© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
10.7.2007
Y Uyên
Chiếc xương lá mục
(tập truyện ngắn)
 1   2   3   4   5   6 
 
Cao nhất

Mùa lạnh, tỉnh lỵ có được mấy ngày đại nhạc hội và một tiệm cà phê mới nên cũng đỡ buồn. Đại nhạc hội thì do anh Anh, Ty Tiểu học tổ chức, có khá nhiều cô giáo và một vở kịch cần nhiều hoa hường. Những tấm bìa quảng cáo dán trong các tiệm lớn nói về đại nhạc hội: Những người trình diễn sẽ là những anh em đang dùng cơm với bạn, đang chơi billard, đang che dù dạo phố, rất quen thuộc nhưng cũng rất độc đáo… Sãi nói đùa với anh Anh: "Mùa lạnh tên nào cũng hốc hác, bệ rạc. Gom cả mớ thảy lên sân khấu đèn màu, anh giúp tụi nó đỡ bị rét". Những buổi chiều ghé về nhà ngắt bông hường mang lên rạp hát cho anh Anh, Sãi thấy cửa thường đóng kín. Không muốn quấy rầy người bạn mượn nhà, Sãi quay ra cổng đi luôn. Quân và người tình hắn mấy ngày liền chỉ ăn đồ khô và ngũ cốc. Sãi có ý chờ Đởm ở trên núi xuống để đi coi đại nhạc hội nhưng không thấy tăm tích. Hắn như có nợ với tỉnh này. Một con bé có chiếc jupe serrée giấu ở bờ biển miền trong mỗi năm rủ hắn vào đó dạo chơi ít ngày đã giữ hắn lại tỉnh này suốt mấy năm làm công chức và mấy năm đi lính. Giờ thì hai đứa bỏ nhau. Đởm thù tỉnh lỵ, hẹn sẽ chỉ trở về khi Sãi ngất ngư sắp chết. Nghe nói hắn có một người yêu mới cực đẹp và hắn đang dạy cho nó biết đọc, biết đi xe đạp. Hồi Sãi về Sài Gòn tính chuyện vợ con, Đởm có về một lần. Hắn uống rượu, nhổ hết mấy cụm chuối khuân vứt xuống bến sông viết bừa bãi lên vách tường rồi bỏ đi.

