© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
5.10.2005
Milovan Djilas
Giai cấp mới
10 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
 
Nhà nước đảng trị

1.

Cơ chế quyền lực cộng sản có thể là một cơ chế đơn giản nhất mà người ta có thể nghĩ ra được, kết quả là nó tạo ra những hình thức đàn áp tinh vi nhất và bóc lột dã man nhất.

Cơ chế này cực kì đơn giản, tại chóp bu của mọi hoạt động chính trị, kinh tế và tư tưởng là một đảng duy nhất, đảng của những người cộng sản. Xã hội dậm chân tại chỗ, hay vận động với tốc độ rùa bò hay lao vào những khúc quanh chóng mặt, tất cả phụ thuộc vào các quyết định của tổ chức đảng.

Vì vậy công dân trong các hệ thống cộng sản hiểu ngay điều gì được phép làm, còn điều gì thì không. Không phải là luật pháp mà là quan hệ bất thành văn giữa chính quyền và thần dân của nó đã trở thành “phương hướng hành động” chung cho tất cả mọi người.

Ai cũng hiểu rằng quyền lực, bất chấp luật pháp, nằm trong tay các tổ chức đảng và cảnh sát mật. “Vai trò lãnh đạo của đảng” không thấy ghi trong bất kì điều luật nào, nhưng lại thấm vào mọi tổ chức và mọi lĩnh vực hoạt động; không thấy ở đâu nói rằng cảnh sát mật của đảng có quyền theo dõi các công dân, nhưng cảnh sát vẫn là lực lượng đầy uy quyền; không có tài liệu nào nói rằng toà án và viện kiểm sát phải báo cáo với tổ chức đảng và cảnh sát mật, nhưng sự thật đã là như thế. Sự thật là như thế đối với nhiều người đã không còn là bí mật, đa số đều biết. Người ta cũng biết rằng cái gì được phép, cái gì bị cấm và ai có quyền cấm. Đấy là lí do vì sao người ta có thể thích ứng được với hiện thực và bất kì vấn đề gì họ cũng giải quyết với tổ chức đảng hoặc tổ chức nằm dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng.

Việc quản lí các tổ chức xã hội được thực hiện bằng một phương pháp đơn giản sau đây: các đảng viên ở đó thành lập đảng đoàn và đưa ra mọi quyết định sau khi đã thoả thuận với cấp lãnh đạo bên trên. Đấy chỉ là sơ đồ chung. Trong thực tế, nếu tổ chức do một người có quyền lực trong đảng lãnh đạo thì nó không cần phải thoả thuận về những vấn đề không quan trọng với ai hết. Ngoài ra, những đảng viên đã quen với hệ thống sẽ biết vấn đề nào là quan trọng, vấn đề nào không vì cấp trên chỉ quan tâm đến những vấn chung, có tính nguyên tắc hay có tính chất đặc biệt mà thôi. Đảng đoàn tồn tại để khi cần có tiếng nói cuối cùng của đảng, còn những người bầu ra tổ chức ấy nghĩ gì thì nó không thèm quan tâm.

Cội nguồn của phương pháp quản lí và thực thi quyền lực của đảng, cũng như của chế độ toàn trị cộng sản và giai cấp mới xuất phát từ giai đoạn chuẩn bị cách mạng của đảng. Chính những đảng đoàn trước đây đã phát triển, phân nhánh, hoàn thiện và đóng vai trò lãnh đạo trong các cơ quan chính quyền và tổ chức xã hội. Chính lí thuyết về vai trò tiên phong của đảng của giai cấp công nhân tạo ra “vai trò lãnh đạo của đảng” trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước cách mạng, lí thuyết này đã trui rèn nên lực lượng cán bộ cho cách mạng, nay nó lại đóng vai trò biện hộ cho chế độ toàn trị của giai cấp mới. Thật ra cũng có một chút khác biệt. Trước đây, cách mạng và những hình thức của nó là việc không tránh khỏi, thậm chí là nhu cầu của bộ phận xã hội nhằm hướng đến tiến bộ kinh tế và kĩ thuật.

Nhưng thoát thai từ cách mạng, bạo lực toàn trị và ách thống trị của giai cấp mới đã trở thành núi đá đè lên xã hội, làm cho xã hội kiệt sức vì mất bao mồ hôi, xương máu. Một vài hình thức cách mạng đã trở thành phản động. Đảng đoàn là một trong những hiện tượng như thế.

Việc điều hành dưới chế độ cộng sản được bộ máy nhà nước thực hiện theo hai cách. Cách thứ nhất: theo chức năng như đã nói ở trên. Về nguyên tắc đây là phương pháp chủ yếu. Nhưng trên trên thực tế phương pháp thứ hai: một số chức vụ của chính quyền chỉ được giao cho các đảng viên lại hay được áp dụng. Đấy là những vị trí được coi là quan trọng đối với mọi chính quyền, đặc biệt là chính quyền cộng sản: cảnh sát, trước hết là cảnh sát mật, ngoại giao đoàn và tầng lớp sĩ quan, nơi công tác chính trị và tình báo được coi là công tác chủ yếu. Chỉ các cơ quan trung ương của ngành tư pháp mới bị kiểm soát một cách nghiêm ngặt: cơ quan này thuộc quyền các tổ chức đảng và cảnh sát nhưng lương thấp nên không hấp dẫn. Xu hướng chung là làm cho ngành này trở thành hấp dẫn hơn, có nhiều bổng lộc hơn để lôi kéo các đảng viên. Khi đó việc quản lí ngành tư pháp sẽ dễ dàng hơn hoặc thậm chí không cần thiết nữa: toà án sẽ xử theo đúng đường lối chung của đảng, nghĩa là theo đúng “tinh thần xã hội chủ nghĩa”.

