Giai cấp mới
1.
Như đã nói ở trên, tại Liên Xô và các nước cộng sản khác, tất cả đã diễn ra không như tưởng tượng của các lãnh tụ nổi tiếng nhất như Lenin, Stalin, cũng như Trotsky và Bukharin. Cứ theo quan niệm của họ thì bộ máy nhà nước Liên Xô sẽ ngày một yếu đi, trong khi nền dân chủ sẽ ngày một mạnh thêm. Đã xảy ra điều hoàn toàn ngược lại. Người ta cho rằng mức sống sẽ được nâng cao nhanh chóng trong một tương lai không xa, nhưng hoá ra đời sống được cải thiện không đáng kể, trong các nước Đông Âu mức sống lại có phần bị sụt giảm: dù sao thì sự cải thiện điều kiện sống cũng không tương xứng với mức độ công nghiệp hoá. Người ta từng tin tưởng rằng mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay sẽ dần được san bằng, nhưng hoá ra các mâu thuẫn này ngày một sâu sắc thêm. Tình hình cũng xảy ra tương tự trong các lĩnh vực khác, kể cả các dự đoán về sự phát triển của thế giới phi cộng sản.
Nhưng ảo tưởng lớn nhất chính là ảo tưởng rằng cùng với việc công nghiệp hoá và tập thể hoá nghĩa là cùng với việc thủ tiêu sở hữu tư bản chủ nghĩa, Liên Xô sẽ trở thành xã hội phi giai cấp. Năm 1936, nhân dịp công bố Hiến pháp mới, Stalin tuyên bố rằng ở Liên Xô đã không còn giai cấp bóc lột, nhưng trên thực tế người ta không chỉ thực hiện xong quá trình thủ tiêu các nhà tư sản và các giai cấp khác của chế độ cũ mà còn thiết lập một giai cấp hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử.
Dễ hiểu là giai cấp mới này, cũng như mọi giai cấp trước nó trong quá khứ đã tự coi sự thống trị của mình là sự toàn thắng của hạnh phúc và tự do cho tất cả mọi người. Chỉ có một khác biệt duy nhất: thiếu khoan dung hơn, nó không cho phép nghi ngờ những ảo tưởng do nó áp đặt và không cho phép nghi ngờ quyền cai trị của mình. Điều đó lại chứng tỏ rằng sự thống trị của nó toàn triệt hơn mọi chế độ từng được biết đến trong lịch sử, thành kiến và ảo tưởng giai cấp của nó cũng tương đương như thế.
Cái giai cấp mới, tầng lớp quan liêu, đúng hơn phải nói tầng lớp chính trị quan liêu, không những mang trong mình nó tất cả đặc thù của các giai cấp bóc lột trước đó mà còn có những đặc trưng riêng biệt, khác hẳn. Ngay sự xuất hiện của nó, tuy có nhiều điểm chung với sự xuất hiện của những giai cấp khác, nhưng vẫn có những khác biệt.
Các giai cấp khác, trong đại đa số các trường hợp, cũng giành được tài sản và quyền lực bằng con đường cách mạng, nghĩa là phá bỏ các quan hệ chính trị, xã hội và các quan hệ cũ khác. Nhưng các giai cấp đó giành được chính quyền sau khi các hình thức kinh tế mới đã có thế thượng phong trong lòng xã hội cũ. Giai cấp mới trong hệ thống cộng sản xuất hiện không phải với mục đích hoàn thành các cuộc cải cách mà với ý định đặt nền móng cho các quan hệ kinh tế mới và sự thống trị của chính nó đối với xã hội.
Trong các thời đại trước, việc giành chính quyền của một giai cấp, một bộ phận của giai cấp hay của một đảng nào đó chính là hành động cuối cùng trong việc tạo lập và hình thành ý thức của thời đại. Tại Liên Xô tình hình diễn ra khác hẳn: giai cấp mới chỉ thực sự hình thành sau khi đã nắm được quyền lực. Nhận thức về thời đại tiếp tục phát triển - và phải phát triển vì cho đến lúc đó nó chưa ăn sâu, bén rễ vào đời sống của dân tộc – vượt trước cả khả năng kinh tế và khả năng vật lí của nó; còn vai trò của dân tộc và bức tranh của thế giới thì được vẽ ra dưới dạng lí tưởng hoá. Điều này tuy nhiên không làm giảm khả năng thực tế của nó. Ngược lại là khác. Cùng với những ảo tưởng và mặc dù có những ảo tưởng như thế, giai cấp mới chính là hiện thân của xu hướng công nghiệp hoá, một xu hướng đã trở thành đòi hỏi khách quan. Từ đó cũng xuất hiện tính thực dụng của nó. Niềm tin vào một thế giới lí tưởng do chính nó hứa hẹn đã cố kết đội ngũ, đã reo rắc ảo tưởng vào trong quần chúng nhưng cũng kêu gọi và động viên họ hoàn thành những công việc có ý nghĩa thực tiễn to lớn.
Vì giai cấp mới không thoát thai từ cội nguồn của các tiến trình kinh tế-xã hội hiện thực, ta chỉ có thể tìm thấy mầm mống của nó bên trong một tổ chức đặc biệt, một tổ chức dựa trên kỉ luật sắt và sự thống nhất về mặt tư tưởng. Họ phải lấy những nhân tố chủ quan, đấy là sự thống nhất về nhận thức và kỉ luật sắt để bù vào những khiếm khuyết khách quan trong lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội trong những giai đoạn đầu.
Nguồn gốc của giai cấp mới là đảng kiểu mới, đảng bolshevik. Lenin đã hoàn toàn có lí khi cho rằng đảng do ông thành lập là đảng đặc biệt trong lịch sử loài người, nhưng ông không thể nghĩ rằng chính đảng đó lại là cội nguồn của một giai cấp mới.
