1.
Sự việc này xảy ra hầu như ở ngay đầu đời văn của Vũ Trọng Phụng.
Người nhắc đến sự việc này hồi năm 1957 ở Hà Nội là Thiều Quang. Trong
Tập san phê bình, một ấn phẩm tư nhân, tác giả đồng thời là người xuất bản ấn phẩm này, dành riêng một số đặc biệt cho đề tài:
Vũ Trọng Phụng, đời sống và con người. Toàn bộ 24 trang ruột của số này chỉ đăng bài viết của chính Thiều Quang: “Chút ít tài liệu về Vũ Trọng Phụng”. Ðó là một văn bản ít nhiều độc đáo, là vì trong đó tác giả không chỉ luận bàn về tác phẩm của nhà văn họ Vũ, không chỉ trao đổi lại với những ý kiến đánh giá nhà văn này của một số tác giả khi đó vừa công bố chuyên luận hoặc bài nghiên cứu, như Văn Tâm (
Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực, Hà Nội: Nxb. Kim Ðức, 1957), Văn Tân (“Vũ Trọng Phụng qua
Giông tố,
Vỡ đê và
Số đỏ”,
Văn Sử Ðịa, số 29, tháng 6/1957); hơn thế, tác giả còn đưa ra những sự việc và chi tiết tư liệu xưa cũ ít người biết hoặc là tư liệu hồi ức cá nhân của chính mình, do chỗ mình (tác giả) từng quen biết, từng là bạn bè với Vũ Trọng Phụng. Thật ra thì khá nhiều (tuy không phải tất cả) chi tiết tư liệu trong bài ấy có thể được xác nhận hay bác bỏ bằng cách kiểm định, đối chiếu. Nhưng một thời gian dài, suốt những năm 1960-90, những người nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng đều không ai thực hiện việc thẩm định mà chỉ thận trọng gác lại một bên nguồn tư liệu độc đáo nhưng khó sử dụng này.
Một trong những chi tiết tư liệu ấy là việc Vũ Trọng Phụng từng bị gọi ra hầu toà.
Thiều Quang kể rằng khoảng năm 1930, khi bước chân vào đời bằng việc xin vào làm ở nhà in IDEO (Viễn Ðông ấn quán, Hà Nội), ông (Thiều Quang) gặp Vũ Trọng Phụng đang làm việc ở đấy, hai người cùng tuổi nên dần dần thân nhau. Quang thấy Phụng không chỉ yên vị với nghề “cạo giấy” mà còn chăm chỉ tự học bằng cách đọc và dịch văn học Pháp, từ các tác gia cổ điển đến cận hiện đại. Quang thấy dường như Phụng “tìm được sự đồng điệu, đồng cảm, đồng tình” trong thứ mà Thiều Quang gọi là “văn chương chửi đời”, tức là văn chương tả chân Pháp thời cực thịnh, của Flaubert và Maupassant:
“Mấy chuyện dịch liền:
Kẻ vô nghệ nghiệp, Người lang thang, v.v… xuất hiện lần đầu trên tờ
Ngọ báo với tên ký giả: Vũ Trọng Phụng”. Rồi Vũ Trọng Phụng không đăng văn dịch nữa, chuẩn bị sáng tác. ít lâu sau trên tờ
Ngọ báo xuất hiện truyện ngắn “Thủ đoạn” của Vũ Trọng Phụng đăng liền ba số “trong đó anh tả một ông xếp ta chịu “dâm sự” với một ông xếp Tây, để củng cố địa vị, để được chóng tăng lương, để được hống hách với mọi người và cũng để được tạo cơ hội làm tiền”. … Sau đó, “bỗng một hôm, Vũ Trọng Phụng nhận được trát toà đòi, do nhà báo chuyển, truy tố về tội “chửi phong hoá” (outrage aux bonnes moeurs)”. Phụng đưa Thiều Quang xem tờ trát và còn cho xem cả bài cãi dự định sẽ đọc trước toà. Phụng đem bài cãi ấy đến sở đánh máy làm nhiều bản, người xếp của Phụng được dịp liền đi báo xếp Tây và thế là Phụng bị đuổi việc. Nhưng rốt cuộc bài cãi ấy không cần cho hồ sơ vụ án. Quan toà chỉ hỏi những điều cần biết vẻn vẹn có 5 phút để chuyển sang vụ khác
[1] .