Chỉ có trong chế độ cộng sản mới có việc một số ngành chức năng (đã liệt kê và cả những ngành khác nữa) mới bị các đảng viên hoàn toàn khống chế. Chính quyền cộng sản dù mang tính giai cấp về nội dung lại mang tính đảng về hình thức, quân đội của đảng, nhà nước do đảng lãnh đạo. Nếu nói cho thật đúng thì người cộng sản có xu hướng coi nhà nước và quân đội là vũ khí của riêng mình.

Dù không được thể hiện trên bất cứ tài liệu nào nhưng chỉ có đảng viên mới có quyền trở thành cảnh sát, sĩ quan quân đội, trở thành các nhà ngoại giao, nghĩa là các đảng viên và chỉ có các đảng viên mới có quyền giữ các chức vụ quyền lực, thực thi quyền lực, điều đó không chỉ tạo ra một tầng lớp quan liêu, tầng lớp ưu tú mà còn đơn giản hoá cơ chế quản lí. Bằng cách đó đảng đoàn đã bao gồm ở mức độ này hay mức độ khác tất cả những người làm việc trong các lĩnh vực này. Kết quả là các cơ quan đó trở thành một trong những bộ phận của công tác đảng, đảng đoàn biến mất.

Vì vậy trong các chế độ cộng sản không có sự khác biệt của các cơ quan đó với các tổ chức đảng, nhất là giữa đảng và cảnh sát mật. Đảng và cảnh sát liên hệ mật thiết với nhau trong hoạt động hàng ngày, sự khác nhau chỉ còn là phân công lao động. Đảng, có thời đã là người tổ chức quần chúng, thì nay đã trở thành một bộ máy.

Toàn bộ cơ chế quyền lực được thực hiện theo sơ đồ sau: các cơ cấu chính trị là đặc quyền của các đảng viên, các cơ quan ban ngành khác thì hoặc do các đảng viên nắm giữ hoặc bị họ kiểm soát một cách gắt gao. Chỉ cần ở trung ương diễn ra cuộc họp hoặc công bố một bài báo là toàn bộ bộ máy sẽ đi vào vận hành. Chỉ cần một nơi nào đó có trục trặc là đảng và cảnh sát sẽ can thiệp ngay.


2.

Nếu đảng cộng sản không phải là một đảng đặc biệt thì hình thức nhà nước đó không thể nào tồn tại được.

Trên kia đã nói đến tính chất đặc biệt của đảng cộng sản. Nhưng vẫn cần phải nói thêm một loạt biểu hiện đặc thù nữa ngõ hầu làm rõ bản chất của nhà nước cộng sản.

Đảng cộng sản là đảng đặc biệt không chỉ vì nó là đảng cách mạng, tập trung, có kỉ luật nhà binh, có những mục tiêu cụ thể... Tất cả những điều vừa nói đều là những tính chất đặc biệt của nó cả.

Có cả những đảng khác với những tính chất gần như thế.

Nhưng chỉ có trong đảng cộng sản thì sự thống nhất về tư tưởng, sự thống nhất về thế giới quan và quan điểm trong việc xây dựng xã hội mới là bắt buộc với mọi đảng viên. Dĩ nhiên là mệnh lệnh này chỉ là bắt buộc đối với các cơ quan đầu não, các cơ quan cấp cao mà thôi. Các cấp bên dưới về hình thức cũng phải tuân thủ sự thống nhất về tư tưởng nhưng thực ra trách nhiệm của họ chính là: thực thi các nghị quyết. Nhưng xu hướng chung là phải nâng cao trình độ của cấp dưới để họ luôn nắm được quan điểm của lãnh tụ.

Dưới thời Lenin sự bất đồng quan điểm vẫn còn được chấp nhận. Lenin không cho rằng tất cả các đảng viên đều bắt buộc phải có quan điểm hoàn toàn giống nhau, mặc dù chính ông là người khởi xướng việc lên án và loại bỏ khỏi hàng ngũ của đảng những quan điểm mà ông cho rằng không hoàn toàn mác-xít, hay thiếu tính đảng, nghĩa là những quan điểm mà theo ý ông là không có tác dụng củng cố đảng. Ông đã xử lí các nhóm đối lập trong đảng không phải theo kiểu của Stalin: không bắn giết mà chỉ bịt miệng. Dưới quyền ông người ta còn được thảo luận và biểu quyết. Chế độ toàn trị chưa hoàn toàn thắng thế.

Đối với Stalin thì sự thống nhất về tư tưởng, thống nhất về chính trị là điều kiện để trở thành đảng viên. Đấy là đóng góp trực tiếp của Stalin vào lí luận về đảng kiểu mới. Điều đáng chú ý là luận điểm về sự thống nhất tuyệt đối về tư tưởng được ông ta phát biểu ngay từ khi còn rất trẻ. Dưới triều Stalin sự thống nhất về tư tưởng là điều kiện bắt buộc của tất cả các đảng cộng sản và điều đó vẫn còn tác dụng cho đến tận hôm nay.

Các lãnh tụ Nam Tư, ban lãnh đạo Liên Xô cũng như các đảng cộng sản khác hiện vẫn giữ quan điểm như vậy. Sự kiên trì tính thống nhất về tư tưởng trong đảng không chỉ là dấu hiệu của sự trì trệ mà còn chứng tỏ rằng trong các ban “lãnh đạo tập thể” hiện nay không có sự trao đổi ý kiến hoặc rất ít khi có trao đổi ý kiến.

Sự thống nhất bắt buộc như vậy nói lên điều gì và sẽ dẫn đến đâu?

Sẽ dẫn đến hậu quả thật là tai hại.