Đúng hơn phải nói rằng mầm mống của giai cấp mới không phải nằm trong toàn bộ đảng bolshevik mà chỉ nằm trong tầng lớp các nhà cách mạng chuyên nghiệp, lực lượng nòng cốt của đảng trước khi đảng giành được chính quyền. Không phải vô tình mà sau thất bại của Cách mạng năm 1905 Lênin đã khẳng định rằng chỉ có các nhà cách mạng chuyên nghiệp, nghĩa là những người lấy hoạt động cách mạng làm nghề nghiệp chính, ngoài ra họ không làm gì khác, mới có thể thành lập được một đảng kiểu mới mà thôi. Stalin, người kiến tạo giai cấp mới là biểu hiện rõ ràng nhất hình ảnh người cách mạng chuyên nghiệp kiểu đó. Nhóm các nhà cách mạng chuyên nghiệp đó đã phát triển dần dần thành một giai cấp cầm quyền mới. Các nhà cách mạng này sẽ còn đóng vai trò hạt nhân của nó trong một thời gian dài nữa. Trotsky đã nhận xét rằng chính các nhà cách mạng chuyên nghiệp đã tạo ra mầm mống của bộ máy quan liêu của Stalin. Nhưng ông đã không hiểu một điều, đây chính là mầm mống của một giai cấp cầm quyền, giai cấp bóc lột mới.
Nhưng điều đó không có nghĩa là đảng và giai cấp là một. Đảng chỉ là hạt nhân, là cơ sở. Thật khó, thậm chí không thể xác định được ranh giới của giai cấp mới và không thể liệt kê được tất cả các thành viên của nó. Nói chung, bất cứ người nào nhờ độc quyền trong việc quản lí mà có đặc lợi về kinh tế thì đều có thể coi là thuộc giai cấp mới cả.
Đồng thời công tác quản lí cũng là một công việc cần thiết cho xã hội cho nên cá nhân có thể vừa là một người có ích vừa là một kẻ ăn bám. Rõ ràng rằng không phải đảng viên nào cũng nằm trong giai cấp, cũng như không phải bất kì người thợ thủ công hay đảng viên đảng tư sản nào cũng được coi là nhà tư bản vậy.
Một cách chung nhất có thể nói rằng: cùng với việc củng cố giai cấp mới, khi bộ mặt của nó ngày càng thể hiện rõ thì vai trò của đảng cũng ngày càng giảm đi. Hạt nhân và cơ sở của giai cấp mới đã hình thành ở bên trong cũng như trên đỉnh quyền lực của đảng cũng như của bộ máy nhà nước. Cái đảng từng có lúc là một tổ chức sinh động, đầy sáng kiến, thì nay, đối với những người cầm đầu của giai cấp mới, họ đã biến thành một vật trang trí, càng ngày chỉ càng kéo vào hàng ngũ của mình những kẻ hãnh tiến, những kẻ muốn nhập vào hàng ngũ của giai cấp mới và đẩy những người vẫn còn tin vào lí tưởng ra.
Đảng sinh ra giai cấp. Sau đó giai cấp tự phát triển bằng chính nguồn lực của mình và sử dụng đảng như là cơ sở. Giai cấp thì mạnh lên, trong khi đảng thì yếu đi, đấy là số phận không thể cưỡng lại được của tất cả các đảng cộng sản cầm quyền.
Một đảng không quan tâm đến việc tái sản xuất, nghĩa là không mang trong mình nó giai cấp mới và tài sản của giai cấp ấy thì không thể nào trụ vững được về mặt tư tưởng và đạo đức, hơn nữa lại có thể cầm quyền lâu trong một thời gian dài như đảng cộng sản. Sau khi hoàn thành kế hoạch năm năm lần thứ nhất, Stalin hùng hồn tuyên bố rằng nếu không thành lập được bộ máy thì “chúng ta” đã thất bại rồi! Đáng ra phải nói thành lập “giai cấp mới” thì mọi sự đã rõ ràng hơn.
Việc một đảng chính trị trở thành mầm mống của một giai cấp mới có vẻ như là một việc không hoàn toàn bình thường. Thường thì đảng là sản phẩm của các giai cấp hay tầng lớp dân cư đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế và tinh thần nhất định. Nhưng nếu xem xét kĩ các bước thăng trầm của nước Nga và các nước khác, nơi mà chủ nghĩa cộng sản đã giành thắng lợi bằng nội lực thì ta sẽ thấy rằng cái đảng kiểu mới đó chính là sản phẩm của những hoàn cảnh cụ thể và không phải là hiện tượng bất thường và vô tình. Mặc dù chủ nghĩa cộng sản có nguồn gốc từ trong sâu thẳm của lịch sử Nga, nó còn là phó sản của hoàn cảnh chính trị mà nước Nga rơi vào trong cuộc chuyển tiếp giữa thế kỉ XIX và thế kỉ XX. Sự phát triển đã buộc nước Nga phải thoát ra khỏi chế độ độc tài chuyên chế, nhưng chủ nghĩa tư bản lại quá yếu, phụ thuộc vào tư bản nước ngoài, không đủ sức thực hiện cách mạng công nghiệp. Việc đó chỉ có thể được thực hiện bởi một giai cấp mới, dĩ nhiên là giai cấp này sẽ thực hiện theo những quan điểm riêng của mình.
Giai cấp như vậy chưa tồn tại.
Lịch sử không quan tâm đến việc ai làm, quan trọng là điều cần thiết đã được làm. Điều đó đã xảy ra ở Nga và ở các nước đã từng diễn ra các cuộc cách mạng cộng sản khác. Cách mạng đã tạo ra lực lượng: đấy là các lí tưởng, các tổ chức và những lãnh tụ cần thiết. Giai cấp mới đã hình thành từ những điều kiện khách quan, do ý chí, tư tưởng và hành vi của những lãnh tụ cách mạng.
2.
