Tủ sách talawas29.1.2008
Viên Linh
Tình nước mặn
3.
Chia tay với Vi Vân tại con phố đông đúc nhất của Bắc Phố, Thẩm ưỡn ngực hưởng thụ trở lại những giây phút thảnh thơi một mình. Khi gặp nhau hay khi chia tay một người tình, Thẩm đều có những sung sướng riêng. Như lúc hối hả cuốn vào nhau, với khao khát nồng nàn, như lúc buông rời nhau, với mệt mỏi thoải mái. Lúc Vi Vân đi khuất với chiếc xe, Thẩm bắt đầu đi dạo lần đầu tiên ở thành phố biển.
Bắc Phố, ngoài biển và núi, không có gì lạ hết. Những mặt hàng có thể thấy ở Sài Gòn, những quán ăn có thể thấy ở Chợ Lớn, những phố chính tầm thường trong cái nhìn của một người đã đặt chân tới nhiều thị trấn như Thẩm. Chàng đi khoảng nửa tiếng đã bắt đầu chán ngán.
Lúc chiều xuống, Thẩm nghĩ tới một vài địa chỉ quen, bà chị một người bạn, chủ bar; một sĩ quan phục vụ trong ngành tư pháp, một bà cùng quê ngoài Bắc có sạp hàng tại chợ, nhưng cuối cùng chàng không tới thăm ai hết. Cuối cùng chàng lên một chiếc xích lô đạp, ra quán Chim Đại Dương. Cái quán như chỗ nghỉ ngơi thân thiết của Thẩm ở Bắc Phố.
Ngồi một mình trong quán, chàng bắt đầu nghĩ đến thời khắc này, nếu chàng ở Sài Gòn. Giờ này chắc chàng đang phanh ngực áo trong một căn phòng ồn ào tiếng người, tiếng máy móc lách cách, tiếng điện thoại vô duyên. Chàng đang ngồi trước một mặt bàn đầy giấy tờ, một gạt tàn thuốc ám sỉn không ngừng bốc khói, những dòng chữ nhạt nhẽo. Giờ có thể chàng sẽ ra quán cà-phê đầu phố với một hay vài người bạn, ngồi gác chân lên ghế uống la-de nói chuyện nhảm nhí.
Ở đây, Thẩm như lìa thoát, điều mà chàng vẫn mong ước từ bao nhiêu năm nay. Lìa thoát cuộc đời rất tầm thường mà bận rộn, rất thân thiết mà tẻ nhạt, rất gần gũi mà xa lạ, với chàng. Thẩm đang được lìa thoát, ít nhất là trong giây phút này, cái khung cửa bụi bặm nhức mắt, những bộ mặt tươi cười vô vị mà chàng đã sống từ hồi mười sáu tuổi.
Ở đây toàn vẹn quá. Một cái quán xa lạ, bàn ghế mới mẻ, những khung cửa lưới nhìn ra khoảng sân rộng, những hàng cây xác xơ vẫn đẹp, những bờ tường vàng ố vẫn vui. Ngoài đường, người qua lại không vội vàng, những dáng điệu không hấp tấp.
Ở đây, trong quán, Thẩm thấy những bộ mặt mới.
Những người dửng dưng rất thiện cảm, những đời sống bình thường mà riêng màu sắc. Cả đến những người bồi, với Thẩm, cũng mang lại cho chàng sự mới mẻ.
Uống xong chai bia, Thẩm bắt đầu cảm thấy có điều khác thường quanh mình, một cái nhìn dò hỏi không kín đáo. Một sự hiện diện bất trắc. Chàng ngoái cổ lại phía sau chạm mặt ngay người anh của Vi Vân. Anh ta đang ngồi với hai người khác, một mặc sắc phục không quân.
Thẩm chỉ nhác trông đã thấy mặt mũi anh ta đỏ gay. Anh ta cùng hai người kia, hẳn vừa rời một cái quán nào đó trước khi tới quán này.
Thẩm nhìn thấy một nụ cười lạ lùng. Nụ cười mở toác trắng nhởn trên khuôn mặt đỏ gay của người thanh niên. Chàng khó chịu, nán ngồi năm mười phút rồi gọi bồi tính tiền.
Chàng rời quán trong những cái nhìn đe dọa.
Thốt nhiên Thẩm dừng lại. Trước mặt chàng là người thanh niên. Chàng quay lại. Phía sau là anh chàng mặc sắc phục. Thẩm không còn cách nào khác là đi tới.
“Đứng lại nói chuyện chơi, bạn”.
Chàng liếc mắt quan sát.
“Ban trưa tao muốn cho mày một trận, mà vì thương em tao, tao tạm tha mày”.
Thẩm im lặng. Chàng không có gì để nói cả.
“Thằng chó đểu”.
Người thanh niên nổi giận trông thấy. Rõ ràng là anh ta đã giận Thẩm lắm. Giận đến nỗi lẳng lặng theo chàng từ quán Chim Đại Dương tới quãng đường vắng này, cách quán vài chục thước.