Trước hết là bất kì đảng nào, đặc biệt là đảng cộng sản, quyền lực cũng nằm trong tay lãnh tụ hoặc các cơ quan lãnh đạo. Sự thống nhất là mệnh lệnh (đặc biệt là đối với đảng cộng sản, một đảng có kỉ luật theo kiểu nhà binh) nhất định sẽ dẫn tới việc bao cấp về tư tưởng của trung ương đối với các đảng viên thường. Nếu dưới thời Lênin tư tưởng chỉ được thống nhất sau các cuộc đấu tranh dữ dội ở các cấp cao nhất, thì Stalin bắt đầu tự mình quyết định tư tưởng nào là đúng, còn “ban lãnh đạo tập thể” hiện nay lại chỉ cần ngăn chặn không cho những tư tưởng mới xuất hiện là được. Chủ nghĩa Marx đã trở thành lí luận của các ông trùm cộng sản như thế đấy. Một chủ nghĩa Marx hoặc chủ nghĩa cộng sản khác không thể nào xảy ra được, trong hiện tại và có thể cả trong tương lai nữa.

Hậu quả của sự thống nhất về tư tưởng thật là tai hại: nền chuyên chế của Lenin dĩ nhiên là khắc nghiệt, nhưng nó chỉ trở thành toàn trị dưới trào Stalin. Việc chấm dứt cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ đảng đã dẫn đến sự tiêu diệt tự do trong toàn xã hội. Sự bất dung đối với các trào lưu tư tưởng khác và việc khăng khăng khẳng định tính khoa học giả tạo của chủ nghĩa Marx-Lenin đã tạo ra sự độc quyền tư tưởng của ban lãnh đạo chóp bu của đảng và cuối cùng là sự thống trị tuyệt đối của nó đối với xã hội.

Thống nhất về tư tưởng thực chất là sự đè nén mọi sáng kiến không chỉ trong phong trào cộng sản mà trong toàn xã hội nữa. Tất cả những gì mang tính mới mẻ đều phải được đảng cho phép, xã hội bị đặt hoàn toàn dưới sự giám sát của đảng, còn trong đảng thì không có chút tự do nào.

Sự thống nhất về tư tưởng không xảy ra ngay lập tức, điều đó, cũng như những điều khác trong chế độ cộng sản đã phát triển một cách tuần tự và nó chỉ đạt được sức mạnh tuyệt đối khi các xu hướng khác nhau của phong trào đấu tranh quyết liệt với nhau để giành quyền lực. Và không phải vô tình mà vào giữa những năm 20 của thế kỉ XX chính Trotsky bị yêu cầu từ bỏ quan điểm của mình. Stalin bắt đầu tập hợp lực lượng.

Sự thống nhất về tư tưởng là cơ sở của độc tài cá nhân, thiếu sự thống nhất đó thì độc tài cá nhân không thể nào tồn tại được. Cái này tạo ra cái kia và củng cố lẫn nhau. Điều này được giải thích như sau: tư tưởng là kết quả của sự suy tư sáng tạo của từng cá nhân riêng biệt, còn sự độc quyền tư tưởng chỉ là mặt nạ của chế độ độc tài. Mặc dù sự thống nhất về tư tưởng và chế độ độc tài đã song song tồn tại ngay từ khởi thủy của phong trào bolshevik, phong trào cộng sản hiện đại, nhưng chúng chỉ được củng cố khi chế độ bước vào giai đoạn trưởng thành và sẽ là xu hướng chủ đạo cho đến ngày diệt vong của chế độ đó.

Việc diệt trừ các quan điểm khác nhau trong ban lãnh đạo đảng tự động dẫn đến việc loại bỏ các trào lưu, xu hướng trong nội bộ phong trào và như vậy đồng nghĩa với việc giết chết dân chủ trong các đảng cộng sản. Trong chế độ cộng sản “lãnh tụ là người biết tuốt” đã trở thành nguyên tắc: những kẻ có quyền dù ngu dốt đến đâu cũng đều trở thành nhà tư tưởng hết.

Khi người ta tiến hành các biện pháp nhằm tăng cường sự thống nhất về tư tưởng trong đảng cũng là lúc sự độc tài cá nhân hay độc tài của một nhóm những kẻ cầm đầu đang được củng cố. Nhóm này có thể tạm thời thoả thuận với nhau hoặc cùng tồn tại khi có sự cân bằng lực lượng tạm thời.

Trong quá khứ người ta đã từng thấy xu hướng thống nhất về tư tưởng của các đảng khác nữa, đặc biệt là các đảng xã hội. Nhưng đây chỉ là xu hướng và cũng không kéo dài như những đảng cộng sản. Đảng viên không chỉ là một người mác-xít mà phải là mác-xít theo quan điểm và chỉ thị từ trung ương. Từ một tư tưởng có tính cách mạng và tự do, chủ nghĩa Marx đã trở thành một giáo lí không khác gì trong các chế độ độc tài phương Đông, nơi vương triều có toàn quyền qui định và giải thích giáo lí, còn nhà vua đóng luôn vai trò Giáo Chủ.

Sự thống nhất bắt buộc về tư tưởng, đã phát triển qua nhiều giai đoạn và mang nhiều hình thức khác nhau, đã và vẫn là đặc điểm cơ bản của đảng bolshevik.

Nhưng sự thống nhất bắt buộc như thế sẽ không thể nào xảy ra được nếu như đảng không phải là cha đẻ của giai cấp mới và nếu như nó không đặt ra cho mình nhiệm vụ lịch sử chưa từng có.

