© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
7.3.2007
Alain Besançon
Tai hoạ của thế kỷ. Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít và tính đặc thù của thảm hoạ
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3 
 
Chương II
Phá hoại về mặt đạo đức

Bên cạnh việc thủ tiêu về mặt thể xác, một khía cạnh rõ ràng của thảm hoạ, một lĩnh vực thu hút nhiều công trình nghiên cứu và có nhiều tài liệu thống kê thì còn một lĩnh vực nữa, không nhìn thấy được, nơi sự phá hoại có thể còn lớn hơn nhiều vì nó động chạm đến số lượng người đông hơn và đòi hỏi nhiều thời gian khắc phục hơn. Đấy là sự phá hoại trái tim và khối óc.

Sự phi lý

Có thể lập và người ta đã lập phả hệ của hai hệ tư tưởng đã từng làm điên đầu một phần nhân loại trong thế kỷ vừa qua. Nhưng khi làm như thế, ta có nguy cơ tin rằng những tư tưởng to lớn và sâu sắc vẫn còn tồn tại trong hai hệ tư tưởng đó, tin rằng chúng đã sử dụng khía cạnh nào đó của những tư tưởng sâu sắc nói trên trong việc tạo lập ra hình hài của chính mình. Chúng không xứng đáng được tôn trọng và được đánh giá cao đến như thế. Làm như thế là chúng ta đã thuận theo yêu sách được liệt vào phả hệ của chúng. Chủ nghĩa Marx-Lenin coi mình là hậu duệ của những truyền thống xuất phát từ Heraclitus và Democritus. Nó chứng minh rằng nó có cội nguồn từ Lucretius, từ thời Khai sáng, từ Hegel và toàn bộ tiến trình phát triển của khoa học. Chủ nghĩa Quốc xã tự coi mình có nguồn gốc từ truyền thống bi kịch Hy Lạp, từ Herder, Novalis, từ Hegel, từ Nietzsche và dĩ nhiên là đã biện hộ bằng toàn bộ sự phát triển của khoa học từ thời Darwin. Không được tin chúng. Ảo tưởng như thế có thể tạo ra một mối nguy nữa, tức là ta có thể bôi nhọ thanh danh của những người mà các học thuyết này coi là cội nguồn của chúng: chúng ta có thể lên án cả Hegel và bất cứ triết gia hay khoa học gia nào được chúng nhắc tới vì họ đã tạo ra những kẻ thừa kế như thế.

Ảo tưởng đó sẽ tan biến ngay khi ta xem xét cơ chế tư duy của các lãnh tụ cộng sản và Quốc xã. Cơ chế tư duy của họ bị điều khiển bởi một hệ thống giải thích thế giới cực kỳ đơn giản: đấy là cuộc đấu tranh một mất một còn giữa các giai cấp hay các chủng tộc. Định nghĩa giai cấp hay chủng tộc lại chỉ có ý nghĩa ở bên trong và thông qua hệ thống này, vì vậy, mọi biểu hiện khách quan trong định nghĩa về giai cấp hay chủng tộc đều không có giá trị. Trong đầu óc những đồ đệ của các học thuyết nói trên, các khái niệm điên rồ như thế đủ sức lý giải bản chất của cuộc đấu tranh, biện hộ cho nó, đủ sức hướng dẫn hoạt động của kẻ thù cũng như đồng minh. Có thể sử dụng bất kỳ thủ đoạn nham hiểm và xảo trá nào miễn là đạt được mục đích và nếu nhìn vào các sự kiện, có thể thấy chủ nghĩa cộng sản đã có những kịch sĩ tài năng hơn Hitler nhiều như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh. Đây là những hệ thống phi lý, còn mục đích của chúng là bất khả thi.

Cốt cán của đảng phải là người trung thành tuyệt đối. Chỉ thị của “thượng cấp” có thể xoay chuyển toàn bộ đầu óc và ngũ quan. Kết quả là ngôn ngữ cũng bị biến dạng: nó không còn là phương tiện trao đổi mà là để che giấu mối liên hệ giữa hệ thống và hiện thực. Ngôn ngữ trở thành ảo thuật gia: buộc hiện thực khuất phục thế giới quan của hệ thống. Đấy là ngôn ngữ của lễ nghi, mỗi lời đều chứng tỏ rằng kẻ nói là người của hệ thống và người nghe cũng phải tham gia vào hệ thống này. Những câu nói có giá trị nhất của nó chính là những lời đe doạ, những biểu hiện của sức mạnh.

Khi đã bị hệ tư tưởng như thế khống chế thì trí tuệ không còn. Chủ nghĩa Quốc xã đã lôi kéo được một vài nhà tư tưởng vĩ đại: Heidegger, Carl Schmitt. Nhưng đấy là họ qui chiếu các tư tưởng xa lạ với chủ nghĩa Quốc xã của mình lên chủ nghĩa Quốc xã: thù địch với hiện đại hoá, thù địch với dân chủ, chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc siêu hình. Dường như chủ nghĩa Quốc xã đã tiếp thu tất cả những cái đó, đã tiếp thu mà bỏ qua những điều tạo nên giá trị trong đời sống tinh thần của triết gia, đã bỏ qua tư tưởng, chiều sâu và siêu hình học của họ. Các nhà triết học này cũng ngộ nhận về phả hệ.

Chủ nghĩa Marx-Lenin chỉ tuyển mộ được những đầu óc loại hai, thí dụ như Lukács, nhưng những người này đã mau chóng đánh mất tài năng ngay sau đó. Các đảng cộng sản có thể huênh hoang vì có những người nổi tiếng như Aragon, Bréton, Picasso, Langevin, Neruda đứng cùng đội ngũ, nhưng họ lại tìm mọi cách để cho những người này đứng ở ngoài lề, chỉ cho họ tham gia khi cần, khi hoàn cảnh đòi hỏi. Mặc dù vậy, mặc dù đảng tính chỉ là chiếu lệ, hội hoạ của Picasso, thi ca của Neruda và Aragon cũng đã bị ảnh hưởng. Các nhà tư tưởng lớn ngả về một hệ tư tưởng nào đó là do sự say mê nhất thời, bản chất của lòng say mê nằm ngoài mọi hệ tư tưởng. Nhưng khi tiến gần vào trung tâm thì lòng nhiệt tình bỗng giảm hẳn, thường chỉ còn lại sự bực bội mà thôi.

Trong hàng ngũ cộng sản, một số lãnh tụ như Stalin và Mao Trạch Đông đã tự vạch ra sơ đồ nguyên lý chủ yếu của hệ tư tưởng này. Sơ đồ này có thể được mô tả trên vài trang giấy và chứa đựng toàn bộ học thuyết: không tìm đâu ra những kiến giải sâu sắc hơn, mặc dù những cuốn sách giáo khoa này đôi khi được gọi là “giáo trình cơ sở” để tạo ấn tượng rằng có những kiến giải khác khoa học hơn; nhưng những tác phẩm như thế, nếu có, cũng chỉ là kể lại một cách dài dòng “giáo trình” mà thôi. Những cuốn sách như thế lại là đối tượng “nghiên cứu”, nghĩa là các thần dân của họ phải tụng, phải nhại lại như vẹt những điều được ghi trong đó. Chủ nghĩa Quốc xã không có những cuốn sách giáo khoa ngắn gọn như thế: phải tuân thủ tuyệt đối tư tưởng của lãnh tụ, mà tư tưởng của lãnh tụ thì lại có tính chất tiên tri và đầy cảm hứng. Nếu phân tích thì ta sẽ thấy đấy chỉ là sự pha trộn một cách nghèo nàn chủ nghĩa Darwin đem áp dụng vào xã hội loài người, di truyền học, tư tưởng của Nietzsche mang màu sắc bài Thiên Chúa giáo, tư tưởng phục thù và bài Do Thái bệnh hoạn mà thôi.

