Người duy nhất đã thực hiện cho sinh mệnh mình tất cả những gì mà Oswald Spengler, Nietzsche, Dostoievsky, Rimbaud, Whitman, Emerson, Thoreau v.v., không thực hiện hoàn tất cho sinh mệnh họ, người duy nhất ấy là Henry Miller hiện đang còn sống ở thế kỷ XX tàn bạo này. Kể từ Héraclite, Parménide, Eschyle, vân vân, cho đến Heidegger, không có tư tưởng gia nào hay nghệ sĩ nào đã phá hoại một cách tuyệt đối như Henry Miller.
Henry Miller đứng một mình, đứng trên
đỉnh núi cao nhất của Hố thẳm Tính mệnh trong suốt hai ngàn năm trăm năm của Văn hóa và Văn minh Tây phương; Henry Miller siêu việt lên trên Sinh mệnh Tây phương, đứng chơi vơi làm tiên tri cho Tất mệnh của Tây phương và mở phương trời cho Cỏ thơm của Đông phương trên lối về Thiên Mệnh Việt Tính cho Toàn thể Nhân loại.
Henry Miller là người Mỹ, sinh tại New York, tại một thành phố tượng trưng cho Sinh mệnh Tây phương trong trạng thái huy hoàng nhất, với tất cả khám phá mới mẻ nhất của khoa học và cơ khí, mẫu mực của đời sống con người ở thời đại nguyên tử.
Henry Miller chính là người đã phá hủy đời sống theo điệu Mỹ, đã phá Văn minh Mỹ một cách khốc liệt; đối với Henry Miller, tất cả những gì tàn bạo nhất, ngu xuẩn nhất, khờ khệch nhất, bi đát nhất, rỗng tuếch nhất, nhạt nhẽo nhất đều xuất phát từ Mỹ quốc, quê hương của ông. Tất cả những quyển sách của Henry Miller đều tố cáo Văn minh Mỹ quốc, tố cáo sự điêu tàn của Tây phương, tố cáo đời sống nông cạn của con người thời đại, tố cáo những ảo tưởng điên rồ của xã hội, đoàn thể, tôn giáo, đảng phái; luân lý, đạo đức; Henry Miller đánh dấu sự cáo chung của văn chương, thi ca và nghệ thuật: “
Cách đây một năm, cách đây sáu tháng, tôi nghĩ rằng tôi là nghệ sĩ. Bây giờ tôi không nghĩ về việc ấy nữa, tôi LÀ!“ (Henry Miller, Tropic of Cancer, trang 1), “
Tất cả những gì là văn chương, văn nghệ, văn học đều tách rời khỏi tôi” (op. cit, trang 1); Henry Miller “
khạc nhổ vào mặt của nghệ thật, đá vào đít của Thượng đế, của Người, của Sinh mệnh, của Thời gian, của cái Đẹp, của Tình yêu!” (op. cit, trang 2); Henry Miller cho rằng Rimbaud đã thất bại một cách chua xót là vì “
thời gian chưa chín muồi” (The time was not ripe) (cf. Henry Miller,
the Books in my life, Icon Books; 1963, trang 96); Henry Miller khơi mở tất cả ý nghĩa trong sắc lệnh của Rimbaud: “
A bas l’histoire!) (Đả đảo lịch sử!) (cf. Henry Miller, op. cit trang 86); Henry Miller ca tụng Rimbaud và gọi Rimbaud là “
Kha Luân Bố của Tuổi trẻ” (cf.
New Directions IX, New Directions XI) và cho rằng hành động của Rimbaud (khi lìa bỏ Tây phương để sống cuộc đời vất vả kỳ lạ ấy ở Phi châu) là một sự
tự tử, vì Rimbaud thất vọng khi thấy Tây phương không còn thoát khỏi Tất mệnh đau thương kia. Bài văn đầu tiên trong đời Henry Miller là bài cảo luận ông viết về quyển
Anti-Christ của Nietzsche; Henry Miller khinh miệt Heidegger, nhưng ông quí Eckhart và trích dẫn câu văn của Eckhart: “
Hãy nhìn, tất cả là Bây giờ duy nhất” (cf. Henry Miller,
Remember to Remember) và chính Henry Miller thốt lên: “
Tất cả phải là một”. “
Tất cả là một”, đi ngược lại với εν Πάντα của Héraclite trong tinh thần
tương tức tương nhập của Kinh hoa nghiêm Phật giáo, “nhất tức nhất, nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất, nhất thiết tức nhất thiết”; khi đứng tại Mycenae tại Hy Lạp, trước mồ của Clytemnestra, Henry Miller đã sống lại tất cả những bi kịch Hy Lạp Thượng cổ (Eschyle, Sophocle, Euripide, vân vân); tác phẩm vĩ đại nhất của Henry Miller là quyển
Colossus of Marcussi, nói lên sự trở về nguồn của Henry Miller khi ông khám phá lại đất trời Hy Lạp, sống lại buổi Triêu Dương của Sinh mệnh Tây phương; niềm vui vô hạn của sự tỉnh thức kỳ diệu lan tràn chan chứa trong quyển
Colossus of Maroussi. Henry Miller là người duy nhất (trong mấy ngàn năm của Sinh mệnh Tây phương) người độc nhất đã tỉnh thức hoàn toàn, yêu Hố thẳm và đã mọc cánh bay vút từ Hố thẳm lên đến Thiên Không xanh lơ; ông ôm choàng cuộc đời vũ trụ trong vòng tay âu yếm (Henry Miller:
Instinctively; just as a bird takes wing, he threw ou: his arms in an all-encompassing embrace), run say sung sướng tràn trề trong niềm vui lai láng vô biên, thốt lên mừng rỡ ở giây phút tối hậu: “thế là đến rồi!” Đến rồi! (“
At last, At last!”).
Henry Miller tự xưng là “
một thằng hề” truyện
The Smile at the Foot of the Ladder (Cười dưới chân thang) của Henry Miller là nói về một anh hề kỳ lạ nhất chưa từng có trong lịch sự loài người; Henry Miller cho rằng truyện ấy là “truyện kỳ lạ nhất mà tôi đã viết trong đời” (
undoubtedly it is the strangest story I have yet written); trong truyện ấy, Henry Miller đã đưa Sinh mệnh đến Tất mệnh và bay lên bầu trời xanh lơ của Tính mệnh trong Bình minh của Hố thẳm:
“
Niềm vui giống như một con sông: nó chảy miên man không ngừng. Đối với tôi, đó dường như tất cả lời nhắn gửi mà người hề đang cố gắng mang đến cho chúng ta, nhắn gửi chúng ta hãy nhập thế với dòng tuôn chảy di động không ngừng, nhắn gửi chúng ta đừng dừng lại để suy nghĩ, để so sánh, để phân tích, để ghì giữ, mà hãy tiếp tục tuôn chảy không ngừng vô cùng vô tận như dòng nhạc miên man. Đó là dâng bỏ, buông rơi, siêu thoát;
người hề đã diễn tả sự siêu thoát ấy một cách tượng trưng. Còn chúng ta hãy làm sự siêu thoát ấy thành hiện thể”.
(Joy is like a river: it flows ceaselessly. It seems to me that this is the message which the clown is trying to convey to us, that we should participate through ceaseless flow and movement that we should not stop to reflect, compare, analyze, possess, but flow on and through, endlessly, like music. This is the gift of surrender, and the clown makes it symbolically. It is for us to make it real).