Sự việc Vũ Trọng Phụng từng bị gọi ra toà như Thiều Quang nói đó có phải sự thật không? Suốt những năm 1960-90 không ai bàn tới. Ở miền Bắc, tác phẩm của nhà văn này bị cấm tái bản và lưu hành suốt 30 năm (1957-87); chi tiết nhỏ, có vẻ bất lợi cho một tên tuổi cũ vốn đang chịu thiệt thòi này, quả là không phải lúc để nhắc lại; ở miền Nam thời gian ấy, tên tuổi và tác phẩm Vũ Trọng Phụng được giới văn nghệ nhắc nhở thường xuyên, nhưng chi tiết nhỏ này trong tiểu sử nhà văn thì ít ai để ý tìm tòi; cuốn
Tập san phê bình do Thiều Quang ấn hành ở miền Bắc, hẳn không “vượt tuyến” để được biết đến ở miền Nam…
Từ sau năm 1987, khi tác phẩm của Vũ Trọng Phụng trở lại được phép tái bản, văn nghiệp Vũ Trọng Phụng trở lại là đối tượng được nghiên cứu thảo luận bình thường, người ta ngày càng thấy rõ vị trí hàng đầu của nhà văn này trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Ðối với một tác gia lớn, sự nghiên cứu tìm hiểu từ nay có thể đi vào những chi tiết nhỏ về tiểu sử. Người viết những dòng này thử nói đến một việc nhỏ từng xảy ra trong đời nhà văn trẻ Vũ Trọng Phụng chính là với ý nghĩa như vậy.
2.
Những năm 2000-03, tôi chú ý tìm tòi mảng viết đầu đời văn Vũ Trọng Phụng
[2] , trong đó tìm thấy truyện ngắn “Thủ đoạn” đăng 3 kỳ
Ngọ báo đầu năm 1931 mà Thiều Quang từng nhắc đến. Tìm đọc kỹ hơn vào những tin tức thời sự ở một số tờ báo đương thời, tôi thấy sự kiện Vũ Trọng Phụng bị gọi ra toà là có thực.
Qua báo chí đương thời có thể biết rằng, đầu năm 1932, ở Hà Nội có lệnh cấm các cuốn
Tri thức phổ thông mới của Lương Văn Can (nhà in Thuỵ Ký, Hàng Gai, Hà Nội)
[3] ,
Sách chơi xuân năm Nhâm Thân (của nhà sách Nam Ký; một trong những đồng tác giả là Trần Tuấn Khải; hai ông Nam Ký và Trần Tuấn Khải bị tạm giam ở Hoả Lò mấy ngày, sau luật sư xin cho được tạm tha từ chiều 19/3/1932 trong khi chờ ra ngồi ghế bị cáo tại phiên toà chính thức)
[4] . Sở mật thám thành phố ráo riết khám xét các hiệu sách, các nhà in. Trong một lần khám xét, chủ nhà in Long Quang ở 85 Hàng Bông bị truy tố vì in một quyển sách không có giấy phép của Nguyễn Văn Thìn
[5] .
Ðầu tháng 3/1932, một người cũng tên là Nguyễn Văn Thìn bị gọi ra Toà Trừng trị, Vũ Trọng Phụng cũng bị gọi ra toà trong vụ này với tư cách tòng phạm. Không thấy báo đăng tin phiên sơ thẩm vụ ấy ở Toà Trừng trị, nhưng cuối tháng 3/1932 thì có tin báo đăng việc xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Văn Thìn ở Toà Thượng thẩm. Ðây là bản tin của
Ngọ báo:
Tiếng chuông tại Toà Thượng thẩm
Sáng hôm nay Toà Thượng thẩm họp do quan Morché làm chánh án, các ông Verron, Rozé làm tham thẩm, ông Joyeux ngồi ghế biện lý, ngoài những vụ trộm cướp, toà đã đem phúc thẩm lại vụ án
Tiếng chuông mà Toà Trừng trị đã kết án Nguyễn Văn Thìn 6 ngày tù, 50f phạt; M. Vũ Trọng Phụng 50f.
Sau khi hỏi xong các bị cáo nhân, toà tuyên án cho M. Phụng được hưởng án treo, còn y án Nguyễn Văn Thìn. Thế là vụ án
Tiếng chuông kết liễu ở trong 6 ngày tù, 50f phạt tại Toà Thượng thẩm sáng hôm nay”.