Môn đệ của cộng sản cũng như của Quốc xã đều cần được khám bệnh tâm thần. Họ là những người kín đáo, sống tách rời thực tế, họ có thể nhắc đi nhắc lại suốt ngày những lý lẽ cũ rích chẳng khác gì những kẻ tâm thần nhưng lại tin rằng mình là người hoàn toàn tỉnh táo. Đấy là lý do vì sao các bác sĩ tâm thần lại so sánh họ với bệnh hoang tưởng mãn tính, với bệnh tâm thần phân liệt. Nhưng khi nghiên cứu kỹ thì ta thấy cách so sánh như thế chỉ mang tính ẩn dụ. Biểu hiện rõ nhất cho thấy đấy là cơn điên nhân tạo thể hiện ở chỗ có thể chữa được: khi áp lực chấm dứt và khi hoàn cảnh thay đổi thì người ta lập tức khỏi bệnh, cứ y như họ vừa thoát khỏi cơn mê vậy. Nhưng đấy là mê trong lúc thức, mê mà không cản trở hành động, mê mà vẫn giữ được vẻ mạch lạc, hợp lý. Khi thoát ra ngoài cái môi trường đã bị thương tổn đó, cái môi trường vốn là thượng tầng của lý trí của một người bình thường, cái môi trường tạo ra tôn giáo và triết học, hay nói theo Kant, là tạo ra các “ý tưởng điều khiển lý trí” thì các chức năng lý tính dường như không bị thương tổn nhưng đã bị phân hoá và nô dịch đến mức hoang tưởng hoàn toàn, khi tỉnh ngộ người ta thấy đầu óc trống rỗng, phải học lại từ đầu tất cả mọi thứ. Nước Đức, hàng thế kỷ được coi là Athen của châu Âu, đã trở thành ngây độn sau 12 năm cầm quyền của chủ nghĩa Quốc xã. Đấy là chưa nói đến nước Nga, một nước đã trải qua nền giáo dục phi lý một cách có hệ thống trong hơn 70 năm trời, một nước mà nền tảng tinh thần chưa phát triển và dễ bị tổn thương hơn nước Đức!

Những chứng bệnh tinh thần nhân tạo đó lại có khả năng truyền nhiễm. Đã có người so sánh chúng với việc bùng phát dịch đậu mùa hay cảm cúm. Về mặt hình thức thì quá trình phát xít hoá nước Đức vào năm 1933 và Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc đã phát triển giống như một căn bệnh truyền nhiễm. Trong khi chờ đợi có những kiến thức sâu sắc hơn về những bệnh dịch tâm thần này, chúng ta hãy coi đây là sự so sánh có giá trị tượng trưng.

Sự phi lý vừa là nền tảng vừa là điều kiện của sự phá hoại về mặt đạo đức. Sự rối loạn nhận thức chỉ có thể xảy ra khi quan niệm về thế giới, thái độ đối với hiện thực bị phá hoại một cách cố ý. Tôi không thảo luận ở đây vấn đề có thể coi sự mê muội đó là tình huống giảm khinh hay phải coi nó là một phần không tách rời của cái ác. Câu trả lời, nếu có, cũng không làm thay đổi đánh giá của chúng ta.


Sự xuyên tạc tính thiện của chủ nghĩa Quốc xã

Khi xem xét một cách cẩn thận toàn bộ các hình thức đày ải mà một dân tộc phải chịu đựng trong sáu cơ sở giết người của chủ nghĩa Quốc xã thì ngôn từ không còn giá trị, các quan niệm biến mất, trí tưởng tượng cũng không còn hoạt động, chỉ còn trí nhớ là có giá trị. Chúng ta như đã thoát ra ngoài thế giới loài người. Và ý nghĩ về quỷ dữ cứ bám mãi vào tâm trí.

Quỷ dữ ở đây chính là những hành động đó được thực hiện nhân danh điều thiện, nhân danh đức hạnh. Phương tiện phá hoại đạo đức chính là sự xuyên tạc tính thiện, cho nên thật khó nói tội nhân có thể nhận thức được rằng họ có phạm tội hay không.

Trong thời kỳ chiến tranh, Himmler đã đăng đàn nhiều lần trước các sĩ quan và hàng ngũ lãnh đạo SS (Heinrich Himmler, Discours secrets, Gallimard, Paris, 1978). Tất cả đều mang giọng giáo huấn đạo đức.

Xin dẫn ra ở đây một đoạn, nó còn cao hơn cả nhu cầu lúc đó, cao hơn nhu cầu của chính đế chế, có thể nói mang tính toàn năng: “Tất cả những điều chúng ta làm đều phải được biện hộ trước tổ tiên của chúng ta. Nếu chúng ta không có mối liên hệ đạo đức như thế, một mối liên hệ sâu sắc nhất và tuyệt vời nhất vì là tự nhiên nhất, thì chúng ta không thể chiến thắng Thiên Chúa giáo và xây dựng được đế chế Đức, một đế chế sẽ là vinh hạnh cho toàn bộ trái đất của chúng ta. Trong suốt hàng ngàn năm qua, nhiệm vụ của chủng tộc da trắng là làm chủ trái đất và luôn luôn tạo ra hạnh phúc và văn minh trên trái đất này” (ngày 9 tháng 6 năm 1942).

Theo chủ nghĩa Quốc xã, tính thiện là khôi phục lại trật tự tự nhiên đã bị lịch sử đảo lộn. Đẳng cấp tự nhiên của các chủng tộc đã bị các hiện tượng như Thiên Chúa giáo (“bệnh dịch hạch này là căn bệnh nặng nhất mà chúng ta gặp trong suốt tiến trình lịch sử”), dân chủ, quyền lực của đồng tiền, chủ nghĩa Bolsevik, người Do Thái phá hoại. Đế chế Đức là đỉnh cao của trật tự tự nhiên nhưng trong đó vẫn có chỗ dành cho các dân tộc Đức khác như người Scandinavia, Hà Lan, Flammand. Đế chế Anh, “một đế chế quốc tế do người da trắng thành lập”, sẽ được giữ nguyên. Người Pháp, người Ý ở bậc thấp hơn. Người Slav còn ở bậc thấp nữa, họ sẽ biến thành nô lệ và số người sẽ giảm bớt: Himmler cảnh báo sẽ “giảm” 30 triệu người. Trật tự tự nhiên cũng được phục hồi ngay trong lòng xã hội, trong đó những người tốt nhất, cứng rắn nhất, trong sạch nhất, cao quý nhất sẽ giữ thế thượng phong: tầng lớp tinh hoa Vaffen-SS là thí dụ điển hình. Khi Himmler nói như thế thì trong các bệnh viện và nhà thương điên, những bệnh nhân không còn khả năng hồi phục, những người tàn tật, người tâm thần thuộc “chủng tộc” Đức đã bị đem thủ tiêu một cách bí mật.

Tất cả những điều đó, Himmler nói tiếp, chỉ có thể đạt được bằng một cuộc chiến đấu cực kỳ khốc liệt. Trong các bài diễn văn của mình, ông ta luôn luôn kêu gọi lòng dũng cảm, kêu gọi những chiến tích siêu nhân, tinh thần trách nhiệm cao trước đế chế, đặc biệt khi nói về việc thực thi các mệnh lệnh khó chịu: “Chúng ta phải thực hiện những trách nhiệm tư tưởng và tuân theo số phận; chúng ta phải đứng vững trên hai chân, không được quỳ gối, không được ngã lòng, phải giữ vững vị trí cho đến hơi thở cuối cùng hay khi nhiệm vụ chưa hoàn thành”.

“Giải quyết triệt để vấn đề Do Thái”, ở khía cạnh nào đó, chỉ là vấn đề kỹ thuật, như người ta giết rận mà thôi: “Diệt rận không phải là vấn đề thế giới quan, đấy là vấn đề vệ sinh (…) chẳng bao lâu nữa sẽ không còn một con rận nào” (ngày 24 tháng 4 năm 1943). Hình ảnh loài côn trùng cần phải bị tiêu diệt thường xuất hiện khi người ta nói về kẻ thù tư tưởng. Lenin cũng hay sử dụng hình ảnh này. Nhưng Himmler, với vai trò một thủ trưởng mẫu mực, dùng nó để động viên, khuyến khích thính giả. Ông ta biết rằng họ sẽ khó khăn: một lúc nào đó, lương tâm có thể sẽ cắn rứt, cho nên để thực hiện một số nhiệm vụ nào đó, “luôn phải nhận thức được rằng chúng ta đang tiến hành cuộc đấu tranh chủng tộc, nguyên thủy, tự nhiên và hợp quy luật” (ngày 1 tháng 12 năm 1943). Bốn cái nhãn này mô tả chính xác đặc điểm của nền đức dục Quốc xã.