Henry Miller đã sống qua hết những mâu thuẫn, những bi kịch đau đớn khôn cùng của cuộc đời:
“
Chúng ta chết đang khi vùng vẫy để sinh ra đời. Chúng ta không bao giờ đã là, không bao giờ đang là. Chúng ta đang luôn luôn trong tiến trình biến dịch, luôn luôn ly cách và đứt lìa. Luôn luôn ở bên ngoài”.
(We die struggling to get born. We never were, never are. We are always in process of becoming, always separate and detached. Forever outside).
Những dòng chữ trên nói lên Sinh mệnh cựa quậy trên bờ đất, khi Sinh mệnh không còn tuôn chảy trong dòng sông Tính mệnh.
Muốn sống lại, chúng ta chỉ cần khơi mở và khám phá: tất cả đều đã có sẵn trong ta rồi (
we uncover and discover. All has been given, as the mystics say). Chúng ta chỉ cần mở mắt và lòng để trở nên một với toàn thể (
we have only to open our eyes and hearts, to become one with that which is).
Henry Miller là một trong số rất ít người mà Sinh mệnh đã được giải thoát; Henry Miller nhìn thế giới này qua một màu sắc mới lạ khác hẳn cách nhìn của đôi mắt thường nhân. Henry Miller nhìn thấy cuộc đời với một đôi mắt khác. Henry Miller sống tràn trề trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại và sự hiện diện của Henry Miller chiếu tỏa rực ngời ánh dương buổi sớm, tuôn dậy một bài ca bất diệt của niềm vui chan chứa hương mai. Henry Miller mỉm cười dưới chân thang, một nụ cười thênh thang thiên sứ tuyệt trần (
it was a broad, seraphic smile).
Henry Miller tự nhận là một anh hề. Giữa dòng Sinh mệnh mờ mịt của Tây phương, suốt hai ngàn năm trăm năm của Tư tưởng, bỗng nhiên từ thiên địa cất lên một tiếng cười rạng rỡ, tiếng cười phá vỡ hư vô, tiếng cười đập tan Tất mệnh, tiếng cười xanh, tím, vàng, đen, đỏ, trắng, xám, màu cam, màu lá cải, màu lục bình, màu dương liễu, màu trắc bá diệp, màu trùng-khơi-nổi-sóng, màu áo em-xanh-ngày-tháng-chơi-vơi, màu-hồng-tươi-của-cuộc-đời-đóng-đinh-trên-cây-thập-giá-giữa-mùa-xuân-đen, tiếng cười nổ sao, tiếng cười động đất, tiếng cười bể dâu, tiếng cười của Henry Miller, của một người hề, một thi sĩ trong hành động, của một câu chuyện mà mình là một trò chơi, của câu chuyện mà ngàn năm vẫn lặp lại: phụng thờ, thành bái, đóng đinh — đóng đinh với màu hồng tươi của Thiên Mệnh (adoration, devotion, crucifixion — “A Rosy Crucifixion”).
Đối với Henry Miller, Sinh mệnh là Tính mệnh; Tất mệnh là Thiên mệnh, Tây phương là Đông phương, Pháp quốc là Trung Quốc, Hy Lạp là Ấn Độ,
tất cả đều là một, tất cả phải là một, tất cả đều là thơ, tất cả đều là mộng, tất cả đều là thực, tất cả đều là huyền bí, tất cả đều là thế giới của
Đạo đức kinh, vũ trụ của kinh
Vệ đà, thần thoại Hy lạp, truyện một ngàn lẻ một đêm.
“
Tất cả đều chỉ xảy đến một lần, nhưng còn lại mãi mãi trong vạn đại… Nếu không có gì mất thì cũng chẳng có gì được. Chỉ còn lại những gì còn lại. Tôi Là” (Henry Miller, Remember to Remember).
Henry Miller thường tự nhận là một thiền sư của Phật giáo Thiền tông; điều ấy có đủ là một dấu hiệu nào đó cho sự rẽ dòng của nguồn Sinh mệnh Tây phương đi về Kiến tính của Không lộ? Của không đường? Không có con đường hủy diệt (via negativa) nào ở Tây phương hay Đông phương mà đi đến tận đỉnh núi cao chót vót và làm lạnh cả hố thẳm Thái cực như những dòng sau đây trong Prajñà-pàramità-hridaya-sùtram:
… Iha Çàriputra sarva-dharmàhçùnyatà – laksanà anytpannà aniruddha amala na vimalà nonà na paripurnah. Tasmàc Chàriputra çùnyatàyàm na rùpam na vedanà na samjñà na samskàrà na vijiñànàni. Na çaksuhçrotraghàna – jihvà – kàya – manàmsi. Na rùpa – çabda-gandha-ara sprastavya dhramàh. Na caksurdhàtur yàvanna mano-vijñàna-dhàtuh.
Na vidyà nàvidyà na vidyàksayo nàvidyà-ksayo yavan na jaràmaranam na jaràmarana-ksayo na duhkhà-samudaya-nirodha-màrgà na jñànam-napraptir apràptitvena.
Bodhisattvasya prajnà – pàramítàm áçritya viharaty acittàvaranah. Cittàvarana – nàstitvàd atrasto vipa ryàsàti-krànto nistha-nirvànah…
(Vì là mật chú, nên không tiện dịch lại Việt ngữ giữa hoàn cảnh điên đảo hời hợt của Việt Nam hiện nay).
Những chữ
a và
na (
bất và
vô) là tính thể của con đường hủy diệt (via negativa) cứu cánh của con đường phá hoại (
neti,
neti) là
con đường không con đường,
tức là
Không lộ. Không lộ là con đường của Việt và Tính: con đường phá hủy con đường, phá hủy tất cả những hy vọng, phá hủy tất cả những niềm tin, phá hủy tất cả mọi sự mong đợi để còn lại một Niềm Chờ Đợi, niềm chờ đợi bên Hố thẳm của Thiên Thanh (Hoelderlin:
Und hoch vom Äther bis zum Abgrund nieder…). Phải chăng con đường của Triết lý Việt Nam đã hiện lên giữa máu lửa của quê hương?
Paris ngày 22, tháng V, 1966
Phụ lục Trên bước đi của Rimbaud… … Bước chân của tôi, thi sĩ Việt Nam, đi và đạp trên bước chân của Rimbaud, thi sĩ nước Pháp.
Các ngài hãy cố gắng đi theo tôi và nếu có thể thì đi và đạp trên bước chân tôi.
Điều ấy dường như khó thực hiện, vì bước chân tôi không để lại dấu vết.
Tôi đi và đạp lên sinh mệnh như một con ma, một con quỉ, một con rắn.
Phạm Công Thiện
Trên đường đi từ Florence qua Genève về Athènes, cuối thu năm 1966.
I. Liều lĩnh sống, liều lĩnh sáng tạo cuộc đời mình theo cánh bay của ó biển, theo đôi mắt của quạ đen, Rimbaud bới sâu luống cày tuyệt đối trong lòng sa mạc ngôn ngữ thi ca. Trước Rimbaud và sau Rimbaud, chỉ còn lại cát nóng sa mạc và một đường chân trời vô tận, chẳng hứa hẹn và không chờ đợi, không thể chờ đợi mùa đông, mùa tiện nghi dễ dãi, nuôi mầm an lành ru ngủ. Tất cả thi sĩ đi trước và đi sau Rimbaud trườn mình qua sa mạc để rớt lại những dấu chân lạc đà, chỉ là những dấu vết của lạc đà, của một thời, một giai đoạn, một mùa, một bước chân chiều hoặc một hơi thở buổi sáng, để rồi cơn lốc tuyệt mù của rạng đông nổi động và sa mạc trở lại ngàn đời câm lặng; tiếng nói của sa mạc đồng vọng nhảy múa trên luống càng sâu thẳm, sâu như thung lũng, sâu như vực; sự câm lặng biến thành ngôn ngữ bằng luống cày tuyệt đối ngang qua sa mạc; luống cày trở thành con đường; sa mạc không bao giờ thấy cỏ mọc; luống cày, con đường, không là con sông, tưới nước sa mạc, sinh ra mùa xuân; mùa xuân và sa mạc chống đối nhau như thần thánh và quỷ ma; sa mạc nuôi dưỡng tất cả những loại quỷ dữ; sa mạc cũng là nơi trú ẩn tâm linh của tất cả những người tu kín, những bậc thánh khổ hạnh và cô đơn. Rimbaud mời mọc sa mạc, kêu gọi sa mạc, rủ rê sa mạc, đánh giặc với mặt trời, chạy trốn mặt trăng, ngất ngư trên cát nóng, đốt tim, đốt phổi, đốt gan, chối bỏ Âu châu và gửi Âu châu về mặt trăng, tỏ tình với mặt trời tại sa mạc để rồi hiểu rằng
tất cả mặt trời đều cay đắng, tất cả mặt trăng đều tàn bạo.