Lịch sử hiện đại chưa có giai cấp nào hay đảng phái nào thực hiện được sự thống nhất tuyệt đối về tư tưởng trong hàng ngũ của mình như đảng cộng sản. Nhưng ngoài họ thì cũng chưa ai có ý định cải tạo toàn bộ xã hội chủ yếu bằng các biện pháp chính trị và hành chính. Chỉ có những người có niềm tin tuyệt đối, có niềm tin mù quáng vào sự đúng đắn và trong sáng của các quan điểm và mục đích của mình mới dám làm những việc như vậy. Nhiệm vụ này khó khăn đến nỗi nó đòi hỏi không chỉ thái độ không khoan nhượng đối với các tư tưởng khác và các nhóm xã hội khác mà còn đòi hỏi sự khuất phục của toàn xã hội và sự cố kết của chính giai cấp cầm quyền. Đấy chính là lí do vì sao đảng cộng sản cần một sự ổn định vững chắc về tư tưởng.

Sau khi đã đạt được rồi, sự thống nhất về tư tưởng sẽ trở thành một định kiến. Người cộng sản được dạy rằng thống nhất về tư tưởng (thực ra là các tư tưởng được truyền từ trên xuống) là điều thiêng liêng bất khả xâm phạm, bè phái trong đảng là hoạt động xấu xa nhất.

Như vậy là không thể tạo được chế độ toàn trị nếu không đàn áp các nhóm xã hội khác, cũng như sự thống nhất về tư tưởng không thể xảy ra được nếu không tiến hành thanh trừng ngay trong hàng ngũ của mình. Hai quá trình này diễn ra đồng thời và quyện chặt vào nhau một cách “khách quan” trong nhận thức của những người sáng lập chế độ toàn trị, mặc dù đấy là hai việc khác nhau, một đằng là tiêu diệt kẻ thù và mặt khác là “giải quyết quan hệ” trong nội bộ. Dĩ nhiên Stalin biết rằng Trotsky, Bukharin hay Dinoviev không phải là gián điệp hay những kẻ phản bội. Nhưng việc họ bất đồng với ông ta đã tạo nhiều khó khăn cho việc thiết lập chế độ toàn trị và ông ta phải tiêu diệt họ, tất cả chỉ có thế mà thôi. Tội lỗi của ông ta đối với đảng chính là ông ta đã biến sự tranh chấp, bất đồng khách quan về tư tưởng và đường lối chính trị trong đảng thành tội lỗi chủ quan của từng người và từng nhóm khác nhau và vu cho họ những hành động tội ác mà họ không phạm.

Nhưng đối với chế độ cộng sản thì đấy là con đường bắt buộc phải đi qua. Có thể thiết lập chế độ toàn trị, nghĩa là tạo ra sự thống nhất về tư tưởng, bằng những biện pháp mềm dẻo hơn biện pháp mà Stalin đã áp dụng, nhưng thực chất vẫn chỉ là một. Ngay cả trong những trường hợp khi mà công nghiệp hoá không phải là biện pháp cũng như điều kiện để tạo ra chế độ toàn trị - Tiệp và Hung là những thí dụ - thì đảng cộng sản vẫn áp dụng những biện pháp không khác gì những biện pháp được áp dụng ở các nước chậm phát triển, thí dụ như Liên Xô. Đấy không phải là do Liên Xô áp đặt cho các đảng đàn em mà là bản chất của các đảng cộng sản, bản chất của tư tưởng cộng sản. Quyền lực tối thượng của đảng đối với xã hội, đồng nhất chính quyền và bộ máy quyền lực với đảng, chỉ những cấp nào đó mới được quyền có tư tưởng là những đặc thù của tất cả các đảng cộng sản cầm quyền.

Đảng là sức mạnh của chính quyền và nhà nước cộng sản. Đảng là người tạo nên tất cả, là cội nguồn và sức mạnh cố kết giai cấp mới, quyền lực, tài sản và tư tưởng của giai cấp ấy.

Chính vì vậy mà trong chế độ cộng sản không thể xảy ra độc tài quân sự mặc dù ở Liên Xô có vẻ như đã từng có các âm mưu cướp quyền của giới tướng lĩnh. Nếu giả dụ chế độ độc tài quân sự có thuyết phục được xã hội về sự cần thiết phải tập trung toàn bộ sức mạnh và chấp nhận hi sinh trong một thời gian nào đó thì nó cũng không thể kiểm soát được toàn bộ xã hội. Chỉ có một đảng duy nhất làm được chuyện đó, đấy là đảng tuyên truyền cho những lí tưởng cao cả, sự độc đoán chuyên quyền của nó được các đảng viên và tất cả những ai tin vào lí tưởng ấy coi không những là cần thiết mà còn là hình thức tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội cao nhất.

Nếu xét theo khía cạnh tự do thì độc tài quân sự trong chế độ cộng sản là một tiến bộ lớn. Nó đồng nghĩa với việc cáo chung của chế độ toàn trị của đảng, của nhóm chóp bu nắm quyền của đảng đối với xã hội.

Về lí thuyết, độc tài quân sự chỉ xảy ra khi đất nước gặp thất bại năng nề về quân sự hoặc có khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Lúc đó hình thức khởi thuỷ của nó sẽ là độc tài của đảng hay dưới danh nghĩa độc tài của đảng. Nhưng điều đó nhất định sẽ dẫn tới sự thay đổi của toàn bộ hệ thống.

Chế độ độc tài toàn trị của nhóm đầu sỏ trong đảng trong các chế độ cộng sản không phải là kết quả nhất thời của cuộc tranh chấp chính trị mà là kết quả của một quá trình phức tạp và kéo dài. Sự cáo chung của chế độ độc tài không chỉ có nghĩa là sự thay thế hình thức cai trị này bằng hình thức cai trị khác mà còn là sự thay đổi, đúng hơn là khởi đầu của sự thay đổi của cả hệ thống. Nền chuyên chính của đảng chính là hệ thống, là linh hồn, trí tuệ và bản chất của cả hệ thống.


3.

Trong chế độ cộng sản, quyền lực tập trung vào tay một nhóm rất nhỏ các lãnh tụ và cái gọi là chuyên chính vô sản chỉ còn là những lời sáo rỗng mà thôi. Chính lí thuyết về vai trò tiên phong của giai câp vô sản đã góp phần làm nên chuyện đó.