Trong diễn văn đọc ngày 6 tháng 12 năm 1943, Himmler trình bày quan điểm của mình về việc “giải quyết triệt để vấn đề Do Thái” như sau: “Mệnh đề ‘người Do Thái phải bị tiêu diệt’ chỉ chứa có vài từ và được nói rất nhanh, thưa các ngài. Nhưng điều nó đòi hỏi ở người thực hiện lại là nặng nề nhất và khó khăn nhất. Dĩ nhiên, bọn Do Thái chỉ đơn giản là Do Thái, rõ ràng là như thế; nhưng xin các vị hãy suy nghĩ, có biết bao nhiêu người, kể cả các đảng viên, đã đề đạt với các cơ quan khác nhau, họ tuyên bố rằng dĩ nhiên Do Thái là bọn lợn, ngoại trừ tên này hay tên kia, chúng là những tên Do Thái trung thực không nên động đến. Tôi có thể nói rằng: căn cứ vào số đơn từ và ý kiến đó, số Do Thái trung thực ở Đức còn nhiều hơn số dân Do Thái nói chung (…). Tôi khẩn thiết đề nghị các vị hãy nghe những điều tôi nói ở đây, trong một nhóm nhỏ này và sau này sẽ không bao giờ nói lại nữa. Trước mặt các vị có một vấn đề: làm gì với phụ nữ và trẻ con? Tôi đã định thần và trong trường hợp này cũng tìm được giải pháp rõ ràng. Tôi cảm thấy không có quyền tiêu diệt đàn ông nhưng lại để lại những đứa trẻ con để sau này chúng sẽ báo thù con chúng ta, báo thù những thế hệ sau của chúng ta. Cần phải chấp nhận một quyết định đầy khó khăn, đấy là quét sạch dân tộc này khỏi mặt đất. Đối với cái tổ chức phải thực hiện nhiệm vụ này thì đây là nhiệm vụ khó khăn nhất mà nó từng thực hiện. Tôi nghĩ tôi có thể nói rằng: nhiệm vụ này phải được thực hiện sao cho dân chúng, các sĩ quan của chúng ta không bị đau khổ về mặt tình cảm và tâm hồn. Nhưng mối nguy hiểm như thế quả thật là đang tồn tại. Con đường giữa hai khả năng: trở nên quá cứng rắn, tàn nhẫn và đánh mất hết sự tôn trọng đối với đời sống của con người hoặc là trở thành quá mềm yếu và mất tinh thần đến mức động kinh, con đường giữa Scylla và Charibdys [1] là con đường cực kỳ hẹp.”

Cái đạo trung dung mà Himmler đòi hỏi đôi khi cũng đạt được: trên thực tế, có nhiều tên đồ tể có tiếng lại là những ông bố dịu dàng, những người đàn ông đầy tình cảm. Ông ta yêu cầu rằng “nhiệm vụ” phải được thi hành mà không có những động cơ “ích kỷ”, thi hành một cách bình tĩnh, không được ngã lòng. Rượu chè, hiếp dâm, cướp bóc những người bị đi đày vì quyền lợi riêng, rơi vào trạng thái cuồng sát một cách vô ích đều là biểu hiện của tình trạng vô kỷ luật, hỗn loạn, đánh mất lý tưởng của chủ nghĩa Quốc xã, cần phải bị lên án và trừng phạt.


*


Đạo đức Quốc xã buộc người ta phải tuân theo trật tự do thiên nhiên qui định. Nhưng cái trật tự tự nhiên đó không thể nhận thức được bằng quan sát mà được rút ra từ sự hiểu biết về mặt tư tưởng. “Chủng tộc da trắng” đại diện cho bên thiện, còn “chủng tộc” Do Thái là bên ác. Cuộc đấu tranh mang tầm vũ trụ sẽ kết thúc bằng chiến thắng của phía bên này hay bên kia.

Nhưng đây chính là sự giả dối. Không có “chủng tộc” theo cách hiểu của những người Quốc xã. Không có “một người thượng đẳng da trắng cao to” ngay cả nếu ta có thể tưởng tượng được một người Đức da trắng cao to. Và cũng không có “người Do Thái” theo cách hiểu của họ, vì cái hình ảnh chủng tộc mà người Quốc xã tạo ra chỉ có những nét trùng hợp vô tình với diện mạo của một dân tộc trong Kinh Cựu ước mà thôi. Đảng viên Quốc xã cho rằng họ hiểu được tự nhiên, nhưng tự nhiên lại nằm sau các sơ đồ của họ. Hoàn cảnh lịch sử và chiến tranh cũng bị nhận thức một cách sai lệch. Vì chủ nghĩa Quốc xã mà Hitler khởi chiến và cũng vì chủ nghĩa Quốc xã mà hắn đã thất bại. Stalin đã nắm thế thượng phong vì ông ta biết gạt hệ tư tưởng của mình sang một bên khi cần chuẩn bị cho chiến thắng. Hệ tư tưởng của chủ nghĩa Lenin tỏ ra “tốt hơn” vì nó cho phép những giai đoạn tạm dừng và sự kiên nhẫn về mặt chính trị, còn chủ nghĩa Quốc xã lại đầy xung động nên không thể làm như thế.

Luân lý Quốc xã là sự phủ nhận truyền thống đạo đức của toàn thể loài người. Chỉ một nhóm nhỏ các nhà tư tưởng ngoại vi đã nêu ra một vài đề tài mỹ học như một hình thức khiêu khích. Còn trên thực tế thì loại hình chủ nghĩa hiện thực do họ đề nghị: siêu nhân, người chưa thành nhân, khát vọng quyền lực, hư vô chủ nghĩa, chủ nghĩa phi lý đã đẩy họ vào lĩnh vực mỹ học. Nhưng đấy chỉ là cái tầm thường nghệ thuật dễ làm mê hoặc lòng người: những buổi trình diễn ở Nuremberg, các kiến trúc to lớn của Speer, sức mạnh thô bạo. Nhưng về mặt đạo đức thì nó không tìm ra được một người kế tục nghiêm túc nào trong lịch sử; trong lĩnh vực này, sự thoái hoá của nó là rõ ràng, nó cũng không thể được diễn dịch vào ngôn ngữ chung của nhân loại. Đấy là hai điểm yếu mà người ta thường đem so sánh với đạo đức cộng sản.

Đấy là lý do vì sao đạo đức Quốc xã ít lây nhiễm hơn đạo đức cộng sản, còn sự phá hoại đức hạnh của chủ nghĩa phát xít cũng không rộng lớn bằng. Các chủng tộc “thấp hèn”, các chủng tộc “chưa thành nhân” nhìn thấy ngay mối nguy hiểm chết người không thể nào tránh khỏi trong học thuyết này và vì vậy mà không bị nó lôi cuốn. Chính nhân dân Đức đi theo Hitler chủ yếu là vì tinh thần dân tộc hơn là vì chủ nghĩa Quốc xã. Tinh thần dân tộc - một tình cảm tự nhiên được hun đúc trong suốt hai thế kỷ trước - là một nguồn năng lực và nhiên liệu đối lập với các luận điểm của chủ nghĩa Quốc xã cũng như chủ nghĩa cộng sản. Một số người thuộc tầng lớp tinh hoa Đức đã ủng hộ Hitler, nhưng tính chất quý tộc nhuốm màu du đãng của các đội quân của Hitler lại chẳng có gì chung với tầng lớp tinh hoa cũ. Tầng lớp tinh hoa theo tinh thần Nietzsche, cũng như tất cả những người khác, đã mắc bẫy. Còn sự trung thành của hàng ngũ sĩ quan thì đấy là do truyền thống được củng cố bởi những nhóm theo Kant hay Hegel. Binh lính thì chỉ biết tuân phục.

Đấy là lý do vì sao đỉnh cao lý luận của chủ nghĩa Quốc xã, nghĩa là sự tiêu diệt về mặt thể xác dân tộc Do Thái, rồi sau đó là những dân tộc khác lại là bí mật của đế chế, mà lại là bí mật được bảo vệ kỹ lưỡng nhất. “Đêm pha lê”, được coi là vụ kiểm nghiệm, một cố gắng để tập hợp và giải thích cho người Đức về dự án vĩ đại đã không thành công về mặt chính trị. Lúc đó, Hitler mới quyết định xây dựng bên ngoài lãnh thổ lịch sử của nước Đức sáu trung tâm giết người hàng loạt.

Sự phá hoại về mặt đạo đức của chủ nghĩa Quốc xã có thể mô tả như những vòng tròn xung quanh một hạt nhân trung tâm, vài đoạn trong những bài diễn văn đã dẫn ở trên cho ta thấy hình ảnh của cái hạt nhân này. Hạt nhân được hình thành từ những kẻ hoàn toàn chấp nhận chủ nghĩa Quốc xã: cốt cán của đảng, cốt cán của Waffen-SS, cốt cán của GESTAPO. Những người tiến hành công việc giết người thì ít hơn. Đa số họ không cần chủ nghĩa Quốc xã: năng lực công nghệ và công nghiệp phát triển cao của Đức cho phép tiết kiệm sức lao động. Chỉ cần mấy trăm tên SS quản lý các trại tử thần, chúng giao công việc “đen tối” cho chính các nạn nhân. Các đội Einsatzgruppe được hình thành từ những kẻ chẳng cần qua một giai đoạn huấn luyện nào. Trong một số tác phẩm, người ta đã nói rằng thành viên của những đơn vị giết người này, về lý thuyết, có thể xuất ngũ được. Nhưng họ sẽ gặp nhiều rắc rối, mà ít nhất là bị điều ra mặt trận phía Đông. Những người này là quỷ dữ, nhưng không thể nào nói rằng họ là những kẻ cuồng tín tư tưởng Quốc xã. Ở dân tộc nào cũng có thể tìm được đủ số những kẻ giết người và tra tấn khi cần. Màu sắc tư tưởng chỉ giúp chúng dễ dàng thể hiện khuynh hướng và cho phép chúng phất lên mà thôi.