Thẩm vẫn im lặng. Người thanh niên tới gần hét:
“Thằng chó đểu, có phải mày đó không”.
Thẩm móc túi, chạm vào hộp quẹt máy. Chàng ước lượng khả năng hữu hiệu của cái hộp quẹt, thất vọng.
“Mày không dám nói gì sao. Vậy mà trưa nay có em tao mày làm phách quá vậy”.
Một nụ cười trên khuôn mặt lạnh lẽo của Thẩm. Đúng lúc anh ta xô tới, chàng cũng nghe động phía sau. Gã thanh niên mặc sắc phục đánh trượt chàng một cái khoen sắt. Thẩm hãi kinh, không ngờ họ làm mạnh. Chàng lui vào sát một bờ tường.
Nghĩ tới Vi Vân, Thẩm thấy có thêm can đảm.
Nhưng chỉ có cái hộp quẹt máy trong tay, Thẩm biết không thể làm gì được. Bỗng gã mặc quân phục vội vã nhảy lên chiếc xe gắn máy, rồi người thanh niên leo lên theo. Thẩm nhận ra một chiếc xe Jeep cảnh sát xuất hiện ở đầu đường. Khi chiếc xe Jeep tới, họ đã chạy khuất.
Thẩm cười với mấy người cảnh sát, làm như không có chuyện gì. Sau đó chàng trở về khách sạn.
Đây không phải lần đầu Thẩm phải đối phó với võ lực, song lần này chàng cảm thấy nhiều rủi ro có thể xảy ra. Chàng còn đang suy nghĩ miên man thì Vi Vân xuất hiện ngoài khung cửa, sớm hơn giờ hẹn. Cô bé hớt hải ngó Thẩm khiến chàng ngạc nhiên.
“Anh không sao chứ?”
Thẩm lắc đầu.
Vi Vân thở ra:
“Vậy mà anh ấy bảo mới cho anh một trận”.
Cô bé buồn xo ngồi xuống cạnh giường:
“Dù gì anh cũng phải đề phòng. Họ chưa chịu thôi đâu”.
Điều này Thẩm cũng biết.
“Thôi mình ở nhà, không thèm đi đâu nữa”.
Nghe cô bé nói thế, chàng ngồi bật khỏi giường:
“Đâu có được, em. Càng bị đe dọa, mình càng nên đi chơi nhiều hơn. Bây giờ mình đi ăn”.
Vi Vân cười mỉm:
“Ờ, nói thế chứ em chịu vậy đó. Tưởng anh sợ chứ”.
Thẩm mở va-li kín đáo lấy con dao gập lưỡi bỏ vào túi. Chàng tự tin với thứ khí giới đó:
“Anh ít khi sợ lắm. Vả lại có những việc sợ mà mình vẫn phải làm. Như việc này chẳng hạn”.
Cô bé tuy lo ngại vẫn có vẻ thích thế. Hai người để xe ở khách sạn đi bộ ra bãi biển. Thẩm thấp thoáng thấy người anh của Vi Vân. Chàng bực dọc nói:
“Kỳ quái quá!”
Sau một cuốc xe xích lô y vẫn bám sát hai người. Thẩm quyết định đánh lạc hướng anh ta trước khi trở về khách sạn.
Chàng hỏi Vi Vân:
“Có phải anh em thực không?”
Cô bé chán ngán:
“Anh em mới khổ chứ”.
“Anh gì mà kỳ vậy”.
“Em cũng không biết nữa”.
“Ngày mai nếu còn thế này anh sẽ về Sài Gòn vào buổi chiều. Tuần sau mình gặp nhau ở Đà Lạt hay hơn”.
Tối hôm ấy, sau khi đưa cô bé về nhà, Thẩm đi bộ trên con phố chính của Bắc Phố, từ phía tòa hành chánh thị xã ra phía biển. Trong đêm tối, chàng thật sự lo ngại, nhưng cũng thật sự nổi giận. Hai tay nắm chặt, thỉnh thoảng bàn tay phải lại chạm vào con dao gấp lưỡi để trong túi quần. Thẩm nghĩ chàng có thể một mình quần thảo với cả hai tên, nếu chúng xuất hiện lại.
Lúc này một mình trơ trọi trên đường vắng. Thẩm hoàn toàn thấy mình trơ trọi. Nếu cuộc xung đột xảy ra, chàng cũng nghĩ, đó là chuyện hoàn toàn về phần chàng. Chàng không muốn dính Vi Vân vào đó.
Thẩm cố tách rời, để nghĩ chàng sống không liên hệ với ai hết. Càng nghĩ như thế chàng càng không lo ngại gì nữa về sự theo dõi của hai gã thanh niên, mà tới giờ phút này chàng cũng chưa biết tên.
Chàng cười thầm, thế mà lại hay, vì chàng không cần biết tên họ là gì.