Mùa lạnh cùng những ống quần kéo cao của những cô giáo trong ngõ bùn phía cửa hậu sân khấu như một điều vỗ về nhớp nháp. Rạp hát có sức ấm của những người quen mặt. Có những Ty trưởng và phụ huynh già nhai trầu hút thuốc rê và bông đùa bằng tiếng Pháp. Sãi được anh Anh cho coi không mất tiền. Người con gái nào trên sân khấu cũng có màu buồn. Người con trai nào trên sân khấu cũng chợt có hứng khởi như sắp có một cuộc phiêu lưu. Nhưng một tình yêu nảy nở nhân dịp này chắc không có. Họ như luôn ở thế sẵn sàng bước ra phố với cái dáng thu trong áo, với cái lạnh riêng mình cũ kỹ. Sãi nói với một ông già dở chứng ngồi cạnh chốc chốc lại móc ve rượu trong túi ra uống: "Bạn bè tụi nó bỏ phố xá vào đây hết trơn, bữa nào tôi cũng phải tới đây ngồi nhìn". Ông già hỏi sao Sãi không vô Sài-gòn giúp ông già buôn bán? Sãi cười: "Tôi mắc coi nhà cửa, vườn tược, vô chi được". Ông già nói Sãi thực sướng. Sãi hết hứng nói chuyện. Có lúc mưa đổ bên ngoài nghe rõ tiếng, người trong lòng sân khấu chìm đi và người coi phía dưới có chút ngơi nghỉ. Sãi muốn rủ Thị xuống ngồi với mình nhưng ngại anh Anh phiền. Đứng ngấp nghé hoài ở cửa sau hậu trường mà khích lệ Thị cũng nhột nhạt. Màn chính của Thị là một màn điều khiển hợp xướng. Một bầy con nít vừa trai vừa gái được dàn hình vòng cung một góc sân khấu. Tất cả vận đồ trắng, con trai noeud xanh, con gái jupe ngắn buộc bím. Trông đứa nào cũng ra vẻ nghiêm trang nhưng lời hát như lời trả bài cô giáo. Thị quay mặt vào bọn trẻ, không kể cái dáng đánh nhịp, quần áo nàng cũng đủ lòe xòe. Bài hát có vẻ mỏi cẳng. Dứt bài có đứa co giò chạy bừa vào trong. Thị phải chạy vào lôi ra để hát theo lời hô bis, bis của mấy ông già ngồi hàng ghế đầu phía dưới. Lúc mãn hát, Thị cùng các bạn được anh Anh chở xe đi ăn và đưa về nhà. Sãi bảo Thị bỏ về sau màn hợp xướng, Thị không nghe. Thấy nàng có vẻ cố tình, Sãi bực mình bảo: "Cô ngỡ bữa nào tôi cũng đến ngửi mùi bã trầu nghe học trò cô ê a hát rồi về một mình sao". Thị kêu: "Anh nói chi mô mô nghe sao sao đó". Sãi làm thinh. Thị nghịch với sự phân giải. Lời Thị bày tỏ là lớp tơ tằm tự cuốn quanh mình. Nhưng dường như đó không là nỗi kín đáo. Những lúc đó mặt Thị vẩn vơ và lời nói bỏ lửng, chậm rãi như đang rời buông một đường dây trong tay với ít nhiều chểnh mảng. Cũng lúc đó Sãi nổi giận như không còn thấy cái vẻ lôi thôi, quen thuộc trong cặp mắt mở lớn. Cơn giận vụt đi như một cái chụp bắt muộn nhưng kịp để rút tay về. Thị đã trở về với nguyên vẹn. Sãi lặng thinh, một cái xoay lưng vào khoảng-không-ngỡ-vẫn-còn-hơi-nóng. Sãi nghĩ tại mình chẳng nói được gì hơn những lời vẫn nói với nàng. Sãi sắp đi. Và muốn có một người con gái quen quen, gần gần để nhớ. Những năm qua nếu được sống bên mấy đứa em gái, chắc mùa đông này Sãi đã không hấp tấp gượng gạo nhìn mớ quần áo loà xoà như một vật thực quen. Và Thị vẫn còn như nàng nguyên vẹn. Nhưng Thị, nàng có thể chờ những người có sự khoan thai, điềm tĩnh hơn. Những người sống và chết trong giả tưởng đã được sum vầy. Sum vầy là những vết chân ngoảnh lại nhận ra khi Sãi nôn nả chạy về phía trước. Sãi sắp đi. Mấy tiếng đó truyền trong bạn bè như một ngôn từ sáo mép. Có cuộc viễn du nào không gặp lại được mớ quần áo loà xoà?

Đêm đại nhạc hội chót, Sãi không tới coi. Thời gian để biết thêm về Thị còn ít ỏi quá. Nửa đêm ăn cháo gà với một người bạn ở nhà ga về, Sãi thấy Thị và mấy người bạn ngồi chen chúc trong một chiếc xe Jeep đậu trước cửa một tiệm nước sắp đóng cửa. Sớm hôm sau, Sãi nghe lời rủ của một cậu học sinh, đi xe đò vào chơi vùng biển, con bé của Đởm giấu chiếc jupe serrée. Trong chuyến xe chạy qua những núi đá, những rừng cây khô đã nghe có những người đàn bà buôn bán nói chuyện chia ba đất nước. Những lúc xe ngừng lại sửa, họ ngồi bệt trên đường đèo, bên những cây dương hút thuốc nhai trầu, ồn ào nói chuyện như đang ở nhà. Bầu trời lạnh lẽo không có chi thuận tiện cho việc đứng giữa đường nhưng Sãi đã gặp nhiều người quen sắp đi lính cỡi Honda về tán dóc ở những quán chợ, những chóm khóm ven lộ. Trời có lúc mưa. Mấy cây cầu nổi có khi kẹt xe, đầy người hai bên bờ sông. Cái lạnh nóng mặt khó chịu như hớp rượu khi đói bụng. Những vệt chữ lưu niệm ở những chồng đá ngổn ngang chân núi phơi bày thêm nỗi hoang sơ của bầu trời trống trải. Sãi nghĩ quanh về một người tình vừa lấy chồng, về Thị với mấy người bạn nàng ưa dạo phố. Sân khấu đối với Thị hết sức bất thường. Nhưng ấm áp hơn căn phòng nàng mướn. Một vài lúc chợp mắt trong rạp, tỉnh dậy Sãi có sẵn ý nghĩ nàng vẫn còn ở đó. Nàng đang săn sóc bọn trẻ. Một vài người già cả quen biết đang chờ đợi nàng.