Giai cấp mới có nguồn gốc từ những người vô sản. Quí tộc thoát thai từ tầng lớp nông dân, giai cấp tư sản sinh ra từ những người buôn bán, thợ thủ công, các điền chủ thời trung cổ, tương tự như vậy, giai cấp mới được hình thành từ tầng lớp vô sản. Ở đây có thể có một số ý kiền bất đồng là do điều kiện đặc thù của từng dân tộc. Nhưng “vật liệu” hình thành nên giai cấp mới thì vẫn là tầng lớp vô sản ở những nước kém phát triển và chính tầng lớp ấy cũng còn rất lạc hậu
Nhưng nguồn gốc không phải là lí do duy nhất, thậm chí chỉ là lí do phụ giải thích vì sao giai cấp mới luôn luôn nói rằng họ là đại diện của giai cấp công nhân. Họ làm điều đó vì những lí do khác. Thứ nhất giai cấp này tuyên bố lập trường chống tư bản cho nên nó phải tìm sự ủng hộ của các tầng lớp lao động, thứ hai nó dựa vào cuộc đấu tranh và niềm tin của giai cấp vô sản về chế độ cộng sản, nơi không còn cảnh người bóc lột người dã man nữa. Ngoài ra giai cấp mới còn phải quan tâm đến việc đảm bảo cho qúa trình sản xuất hoạt động bình thường, đấy cũng là lí do nó phải cố gắng để không bị mất liên hệ với quần chúng lao động. Nhưng quan trọng nhất là giai cấp mới không thể tiến hành công nghiệp hoá và bằng cách đó củng cố sức mạnh của mình nếu không có giai cấp công nhân, những người vẫn coi việc nâng cao vai trò của công nghiệp là con đường thoát khỏi cảnh nghèo nàn và tuyệt vọng mà chính giai cấp này cũng như toàn dân tộc đang lâm vào. Quyền lợi, lí tưởng, hi vọng và niềm tin của giai cấp mới, của một bộ phận giai cấp công nhân và bần cố nông đã song hành với nhau trong một thời gian dài. Sự đồng thuận như vậy cũng đã từng xảy ra giữa các giai tầng của các giai cấp khác nhau trong quá khứ. Chả phải là giai cấp tư sản đã là người đại diện cho tầng lớp nông dân trong cuộc đấu tranh phản phong đấy ư?
Con đường đưa giai cấp mới đến với quyền lực là tham gia vào cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và những tầng lớp cùng khổ khác, các tầng lớp này chính là chỗ dựa của đảng, đúng hơn phải nói: của giai cấp mới. Quyền lợi của các lực lượng này liên kết chặt chẽ với nhau cho đến khi giai cấp mới thiết lập được sự thống trị của mình. Sau đó thì giai cấp vô sản và các tầng lớp nghèo khổ khác chỉ còn được quan tâm vì nhu cầu của sản xuất và giữ cho những tầng lớp dễ biến động và nổi loạn trong vòng kìm kẹp mà thôi.
Địa vị độc tôn đối với toàn xã hội mà giai cấp mới nhân danh giai cấp công nhân lập nên trước hết là sự độc tôn ngay với giai cấp công nhân, ban đầu là trong lĩnh vực tinh thần, dưới danh nghĩa là đội tiên phong của giai cấp vô sản, sau đó là trong tất cả các lĩnh vực khác, thực chất là một sự lừa dối vĩ đại mà giai cấp mới buộc phải thực hiện. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ rằng nguồn sức mạnh và lĩnh vực quan tâm của giai cấp mới chính là công nghiệp. Không có công nghiệp thì giai cấp mới không những không thể ổn định mà cũng không thể khẳng định được địa vị thống trị của mình.
Giai cấp mới luôn luôn được bổ sung bằng những người xuất thân từ giai cấp công nhân. Số phận của tầng lớp nô lệ từ xưa đến nay vẫn là như thế, họ phải cống nạp cho các ông chủ những đại diện tài năng nhất, có tầm nhìn xa trông rộng nhất của mình. Trong trường hợp này giai cấp bóc lột mới đã phát sinh và phát triển từ chính giai cấp bị bóc lột.
3.
Khi phân tích một cách có phê phán hệ thống cộng sản người ta thường đưa ra đặc trưng cơ bản nhất của hệ thống này, đây là việc toàn dân phải chịu khuất phục trước một tầng lớp đặc biệt, tầng lớp các viên chức quan liêu. Nói chung thì điều đó đúng. Nhưng khi phân tích một cách kĩ hơn thì ta sẽ thấy rằng toàn dân phải chịu khuất phục trước những con người cụ thể, những người trong thực tế không phải là quan chức hành chính, những người hợp thành hạt nhân của bộ máy quan liêu, hay theo cách gọi của tôi là giai cấp mới. Trên thực tế đấy chính là bộ máy quan liêu chính trị, bộ máy của đảng. Tất cả các viên chức khác chỉ là người giúp việc, ở đây có thể là một bộ máy vừa to lớn vừa chậm chạp nhưng cần thiết cho mọi cộng động. Sự phân biệt giữa nhóm thứ nhất và nhóm thứ hai có thể được nhận biết về mặt xã hội học, nhưng trong cuộc sống thì hai nhóm này là không thể tách biệt. Vấn đề không chỉ bởi vì toàn bộ hệ thống cộng sản là một hệ thống có tính chất quan liêu, tầng lớp quan liêu chính trị và hành chính đều có thể náu mình trong đó mà còn vì các đảng viên thường khi cũng thực hiện những nhiệm vụ quản lí có ích nhất định. Ngoài ra, tầng lớp quan chức chính trị không thể nắm hết đặc quyền đặc lợi, nó phải chia bớt một phần cho những quan chức khác nữa.
Ngoài ra cần phải nhận rõ sự khác nhau giữa bộ máy quan liêu chính trị đã nói ở trên với bộ máy quan liêu xuất hiện trong quá trình tập trung hoá của nền sản xuất hiện đại (sự độc quyền, các công ty, tài sản nhà nước). Trong các công ty độc quyền tư bản số lượng viên chức cũng đang tăng lên một cách nhanh chóng. Điều đó cũng đúng đối với cả các ngành công nghiệp đã được quốc hữu hoá ở phương Tây nữa. R. Dabin khẳng định rằng các viên chức nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất được coi là một tầng lớp đặc biệt: “Các viên chức thường sống gắn bó với các đồng nghiệp. Quyền lợi chung thường đóng vai trò chất kết dính, gắn bó họ với nhau, đặc biệt là sự cạnh tranh nội bộ ít xảy ra vì sự thăng tiến phụ thuộc vào thâm niên công tác. Khả năng xảy ra xung đột nội bộ như vậy là gần như không có, và người ta cho rằng điều đó có ảnh hưởng tích cực đối với bộ máy quan liêu. Nhưng tinh thần đồng đội và cơ cấu xã hội lại dẫn đến kết quả là cá nhân thường chăm lo đến quyền lợi của mình chứ không còn quan tâm đến khách hàng hay các viên chức cấp cao do bầu cử mà ra”
[1] .