[6]
Ở Sài Gòn, nhật báo
Trung lập đưa tin này muộn hơn một tuần:
Một cái gương sáng cho những ông văn sĩ hay viết càn
Vì tập văn Tiếng chuông,
Nguyễn Văn Thìn phải bị án tù và tiền phạt.
HANOI. - Toà Thượng thẩm nhóm sáng hôm 22 Mars, do quan chánh án Morché chủ toạ.
Ngoài những việc trộm cướp ra, Toà có phiên lại một cái án “văn chương”.
Nguyễn Văn Thìn, là người đứng xuất bản tập
Tiếng chuông, bị truy tố là vì đã cho đăng trong tập ấy một bài của
Võ Trọng Phụng, làm thơ ký cho một nhà buôn, công kích một ông Nghị mà xét ra bài ấy có tính cách làm bại hoại phong hoá, và vì đã xuất bản tập
Tiếng chuông như thể tạp chí mà không xin phép trước.
Võ Trọng Phụng là tác giả bài ấy, cũng bị truy tố.
Trước đây Toà án Trừng trị đã kết án: Nguyễn Văn Thìn sáu ngày tù và năm mươi quan tiền phạt; Võ Trọng Phụng năm mươi quan tiền phạt.
Nay Toà Thượng thẩm y án Nguyễn Văn Thìn; còn cho Võ Trọng Phụng được hưởng án treo.
Thế là kết liễu một cái án “văn chương”.
[7]
Hai bản “tin toà án” đương thời như trên cho thấy việc Vũ Trọng Phụng bị gọi ra toà là việc hoàn toàn có thật. Ðiều luật mà nhà văn trẻ này vi phạm là “tội tổn thương phong hoá” (outrage aux bonnes moeurs).
Chính Thái Phỉ, cây bút bình luận văn chương thời gian này của tờ
Ngọ báo, sau phiên sơ thẩm vụ này không biết bao lâu nhưng chắc chắn là 4 ngày trước phiên phúc thẩm vụ án này, đã viết khá kỹ về loại tội phạm này. Mở đầu bài “Quanh mấy vụ án văn chương về tội tổn thương phong hoá” (
Ngọ báo, Hà Nội, 18/3/1932;
Trung lập, Sài Gòn, đăng lại ở
Phụ trương văn chương số 48, ngày 2/4/1932), Thái Phỉ viết, chừng như xác nhận phiên sơ thẩm vụ án trên ở Hà Nội, cùng một vụ án tương tự ở Hải Phòng:
“Vừa rồi Toà án Trừng trị ở Hà Nội và Hải Phòng đã xử mấy vụ án văn chương về tội tổn thương phong hoá (outrage aux bonnes moeurs). Chủ nhân mấy tập văn, cả đến tác giả những bài văn bị khống cáo và ông chủ nhà in đã ấn hành những tập văn ấy cũng bị lôi ra trước thần công lý. Rồi kẻ thì bị phạt tù, người thì bị phạt bạc, chỉ vì vô tình mà phạm vào pháp luật. Ông này hứng bút viết nên một câu chuyện hay một câu văn có tính cách hối dâm, nghĩa là khiến cho người đọc tưởng tượng đến những cái “bẩn thỉu” trong sự nam nữ. Ông nọ lấy tư cách con buôn mà chiều khách lấy tiền, không ngờ lại thành ra người đồng loã với tác giả những dâm từ kia.”