Có người đã nhấn mạnh rằng hoạt động của các Einsatzgruppe không thể là bí mật đối với quân đội vì so với bộ đội thì họ ở hậu phương; mục đích của các đoàn tàu cũng như việc tiêu diệt các khu vực của người Do Thái không phải là điều mà ngưới ta phải nghi ngờ; và mặc dù các khu vực xung quanh các trại tử thần là khu “trắng” đi chăng nữa thì tin tức cũng thường lọt ra ngoài. Hilberg viết rằng đấy là “bí mật mà mọi người đều biết”. Dĩ nhiên là như thế, nhưng cần phải lưu ý hai điều sau đây.

Bí mật mà mọi người đều biết thì không phải là chính sách hay sự kiện được công bố công khai. Người Đức đi theo Hitler vì kỷ luật quân sự và kỷ luật công dân, vì tinh thần dân tộc, vì sợ hãi, vì không dám nghĩ hay thực hiện các hành động phản kháng. Bí mật, ngay cả khi đã không còn là bí mật nữa, đã giải thoát họ khỏi trách nhiệm tinh thần, hoặc ít nhất đã giúp họ giả vờ, giúp họ quay lưng hay làm ra vẻ như không có gì xảy ra cả. Trong chế độ Quốc xã xã hội vẫn còn một ít quyền. Hàng ngũ sĩ quan tức một số khá đông người vẫn còn giữ được lòng trung thành với luật pháp và truyền thống tiến hành chiến tranh, ít nhiều còn giữ được danh dự. Tài sản tư hữu chưa bị xoá bỏ, như vậy là xã hội công dân phần nào cũng vẫn còn. Bộ phim Danh sách Schindler dựa trên câu chuyện có thật về nhà doanh nghiệp người Đức Oskar Schindler có khả năng thu gom và bảo vệ người lao động Do Thái. Không thể tưởng tượng một chuyện như thế ở Nga ngay cả trong những năm đầu của chính quyền cộng sản.

Đối với một người bình thường thì bí mật này là không thể tưởng tượng được. Phần lớn dân Đức lúc đó vẫn còn sống trong một xã hội quen thuộc, vẫn theo đạo đức truyền thống, họ không thể tưởng tượng được điều sẽ chờ đợi họ trong tương lai, vì vậy, họ khó tin cái hiện thực mà người ta cố tình che giấu, khó tin ngay cả những tang chứng. Chính người Do Thái, sau khi đã bị tước đoạt, bị tập trung và đưa lên tàu hoả cũng không tin vào hiện thực ngay trước khi bước vào lò hơi ngạt.

Nền giáo dục Quốc xã chỉ tồn tại có mấy năm. Khi nước Đức bị đồng minh chiếm đóng, chủ nghĩa Quốc xã biến mất ngay lập tức, ít nhất thì chuyện đó đã diễn ra ở Tây Đức; bên Đông Đức nó đã chuyển hoá thành một dạng khác. Nó biến mất, trước hết, vì bị các quan toà Đức cũng như quan toà quốc tế kết án. Thứ hai, đa số dân chúng chưa bị nó nhồi sọ một cách triệt để. Cuối cùng, nó biến mất vì những người Quốc xã sau khi tỉnh ngộ đã không tìm được mối liên hệ rõ ràng giữa quá khứ, khi họ còn nằm dưới tác động ma thuật của hệ tưởng, và hiện tại, khi cái tác động kia đã không còn. Eichmann [2] đã trở lại với bản chất của một viên chức bậc trung như hắn ta từng là trước đây và có thể sẽ là sau này nếu không bị bắt và bị kết án. Hắn đã chấp nhận bản án một cách thụ động, đúng với tính cách nhạt nhẽo của hắn. Bản luận tội, như Hannah Arendt đã nói rất đúng, không phù hợp với nhận thức hạn chế của con người tầm thường này.


Sự xuyên tạc tính thiện của chủ nghĩa cộng sản

Chủ nghĩa cộng sản là đạo đức. Toàn bộ các lịch sử các phong trào tiền thân của chủ nghĩa Bolshevik (phong trào xã hội chủ nghĩa Pháp và Đức, phong trào dân túy Nga) đều dựa vào yêu cầu đạo đức và chiến thắng của nó đồng nghĩa với chiến thắng của cái thiện. Mỹ học không theo kịp cái đẹp. Đảng viên Quốc xã coi mình là nghệ sĩ, còn người cộng sản thì coi mình là chân nhân.

Cơ sở của nền đạo đức này nằm trong hệ thống giải thích và được rút ra từ tri thức. Chủ nghĩa cộng sản dạy rằng khởi kỳ thủy, tự nhiên không phải là tự nhiên theo hệ thống thang bậc, dãn man và nhẫn tâm mà con người siêu nhân Quốc xã sùng bái. Không, nó giống như tự nhiên đầy thiện ý trong tác phẩm của Rousseau. Tự nhiên này đã biến mất, nhưng chủ nghĩa xã hội sẽ tái tạo nó trên một mức độ cao hơn và khi đó, con người có thể thể hiện được toàn bộ khả năng của mình. Trotsky khẳng định rằng: con người bình thường của nhân loại trong tương lai sẽ là Michelangelo và Leonardo da Vinci. Chủ nghĩa cộng sản dân chủ hoá con người siêu nhân.

Quá trình tự nhiên cũng là quá trình lịch sử vì chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử khẳng định sự thống nhất giữa tự nhiên và lịch sử. Chủ nghĩa cộng sản vớ lấy đề tài về sự tiến bộ, một đề tài vĩ đại thời Khai sáng, trái ngược hoàn toàn với đề tài thoái hoá và suy đồi của chủ nghĩa Quốc xã nhưng sự tiến bộ lại đầy bi kịch, phải trải qua những sự tàn phá to lớn và không thể nào tránh được. Ở đây, chúng ta thấy bóng dáng của Hegel và đặc biệt là cuộc đấu tranh sinh tồn không khoan nhượng của học thuyết Darwin đem áp dụng vào xã hội. “Quan hệ sản xuất xã hội (‘Chế độ chiếm nô’, ‘chế độ phong kiến’, ‘chế độ tư bản’) thay thế nhau như các vương quốc trong thế giới động vật, như loài có vú thay cho loài lưỡng cư. Có một sự thống nhất bí mật giữa chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa cộng sản: “Không đập vỡ trứng thì làm sao có món trứng rán”, “Chặt cây thì mảnh phải văng ra”… Cả hai bên đều coi lịch sử là sư phụ. Chủ nghĩa Quốc xã khôi phục thế giới trong vẻ đẹp của nó, còn chủ nghĩa cộng sản khôi phục thế giới trong tính thiện của nó.

Sự khôi phục phụ thuộc vào ý chí của con người đã được tư tưởng soi sáng. Chủ nghĩa Lenin còn lệ thuộc vào sơ đồ nhận thức luận hai mâu thuẫn đối kháng và ba giai đoạn hơn cả chủ nghĩa Quốc xã. Quá khứ là công xã nguyên thủy, tương lai là chủ nghĩa cộng sản, còn hiện tại là cuộc đấu tranh giữa hai mâu thuẫn cơ bản. Các lực lượng thúc đẩy cuộc vận động về “phía trước” là tốt, còn lực lượng “cản trở” là xấu, là ác. Hệ tư tưởng (có căn cứ khoa học) mô tả bản chất của cái ác. Đấy không phải là tồn tại mang tính sinh vật (chủng tộc hạ đẳng) mà là tồn tại mang tính xã hội, thâm nhập vào toàn bộ xã hội: tư hữu, chủ nghĩa tư bản, đạo đức, luật pháp và văn hoá, là thượng tầng kiến trúc của cái ác, có thể được coi là “linh hồn của chủ nghĩa tư bản”. Những người hiểu được quá trình chuyển tiếp của các giai đoạn và hai mâu thuẫn cơ bản, những người nhận thức được bản chất của trật tự của tự nhiên và xã hội và hiểu được xu hướng tiến hoá và phương tiện để thúc đẩy quá trình tiến hoá tập hợp vào một tổ chức thống nhất, tạo ra đảng.