Sinh ra đời để ôm sa mạc, sinh ra đời để ve vuốt mặt trời, Rimbaud đã ra đi và đã trở về; đi trong liều lĩnh bằng hai chân ngang tàng và bước về trong bạc mệnh bằng một chân kiêu hãnh, nằm trên giường bệnh, trong những giây phút cuối cùng, Rimbaud không thấy một bàn tay, không thấy hai bàn tay, mặt trời không mọc, mặt trăng không hiện, sa mạc chỉ là một trạng thái tâm hồn, quỷ ma và thần thánh là ngôn ngữ tượng hình, hai chân chuyển động là sự vận hành của ý thức, lửa là tim, lửa cháy lên thì tim đập, mỗi một ngọn lửa là một mặt trời con, mỗi một lời là khói vờn qua lửa, thơ và lửa, thơ và khói, hơi thơ và hơi thở, tiếng đập tim và tiếng búa đập vào đe, con đường và luống cày, người ăn cắp lửa và người giữ lửa, mặt trời và đôi mắt nhìn mặt trời, một mùa hỏa ngục và thiên thu hỏa ngục, Rimbaud nằm im lặng trên giường bệnh; chân giường là bốn, chân người là hai, chân Rimbaud chỉ còn lại một; lúc sinh ra đời, Rimbaud đi vào trái đất bằng hai chân, một chân tên là Hư vô, một chân là Thể tính; khi lìa đời, Rimbaud rời trái đất bằng một chân, hình ảnh của kẻ què quặt trước tuyệt đối, đứng một chân trên thời gian và không gian, như bóng quạ đen trên thung lũng, hiện và mất, sống và chết, sinh mệnh của một người đặt lên ý nghĩa sinh mệnh của con người; nạn nhân của quỷ ma và thần thánh hay là kẻ khai sinh, kẻ sáng tạo quỷ ma và thần thánh, đây là con đường hai lối và Rimbaud đã đi trên hai lối ấy với sự đồng lõa của mặt trời và mặt trăng rồi khi mặt trời và mặt trăng không còn mọc, quỷ ma và thần thánh cũng chạy trốn, hai chân chỉ còn lại một chân; một chân chỉ còn lại là một sự vật bất động, khi cơ thể đã tắt lửa; sự vật tàn rữa với thời gian và không gian; hai trở thành một và một trở thành KHÔNG, KHÔNG trở thành
vũ trụ, vũ trụ trở thành mặt trời, mặt trăng và tất cả ngôi sao; trái đất xuất hiện; thi sĩ lại ra đời; mỗi một hơi thở tạo ra hơi thơ; hơi thở tắt; nhưng thơ vẫn còn sống, sống theo hơi thở của người sau; sa mạc và luống cày biến thành rừng và sông; thành phố làng mạc mọc lên, con người sống, ở đó, bỏ đi và trở về: ý nghĩa của sinh mệnh là sáng tạo ý nghĩa bằng vô nghĩa ban đầu và vô nghĩa cuối cùng.
Cuộc đời Rimbaud là tư tưởng của Rimbau: tư tưởng của sinh mệnh một người được điều động bởi ý nghĩa của
việc bỏ đi bằng vô nghĩa của việc ở đó và vô nghĩa của việc trở về. Đó cũng là ý nghĩa của sinh mệnh Tây phương trong tính mệnh của nhân loại hiện nay.
II. Bắt đầu là những đêm tối lúc trăng chưa mọc, vô thức cựa quậy dữ dội. Charleville là biểu tượng của vô thức trong thế giới tâm thức của Rimbaud. Nơi mình ra đời cũng là nơi đuổi mình đi mất, nơi mình ra đời là nơi mình cựa quậy với vô thức, cựa quậy dữ dội và tuyệt vọng, cựa quậy trong nôi, cựa quậy trong lòng mẹ, cựa quậy cho rách, cho đứt lìa hẳn với đêm tối vũ trụ. Từ đó, bước chân của Rimbaud là một sự chối từ dứt khoát; Rimbaud chạy trốn đêm tối, chạy trốn vô thức, chạy trốn Charleville, chạy trốn tất cả những gì vồ ôm ý thức và cơ thể. Đứt rách, xé nát, tan rã, tất cả những động từ diễn tả sự chuyển động, vận hành, cựa quậy là ngữ vựng của đời sống ý thức vùng vẫy ra ngoài vô thức. Vùng vẫy vô vọng, vùng vẫy tuyệt vọng, vùng vẫy với hy vọng, đây là ba chặng đời của Rimbaud; chặng cuối của Rimbaud là trở về với đêm tối, nằm im và không vùng vẫy, tất cả hy vọng và vô vọng bị gạt ra ngoài, bên ngoài cửa sổ. Lỗ trống của vách tường mở lên một vòm trời mây trắng, Rimbaud bơi trên đó, tất cả vùng vẫy chấm dứt rã rời như những nốt nhạc thừa. Vũ trụ chỉ còn ở trong một cơn khói thoảng qua, Rimbaud ghì ôm sớm mai mùa hạ, một giấc mộng dài chỉ còn lại nhẹ nhàng như tiếng cười trẻ thơ; giữa mùa hạ, Rimbaud sống lại mùa xuân: “
mùa xuân mang lại cho tôi tiếng cười của một thằng khờ”. Sinh mệnh thành tựu nơi hủy diệt, mở đầu với sự chạy trốn băng qua ngàn trùng núi non, sa mạc, thung lũng, thành phố, sông hồ, đất cát, rừng rú; mở đầu với nơi sinh ra và chấm dứt bằng một nụ cười trên giường bệnh, đôi mắt hấp hối, một khoảng trống man rợ, lỗ trống của vách tường, cánh cửa, tiếng động của thành phố. Thằng khờ trở thành Thượng đế, tiếng cười của nó là âm thanh phát từ những hành tinh xa; mùa xuân là nỗi chết được chờ đợi từ lâu, chờ đợi trong sa mạc và trong luống cày, giữa sớm mai mùa hạ. Cánh của ó biển làm lễ cưới với đôi mắt của quạ đen; hơi thở và hơi thơ làm lễ hôn phối; chiếc giường trắng phòng bệnh là luống cày trong sa mạc; quỷ ma là mẹ già, thần thánh là em gái; một chân độc nhất cựa quậy là vô thức trong chiếc nôi thủa thơ dại. Thành phố Charleville vẫn còn đó và việc bỏ đi của Rimbaud khiến Charleville trở thành bảo tàng viện, nơi ghi dấu và đánh dấu tất cả nỗi thất bại thiên thu của thiên tài, nấm mồ chôn ý thức, sa mạc của những dấu chân rã rời, luống cày hoang phế, một con sông chết yểu giữa hai bờ cát nóng, một con kiến bị nghiền nát giữa hai ngón tay của một thằng khờ, sinh mệnh tựu thành nơi định mệnh.