Thái Phỉ có nhắc đến những cuốn sách loại này đã bị đưa ra toà án ở Pháp như
Chanson des Gueux (
Bần dân ca khúc) của Jean Richepin,
Un mois chez les filles (
Một tháng trong đám gái ngang) của Maryse Choisy, nhưng phần chính bài báo của ông là nhằm giải thích nội dung quy phạm hình luật nước Pháp về tội danh này, chẳng hạn: luật ngày 29 Juillet 1881 chia ra 2 thứ: tổn thương phong hoá bằng ngôn ngữ nói hoặc viết là tội về ngôn luận, do toà án đại hình nghị xử; tổn thương phong hoá bằng thư kiện (écrits), ấn phẩm (imprimés), hình hoạ (peintures), biểu trưng (emblèmes)… là tội về thường luật, do toà trừng trị nghị xử; luật ngày 16 Mars 1898 ấn định người phạm tội này bị phạt tù từ 1 tháng đến 2 năm và bị phạt bạc từ 500f đến 1000f. Về cách xác định tội phạm xảy ra trên ấn phẩm định kỳ (nhật báo, tạp chí…) có người quản lý, Thái Phỉ cho biết luật hình quy định chủ quản lý hoặc chủ xuất bản là chính phạm, còn tác giả và chủ nhà in chỉ là tòng phạm; chỉ khi nào ấn phẩm không có chủ quản lý hoặc chủ xuất bản thì tác giả mới là chính phạm, v.v…
[8]
Ðối chiếu với các quy phạm trên, chủ xuất bản ấn phẩm
Tiếng chuông Nguyễn Văn Thìn là chính phạm, tác giả Vũ Trọng Phụng có bài in trong ấn phẩm đó mà toà cho là “công kích một ông Nghị” và “có tính cách làm bại hoại phong hoá”, - chỉ là tòng phạm, bị toà sơ thẩm (Toà Trừng trị) phạt tiền 50f, nhưng toà phúc thẩm (Toà Thượng thẩm) cho hưởng án treo. Khác với cách nêu tên chính phạm, bản tin toà án của
Ngọ báo thêm một chữ M. (monsieur = ông) trước họ tên tác giả (Vũ Trọng Phụng) tòng phạm trong vụ án này.
Việc xác định sự kiện Vũ Trọng Phụng bị gọi ra toà năm 1932, thiết nghĩ là cần thiết để thấy rằng từ rất sớm, chủ trương văn chương tả chân của nhà văn trẻ đã khiến ông gặp phản ứng mạnh từ xã hội đương thời; ông sớm phải mang tiếng là viết văn khiêu dâm có lẽ từ vụ án này, và với nhà phê bình Thái Phỉ, ông sẽ có va chạm về quan niệm rõ rệt và mạnh mẽ hơn trong những năm về sau.
3.
Tuy vậy, ta vẫn chưa thật rõ tác phẩm nào của Vũ Trọng Phụng đã khiến ông bị can án.
Theo lời kể của Thiều Quang (1957) thì có vẻ như đó là truyện ngắn “Thủ đoạn” đăng 3 kỳ
Ngọ báo (25/1/1931; 26&27/1/1931; 28/1/1931). Ðọc trực tiếp vào văn bản truyện ngắn mà trong diễn biến có mô tả một cảnh tình dục đồng giới (homosexualle) này, ta sẽ thấy rằng dù Thiều Quang có nhớ lầm một vài tình tiết, nhưng ông không mấy lầm lẫn mà cũng không quá phóng đại khi nhớ lại dư luận bên ngoài (“dư luận bên ngoài sôi nổi; có người tìm đọc Vũ Trọng Phụng, có người sợ không dám đọc Vũ Trọng Phụng”) và thái độ của những người cùng sở (“người ta làm ra thản nhiên bình thường như không biết đến, nhưng vẫn có những con mắt đưa ngang nhìn Vũ Trọng Phụng, nhìn để cảnh giác cũng có, nhìn để lấy làm quái cũng có”) sau khi truyện ngắn này xuất hiện trên báo. Ðặt trong tình thế đương thời, dù xét dưới quan niệm về tục và dâm của công luận người Việt hay xét theo quy phạm luật pháp của chính quốc có giá trị áp dụng cho các thuộc địa về “tội tổn thương phong hoá” như đã nêu trên, thì truyện ngắn “Thủ đoạn” nếu bị đem truy tố cũng không có gì là khó hiểu.
Nhưng xem kỹ hai bản tin toà án dẫn trên, quan toà cho rằng bài văn của họ Vũ “công kích một ông Nghị”, thì đó có vẻ không phải là truyện ngắn “Thủ đoạn”; ông sếp nghiện cả tình dục khác giới lẫn tình dục đồng giới ở truyện này chỉ là ông chủ hãng buôn, chưa bén mảng đến nghị trường; quan toà thực dân hẳn không suy luận quá xa ra ngoài văn cảnh câu chuyện.
Vả chăng, nếu tác giả truyện ngắn đó là Vũ Trọng Phụng bị truy tố thì tại sao người chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng tải lần đầu truyện ngắn đó là chủ nhiệm
Ngọ báo Bùi Xuân Học lại không thấy bị hề hấn gì? Ðành rằng tin toà án cho biết ấn phẩm đăng bài văn của họ Vũ là tờ
Tiếng chuông, nhưng nếu
Tiếng chuông bị truy tố vì đăng “Thủ đoạn” thì vì sao
Ngọ báo từng đăng “Thủ đoạn” lại vô can? Có phải vì tập
Tiếng chuông in không giấy phép nên nhân thể bị quan toà soi mói thêm và thấy trong đó có một truyện phạm tội “tổn thương phong hoá”? Hoặc nữa, thay vì “Thủ đoạn”, phải chăng tờ
Tiếng chuông đã đăng một bài khác của Vũ Trọng Phụng?