Miền biển đi tới không còn cái lạnh tỉnh ngoài. Ở đây nghe nói có mấy người con gái rực rỡ và quyền thế. Chiếc xe tới bến, ngày đã muộn. Cậu học sinh giới thiệu Sãi với người phu xích lô chủ nhà trọ và xin được chở về nhà. Đường phố gió khô đầy bụi. Pháo được phép bày bán sớm cho bọn Mỹ mừng Tết. Trước những night-club vẫn còn những cành thông Noel. Cuộc hành trình vừa qua kéo dài mệt đừ. Những bã trầu, mẩu thuốc trên đường đèo, chuyện chia ba đất nước xa khuất như bầu trời lạnh bên kia rặng núi. Chải xong bộ quần áo, Sãi đi ăn rồi kiếm vào người bạn đã hẹn trước. Không gặp ai, Sãi theo cậu học sinh ra bờ biển loanh quanh kiếm một cái kiosque nghe nói triển lãm tranh. Bờ biển vắng như thể bọn Mỹ cũng có chiều cuối năm. Những chuyến xe lam rỗng không chạy ào ào kiếm mối. Một vài xe chở sinh viên Hải quân và con gái vào phố mang cái dáng chiến sĩ và dạ vũ. Sóng nổi bọt và những đèn hiu hắt ngoài xa thì gợi hình ảnh những chuyến xe đó cũng như thiệp mời không chính thức. Phố lên đèn. Sãi nhờ cậu học sinh dẫn tới thăm một ông bạn văn đứng tuổi. Ngôi nhà nom như một biệt thự bỏ trống. Ông bạn văn đang dùng bữa cơm muộn với mấy người con nhỏ dưới đèn. Sãi xưng danh tánh và nghe tiếng cười nói mừng rỡ. Sãi tự rót lấy trà uống để ông bạn dùng tiếp bữa cơm. Lúc ngồi nói chuyện, Sãi như gặp lại người anh đã lâu không tin tức. Chuyện viết lách, chuyện rong chơi. Chuyện nhà neo người, chuyện khó khăn kiếm kẻ giúp việc. Gần tới giờ chiếu xuất phim cuối, Sãi từ giã cái gia đình có tiếng cười thực khoẻ và công việc bộn bề. Giữa khuya, về nhà trọ. Phố đêm còn những người ngoại quốc đốt pháo. Sãi trằn trọc khó ngủ. Chỉ còn cái lạnh lúc đêm về sáng là có thể đợi chờ. Cỡ năm giờ sáng, Sãi rùng mình nghe có người đập cửa gọi tên Sãi. Người ta hô hoán có trộm. Dưới mặt ngõ dẫn vào những ngôi nhà của người phu xích lô, người ta thấy vứt bừa bãi giấy tờ của Sãi. Đèn bật sáng mọi phòng. Mọi người kiểm lại đồ đạc. Không ai mất gì. Kể cả chiếc quần và mớ giấy tờ vứt dưới đường của Sãi. Người ta bàn tán không hiểu. Căn gác Sãi mở cửa suốt đêm, treo nhiều áo ấm và một tủ đầy ra-dô, ti-vi của chủ nhà đã bị cạy khoá. Sãi bỗng dưng như một kẻ lạ bị theo dõi. Sãi bảo cậu học sinh sẽ về chuyến xe sớm nhất. Mặt trời lên, ông bạn văn tới thăm, nghe tiếng nói cười từ lúc bước chân giậm dưới những vòng thang gỗ. Những mái nhà phía dưới còn ướt sương sớm. Ông bạn văn ngồi bên mép giường hỏi chuyện hành trình của Sãi. Sãi nói phải quay về trước khi vô miền trong. Sãi cũng kể chuyện mất trộm cho ông bạn văn nghe chơi. Lúc tiễn ông bạn văn về, Sãi gặp mấy người bạn. Một bữa ăn sáng ồn ào những chuyện đi chuyện ở. "Đủ rồi. Thành phố này không dung người lạ". Sãi giỡn giỡn lúc chia tay họ ở bến xe. Cậu học sinh tần ngần nhìn Sãi: "Ở đây học chờ Tết, thấy uổng. Muốn về lại quá". Sãi bảo khung trời này dễ gợi nỗi thèm đi. Có về cũng vậy thôi. Bộ đã nhớ những đêm hai đứa nằm co quắp? Những đêm lạnh lẽo anh nhớ em vô cùng, vách núi lưng đèo mòn đôi gót phong sương… Tiếng hát nghêu ngao, sau cái phóng ào ra sân những đêm lạnh mà buồn đi tiểu. Bộ đã nhớ tiếng hát đuổi ma đó rồi sao?