Không nghi ngờ gì rằng trong giai đoạn đấu tranh giành quyền lực, đảng đã là lãnh tụ thực sự của quần chúng lao động, đã bảo vệ quyền lợi của họ. Nhưng ngay từ bấy giờ vai trò và vị trí của đảng đã đồng thời là những giai đoạn và hình thức để tiến đến quyền lực của chính mình. Giai cấp công nhân đã được lợi, nhưng đảng cũng được củng cố để trở thành người nắm quyền và hạt nhân của giai cấp mới. Ngay khi giành được quyền lực, đảng - làm như mình là hiện thân quyền lợi của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động - ngay lập tức “khoác vào mình toàn bộ gánh nặng” của chính quyền và không quên kiểm soát luôn toàn bộ tài sản quốc gia. Sự tham gia và vai trò của giai cấp vô sản, ngoại trừ giai đoạn đấu tranh cách mạng ngắn ngủi lúc đầu, về thực chất cũng không khác gì các giai cấp khác.

Điều đó không có nghĩa là giai cấp vô sản, đúng hơn là một bộ phận của nó, trong những giai đoạn nhất định không ủng hộ đảng. Những người nông dân hi vọng rằng công nghiệp hoá sẽ đưa họ ra khỏi tương lai tăm tối cũng đã bị gạt ra rìa hệt như thế.

Việc có những giai đoạn nhân dân lao động đã ủng hộ đảng không có nghĩa là, thứ nhất, nhân dân nắm được quyền lực và thứ hai, việc tham gia của họ có ảnh hưởng quyết định đến quá trình phát triển của xã hội và các quan hệ xã hội. Trong chế độ cộng sản không có quá trình nào trong những quá trình từng được thực hiện lại có tác dụng củng cố quyền làm chủ của quần chúng lao động nói chung và của giai cấp vô sản nói riêng.

Không thể nào xảy ra khác đi được.

Các giai cấp và các đám đông không thực thi các chức năng của quyền lực, các chính đảng thay mặt họ làm chuyện này. Ngay cả các đảng dân chủ nhất thì vai trò quan trọng nhất vẫn thuộc về các lãnh tụ, như vậy nghĩa là quyền lực của đảng bao giờ cũng là quyền lực của các lãnh tụ.

Cái gọi là chuyên chính vô sản, trong trường hợp tốt nhất cũng là quyền lực của đảng và sau đó nhất định trở thành quyền lực của các lãnh tụ đảng. Còn hiện ta đang thảo luận về chính quyền toàn trị thì chuyên chính vô sản chỉ còn là sự biện hộ về mặt lí luận, là cái mặt nạ che đậy cho sự chuyên chế của một số lãnh tụ đầu sỏ. Đấy là nói trường hợp tốt nhất.

Marx coi chuyên chính vô sản như là nền dân chủ trong nội bộ giai cấp vô sản và dành cho giai cấp vô sản, nghĩa là một chế độ trong đó tồn tại nhiều xu hướng và đảng phái xã hội chủ nghĩa. Công xã Paris năm 1871 là nền chuyên chính vô sản duy nhất thời Marx và ông đã dựa vào kinh nghiệm của nó để đưa ra kết luận của mình, nhưng Công xã là chính quyền đa đảng và những người mác-xít không đóng vai trò quan trọng cả về số lượng lẫn ảnh hưởng. Chuyên chính vô sản, nếu nói về sự thực thi quyền lực của cả giai cấp, chỉ là một giả tưởng vì quyền lực bao giờ cũng được thực thi thông qua các tổ chức. Lenin đã biến chuyên chính vô sản thành quyền lực của một đảng, còn Stalin thì biến nó thành quyền lực của riêng mình, biến thành nền độc tài cá nhân cả trong đảng và trong chính quyền. Sau cái chết của nhà độc tài cộng sản những người kế tục ông ta cảm thấy vô cùng vui mừng vì thông qua “lãnh đạo tập thể” họ có thể chia nhau quyền lực. Như vậy là trong tất cả các trường hợp vừa xét, chuyên chính vô sản chỉ là một giả tưởng hoặc là quyền lực của một số lãnh tụ đảng nhất định.

Lenin tin rằng Xô Viết là hình thức của chính quyền chuyên chính vô sản mà Marx từng nghĩ tới. Khởi kì thuỷ các Xô Viết, nhờ vào sáng kiến cách mạng và sự tham gia đông đảo của quần chúng đã tạo cho người ta cảm tưởng như thế. Trotsky cũng cho rằng Xô Viết có ý nghĩa thời đại tương tự như các cơ quan lập pháp trong cuộc đấu tranh với chế độ chuyên chế. Nhưng đấy chỉ là ảo tưởng. Từ những tổ chức cách mạng, Xô Viết đã thoái hoá thành hình thức chính quyền chuyên chế toàn trị của giai cấp mới, của đảng cầm quyền.

Chủ nghĩa tập trung dân chủ của Lenin cũng có diễn biến tương tự. Khi trong đảng còn có, dù ít dù nhiều, những cuộc tranh luận thì dù chưa thật dân chủ, ta vẫn có thể coi như có một chủ nghĩa như vậy. Sau khi chế độ toàn trị đã hoàn toàn thắng lợi, tập trung dân chủ chỉ còn là những từ ngữ sáo rỗng che đậy bản chất của nó là sự tuỳ tiện của tầng lớp chóp bu đương quyền mà thôi.

Từ những nguyên nhân đã nói ở trên có thể rút ra kết luận: việc biến chuyên chính của đảng thành độc tài cá nhân là quá trình bất khả kháng. Sự thống nhất về tư tưởng, mâu thuẫn không tránh khỏi của nhóm cầm quyền và nhu cầu của hệ thống nói chung nhất định sẽ đưa tới độc tài cá nhân. Lãnh tụ đảng, người đứng trên đỉnh cao nhất của quyền lực chính là kẻ thể hiện và bảo vệ một cách kiên định nhất quyền lợi của giai cấp mới.

