politically correct”!
Thêm nữa, cái chuyện nàng đệ nhất phu nhân Mẽo
Jackie Kennedy đã chịu hiến mình cho tên tỉ phú
Onassis để đổi lấy vài chục triệu đô bỏ vô nhà băng lấy lời là đã làm chuyện gì? Cũng vẫn là làm cái chuyện “
politically correct” dĩ nhiên. Vinh hạnh thay! Vinh hạnh thay! Từ xưa tới nay, từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ, xuyên qua các triều đại, xuyên qua các trung tâm quyền lực, xuyên qua các tài sản kếch sù, những cuộc dựng vợ gả chồng, những cuộc kết hôn hoàng tử với công chúa xét ra cũng chỉ là những cuộc “bán phấn buôn hương” trắng trợn và vô cùng hợp pháp mà thôi.
Vậy mà khi mấy em nhỏ thất học ở xứ nghèo nhắm mắt đem thân xác mình (đôi khi cả tiết trinh mình) để đổi lấy
năm mười đô nuôi thân và giúp đỡ gia đình thì lại bị sỉ vả tơi bời là “đồ làm đĩ!” Nhiều khi còn bị bắt bỏ tù và phạt tiền. Dĩ nhiên, tiền nộp phạt là tiền bán thân của em nhỏ chớ biết lấy đâu ra?
10. Ca dao: “Đi đâu mà chẳng lấy chồng? / Người ta lấy hết chổng mông mà gào!”
Nghĩ lai rai – Mười sáu 1. Lời thật thì không đẹp /
Lời đẹp thì không thật.
2. Lời nói khiến cho ta phải
bật cười bao giờ cũng tốt cho sức khỏe hơn là lời nói khiến cho ta bóp trán
nhức đầu cả đêm. Và bị táo bón nặng.
3. Tình tuyệt vọng:
Đèn Mỹ tho không xanh không đỏ
Anh coi không rõ anh tưởng đèn màu
Rút gươm đâm họng máu trào
Để em ở lại kiếm nơi nào hơn anh!
4. Có người xả mình để
binh vực những đấng không cần một ai binh vực hết như Thượng đế, Thần linh, Đảng trưởng, Chủ tịch, Tổng thống, Lãnh tụ, Trưởng ấp... thì bần tăng, bần tăng
binh đĩ. Chết bỏ! Cũng đâu có oan ức gì đó mà kêu ca?
5. Bí quyết gia truyền: Cô nữ minh tinh nọ lúc xuân xanh nổi tiếng với bộ ngực vĩ đại vang lừng
Hollywood. Lúc về chiều, bà goá phụ già có một đòn
căng da mặt chớp nhoáng: Bà chỉ cần tháo cái nịt vú của mình!
6. Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công vĩ đại, về mặt kinh tế, Mao thực hiện “
bước tiến nhảy vọt” vĩ đại. Nhưng rủi thay, bởi vì nhảy vọt lẹ quá nên heo gà trâu bò theo không kịp. Hằng tỉ ông Cắc chú chỉ còn nước ăn bo bo với muối cục và nai lưng ra mà cày thay trâu.
Cày dài dài cho tới lúc Mao thực hiện thêm một cuộc đại cách mạng thứ hai khác nữa: “
Cách mạng văn hoá”. Sau cuộc cách mạng này, mấy ông Cắc chú vẫn tiếp tục ăn bo bo với muối cục, và hơn nữa còn thêm “dốt đặc cán mai”. Nhưng cũng nhờ ở dốt đặc cán mai nên không biết mình bị Mao xếnh xáng gạt dài dài... suốt cái lịch sử trường thiên của Ba Tàu. Dài như cái Vạn lý trường thành lê thê ở trên xứ chệt bên đó vậy!
7. May mắn thay! Con người có
cái chết. Vì thử tưởng tượng một tỉ ông Ba tàu (khoái ăn mì)
không chịu chết và tiếp tục
xực phàn mỗi ngày 3 bữa, một tỉ ông Chà và cứ sống nhăn hoài để ăn cà ri dài dài, năm trăm triệu người Nam Mỹ... một trăm triệu người Inđônêxia... vân vân và vân vân... Nếu như không một ai chịu chết hết thì chuyện gì sẽ xảy ra trên cái trái đất chật hẹp này? Vậy mà có một đấng triết Tây đã từng lớn tiếng để nổi loạn chống lại Thượng đế: “Tại sao làm người lại phải chết?
Phi lý! Phi lý!” Rồi nôn mửa tới mật xanh như đàn bà có bầu, và phe da vàng ta có nhiều đấng cũng bắt chước ói mửa theo vô cùng ngất ngư. Ai mới thực sự là người phi lý đây cha nội? Thượng đế hay cha nội? Cũng may! Cha nội này đã chết mất đất từ khuya. Chết một cách hết sức... có lý! Cho cha nội hết cho chó ăn chè.
8. Phàm ở đời,
dạy cho con khỉ leo cây và con chó nó sủa vẫn
hợp lẽ trời và dễ hơn là dạy cho con khỉ nó sủa và con chó leo cây. Nhưng vinh hạnh thay! Loài có lý trí (và có cứt trong đầu) vẫn khoái kiếm chuyện khó mà làm. Và hiu hiu!
9. Chuyện
khó tin nhưng có thật: Một bận nọ, Đức Giáo hoàng đáp phi cơ phản lực (không người lái) đến nước Nga để viếng thăm các con chiên đỏ của mình bên đó. Trước khi đáp xuống phi trường Móc-Cu-Ba (ui da! đau chết cha!), Ngài phải điền vào một tờ khai nhập cảnh.
Ở mục “
Sexe”, Đức Giáo hoàng đã gạch chữ thập cho phải đạo (dĩ nhiên) và ghi chú thêm: “
Rất bình thường. Ngày trong tuần: một lần. Ngày chúa nhật: hai lần”
10. Nếu chỉ đọc sách thể dục khơi khơi mà có thể nở được bắp thịt thì chỉ cần đọc kinh khơi khơi thôi cũng sẽ lên được Thiên đàng. “Dễ ợt !”
© 2007 talawas