Chuyến xe trở về ít khách. Có những đoạn đường xe chất đầy rơm và những người làm ruộng. Một cô thợ may đợt sóng mới ngồi bên Sãi ôm theo nửa trái mít ăn suốt dọc đường. Cô ta thích nói lại những buổi vũ Noel vừa được dự ở đây. Một bà già ra tỉnh ngoài lấy xác đứa cháu nội bỗng có chuyện gây gổ với cô gái. Hai người cùng lắm lời. Họ nói đủ thứ điên đảo, điếm đàng, đất nước, lẩm cẩm v.v. Đám người có rơm chất đầy xe còn chọc vô thêm để có chuyện cười. Cô gái bắt xe "tốp" giữa đường, ném lại cái nhìn ghê tởm rồi nhập với mấy người thanh niên choàng manteau cỡi Honda chạy ào ào ra miền ngoài. Về tới ranh giới hai tỉnh, trời mưa xối xả. Chiếc xe lại hư, nằm cả giờ bên bãi đá chồng lổn ngổn dưới chân núi. Những ống dẫn dầu từ dưới vịnh về phi trường có từng khúc sáng trong không khí mù mù ướt át… Sãi về tới nhà thì Quân và người con gái đã đi. Anh Huệ cho đứa con đầu lòng tới kêu Sãi lên anh ăn cơm và bàn chuyện cho mướn nhà. Sãi ăn uống ngấu nghiến. Chuyện nhà cửa, Sãi bảo anh Huệ tính sao cũng được. Ngôi nhà cũng như Sãi đã là những rắc rối, cha Sãi không muốn nghĩ tới. Cái đập vai đầy phấn billard hôm Sãi ghé vào tiệm chào ông để ra đây còn rõ như những chữ lem nhem Đởm viết trên tường. Thế giới của ông trẻ quá. Hôm người yêu Sãi đi lấy chồng, những bạn ông đã bắt tay Sãi chia buồn. Sãi thuật lại với Thị chuyện đó. Hôm Sãi đột nhiên nhận ra Thị có dáng lòe xòe.

Ở nhà anh Huệ về, Sãi tắm và cuốn mền ngủ. Như vậy lúc phố lên đèn mới đến Thị được. Cánh cửa đóng kín dối gạt bạn bè. Với bọn này, chỉ một ly cà phê tạm biệt qua quít. Còn phòng lúc trở lại bất ngờ.

Sãi dậy lúc có cảm giác Đởm về đứng trước cửa. Sãi quờ quạng bật đèn, ra giếng. Những đêm lạnh lẽo anh nhớ em vô cùng, vách núi lưng đèo mòn đôi gót phong sương… Những cành cây chạm mặt. Sãi tỉnh hẳn dưới những bóng lá rũ nước. Giấc ngủ, bộ quần áo mới thay, tấm áo khoác ngoài đổi mặt, Sãi bước trên mặt đường phố với dáng ấm áp, gọn gàng. Qua tiệm cà phê mới, Sãi thấy Thị trong đám bạn gái bạn trai bước ra. Sãi né cái ồn ào lối đó, tới nhà Thị ngồi chờ. Ở bệ xi măng xây bỏ lửng đầu hiên có một mớ vỏ chuối. Trước cửa ghim một tờ giấy. Tôi đến, các cô đi vắng. Ngồi đợi thêm ăn hết nải chuối vẫn chẳng thấy ai về. Xin hẹn khi khác. Du Thản Chi.