Chàng muốn coi giữa chàng và họ không hề có thù oán, dù họ có thể sắp xuất hiện như những kẻ thù.
Thẩm buồn bã, muốn trốn vào một xó. Nhưng họ đã xuất hiện ngay bên cạnh chàng.
Chiếc xe gắn máy dừng lại. Vẫn hai người đó. Tuy biết rõ là vẫn hai người đó, nhưng Thẩm giận điên lên được. Thay vì chỉ tự vệ, Thẩm nhảy lên đánh trước, đánh tay không. Bao giờ cũng vậy, thấy việc không thể đừng được là Thẩm đánh trước. Chàng đánh người anh Vi Vân túi bụi, vì chàng ghét anh ta hơn hết. Bất ngờ, gã mặc áo sắc phục đập chàng từ phía sau những cú như búa bổ, suýt nữa chàng có thể khuỵu xuống. Chàng khuỵu xuống thật sau cú đánh bồi của người anh Vi Vân.
Trong lúc lăn lộn dưới đất, Thẩm rút được con dao ra khỏi túi quần. Chàng nghiến răng ken két. Gã mặc sắc phục đá thật mạnh vào tay chàng, nhưng chàng nắm chắc được chuôi dao. Cùng lúc chàng vùng dậy, đưa ngược lưỡi dao lên.
Cái âm thanh Thẩm nghe lạ lùng. Rất êm, rất lẹ. Rồi bàn tay chàng nóng hổi. Từ ngực anh ta, Thẩm rút dao ra. Máu tuôn ra có vòi, ào ào. Anh ta đổ xuống một gốc cây.
Người anh Vi Vân nín thinh đứng ngó. Rồi bất thần anh ta hét tướng. Thẩm nhào tới bắt anh ta câm mồm. Chàng nói:
“Có lẽ tao phải giết luôn cả mày”.
Anh ta hốt hoảng ngó lưỡi dao trên tay chàng. Thẩm quăng con dao xuống cỏ, tới bên gã mặc sắc phục. Chàng muốn kêu lên một tiếng thật to, một tiếng tuyệt vọng. Y đã chết.
Thẩm cắm đầu chạy. Đầu tiên chàng nghĩ đến một chiếc xe. Giá có một chiếc xe, chàng sẽ đi khỏi Bắc Phố ngay lập tức. Nhưng không làm gì có xe. Mà nếu có xe, ban đêm chàng cũng chẳng thể đi đâu được.
Chạy được một quãng, Thẩm đi thong thả lại. Việc đầu tiên chàng nghĩ phải làm là trở về khách sạn. Thẩm chạy bộ. Khách sạn gần ngay đó.
Trở về phòng. Thẩm nhét quần áo vào va-li, xách va-li xuống văn phòng. Trả tiền, chàng ra cổng lẳng lặng lên một chiếc xích lô.
“Đi đâu cậu?”
“Cứ đi dọc bờ biển”.
Đêm chưa khuya lắm, xe cộ chạy đều. Thẩm để ý tìm một khách sạn bên đường. Cuối cùng chàng nghĩ tốt hơn cả là tới nơi nào sang nhất.
Mười phút sau, Thẩm tới khách sạn Chim Đại Dương cũng làm quán Chim Đại Dương mà chàng đã từng tới với Vi Vân. Thẩm nghĩ ở đây chàng có luôn chỗ ăn uống, khỏi phải ra đường.
Chim Đại Dương lúc đó còn đông khách. Thẩm tiến thẳng vào văn phòng, và sau khi ghi tên, chàng được trao chìa khóa phòng số 12. Đó là căn phòng cuối cùng ở dãy sau.
Vào phòng, tay quần áo khác, Thẩm mở cửa ngó ra đường phố. Chàng thấy cần phải uống một ly rượu và vì thế, chàng ra quán.
Ngồi trước ly rượu, Thẩm nghĩ lại xem vì sao chàng đã tới Bắc Phố. Dĩ nhiên là nếu không có Vi Vân chàng đã không tới nơi này. Nhưng nghĩ thế không phải là chàng đang oán trách Vi Vân. Không, Thẩm đã tự ý tới thành phố này, tự nhiên tới.
Lần trước, vì ván bài chót của một canh xì đánh tới sáng, Thẩm đã tới Bắc Phố. Đó là lần đáng nhớ hơn cả, chính lần đó, chàng đưa Vi Vân đi chơi tới khuya, và đã hôn cô bé ngoài bãi biển. Và sau đó là những lá thư đều đặn được gửi đi.
Lần này Thẩm cũng đã lên đường một cách bất ngờ, dù rằng trong những phút buồn chán cuộc sống ở Sài Gòn trong những lúc một mình trên đường, trong rạp xi-nê, chàng vẫn nhớ đến khuôn mặt cô bé, và nhất là tâm hồn cô bé. Một đứa con gái như thế, Thẩm vẫn nghĩ không thể xử láo được. Một đứa con gái như thế phải được yêu.