III. Tự do bắt đầu vào bình minh, đi vào buổi sáng và chấm dứt vào buổi trưa.
Tôi đã ôm bình minh đầu hạ. Rimbaud và bình minh cùng ghì ôm nhau trọn buổi mai,
lúc tỉnh dậy thì trời đã trưa.
Tại sao bình minh? Tại sao bắt đầu? Chấm dứt? Tỉnh dậy vào mười hai giờ trưa? Đây là những câu hỏi lạ lùng, những câu hỏi buổi sáng; những câu trả lời chỉ có thể trả lời được khi những câu hỏi chưa được đặt lên.
Tôi đã ghì chặt, ôm ghì buổi mai mùa hạ. Niềm hoan lạc mở đầu và chấm dứt vô tình như chuông nhà thờ buổi sáng. Tôi đã ôm buổi sáng? Tôi đã ôm bình minh? Bình minh mùa hạ là mối tình đầu? Cái gì đã bắt đầu thì cái ấy cũng chấm dứt như thế. Bình minh là buổi trưa ẩn núp.
Lúc tỉnh dậy thì trời đã trưa. Trời đã trưa, nghĩa là trời đã trọn sáng, trọn nghĩa là dứt, sau trưa là mặt trời lặn.
Tôi bước đi, đánh thức những hơi thở ấm áp linh động. Đánh thức trong chiêm bao bình minh? Bình minh và tình yêu? Một đóa hoa nói tên cho mình? Đó là sự chinh phục ban đầu? Hoa ấy tên là Hương, Thu, Mai, Liên, Bích, Anh, Phương, Vân? Giữa lối mòn, thoáng ánh sáng mát và nhạt, sự chinh phục đầu tiên, sự phiêu lưu ban đầu là hoa, một đóa hoa nói tên cho mình. Bình minh tỉnh thức vào buổi trưa.
Bình minh và đứa bé té rơi xuống dưới rừng. Té rơi xuống rừng để tự do thành tựu và để tự do thức tỉnh vào lúc mặt trời ngự trên tuyệt đỉnh. Tất cả ý nghĩa của sinh mệnh thụt lùi trước ánh sáng lạ lùng huyền bí của tính mệnh, bình minh của Hy Lạp thành tựu nơi buổi trưa của Đông phương.
Lúc tỉnh dậy thì trời đã trưa.
IV. Những giây phút thiêng liêng,
những giây phút cao quí, làm thành sinh mệnh và mở ra ý nghĩa sinh mệnh. Mỗi buổi mai là một buổi mai thiêng liêng; buổi trưa là cao quí, buổi chiều cao sang, buổi tối huyền diệu, ban đêm bí mật. Thời gian không là một cơn nước lũ; cuốn trôi mình ra trùng khơi tuyệt vọng. Thời gian biến thành không gian, trở thành con đường; con đường trở thành bước chân; bước chân bước đi trên buổi mai, buổi trưa, buổi chiều và buổi tối; bước đi đưa mình về sinh mệnh của rạng đông và tất mệnh của hoàng hôn. Rimbaud đã bước đi trên những con đường khuya khoắt nhất của cõi sống và vùng chết. Mỗi bước chân của Rimbaud là mỗi giây phút linh thiêng,
những giây phút cao quí, những giây phút tuyệt đối mà chủ tính và khách tính ôm nhau nhảy múa trên núi lửa đêm điên.
Những giây phút cao quí, những giây phút ấy mở cửa thiên đàng và địa đàng, mở cửa bình minh và ban đêm, Rimbaud đã sống qua những
giây phút quí phái, những giây phút đông đặc, những giây phút thoát trần tuyệt vời. Kiên nhẫn là nỗi đày đọa của tất cả thiên tài. Thiên tài sinh ra đời để đánh giặc với kiên nhẫn để rồi cuối cùng sẽ hiểu rằng chính sự đánh giặc quyết liệt ấy là nỗi kiên nhẫn khôn cùng mà tất cả những con người nhỏ nhoi không thể có được; sự kiên nhẫn của con người nhỏ nhoi chỉ là sự thỏa hiệp dễ dãi và ngu xuẩn; kiên nhẫn của thiên tài là kiên nhẫn của phượng hoàng và của ó biển. Kiên nhẫn của thiên tài là kiên nhẫn quí phái, nhập một
với những giây phút quí phái, những giây phút chỉ đến một lần, và mất đi trong lửa thiêng vũ trụ, mỗi một giây phút quí phái là một vạn kiếp, kiên nhẫn thiên tài là bước chân đi trong giây phút tuyệt đối; kiên nhẫn của người nhỏ nhoi là lê lết trên thời gian đồng hồ, dùng thời giờ đúng cách, hợp lý, hợp lệ và nặng trĩu kết quả. Thiên tài đập vỡ kết quả, dù biết rằng phải chịu những hành hạ cực hình của đời sống lang bạt, đời sống tử hình, đời sống của quỷ ma, của kẻ tù tội. Thiên tài là kẻ ăn trộm lửa; kẻ ăn trộm lửa trời, là kẻ muốn nối liền giữa đường dài và đường ngắn.
khoa học là kiên nhẫn
nỗi cực hình thực rõ ràng.
Trong giai đoạn đầu, Rimbaud
viết với giữa khoa học và kiên nhẫn:
khoa học với kiên nhẫn
Thời kỳ viết tập
Một mùa hỏa ngục, Rimbaud chữa lại:
khoa học và kiên nhẫn
Từ
với đến
và đánh dấu một sự chuyển hướng dữ dội của tâm tư.
Với là sự nối liền thân thiết;
và là một cây cầu gỗ bắc qua hố thẳm, chỉ gợi thêm sự xa cách đứt lìa, tô đậm thêm sự xa cách biệt của hai bờ, nhưng chữ
với mà biến thành
và thì chữ
và không còn là một cây cầu gỗ, mà chỉ là một vạch đứt, một kẻ, một hố sâu chia đôi khoa học
và kiên nhẫn. Muốn đi từ khoa học đến kiên nhẫn thì phải nhảy; chính cái nhảy này quyết định sinh mệnh Tây phương. Những gì cao quí, quí phái thì chậm rãi và bình thản; những gì thấp nhỏ thì nhanh nhẹn và vội vã. Khoa học là bước đi hấp tấp của ý thức; kiên nhẫn là bước đi chậm rãi của thi sĩ trong những giây phút quí phái. Sinh mệnh của Rimbaud là bước đi đầu tiên
với khoa học và bước đi cuối cùng giữa kiên nhẫn
và khoa học.