Các điều kiện lịch sử cũng là nhân tố giúp cho việc thiết lập và củng cố nền độc tài cá nhân: nhu cầu đẩy nhanh công nghiệp hoá cũng như chiến tranh đòi hỏi mọi người phải có chung một ý chí, phải thống nhất hành động. Chúng ta có thể kể thêm một nguyên nhân nữa, nguyên nhân đặc biệt của chủ nghĩa cộng sản: đối với từng đảng viên và cả phong trào cộng sản thì chính quyền, quyền lực là mục đích chính và cũng là phương tiện chính. Người cộng sản khát khao quyền lực như nắng hạn khát mưa. Câu: “Được làm vua thua làm giặc” thể hiện đúng bản chất họ.

Vấn đề có thể còn là sự xa hoa của các lãnh tụ cộng sản nữa, họ không cưỡng được chuyện này không chỉ vì đấy là điểm yếu của con người nói chung mà còn vì nhu cầu thể hiện sức mạnh và hơn nữa ma lực của quyền sinh quyền sát đối với đồng loại, một loại nghệ thuật mà chỉ những người đặc biệt mới có.

Thói bon chen, ưa xa hoa, tham quyền. Phải kể thêm là tham nhũng nữa. Đây không phải là tham quan ô lại, chuyện này bây giờ có thể ít hơn chế độ cũ. Đây là loại tham nhũng đặc biệt: khi quyền lực nằm dưới quyền kiểm soát của một đảng, mà đảng ấy lại là nguồn gốc của tất cả đặc quyền đặc lợi, thì việc “quan tâm đến các chiến hữu”, việc bổ nhiệm họ vào những chức vụ có lợi, việc phân phối phúc lợi các kiểu giữa các đảng viên với nhau phải trở thành việc đương nhiên. Việc đồng nhất chính quyền và đảng với nhà nước (thực ra là với sở hữu) đã làm cho nhà nước cộng sản trở thành, có thể nói, nhà nước tự-tham-nhũng, nhất định kèm theo đặc quyền đặc lợi và những kẻ ăn bám.

Một đảng viên đảng cộng sản Nam Tư đã mô tả trạng thái tâm lí của một đảng viên thường như sau: “Nói một cách chân thành thì tôi như bị xé làm ba phần: tôi ghen với những người có ô tô đẹp hơn tôi vì tôi cho rằng họ cống hiến cho đảng và cho chủ nghĩa ít hơn tôi; tôi nhìn những người không có ô tô và nghĩ: đúng rồi - công lao ít; dù sao mặc lòng, tôi cảm thấy hạnh phúc vì nói gì thì nói tôi cũng có ô tô riêng”

Người này đúng ra không thể coi là đảng viên chân chính. Anh ta thuộc loại tin vào lí tưởng và tham gia phong trào nhưng sau đó đã thất vọng, chỉ còn coi đảng là nấc thang danh vọng mà thôi. Người cộng sản chân chính phải là hai trong một: cuồng tín và ham quyền lực vô bờ bến. Những người khác chỉ có thể được coi là những gã háo danh hoặc những người say mê lí tưởng mà thôi.

Trên mọi nấc thang của hệ thống cộng sản ta đều thấy tính chất quan liêu và được phân chia theo ngôi thứ rõ ràng. Khắp nơi đều có các nhóm mà người ngoài khó thâm nhập vào được và tất cả các nhóm đó đều châu tuần xung quanh các lãnh tụ hoặc ban lãnh đạo cấp trên. Tất cả hoạt động chính trị tựu trung chỉ là giải quyết mâu thuẫn giữa các nhóm ấy với nhau, ở đâu cũng có sự bao che, bè phái. Càng lên cao thì các mối ràng buộc gia đình, dòng họ càng mạnh. Các vần đề quốc kế dân sinh quan trọng nhiều khi được giải quyết trong bữa ăn hay các cuộc đi săn hoặc thảo luận chỉ có ba bốn người. Các cuộc hội nghị đảng, các cuộc họp của chính phủ hay quốc hội chỉ có tính chất trình diễn, được tổ chức nhằm hợp thức hoá các vấn đề đã được quyết định “trong xó bếp” từ lâu. Những người cộng sản coi quyền lực (của mình, dĩ nhiên rồi) như một bái vật cho nên khi những người ấy, đúng hơn phải nói những gia đình ấy, có mặt ở đâu đó như là những quan chức nhà nước thì ta thấy họ có ngay những bộ mặt lạnh lùng, xa cách và long trọng.

Đúng là chế độ chuyên chế, chỉ một chút khác biệt: ít kiến thức.

Chính hoàng đế, chính nhà độc tài cũng không nhận thức được rằng mình là độc tài, là hoàng đế. Stalin đã cười nhạo khi có người gọi ông ta là nhà độc tài. Ông ta cảm thấy mình chỉ là người đại diện cho ý chí tập thể của đảng. Ở khía cạnh nào đó thì ông ta cũng có lí, mặc dù có thể lịch sử chưa từng biết đến người nào có nhiều quyền lực hơn ông. Đơn giản là cũng như mọi nhà độc tài cộng sản khác, ông ta hiểu rằng chỉ cần xa rời các nguyên tắc tư tưởng cơ bản của đảng, xa rời sự độc quyền của giai cấp mới, xa rời chế độ toàn trị là ông ta sẽ bị lật đổ ngay. Là người tạo ra và cũng là đại diện thông minh nhất của hệ thống không bao giờ ông ta lại làm như thế. Nhưng Stalin cũng là người phụ thuộc vào hệ thống do chính ông ta lập ra, cũng phụ thuộc vào “ý kiến chung” của nhóm đầu sỏ nắm quyền. Ông ta không thể sống thiếu họ, cũng không thể chống lại họ.