Mặc dù có nhiều điểm giống nhau, nhất là tinh thần đồng đội, nhưng các viên chức quan liêu cộng sản không phải là các quan chức phương Tây đã được nói tới ở trên. Khác biệt là ở chỗ: tuy cũng là một giai tầng đặc biệt nhưng các viên chức nhà nước trong các nước không cộng sản không có quyền quyết định về tài sản, trong khi các viên chức cộng sản lại làm chính công việc ấy. Bên trên các viên chức phương Tây là các chính trị gia, thường là thông qua bầu cử hoặc là các ông chủ thực sự, trong khi đó bên trên các viên chức cộng sản thì không còn ai, không có chủ nhân cũng chẳng còn người quản lí nào khác, chỉ có họ với nhau mà thôi. Ở phương Tây thì đấy là các công chức trong nhà nước hiện đại hay các viên chức trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, còn ở đây là một hiện tượng hoàn toàn khác, ta thấy một giai cấp mới.
Tương tự như các giai cấp hữu sản khác, minh chứng cho sự tồn tại của một giai cấp đặc biệt chính là sở hữu và quan hệ đặc thù của nó với những giai cấp khác. Chỉ cần nhìn vào đặc quyền do cái sở hữu kia mang lại là ta biết ngay một cá nhân cụ thể có thuộc về giai cấp ấy hay không.
Nếu xem xét khái niệm “sở hữu” theo quan điểm được khoa học xác định ngay từ thời La Mã, như là quyền chiếm hữu, quản lí và sử dụng (usus, Fructus, abusus) sản phẩm vật chất thì tầng lớp quan liêu cộng sản đã thực hiện chính những quyền ấy đối với tài sản quốc gia. Còn muốn biết một người có thuộc tầng lớp quan liêu, tầng lớp hữu sản hay không, chỉ cần xem người đó được sử dụng những gì do tài sản đó mang lại, trong trường hợp này là tài sản đã được quốc hữu hoá. Một người được coi là thuộc về tầng lớp đảng trị quan liêu, thuộc về giai cấp mới nếu người đó nhận được nhiều hơn cái đáng lẽ xã hội phải trả cho phần công việc mà người đó thực hiện, cũng như trong mọi vị trí xã hội đặc quyền đặc lợi khác, chính vị trí mang lại cho người ta quyền được hưởng mọi ưu đãi. Trên thực tế quyền sở hữu của giai cấp mới được thể hiện trong việc bộ máy quan liêu đảng trị nắm toàn bộ quyền hành trong việc phân phối thu nhập quốc dân, định đoạt mức lương, lựa chọn phương hướng phát triển của nền kinh tế, cũng như quản lí số tài sản đã được quốc hữu hoá cũng như mọi tài sản khác mà trong con mắt một người dân bình thường thì đây là công việc vừa sức, có thu nhập cao chứ hoàn toàn không phải là một công việc quá nặng nề đối với người cán bộ cộng sản.
Sau khi đã huỷ bỏ quyền sở hữu tư nhân, về nguyên tắc giai cấp mới không thể dựa vào một kiểu sở hữu tương tự được nữa. Quan hệ sở hữu tư nhân không những không phù hợp đối với việc thiết lập quyền thống trị của giai cấp mới mà việc bãi bỏ quan hệ sở hữu này còn là điều kiện cần thiết về mặt kinh tế để cải tạo toàn bộ dân tộc. Giai cấp mới khai thác sức mạnh, đặc quyền, tư tưởng và thói quen từ một hình thức sở hữu đặc thù. Đấy là sở hữu tập thể, nghĩa là cái sở hữu mà nó có quyền quản lí và phân phối “nhân danh” dân tộc, “nhân danh” xã hội.
Hình thức quan hệ sở hữu cộng sản nói trên có xu hướng ràng buộc với những quan hệ xã hội hoàn toàn xác định. Đấy là quan hệ giữa sự quản lí độc quyền, một bên là một nhóm người rất nhỏ làm công việc quản lí và bên kia là đám quần chúng công nhân, nông dân và trí thức chẳng có một chút quyền hành gì. Nhưng mối quan hệ đó vẫn chưa phải là tất cả vì tầng lớp quan liêu cộng sản còn nắm độc quyền trong việc phân phối sản phẩm nữa.
Từ đó có thể thấy rằng bất kì sự thay đổi quan hệ xã hội nào, nghĩa là sự thay đổi quan hệ giữa những kẻ giữ độc quyền quản lí và người lao động nhất định sẽ dẫn tới thay đổi trong quan hệ sở hữu. Và ngược lại: sự giảm thiểu hay loại bỏ độc quyền phân phối sản phẩm sẽ làm thay đổi quan hệ xã hội đã nói ở trên, nghĩa là sẽ làm thay đổi tình trạng trong đó một số người được độc quyền quản lí còn số khác thì buộc phải làm việc.
Trong chế độ cộng sản quan hệ chính trị - xã hội và sở hữu (chính quyền toàn trị và độc quyền về sở hữu) liên kết và bổ sung cho nhau một cách hữu hiệu hơn bất kì hệ thống xã hội nào khác.