Như vậy, tất cả mọi phương tiện đưa đến mục đích mà người cách mạng tiên đoán được đều là tốt. Vì quá trình đó cũng là quá trình tiến hoá tự nhiên và phù hợp với lịch sử nên việc phá bỏ chế độ cũ là cần thiết để cho cái mới mau đến hơn mà thôi. Cách diễn đạt của Bakunin khi ông này tổng kết nhận thức của mình về Hegel đã trở thành tiền đề của chủ nghĩa cộng sản: tinh thần phá hoại cũng là tinh thần xây dựng. Trước khi có chủ nghĩa cộng sản, những người dân túy, xuất phát từ nhận thức của họ, đã nhận thức sâu sắc sự cần thiết của một cuộc cách mạng đạo đức. Chernyshevsky, Nechayev, Tkachev đã phát triển trong văn chương đề tài “con người mới”, còn Dostoievsky thì viết những tác phẩm trào phúng về đề tài này, ông là người hiểu rõ ý nghĩa siêu hình của nó. Con người mới là con người nắm được đạo đức mới, trung thành tuyệt đối với mục đích, người kiên trì thanh tẩy tàn dư của đạo đức cũ do “kẻ thù giai cấp” truyền bá nhằm kéo dài sự thống trị của chúng. Lenin xác lập đạo đức cộng sản. Trotsky thì viết một cuốn sách nhỏ về đạo đức “của chúng nó” và “của chúng ta”.

Điều đáng ngạc hiên là không có ai ở bên ngoài phong trào cách mạng nhận thức được sự hẫng hụt về mặt đạo đức này. Để mô tả nền đạo đức mới, chủ nghĩa cộng sản đã vay mượn ngôn từ của nền đạo đức cũ: công bằng, bình đẳng, tự do,… Thế giới mà cộng sản chuẩn bị phá bỏ quả thực đầy rẫy bất công và áp bức. Những người khao khát sự công bằng không thể không công nhận rằng cộng sản là những người lên án những điều bất công này một cách hăng say nhất. Cả những người yêu chuộng công bằng lẫn những người cộng sản đều nói rằng không só sự công bằng trong việc phân chia tài sản. Một người tốt, một người tuân theo lý tưởng công bằng sẽ tìm cách làm cho việc tái phân phối tài sản được thực hiện một cách tốt đẹp hơn. Nhưng đối với người cộng sản thì tư tưởng công bằng không nằm trong khái niệm chia một cách “công bằng” mà nằm trong việc thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa, nằm trong việc xoá bỏ tư hữu và bằng cách đó xoá bỏ mọi cách chia, xoá bỏ chính sự chia và quyền của các bên tham gia vào quá trình phân chia. Khai sinh ra nhận thức về sự bất bình đẳng, nhưng người cộng sản không đặt mục tiêu chỉ ra sự khiếm khuyết của luật pháp: mục tiêu của họ là tạo trong dân chúng lòng khát khao một xã hội mà ở đó, pháp luật không còn là phương tiện điều chỉnh nữa. Tương tự như thế, tư tưởng cộng sản về tự do đặt mục đích khích động nhận thức về sự áp bức ở nơi mà cá nhân, nạn nhân của sự vong thân tư bản chủ nghĩa coi mình là tự do. Nói tóm lại, tất cả các ngôn từ thể hiện cái thiện: công bằng, tự do, nhân bản, từ tâm, khoan dung, v.v... đã biến thành công cụ cho một mục đích duy nhất, cho việc thiết lập chế độ cộng sản, một chế độ bao hàm và hiện thực hoá tất cả những điều tốt đẹp đó.

Nhưng có những tiêu chí đơn giản có thể đánh tan được sự lầm lẫn này. Tôi gọi nền đức hạnh mà các nhà thông thái thời cổ đại, cũng như các nhà thông thái Trung Quốc, Ấn Độ và châu Phi dựa vào là đức hạnh tự nhiên hay đức hạnh phổ thông. Trong thế giới Thiên Chúa giáo, đức hạnh này được trình bày tóm tắt trong nửa sau của “Mười điều răn”. Đạo đức cộng sản hoàn toàn trái lại. Mục đích của nó là tiêu diệt tư hữu và những điều liên quan đến sở hữu là luật pháp và tự do, nó còn đặt ra mục tiêu là cải tạo cả các quan hệ gia đình nữa. Nó cho mình quyền dối trá và sử dụng bạo lực như là phương tiện để chiến thắng trật tự cũ và thiết lập trật tự mới. Cơ sở của đạo đức cộng sản trái ngược hoàn toàn với điều răn thứ 5 (“hiếu kính cha mẹ”), điều răn thứ 6 (“chớ giết người”), điều răn thứ 7 (“chớ phạm tội tà dâm”), điều răn thứ 8 (“chớ trộm cướp”), điều răn thứ 9 (“chớ làm chứng dối cho kẻ lân cận mình”) và điều răn thứ 10 (“chớ tham điều gì của kẻ lân cận”). Không cần phải là người tin vào Thánh kinh, vẫn có thể đồng ý với tinh thần của những điều răn mà mọi người trên trái đất đều biết nói trên. Nhiều người cho rằng có những hành vi tốt, hành vi chân chính vì những hành vi này phù hợp với những qui luật của vũ trụ mà họ biết. Chủ nghĩa cộng sản khẳng định có một vũ trụ mới và một nền đạo đức mới phù hợp với nó. Đấy là lý do vì sao chủ nghĩa cộng sản bác bỏ không chỉ các điều răn mà còn bác bỏ cả cơ sở của nó, tức là thế giới tự nhiên. Chúng ta nói rằng đạo đức cộng sản dựa vào tự nhiên và lịch sử, nhưng không phải như thế: đạo đức cộng sản dựa vào siêu nhiên và lịch sử đã bị tước bỏ chân lý.

“Chế độ Xô viết”, Raymond Aron viết trong cuốn Chế độ dân chủ và chế độ toàn trị, “thoát thai từ ý chí cách mạng, được cổ vũ bởi lý tưởng nhân đạo. Mục đích là tạo ra một chế độ nhân bản nhất mà lịch sử từng biết tới, một chế độ mà lần đầu tiên con người có điều kiện trở thành nhân ái, một chế độ không còn giai cấp, nơi sự thống nhất của toàn xã hội tạo điều kiện cho các công dân tôn trọng lẫn nhau. Nhưng cái phong trào hướng đến mục tiêu tối thượng này lại không dừng lại trước bất cứ phương tiện nào vì theo học thuyết thì chỉ bạo lực mới có thể giúp tạo ra xã hội hoàn hảo đó và vì vậy, giai cấp vô sản đã bị lôi kéo vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa tư bản. Các giai đoạn khác nhau của chế độ Xô viết xuất hiện từ sự kết hợp giữa cái mục đích cao cả và phương tiện tàn nhẫn nói trên.”

Mấy câu đã dẫn trên đây thể hiện rõ ràng tính chất nước đôi và dối trá của chủ nghĩa cộng sản. Vì cái mà họ gọi là nhân văn và nhân ái trên thực tế lại là siêu nhân văn và siêu nhân ái, đây chính là cái mà hệ tư tưởng cộng sản hứa mang đến cho nhân loại. Lòng nhân văn và nhân ái đó không kèm theo quyền và không có tương lai. Các giai cấp không thể chung sống hoà bình, tất cả rồi sẽ biến mất. Xã hội không thể thống nhất, tính tự chủ và tính năng động vốn có của nó đã không còn. Không phải là giai cấp vô sản tiến hành chiến tranh chống lại chủ nghĩa tư bản mà là một hệ tư tưởng đã hành động và tiến hành chiến tranh nhân danh giai cấp vô sản. Cuối cùng, chủ nghĩa tư bản cũng chỉ còn tồn tại trong sự tương phản với chủ nghĩa xã hội, mà chính chủ nghĩa xã hội cũng chỉ còn trong khuôn khổ của hệ tư tưởng, nghĩa là khái niệm chủ nghĩa tư bản cũng không thể dùng để mô tả cái hiện thực cần phải bị loại bỏ được nữa. Mục đích không còn cao quý nữa, nó chỉ khoác màu sắc cao quý mà thôi. Phương tiện, nghĩa là việc sát sinh, đã trở thành mục đích khả thi duy nhất.

Kết luận đoạn so sánh dài một cách đáng khâm phục giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Quốc xã, Raymond Aron viết: “Tôi kiên quyết khẳng định rằng có sự khác nhau đáng kể giữa hai hiện tượng này, dù chúng có giống nhau đến mức nào. Sự khác nhau đáng kể là hậu quả của những tư tưởng cổ động cho hai phong trào nói trên. Một phong trào thì kết thúc bằng trại lao động cải tạo, còn phong trào kia thì là buồng hơi ngạt. Một phong trào đặc trưng bởi ý chí xây dựng một xã hội mới và có thể cả con người mới bằng mọi phương tiện, còn đặc trưng của phong trào kia là một ý chí ma quái nhằm tiêu diệt một chủng-tộc-giả định”.

