© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
8.1.2007
Nhất Linh
Giòng sông Thanh Thuỷ
(ChÆ°Æ¡ng 26, 27, 28, 29)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Phần thứ ba
Vọng quốc

Chương hai mươi sáu

Thời cuộc biến chuyển rất mau chóng. Tháng ba năm 1945, Nhật đảo chính ở Việt Nam. Ninh sắp phải về nước ngay để đưa một đoàn đại biểu của Việt Quốc lên Trùng Khánh.

Một hôm Tường đi vắng, Ngọc nói với Thanh:

“Tôi phải về biên giới, có khi về trong nước.

Mắt Thanh sáng lên:

“Thích nhỉ. Anh đã hẹn tôi lần này tôi được về nước với anh. Nếu có thể được, tôi sẽ đưa anh về làng tôi chơi ít bữa. Rồi anh cũng đưa tôi về thăm làng Bằng, thăm người chị anh và cả anh chàng láng giềng tốt số. Thế nào anh chẳng cần gặp người anh cô Thuý, anh sẽ đưa tôi đi thăm mộ Thuý xem bây giờ cỏ mọc cao đến đâu rồi.’’

Thấy Ngọc có vẻ cảm động, Thanh quay mặt đi, nói giọng nửa đùa nửa thật:

“Tôi sẽ tìm cách để đưa anh gặp thẳng thằng chồng tôi và nhất là thằng tình nhân tôi để anh cho chúng nó mỗi người một phát... À, nhưng anh cho tôi mượn súng vì tôi đã được anh dậy bắn, tôi sẽ bảo là bây giờ tôi sang Vân Nam buôn bán giầu lắm. Chắc họ lại muốn bám lấy tôi để bòn của. Tôi sẽ vờ làm lành rồi cho mỗi cu cậu một phát.’’

“Sao chị ác thế?’’

“Anh không biết tôi ác à. Còn anh? Nếu tôi giết những người ấy, tôi còn có lý, vì họ đã lừa tôi, lấy hết cả tiền của tôi, tôi phải mò sang Vân Nam gặp được anh, một người ác hơn tôi nhiều, tự nhiên giết – mà đã giết rồi – những người mình chưa từng quen biết bao giờ.’’

Ngọc đáp:

“Tôi bất đắc dĩ phải bắn họ vì việc khác nếu không bắn họ, họ cũng sẽ thịt tôi.’’

“Họ cũng nghĩ như anh. Nhưng thôi chuyện đó đã có tự ngàn xưa. Bây giờ nói chuyện ngày nay. Bao giờ anh đi để tôi sửa soạn.’’

Ngọc lưỡng lự một lát:

“Lần này tôi về do đường Hà Khẩu; chắc cô đã biết, các cầu phá hết rồi đường khó đi lắm, nhiều chỗ phải đi qua những cái thác, bò trên những cây gỗ mục, trơn rêu, sẩy tay một chút là chết ngay. Muốn tránh, phải đi đường cao, không phòng bị sẽ chết khát; may ra kiếm được một chỗ nào có phân trâu còn đọng ít nước cũng phải cố mà uống.’’

“Anh uống được, tôi cũng uống được mà nước ấy còn lành hơn là nước cà-phê cốt của anh; bò cây thì tôi bò giỏi có tiếng. Tôi có thể đi qua không cần bò, không sợ chóng mặt. Anh còn nhớ hôm tôi nhẩy lên lan can chùa Tây Sơn; tôi bỏ tay ngả người ra ngoài coi như không, chỉ có anh là nhát mới thấy tôi thế, mặt anh đã tái xanh lại...’’

Ngọc ngắt lời:

“Đường nhiều thổ phỉ lắm.’’

Thanh cười mũi:

“Thổ phỉ nào lợi hại bằng thằng chồng cũ của tôi, tình nhân của tôi. Thổ phỉ nào bằng được anh. Tôi có mỗi bông hoa trà quý nhất đời ở Tả Quán Lầu anh cướp giựt ngay giữa nơi đô hội. Còn một thứ thổ phỉ nữa lợi hại hơn nhiều.’’

Thanh ngừng lại ngẫm nghĩ. Nàng định nói: “đó là Ngọc đã cướp được tim nàng...’’ nhưng lại nói trạnh đi:

“Ai thổ phỉ quả tim cô Phương nhậy bằng anh.’’

Nàng thấy nét mặt Ngọc trở nên nghiêm trang – nghiêm trang hay là cáu như hôm đi chơi ở hồ Tây Sơn.

Ngọc nói:

“Anh Ninh chỉ bảo mình tôi đi hộ tống thôi. Không có lệnh để chị cùng đi.’’

“Lệnh của các anh với nhau thôi, còn tôi, tôi chưa cho đầu vào guồng máy. Tôi chẳng phải theo lệnh ai cả. Anh Ninh mới liệt tôi vào ngoại vi tổ chức, tôi là cán bộ của ‘Nấu bếp phụ nữ đoàn’. Tôi đi để nấu cơm cho hai anh.’’

“Thôi chị ở đây làm cơm nước cho anh Tường; nhân tiện chị biết tiếng Anh chị giúp anh Tường về ngoại giao. Chị lại biết cả tiếng Pháp thông thạo, có khi phải liên lạc cả với tụi Pháp ở đây.’’

“Thế nghĩa là anh không giữ lời hứa, anh không muốn tôi về biên giới hay về nước.’’

Ngọc nói:

“Chỉ có mình anh Ninh về nước. Tôi đến Hà Khẩu rồi lại quay lên đây ngay, đợi khi công tác trạm Hà Khẩu điện lên báo tin đoàn đại biểu ra, tôi lại sẽ đi Hà Khẩu với mấy anh nữa để đưa đoàn đại biểu đi Côn Minh.’’

Thanh đứng dậy:

“Thế là hai lần về biên giới anh đều bỏ rơi tôi cả. Nào bây giờ đi làm tròn phận sự cán bộ đầu bếp vậy.’’

“Để tôi giúp chị một tay.’’

Ngọc ra giếng lấy nước. Nước giếng trong đổ vào chậu thau men sứ trắng trông lại càng trong hơn. Nắng chiếu xuống thành từng vòng tròn sáng mỗi lần nước bắt đầu yên chỉ còn hơi sóng sánh. Khu vườn nhỏ xinh xinh, lá cây hơi rung động. Ngọc ngắm trời rồi lại ngắm bóng mình trên nền gạch quanh giếng; chàng ngồi xuống vén hai tay áo như Thanh hôm nào rồi cho cả cánh tay để hưởng cái lạnh của nước và rùng mình một cái. Cũng như hôm Thanh giặt áo, chàng chỉ là một thanh niên đơn sơ và cuộc đời cũng đơn sơ, mọi sự chém giết lẫn nhau trong cuộc chiến tranh khốc liệt ở Đông Nam Á như không có nữa và đôi bàn tay bao phen rây máu của chàng cũng trong sạch như làn nước trong.

Bỗng có tiếng kêu “giời ơi’’ từ trong bếp đưa ra. Ngọc giật mình nhìn vào thấy Thanh đương đứng ở cửa, tay bưng một rá gạo. Chàng mỉm cười:

“Nước giếng trong, mát lạnh.’’

“Eo ơi! Thau nước vo gạo mà anh cho cả hai tay bẩn gớm khiếp của anh vào! Anh đổ ngay đi rồi múc nước rửa thật sạch cho tôi.’’

Thanh chạy ra nhìn Ngọc múc nước và rửa thau:

“Cũng còn may là anh chưa kỳ ghét. Thôi không khiến anh nữa. Anh lên gác ngay, tôi bắt phạt anh phải làm một bài thơ: ‘Kỳ ghét trong nước vo gạo’. Lấy vần là ‘ôi.’ [1] Anh có làm xong bài thơ hôm nay mới được ăn cơm.’’

Ngọc nói:

“Cần gì phải lên gác, để tôi xuất khẩu thành chương cho chị xem. Chị cứ nhặt chấu sạn xong thì tôi cũng làm xong bài thơ, nếu không xin nhịn đói.’’

Thanh cố nhặt sạn chấu thật kỹ để kéo dài thời gian. Thỉnh thoảng nàng ngừng tay nhìn Ngọc, thấy Ngọc lẩm nhẩm, hai môi động đậy, nàng mỉm cười rồi lại cúi xuống nhặt trấu:

“Hôm nay gạo sao lắm trấu thế. Này anh xem, hạt cuội trắng thế này, nếu tôi không tinh mắt thì thế nào cũng có anh vỡ răng. Thế nào xong chưa, sao lâu thế?’’

Ngọc nhìn xuống thành giếng nói:

“Xong rồi, nhưng thơ không hay lắm.’’