Tước bỏ quyền của những người cộng sản đối với sở hữu cũng có nghĩa là thủ tiêu họ như một giai cấp. Đấu tranh để buộc họ cho những lực lượng xã hội khác tham giai quản lí tài sản (giống như các nhà tư sản bị các cuộc đình công và quốc hội buộc phải cho công nhân tham gia vào việc phân chia lợi nhuận) cũng có nghĩa là tước bỏ của họ độc quyền đối với tài sản, độc quyền tư tưởng và độc chiếm chính quyền. Đấy sẽ là khởi đầu của dân chủ và tự do dưới chế độ cộng sản. Vì vậy khi điều đó chưa xảy ra thì việc thuyết phục người ta rằng có thể đạt được những thay đổi sâu sắc và nghiêm túc dưới chế độ cộng sản là một việc bất khả thi. Như vậy, sự thay đổi thật sự sâu sắc chỉ có thể là loại bỏ độc quyền cộng sản về kinh tế và chế độ toàn trị. Hiện tại thì chưa có tín hiệu nào rằng điều đó sẽ xảy ra trong một tương lai gần.
Quyền sở hữu của giai cấp mới cũng như việc một người được coi là thuộc vào giai cấp đó, như đã nói ở trên, được thực hiện thông qua đặc quyền quản lí của họ. Đặc quyền này bao trùm lên toàn bộ đời sống xã hội, từ quản lí nhà nước và quản lí kinh tế cho đến các cơ sở thể thao hoặc từ thiện. Lãnh đạo đảng, lãnh đạo chính trị chính là hạt nhân của toàn bộ hệ thống, có khả năng quản lí tất. Chính nó tạo ra đặc quyền đặc lợi. A. Uralov
[2] viết rằng lương trung bình của người công nhân Liên Xô vào năm 1935 chỉ có một ngàn tám trăm rub, trong khi bí thư huyện uỷ lĩnh tổng cộng khoảng 45 ngàn rub. Từ đó đến nay vị trí của người công nhân và cán bộ đảng đã có thay đổi. Nhưng thực chất vẫn như xưa. Các tác giả khác cũng đưa ra những số liệu tương tự. Không thể che giấu được những mối quan hệ như thế với ngay cả những người khách viếng thăm Liên Xô và các nước cộng sản khác trong thời gian vừa qua.
Các hệ thống khác cũng có các chính khách chuyên nghiệp. Ta muốn nghĩ về tầng lớp này thế nào cũng được, tốt có, xấu có, nhưng họ là một tầng lớp cần thíêt. Xã hội không thể tồn tại mà không có chính quyền, không có nhà nước, cũng như không thể thiếu những người đấu tranh để giành quyền lực.
Nhưng các chính khách chuyên nghiệp trong các hệ thống ấy là những người khác hẳn với các chính trị gia cộng sản. Trong trường hợp xấu nhất các chính khách đó có thể sử dụng quyền lực để giành đặc lợi cho mình hoặc cho những kẻ đồng hội đồng thuyền với mình, hoặc bảo vệ quyền lợi kinh tế của những giai tầng nhất định trong xã hội. Xã hội cộng sản thì khác hẳn. Ở đây chính sự quản lí, chính quyền lực đã đồng nghĩa với chiếm hữu, quản lí và sử dụng gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia. Giành được chính quyền nghĩa là giành được đặc quyền đặc lợi, và một cách gián tiếp là giành được sở hữu. Cho nên trong chế độ cộng sản quyền lực, chính trị như là một nghề, đã trở thành nếu không phải là nghề lí tưởng của tất cả mọi người (vì đối với số đông thì được làm quan là việc thiên nan vạn nan) thì cũng là nỗi khát khao của những người kẻ muốn được sống ăn bám hoặc cảm thấy rằng có hi vọng “lọt” vào được tầng lớp ăn bám đó.
Trước cách mạng, đảng viên cộng sản có nghĩa là nghèo khổ về vật chất, thoát li hoạt động cách mạng là vinh dự, thì giờ đây, khi đảng đã nắm được chính quyền đảng viên đồng nghĩa với thành viên của giai cấp nắm quyền, hoạt động cách mạng đồng nghĩa với việc trở thành những kẻ bóc lột đầy quyền uy.
Cách mạng cộng sản và hệ thống cộng sản cố tình che giấu bản chất của mình trong một thời gian dài. Tương tự như vậy, quá trình hình thành giai cấp mới không chỉ được che đậy bằng những thuật ngữ xã hội chủ nghĩa mà quan trọng hơn bằng hình thức sở hữu mới, sở hữu tập thể. Một hình thức sở hữu mới, sở hữu tập thể, hay như thường gọi là sở hữu xã hội xã hội chủ nghĩa là cần thiết cho quá trình công nghiệp hoá, nhưng thực ra đấy chính là hình thức sở hữu của tầng lớp quan liêu chính trị. Bản chất giai cấp của hình thức sở hữu này được che đậy bằng bình phong quyền lợi của toàn dân tộc.
4.
Marx - Lenin - Stalin - Khrushchev: lãnh tụ thay đổi, cách truyền bá tư tưởng cũng thay đổi theo. Marx là người có ý chí, nhưng ông không thể tưởng tượng ra cảnh cấm một người nào đó trình bày tư tưởng của anh ta; Lenin vẫn còn khoan dung với những cuộc thảo luận trong đảng và không cho rằng tổ chức đảng hay lãnh tụ đảng có quyền coi điều này là “đúng đắn” về tư tưởng, điều kia là “sai lầm”; Stalin cấm mọi cuộc thảo luận trong nội bộ đảng và “chuyển” cho trung ương, nghĩa là cho chính mình độc quyền về tư tưởng. Các hình thức của phong trào cũng biến đổi theo: Liên hiệp công nhân quốc tế của Marx (Quốc tế thứ nhất), chưa phải là tổ chức mac-xit về tư tưởng mà chỉ là sự kết hợp của các nhóm khác nhau, cùng ra các nghị quyết với một sự đồng thuận nhất định; đảng của Lenin là một nhóm tiên phong với một sự thống nhất, một tư tưởng và đạo đức của riêng họ và một mức độ dân chủ nhất định; dưới gót giày của Stalin, đảng đã trở thành một đám đông ù lì về tư tưởng (vì tư tưởng được “rót từ trên xuống”), nhưng toàn tâm toàn ý bảo vệ hệ thống, bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho họ. Thực ra Marx chưa hề thành lập ra bất kì đảng phái nào; Lenin tiêu diệt mọi đảng phái, kể cả các đảng xã hội chủ nghĩa, chỉ để lại đảng của chính mình; Stalin thì đẩy ngay cả đảng bolsevk vào hậu trường sau khi đã biến hạt nhân của nó thành hạt nhân của giai cấp mới và biến toàn đảng thành một giai tầng đặc quyền đặc lợi vô cảm và phi nhân.