Tôi công nhận có sự khác nhau giữa chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa cộng sản trên cơ sở những luận cứ sẽ được trình bày dưới đây. Những điều đã dẫn không thuyết phục được tôi. Chủ nghĩa Quốc xã cũng thiết kế ra một xã hội mới, con người mới và cũng bằng mọi phương tiện. Không thể biết giữa việc tiêu diệt một chủng-tộc-giả-định, sau đó đến lượt các chủng-tộc-giả-định khác, kể cả chủng tộc “siêu đẳng” vì tất cả các chủng tộc đều hư hỏng và việc tiêu diệt một giai-cấp-giả-định trước, rồi sau đó đến lượt các giai cấp khác vì tất cả các giai cấp đều tiêm nhiễm tinh thần của chủ nghĩa tư bản, cái nào ma quái hơn.

Raymond Aron kết luận: “Nếu phải nói một cách cực kỳ ngắn gọn ý nghĩa của mỗi phong trào nói trên thì tôi sẽ đề nghị công thức như sau: đối với chế độ Xô viết, tôi xin nhắc lại một câu mà ai cũng biết: “Kẻ muốn tạo ra một thiên thần lại tạo ra được một quỷ dữ”; còn đối với chế độ của Hitler thì tôi xin nói: “Con người có lẽ đã lầm lẫn khi muốn mình hao hao như thú dữ vì anh ta đã rất thành công trong chuyện này.”

Cái nào hay hơn: Trở thành thú với dáng vẻ thiên thần hay là người với dáng vẻ thú, nếu có thể chứng minh được rằng cả hai đều là những con thú dữ? Trường hợp thứ nhất, mức độ dối trá cao hơn và sức mê hoặc cũng nhiều hơn, sự xuyên tạc tính thiện cũng triệt để hơn vì ở đây cái ác lại có vẻ thiện, khác hẳn với tội ác không hề che giấu của chế độ Quốc xã. Điều đó đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa cộng sản truyền bá rộng hơn và làm rung động nhiều người, những người sẽ tránh né ngay lập tức các dự án của bọn SS. Làm cho những người tốt trở thành xấu có lẽ là việc ghê tởm hơn là làm cho kẻ xấu trở thành xấu hơn. Lập luận của Raymond Aron làm cho ta hiểu được sự khác nhau của ý đồ. Ý đồ của chủ nghĩa Quốc xã mâu thuẫn với điều thiện được toàn thể nhân loại công nhận. Ý đồ của chủ nghĩa cộng sản lại bóp méo nó, vì trông nó có vẻ thiện và lôi kéo nhiều người thiếu chú ý tham gia vào dự án. Dự án đã không hoàn thành cho nên không thể xét đoán nó về mặt đạo đức, chỉ còn lại các phương tiện, các phương tiện này không có khả năng đưa tới mục đích, chúng đã trở thành mục đích trên thực tế. Kèm theo tội ác, sự dối trá làm cho tội lỗi càng có sức hấp dẫn và trở thành nguy hiểm hơn.

Trở thành hấp dẫn hơn vì chủ nghĩa Lenin đã ăn cắp di sản của một lý tưởng có nguồn gốc lâu đời nhất. Trong thời điểm cải đạo, nhiều người không có khả năng nhận thức được sự xuyên tạc lý tưởng. Đôi khi có người suốt đời là đảng viên cộng sản mà không biết có sự xuyên tạc như thế. Sự lầm lẫn giữa đạo đức cũ (được mọi người công nhận) với đạo đức mới chưa bao giờ được làm sáng tỏ tới cùng. Vì chưa được làm sáng tỏ tới cùng như thế nên trong các đảng cộng sản, vẫn còn một số “người đứng đắn”, sự thoái hoá đạo đức của họ được triển hạn và chính vì có họ mà sự tha thứ đã diễn ra một cách dễ dàng hơn. Một cựu đảng viên cộng sản thì dễ dàng được tha thứ hơn là một cựu đảng viên Quốc xã vì người ta ngờ rằng ngay từ khi ra nhập đảng Quốc xã, hắn ta đã đoạn tuyệt với đạo đức truyền thống.

Nguy hiểm hơn vì cách nhồi sọ của cộng sản nham hiểm hơn và thường xuyên hơn, vì nó biến việc ác thành việc thiện và buộc người ta phải làm điều ác. Tội ác của cộng sản nguy hiểm hơn còn vì rằng nạn nhân của nó không thể nào đoán trước được. Trên thực tế, bất kỳ người nào, vào bất cứ lúc nào, cũng có thể được gán cho những đặc điểm tưởng tượng của kẻ thù. Chế độ Quốc xã xác định rõ ngay từ trước các kẻ thù của nó. Nó gán cho kẻ thù của mình những tính chất quái gở, như khi họ nói đến những kẻ bất thành nhân thì ta biết ngay đấy là người Do Thái, khi họ nói đến người Slav đáng khinh thì ta biết ngay đó có thể là người Ba Lan hay người Ukraine bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Người nào không phải gốc Do Thái hay Ba Lan hoặc Ukraine thì được tạm hoãn. Khi chưa cướp được chính quyền thì tính chất toàn nhân loại là một ưu điểm lớn của chủ nghĩa cộng sản so với tính độc tôn của chủ nghĩa Quốc xã, nhưng tính chất này lại trở thành mối đe doạ mang tầm nhân loại khi chủ nghĩa cộng sản nắm được chính quyền. Chủ nghĩa tư bản, trong ngôn từ của những người cộng sản, chỉ là một tồn tại mang tính tư tưởng, bất cứ người nào hay hiện tượng gì cũng có thể được coi là tư sản và bị nó nguyền rủa: trung nông, bần cố, trí thức, vô sản và cuối cùng là chính đảng cũng có thể được coi là đi theo con đường tư bản. Tất cả đều có thể bị nhiễm tư tưởng tư sản. Không có ai thoát khỏi được sự ngờ vực.


*


Các lãnh tụ Quốc xã đã nhận thức được một phần hiện thực khi họ nói rằng sẽ có máu và nước mắt, họ đã nhìn thấy trước cuộc chiến đấu một mất một còn để khôi phục lại trật tự sắc tộc vốn có của nhân loại. Lenin thì ngược lại, ông ta cho rằng thời cơ đã chín muồi, chỉ cần lật đổ được “chủ nghĩa tư bản” là tương lai tươi sáng của thế giới sẽ thành hiện thực. Ngọn lửa cách mạng sẽ bao trùm khắp thế giới. Chỉ cần những kẻ tước đoạt bị tước đoạt là các hình thức của chủ nghĩa xã hội sẽ tự xuất hiện. Nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra buổi sáng sau ngày 7 tháng 11 năm 1917 cả, bức màn được kéo lên nhưng đằng sau nó hoá ra là một sân khấu trống không. Giai cấp vô sản, bần cố nông, trung nông và tinh thần quốc tế vô sản đâu hết cả rồi? Chỉ có Lenin và đảng của mình cùng với một nhóm cận vệ đỏ giữa một thế giới đầy thù nghịch hay ít nhất cũng là một thế giới bàng quan.

Nhưng chủ nghĩa Marx-Lenin lại là một khoa học. Nghĩa là, kinh nghiệm phải cung cấp bằng chứng cho lý thuyết. Chủ nghĩa tư bản đã bị lật đổ, điều quan trọng bây giờ là thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa xã hội. Vì hiện nó chưa thắng lợi nên phải xây dựng nó theo đúng lý thuyết và phải kiểm tra để kết quả luôn phù hợp với lý thuyết. Từng tầng, từng tầng một của cái thế giới giả tạo có nhiệm vụ thay thế cho thế giới hiện thực được xây dựng lên như thế đấy. Sự dối trá đã phủ bóng đen ngày một dày đặc hơn của nó lên toàn bộ xã hội, lời nói và việc làm ngày càng xa rời nhau. Phủ nhận sự hiện diện của cái ác được coi là thiện và cái “thiện” đó cứ thế điên cuồng sinh sôi nảy nở.

Sự xuống cấp về mặt đạo đức trong chế độ cộng sản chủ yếu phát triển theo con đường như thế. Cũng như trong chế độ Quốc xã, nó lan truyền theo những vòng tròn đồng tâm xung quanh một hạt nhân trung tâm.