Rồi chàng cất tiếng khẽ ngâm:

"Bàn tay rấy máu mấy năm trời
Guồng máy vô tri cuốn mãi người
Nhúng chậu nước trong vo gạo trắng
Tay chàng “châu chấu’’ sạch tanh hôi."

Thanh mỉm cười nói:

“Thơ anh hỏng rồi. Châu chấu có tay à!’’

Tường lúc đó vừa về. Chàng bảo Thanh:

“Chị đi ngay đằng này với tôi.’’

“Thưa anh, em giở bận cơm nước.’’

“Không cần, chị với tôi hôm nay đi ăn tiệc với một số sĩ quan Mỹ. Chị nên mặc áo ta. Chị sắm sửa thì vừa.’’

Thanh liếc nhìn Ngọc rồi nói với Tường:

“Vâng em xin đi ngay với anh. Độ mười lăm phút thì xong. Thế bây giờ em là cán bộ ‘ngoại giao phụ nữ đoàn’; cấp bực ngày một tăng.’’

Nàng cất tiếng gọi Ngọc:

“Này anh hoả đầu phu. Anh vào bếp mà thổi cơm ăn. Chúng tôi đi ăn tiệc.’’

Ngọc nhìn Thanh lẩm bẩm:

“Thế là mất công toi nghĩ bài thơ.’’

Một lát Thanh xuống, trang điểm thật lộng lẫy. Nàng mặc chiếc áo Việt màu lam sẫm, cổ đeo vòng ngọc trai (Ngọc cho là giả), môi tô son nhạt, mặt chỉ hơi thoa phấn còn đôi gò má hồng sẵn nên không cần đánh phấn hồng. Thấy Ngọc ngây người đứng nhìn, Thanh đọc luôn, giọng đùa nghịch thân yêu:

"Nước trong đã sạch mùi tanh máu
Tay lại từ đây lấm lọ nồi.
Nhắc kẻ thoát ly guồng máy cũ:
Cái guồng bếp nước mới lôi thôi!"

Thanh cười tiếp theo:

“Mà lại ‘very lôi thôi’ nữa. Tôi đi dự tiệc đây.’’

Sáng hôm sau lúc Thanh dậy, Ngọc đã đi từ lúc nào nàng không biết.

Như mọi buổi sáng, Thanh xuống vườn nhìn lên cửa sổ bây giờ trống không. Nàng buồn nhớ Ngọc xin phép Tường đi chơi quanh quẩn nhà mấy người bạn quen rồi nhớ đến phận sự nàng lại Quân báo cáo:

“Sáng hôm nay Ninh và Ngọc đã rời Côn Minh. Tường thì liên lạc với một số sĩ quan Mỹ, hôm qua chính em đã đi dự tiệc.’’

Rồi Quân bảo Thanh viết tên những sĩ quan Mỹ đã liên lạc với Tường, trong đó có tên Đại uý Patty nói tiếng Pháp rất thạo và phụ trách về việc Việt Nam.

Quân cũng đã thừa biết việc đó, nhưng chàng làm như đấy là tin mới lạ, khen Thanh và dặn Thanh nên cố tìm cách lấy lòng tin hoàn toàn của Tường.

Hơn nửa tháng sau, một buổi chiều sâm sẩm tối Thanh nghe có tiếng gõ cổng. Linh tính tự nhiên báo nàng biết là Ngọc về, quả tim nàng như thắt hẳn lại và nàng lặng người đi một lúc.

“Cô Trà Hoa Nữ ra mở cổng giùm.’’

Thanh bỏ rớt cái bát đương rửa xuống, chạy vội ra mở cổng:

“Anh xơi gì chưa?’’

Ngọc cùng Thanh lên gác. Chàng hỏi:

“Anh Tường đâu?’’

“Anh đi vắng đến khuya mới về.’’

Ngọc bỏ cặp da xuống giường rồi nhìn Thanh yên lặng một lúc:

“Trông cô vẫn mạnh khoẻ như thường.’’

Thanh ngồi xuống chiếc ghế cạnh phản:

“Cảm ơn anh. Trông anh đen quá. Chắc anh đi công tác sang nước Tây Trúc về.’’

Ngọc cười rồi nói:

“Tôi biết ngay mà, gặp lại chị sau hơn nửa tháng, tôi đã đoán sẵn câu đầu tiên chị hỏi là anh ăn gì chưa? Y như là. Mà quả thật đúng, tôi đói lắm, nhà có cái gì ăn không?’’

“Nhà ăn cơm rồi. Để lát nữa rửa xong bát đĩa tôi mời anh đi ăn mì, hay ‘cô sèo mi siển’ hay cẩu dâu [2] . Hay ta lên chùa Cá ban đêm. Chùa Cá ban đêm bán ốc sống mà cũng chẳng có ma nào đến, chỉ có cảnh đẹp và mấy câu thơ Thôi Hộ:

Mặt Ngọc mai về công tác trạm
Hoa đào khép cánh oán đông phong.

Bây giờ thì chàng Ngọc đã về còn hoa đào thì đã thành quả rồi. Vậy phải đổi ra:

Lần sau chàng Ngọc về biên giới
Xin nhớ đem theo một trái đào.’’

Thanh nói nhà ăn cơm rồi nhưng nàng cũng cầm cây đèn dầu lạc xuống bếp lấy gạo ra giếng vo. Ngọc thấy có ánh sáng mờ mờ ở dưới vườn sau chiếu lên, vội ra cửa sổ đứng nhìn xuống. Thanh cũng ngửng lên nhưng vì trời sáng trăng mờ nên hai người không trông rõ mặt nhau. Tuy đã tháng Tư nhưng ở Côn Minh đêm quanh năm lạnh, Ngọc bảo Thanh:

“Tôi ở biên giới về tới Côn Minh thấy không khí nhẹ hẳn, đêm lại lành lạnh. Chẳng trách người ở Côn Minh vẫn thường nói: quanh năm là mùa đông, trưa nắng là mùa hè.’’

Nửa giờ sau, Thanh đem lên một mâm cơm nóng bốc hơi. Thanh đứng sới cơm cho Ngọc rồi đánh cháy. Nàng cũng ngồi ghé một bên phản chọn một miếng cháy vàng ròn cho lên môi nếm thử:

“Anh ăn thêm cháy, thơm giòn lắm.’’

Thanh vui miệng ăn mãi, bao nhiêu chỗ cháy ngon nàng ăn hết lúc nào không biết. Nàng giơ hai bàn tay rất sạch sẽ của nàng cho Ngọc xem:

“Mỗi lần anh thổi cơm, tôi thấy anh như bị một cái tội nợ. Câu thơ gì nhỉ? Câu: “Tay lại từ đây lấm lọ nồi; cái guồng bếp nước mới lôi thôi’’ chỉ áp dụng vào anh. Tôi ấy à, nếu tôi giết người, tôi sẽ giết anh trước nhất – điều mà tôi đã nói với anh nhiều lần – thì bàn tay tôi vẫn trắng trẻo sạch sẽ, không dây một vết máu.

Ngọc cũng nói giọng đùa đáp lại, như vậy chàng có thể nói những lời thân yêu mà không ngượng:

“Tay chị ấy à? Giết ai? Chỉ vuốt ve cũng đủ cho người khác mê hồn, chết lịm đi, chết êm ái và như lời chị đã nói linh hồn sẽ lâng lâng tan dần như hạt muối tan trong lòng nước trong. Đêm nay anh Tường đi vắng, tôi lại mới lên, chị có ra tay thật thuận tiện. Tôi sẽ được gặp lại Thuý và biết đâu không gặp cả Phương...’’

Thanh mỉm cười đáp lại:

“Linh hồn tôi cũng tan theo, xem anh làm trò trống gì với hai cô ả. Anh đừng tưởng chết là thoát được tay tôi. Vì vậy tôi giết anh cũng vô ích để anh sống cho anh khổ, còn lý thú cho tôi hơn nhiều.’’

Vừa lúc đó Tường về. Thanh xuống mở cổng nói:

“Anh Ngọc vừa lên.’’

“Thế nào công việc ra sao?’’

“Thưa anh, tốt đẹp cả. Anh Ninh đã qua sông Cốc Lếu. Anh lên hỏi anh Ngọc sẽ rõ hơn.’’

Lần này thì Ngọc không phải về biên giới nữa. Ít lâu sau đoàn đại biểu do Ninh đưa ra đến hội họp ở nhà Tường.