Người đang viết những dòng này đã lưu ý tìm văn bản và dư luận đương thời về ấn phẩm có tên
Tiếng chuông này. Hiện tôi đã tìm được 2 số của ấn phẩm này, lại cũng tìm được một số tin tức và phản ứng của báo chí về nó.
Tiếng chuông là một ấn phẩm kiểu tạp chí, mỗi số 12 trang 19x27cm (kể cả 4 trang bìa), thường không in rõ thời điểm ấn hành, nhưng 2 số hiện tìm thấy cho phép dự đoán được in ra vào cuối năm 1931. Căn cứ vào các quảng cáo hoặc lời nhắn bạn đọc in trên 2 số này, đồng thời căn cứ vào một số bài của Văn Tôi (Hoàng Tích Chu) trên báo
Ðông Tây ở Hà Nội đương thời thì dạng ban đầu của tờ này là
Tiếng cười thế sự, người chủ trương là Kim Long Nguyễn Văn Thìn, trụ sở ở 114 Rue du Chanvre (= Hàng Gai?) Hà Nội. Chính người chủ trì ấn phẩm này viết rằng sau khi ra 2 số đầu, ông ta mới biết tin tờ tạp chí
Tiếng cười do Nguyễn Tường Tam chủ trương sắp ra mắt, vì vậy ông ta quyết định từ số 3 ấn phẩm của mình sẽ đổi thành
Tiếng chuông văn tập.
Người nghiên cứu ngày nay có thể ngờ rằng chính việc tự ý đổi tên ấn phẩm đã khiến người chủ trương nó bị coi là in một tạp chí không có giấy phép. Ðấy cũng là một khả năng. Tuy vậy, người đương thời là nhà báo Hoàng Tích Chu lại đặt tờ này vào cả loạt những ấn phẩm sớm nở tối tàn, đang mọc ra nhan nhản thời ấy, do những người chủ trương nó “ăn phải bả văn chương”, “bác phó may Tràng Tiền quẳng mẹ cả kim cả chỉ cả kéo cả vạch để sấn vào làng văn”, đẻ ra những ấn phẩm tạp chí tập san có giấy phép thậm chí không giấy phép. Hoàng Tích Chu đánh giá khía cạnh hữu ích của sự xuất hiện loại ấn phẩm này là phá thế độc quyền của các nhật báo chính ngạch, nó cho họ thấy: “Cứ gì phải gọi là tờ báo có đề ngày đề số đề tên ông chủ nhiệm, chủ bút. Cốt viết được bài, in ra giấy, phát cho trẻ chạy rong các phố. Ðủ rồi”. Nhưng ông tiếc cho những người chủ trương loại ấn phẩm này thường thiếu sức thiếu tài nên ấn phẩm dễ chết yểu, vả lại họ cũng mắc những thói tầm thường của các chủ báo độc quyền là hay khoe khoang đủ thứ. Ông Chu gọi đây là những “ông Tướng”. Ðã thấy nào là ông Tướng
Duy tân, nào là ông Tướng
Ngòi bút thép, nào là ông Tướng
Dân mới, ra mắt đấy rồi mất tăm ngay đấy… “
Tiếng cười thế sự mới đẻ ra. Ông Tướng cười không tợn mà là cánh hơi du. Mới số hai đã thấy ông thay hình đổi dạng”
[9] .
Việc
Tiếng chuông ra mắt thay
Tiếng cười thế sự, Hoàng Tích Chu cũng lịch sự chào mừng, dù có hơi hạ cố một chút:
“Trong số báo trước, tôi đã có dịp phô mấy ông Tướng nhà ta để doạ mấy ông chủ báo độc quyền.
Tiếng chuông rung quả lắc, nay một Tướng nữa ra đời, cũng hăng hái lắm. Tôi không thể giới thiệu thêm, vì mới trận đầu, ta không nên quá hẹp hòi mà đoán phỏng cái tài người. Tạm có lời mừng bạn trẻ đấy.