Bọn Thị vào tới ngõ ồn ồn tiếng cười nữ sinh nội trú. Mấy người con trai cũng theo vào. Sãi đứng trước căn phòng ngoài khoá kín tạo chút ngạc nhiên lúc chưa rõ mặt. Tiếng mở khoá của người con gái đầu đàn. Tiếng giễu của mấy người bạn trai. Tiếng kêu một cô đọc tấm giấy. Giọng thương gã Du Thản Chi, người bạn lặn lội, chân thành, Thị yên lặng, xa Sãi một khuôn mặt tối. Cánh cửa mở cùng hơi thở trút nặng lúc trở về. Mọi người nhường nhau vào căn phòng chật chội. Thị nói:

"Mình ở ngoài nói chuyện".

Hai người lại bệ xi măng đầu hiên. Trong nhà nổi tiếng hát nghịch ngợm của một cô thay áo: Đêm nay một người tiễn một người. Sao rơi hò hẹn gặp sao rơi… Nơi cuối chân trời… Thị quay lại đóng im cánh cửa như tránh nói trước. Sãi hất tờ báo có mớ vỏ chuối, ngồi lên bệ xi măng. Thị khoanh tay tựa lưng vào cây cột. Sãi bảo:

"Để anh co giò lấy chỗ Thị ngồi cho ấm?"

Thị lơ đãng nhìn nóc nhà thờ vượt cao ngoài ngõ, cười không rõ:

"Em đứng một lát cho đỡ nực. Đi phố về nhà bao giờ cũng nóng".

Sãi nghe như mình lặp lại:

"Vài bữa nữa anh đi".

Thị lần này bụm miệng cười thành tiếng:

"Anh Sãi đi mạnh giỏi".

Sãi cũng mơ hồ cười theo. Trong nhà vang âm âm tiếng khua động kẻ đứng người ngồi vẫn chưa yên ổn. Thị đẩy chân Sãi, ké né ngồi xuống. Sãi choàng qua vai bấm những đầu tóc cháy của nàng. Hai người hôn nhau. Nước mắt ướt trên mắt Thị khép kín. Thị đẩy Sãi ra và quay mặt khóc. Cái khóc vẩn vơ như một dịp tự nghĩ lại mình. Những giọt nước mắt như từ một tâm hồn có gió và cây lá đẩy đưa. Chẳng có Sãi.

"Ra phố?"

Sãi đứng dậy cùng Thị ra ngõ.

"Nhường chỗ cho người ở trong nhà ra ngồi dặn dò từ biệt".

Đởm về nói được lắm, không có Thị tao cũng đến mất tiêu tăm tích mày. Sãi hỏi chuyện học hành của người yêu hắn, hắn chửi tùm lum. Nhưng rồi hắn vẫn kể. Người yêu hắn đã biết viết thư tự ví mình như con thuyền giữa dòng Bến Hải.

Đởm mở bung các cửa, đọc những chữ hắn và đám bè bạn viết. Sãi cho hắn biết chuyện cho mướn nhà. Phòng trên này cho một gia đình lính mướn. Phòng dưới Sãi định gọi Du Thản Chi lại ở để hắn giữ mấy tủ sách luôn thể. Thản lì lợm nhưng khí khái. Có bữa hắn đã định mạo hiểm lên đồn lôi Đởm về cho Sãi. Nhưng mấy lần Sãi bảo tới ở hắn đều từ chối. Hắn lấy cớ không chịu được không khí bạn bè Sãi. Nửa tháng nay không thấy hắn tới. Có dư luận hắn về ở dưới làng để sửa soạn cưới vợ. Nải chuối trước cửa nhà Thị chứng tỏ Thản đã lên phố. Không thấy hắn tự tìm đến, tìm hắn là chuyện mất công. Đởm nghe chuyện Thản, có vẻ thích thú:

"Xứ này đúng là xứ anh em kết nghĩa của mày".

Đởm kéo Sãi đi ăn rồi rủ Sãi đi coi hắn đánh bạc. Hắn banh nút áo, kéo maillot bảo Sãi rờ vô ngực hắn. Sãi thấy một cái bùa vải vàng dấu đỏ của người Thượng.

"Lính nó làm biếu tao đó. Chuyến này về tao cốt ý thử bùa".

Sãi nói:

"Tao không ngờ mày bệ rạc tới mức đó".

Đởm cười:

"Chỉ giờ năm sau, đeo mười lá bùa về diễn ở phố này mày cũng đeo".