Trung tâm là đảng, trong đảng là nhóm lãnh đạo của nó. Trong thời kỳ mới giành được quyền lực, nhóm lãnh đạo này hoàn toàn bị hệ tư tưởng chi phối. Đấy là lúc nó tiến hành “tiêu diệt kẻ thù giai cấp”. Do lương tâm đã bị đầu độc, nhân danh lý thuyết không tưởng, người ta tiến hành tiêu diệt hàng loạt nhóm người khác nhau. Nhìn về quá khứ, ta thấy dù ở Nga, ở Triều Tiên, Trung Quốc, Rumani, Ba Lan hay Campuchia thì vụ tắm máu đầu tiên này cũng là một trong những vụ giết người lớn nhất trong lịch sử của chế độ cộng sản, trong giai đoạn này khoảng 10% dân số đã bị giết hại.

Khi giấc mơ không tưởng không thể nào trở thành hiện thực được, còn mười người giết một cũng không đưa đến đâu thì sự không tưởng đã thoái hoá đơn thuần thành việc bám víu quyền lực. Vì kẻ thù khách quan đã bị tiêu diệt, cần phải theo dõi để làm sao cho nó không tái xuất hiện, kể cả khả năng xuất hiện trong hàng ngũ của đảng. Đấy là lúc bắt đầu cuộc khủng bố giai đoạn hai, một cuộc khủng bố có vẻ vô nghĩa, vì nó không tương xứng với sự chống đối và chỉ nhằm áp đặt sự kiểm soát hoàn toàn lên tất cả mọi người dân, mọi ý nghĩ, mọi tư tưởng. Sợ hãi trở thành tài sản chung, nó lan truyền vào cả trong đảng, mỗi đảng viên đều cảm thấy nguy hiểm. Người này tố giác người kia, người này phản bội người kia. Tất cả, không trừ một ai.

Sau đó đến giai đoạn ba: đảng đưa ra các biện pháp chống lại những vụ thanh trừng thường xuyên. Đảng chấp nhận sự phân phối quyền lực hủ bại và hài lòng với sự an toàn của chính mình. Đảng không còn tin vào hệ tư tưởng nữa nhưng vẫn tiếp tục nói bằng ngôn ngữ của nó và theo dõi để cái ngôn ngữ mà nó biết rõ là dối trá trở thành ngôn ngữ giao tiếp duy nhất: đấy chính là dấu hiệu rằng nó đang nắm quyền. Đảng tích cóp dần đặc quyền đặc lợi. Đảng trở thành một đẳng cấp riêng. Tham nhũng hiện diện khắp nơi. Dân chúng bây giờ không so sánh đảng viên với chó sói nữa mà so sánh với lũ lợn.

Tất cả dân chúng còn lại đều là ngoại vi. Tất cả và ngay lập tức được kêu gọi và huy động cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tất cả đều bị đe doạ, bị lừa dối, bị xúi giục tham gia làm những việc ác.

Trước hết, tất cả đều bị khoá chặt. Tất cả các chế độ cộng sản đều bế quan toả cảng, đấy là một trong những bước đầu tiên của chế độ. Cho đến năm 1939, Quốc xã vẫn cho người ta ra nước ngoài miễn là có người trả tiền: nước Đức chỉ càng “trong sạch” hơn mà thôi. Cộng sản không bao giờ cho đi như thế. Họ cần có một đường biên giới nội bất xuất ngoại bất nhập, bí mật của những vụ giết người hàng loạt và bí mật về sự thất bại của họ cần phải được bảo vệ, nhưng trước hết là vì cả nước phải trở thành một trường học, nơi tất cả sẽ nhận được một nền giáo dục đào tận gốc rễ tinh thần của chủ nghĩa tư bản và thay vào đó là tinh thần xã hội chủ nghĩa.

Bước thứ hai: kiểm soát thông tin. Dân chúng không được quyền biết những chuyện ở bên ngoài khối xã hội chủ nghĩa. Họ cũng không được quyền biết những điều xảy ra ở trong nước. Họ không được quyền biết về quá khứ. Họ không được quyền biết về hiện tại. Họ chỉ được quyền biết về tương lai tươi sáng mà thôi.

Bước thứ ba: thay hiện thực bằng giả-hiện-thực. Có cả một tầng lớp chuyên sản xuất ra báo-chí-giả, lịch-sử-giả, văn-chương-giả và nghệ-thuật-giả và tất cả đều có nhiệm vụ phản ánh cái hiện thực không hề tồn tại. Kinh-tế-học-giả thì tạo ra thống kê tưởng tượng. Đôi khi nhu cầu của các chuyên viên trang trí dẫn đến các biện pháp theo kiểu Quốc xã. Thí dụ, ở Liên Xô, người tàn tật do chiến tranh hay tai nạn lao động bị cách li khỏi xã hội và được đưa đến những khu vực xa xôi để họ không làm hỏng bức tranh chung. Ở Bắc Triều Tiên, như người ta nói, những người lùn bị đưa đi thật xa và bị cấm sinh con, “chủng tộc” này sẽ phải biến mất vĩnh viễn. Có hàng triệu người tham gia vào công việc trang trí như thế. Để làm gì? Để chứng tỏ rằng xã hội chủ nghĩa không chỉ là khả thi mà đang được xây dựng, đang được củng cố, hơn nữa, có thể xây dựng được: đã có một xã hội tự do và tự quản mới, nơi những “con người mới” suy nghĩ và hành động theo qui tắc của hiện-thực-bịa-tạc. Công cụ hữu hiệu nhất của chính quyền là chế tác ra ngôn ngữ mới, trong đó, từ ngữ có ý nghĩa khác hẳn với ý nghĩa đã được mọi người công nhận. Vốn từ vựng và cách thể hiện đặt nó ngang tầm với ngôn ngữ cúng tế: ngôn ngữ thế hiển tính siêu nghiệm của chủ nghĩa xã hội. Nó chứng tỏ sức mạnh vô địch của đảng. Việc sử dụng rộng rãi thú ngôn ngữ này là chỉ dấu cho thấy sự nô dịch đã thành công.

Trong thời kỳ đầu, phần đông dân chúng tự nguyện học nói dối. Người ta gia nhập đạo đức mới cùng với di sản đạo đức cũ. Họ yêu lãnh tụ, những người hứa hẹn mang lại hạnh phúc cho họ, họ tin rằng mình hạnh phúc. Họ nghĩ rằng đang sống trong một xã hội công bằng. Họ căm thù kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, họ tố cáo chúng, đồng tình với việc cướp đoạt, xoá bỏ chúng. Họ tham gia hoặc ủng hộ vào việc tiêu diệt kẻ thù. Họ cùng tham gia thực hiện tội ác mà không biết. Trong khi đó, họ bị làm cho mụ mẫm đi bằng thông tin giả và logic giả. Họ đánh mất khả năng tự tri và đạo đức. Không còn khả năng phân biệt giữa chủ nghĩa cộng sản và lý tưởng đức hạnh được mọi người thừa nhận cho nên khi gặp phải những điều bất công, họ liền cho rằng đấy là do kẻ thù bên ngoài. Cho đến tận ngày tàn của chế độ cộng sản ở Liên Xô, mỗi khi gặp phải sự đối xử bất công của cảnh sát hay cán bộ đảng, người dân lại gọi họ là “phát xít”. Họ không nghĩ rằng phải gọi những kẻ đó theo đúng tên: tên của chúng là cộng sản.

Sau đó, cuộc sống trong khối xã hội chủ nghĩa không trở nên “tốt hơn”, “vui hơn”, như Stalin nói vào lúc cao trào của cuộc “đại thanh trừng”, mà trở nên buồn tẻ hơn và u ám hơn. Trước đó, sự suy thoái về đạo đức diễn ra một cách vô thức nhưng bây giờ, người ta đã dần nhận thức được bản chất vấn đề. Trước đó, nhân dân làm điều ác nhưng lại nghĩ rằng đang làm việc thiện; nay thì họ biết họ đang làm gì. Người ta tiếp tục tố giác, tiếp tục ăn cắp, tiếp tục luồn cúi nhưng họ đã biết xấu hổ. Khác với chế độ Quốc xã, cộng sản không che giấu tội lỗi, nó tuyên bố công khai việc mình làm và kêu gọi dân chúng tham gia. Mỗi một vụ kết án đều có các cuộc mít tinh ủng hộ. Tội nhân bị đồng chí, bạn bè, vợ con công khai nguyền rủa. Tất cả đều phục tùng nghi lễ vì sợ và vì tư lợi. Những anh hùng lao động thời kỳ đầu chỉ là yếu tố trang trí, thực ra lại là những kẻ lười biếng, quỵ lụy, một người Xô Viết ngu độn. Phụ nữ bắt đầu căm thù đàn ông, trẻ con căm thù cha mẹ vì chúng cảm thấy rằng chúng cũng sẽ trở thành những người như thế.