Bạn trẻ nhà ta này coi bộ đạo đức lắm, như người ta đã quá tin ở sức mắt trông được nhiều cuộc đau thương phiền giận. Chẳng lẽ im hơi làm ông ẩn giả non, cái nợ nam nhi… ừ, cái nợ nam nhi nó bắt ông lên một tiếng chuông để gợi tỉnh người đời. Người đời nghe không? Có lẽ kẻ rung chuông tin rằng có. Chẳng tin sao lại phí bỏ cái tuổi thanh xuân hơ hớ mà giam hồn trong bốn mảnh giấy ép giữa chiếc bìa vàng?”
[10]
Dưới đây là ít dòng mô tả 2 số của ấn phẩm này.
Bìa ngoài dùng giấy bìa màu vàng, in các dòng chữ:
Tiếng chuông. Publication satirique & litteraire. Collection Kim Long – 114 Rue du Chanvre, Hanoi. Tuy có ghi
No 1, No 2, nhưng không ghi ngày tháng năm in và phát hành.
Tiếng chuông số 1: Dưới đề mục dài dòng “Ý tưởng và học thuyết. Mặt sau đời dưới ánh sáng chân lý” là bài của Văn Thìn: “Tôi hỏi ông Hoàng Tích Chu về thuyết đời công đời tư’’ (tr. 3-4). Dưới đề mục “ẩn tình xã hội” là bài của Ống Ảnh: “Con hay bố??’’ (tr. 5-7). Rồi đến mục “Ngọn bút Xuyên Tâm” với các bài nhỏ “Mèo đốm mõm’’, “Râu rồng hay râu mèo’’, “Ông thiên lôi nước Nam’’ đều có tính cách trào lộng (tr. 8-9). Tiếp đó là bài của Tài Tử: “Bình phẩm kịch “Hai tối tân hôn” của ông Vi Huyền Ðắc’’ (tr. 9-10). Bìa 3 (tức tr. 11) có bài của Kim Long “Nên đi học thêm, hỡi Mậu Hà Lê Diễm tiên sinh’’.
Tiếng chuông số 2: Ở mục “Ý tưởng và học thuyết…” là bài của Văn Thìn: “Tụi hề khéo múa! Vì sự “mất bát đĩa” mà tôi phải hỏi ông Phùng Văn Long, chủ nhiệm
Thời báo” (tr. 3-6). Tiếp đó là bài của Kim Long phê bình một cuốn sách đang in của Nguyễn Thường Diễm nhan đề
Kiếp hoa (tr. 7-8). Mục “Ngọn bút Xuyên Tâm” có hai bài châm biếm hai ký giả tờ
Ðông Tây. Tiếp đó là 2 trang trinh thám tiểu thuyết
813? do Kim Long Văn Thìn dịch thuật.
Có thể thấy rõ ở người chủ trương ấn phẩm này một thái độ đả kích kịch liệt nhắm vào các tờ báo lớn, có ảnh hưởng, đông người đọc và do thế cũng bị coi là những tờ báo nhà giàu, trong khi người chủ trương ấn phẩm này thường tự xưng thuộc hạng “văn sĩ nghèo”. Văn Thìn luôn luôn gọi những tờ như
Ðông Tây của Hoàng Tích Chu là “lá cải”, mỗi bài viết ở
Tiếng chuông thường bêu xấu đích danh nhiều nhà báo lâu năm, không rõ vì tác giả căm tức thật hay đây chỉ là cách thu hút độc giả. Một ví dụ thấy rõ là việc Hoàng Tích Chu nhắc đến tờ này đã được Văn Thìn triệt để khai thác; ông ta chĩa ngòi bút đả kích vào nhiều ký giả của
Ðông Tây, không buông tha người bỉnh bút chuyên mục phụ nữ của báo ấy là bà Việt An, hơn thế còn đăng lời đe doạ gây sự vì cho là ông chủ
Ðông Tây giả mạo thư từ để nói xấu Văn Thìn; có lẽ vì vậy mà Hoàng Tích Chu sau đó đã xoa dịu rồi lảng tránh, có thể là không muốn tiếp thị không công cho bạn trẻ táo tợn này
[11] .
Nhưng… xin trở lại đề tài đang tìm kiếm.