Thanh và Ngọc bận bịu tíu tít nhất là Thanh phải mua thêm bát đĩa và thổi nấu cho các nhân viên trong phái đoàn. Nàng phái Ngọc đi mượn một cái chảo thật to để thổi cơm cho hơn mười người ăn, tuy vậy cơm bữa nào cũng thơm dẻo. Nàng tránh lên gác khi các phái viên họp bàn. Ngọc vì địa vị không được dự, thỉnh thoảng phụ trách đưa mấy nhân viên đi gặp các đồng chí khác hoặc đi chơi đây đó. Thanh và Ngọc ăn cơm riêng ở dưới nhà. Thanh nấu cơm bằng chảo nên cháy ròn và mỏng. Nàng và Ngọc chuyên môn ăn cháy. Có khi cơm vừa bưng lên Thanh lấy thìa cạo cháy rồi đưa dần Ngọc ăn cho nóng. Có đoàn đại biểu nên cơm nhiều món ăn hơn mọi lần. Thanh hay làm ruốc rang cho Ngọc ăn với cháy vì Ngọc thích món đó.

Rửa bát đĩa vì nhiều quá nên Ngọc phải phụ giúp Thanh nghĩa là mỗi lần Thanh rửa xong, chàng đón lấy, cầm cái khăn lau qua, có khi chẳng lau gì cả cứ việc úp vào rổ để phơi. Cũng có khi chàng dúng tay vào chậu rửa bát; tuy nước nhờn nhưng được cái thú thỉnh thoảng chạm vào bàn tay Thanh. Thích nhất là khi bốn bàn tay cùng nhúng sâu xuống đáy chậu để mò những chiếc đũa còn sót lại, nhiều lúc sờ thấy rồi, Ngọc cũng lờ đi để bốn bàn tay đùa nghịch với nhau và hai người thi nhau xem ai tìm ra trước. Thỉnh thoảng Ngọc lại kéo trong túi ra một miếng cháy, để mặc Thanh lau bát.

Chàng ngồi xuống thành giếng gậm cháy, vơ vẩn ngắm nhìn nắng rung trong lá cây hoặc mấy con chim sâu bay ngang qua. Những lúc đó, chàng bảo Thanh ngừng rửa bát rồi hai người cùng ngắm những con chim nhỏ xinh xinh bay từ cành nọ sang cành kia, mổ sâu vội vàng nhưng vẫn nghiêng đầu nghe ngóng các tiếng động. Sáng nào, Thanh và Ngọc cũng thấy có một đôi chim đen, bụng trắng, đến đúng giờ lắm. Lâu dần hai con chim trở nên bạo dạn và bay là xuống đất chỗ Thanh rửa bát. Nàng cố ý quẳng sẵn một ít cơm ướt để chúng lại nhặt. Sau quen dần, Thanh cầm cả nắm cơm vứt, hai con chim chỉ hơi giật mình rồi chụm lại tranh nhau ăn ngay gần chỗ Thanh ngồi. Còn đàn chim sâu thì bao giờ cũng chỉ thoăn thoắt chuyền cành tìm mồi; tuy không có tiếng động, chúng cũng vụt bay đi kiếm mồi nơi vườn khác.

Rồi một hôm cả đoàn đại biểu cũng bay đi đâu mất như bầy chim sâu. Ngọc biết là họ bay đi Trùng Khánh. Tường và Ninh cũng bay đi với đoàn đại biểu nên giao phó căn nhà bí mật cho Ngọc và Thanh trông coi. Thế là hai người lại ở chung một nhà, một căn nhà rất kín đáo mà chưa biết ở đến ngày nào.

Đêm hôm đầu hai người thức suốt sáng nói chuyện. Thanh đã pha sẵn nước cốt cà-phê và đi mua một cái phích nước vì nàng sợ mỗi lúc phải tung chăn dậy xuống tận bếp đun nuớc. Nàng nằm trong chăn ấm bảo Ngọc:

“Báo anh biết trước là đêm nay anh đừng có lôi thôi. Ngoài chất cyanure de potassium mà anh đã biết vì có mùi hạnh nhân...’’

Nàng trùm đầu để dấu nụ cười:

“Thảo nào mỗi khi uống tôi thấy anh cứ hít hít...’’

Ngọc cười:

“Bây giờ chị dậy mà xem tôi nốc ngay cạn cốc này một hơi. Mọi lần tôi ngửi là ngửi mùi thơm của cà-phê.’’

“Nhưng anh đừng tưởng là thuốc độc chỉ có cyanure de potassium thôi. Còn chán vạn thứ khác nguy hiểm hơn nữa mà không có mùi gì cả. Anh Ngọc này, vườn sau nhà rất tiện nhưng tôi cũng không vội, để hôm nào anh sắp về Mông Tự thăm cô Phương mà ai cũng tưởng anh đi rồi, tôi sẽ chích cho anh một mũi tiêm, tôi đã mua sẵn ống tiêm và mua sẵn cả xẻng cuốc. Anh có để ý chỗ đất cát ngay dưới gốc cây không? Tôi sẽ chôn anh ở dưới gốc cây chỗ luống cải rồi ngày nào tôi cũng tưới nước mà cũng chẳng cần tưới nữa cải tha hồ tốt, nấu canh tha hồ ngọt. Anh Tường về chắc thế nào cũng khen tôi chịu khó chăm bón...’’

Bỗng Thanh tung chăn xuống giường rồi cứ đứng nhìn khắp nhà như tìm vật gì. Nàng rút ở trong người ra một gói dẹt rồi bảo Ngọc:

“Anh nhắm mắt lại.’’

Ngọc không hiểu gì nhưng cũng nghe theo.

“Bây giờ anh mở mắt ra.’’

Ngọc cầm cốc cà-phê nước cốt, ngửi một lúc lâu rồi nói:

“Chỉ có mùi cà-phê chẳng có mùi gì. Thôi, chỗ này chị uống giùm, tôi uống nhiều quá rồi. Quả tim đập mạnh quá.’’

“Quả tim anh đập mạnh à? Triệu chứng đấy.’’

Thanh cầm cốc cà-phê uống một ngụm nói:

“Tôi chẳng thấy mùi gì. A nhưng hơi có mùi tanh tanh. Anh thử ngửi kỹ xem.’’

Ngọc cũng ngửi cốc cà-phê:

“Ư ừ, hơi có mùi tanh.’’

Thanh cất tiếng ngâm:

“Duyên thơm để nhiễm mùi tiền hôi tanh
Còn đâu là Ngọc là Thanh
Còn đâu là nghĩa là tình ai ơi!"

“Tôi đố anh hiểu được tại sao tôi lại ngâm câu thơ đó.’’

Ngọc nghĩ mãi cũng không ra.

“Bây giờ tôi bảo anh nhé. Nhưng anh phải cam đoan giữ bí mật, chỉ có tôi với anh biết thôi.

“Xin cam đoan.’’

Thanh ra chỗ phía cửa sổ, kiễng chân rút ở mái nhà ra một cái gói dẹp bọc giấy. Nàng mở rồi đưa Ngọc coi. Ngọc nhìn vào nói:

“Sao mà lắm thế này?’’

“Đấy, chưa chi anh đã tối mắt lại rồi.’’

Ngọc ngồi nhỏm dậy:

“Bây giờ tôi đã hiểu câu thơ của chị:mùi tiền hôi tanh. Nhưng chị cho, tôi cũng không thèm lấy.’’

Thanh ngồi xuống chỗ Ngọc nằm:

“Đây là tất cả vốn liếng của tôi. Anh đếm xem.’’

“Tôi có bao giờ để ý đến tiền. Tôi chỉ biết là vàng lá nhưng bao nhiêu lạng, bao nhiêu cân thì tôi xin chịu.’’

Thanh nói:

“Bây giờ anh phải học lấy.’’

Nàng dịu giọng tiếp theo:

“Chỗ tiền này là của chung tôi với anh. Nếu tôi chết vì anh giết được tôi trước, thì anh xé một miếng để tôi ngậm xuống suối vàng còn bao nhiêu anh tiêu dùng về công việc của anh hay về việc cưới cô Phương, cái đó tuỳ ý; nếu anh chết thì tôi sẽ nhét vàng vào miệng anh và chôn vàng theo người rồi tôi về nước để mưu tính việc tôi đã nói với anh: cho mỗi cậu một phát.’’

Một tia oán hờn hơi độc ác thoáng hiện trong mắt nàng. Ngọc nói:

“Nếu vậy thì tôi mong chết trước để chị báo được thù của chị. Tôi, tôi không báo thù ai cả. Này, nhân tiện chị giết cả cô Phương đi.’’

“Tôi giết cô Phương làm gì. Bây giờ tôi lại gói vàng giắt vào chỗ cũ. Anh ra nhận kỹ lấy chỗ giấu.’’

Thấy Ngọc trù trừ cứ nằm yên, Thanh hất chăn để hở cả ngực Ngọc ra. Ngọc kêu:

“Lạnh quá.’’

“Anh lười chẩy thây, làm cách mạng như anh tôi thấy có một. Dậy đi anh.’’