V. Đời sống, hai chữ đời sống, là lời nói dữ dội lúc ban đầu. Lời nói dữ dội đã phát xuất từ sự đứt rách của thức ra ngoài phi thức. Tính cách dữ dội lúc ban đầu nguội dần với thời gian, trở nên hiền lành; từ hiền lành đến dễ dãi chỉ cách nhau có một bước; từ dễ dãi đến bấp bênh chỉ cách nhau có một lý; từ bấp bênh đến yếu đuối lải nhải chỉ cách nhau có một giây. Đời sống không còn là đời sống; đời sống trở thành đời sống tầm thường, vắng mặt, hững hờ, lơ lửng, nhạt nhẽo, ồn ào; đời sống dễ dãi; người sống trở thành người bị bắt buộc phải sống; mỗi ngày là mỗi bổn phận bị bắt buộc phải làm; sự nhàn rỗi là tội lỗi bị bắt buộc phải trốn tránh; tất cả đều là bắt buộc. Cuộc đời là nỗi bắt buộc không dứt; đời sống là một chuỗi hành động ồn ào: hành động trở nên ý nghĩa của sự bắt buộc. Đời sống mất trọn tính cách dữ dội lúc vừa xuất sinh; đời sống không còn là lời nói dữ dội lúc ban đầu: đời sống chỉ còn là một chuỗi lời lẽ lênh đênh lờ mờ, không nguy hiểm, không hại, vô cùng ích lợi, vì tiếng nói và chữ viết là dụng cụ hiền lành để thôi thúc hành động, để viện nghĩa cho đời sống; nói ngược hay nói xuôi, nói cao hay nói thấp, nói nhẹ lời hay nói nặng lời, tất cả cách nói này đều ngụ ý một lòng an trí thảnh thơi vì ý thức của người nói hoàn toàn được lời lẽ bảo đảm rằng lời nói và chữ viết không nguy hiểm đến tính mệnh của người nói và người viết.
Không nguy hiểm đến tính mệnh là bảo đảm sự vẹn toàn của sinh mệnh và sinh mệnh bảo đảm thế mệnh; nói thấp xuống bình diện thông thường, cuộc đời, cuộc sống, đời sống, chính là thế giới, thế gian, trần gian. Mỗi khi đời sống vắng mặt, mỗi khi đời sống thực sự đã mất đi rồi thì con người cũng không còn thực sự ở lại tại trần gian.
Cuộc đời thực sống đã vắng mất và chúng ta không còn ở trần gian. Câu thơ này là một câu thơ nguy hiểm, chứa đựng lời nói dữ dội lúc ban đầu, sự đứt rách đau đớn giữa bên này với bên kia, giữa đời sống hiền lành của một người trật tự với đời sống dữ dội của một người đứng ngoài hàng rào. Bản tính của tính mệnh không ở bên ngoài sự nguy hiểm, chính tính mệnh là tự thể của nguy hiểm; tính mệnh nuôi nấng sự nguy hiểm và gởi nguy hiểm ra ngoài đời sống; đời sống chỉ là đời sống, nghĩa là đời sống thực sự, chỉ khi nào đời sống là nói chuyện với nguy hiểm. Không sợ nguy hiểm đến tính mệnh thì tính mệnh mới giữ thế đứng giữa sinh mệnh và tất mệnh, giúp sinh mệnh giao hoan với tất mệnh, làm đời sống trở nên phong phú, quí báu, duy nhất, đông đặc trong từng giây, trong từng giây phút.
Cuộc đời thực sự vắng mặt. Câu thơ này còn quan trọng hơn câu
Thượng đế đã chết. Quan trọng không phải vì người nói là người báo tin; tin tức chỉ có giá trị đối với những người vắng mặt giữa lúc sự kiện xảy ra;
cuộc đời thực sự vắng mặt: câu thơ không phải là tin tức loan truyền. Tất cả mọi sự thông tin đều xuất phát từ sự vắng mặt của đời sống. Mỗi giờ phút, mỗi ngày trong đời sống, con người đều chờ đợi thư từ hay chờ đợi tin tức; hộp thư, người phát thư và nhật báo là những dấu hiệu cho biết rằng đời sống vắng mặt. Sự vắng mặt muốn nối liền với sự có mặt, mà càng muốn nối liền thì sự rách đứt giữa vắng mặt và có mặt càng trở nên thấm thía; nối liền là cắt đứt sự liên tục của thức, vì chính sự có mặt là sự vắng mặt của ý thức trong tâm thức, do đó nối liền chỉ là muốn cắt đứt cuộc đời với trần gian và không hiểu rằng cuộc đời chính là trần gian, vì thế khi cuộc đời vắng mặt thì
chúng ta không ở tại trần gian này.
Rimbaud muốn nối liền sự vắng mặt và sự có mặt mà không rơi vào mâu thuẫn giữa trần gian và đời sống, do đó Rimbaud đã dùng lời nói dữ dội và thể hiện sự dữ dội tàn bạo ấy trong đời sống mình bằng cuộc chạy trốn liên miên, sự bỏ đi vô tận, sự cắt đứt tàn nhẫn, chối từ, bỏ cuộc, trốn tránh, tuyệt đối đập vỡ phương trời và mặt đất, phá nát những gì sinh ra mình và tạo ra mình, cắt lìa dứt khoát sinh tính và mệnh tính.
Cuộc đời thực vắng mặt, Rimbaud nói lên một lời vô cùng nguy hiểm, vì câu thơ ấy không chỉ có nghĩa là cuộc đời giả dối đang ngự trị, chẳng phải chỉ thế thôi, câu thơ còn muốn nói lên sự nguy hiểm cuối cùng trong đời sống chính là lúc đời sống không còn là nguy hiểm nữa, nghĩa là
sinh và
mệnh không còn đánh giặc với nhau, nghĩa là sự chết vắng mặt.
Cuộc đời thực sự vắng mặt. Ý nghĩa của câu thơ thực vô cùng giản dị:
cuộc đời thực sự chính là sự chết, mỗi khi sự chết vắng mặt thì con người không còn sống; không còn biết sống.
Chúng ta không ở trần gian này. Ý nghĩa của câu thơ tiếp theo cũng vô cùng giản dị: con người không có chỗ trú ẩn, vì chỉ có sự chết mới là nơi trú ẩn của đời sống thực sự, lời nói dữ dội lúc ban đầu.
VI. Tại sao phải sợ bạo động? Sống là bạo động, tất cả những cử chỉ, những hành vi, những cử động, những ý nghĩ, tất cả những gì làm thành cuộc sống con người đều trở nên tầm thường yếu đuối, chỉ vì con người sợ bạo động. Dám bạo động, dám chuyển hành động ra bạo động, dám chuyển thực hành ra bạo hành, sống táo bạo, sống bạo ngược, sống phũ phàng, vô cùng phũ phàng và tàn nhẫn, phũ phàng với mình và phũ phàng với những người chung quanh; sinh mệnh, ý nghĩa sinh mệnh của Rimbaud là ý nghĩa của cơn bạo động nổi lửa, cơn bạo hành ngất trời và động đất, một đời sống ba mươi bảy năm mà dữ dội và mạnh bạo như cơn động đất khủng khiếp kéo dài trong ba mươi bảy năm trời. Rimbaud xuất hiện trong thi ca nhân loại như một cơn động đất hãi hùng, như sự rạn nứt của trái đất, nước biển tràn ra và quét sạch những thành phố làng mạc. Bạo động trong ngôn ngữ, bạo hành trong đời sống, sinh mệnh được chuyển thành bạo mệnh trong ý thức của Rimbaud. Người thơ mười sáu tuổi ấy chẳng những tàn bạo với thi ca, với văn chương, mà còn tàn bạo dữ dội với tình yêu (
tình yêu phải được phát minh lại!). Với quê hương, tổ quốc, con người, Thượng đế, mặt trời, mặt trăng, tất cả tinh tú trên trời. Không thể nào khiêm nhượng, không thể nào lễ độ, tất cả rụt rè, cẩn thận, dè dặt, kiêng nể phải chấm dứt lập tức. Bước chân con người bước đi hay sự dè dặt rụt rè bước đi? Đôi mắt con người đang nhìn hay là sự cẩn thận nhút nhát đang nhìn? Tai các ngài đang nghe hay sự lễ độ đang nghe? Tất cả sự kính trọng đều phải được tiêu trừ triệt để, đập tan mực thước, đập nát tất cả sự linh thiêng, phá hủy tất cả thần thánh, phải bạo hành, tuyệt đối phũ phàng, tàn nhẫn cùng độ, lạnh lùng hơn Bắc cực, nóng bức hơn sa mạc, phải bạo tàn, phải bạo động, các ngài có dám bạo động không? Tại sao phải sợ bạo động? Tại sao phải sợ Rimbaud? Dư luận đồn đại, dư luận bàn tán, dư luận chỉ trích, dư luận dòm ngó, các ngài đang nói gì? Hãy ném bạo động vào dư luận, như ném một trái bom, hãy đập nát dư luận ra từng mảnh bấy.