Trong bài mục hai số
Tiếng chuông như trên không thấy tên tác giả Vũ Trọng Phụng. Vậy mà phán xét của quan toà trong vụ án lại dứt khoát khẳng định họ Vũ có bài phạm tội “tổn thương phong hoá” in trong ấn phẩm
Tiếng chuông của Nguyễn Văn Thìn.
Ðến đây có hai khả năng: 1) Số
Tiếng chuông có in bài của Vũ đã bị toà tịch thu và tiêu huỷ; điều này không thấy nói đến trong bản tin toà án mà ta đã biết, nhưng đây là quy định của luật pháp đương thời, như Thái Phỉ thuật trong bài báo dẫn trên: “những thư kiện, đồ bản, giấy yết thị, v.v… bị khống cáo là những khí cụ đã dùng để phạm tội trên này đều bị sai áp và huỷ hoại đi”
[12] ; tuy vậy chừng nào chưa đọc được hồ sơ vụ này (mà chuyện “đọc được” này chỉ còn rất ít khả năng cho nhà nghiên cứu hiện nay) thì đây vẫn chỉ là điều phỏng đoán; và trong phỏng đoán theo hướng này thì có thể số
Tiếng chuông đó đã đăng truyện “Thủ đoạn’’ của họ Vũ chẳng hạn. 2) Bài văn gây án của Vũ nằm trong 2 số
Tiếng chuông hiện còn; trong khả năng này bài đó được ký một bút danh khác mà khi bị thẩm vấn thì Nguyễn Văn Thìn đã khai cho Vũ Trọng Phụng và tác giả này không chối cãi sự can dự đó của mình. Giả định như vậy rồi, lại phải xem bài nào có thể là bài đã bị toà cáo giác là “công kích một ông Nghị” và “có tính cách làm bại hoại phong hoá”?
Căn cứ vào bài vở trong hai số
Tiếng chuông kể trên, có lẽ bài “Con hay bố??’’ ở số 1, người viết ký tên Ống Ảnh, là trường hợp duy nhất có cả hai dấu hiệu nêu trong bản án. Ðây là một truyện ngắn, kể về gia đình “cụ” Toàn, biệt danh “Ðèn Giời”, thủ chỉ làng Tri Xá, có ba con trai là ông Phán, ông Nghị, ông Hàn. “Cụ” hồi hưu, vợ đã chết, không có người đấm bóp nên ba ông con bàn nhau cưới nàng hầu cho bố, nhưng toan tính sao đó nên cuối cùng theo kế ông Nghị, bề ngoài là thuê người ở mà bề trong bố vẫn có người đấm bóp. Thế là trong nhà có một cô người ở xinh xắn. “Cụ” bắt cô này làm nàng hầu thật sự, nhưng rồi có khi nửa đêm chợt thức giấc, “cụ” lại thấy cô này đang ngủ với ai đó ở giường bên, nhìn kỹ thì ra ông Nghị. “Cụ” bỗng hiểu tại sao thằng con không cưới nàng hầu cho bố: nó thuê cô này làm con ở “để nó giở thủ đoạn… công ty với bố”! Ba tháng sau cô này có chửa; bố con cật vấn “mày chửa với ai?” nhưng cả “cụ”, cả ông Nghị, cả cô ta không ai có thể trả lời rõ ra được; mấy bà con dâu can hai bố con: “dù nó chửa với thầy hay với con thầy thì cũng là máu mủ họ Lê nhà ta…” và đưa ra giải pháp: bảo cô ta nếu bị giới chức làng xã cật vấn thì cứ khai chót ngủ với một người trên tỉnh, rồi vì chuyện đó mà cô làm xấu mặt nhà này nên bị đuổi đi, nhưng nhà này sẽ ngầm giúp cho mẹ con cô một cái vốn để được mẹ tròn con vuông…
Về nội dung, câu chuyện vô luân trong nhà “cụ” Toàn mà kẻ chủ trò là ông Nghị con trai “cụ”, nếu quan toà soi đến, chắc hẳn nó sẽ bị coi là can tội “tổn thương phong hoá”, nhất là xét theo quan niệm của cộng đồng người Việt, thời đó và cả thời nay. Dụng ý châm biếm cái thương luân bại lý của giới nhà giàu thôn quê trong truyện sẽ bị các quan toà bỏ xuống hàng sau; họ sẽ trước hết chú ý đến tình tiết vô luân trong câu chuyện.