Thẩm nghĩ về Vi Vân trong những lúc thao thức, không phải trong những lúc thèm khát. Thẩm nghĩ đến cô bé như nghĩ đến một chốn, lẽ ra phải đến một chốn để trở về để nghỉ ngơi, để sống thật sự như chàng hằng mong ước.
Hai hôm trước, lúc còn ở Sài Gòn, Thẩm trúng mưa trên đường về nhà, vào buổi chiều. Cơn mưa đổ xuống mù mịt, ào ào như thác. Mưa mỗi lúc mặt trận nặng, phố trắng xóa. Và một lúc Thẩm mới thấy lạnh.
Đứng dưới một mái hiên, một mình, Thẩm nghe cô quạnh lạ thường. Từ cõi xa thẳm nào đó, những hình ảnh mù mờ hiện về, rõ dần, bao vây Thẩm. Cuối cùng, cơn mưa quá khứ dìm Thẩm xuống, bắt Thẩm ngoi ngóp với những hình ảnh phai mờ, trong đó có hình ảnh Vi Vân.
Thẩm bỗng thương mình quá đỗi. Trở về quá khứ, con người chàng nhẹ nhàng biết bao nhiêu. Một thế giới màu hồng, những con đường thênh thang, những ngày vui miệt mài cùng bạn hữu.
Hôm nay, con người đó đã mất. Tưởng như hai vai trĩu xuống, vầng trán nhăn lại, tưởng như bộ ngực đã thoi thóp hơi thở mệt mỏi của chiều tàn. Thẩm không còn thấy hy vọng, không còn thấy náo nức, ngay cả trong một mối tình.
Đêm khuya lắm, Thẩm biết như thế khi những người khách cuối cùng đã rời khỏi quán. Trong ngôi quán rộng lớn bây giờ chỉ còn có chàng. Thốt nhiên, nhận ra sự lẻ loi của mình, sự vắng vẻ xung quanh, Thẩm muốn đi tìm Vi Vân, muốn báo cho cô bé biết nơi ở mới của mình.
Thẩm trả tiền, ra khỏi quán.
Ra khỏi quán, chàng đứng giữa sân, lưỡng lự. Nỗi cô đơn thúc chàng đi tìm cô bé, nhưng nỗi sợ hãi trì kéo chàng.
Thẩm rất muốn báo cho Vi Vân biết nơi trú ngụ mới, nhưng lại sợ bị tiết lộ. Vả lại chàng nghĩ chỉ mai mốt chàng phải dời Bắc Phố, nên cuối cùng chàng lại đứng yên một chỗ.
Khi quán tắt đèn, chàng lầm lũi trở về phòng mình.
Đài phát thanh Bắc Phố ngay bản tin thứ nhất, hồi bảy giờ sáng, đã loan báo vụ án mạng cạnh sân vận động thị xã (Thẩm hiểu ra tại sao quãng đó vắng vẻ thế). Thẩm nghe như nghe một tin nào không liên can gì đến mình. Cô xướng ngôn viên nói: Thủ phạm hiện còn lẩn quất trong thị xã và y không thể nào rời Bắc Phố bằng đường hàng không hay đường biển được, bởi nhân viên an ninh những nơi này đã được lệnh kiểm soát chặt chẽ. Y chỉ còn con đường duy nhất là đường số 1, ra khỏi Bắc Phố bằng xe đò hay xe gắn máy, nhưng người ta cũng đã có tên tuổi y.
Thẩm lắng nghe rõ hơn. Sát nhân tên Nguyễn Văn Thẩm, khoảng ba mươi ba tuổi, dáng cao gầy, vai rộng, mũi cao, mắt sâu, rất dễ nhận diện. Sát nhân nhìn kỹ sẽ thấy đi khập khiễng…
Cô xướng ngôn viên còn nói nhà chức trách địa phương đang điều tra vụ án.
Bản tin chấm dứt ở đó. Thẩm buồn bã lo âu, thấy căn phòng trở nên khó thở. Chàng vội thay đồ ra ngoài quán.
Thẩm ngồi lọt trong chiếc ghế bành mây đan, uống cà-phê. Nơi này vẫn là chỗ ăn sáng lý tưởng nhất Bắc Phố, theo ý chàng. Trong những ngày ở Sài Gòn, chàng có viết thư cho Vi Vân nói ở xa chàng vừa nghĩ đến Vi Vân, vừa nghĩ đến quán Chim Đại Dương.
Chính cái quán, nơi uống cà-phê buổi sáng cũng như bàn ăn ở đầu đằng kia, hướng về phía Nam và phía Tây, là nơi khiến Thẩm thấy gần Vi Vân hơn.
Thẩm nghĩ Vi Vân phải nhớ ra chỗ này, và phải tinh ý hiểu là chàng đã rời khách sạn cũ để tới chỗ này. Nghĩ thế, Thẩm có ý chờ cô bé.
Thẩm ngồi rất lâu song không thấy Vi Vân tới.