Trong thâm tâm Ngọc hình như một nỗi vui còn e ấp vừa chớm nở. Chàng vẫn nằm yên, ngực hở nhưng không nghĩ đến lạnh. Chàng cảm thấy – tuy không rõ ràng lắm – là Thanh yêu chàng.

“Kìa sao anh không dậy.’’

“Nào thì dậy.’’

Thanh đưa Ngọc ra phía cửa sổ đặt chỗ vàng lá vào một kẽ dui rồi nói:

“Anh nhớ đến từ vách lên đây là bốn xà ngang, bốn là tên Tứ ấy, mà lại ở chính giữa của sổ. Anh nhớ chưa? Tôi trông anh như người mất hồn. Bây giờ anh về đắp chăn rồi tha hồ ngủ yên.’’

Sáng hôm sau Thanh qua nhà Quân báo cáo lấy lệ; khi trở về, Ngọc còn ngủ. Nàng pha một cốc cà-phê sữa bưng lên, lấy tay lay người Ngọc. Ngọc mở mắt nhìn Thanh rồi lại nhìn cốc cà-phê sữa mỉm cười:

“À ra mình còn sống. Hay là chiêm bao hay là đã lạc vào Thiên Thai rồi.’’

Thanh cũng mỉm cười đáp lại:

“Thiên Thai gì mà lại có vàng. Anh có nhớ chỗ để vàng không?’’

Ngọc nói luôn:

“Anh Tứ.’’

Ở ngoài cửa sổ trời nắng to, gió thổi mạnh, mấy cành cây dạt về phía cửa sổ lá rung phất phới. Trên mái nhà có tiếng chim. Ngọc cho một tay ra khỏi chăn toan cầm cốc cà-phê sữa. Thanh vẫn đứng bên cạnh, một tay cầm lấy cốc xoay đi xoay lại. Ngọc định giơ tay ra và đặt tay mình lên tay Thanh. Nhưng chàng vẫn để nguyên cánh tay trên giường nói với Thanh giọng gắt gỏng:

“Tôi không đói, chị có đi chợ thì đi ngay kẻo chậm.’’

“Thì tôi vừa đi chợ về xong.’’

Tuy Ngọc nói gắt gỏng nhưng Thanh nhận thấy có một vẻ khác, một sự vui vẻ rất nhẹ thoáng trong hai con mắt chàng. Thanh ngồi xuống ghế chống hai tay vào cằm nhìn ra phía cửa sổ nắng chói, nàng lim dim mắt đón chờ gió thổi lọt vào buồng và nói bâng quơ:

“Hôm nay, trời đẹp quá. Anh dậy đi chơi chùa Cá với tôi đi. Ta lại ăn ốc sống, đến ngồi chỗ đề bài thơ Thôi Hộ. Nếu anh đói thì tôi bảo họ làm thêm mấy chục bát phở chua.

Ngọc tung chăn ngồi dậy:

“Phải đấy. Đi chơi đi. Đi chùa Cá hay ăn cơm thịt bò ở Cổng Tây cũng được.’’

Thanh chạy ngay xuống nhà rồi bưng lên một thau rửa mặt nước trong vắt lấy ở giếng lên. Nàng ngồi nhìn Ngọc rửa mặt và không hiểu tại sao tự nhiên chàng lại vui vẻ khác hẳn mọi ngày. Ngọc rửa mặt thật kỹ và huýt sáo luôn miệng.


Chương hai mươi bẩy

Một tháng sau đoàn đại biểu về rồi lại vụt biến mất. Sau một hồi bận rộn, cuộc đời trở lại yên tĩnh như cũ. Hai người được Tường giao cho việc giữ căn nhà bí mật. Chỉ khác là thỉnh thoảng Ngọc đi vắng về những công việc gì Thanh không rõ. Thanh cũng lén đi nhiều lần để báo cáo với Quân. Không có gì quan trọng vì mọi việc Quân đã biết hết do ngả khác. Quân bảo Thanh:

“Cô cần phải đi với Tường hoặc Ninh và cốt nhất theo họ về nước. Chắc họ đã được Tưởng Giới Thạch hứa hẹn gì đây, có khi họ được giúp súng ống kéo người về chiếm mấy tỉnh ở biên giới.’’

Thanh bàn:

“Nhưng thưa anh dẫu sao Pháp với Tàu cũng là đồng minh, quân Pháp trốn sang đây rất nhiều mà toàn là thứ quân thiện chiến. Tưởng Giới Thạch nếu giúp chắc sẽ giúp Pháp về để chiếm lại Việt Nam. Anh cần phải tuyên truyền mạnh trong đám lính khố đỏ trốn sang đây với Pháp. Tụi ấy theo mình, chắc mình chiếm được các tỉnh biên giới. Anh chắc cũng đã biết Đồng Minh thoả thuận để cho Pháp trở về cai trị Việt Nam như cũ, một khi quân Nhật đầu hàng. Em đã đọc ‘bức thư gửi các đồng chí’ của trung ương trong đó tiên đoán Đồng Minh tất sẽ thắng. Ở trong nước, chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật lập nên toàn là những nhân sĩ, về mặt chuyên môn thì khá nhưng phần nhiều nhát như cáy và không biết một tí gì về chính trị. Các anh em trong nước muốn lật đổ chính phủ ấy dễ như trở bàn tay. Đấy là cơ hội tốt. Còn em, em không thể đi biên giới được vì họ không cho đi, Ngọc vẫn ở lại Côn Minh. Em chắc họ nghi em và nghi cả Ngọc nữa. Tường tinh ý lắm thế nào chẳng biết em đã quyến rũ được Ngọc vì vậy mới không cho Ngọc và em đi theo.’’

Quân vuốt bộ râu lơ thơ ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

“Đồng chí tiên đoán đúng đấy. Vậy đồng chí cứ ở tạm Côn Minh, dò la tin tức các kiều bào. Còn tại sao Ngọc không đi, tôi chắc Ngọc bận liên lạc với cơ quan tình báo Tàu của Đái Lập ở đây. Đồng chí cần theo dõi Ngọc; nhiệm vụ của đồng chí vẫn không thay đổi. Nhưng bây giờ trọng tâm công tác là theo dõi Ngọc đừng rời nửa bước.’’

Thanh ra khỏi nhà Quân, chú ý xem có ai theo dõi không. Nàng nhìn trời trong và mấy đám mây trắng rồi mỉm cười lẩm bẩm:

“Theo dõi Ngọc đừng rời nửa bước.’’

Nàng cúi mặt xuống rồi lại mỉm cười nghĩ thầm:

“Theo dõi Ngọc cả ngày cả đêm nữa. Cả đời cũng không sao.’’

Khi về tới nhà thấy cửa vẫn khoá trái, biết là Ngọc đi vắng nàng tự nhiên tức Ngọc. Thanh mở khoá lên gác rồi nằm xuống chỗ Ngọc vẫn nằm, mặt áp cái gối của Ngọc lẩm bẩm:

“Mùi tóc hôi xì.’’

Nói vậy nhưng nàng âu yếm áp mạnh chiếc gối vào mặt mình để ngửi cái mùi tóc hôi và thân yêu ấy. Bỗng Thanh dậy chạy ra chỗ giấu vàng; nàng ngơ ngác tưởng mình lầm, nhưng không, rõ ràng là dui thứ bốn nhưng gói vàng đã biến đâu mất. Nàng tìm mãi nhưng vẫn không thấy. Thanh lấy khẩu súng lục của Ngọc để trong ngăn kéo rồi ra đứng dựa cửa sổ chỗ Ngọc vẫn thường đứng: nàng không tiếc gì mất chỗ vốn liếng bao năm mới dành dụm được. Nàng lẩm bẩm:

“Không lẽ nào. Nhưng nếu Ngọc không trở về nữa, Tường cũng lẩn tránh thì hai người đã biết rõ mình là Việt Minh. Chắc Ngọc nhắm thế không lợi dụng mình được nên đành lấy chỗ vàng ấy vậy. Nếu độ vài ngày Ngọc không về thì... Nếu thế lần này là lần thứ ba nàng đã bị lừa mà người lừa nàng lại là người nàng yêu nhất đời.’’

Vừa lúc đó có tiếng chân bước lên thang gác; chắc là Ngọc vì khoá ngoài chỉ có hai chìa, nàng giữ một và Ngọc giữ một. Thanh thấy người nhẹ nhõm hẳn. Nàng mỉm cười tinh nghịch tự nghĩ:

“Dẫu sao mình cũng cứ làm như là Ngọc ăn trộm vàng.’’

Ngọc đứng lại ở đầu cầu thang nhìn Thanh. Thấy Thanh tay cầm khẩu súng lục chĩa về phía mình, Ngọc vội chạy lên đứng bên cạnh, yên lặng. Thanh giơ tay lên ấn khẩu súng vào bụng Ngọc:

“Vàng đâu? Chỉ có anh lấy thôi. Tôi sẽ cho anh một phát xong đời kẻ thứ ba đã lừa tôi, rồi tôi sẽ quay súng...’’