Dù có vẻ kì quặc nhưng sự thật vẫn là: trong hệ thống cộng sản ngay cả cấp cao nhất, ngay cả lãnh tụ, tất cả đều không có tự do. Mọi người phụ thuộc lẫn nhau và đều phải rất thận trọng: làm sao không tách khỏi không khí chung, quan điểm chung, quyền lợi chung, cách hành xử chung.

Sau những điều đã trình bày ta còn có thể nói về chuyên chính vô sản được không?


4.

Lí thuyết của Lenin, được Stalin và những người khác bổ sung, đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố chế độ chuyên chế đảng trị. Có hai luận điểm quan trọng quyện chặt lấy nhau trong lí thuyết này: lí thuyết về nhà nước và luận điểm về sự cáo chung của chính nhà nước. Được trình bày đầy đủ nhất trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng do Lenin viết trong thời kì trốn tránh Chính phủ lâm thời, lí thuyết này cũng như toàn bộ chủ nghĩa Lenin đều dựa trên khía cạnh cách mạng của chủ nghĩa Marx về vấn đề nhà nước (có sử dụng nhiều kinh nghiệm của cuộc cách mạng Nga lần thứ I – năm 1905) và được các lãnh tụ cộng sản khác bổ xung thêm sau này. Từ quan điểm lịch sử, tác phẩm Nhà nước và cách mạng là vũ khí tư tưởng quan trọng của chính cách mạng chứ không phải cơ sở lí thuyết để xây dựng chính quyền mới.

Lenin coi nhà nước chỉ là biện pháp cưỡng chế, đúng hơn là cơ chế đàn áp của một giai cấp đối với các giai cấp khác trong xã hội. Lenin từng đưa ra định nghĩa ngắn gọn: “Nhà nước-dùi cui”

Điều đó không có nghĩa là các chức năng khác của nhà nước đã bị bỏ qua, nhưng ngay ở đây Lenin cũng tìm thấy vai trò chủ yếu của nhà nước: biện pháp đàn áp của giai cấp này đối với các giai cấp khác.

Nếu lí thuyết của Lenin về nhà nước có nhiệm vụ phá huỷ bộ máy nhà nước cũ và để chuẩn bị làm việc đó phải bóc hết những gì không phải là bản chất của nhà nước đi, thì lí thuyết đó còn xa mới có thể gọi là một khoa học.

Tác phẩm rất quan trọng này của Lenin, theo quan điểm lịch sử, tiếp tục truyền thống của lí luận cộng sản: các kết luận và quan điểm có vẻ khoa học thực ra được hình thành từ nhu cầu trực tiếp của đảng; một nửa chân lí được tuyên bố là chân lí. Không nghi ngờ gì rằng cưỡng chế và đàn áp là một phần máu thịt của mọi nhà nước, còn bộ máy nhà nước thì bị những lực lượng chính trị và xã hội khác nhau sử dụng (nhất là khi có xung đột võ trang). Nhưng từ kinh nghiệm của mình, mỗi người đều biết rằng xã hội, dân tộc cần bộ máy nhà nước để phát triển và phối hợp các chức năng khác nhau. Học thuyết cộng sản, trong đó có lí thuyết của Lenin đã bỏ qua khía cạnh này.

Trong thời quá khứ xa xôi đã có những cộng đồng không cần nhà nước và chính quyền. Không thể gọi đấy là xã hội vì đấy chỉ mới là giai đoạn chuyển tiếp từ tình trạng bán khai mông muội sang xã hội loài người. Nhưng ngay cả các cộng đồng đó cũng đã có những hình thức quyền lực nhất định. Lại càng ngây thơ khi cho rằng trong tương lai với cơ cấu xã hội ngày càng phức tạp hơn, nhu cầu về nhà nước sẽ biến mất. Lenin (dựa vào uy tín của Marx, thực ra về vấn đề này Marx ủng hộ những người vô chính phủ) đã nêu ra và biện giải cho một xã hội như thế, xã hội không còn nhà nước. Hãy để sang một bên tính chính đáng của các tiền đề, ta thấy ngay đấy là giấc mơ về một xã hội cộng sản phi giai cấp của ông. Nếu theo lí thuyết này thì vấn đề rất đơn giản: không còn giai cấp và đấu tranh giai cấp, không còn ai để áp bức, bóc lột nữa thì nhà nước dĩ nhiên là không cần. Trước khi đến đó thì “chuyên chính vô sản” là hình thức nhà nước “dân chủ nhất”, lí do: nó thủ tiêu các giai cấp và vì vậy sẽ dần dần trở thành không cần thiết nữa. Như vậy là mọi hành động nhằm tăng cường nền chuyên chính vô sản, nghĩa là dẫn tới “thủ tiêu” các giai cấp đều được coi là chính đáng, tiến bộ, đều đưa người ta tiến dần đến tự do cả. Đấy là lí do vì sao khi chưa giành được chính quyền thì những người cộng sản đòi hỏi phải có những hình thức dân chủ nhưng chỉ cần giành được chính quyền là họ lập tức đàn áp mọi yêu cầu tự do mà họ gọi là “tư sản”. Đấy là lí do vì sao hiện nay họ vẫn khăng khăng phân biệt “dân chủ tư sản” và “dân chủ xã hội chủ nghĩa” mặc dù đáng ra phải phân biệt về số lượng, nghĩa là tự do bao hàm những lĩnh vực nào.