Chàng vừa chú ý đến khách hàng, vừa ngó ra nhà Bưu điện. Khách hàng phần lớn là những người đứng tuổi, người ngoại quốc. Ngang nhà bưu điện là con phố dẫn ra biển. Ngồi ở quán Chim Đại Dương, chàng có thể tình cờ thấy Vi Vân chạy xe qua.
Trong lúc ngồi uống cà-phê, Thẩm dò xét những người chung quanh. Người đầu tiên mà chàng để ý là cô thu ngân viên, luôn luôn có mặt sau quầy. Cô làm việc chăm chỉ, ít khi nhìn lên. Thẩm an tâm về cô gái đó. Khuôn mặt bình thường, mắt miệng nhỏ nhắn. Thẩm nghĩ cô ta không đến nỗi nguy hiểm. Chàng gọi bồi, ngỏ ý muốn gọi điện thoại. Y bảo chàng tới chỗ bà chủ.
Anh ta chỉ cô thu ngân viên. Đó cũng là bà chủ.
Người thiếu phụ ngó nhìn Thẩm, hỏi số máy. Nàng nói:
“Để tôi gọi giùm ông”.
“Bà nhớ hỏi cô Vi Vân”.
“A, cô Vi Vân. Tôi biết”.
Thẩm cười cười vô nghĩa.
“Cô Vi Vân, cái cô có cái răng khểnh ở đây chứ gì, ông?”
Nàng nhe răng, chỉ vào một cái răng khểnh của mình.
“Bà cũng có cái răng khểnh đó”.
Thẩm chờ đợi trong khi người thiếu phụ quay số. Nàng trở ra ngay, vừa đi vừa lắc đầu:
“Hôm nay Vi Vân không đến sở”.
Thẩm trở lại bàn cố nghĩ xem cô bé đi đâu. Chắc Vi Vân không thể bị giữ ở ty cảnh sát. Chắc cô bé đang đi tìm chàng.
Đúng một giờ sau, trong khi Thẩm vẫn ngồi trong ghế, đài phát thanh địa phương lại loan tin vụ án mạng, lại nhắc đến tên tuổi và hình dáng chàng. Thẩm chăm chú ngó bà chủ trẻ tuổi trong khi được phát ra. Nàng ghi chép, không tỏ vẻ gì chú ý đến bản tin.
Thẩm trở lại quầy, nhờ gọi lần nữa. Nàng ngẩng lên, rồi chỉ cái máy.
“Ông cứ vào đi”.
Thẩm quay số, nghe tiếng chuông reo. Vi Vân vẫn chưa đi làm. Trở ra, chàng làm quen với bà chủ quán:
“Xung quanh Bắc Phố có khách sạn nào ở được không bà?”
“Cũng yên, trong vòng mười cây số. Chắc ông từ Sài Gòn ra?”
“Không, tôi từ Huế vào. Tôi được nghỉ phép mười lăm ngày, không biết làm gì cho qua thì giờ”.
“Ông nên đi Đà Lạt nếu không muốn ở đây”.
“Tôi ngại đi xe đò quá”.
Người thiếu phụ cười:
“Ở đây chỉ có xe đò. Phải chi cuối tuần nhà tôi từ đồn điền về, lúc đi có thể cho ông theo đi được”.
Thẩm nhớ Vi Vân có nói, bà chủ quán Chim Đại Dương có chồng Pháp, một chủ đồn điền ở gần vùng Đà Lạt. Chàng nói:
“Tôi còn ở đây một tuần. Để lúc đó xem sao, có thể nhờ đến bà”.
Người thiếu phụ ngẩng lên, cười. Thẩm trở lại bên máy điện thoại.
Lần này Vi Vân đã tới. Chàng thở phào, nhưng khuôn mặt se lại, khổ sở bất ngờ:
“Vi Vân hả?”
“Em đây. Trời ơi, anh đang ở đâu đó?”
Thẩm nói tên quán, số phòng:
“Anh đừng đi đâu nhé, đợi em đến. Em cúp máy”.
Vi Vân nói rất vắn tắt, khiến Thẩm thêm lo ngại. Tuy nhiên, chàng tưởng như đã trút bớt rất nhiều lo âu sau khi liên lạc được với cô bé.
Ở Bắc Phố, bây giờ chàng hoàn toàn trơ trọi.
Không quay lại, khi nghe một chiếc xe gắn máy Thẩm cũng đoán là Vi Vân. Khuôn mặt cô bé khiến chàng bàng hoàng. Chàng tưởng như vừa thấy một cái đầu lâu của một con búp bê bị bỏ lăn lóc lâu ngày, với mái tóc xơ xác và làn da trầy sượt.
“Em sao vậy?”
Vi Vân lắc đầu:
“Ngồi đây được không anh?”
Thẩm đứng dậy:
“Mình vào trong này”.
Thẩm dẫn cô bé đi qua cửa sau của ngôi quán, vào một hành lang rộng. Căn phòng của chàng mở cửa ra hành lang này.