Giai đoạn cuối cùng đã được các nhà văn thời kỳ cáo chung của chế độ cộng sản như Dinoviev, Erofeev miêu tả rất rõ. Tuyệt vọng và coi thường chính mình là tình cảm phổ biến nhất. Người ta chỉ còn mỗi một cách là sử dụng các tiện nghi mà chế độ cho phép, đấy là sự vô trách nhiệm, ăn bám và sống lay lắt qua ngày. Người ta không còn phải ứng xử theo kiểu nước đôi nữa, họ cố gắng để không còn nghĩ đến bất cứ điều gì. Con người trở nên khép kín. Đa sầu đa cảm, self-pity là cách để kêu gọi người khác chứng kiến sự xuống cấp đạo đức của chính mình, họ hành động giống hệt những kẻ nghiện rượu. Cuộc chiến đấu tất cả chống lại tất cả vẫn diễn ra nhưng xung năng thì đã giảm đi nhiều. Zinoviev cho rằng con người xô viết (homo sovieticus) là sản phẩm của một sự đột biến không thể phục hồi. Có thể là ông đã lầm.

Không ai có thể tránh khỏi nền giáo dục dối trá. Các khuôn khổ của xã hội cũ cùng với tư hữu đã bị bãi bỏ và được thay bằng đủ các thứ trường học và cơ quan theo dõi: nông dân thì bị nông trang, công xã nhân dân (Trung Quốc), công nhân thì bị “công đoàn”, nhà văn và nghệ sĩ thì bị các “hội văn học nghệ thuật” theo dõi. Có thể mô tả lịch sử chế độ cộng sản ở các nước khác nhau như là một cuộc rượt đuổi không mệt mỏi nhằm thiết lập một sự kiểm soát toàn diện, còn từ phía các thần dân thì đấy là những cuộc tìm kiếm tuyệt vọng một chỗ ẩn náu, dù đấy chỉ là một góc nhỏ cho chính mình. Góc nhỏ thì bao giờ cũng có. Chính vì thế mà một số gia đình trí thức cũ ở Nga đã có thể gìn giữ được truyền thống của mình. Andrey Sakharov sinh ra trong một gia đình như thế. Trong các trường đại học tổng hợp, các khoa ngôn ngữ học cổ điển gần như vẫn được giữ nguyên như cũ. Trong các thánh đường bị nô dịch vẫn có bầu không khí trong lành để thở. Trong thời kỳ cuối của chế độ cộng sản, ta có thể thấy ở Moskva những nhóm người trẻ tuổi, những người, sau khi tiếp thu được tri thức và đạo đức, đã không đi làm, không giành một chức vụ nào, họ sống tự do, cố gắng hạn chế tiếp xúc với môi trường Xô viết. Họ đã giữ như vậy cho đến ngày chế độ cáo chung.

Trong đế chế Liên Xô, công tác cải tạo cộng sản dừng lại trước ngưỡng cửa nhà tù. Nếu những người Quốc xã xem việc cải đạo là không thể xảy ra thì những người cộng sản, đơn giản, lại từ chối không cho các tù nhân cải sang đạo của mình. Họ từ chối một cách kiên quyết đến nỗi dù đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện kinh hoàng, Solzhenitsyn vẫn khẳng định rằng nhà tù là nơi có tự do tư tưởng và trong sạch về lương tâm. Ngược lại, chế độ cộng sản Á châu lại biến nhà tù thành trường học. Chính quyền ghi nhận thành tích học tập của từng trại viên. Chỉ có những người chết hoặc đã được cải hoá mới được ra khỏi nhà tù mà thôi.


Đánh giá

Với quan điểm lịch sử như vậy, có thể so sánh sự tàn phá về mặt đạo đức mà chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa cộng sản đã gây ra trong thế kỷ vừa qua.

Tôi quan niệm sự tàn phá về mặt đạo đức không phải là sự phóng đãng mà từ xa xưa, những người già đã từng phàn nàn khi quan sát đức hạnh của giới trẻ. Tôi cũng không muốn so sánh thế kỷ này với những thế kỷ trước. Không có một cơ sở triết học nào để nói rằng người ngày xưa thì tốt hơn hay xấu hơn hiện nay. Nhưng rõ ràng là chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa cộng sản đã quyết định làm ngược và làm thay đổi cả các nguyên tắc đạo đức, thay đổi nhận thức về thiện - ác. Vì lý do đó mà họ đã làm nhiều việc mà kinh nghiệm của loài người chưa từng biết đến.

Mặc dù chủ nghĩa Quốc xã đã thực hiện những tội ác mà chủ nghĩa cộng sản có thể không so sánh được nhưng phải nói rằng sự tàn phá về mặt đạo đức của chủ nghĩa cộng sản thì sâu hơn và rộng hơn nhiều. Có hai lý do:

Thứ nhất, toàn dân phải học các nguyên tắc đạo đức mới. Các chứng cớ đã nói với ta rằng đây là sự cải đạo bắt buộc, đấy là sự áp bức nặng nề nhất, khó chịu nhất, so với nó thì tất cả những thứ khác: sự thiếu vắng tự do chính trị và dân sự, việc theo dõi của cảnh sát, sự đàn áp về thể xác và kể cả nỗi sợ hãi, đều không là gì so với nền giáo dục bắt buộc đó. Nó có thể làm người ta phát điên vì nó trái ngược hẳn với các sự kiện rõ ràng, trái ngược hẳn các sự kiện có thể cảm thấy được. Và cuối cùng, tất cả các “biện pháp” và “cơ quan” đều bị nó khống chế. Chủ nghĩa cộng sản có thời gian tồn tại lâu hơn chủ nghĩa Quốc xã cho nên nền giáo dục này đã hoàn thành nhiệm vụ mà nó đặt ra. Sau khi sụp đổ, nó đã để lại một xã hội đầy thương tích, để lại những tâm hồn bị đầu độc khó thanh tẩy hơn là ở nước Đức mà sau một giai đoạn vong thân tạm thời, đất nước này đã thoát ra khỏi cơn ác mộng, sẵn sàng lao động, sẵn sàng sám hối.

Thứ hai, vì có sự lẫn lộn thâm căn cố đế giữa đạo đức vẫn được mọi người thừa nhận và đạo đức cộng sản: cái sau ẩn náu sau cái trước, sống ký sinh vào cái trước, giết chết cái trước, như bệnh hoại thư, dùng cái trước làm phương tiện truyền bệnh của mình. Đây là một thí dụ: Trong một cuộc tranh luận sau khi xuất bản Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản, tác giả của những bài xã luận trên tờ Humanité đã tuyên bố trên truyền hình rằng 85 triệu người bị giết hại không hề làm lu mờ lý tưởng cộng sản; đấy chỉ là kết quả của những sự lệch lạc rất đáng tiếc mà thôi. Sau Oswiecim, ông ta tuyên bố, không thể là đảng viên Quốc xã được nữa, nhưng sau những trại tù của Liên Xô thì người ta vẫn có thể là đảng viên cộng sản được. Con người này, lúc đó vẫn còn tỉnh táo, không biết rằng ông ta đã tự ký cho mình bản án tử hình khi nói như thế. Ông ta không nhận ra rằng lý tưởng cộng sản đã đánh mất hoàn toàn nguyên tắc thực tiễn và cơ sở đạo đức đến nỗi trong thực tế, nó vẫn còn sống được sau khi đã để lại trên đường đi của nó 85 triệu xác chết, trong khi lý tưởng Quốc xã đã sụp đổ dưới sức nặng của chính những xác chết do nó tạo ra. Ông ta đã nói những lời lẽ khủng khiếp như thế trong khi nghĩ rằng mình là một người trung thực, một người trung thành với lý tưởng, một người không khoan nhượng. Chủ nghĩa cộng sản tha hoá hơn chủ nghĩa Quốc xã vì nó không bảo người ta chấp nhận một cách có ý thức tư cách của kẻ làm điều ác nhưng nó lại lợi dụng tinh thần công bằng và bác ái thịnh hành trên khắp hành tinh để truyền bá cái ác. Tất cả các thí nghiệm của cộng sản đều bắt đầu bằng sự trong trắng, hồn nhiên.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Scylla và Charibdys là hai quái vật trong thần thoại Hy Lạp, sống trên hai bờ vịnh hẹp, chuyên giết hại những người đi qua eo biển này.
[2]Eichmann (1906-62), một tội phạm chiến tranh, hoạt động trong lực lượng SS từ năm 1933, năm 1937 cầm đầu Phòng xử lý vấn đề Do Thái, sau Chiến tranh thế giới thứ II chạy sang Argentina. Bị tình báo Israel bắt và bị tử hình năm 1962.

Nguồn: Dịch từ bản tiếng Nga, МИК – Русская мысль; Москва-Париж, 2000