Marx đã tạo ra một lí thuyết nhất quán về tác động của các giai cấp và đấu tranh giai cấp đối với sự phát triển của xã hội (mặc dù đây không phải là phát kiến của chính ông), ông đánh giá con người chủ yếu từ thành phần giai cấp của họ. Mặc dù vậy ông vẫn thường nhắc đi nhắc lại lời giáo huấn của Terentius: Nihil a me alienum puto (đúng hơn phải là: Nihil humani a me alienum puto – Không có gì của con người là xa lạ với tôi); Lenin đánh giá con người trên cơ sở quan điểm tư tưởng của người đó chứ không dựa vào thành phần giai cấp nữa; Stalin thì chia loài người thành hai: trung thành và kẻ thù. Marx chết như một người nhập cư nghèo khổ ở London, nhưng ông được cả những nhà tư tưởng lớn cũng như các đồng chí trong phong trào đánh giá rất cao; Lenin chết khi đã là lãnh tụ của một trong những cuộc cách mạnh vĩ đại nhất, và đã là một nhà độc tài vì xung quanh ông đã có một số nịnh thần rồi; Stalin thì đã được người ta biến thành thánh.
Sư biến đổi trong những khuôn mặt đại diện nói trên chỉ là phản ánh sự biến đổi của hiện thực khách quan và dĩ nhiên cũng là sự biến đổi của đời sống tinh thần của phong trào nữa.
Lenin, người sáng lập đảng bolshevik, một đảng kiểu mới và lí thuyết về vai trò đặc biệt của nó trong việc xây dựng xã hội mới chính là cha đẻ về mặt tinh thần và thực tế của giai cấp mới, mặc dù ông không hề nhận thức được điều đó. Dĩ nhiên đây không phải là trang sử duy nhất trong khối di sản đồ sộ và nhiều mặt của ông. Nhưng nó xuất hiện từ chính những hành động của ông, dù ông không hẳn muốn như thế, và vì vậy giai cấp mới cho đến nay vẫn coi ông là người cha tinh thần của mình.
Người sáng lập thật sự giai cấp mới chính là Stalin. Đấy là một người vai so, chân tay quá dài, thân người lại ngắn, bụng bự, khuôn mặt nông dân, khá điển trai, đôi mắt nâu, sáng, tinh ranh và lúc nào cũng như đang cười cợt, tỏ ra khoái trá mỗi khi nói được một lời châm biếm chua cay hay khôn vặt; một người thích những chuyện tiếu lâm thô lậu, thiếu giáo dục và không hẳn có tài về văn chương, một diễn giả kém, nhưng là một nhà tổ chức thiên tài, một người giáo điều thâm căn cố đế, nhưng cũng là một nhà quản lí vĩ đại, một người Gruzia, nhưng lại hiểu rõ hơn ai hết khát vọng của những người Nga mới – ông đã sáng lập ra một giai cấp mới bằng những phương pháp tàn bạo nhất. Dễ hiểu rằng ban đầu ông đã được giai cấp mới đẩy lên để rồi sau đó lại phải cúi rạp mình tuân phục những hành vi tàn bạo và không có ai kiềm chế được của Stalin. Stalin đã là người dẫn đầu, là lãnh tụ xứng đáng trong khi cái giai cấp ấy tiến từng bước một lên đỉnh cao quyền lực của mình.
Giai cấp mới đựơc tượng hình trong bão tố của cách mạng, trong lòng của đảng cộng sản, nhưng nó đã có hình hài như ngày nay là nhờ cách mạng công nghiệp: vị trí của nó chẳng thể vững chắc và sức lực của nó chẳng thể được củng cố nếu không có cuộc cách mạng công nghiệp và nền công nghiệp ấy. Hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội cũng đồng nghĩa với việc giai cấp mới đã giành thắng lợi. Hai quá trình đó đã song hành với nhau và do hoàn cảnh đã đan xen, đã xoắn xuýt với nhau một cách chặt chẽ nhất.
Giữa cao trào công nghiệp hoá, sau khi đã mở tung cánh cửa của đủ mọi thứ đặc quyền đặc lợi, Stalin bắt đầu đưa ra các mức lương chênh lệch nhau một trời một vực. Ông ta hiểu rằng không thể thực hiện được tiến trình công nghiệp hoá nếu như giai cấp mới không nhận được quyền lợi về mặt vật chất, nếu không cho nó quyền sở hữu tài sản. Nếu không có công nghiệp hoá thì giai cấp mới cũng khó mà sống còn được: không có nguồn sống và cũng chẳng thể tìm được sự biện hộ về mặt lịch sử.
Cùng với việc công nghiệp hoá là sự mở rộng đội ngũ của tầng lớp quan liêu, tăng cường số lượng đảng viên của đảng. Khởi đầu công nghiệp hoá, năm 1927 đảng có tổng cộng 887.233 đảng viên, thì năm 1934, nghĩa là sau kế hoạch năm năm lần thứ nhất, đã có 1.847.448 người. Đây là một hiện tượng mới, liên quan trực tiếp đến quá trình công nghiệp hoá: các cơ hội của giai cấp mới đã tăng lên, đặc quyền đặc lợi của những thành viên của nó cũng gia tăng. Hơn thế nữa, đặc quyền đặc lợi và chính cái giai cấp đó đã phình lên nhanh hơn tốc độ công nghiệp hoá. Khó mà đưa ra được các số liệu chứng minh cho điều đó, nhưng một người quan sát bình thường cũng có thể nhận thấy điều đó, hơn nữa nếu ta nhớ rằng sản xuất đã phát triển nhanh hơn khả năng cải thiện điều kiện sống của người dân. Phần lớn thành quả của tiến bộ kinh tế đạt được bằng giá của những mất mát và sự nỗ lực vô bờ bến của quần chúng rõ ràng là đã rơi vào tay giai cấp mới.