Cô bé lắc đầu, vẻ mặt thất vọng:
“Anh có thấy bà chủ nhìn em không. Chắc bà ta không thể hiểu được”.
Thẩm không nói gì. Cửa khép lại, chàng ôm ghì lấy cô bé, nhưng không thấy phản ứng. Hai tay Vi Vân xụi lơ.
Chàng thì thầm:
“Anh yêu em”.
Cô bé lắc đầu:
“Bây giờ đừng nói chuyện đó, anh. Anh phải đi khỏi nơi đây”.
Cô bé đứng giữa phòng. Thẩm im lặng ngồi trên giường.
“Anh phải đi khỏi đây càng sớm càng tốt”.
Chàng vẫn lặng thinh.
“Em chắc là có người theo em. Ban sáng đến giờ, em biết chắc có người đi xe gắn máy theo em. Em đến sở vì không thể ở nhà nổi”.
Cô bé tới gần chàng:
“Đêm qua cảnh sát giữ anh em tại ty, cả đêm em không ngủ được. Bây giờ anh ấy vẫn chưa về. Em chưa biết anh ấy khai những gì”.
Thẩm nói:
“Anh sẽ rời Bắc Phố ngay ngày hôm nay”.
Cô bé đến gần chàng:
“Anh phải đi ngay. Em sợ họ theo em, họ sẽ tìm ra anh”.
“Em đừng tới đây nữa”.
“Anh”.
Chàng lắc đầu:
“Em đừng nghĩ gì nữa”.
Cô bé ngồi xuống cạnh chàng:
“Nhưng anh đi đâu bây giờ?”
Một nụ cười lạt lẽo trên khuôn mặt nhợt nhạt. Thẩm ngó lên khung cửa kính. Bên ngoài, ánh nắng rực rỡ.
“Anh phải rời khỏi đây. Anh cũng chưa biết phải đi đâu. Chắc họ đang đợi anh ngoài bến xe”.
“Em biết. Anh không thể về Sài Gòn bằng máy bay được. Đi đâu bây giờ anh cũng không dùng máy bay được nữa”.
Thẩm nghĩ đến những người bạn phi công của Vi Vân.
“Đi máy bay quân sự được không?”
Cô bé cười:
“Họ sẽ chở anh đến ty cảnh sát ngay. Anh tưởng họ có cảm tình với anh lắm sao”.
Lần đầu tiên Thẩm cảm thấy Vi Vân cười trong sáng nay.
“Anh quên mất”.
“Anh phải nhớ điều đó. Đi xe đò được không?”
Cô bé lắc đầu:
“Không có cách gì đâu”.
Thẩm thì thầm:
“Vậy em nghĩ anh nên đi đâu bây giờ?”
Cô bé ôm vụt lấy chàng:
“Em không biết. Em không biết”.
Thẩm vuốt ve Vi Vân, cảm thấy hành động trái ngược, bởi vì chính chàng mới là người phải lo sợ, phải khích lệ.
“Dù sao anh vẫn phải đi”.
Chàng đẩy nhẹ cô bé ra, móc ví:
“Anh còn mười lăm ngàn tất cả, chắc anh sẽ xoay xở được”.
“Liệu có thiếu không anh? Em có tiền”.
Thẩm uể oải:
“Anh cần ở em thứ khác, không phải tiền”.
Cô bé ủ rũ:
“Em có thể làm gì cho anh được?”
Có tiếng giày ngoài hành lang, chậm rãi bình tĩnh. Cô bé dường như không thở nữa. Một bóng người thoáng qua ngoài khung cửa.
Cô bặm môi một lát. Thẩm chờ đợi đôi môi mở ra. Cô ngồi xuống bên chàng, cầm lấy tay chàng:
“Anh nghe em điều này nhé. Lẽ ra giờ này em không ở đây với anh được đâu. Giờ này em phải ở ty cảnh sát. Anh ta chết, thế nào họ cũng hỏi đến em. Lẽ ra họ phải hỏi đến em rồi mới phải. Anh biết anh ta là ai không? Đó là vị hôn phu của em…”
Thẩm lặng ngắt.
“… Anh để em nói hết. Anh ta là bạn thân của anh em, nhà anh ta với nhà em trước kia ở cùng một con đường, cả hai gia đình giao thiệp với nhau thân thiết lắm. Ba của anh ta nói đùa lâu rồi, để em lớn sẽ hỏi em làm dâu. Ba em cũng bằng lòng. Anh Thẩm à, chuyện đùa đó đã thành sự thật cách đây ba tháng…”
Thẩm mở to mắt:
“… Vâng, ngay sau khi anh ra thăm em về. Anh về được nửa tháng thì anh ta tới hỏi. Em chịu”.
Thẩm không tin:
“Em nói sao?”
Cô bé bình tĩnh nói:
“Em chịu. Đám hỏi làm hôm Chủ nhật”.
Chàng kinh ngạc:
“Làm đám hỏi rồi?”