Ngọc chỉ cười:

“Chị đã bảo tôi là của chung. Tôi vừa bán nó đi rồi. Cô Phương nhà khá giầu nhưng về phần tôi cưới xin cũng phải tốn kém. Vả lại chị cũng đã có bảo tôi cứ lấy tiền này cưới cô Phương.’’

Chàng nhẹ nhàng đặt tay lên khẩu súng:

“Chị bắn còn non tay lắm, tôi chỉ vẫy tay một cái là đạn sẽ xuyên qua ngực chị.’’

Ngọc né mình rất nhanh, lấy chân ngoặc vào chân Thanh. Quả nhiên Thanh ngã xuống sàn gác và khẩu súng đã chuyển sang tay Ngọc. Ngọc bật lên cười. Thanh cũng bật cười theo. Nàng đứng lên phủi áo rồi cau mày nói vui vẻ:

“Thật là trời giáng. Đau chết người.’’

Ngọc lại đưa Thanh khẩu súng. Thanh lắc đầu:

“Thôi tôi sợ bắn người khác rồi, chỉ trừ khi nào tôi tự tử mà không muốn tự mình bắn mình. Thế gói vàng anh để đâu?’’

“Chị xuống dưới vườn với tôi.’’

Chàng bỏ súng vào ngăn kéo, cùng Thanh xuống nhà dưới rồi đưa nàng ra luống cải dưới bóng cây:

“Chị nhìn kỹ xem có gì khác không?

Thanh lúc đó không nghĩ đến gói vàng nữa; nàng hé môi nhìn ngắm Ngọc và những hoa nắng rung động trên người chàng.

Thấy Thanh nhìn mình, Ngọc cười bảo Thanh:

“Chắc chị cho tôi giấu vàng trong người. Chính chị đã mua xẻng cuốc về làm vườn, chính chị định hôm nào
sẽ vùi thây tôi ở dưới luống cải nên tôi mới nẩy ra cái ý kiến lấy của thay người. Như vậy lúc chị chôn tôi, chị vừa trừ được một tay Việt Quốc lại vừa tìm được ra vàng, đem đưa Quân chắc là có công lớn.’’

Thanh kiễng chân níu một cành cây xuống lấy tay rứt từng lá rồi thả cho bay theo gió:

“Cái gì anh cũng biết. Anh tài thật. Anh biết cả tôi có liên lạc với Quân.’’

“Chị cũng vậy, việc gì chị cũng biết. Chị còn tài hơn tôi nhiều.’’

Yên lặng một lát rồi Ngọc tiếp theo:

“Chỉ còn một thứ. Mỗi một thứ quý nhất đối với tôi thì tôi chưa biết được mà chắc chị cũng chưa biết như tôi...’’

Nói xong Ngọc bỏ lửng câu, xoay ra chuyện khác:

“Chị nhìn cây cải kia, cây cải hơi héo lá ấy, ở dưới tôi chôn một cái hộp sắt đựng đầy vàng. Như vậy nếu nhà có cháy, vàng của chị vẫn còn nguyên.’’

Thanh bỏ tay cho cành cây bật lên cao rồi bảo Ngọc:

“Anh khôn nhưng mà ngu. Cây cải, cho dẫu để làm giống lấy hột đi nữa cũng chỉ sống được ít lâu.’’

“Thế chị có nhớ tên anh Tứ không? Lúc chôn vàng tôi đã đo cẩn thận, từ góc tường kia đến chỗ chôn vừa đúng bốn thước, từ góc tường phía sau chị đến chỗ chôn vàng vừa đúng ba thước, tên anh Ninh bí danh N.3. Thế tôi ngu hay là chị ngu nào?’’

“Vâng tôi ngu, để tôi thổi cơm hay ta lại ra hiệu Nam Phong của anh Vân ở Kim Bích lộ ăn cơm Tây.’’

Ngọc chỉ cây cải héo:

“Có những chừng kia vàng, tội gì không đi ăn hiệu. Hôm nay lại hiệu cơm thịt bò Hồi Hồi, ăn xong ta lại hiệu Si Mân lên gác uống nước chè, chỗ ấy vắng tha hồ nói chuyện.’’

“Anh thực mâu thuẫn với chính anh. Tội gì đi tìm chỗ vắng để nói chuyện. Ở nhà này vắng nhất. Anh muốn nói chuyện gì thì nói đi.’’

“Tôi chẳng có chuyện gì nói cả. Nói hết từ lâu rồi. Chỉ trừ một thứ...

“Thứ gì?’’

Ngọc lại ngồi ở thành giếng, nhìn bóng mình in tận cuối cùng, rồi bảo Thanh:

“Thứ ấy bí mật lắm, tôi phải giữ kín, cả đời cũng không nói được.’’

Thanh cũng bước theo Ngọc, đứng nhìn xuống giếng sâu:

“Các anh làm cách mệnh, lúc nào cũng bí mật nhưng kín mà hở. Tôi đi guốc trong lòng các anh và nhất là lòng anh.’’

Ngọc đứng lên, vươn vai rồi nói với Thanh:

“Này, hay ta đi ra cánh đồng đào. Bây giờ đào đã chín. Ăn vào thay cơm cũng được, tiên mà, ăn hoa quả càng nhẹ nhõm trong người. Đồng chí nghĩ thế nào?’’

“Thống cô!’’ [3]

Thanh lên gác. Lần này nàng mặc quần áo Việt và đánh phấn rất nhẹ. Nàng lại mặc chiếc áo lam sẫm như hôm đi dự tiệc với Tường. Lúc Thanh xuống, Ngọc đứng ở cạnh giếng nhìn. Thanh cũng đẹp lộng lẫy như hôm nào. Cổ nàng đeo một chuỗi hạt trai. Ngọc bĩu môi:

“Lại hạt trai giả.’’


Chương hai mươi tám

Đi đâu Ngọc cũng nghe họ bàn tán về hai quả bom nguyên tử. Ít lâu sau, có tin Nhật đầu hàng. Đêm ấy ở thành phố Côn Minh, dân Trung Hoa và cả dân Việt nữa đều đốt pháo ăn mừng.

Tường lúc đó về Khai Viễn, nhà chỉ có Thanh và Ngọc. Ngọc đi mua một bánh pháo nhỏ về đốt. Chàng nửa muốn ăn mừng nửa muốn ngửi mùi khói thơm để nhớ lại cảnh Tết ở quê nhà. Chàng nhớ lại những đêm giao thừa, hễ cứ mỗi lần đốt pháo là chị chàng lấy hai ngón tay bịt tai lại; chàng thường trêu nghịch đem pháo lại gần có khi quẳng cả bánh pháo vào chân để chị kêu rú lên.

Khi đốt xong chàng thấy Thanh ngồi đón hít những làn khói thơm. Nàng ngồi xuống phản yên lặng một lúc lâu rồi ứa nước mắt lấy hai tay che mặt khóc nức nở. Ngọc không hiểu Thanh nghĩ đến những đêm giao thừa, nhớ bố mẹ đã mất mà khóc hay vì nghĩ đến khói pháo thơm hôm về nhà chồng mà khóc vì tủi thân. Chàng muốn ngồi xuống cạnh Thanh kéo hai tay nàng xuống và cầm lấy tay nàng nói vào câu an ủi. Việc ấy Ngọc thấy rất tự nhiên nhưng chàng vẫn đứng yên nhìn vào hai vai Thanh rung lên mỗi lần nàng thổn thức.

Bỗng Thanh đứng dậy, hai con mắt còn ướt, nhưng miệng nàng thì vui tươi nở một nụ cười nói với chàng:

“Bom nguyên tử không sợ bằng. Đêm nay, tôi lại muốn đi chơi Tả Quán Lầu. Nhưng không đi thuyền đâu, chỉ đến ngồi ở cửa hàng trông ra hồ, nghe thiên hạ đốt pháo và mừng sắp đến ngày nước nhà độc lập và được về thăm làng cũ.’’

Đêm ấy trời vừa mưa xong, đường lát đá trơn nên hai người đều đi rất thong thả về phía Phục Hưng Tân Thôn. Gần tới nơi thì trời lấm tấm mưa như mưa phùn ngày Tết. Thanh và Ngọc cứ yên lặng đi, không ai nói một câu nào, qua Phục Hưng Tân Thôn cũng không để ý. Ở xa tiếng pháo vẫn nổ ran. Đường mỗi lúc một vắng. Đáng lẽ rẽ tay trái hay thuê xe đi Đại Quan Lâu thì lại rẽ tay phải về phía Lạc Hợp Thôn do lối Tiểu Tây Môn về nhà.