Chính quá trình hình thành giai cấp mới cũng không diễn ra một cách hoàn toàn suôn sẻ. Sự kháng cự không chỉ xuất phát từ các giai cấp và các đảng phái cũ, mà từ ngay một số người người cách mạng, những người không thể chấp nhận hiện thực nhãn tiền khi so sánh nó với lí tưởng mà họ từng theo đuổi. Tại Liên Xô sự phản kháng của những người cách mạng thể hiện rõ nhất trong cuộc xung đột giữa Trotsky và Stalin. Không phải vô tình mà cuộc tranh chấp giữa Trotsky và Stalin, giữa những người đối lập trong đảng với Stalin, giữa chế độ và tầng lớp nông dân, lại có những hình thức biểu hiện rõ rệt nhất chính vào lúc quyền lực và sự thống trị của giai cấp mới được củng cố.
Trotsky, một diễn giả tài ba, một ngòi bút tinh tế, sắc sảo, một người thông minh, có tầm hiểu biết rộng, nhưng lại thiếu một điều: cảm nhận thực tế. Ông muốn tiếp tục là người cách mạng khi mà mọi người đã muốn sống cuộc sống đời thường. Ông muốn làm hồi sinh một đảng cách mạng, trong khi chính nó đã biến thành một giai cấp mới, giai cấp không còn quan tâm tới những lí tưởng cao cả nữa, nhưng lại hoàn toàn không thờ ơ đối với những tiện nghi trong sinh hoạt hàng ngày. Ông chờ đợi phản ứng của quần chúng, cái quần chúng đã bị chiến tranh, đói khát làm cho kiệt quệ ngay đúng vào lúc giai cấp mới đã nắm được trọn vẹn quyền lực. Sau khi đã giành được đặc quyền đặc lợi giai cấp mới bắt đầu ru ngủ quần chúng bắng cách vẽ ra cảnh ấm no mà người ta từng mơ ước bấy lâu. Ánh hào quang mà Trotsky vẽ ra có thể nhuộm hồng những chân trời xa tít, nhưng không thể khơi lên ngọn lửa trong bếp của những con người đói khát. Ông đã cảm thấy một cách rõ ràng mặt trái của những hiện tượng mới, nhưng ông không hiểu được ý nghĩa của chúng. Hơn nữa ông cũng không phải là một người bolshevik, đấy vừa là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của ông. Quá khứ “phi” bolshevik làm ông luôn luôn phải hành động với cảm giác thiếu tự tin. Khi nhân danh cách mạng đả phá tầng lớp quan liêu, ông đã không nhận ra rằng mình đang tấn công vào uy tín của đảng, nghĩa là tấn công vào giai cấp mới. Trong khi đó Stalin chẳng thèm quan tâm đến quá khứ cũng như tương lai. Ông ta đã khống chế được lực lượng của một giai cấp mới, của chế độ quan liêu đang định hình, trở thành lãnh tụ và người tổ chức của chính giai cấp đó. Ông ta không tuyên truyền, ông ta ra lệnh. Dĩ nhiên là ông ta cũng hứa hẹn một tương lai tươi sáng, nhưng là tương lai hiện thực đối với tầng lớp quan liêu, để cho tầng lớp ấy hàng ngày hàng giờ cảm thấy sự quan tâm của Stalin đối với sự sung túc trong đời sống và sự ổn định trong vị trí xã hội của họ. Các bài diễn văn của ông ta không thể gọi là có lửa, thực ra phải nói là chán ngắt, nhưng đối với giai cấp mới thì đấy chính là ngôn ngữ của thực tế, gần gũi và dễ hiểu. Trotsky mơ ước nhìn thấy một cuộc cách mạng bao trùm khắp châu Âu và sau đó là toàn thế giới. Stalin không phản đối, nhưng trước khi thực hiện công việc mạo hiểm đó, ông ta phải quan tâm đến nước Nga, đến những người mà ông ta dựa vào để củng cố hệ thống, tạo ra sức mạnh và niềm vinh quang của nhà nước Nga. Trotsky là người của cuộc cách mạng đã trở thành quá vãng, Stalin là người của hôm nay và như vậy cũng có nghĩa là người của ngày mai.
Trotsky coi thắng lợi của Stalin là sự phản bội, là sự xuyên tạc chính quyền Xô-viết và thành quả của cách mạng. Ông cho rằng các biện pháp của Stalin là phi luân chính là vì như thế. Mặc dù Trotsky là người đầu tiên gần như hiểu được bản chất của chủ nghĩa cộng sản hiện đại (dù là không cố ý, dù là với ước mong cứu nó) nhưng phải nhận rằng ông không thể đi đến tận cùng bản chất ấy. Cho rằng đấy chỉ là “sự bùng phát” nhất thời của chủ nghĩa quan liêu chà đạp lên đường lối trong sáng của đảng cách mạng, Trotsky tin có thể giải quyết bằng cách thay đổi ban lãnh đạo, tiến hành “đảo chính cung đình” là được. Nhưng khi cuộc đảo chính ấy diễn ra (sau khi Stalin chết) thì người ta mới hiểu rằng bản chất của hệ thống là không thay đổi. Vấn đề hoá ra là có nguồn gốc sâu xa và căn bản hơn nhiều. Stalin đã để lại không chỉ một chính quyền mới, chuyên chế hơn chính quyền trước đó, mà còn để lại một giai cấp mới. Một trong những khía cạnh của cách mạng, khía cạnh bạo lực vẫn tiếp tục; sự sinh thành và củng cố của giai cấp mới đã trở thành hiện tượng đương nhiên.
Stalin có thể có nhiều lí do hơn cả Trotsky khi tự xưng là người kế tục của Lenin và con đẻ của cách mạng, dù là đứa con thiếu giáo dục.