Tình yêu phải được sáng tạo lại, ngôn ngữ phải được sáng tạo lại, con người phải được sáng tạo lại. Sáng tạo là ý nghĩa cuối cùng của bạo động, sợ sáng tạo là không dám liều mạng, sáng tạo không là kính trọng, sáng tạo là nổ mau hoặc nổ chậm như trái mìn. Bạo động để đảo ngược tất cả giác quan, bạo động để xới lên tất cả cảm giác, thôi thúc tất cả hơi thở.
Tôi bước đi, đánh thức những hơi thở linh hoạt và ấm áp; những hòn đá quí ngước nhìn và những cách bay không tiếng động. Bạo động là đánh thức, hô hấp hơi thở, lấy đà cho cánh mọc và bay. Bạo động là ý thức vùng vẫy để bay thoát ra ngoài thành phố Charleville bé nhỏ.
Tôi đã bước đi. Bước chân của Rimbaud là hình ảnh sống động nhất của sinh mệnh nguyên thủy của con người. Con người sinh ra để đi, và đi có nghĩa là bước đi, đi bằng hai chân, chứ không phải đi bằng ô tô hay tàu lửa hay tàu bay.
Tôi bước đi. Câu thơ quan trọng nhất của Rimbaud trong bài
Bình minh chính là câu.
Tôi đã bước đi… Bước đi là vận hành, là cử động; bước đi là bạo động tất cả sự lặng yên; bình minh là bạo động ban đêm, mùa hạ là bạo động ba mùa khác;
tôi đã ghì ôm bình minh mùa hạ; ghì ôm, vồ ôm, chụp lấy, ôm siết là những cử chỉ bạo động.
Tôi đã ghì ôm bình minh mùa hạ. Tôi là ai?
Tôi là kẻ khác. Có nghĩa là tôi là
tôi nhờ sự bạo động cắt đứt tôi ra ngoài Charleville. Đây là giai đoạn biện chứng thứ nhất, giai đoạn biện chứng thứ hai là: tôi là
tôi và chỉ là
tôi nhờ sự bạo động cắt đứt tôi ra ngoài tôi để biến tôi thành kẻ khác. Giai đoạn biện chứng thứ ba là bạo động cả quá trình biện chứng để cho bạo động vẫn là hơi thở nuôi dưỡng tất cả hơi thở.
Tôi đã ghì ôm: bạo động ghì ôm chính bạo động;
tôi đã ghì ôm bình minh: bạo động ghì ôm chính sự bạo động của bình minh; bình minh nổ súng vào ban đêm; tôi nổ súng vào bình minh bằng sự ghì ôm siết chặt kia; bình minh nổ súng vào mùa hạ:
tôi đã ghì ôm bình minh mùa hạ; nói khác đi, nghĩa là bạo động ý nghĩa của ngôn ngữ, thì câu thơ có nghĩa là sự bạo động ghì ôm chính sự bạo động.
Tôi đã bước đi. Bước đi là đánh thực sự tĩnh lặng của thân thể.
Tôi bước đi, đánh thức những hơi thở nồng ấm và sống động, những hòn đá quí ngước nhìn và những cánh bay không tiếng động. Rimbaud đã sống bạo động dữ dội để giờ phút cuối cùng trong đời mình, lúc mình vỗ cánh bay lên lìa bỏ mặt đất thì cánh bay lên không tiếng động. Nằm một chân trên giường bệnh ở nhà thương tại Marseille, một giây phút trước khi chết, Rimbaud đã hiểu rằng bạo động là bất động.
Cánh bay lên không tiếng động, cánh là cánh của đêm tối, chiếc cánh của Hư vô, của nỗi chết trườn mình lên thân thể. Rimbaud hiểu và đã hiểu một cách bạo động rằng bạo động chỉ là bất động ở vùng vô tận, không bắt đầu và không chấm dứt; còn bắt đầu là bạo động và chấm dứt cũng là bạo động; đầu, giữa và cuối đều là bạo động; phải bạo động cùng độ thì mới hiểu một cách bạo động rằng bạo động là bất động, bởi vì hơi thở là bạo động, mỗi một bước đi, mỗi một hơi thở đều là bạo động. Bạo động
lúc tôi bước đi; bạo động,
lúc đánh thức; bạo động:
những hơi thở nồng ấm và linh động. Mỗi một bước đi; mỗi một hơi thở. Mỗi một cái nhìn đều là bạo động. Nhìn, ngước nhìn là bạo động vào thế giới vô nghĩa. Bạo động:
những hòn đá quí ngước nhìn. Bạo động:
cánh bay; bạo động:
không tiếng động.
Nằm ở nhà thương, lúc gần tắt thở Rimbaud đã nằm im không động đậy, bạo động trở thành bất động, cả sinh mệnh của Rimbaud nằm gọn trong câu thơ ngắn:
tôi đã bước đi, đánh thức những hơi thở nồng ấm và sống động, những hòn đá quí ngước nhìn và cánh bay không tiếng động.