“Vâng, đám hỏi làm hôm Chủ nhật hai tuần lễ sau khi anh ở đây về. Anh, anh để em nói. Anh không thể hiểu được em đâu, bởi vì anh ở Sài Gòn, làm sao anh hiểu em được. Em sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, em chịu đựng nơi này được nếu không có anh. Như mọi người ở Bắc Phố, cuộc đời em sẽ lặng lẽ trôi qua, nhưng anh đã tới đây. Anh biết không, em vẫn nghĩ thà anh đừng đến. Em nghĩ thật đó, anh đến Bắc Phố làm gì để cho em khổ”.
Thẩm cười:
“Nếu không có anh, em không khổ như thế này đâu. Anh đã mở cho em một chân trời vốn khép kín, như sau hàng dương là mặt biển vô vọng đời đời kiếp kiếp. Nhưng anh đã cho em thấy phía sau chân trời đó, em lỡ đã thấy rồi. Anh cho em thấy rồi anh bỏ em một mình thành ra em khổ hơn là trước khi biết anh”.
Cô gái cười, nhẹ nhàng:
“Anh cho em biết có Thiên Đường rồi anh bỏ mặc em ở Trần Gian, như thế có phải là anh làm khổ em không, thà anh cứ để em sống như một cô bé nào đó với những ước mơ rất tầm thường của đời nó, đi làm, lấy chồng có địa vị hay có công ăn việc làm thôi cũng được, rồi đẻ con. Anh đã làm hại em”.
Thẩm gật đầu chế nhạo:
“Anh đã phá hại đời con gái của em”.
“Chuyện đó lại khác, còn lâu em mới cho anh làm như vậy”.
“Lâu là bao giờ nhỉ?”
“Em nói rồi”.
Thẩm nghịch ngợm:
“Nhưng bây giờ anh không lịch sự nữa. Anh bắt đầu bị truy nã, đời anh cũng kể như hỏng rồi, vì một cái xác chết. Nếu không có em anh ra Bắc Phố làm gì. Cho nên anh không lịch sự nữa. Em phải trả nợ trước khi anh vào tù”.
Cô bé cười:
“Để ra tù đi anh”.
Tiếng chân lại nổi lên ở đầu hành lang, lệt bệt kéo tới gần. Thẩm thở ra. Cả hai ngó nhau u ám. Phút đùa bỡn gượng gạo tắt ngấm ngay từ lúc vừa vừa le lói hiện tới.
Tiếng chân đi qua. Thẩm lắc đầu nói:
“Anh không thể nào ngờ được em đã làm đám hỏi với anh ta. Mà đã làm đám hỏi rồi, em còn đi chơi với anh làm gì”.
Cô bé trề môi:
“Nói thế mà cũng nói. Em không đến với anh mà được? Anh lại không xồng xộc đi tìm em, không làm ầm cả thành phố lên em không phải là Vi Vân nữa”.
“Vi Vân là gì mà ghê gớm thế?”
“Vi Vân là… người yêu của ông Thẩm”.
Thẩm hôn cô bé trìu mến, chàng chán nản rất nhanh, buông thõng hai tay xuống. Cô bé tiếp tục nói:
“Sau khi anh về, em không thiết gì nữa. Em thấy Bắc Phố trơ trọi, xơ xác, hoàn toàn xa lạ. Có lúc em muốn lăn xuống biển mà chết, có lẽ lại sướng hơn. Em không dám đi qua những con đường mà anh đã đưa em đi. Em tưởng như em bị bỏ rơi”.
“Em chẳng còn là cái gì nữa hết. Chẳng qua anh chỉ nghĩ đến em trong những lúc anh đến đây. Về Sài Gòn, anh quên hết. Em là một người thừa, rất thừa trong đời sống của anh. Anh chẳng bao giờ là của em cả”.
“Vi Vân, em đừng nên nói thế”.
“Em nói thật đó anh. Em nghĩ như thế thật đó”.
“Sự thực không chắc như thế”.
Cô bé gật đầu:
“Em biết, sự thực không chắc như thế, nhưng em trót thấy như thế rồi. Nhưng chính anh còn nói là không chắc, vậy là em nghĩ cũng không sai đâu”.
Thẩm châm một điếu thuốc, thấy miệng lưỡi khô đắng khó chịu.
“Nhưng em không trách anh…”
Chàng vứt vội điếu thuốc ra:
“Em trách anh làm sao được”.
“Được. Lúc em mười ba tuổi rưỡi, anh đừng viết “hôn em một cái” thì chắc là em không yêu anh đâu”.
Thẩm cười rũ:
“Con gái gì kỳ quá. Người ta mới viết thế mà đã yêu. Phải chi anh viết hôn em trăm cái đi…”
“Có người đòi yêu em suốt đời em đâu có chịu. Không hiểu sao thấy anh viết thế em lại chịu. Có lẽ em thấy anh có vẻ thành thật”.