Qua nhà không ai bảo ai cứ đi thẳng. Tuy đã khuya nhưng vì có tin Nhật đầu hàng nên các hàng ăn vẫn mở cửa. Ngọc rủ Thanh vào một hàng mì. Các khách hàng ai cũng ngửng lên vì thấy Thanh đẹp. Thanh đêm ấy mặc quần áo ta; họ biết là người Việt nên bắt chuyện hỏi han:

“Thế là nước Việt của cô cũng như nước chúng tôi đều thoát khỏi ách người Nhật.’’

Có mấy người bảo nhà hàng lấy rượu ngon rồi họ quây quần chung quanh bàn ăn của Ngọc và Thanh chúc rượu mừng. Thanh cũng đứng lên đáp lễ và uống một hớp rượu. Một người nói:

“Can pây.’’ [4]

Thanh giơ cao cốc rượu:

“Xin uống mừng nước các ông.’’

“Xin mừng hai ông bà cách mệnh thành công.’’

Thanh uống một hơi cạn chén. Người nàng nóng bừng và nàng cảm thấy mọi người đều tử tế, yêu chuộng hoà bình. Những việc giết lẫn nhau giữa Việt Minh và Việt Quốc đối với nàng lúc đó là những chuyện xa lắc xa lơ và vô nghĩa lý.

Ra khỏi hàng, hai người lại đi giữa mưa phùn. Thỉnh thoảng có người đi ngược lại đốt pháo lẻ tung lên trời. Dưới ánh đèn Thanh thấy người đó miệng há hốc... nhếch mép cười một mình như người điên. Chắc họ cũng vừa uống rượu mừng hết chiến tranh ở đâu về.

Ngọc đưa Thanh đi thẳng tới lăng Đường Kế Nghiêu gần đó. Ngọc đã hai ba lần vào với Tường về việc liên lạc. Lăng là một khu vườn thật rộng trong đó có mộ Đường Kế Nghiêu và hai căn nhà lớn, căn ngoài là nhà của Đường tiểu thơ ở cùng cô Tôn người Bắc Kinh phụ trách trông coi mộ. Cổng vườn mở rộng; căn nhà của Đường tiểu thơ đèn sáng choang. Thanh nói khẽ:

“Trông như nhà ma. Chắc họ cưới nhau.’’

“Đúng đấy chị ạ, họ đương ăn síu dề mừng ma Mỹ thắng ma Nhật.’’

Ngọc lấy tay che miệng:

“Cô dâu ma tôi biết mặt nhiều lần: phúc hậu, tử tế lắm, nhưng thân hình cũng phúc hậu mập mạp, bắp chân như bắp hoa chuối hột lại đeo kính cận thị số 5. Chắc cô dâu đương đợi tôi đến làm lễ hợp cẩn. Cô Tôn và chị là hai cô phù dâu. Ta đi vào kẻo nhà gái đợi.’’

“Nhà người ta vào thế nào được.’’

“Chị không thấy cổng mở rộng và có hai cái ô-tô nhà à? Ở đây ai vào cũng được huống hồ tôi là chú rể chị là phù dâu.’’

Ngọc cầm lấy tay Thanh giục đi. Thanh thấy hay hay. Men rượu khiến nàng chếnh choáng và trở nên bạo dạn, đi sát hẳn vào người Ngọc. Đến một bụi cây nàng đặt tay lên vai Ngọc:

“Đấy anh xem tôi nhìn vào cửa sổ, đèn sáng mà không có bóng một người nào.’’

Ngọc lấy tay ôm ngang lưng Thanh ẩy nàng đi nơi khác:

“Nhưng chúng mình không vào cứ để nhà gái đợi, trêu chơi. Chị lại đây.’’

Ngọc dìu Thanh đi vòng ra phía tay trái, đến một cái ghế đá cạnh bụi trúc. Hai người buông nhau ra ngồi xuống ghế đá ướt. Ánh đèn từ ở căn nhà chiếu qua lá trúc nhẹ rung động. Thanh nhớ lại câu thơ Ngọc ngâm ở cánh đồng đào khi nghĩ đến cảnh trăng năm nào cùng Thuý ngồi ở vườn sau. Nàng khẽ ngâm:

“Trăng xưa vườn cũ sáng ngời
Bóng ai hoà lẫn bóng người năm xưa.”

Ngẫm nghĩ một lát nàng mỉm cười ngâm tiếp theo:

“Vườn nay đèn điện sáng ngời
Bóng ai hoà lẫn bóng người đêm nay.”

Rồi Thanh hỏi Ngọc:

“Tôi quên mất rồi, trong Liêu Trai cô dâu tên là gì nhỉ?’’

“Tên chú rể là Ngọc Lang còn cô dâu là con gái nhà họ Dương, kiếp trước lấy Đường Minh Hoàng nên có khi gọi là Dương Quý Phi, nhưng vì suýt làm mất nhà Đường nên Thượng đế Ngọc Hoàng cho đầu thai làm con gái Đường Kế Nghiêu và ban cho một đôi kính cận thị số 5 của động Hoa Kỳ, có ông Trụ Man [5] làm chủ động.’’

Thanh bật lên cười. Ánh sáng loang loáng trên áo Thanh mỗi lần gió rung lá trúc. Mặt Thanh đúng vào chỗ sáng. Ngọc nhìn rõ những hạt nước mưa nhỏ như sương lóng lánh trên tóc nàng và cả trên gò má. Ngọc biết chắc chắn là Thanh đã yêu mình, toan nói câu mà chàng thường tự nhủ trong bao lâu:

“Anh yêu em.’’

Nhưng chàng vẫn yên lặng. Thanh cũng định nói:

“Em yêu anh từ lâu.”

Nhưng nàng cũng yên lặng, chỉ hé môi mỉm cười.

Trời vẫn mưa lấm tấm. Hai người cứ ngồi như vậy lâu lắm quên cả về, không để ý gì đến nước ở ghế đá thấm dần vào quần và nước mưa xuống ướt đẫm vai.


Chương hai mươi chín

Một hôm Tường về bảo Ngọc:

“Việc hỏng cả rồi.’’

“Sao lại hỏng?’’

“Về phía Mỹ, Patty có nói với tôi rằng chính sách của họ là ‘hand off’ nghĩa là bỏ tay ra, không dúng vào việc Trung Hoa cũng như việc Việt Nam. Công việc liên lạc với Mỹ thế là đứt đoạn. Còn về phía Trung Hoa, Tưởng Giới Thạch muốn làm chủ hẳn Vân Nam nên hứa hẹn rất nhiều với Long Vân. Lư Hán kéo quân đi, tất nhiên quân Trung ương xuống thay thế. Long Vân hết quân sẽ bị cô lập, chắc chẳng bao lâu Tưởng sẽ mời lên Trùng Khánh. Quân ở Vân Nam chú đã biết, quân cà khổ đói khát rách rưới ấy kéo về Việt Nam thì thật là cái tội nợ cho dân mình. Thật đáng buồn. Nhưng cũng may nhờ ở sự tuyên truyền đã lôi kéo được một số đông lính khố đỏ theo mình. Anh Ninh sẽ phụ trách đưa họ về nước, chia làm hai ngả, một số về Lao Kay, một số sẽ về Hà Giang. Việc tuyên truyền ấy một phần nhờ có Thanh giả làm người đi bán quà ở các trại Pháp tập trung lính Việt.’’

Ngọc nghĩ thầm: “Thảo nào Thanh đi vắng luôn, có khi mươi ngày không về; mỗi lần Thanh về chàng lại được Ninh phái đi các nhà đồng chí khác tuyên thệ cho anh em quân nhân’’. Chàng lại trách Thanh về việc ngày nào chàng cũng phải đi chợ nấu ăn nhất là lấy nước tưới mấy luống rau cải. Rau cải dưới có chôn vàng bây giờ đã nở hoa màu vàng, tươi đẹp hơn cả vàng chôn dưới gốc.’’

Khi nào buồn nhớ Thanh chàng lại ra Đại Quan Lâu ngồi ở phòng chè trông ra hồ. Chàng thích nhất vào lăng Đường Kế Nghiêu ngồi ở cái ghế đá hôm Nhật đầu hàng để nghe tiếng gió reo trong khóm trúc. Cũng có đôi lần Tường rủ chàng đi liên lạc với ông Hoàng Thạch về ban đêm, chàng chỉ ngồi lấy lệ nhìn ngắm Đường tiểu thơ và đôi kính cận số 5 của nàng rồi chàng từ kiếu để Tường ngồi nói chuyện một mình, ra ngồi ở cái ghế đá ngắm trăng, vơ vẩn tưởng nhớ Thanh.

