© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
26.6.2007
Nguyễn Đình Chính
Tôi biết rất ít về ông Trần Đức Thảo
 
Những năm đầu thập kỉ 1980, cha tôi, nhà văn Nguyễn Đình Thi rất oải (rất chán thì đúng hơn) vì mấy chuyện ở gia đình và ở Hội Nhà văn. Ông thường trốn lên Quảng Bá suốt ngày ngồi viết kịch và làm thơ. Một hôm ông ra lệnh cho tôi: Mời cậu, sáng mai đúng tám giờ có mặt ở chỗ tôi, có việc cho cậu.

Khi nhà văn Nguyễn Đình Thi phải gọi tôi là cậu thì, thường là quan hệ cha con lại sắp… có vấn đề.

Sáng mai, đúng hẹn, 8 giờ 20 phút, tôi có mặt ở Quảng Bá. Cái xe đạp mini cà tàng của tôi bị thủng săm giữa đường. Chậm giờ.

Ông Thi đang ngồi nói chuyện với một người gầy gò, da rất xấu, tướng mạo chẳng có gì đặc biệt. Hai người hình như cũng đang đợi tôi. Vì thế khi tôi vừa ló mặt vào, ông Thi đã nói ngay:

“Đây là thằng Chính. Nó đấy. Cũng mới đi bộ đội về. Nó dốt nát lắm. Nó… nó… và nó…”

Ông Thi còn nói nhiều nhiều nữa về tôi, dường như không phải cho ông khách nghe mà chính là để cho tôi nghe. Đại để ông vẽ chân dung tôi là một kẻ vô học, lông bông, ba lăng nhăng và cũng đang tí toe đọc triết. Kể về tôi, ông liên tục dùng đại từ nhân xưng đầy vẻ vẻ lạnh lùng, khinh miệt, thô lỗ. Tôi đã đọc Người con gái viên đại uý của Pushkin. Tôi chẳng ngỡ ngàng gì cái kiểu cha cư xử với con như vậy.

Cuối cùng ông Thi quay sang tôi:

“Giới thiệu với cậu, đây là bác Trần Đức Thảo.”

Tất nhiên là tôi chào bác ạ, còn ông Thảo thì hiền lành nhã nhặn nhìn tôi:

“Hồi tôi về thăm nhà anh ở Nhã Nam thì anh còn bé thế này.”

Và ông Thảo giơ tay lên xác định cái chiều cao của tôi hồi đó (hơn 30 năm trước) khoảng một mét.

Gút lại buổi gặp mặt sáng hôm ấy là ông Thi nhờ ông Thảo chỉ dạy cho tôi một chút ít về Heidegger. Tất nhiên là ông Thảo vui vẻ nhận lời (có lẽ hai ông đã nói với nhau trước rồi). Còn tôi, thú thực là tôi cũng chẳng bất ngờ. Mấy tháng trước tôi đã đối thoại hung hăng với nhà văn Nguyễn Đình Thi về Spencer, về Heidegger… Ông Thi có nói Trần Đức Thảo có nhiều ý kiến rất lạ lùng về Heidegger… và sẽ nhờ ông Thảo chỉ bảo cho tôi một đôi điều.

Thế là từ đó thỉnh thoảng tôi lại gặp ông Trần Đức Thảo và được trò chuyện đối thoại với ông về Heidegger rất bình đẳng, thú vị theo kiểu các triết gia cổ xưa vẫn rủ nhau đi dạo trong vườn ô-liu rợp mát để chỉ bảo, ban tặng cho nhau lòng yêu mến sự khôn ngoan. Sinh hoạt tinh thần của tôi (và chắc cũng của cả ông Thảo) những ngày tháng ít ỏi ngắn ngủi đó thật trang nhã và quí phái, mặc dù về diện mạo hình hài thì tôi giống như một thằng ma cà bông còn ông Thảo thì dúm dó, thảm hại như một anh viên chức còm vừa bị chủ đuổi việc.