Về dấu ấn người viết, nếu đọc kỹ truyện này ta sẽ phân vân: nó có thể là thuộc ngòi bút Vũ Trọng Phụng, nhưng cũng có thể không phải của ông. Nhất là ở trường hợp này, tác giả truyện ký một cái tên rành rành là Ống Ảnh. Trừ chủ ấn phẩm
Tiếng chuông Nguyễn Văn Thìn, khó có ai biết Ống Ảnh là ai. Luôn thể xin nêu nhận xét: loại ấn phẩm như tờ này có một đặc điểm là hầu hết nội dung bên trong đều thuộc cùng một người viết, mà người viết thường đồng thời cũng là người đứng tên xin giấy phép và xin mua giấy in. Ðó là kiểu “tự xuất bản” đã cắm rễ khá sâu trên đất Hà Nội. Chẳng hạn,
Ðại đồng thư xã của Trương Tửu cuối những năm 1930 hay
Tập san phê bình của Thiều Quang năm 1957 cũng vẫn thuộc cái kiểu “làm một mình từ A đến Z” như thế. Theo lề lối ấy thì hầu hết những bài có trong 2 số
Tiếng chuông nói trên đều là của Kim Long Nguyễn Văn Thìn. Sự thực có lẽ là như vậy. Nhưng văn viết truyện trong “Con hay bố??’’ hình như có khác: chất lượng văn miêu tả kể chuyện khá hơn so với các bài khác. Song, khó có người giám định nào dám cả quyết truyện này chắc chắn là sáng tác của Vũ Trọng Phụng.
*
Tóm lại, nay đã có được một vài tư liệu xác nhận việc nhà văn Vũ Trọng Phụng từng bị gọi ra toà với tính cách tòng phạm trong một vụ án văn chương năm 1932, theo đó ông bị cáo giác là tác giả một bài văn “công kích một ông Nghị” và “có tính cách làm bại hoại phong hoá” in trong tập
Tiếng chuông do Nguyễn Văn Thìn chủ trì, một ấn phẩm bị quan toà cho là phạm pháp vì đã in khi chưa xin cấp phép. Tuy vậy chưa thể biết bài văn của nhà văn họ Vũ in trong đó là tác phẩm nào; có thể phỏng đoán truyện ngắn “Thủ đoạn’’ từng đăng
Ngọ báo đầu năm 1931, nhưng trên 2 số
Tiếng chuông hiện tìm thấy lại không in truyện này, chỉ có một truyện nhan đề “Con hay bố??’’ có vài điểm có thể ứng với nội dung tội phạm bị kết án, song truyện này lại gắn với tên một tác giả khác, và ta chưa thể khẳng định đây có phải là tác phẩm của Vũ Trọng Phụng hay không.
Một kết quả tìm tòi như trên hẳn chưa thể thoả mãn những ai quan tâm. Ðối với người viết bài này cũng vậy.
Hà Nội, 15/8/2005
© 2005 talawas
[1]Thiều Quang, “Chút ít tài liệu về Vũ Trọng Phụng’’,
Tập san phê bình. Số đặc biệt về
Vũ Trọng Phụng, đời sống và con người, Hà Nội, tháng 10/1957, tr. 3-4.
[2]Xem thêm:
Chống nạng lên đường, sưu tập sáng tác đầu tay của Vũ Trọng Phụng do Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn, Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn, 2001; in lần thứ hai có bổ sung, 2004.
[3]Ngọ báo, 2 Fevrier 1932
[4]Ngọ báo, 20 Mars 1932
[5]Ngọ báo, 29 Janvier 1932
[6]Ngọ báo, 23 Mars 1932
[7]Trung lập, 29 Mars 1932
[8]Thái Phỉ, „Quanh mấy vụ án văn chương về tội tổn thương phong hoá“,
Ngọ báo, Hà Nội, 18 Mars 1932
[9]Văn Tôi, „Chuyện đâu: Cái nạn văn chương hay là nghề làm báo cũng mất độc quyền“,
Ðông Tây, số 131 (12 Décembre 1931)
[10]Văn Tôi, „Chuyện đâu: Lại ông Tướng
Tiếng chuông ra đời“,
Ðông Tây, số 134 (23 Décembre 1931)
[11]Văn Tôi,
„Chuyện đâu: Văn Thìn trước là ai?“,
Ðông Tây, số 135 (30 Décembre 1931)
[12]Thái Phỉ, „Quanh mấy vụ án văn chương về tội tổn thương phong hoá“,
Ngọ báo, Hà Nội, 18 Mars 1932