Đởm đánh bài luôn mấy ngày đêm. Những người ca hát mấy bữa trước nhiều người có mặt trong sòng bài. Hắn bảo Sãi đừng bận tâm về hắn. Đây là canh bạc tìm lại bạn bè cũ. Khoá học này một số đông giáo viên nhập ngũ. Thị được về dạy một trường gần. Sãi bảo chờ Sãi đi hãy tới trình sự vụ lệnh. Buổi sớm, Sãi từ sòng bài của Đởm ghé tiệm cà phê mời mua ít pâté chaud lại nhà Thị. Những người bạn Thị đều đi dạy buổi sáng, Sãi đỡ mất công bảo Thị lại nhà. Thị khoác tấm áo len đỏ, vận bộ đồ ngồi trên chiếc ghế mây độc nhất hát những bản nhạc để bừa bãi trên bàn chờ Sãi. Sãi không ưa màu áo và nhạc đó. Thị đoán hiểu, cố ý chọc tức. Sãi ngồi một góc chân bàn, lật coi những lời đề tặng nghĩ đến lá bùa Đởm đe doạ. Cơn giận cô bùng lên cũng như lòng lạm dụng tình thân. Thị yêu dấu vẫn là Thị loà xoà cười nói. Thị tự do vẫn là Thị nguyên vẹn thu hình. Tình yêu có khi gây lầm lẫn giữa ước vọng và người đàn bà. Kẻ thất vọng đã ngỡ một đêm ái ân kia nàng đến với mình cùng bao nhiêu bùa phép. Vẻ óng ả sau lớp dầy vải vóc và nổi trống trải của bãi đá chồng dưới chân núi, Sãi có nơi Thị bấy nhiêu.

Sãi thường hôn xuống gáy Thị lúc hai người lại ngồi bên mép giường. Thị yên lặng cúi đầu quệt vạt guốc mỏng mảnh tạo tiếng động. Xúc động nàng âm thầm và khuất ở nơi ngực loã xoã tóc. Sắc đen đôi mi rất thực lúc xoay mặt hôn nhau. Thị ngộ nghĩnh ở vốc tay tham lam đầy vải dày vai áo. Đêm khuya bên sòng bài của Đởm, cái lạnh sau giấc ngủ vật vờ, Sãi thấy nhớ cái dáng quấn quít lúc đó. Đởm đánh bài, nguỵ biện như tình yêu. Căn phòng kín khiến hắn gặp Sãi trong ánh sáng không ngày đêm. Sãi thêm: đó không là ánh sáng con bé hồi trước đi dạo ngoài phố. Đởm cãi hắn không còn kể gì tới con bé. Con bé cũng chẳng là gì. Nó cũng như những năm ồn ào vừa qua chỉ là một sự cần thiết để nản nản mà dễ lấy một người vợ. "Rồi đứa nào cũng sống với một người vợ. Cũng chỉ một người thôi". Sãi đùa đó là thứ triết lý bộ lạc. Đởm gật: "Rồi cũng có ngày mình tới được đời sống bộ lạc đó". Đởm đi trước Sãi hai ngày. Hắn thua hết tiền và đưa cho Sãi lá bùa. Sãi thấy kỳ cục. Một người bạn làm thơ sắp cưới vợ đã nhận ra lá bùa vào buổi chiều anh ta mời Sãi tới ăn uống. Trong lúc say sưa, Sãi nói cảnh biệt ly nào mà chẳng cảm động nhưng thực ra lá bùa trong túi Sãi cũng chẳng giúp Sãi uống thêm được bao nhiêu. Và tới buổi tối đến Thị, Sãi thấy nên giữ lấy lá bùa. Sãi khi đã đi xa rồi, sẽ thấy lý do giữ lá bùa lại rõ ràng hơn. Nỗi nhảm nhí không có mốc nào đánh dấu nhưng cũng nổi rõ trong trường hợp bao biện, vị tình. Nỗi bao biện nghĩ mình chẳng có gì mang đi nhiều hơn. Thị vẫn ra khỏi nhà bằng tấm áo choàng thùng thình gần kín hai ống quần mỏng mảnh, sờn cũ. Miệng cắn những hột dưa đợi Tết. Hai người không nói sẽ đi đâu vì vẫn những con đường, những nơi ghé và thói quen mọi tối. Tiếng gió trên cao làm cái tin đám cưới người bạn thơ được loan trên đài phát thanh địa phương có giọng nho nhỏ như tiếng trò chuyện trong phòng. Sãi bảo cái vẻ lôi thôi của Sãi và Thị chỉ hợp với một đám cưới tập đoàn. Thị bỗng vui thích hát một bài ca con nít. Những đêm vầng trăng lên tròn tròn, gió đưa ngàn cây nghe xào xạc, chúng em cùng họp đoàn vui chơi… "Nghe… tình cảm hơn những bản nhạc em vẫn hát". Sãi nói. Thị đùa không chừng Tết ni về Huế có một ông chồng. "Phải lặn lội về tận quê kiếm một ông chồng, bết quá". Thị toan cãi thì tới một vùng nhiều ánh đèn. Rút tay anh lại. Hai người đi theo đuôi những chiếc xe bán bánh mì đèn rung chấp chới. Sãi nhớ Đởm đã giơ cao quả đấm khi nói đường phố đây chỉ thấy một lối áo choàng hai mặt và những trưng bày thuộc địa. Những nhà cửa đóng và những mái hiên khuất lấp còn để đèn Giáng sinh. Sãi bật cười khi nhận ra mình vừa giảng giải cho Thị thế nào là quý phái. Thị kể lại nổi buồn khi biết đã qua cái tuổi trèo cây. Giờ còn trèo cây thì hẳn cao hơn hết mọi thứ. Cao nhất. Thị cười rũ. Cái dáng của Thị hôm nom thấy chữ CAO NHẤT vô nghĩa của một người bạn Sãi viết trên tường. Căn nhà đó thực sự mang vẻ ngô nghê của những người đã đi, những người đã vướng vào nỗi bộc lộ bình nhật mình vẫn ít nhiều rẻ rúng. Hai người vào uống nước ở một tiệm nước nhiều bóng cây gần chợ. Tiệm vắng. Thị vẫn có chút ngập ngừng. Sãi có chút bực dọc. Hai người ngồi ở một góc chiếc bàn mặt đá rộng, trống trơn. Sãi hỏi Thị có gì nói không? Thị lặp lại: "Anh Sãi đi mạnh giỏi". Sãi hỏi gặng, Thị cười: "Đầu óc anh nom thực bờm xờm". Thị đã nói năng ít nhiều dễ dãi. Nàng bắt đầu quen với một lối nói chuyện. "Từ giờ tới mùa hè năm tới cũng không có gì là lâu". Sãi nói. Thị cúi uống ly nước không ý kiến. Thị có vẻ chậm chạp ở những phản ứng chưa quen, không thể bắt chước.