Lenin là người kiến tạo một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất của mọi thời đại. Stalin là người đã thực hiện một khối lượng công việc cực kì to lớn để thiết lập nên sự thống trị và quyền sở hữu của một giai cấp mới, giai cấp xuất thân từ trong lòng của một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất, trong một đất nước rộng lớn nhất. Sau Lenin, một người hoàn toàn sống bằng tư tưởng và lòng say mê, trên sân khấu đã xuất hiện nhân vật Stalin, biểu tượng của những bước chân tàn nhẫn, nặng nề của giai cấp mới trong việc chinh phục đỉnh cao quyền lực của nó.
Sau họ, sau Stalin sẽ đến cái điều phải đến cùng với sự trưởng thành của giai cấp mới, đấy là sự tầm thường, đấy là lãnh đạo tập thể và một người chân thật, hiền lành, một người “từ nhân dân” mà ra - đấy là Nikita Khrushchev. Giai cấp mới đã không còn cần những nhà cách mạng hay những kẻ giáo điều nữa. Giai cấp mới có thể chấp nhận những con người “đơn giản” như kiểu Khrushchev, Malenkov, Bulganin hay Shepilov, họ chính là đại diện trung bình của giai cấp đó. Chính giai cấp mới cũng đã mệt mỏi với những cuộc thanh trừng và cải tạo bất tận rồi. Sau khi đã ổn định vị trí, giai cấp mới cần phải tránh ngay cả mối nguy hiểm xuất phát từ chính lãnh tụ của mình. Đấy là do giai cấp đã thay đổi, còn Stalin thì vẫn như cũ, giống như thời giai cấp còn non nớt, những người giao động và những kẻ bị nghi là sẽ giao động đều bị trừng phạt cả. Chính cá nhân Stalin cũng như lí luận về “sự khốc liệt của cuộc đấu tranh giai cấp” sau khi “chủ nghĩa xã hội đã thắng lợi” cũng là điều kiện cần của việc hình thành giai cấp mới. Nhưng bây giờ điều đó đã trở thành thừa. Giai cấp mới không hề phủ nhận những di sản do triều đại Stalin để lại, nó chỉ phê phán thói lộng hành trong những năm cuối đời của ông ta, thực ra cũng không phải hoàn toàn như vậy, nó chỉ phủ nhận những biện pháp đụng chạm đến chính giai cấp, hay nói như Khrushchev là “đụng chạm đến những người cộng sản tốt” mà thôi.
Thời đại cách của Lenin được thay bằng thời đại củng cố quyền lực và quyền sở hữu hay thời đại công nghiệp hoá vì cuộc sống ấm nó, hạnh phúc của giai cấp mới do Stalin lãnh đạo. Chủ nghĩa cộng sản cách mạng của Lenin được thay bằng chủ nghĩa cộng sản giáo điều Stalin và đến lượt nó, lại được thay bằng sự lãnh đạo tập thể, nghĩa là quyền lãnh đạo nằm trong tay một nhóm đầu sỏ.
Đấy là ba giai đoạn phát triển giai cấp mới ở Liên Xô, ba giai đoạn phát triển của chủ nghĩa cộng sản Nga. Về nguyên tắc đấy cũng là những giai đoạn phát triển của mọi chế độ cộng sản khác.
Chủ nghĩa cộng sản Nam Tư cũng có đầy đủ đặc trưng của ba giai đoạn như đã nói ở trên, nhưng lại quyện chặt với vấn đề dân tộc và cá nhân, tập trung vào một con người, đấy là Tito. Là một nhà cách mạng vĩ đại (nhưng thiếu tư tưởng độc đáo), một kẻ tiếm quyền (nhưng không có biểu hiện ngờ vực bệnh hoạn và giáo điều kiểu Stalin), giống như Khrushchev, ông cũng là đại diện của “nhân dân”, nghĩa là tầng lớp cán bộ trung cấp của đảng. Chính ông là người luôn luôn bảo vệ một cách nhất quán (nếu so với những người khác) chủ nghĩa Mác nhưng hành động lại chỉ vì lợi ích (chỉ cần thấp thoáng bóng dáng lợi ích thôi cũng đủ); ông chính là tấm gương phản chiếu toàn bộ con đường của chủ nghĩa cộng sản: cách mạng, rập khuôn chủ nghĩa Stalin và cuối cùng là từ bỏ nó để tìm diện mạo riêng.
Ba giai đoạn phát triển của giai cấp mới – Lenin, Stalin, “lãnh đạo tập thể’ – là không tách rời nhau cả về nội dung và tư tưởng. Lenin đã là người giáo điều, còn Stalin đã là nhà cách mạng, theo cách của mình, cũng như “ban lãnh đạo tập thể”, trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng một cách hữu hiệu cả những phương pháp cách mạng cũng như phương pháp giáo điều. Hơn thế nữa, ban lãnh đạp tập thể chỉ không chấp nhận phương pháp giáo điều khi nó đụng chạm quyền lợi của nhóm chóp bu của giai cấp mới mà thôi. Đồng thời nó lại kiên quyết hơn trong việc “giáo dục” quần chúng”, tích cực nhồi sọ giáo điều mac-xit - lenin-nít cho họ. Giai cấp mới sau khi nắm được sức mạnh kinh tế đã tỏ ra mềm dẻo hơn, đã không còn khốc liệt và độc đoán như xưa.
Giai đoạn anh hùng của chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung.
Thời đại của các lãnh tụ vĩ đại đã cáo chung.
Bắt đầu giai đoạn của những kẻ thực dụng. Đấy là giai cấp mới. Giai cấp ấy đang đứng trên đỉnh cao của quyền lực và tài sản, nhưng thiếu tư tưởng. Giai cấp ấy không có gì để phát biểu nữa. Chỉ còn một việc là xem xét thực chất chính cái giai cấp đó.
© 2005 talawas
[1]R. Dabin,
Quan hệ giữa người với người trong môi trường hành chính, New York 1951, trang 165-166.
[2]A. Uralov,
Khi Stalin nắm quyền, Paris.1951, trang 202, 215.