Một hôm Thanh về, Ngọc nói luôn:

“Lần sau chị đi trại tập trung nào?’’

“Gần đây thôi.’’

“Tôi sẽ đi với chị.’’

Thanh hỏi:

“Anh đã được lệnh anh Tường cho đi chưa?’’

“Chưa. Nhưng tôi sẽ xin phép anh ấy. Thế nào anh ấy cũng cho. Tôi chỉ viện một lẽ duy nhất là về việc tuyên truyền lôi kéo người thì tôi vào bậc nhất vì tôi đã tuyên truyền được chị. Chị có bao nhiêu vàng tôi cũng tuyên truyền lấy sạch.’’

“Thế ngộ nhỡ bất thình lình anh phải đưa người về biên giới? Đưa tôi chẳng hạn.’’

Ngọc nói:

“Nếu thế thì chị sẽ đưa họ về. Các đường lối tôi sẽ chỉ bảo rõ chị. Chị lại trèo cây trơn không cần bò...’’

Nói đến chữ “bò’’ Ngọc chợt nghĩ ra một điều, liền hỏi Thanh:

“Chị bán những quà gì cho anh em quân nhân?’’

“Bán gì thì phải tuỳ cơ ứng biến. Chỉ có đàn bà mới gánh hàng được, đầu có khi đội thúng mà không cần tay giữ. Trông mặt anh thư sinh thế kia không lẽ anh đi bán sách chữ Nho cho bọn quân nhân mới sang được ba bốn tháng. Không lẽ anh đi bán bánh tây giò chả như tôi.’’

Thế là Thanh đã tự nhiên tỏ cho Ngọc biết mình đi bán bánh tây. Ngọc nói luôn:

“Chị bán bánh tây, còn tôi, tôi sẽ bán bánh bò tàu.’’

Thanh cười:

“Anh có biết cách thức làm bánh bò tàu không?’’

“Tôi sẽ mua lại của người Tàu. Cứ bán được một chiếc tôi lại tự thưởng cho mình một chiếc.’’

“Sao lại một chiếc bánh bò tàu? Phải cắt nó mà cắt phải đều tay, đừng có miếng to miếng nhỏ.’’

“Tôi sẽ tập như chị tập bắn súng lục. Lát nữa chị mua cả một mẹt về tôi cắt cho chị xem.’’

Thanh bật cười:

“Đời thuở nhà ai bánh bò tàu lại để trong mẹt.’’

Ngọc nói:

“Bò tàu bò tây, để khay để mẹt không quan trọng, việc quan trọng là cứ bán xong một chiếc bánh bò là tôi tuyên truyền xong một người và họ vừa ăn tôi vừa tuyên truyền cho họ.’’

Vừa lúc đó thì Tường về, vẻ mặt buồn rầu.

“Việc gì thế anh?’’

“Việc trọng đại: trong nước Việt Minh lên nắm chính quyền, Bảo Đại từ chức, chính phủ Trần Trọng Kim đổ.’’

Thanh nói luôn:

“Nếu vậy để ngày mai em trở về Mông Tự, cho bà Su nghỉ vì như anh Ngọc vẫn thường nói: ‘Cà-phê bà Su pha thì ma uống nổi’. Em sẽ cố giúp kinh tế cho Đảng để lấy tiền đưa anh em và số quân nhân đã theo mình về nước chiếm lấy mấy tỉnh ở biên giới.’’

Tường nói:

“Hà Giang anh Hoàng đã chiếm được nhưng rất thiếu người.’’

Tường quay về phía Ngọc:

“Chú có lẽ phải về Hà Giang, một số bộ đội Trung Hoa theo ngả đó về, như vậy tạm thời Hà Giang còn giữ được. Vậy chú ở lại Mông Tự đợi lệnh.

Một buổi sáng Thanh ra giếng lấy nước ngửng nhìn Ngọc đứng trên cửa sổ; nàng lấy tay chỉ vào cây cải đã tàn hoa bắt đầu ra quả, ngẫm nghĩ một lát rồi nàng nói với Ngọc:

“Anh mời anh Tường xuống đây.’’

Ngọc không hiểu ý Thanh nhưng cũng mời Tường xuống. Thanh chỉ cho Tường xem cây cải. Tường nói:

“Mấy luống cải chị chịu khó chăm nom xanh tốt quá. Cảm ơn chị, nhờ chị mới có những thức ăn rẻ tiền mà ngon lành.’’

“Em định biếu anh, biếu Đảng một thứ quý hơn cải nhiều. Anh Ngọc, anh đem xẻng cuốc lại đây.’’

Thanh nói như ra lệnh cho Ngọc:

“Bây giờ anh nhổ cây cải làm giống kia đi rồi anh đào lên. Nếu đào mà không có gì thì anh chết với tôi.’’

Đào lên độ nửa thước, Ngọc cầm lên một cái hộp. Thanh nói:

“Anh đưa anh Tường xem.’’

Tường vừa mở ra Thanh nói luôn:

“Đây là tất cả vốn liếng của em để dành được, em xin biếu Đảng để tuỳ ý anh chi tiêu về công việc. Em sẽ về Mông Tự mở rộng hiệu cà-phê. Tụi Mỹ bây giờ xuống Mông Tự đông lắm.’’

Tường cầm những thiếp vàng lá xóc xóc trong tay để ước lượng:

“Chỗ này nhiều lắm. Chị giữ lại dăm tấm về Mông Tự làm vốn. Tôi xin thay mặt Đảng cảm ơn đồng chí.’’

Ngọc đưa mắt nhìn Tường ngẫm nghĩ:

“Anh Tường đã xét đúng về Thanh ngay từ lúc đầu, mà mình cũng vậy.’’

Chàng nhìn người yêu thầm nhủ:

“Chung quy là nhờ cái ghế đá ở lăng Đường Kế Nghiêu.’’

Thanh lấy ở trong nhà ra chậu men sứ vẫn thường vo gạo, kéo dây lấy nước giếng rồi đổ một thau đầy. Ngọc định cho tay vào thau nhưng Thanh cản lại:

“Anh giơ hai tay bẩn của anh ra đây.’’

Nàng lại kéo mấy thùng nước giếng rồi đổ từ từ cho Ngọc rửa tay sạch hết đất cát:

“Bây giờ anh cho tay vào thau mà rửa. Để tôi đi lấy khăn.’’

Nàng chạy vào bếp rồi đem ra cái khăn mặt của nàng đưa Ngọc:

“Bây giờ thì tay anh đã sạch lắm rồi.’’

Hai con chim đen bụng trắng bay đến kêu chiếp chiếp, quen như mọi lần đợi Thanh vứt cơm. Đợi mãi không thấy gì chúng nghiêng đầu nghe ngóng nhìn Thanh có vẻ ngạc nhiên. Thanh cúi xuống nhặt hòn cuội nhỏ ném hai con chim rồi lấy tay hất, miệng kêu “suỵt’’. Hai con chim sợ hãi bay vụt đi nhưng chúng chỉ bay lên đậu ở đầu tường; một con – con cái hay con đực Thanh cũng không rõ –nhẩy dần rồi đến nép mình cạnh con chim kia. Thanh làm hiệu đuổi chúng cũng không đi. Nghĩ mãi nàng mới nhớ ra là còn một chiếc bánh bích quy; nàng chạy vào bếp nhưng tìm mãi vẫn không thấy:

“Chắc anh chàng Ngọc lại ăn vụng rồi. Thật là đồ ăn cướp cơm chim.’’

Nàng chạy ra nhìn Ngọc nói trống không:

“Có chiếc bánh bích quy biến đâu mất, chắc là chuột tha.’’

Quả nhiên lúc xuống với Tường, Ngọc đã lấy trộm nhai thật nhanh và nuốt vội chiếc bánh trước khi ra vườn cho Thanh khỏi biết. Chàng đuổi hai con chim đi:

“Thôi mai hết nhé, mai đừng đến nữa.’’

Hai con chim vụt bay đi. Ngọc nghĩ chắc mai nó sẽ trở lại và hơi buồn. Ngày mai chàng sẽ cùng Thanh đi Mông Tự như một đôi chim, nhưng biết đâu không bay đi cạnh nhau để tìm cái chết. Khu vườn nhỏ xinh xinh, lá cây rung động và cái giếng nước trong có lẽ không bao giờ chàng lại còn nhìn thấy một lần nữa, cuộc đời đơn sơ đã mất, thay vào đó sẽ là một cuộc đời tranh đấu, tàn ác, giết người.

Tường bảo Ngọc:

“Chú sửa soạn sẵn sàng, mai đi sớm.’’

Thanh nói với Tường:

“Để em đi bán chỗ vàng này, bán ở đây nhiều hiệu lớn, được giá hơn.’’