Lí thuyết của Lenin nói riêng và của chủ nghĩa cộng sản về nhà nước chứa đầy khiếm khuyết: cả về khoa học cũng như trên thực tế. Chính cuộc sống đã bác bỏ lời tiên đoán của Lenin: “chuyên chính vô sản” không những không thủ tiêu các giai cấp mà chính nó cũng không có ý định tự tiêu vong. Đáng lẽ ra việc thiết lập chế độ toàn trị cộng sản sau khi đã tiêu diệt hết các giai cấp của xã hội cũ phải đem lại cho các nhà cầm quyền một sự “an bình” nhất định vì mục đích là tiêu diệt hoàn toàn các giai cấp đã cận kề. Nhưng không, sức mạnh của nhà nước (trước hết là các cơ quan chuyên chính) không những không giảm mà còn tăng thêm không ngừng.

Để che đậy thiếu sót về lí luận, Stalin đã phải và víu nó bằng cách bịa ra vai trò “giáo dục” ngày càng cao của nhà nước Xô Viết.

Nếu qui lí thuyết cộng sản về nhà nước, chưa nói đến thực tế, chỉ là cưỡng chế và đàn áp như là chức năng chủ yếu, nếu không nói là chức năng duy nhất, thì từ quan điểm của Stalin có thể thấy vai trò to lớn của cảnh sát, kể cả trong lĩnh vực giáo dục nữa. Rõ ràng chỉ những kẻ ác tâm mới có thể nghĩ như thế. Và ở đây, lí luận của Stalin là chỗ trú thân cho một nửa chân lí của cộng sản: không thể giải thích được tại sao trong “xã hội chủ nghĩa đã hoàn thành” sức mạnh và sự áp bức của bộ máy nhà nước ngày càng được tăng cường thêm, ông ta liền cho một trong những chức năng chủ yếu của nhà nước là giáo dục. Đàn áp không còn hợp thời nữa: các giai cấp đối kháng đã không còn, đàn áp giai cấp phải chấm dứt.

Lí luận “tự quản” do các lãnh tụ Nam Tư đưa ra cũng có chung số phận. Khi mâu thuẫn với Stalin đạt đỉnh điểm, họ phải nghĩ ra một cái gì đó để “sửa chữa” các “lệch lạc” của ông ta và khởi đầu sự “tiêu vong” của nhà nước. Nhưng điều đó không cản trở họ cũng như Stalin chăm bẵm lực lượng đàn áp, chăm bẵm cái chức năng, theo lí thuyết của họ là tối thượng của bộ máy nhà nước.

Điều đặc biệt là ngược lại với lí luận về sự “tiêu vong”, chức năng của nhà nước ngày càng mở rộng và phân nhánh cùng với số người tham gia vào bộ máy ngày một đông hơn. Nhận thức được rằng vai trò của bộ máy nhà nước sẽ ngày càng mở rộng và phức tạp thêm (dù xã hội đã chuyển sang giai đoạn “phi giai cấp”, giai đoạn “cộng sản), Stalin quyết định rằng nhà nước sẽ tiêu vong khi tất cả các công dân đều sẵn sàng nhận những công việc của ông ta, đạt đến trình độ của ông ta. Lenin cũng từng nói tới giai đoạn khi một bà nấu bếp cũng đảm đương vai trò quản lí nhà nước. Như chúng ta đã thấy các lí thuyết tương tự như của Stalin từng hiện diện tại Nam Tư. Nhưng không lí thuyết nào có thể san bằng được cách biệt giữa giáo điều cộng sản về nhà nước, nghĩa là sự “tiêu vong” các giai cấp và “tiêu vong” của nhà nước trong chế độ “xã hội chủ nghĩa” của họ với chế độ đảng trị-toàn trị trên thực tế.

Vấn đề quan trọng nhất, cả về phương diện lí thuyết và phương diện thực tiễn của chủ nghĩa cộng sản là vấn đề nhà nước, và đây chính là nguồn gốc của mọi rắc rối và những mâu thuẫn ngày một rõ.

Vì nhà nước không chỉ là - rất ít khi chủ yếu là - bộ máy đàn áp (trừ chế độ cộng sản, đây chính là một hình thức nội chiến giữa nhân dân và những kẻ đương chức đương quyền), nên bộ máy nhà nước cũng như toàn xã hội luôn nằm trong tình trạng chống đối, khi thăng khi giáng, tầng lớp chóp bu, một tầng lớp ngấm ngầm muốn biến bộ máy nhà nước thành một kẻ chỉ chuyên làm việc cưỡng bức. Cộng sản đã không hoàn thành được việc đó, cũng như họ không thể nô dịch được toàn bộ xã hội. Nhưng họ đã thiết lập được sự kiểm soát của các cơ quan chuyên chính - cảnh sát và đảng - lên toàn bộ bộ máy nhà nước và các công việc mà bộ máy này thực hiện. Vì vậy việc phản ứng của các cơ quan chính phủ đối với “sự thiếu cảm thông” từ phía đảng, công an hoặc các nhân vật cụ thể trên thực tế chính là phản ứng của xã hội, chính là sự chống đối của xã hội được thể hiện thông qua bộ máy nhà nước trước những o ép và coi thường các nhu cầu và ước vọng của nhân dân.

Ngay cả trong chế độ cộng sản, nhà nước và vai trò của nó cũng không chỉ là các cơ quan chuyên chính và không đồng nhất với các cơ quan này. Khi nhà nước như một cách tổ chức đời sống của nhân dân, của xã hội, chịu phục tùng các chủ thể này nghĩa là nhà nước nằm trong nhà nước. Chế độ cộng sản không thể giải quyết được mâu thuẫn đó vì tính toàn trị của nó luôn luôn xung đột với những xu hướng khác, trái ngược hoàn toàn với sự áp chế mà các chức năng khác của nhà nước có thể đảm nhiệm.


© 2005 talawas
Nguồn: Bản tiếng Nga, tại http://dzhilas-milovan.viv.ru/index.htm