Hai người đi nhiều vòng những con đường góc phía Bắc thành phố. Gần giới nghiêm, hai người về cùng những chiếc xe bán bánh mì bắt đầu tản dần khỏi vùng ánh sáng Ngã Năm. Ý nghĩ đi, ở như một không gian lơ lửng. Giữa vẻ óng ả sau lớp dầy vải vóc gần gũi và nỗi trống trải của bãi đá chồng dưới chân núi lúc dời xa. Hai người vẫn trở về qua lối nhà ga. Con đường đó vẫn phải bước bằng cái dáng vượt gió. Có bóng mấy gã lính rải dưới những bức tường đổ trước sân ga thách thức chuyện thanh toán. Căn nhà trong ngõ đã tắt điện. Có ánh bạch lạp một bạn đồng nghiệp của Thị thắp học thi. Hai người đứng tựa vào bệ xi măng đầu hiên. Thị nói chuyện viết thư. Sãi bảo sẽ không kể chuyện lính. "Để chứng tỏ tình yêu phong phú". Sãi cười như giọng nói buông lơi. Thị đẩy Sãi: "Anh về đi, giới nghiêm rồi… Anh Sãi đi mạnh giỏi". "Ít ra mỗi ngày cũng đứng đắn năm phút". Sãi nói. Thị ngã vào lòng Sãi.
Nguồn: Chiếc xÆ°Æ¡ng lá mục. Tập truyện ngắn của Y Uyên, mẫu bìa của Duy Thanh, chân dung Y Uyên, được vẽ bởi Duy Thanh. Nguyệt san Tân Văn số 33, tháng 1 năm 1971. Ấn hành lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của CÆ¡ sở Văn, xong ngày 10 tháng 1 năm 1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Gia đình tác giả giữ bản quyền.