VII. Không bao giờ ở yên một chỗ, ngồi yên, nằm yên một nơi, luôn luôn cảm thấy bồn chồn áy náy khó thở, khó chịu, không bình thản, không thư thái trong cơ thể và trong tâm hồn; sinh lực của Rimbaud tràn trề ứ ra, không tìm được đường thoát, đọng lại thành khối, đè nặng cơ thể, dồn ép tư tưởng và hơi thở; Rimbaud cảm thấy rằng mình có thể làm muôn ngàn việc cao lớn mà không ai có thể làm nổi; chỉ cần đưa tay vào việc, chỉ cần cử động, chỉ cần bắt đầu lao vào việc làm, thể hiện, thực hiện, đặt chương trình, đặt kế hoạch, vạch ra dự tính, rồi hết lòng thực hiện tất cả chương trình, kế hoạch, dự tính ấy ngay lập tức, không đợi chờ thuận cảnh, không chần chờ, không hoãn lại bằng lối lập luận vô thức thờ ơ để chạy trốn việc làm; chỉ có thế thôi, chỉ bắt đầu làm ngay ý định của mình, chỉ dễ dãi thế thôi, mà Rimbaud không bao giờ làm được; ngồi ở đây, Rimbaud chỉ thấy bên kia; qua bên kia Rimbaud lại muốn về đây;
ở đây và
bên kia là cặp mâu thuẫn đối đãi mà Rimbaud không bao giờ nhập một được, không bao giờ bôi xóa được; ý thức Rimbaud không bao giờ ý thức về hiện tại, mà chỉ nhảy vọt ra đằng sau, vào ngày hôm qua, hoặc phóng nhảy tới đằng trước, vào giờ phút sắp tới, vào ngày mai, hoặc nhảy vọt lên cao, hoặc rơi xuống thấp; Rimbaud luôn luôn xua đuổi ý thức mình, chạy trốn nơi khác để hưởng thụ những cảm giác mới; những cảm giác mới lại kêu gọi những cảm giác mới khác, luôn luôn bất mãn; luôn luôn háo hức đi tìm, đi kiếm kết quả, chờ đợi cái gì
khác xảy ra, luôn luôn mong muốn chực chờ, mãi mãi kiếm tìm mong đợi, sợ hãi những gì lặp lại, sợ hãi sự nhạt nhẽo tầm thường, khát khao tuyệt đối,
tôi là kẻ khác, cũng còn có nghĩa là:
tôi là khác; do đó, tôi không giống tôi, tương đối và tuyệt đối sụp đổ để TƯƠNG ĐỐI (viết hoa) hiện lên; hết mâu thuẫn này lại đi đến mâu thuẫn khác; tương đối, tuyệt đối và tuyệt đối: ba danh từ, ba tĩnh từ, ba biểu tượng cho nỗi mâu thuẫn khôn cùng của sinh mệnh, sự dằn vặt đứt lìa giữa hơi thở và hơi thở; hơi thở trước xô đẩy hơi thở sau, vũ trụ hủy diệt và vũ trụ thành hình, mặt trời và mặt trăng là hai bộ mặt của sinh mệnh, trung thành với mặt trời thì bị mặt trăng giết, trung thành với mặt trăng thì bị mặt trời đày đọa, không muốn trung thành thì phải chạy trốn; chạy trốn là không bao giờ làm xong những gì mình muốn làm xong: luôn luôn có đủ lý do để bào chữa, luôn luôn có đủ cớ để giải thích. Bất động và bạo động để xua đuổi bất động, bất lực và bạo lực để xua đuổi bất lực. Rimbaud bất lực, bất động trong không khí nặng nề của Charleville; Rimbaud vùng vẫy, vận chuyển tất cả năng lực để vũ bão hành động, đập tan sự bất lực, sự bất động của ý thức mình trước sự đè nén nặng nề của đời sống thụ động ở quê hương. Vừa làm xong chương trình thì đã muốn bỏ cuộc ngay lập tức: bi kịch vĩ đại nhất trong đời Rimbaud là thế giằng co tương tranh dễ sợ giữa chuyện nhập cuộc và bỏ cuộc. Bỏ rồi muốn nhập, đột ngột bỏ và đột ngột nhập, sau cùng chẳng đi đến đâu mà lại muốn đi đến một nơi nào đó, dù biết rằng chẳng có nơi nào đáng được đi tới. Lý do? Đặt lên lý do là muốn bỏ cuộc và muốn nhập cuộc: Tất cả sự đi tìm lý do đều ngụ ý biện chứng của bỏ và nắm, thế vận hành của biện chứng đưa đẩy hai ý niệm
bỏ và
nắm đồng một lúc với nhau:
bỏ-nắm. Do đó,
bỏ-nắm để
nắm,
bỏ-nắm để
bỏ. Vì thế, lý do có nghĩa là thể hiện của sự
bỏ-nắm trong ý nghĩa của chính lý do ấy; lý do là ý nghĩa; đi tìm ý nghĩa, đi tìm lý do, cũng có nghĩa là đi tìm sự nắm của việc bỏ nắm; sự bỏ của việc bỏ-nắm; cái này kêu gọi cái kia, và chỉ kêu gọi được là nhờ cái kia, vì thế cắt đứt một thì là cắt đứt tất cả, cắt đứt cái này thì cái kia cũng sụp theo. Nói cho dễ hiểu hơn, đi tìm một lý do thì có nghĩa là đi tìm tất cả lý do, và đi tìm tất cả lý do là đi tìm tất cả, như thế
tất cả bao gồm cả lý do đi tìm, Cuối cùng là người đi tìm bị xoay vào ban đêm và ban ngày, bị trói ngược đưa chân lên trời và thòng đầu xuống đất; chạy trốn khắp mặt đất để rồi thấy mình vẫn muốn chạy trốn và đồng thời không muốn chạy trốn; vừa muốn bỏ lại muốn nắm, muốn làm việc mà không thể bắt đầu làm việc. Bất động, bạo động, tự động, thụ động, tác động, tất cả hành động đều đẩy mình đến bế tắc và bế tắc là bất động trước bất động; muốn chuyển bế tắc thì lại phải bạo động, tất cả là tất cả, cả
không, cả
có, cả sinh mệnh, cả hủy mệnh, cả tất mệnh cả định mệnh, cả vận mệnh và cả tính mệnh, cả thể mệnh và cả tướng mệnh.
Rimbaud bị đẩy trước mê cung, Rimbaud bị kẹt vào mâu thuẫn của tiến trình dịch hóa của hành động; Rimbaud cảm thấy hoàn toàn bất lực và bất động.
Hỡi trái tim bị đánh cắp, làm sao hành động? Câu thơ thống thiết đau khổ, một lời than tuyệt vọng, nỗi chán chường kiết lực vô biên: “
làm gì, làm thế nào đây?”. Câu thơ nằm trong bài thơ mang tên là
Trái tim bị đánh cắp, bài thơ còn có tên khác là
Trái tim bị hình phạt. Bài thơ làm lúc Rimbaud được 17 tuổi, vào tháng Năm, năm 1871. Tháng Hai năm ấy, Rimbaud đã bỏ trốn Charleville lần thứ ba, trốn trong xe lửa và đến Paris ở được khoảng nửa tháng, rồi lại bị nghịch cảnh xô đẩy trở về. Đột ngột bỏ đi và đột ngột trở về, đột ngột sống, đột ngột nhìn, nói, đi và đứng; Rimbaud trọn đời sống trong đột ngột và sinh mệnh của Rimbaud là biến chuyển sự đột ngột thụ động thành ra sự bạo động đột ngột. Thình lình đột ngột Rimbaud thấy mình đã mất tim; người ta đã đánh cắp trái tim chàng và làm ô uế trái tim ấy.
Hành động thế nào, hỡi tim bị đánh cắp? Rimbaud đặt lên một câu hỏi quan trọng, chẳng những cho sinh mệnh chàng, mà cho cả sinh mệnh Tây phương: câu hỏi của Rimbaud là câu hỏi quyết định; câu hỏi ấy quyết định sinh mệnh, trọn vẹn sinh mệnh của nền văn minh nhân loại. Rimbaud đã trả lời câu hỏi ấy bằng chính cuộc đời chàng và ý nghĩa của sinh mệnh Rimbaud là đẩy sinh mệnh ấy đến đường cùng: hành động là đánh cắp, đánh cắp lại những gì đã mất và đánh cắp những gì chưa có, không có, không thể có, không được quyền có. Hành động tối thượng là
ăn trộm lửa, đánh cắp lửa và lấy lửa thiêng đốt sinh mệnh mình.
Làm việc thế nào, hành động thế nào, hỡi trái đã bị đánh cắp? Câu thơ là một câu hỏi, câu hỏi mở ra chân trời, chân trời mở ra hố thẳm. Hành động thế nào trước hố thẳm, khi mình không còn là mình nữa, khi mình đã bị đánh cắp, đã bị đánh mất giữa đám đông, dư luận, thiên hạ, quần chúng?
Tôi là kẻ khác, nhưng đám đông là kẻ thù, kẻ che đậy hố thẳm. Đám đông đã đánh cắp trái tim mình, đám đông đã nhục mạ, làm nhơ nhớp trái tim mình. Mất tim là mất cuộc đời thực, mất tim là cuộc đời thực vắng mặt. Hãy ném lửa vào cuộc đời vắng mặt, hãy đốt thiêu đời sống mình bằng lửa đất và lửa trời, lửa thần và lửa quỉ, lửa địa ngục và lửa thiên đàng. Thi sĩ là người ăn cắp lửa. Thị sĩ là kẻ đốt cháy sinh mệnh mình. Thi sĩ không phải là người làm ướt át sinh mệnh,
nước đã chết, câu thơ trong bài
Rạng đông chứa đựng một ý nghĩa huyền bí:
nước đã chết. Thi sĩ là kẻ ôm ghì rạng đông mùa hạ; rạng đông là lửa, mùa hạ là lửa; rạng đông mùa hạ là lửa của lửa.