Nàng đi quanh quẩn tìm hiệu bán vàng rồi rẽ qua nhà Quân:

“Họ sắp theo bộ đội Lư Hán về chiếm thêm căn cứ ở biên giới. Hà Giang đã mất về tay họ. Để mai em xuống Mông Tự, ở đấy dò la việc họ chuyển vận quân đội và biết ai đi ai về dễ dàng hơn đây nhiều.”

“Đồng chí phải cẩn thận. Mông Tự là đất của họ, hơi lộ một chút họ thủ tiêu đồng chí ngay.’’

Thanh nói:

“Em không sợ anh cứ tin là em rất kín đáo.’’

“Thế mai đồng chí đi sớm. Nhưng cần nhớ là tụi họ cũng ghê gớm lắm.

Thanh mỉm cười nghĩ đến việc Ngọc thủ tiêu nàng rồi từ biệt Quân.

Sáng hôm sau, Thanh và Ngọc cùng đi một chuyến xe. Nàng mặc áo Việt và đi ngang nhiên với Ngọc không cần giấu giếm. Khi xe đi qua cánh đồng, Thanh nói:

“Thế là từ đây hết cả Đào Nguyên, hết cả Thiên Thai. Lưu Nguyễn lại trở về trần tục.’’

Ngọc nói:

“Trần tục cũng có cái thú riêng. Tôi, tôi đã tìm được Thiên Thai ở ngay nơi trần tục.’’

Thanh tiếp theo:

“Còn tôi, tôi xuống trần tục mới tìm thấy Thiên Thai. À nhưng lần này đến ga Pô-Si, nếu có tỏi gà anh phải để phần tôi đấy.’’

“Chị không lo. Bây giờ chị đã có giấy phép của anh Tường thì ăn cả một con gà cũng được.’’

Tới ga Pô-Si, biết là xe ngừng lại gần một giờ, Ngọc đưa Thanh xuống nhà đồng chí Đỉnh:

“Như thế đỡ tốn công đồng chí Đỉnh bưng khay lên xe nữa.’’

Đỉnh đã đứng sẵn ở trước cửa nhà; thoáng thấy Ngọc chàng bảo vợ:

“Mình đi làm hay mua thức ăn. Có chú Ngọc. À, nhưng chú ấy đi với một cô nữa phải làm thức ăn gấp đôi.’’

Đỉnh bảo thằng nhỏ chạy đi báo các anh em khác ở chi bộ Pô-Si, rồi chạy ra đón Ngọc. Ngọc giới thiệu:

“Nữ đồng chí Kim.’’

Đỉnh vội vã đón lấy cái va ly Thanh xách ở tay. Thanh chào Đỉnh rồi nói:

“Lần trước tôi cũng có qua đây cùng một chuyến xe với anh Ngọc; cái tỏi gà và đĩa xôi anh đem lên ngon quá nhưng anh Ngọc ích kỷ ăn hết. Tôi phải ăn cơm với lạp xường.’’

Nói xong nàng cười vui vẻ. Đỉnh tuy nhiều tuổi nhưng cũng bị quyến rũ vì vẻ đẹp hồng hào và hai con mắt trong sáng sắc sảo của Thanh. Đỉnh cười bảo Ngọc:

“Thế mà lần trước chú không giới thiệu.’’

“Lần trước đi công tác bí mật.’’

Vì Đỉnh là chi bộ trưởng Pô-Si nên Ngọc phải đưa giấy công cán của Thanh cho Đỉnh coi. Trong lúc đó, Thanh đã chạy tọt xuống bếp, làm thân ngay với Thoa, vợ Đỉnh và xắn hai tay áo phụ giúp Thoa. Thoa thấy nàng làm bếp nhanh nhẹn quá không khỏi ngạc nhiên. Thanh hiểu ý nói:

“Chị không biết em là nữ cán bộ ‘hoả đầu phu đoàn’ do anh Tường lập nên à? Hơn nửa năm em vẫn làm cơm cho anh Tường xơi. Nhưng anh ấy chỉ thích ăn dưa chua, thành thử không trổ được tài.’’

Mười lăm phút sau, nàng đã bưng một mâm đầy thức ăn: cà-phê sữa, trứng lập là, trứng tráng, dưa, củ cải và bánh tây rán mỡ. Các anh em trong chi bộ đã đến đông đủ, người nào cũng có vẻ buồn sau khi Ngọc bầy tỏ thời cuộc trong nước cùng chính sách của Mỹ và Trung Hoa.

Thấy Thanh bưng lên nét mặt vui tươi, mọi người đều nhìn Thanh và quên cả buồn phiền. Đỉnh giới thiệu từng người một trong chi bộ. Thanh nói:

“Anh nào không vướng víu công việc ở đây lắm thì chắc sẽ được phái về Hà Giang. Có qua Mông Tự các anh nhớ ghé lại hiệu Thanh Hương. Cà-phê ngon có tiếng. Chủ nhân tiếp đãi ân cần và không lấy tiền mặc dầu tôi phụ trách tài chính cho Đảng.’’

Khi xe chạy, Thanh cũng giơ tay vẫy các anh em đứng ở sân ga nhưng lần này, anh em nhìn theo Thanh một cách lưu luyến. Thanh đã át được cả Ngọc:

“Thế là tôi báo thù anh được rồi. Bây giờ ta lại lập một chi bộ khác, cũng chi bộ hai người nhưng lấy tên là chi bộ vị tha’.’’

Tới Khai Viễn, vì có lệnh của Tường về, nên ngay buổi tối hôm đó Hán Vũ Cái, Khu đảng bộ Khai Viễn hội họp. Thanh cũng có đến dự và phát biểu ý kiến. Họp xong nàng gặp riêng đồng chí phụ trách về tài chính; nàng hỏi rõ về giá cà-phê ở Khai Viễn và sắp đặt liên lạc để đem thuốc phiện, thảo quả và bất cứ thứ gì ở biên giới Việt Nam từ Mông Tự lên Khai Viễn và Côn Minh.

Thanh bảo Ngọc:

“Thế là tôi cũng đâm đầu vào guồng máy như anh.’’

Tới Bích Sắc trại hai người lại ghé qua nhà vợ chồng Vĩnh. Bà Vĩnh đương lau quét nhà thấy Thanh vào bà vội chạy ra nắm lấy tay Thanh. Ngọc ngồi nghe hai người nói chuyện. Chàng lấy thuốc lá châm hút. Ở nhà hai vợ chồng già này chàng thấy xa hẳn những sự tranh đấu gay go các nơi khác; cuộc đời ở đây lại đơn sơ và Thanh với chàng trong chốc lát như thoát khỏi guồng máy khốc liệt và cũng chỉ là hai thanh niên nam nữ đơn sơ, yêu nhau rồi lấy nhau và khi trở về già cũng sẽ sống một cuộc đời yên ổn trong một thế giới thanh bình như đôi vợ chồng Vĩnh.

Lúc tiễn Thanh và Ngọc đi bà Vĩnh đứng tựa cửa nhìn theo. Lần này Thanh mặc quần áo Việt nên trông dáng người lại yểu điệu hơn khi mặc áo tàu. Gió thổi mạnh, tà áo của Thanh bay phơ phất chạm vào người Ngọc. Bà Vĩnh gật gù mỉm cười rồi bỏ vào trong bếp tiếp tục dọn dẹp. Bà bùi ngùi nhớ lại ba mươi năm trước lúc Vĩnh còn là thanh niên đẹp trai và bà còn là một thiếu nữ dáng cũng thon đẹp như Thanh bây giờ.

Lúc Vĩnh ở nhà máy trở về, cơm nước đã dọn sẵn. Trong mâm bà Vĩnh đặt một đĩa bồ dục xào mà chồng bà vẫn ưa thích nhất. Ba rót rượu vào cốc chồng âu yếm mời:

“Ông xơi tí rượu, hôm nay có cỗ bồ dục ngon quá, mua về còn nóng hổi.’’

Rồi bà cũng rót một ít rượu vào cốc mình, nâng cốc mời chồng, uống một hơi cạn.



[1]Tiếng riêng Việt kiều Vân Nam dùng để chỉ những người xấu, xoàng, kém cỏi, v.v...
[2]Cẩu dâu: Thịt chó.
[3]Thống cô: nghĩa là thông qua, biểu quyết tán thành một đề nghị
[4]Can pây: cạn bôi. Theo tục lệ bên Trung Hoa, khi chúc nhau phải uống cạn chén.
[5] Ông Truman lúc đó là Tổng thống Hoa Kỳ
Nguồn: Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thuá»·, Đời Nay xuất bản, Sài Gòn 1961, Văn Má»›i tái bản tại Hoa Kỳ. Bản Ä‘iện tá»­ do ông Nguyá»…n Tường Thiết cung cấp. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của gia đình tác giả.