Thẩm đùa bỡn:
“Thế là em mắc mưu Sở Khanh rồi”.
Vi Vân buông thõng:
“Bởi!”
Chàng ôm hôn cô bé dữ dội. Rời cô bé chàng nói:
“Anh phải đi”.
“Mà đi đâu mới được chớ? Đi đâu bây giờ ngay hôm nay. Chớ mai mốt thế nào cảnh sát họ cũng hỏi em. Anh em nói thế”.
“Nói sao?”
“Anh ấy ở ty cảnh sát về. Anh ấy chỉ khai anh mà không hề nói gì đến em hay vị hôn phu của em hết. Anh ấy nói không hề quen biết anh, chỉ biết anh ở khách sạn gần bờ biển, hai bên đụng chạm nhau vì bên này nghênh bên nọ vậy thôi. Cũng may là anh rời khách sạn đó ngay chứ không thì bị bắt rồi”.
“Thảo nào đài phát thanh kêu tên anh”.
“Họ ập đến khách sạn ngay mà. Thế em mới sợ. Tụi bồi ở khách sạn đó thế nào cũng nói đến em, dù chúng nó không biết tên em”.
Thẩm thấy quẫn trí. Bên ngoài nắng đã lên cao. Chàng ngắm mãi những khoảng nắng vàng lay động trên một tàng lá xanh thẫm.
Tiếng chân bước lại vang động ở đầu hành lang. Lần này rầm rập nhiều người. Một bọn ba bốn người ngoại quốc đi qua.
Cô bé xem giờ, giật mình:
“Trưa rồi anh. Tan sở được mười phút rồi”.
Thẩm hoang mang:
“Em ở lại với anh được không?”
Vi Vân cầm khóa xe:
“Không được đâu anh”.
“Lúc này anh sợ một mình”.
“Em biết”.
Cô bé đứng dậy đi nhưng không thể đi được. Cô gặng hỏi:
“Bây giờ làm sao, anh?”
Thẩm nghe giọng nói mình rời rạc:
“Anh sẽ phải rời Bắc Phố”.
“Bằng cách nào, anh?”
Chàng lắc đầu:
“Anh cũng chưa biết được”.
Chàng có vẻ xao xuyến:
“Bao giờ anh gặp lại em?”
Vi Vân kinh hoàng trước câu hỏi ấy:
“Chắc là không… Chắc là còn lâu, anh”.
Thẩm ôm lấy cô bé:
“Không, anh cần em lắm. Đừng bỏ anh một mình”.
“Em sợ lắm”.
“Đừng để anh một mình ở đây. Không có em, người ta đối với anh đáng sợ lắm. Nghe sóng biển ì ầm anh không chịu nổi”.
“Em sống ở đây mười tám năm rồi”.
“Chiều đi làm về, nhớ ghé anh”.
Cô bé gỡ tay Thẩm ra:
“Anh đừng đợi em. Chắc em không dám đến đâu”.
“Vi Vân, đến đi, gọi điện thoại cho anh vậy”.
Cô bé gật đầu:
“Em sẽ gọi điện thoại”.
“Nhưng cũng ráng nghe anh, năm phút thôi cũng được”.
Cô bé sửa soạn ra về:
“Anh đừng đợi em. Nếu đến được thì em đến nhưng anh đừng đợi. Bây giờ chắc chắn họ theo dõi em từng bước”.
Thẩm ôm ghì người yêu, sợ hãi. Vi Vân sắp bỏ ra về, chỉ còn một mình chàng sống trong vòng vây, chờ đợi từng phút một những người sẽ ập đến bắt mình, hồi hộp nghe từng bước chân qua.
Cô bé gỡ tay Thẩm thoát ra khỏi những khối thân thể lạnh ngắt. Cô tự mở cửa. Ánh nắng lùa vào. Cô nói vội vàng:
“Em về”.
Vừa nói Vi Vân vừa bước ra ngoài hành lang, Thẩm vội vã gật đầu, để yên tâm hai người đã chia tay nhau đẹp đẽ. (Chàng vừa nghĩ biết đâu chàng không bị bắt đi chiều nay hay tối nay).
Vi Vân vừa bước ra tới sân Thẩm đã mở cửa đi theo, thật sự không muốn rời. Chàng xao xuyến nghĩ tới cái trống trải đe dọa mà cô bé vừa để lại, cái trống trải chưa bao giờ Thẩm thấy mênh mông như thế.
Khi chàng vào tới giữa quán thì Vi Vân đã ngồi lên xe. Chiếc xe chạy vụt ra đường. Cô bé không hề ngoảnh lại một lần nào.
Nguồn: Viên Linh, Tình nÆ°á»›c mặn, truyện dà i. Mẫu bìa Duy Thanh. Nguyệt san Tân Văn ấn hà nh lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của cÆ¡ sở Văn, xong ngà y 10.2.1972. Tác giả giữ bản quyá»n. Bản Ä‘iện tá» do talawas thá»±c hiện.