Tôi ôm ghì, tôi đã ôm ghì rạng đông mùa hạ, chưa có gì động đậy trong vầng trán của những lâu đài. Nước đã chết… Tất cả hãy còn bất động; thi sĩ xáo động, gieo bạo động, bằng cách ôm ghì lửa của mùa lửa;
nước đã chết, bởi vì nước chính là sự chết, nước là biểu tượng của sự chết; thi sĩ không phải là kẻ sướt mướt, thi sĩ phải là kẻ đánh cắp lửa,
ghì ôm rạng đông mùa hạ, chụp lấy lửa ngày của lửa mùa, đốt ngày ra lửa:
Hỡi tâm hồn canh gác
Chúng mình hãy thì thầm
Lời nguyện của đêm rỗng
Và của ngày bốc lửa
Mỗi ngày là một mặt trời, mỗi mùa là mùa hạ.
Làm thế nào, khi tim đã bị đánh cắp? Câu thơ năm 17 tuổi ấy cũng là câu hỏi của sinh mệnh đặt trước sinh mệnh. Câu thơ ấy cũng có nghĩa là:
làm thế nào, khi lửa đã mất? Năm 1871 là năm quan trọng nhất trong ý nghĩa của sinh mệnh Rimbaud; năm ấy, Rimbaud được 17 tuổi, tuổi quyết định, tuổi quyết liệt dữ dội; ý thức của Rimbaud bốc cháy thành lửa: Rimbaud thổi lửa vào thi ca, đem lửa vào đời sống, thiêu đốt sinh mệnh mình qua
một mùa hỏa ngục để mang lửa thiêng về trả lại trái tim con người.
VIII. Hoảng hốt ngang tàng trong việc ghì ôm lấy hư vô, hoảng hốt mở mắt nhìn mười ngàn con sông quá đen, hoảng hốt đốt lửa cháy lên để thở khói qua mặt và mắt, tất cả cử chỉ và dáng điệu của Rimbaud đều nói lên nỗi hoảng hốt khôn cùng, của một con người sống sau hư vô và trước hư vô. Hư vô gửi hoảng hốt xuống cuộc đời.
Tôi ghì ôm bình minh mùa hạ. Cũng có nghĩa là tôi ghì ôm hư vô của tính thể. Hư và thực, vô và hữu, giao hợp nhau nhờ sự ghì ôm của Rimbaud. Nước mắt và tiếng cười ngặt nghẽo của một anh hề đứng giữa sân khấu của sinh mệnh, những bước chân kiêu ngạo, băng qua những ngõ hẻm hôi thúi, những thung lũng và những đồng bằng.
Băng qua đồng bằng, tôi tố cáo nàng với con gà trống. Rimbaud gọi bình minh là nàng tiên, nữ thần; Rimbaud cắm đầu chạy băng qua những con đường kín nhiệm, những con đường rừng chạy băng qua thung lũng và tố cáo bình minh với gà trống ban mai.
Tôi ghì ôm bình minh mùa hạ. Rimbaud làm ái tình với sinh mệnh Tây phương, nghĩa là bình minh mùa hạ của Hy Lạp; Rimbaud chạy đuổi theo sinh mệnh ấy, ghì chụp lấy sinh mệnh ấy, cười cợt với mái tóc chảy dài của bình minh, của nữ thần (tức là con suối hoe vàng); Rimbaud chạy đuổi theo bình minh, chạy đuổi theo sinh mệnh mình, thể hiện sinh mệnh Tây phương, để rồi cùng té dài, nằm dài với bình minh dưới rừng; sự ghì ôm khắng khít của Rimbaud, cũng như sự té dài xuống rừng ấy, mang nặng nghĩa dục tình. Dục tình là sự phát xuất trực tiếp của dục tính và dục tính là bản tính của sinh mệnh. Dục tính, dục tình và sinh mệnh mở ra chân trời của thực và hư, của vô và hữu, nỗi hoảng hốt vô vọng của đời sống sinh ra từ sự va chạm dữ dội giữa bình minh và con người, giữa hư vô và đời sống, giữa tỉnh và thức.
Khi tỉnh giấc thì trời đã trưa. Lúc mặt trời mọc lên trọn vẹn thì bình minh trốn đi và thực tại chỉ là sự thiêu đốt cùng độ của mặt trời; mặt trời khai sinh bình minh và thành tựu trọn vẹn nơi buổi trưa, lúc 12 giờ trưa, sự thức tỉnh cùng độ, nỗi căng thẳng thần kinh bốc lửa; chỉ cần một giây thì mặt trời sẽ nhập với mặt trăng, mười hai giờ trưa sẽ biến thành mười hai giờ khuya, bình minh là đứa con nít, sự tỉnh thức là chiêm bao, Tây phương là Đông phương và sinh mệnh là tính mệnh.
Nỗi hoảng hốt khôn cùng của đời sống Rimbaud xuất phát từ sự tỉnh thức khôn cùng của ý thức chàng; ý thức của Rimbaud là một mặt trời đúng ngọ; lúc giây phút cuối cùng trên giường bệnh, mặt trời mười hai giờ trưa ấy có nhập một với mặt trăng mười hai giờ khuya hay không, chỉ có Rimbaud mới biết được. Câu hỏi được đặt lên và câu trả lời không bao giờ hiện ra bởi vì tất cả con đường đều dẫn đến nỗi hoảng hốt cuối cùng: sự đối mặt giữa sống và chết. Tôi tố cáo bình minh với con gà trống, Rimbaud cũng chính là con gà trống lúc ban mai; gà trống đánh thức người ngủ; mỗi lúc gà bắt đầu gáy là nỗi hoảng hốt khôn cùng xuất hiện giữa đời sống; hoảng hốt là trạng thái thông thường của ý thức, sự tỉnh thức của ý thức. Rimbaud đẩy nỗi hoảng hốt đến cùng độ; đời sống và tư tưởng của Rimbaud là hoảng hốt từ đầu đến cuối; sự hoảng hốt cùng độ ấy là mặt trời 12 giờ trưa; bắt đầu bằng tiếng gáy của gà trống và chấm dứt bằng sự tỉnh thức cùng độ vào lúc mặt trời sắp chạy trốn. Sau ngọ là mặt trời bắt đầu đi xuống và “thời đại sát nhân” bắt đầu. le temps des ASSASSINS. RIMBAUD là con gà trống báo hiệu một thời đại tàn bạo, thời đại mà con người và con kiến bắt đầu đối thoại với nhau một cách tương đắc, bởi vì tất cả thi sĩ đều trở thành kẻ phạm tội, người bị kết án, kẻ bị đày đọa, một quái thai, một con quỉ, một vết thương thóa mạ mặt trời, một nỗi hoảng hốt tuyệt đối trước Tuyệt đối.
Tái bút:
Trong một bức thư gửi cho Verlaine, đề tháng 4 năm 1872, gửi từ Charleville, Rimbaud đã viết những dòng như sau: Merde pour moi! Merde pour moi! Merde pour moi! Merde pour moi! Merde pour moi! Merde pour moi! Merde pour moi! Merde pour moi! Xin dùng những lời trên của Rimbaud như một điệp khúc thiêng liêng của bài kinh tuyệt đối để đánh nhịp phần phụ lục của quyển Im lặng Hố thẳm.
P. C. T
Calcutta 10-XI-1966