Cuối năm 1989, đầu năm 1990, hình như ông Trần Đức Thảo được chính phủ cho sang Paris để làm việc theo nguyện vọng của cá nhân ông. (Ở Hà Nội hồi bấy giờ có tin đồn vỉa hè là đích danh Thủ tướng Phạm Văn Đồng phải đứng ra bảo lãnh để ông được sang Pháp định cư.) Nhà văn Nguyễn Đình Thi có chuyển cho tôi mượn tận tay một số bản thảo triết học hết sức khó đọc (đối với tôi hồi đó) của Trân Đưc Thảo. Tôi nhớ mang máng đó là những bản thảo viết về năng lượng thần kinh, về năng lượng tâm thần, về mối thông giao qua lại giữa ý thức và vật chất, giữa ý thức và ngôn ngữ… Trong những bản thảo này, Trần Đức Thảo đưa ra rất nhiều những khái niệm triết học mới lạ mà tôi chưa nghe thấy bao giờ. Cũng những năm này, tôi đã bắt đầu viết quyển tiểu thuyết Đêm thánh nhân rối tinh rối mù mỏi mệt. Khi nhà văn Nguyễn Đình Thi hỏi tôi, cậu (lại cậu) đọc những cái này thấy thế nào, tôi ú ớ đánh trống lảng. Tưởng tôi giấu dốt, ông Thi gặng hỏi hai, ba lần. Cực chẳng đã, tôi bèn nói theo kiểu phá thối. Tôi chê là một khi đã đọc phân tâm học của ông Sigmund Freud rồi thì đọc Trần Đức Thảo thấy… nhạt. Và tôi cũng nói bừa rằng tư tưởng cốt lõi của triết học Mác-xít cũng chẳng thân thiết gắn bó lắm đâu với những giá trị nhân văn và những thành tựu của khoa học kĩ thuật hiện đang phát triển như vũ bão trên thế giới. Tất nhiên khi nghe tôi tuôn ra như vậy thì Nguyễn Đình Thi nhìn tôi như một con quái vật, như một thằng cha căng chú kiết ngu đần. Về phần tôi thì tôi cũng nhân cơ hội đó mà chạy thoát ra khỏi được những sáng tạo triết học bất ngờ rất nhức óc của triết gia Trần Đức Thảo (“bất ngờ” - chữ của Nguyễn Đình Thi).

Cho đến hôm nay, phần đông người Việt Nam cũng không biết nhiều về ông Trần Đức Thảo. Vì họ không đọc sách của ông. Và nếu có đọc thì cũng chỉ có vài người hiểu được những gì ông viết. Người đời chỉ biết về ông là một trí thức dính dáng đến Nhân văn-Giai phẩm đã bị đầy đi chăn dê ở chân núi Ba Vì để cải tạo lao động, gột rửa tư tưởng.

Vào một ngày cuối tháng 3 năm 1991, tôi có đưa cho nhà văn Nguyễn Đình Thi bài viết “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” của ông Hà Sĩ Phu (tôi không biết là ông Thi đã có bài viết đó trước tôi cả năm rồi). Trong khi nghe tôi nói tác giả của bài viết này không phải là một nhà tư tưởng, cũng không phải là một triết gia mà chỉ là một nhà cải cách xã hội bình dân đầy cảm xúc và cực đoan thì, ông Thi chỉ ngồi im. Ngay hôm sau, ông Thi có đưa cho tôi đọc bài viết của Trần Đức Thảo phê phán “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đưòng…” Nguyên vẹn toàn bài chứ chưa bị người khác biên tập. Gần đây talawas có đăng bài viết này của Trần Đức Thảo. Đáng tiếc là tờ báo mạng này chỉ có được phần bài viết đó đăng trên tạp chí Cộng sản (tháng 2 năm 1991) sau khi đã được biên tập.

Trong bài trả lời phỏng vấn trên talawas tháng 1 năm 2007, tôi có nói ông Thảo là một triết gia có biệt tài hiệu đính chủ nghĩa Mác, bởi vì, cho đến ngày hôm nay, ông Thảo là một trong số rất, rất ít người Việt Nam (khoảng độ 5 hoặc 6 người) nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo một triết học Mác-xít chưa bị xén gọt. Chỉ cần đọc một bài viết về chủ nghĩa xã hội dân chủ của ông Trần Dức Thảo viết từ năm 1944 thì cũng hiểu tại sao những năm tháng sau này phục vụ cho Đảng Cộng sản, ông Thảo đã bỏ nhiều sức lực, nhiều thời gian để làm cái công việc hiệu đính lại (chứ không phải phát triển như ông tự nhận) cái lí thuyết của một triết học Mác đang được tôn vinh tại Việt Nam. Trong những lần nói chuyện với tôi về Heidegger, Trần Đức Thảo cũng có rẽ ngang nói cho tôi nghe một chút ít về Mác trước 1848 và Mác sau 1848 và nhất là về tinh thần của bộ Tư bản 3 được Ăngghen cho xuất bản sau khi Mác đã mất. Tôi nghĩ rằng nếu talawas đăng toàn bài của ông Thảo (chưa bị cắt xén biên tập lại) phê phán “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường…” thì sẽ giúp người đọc hiểu hơn sự gắn bó về tư tưởng của Trần Đức Thảo với triết học Mác-xít như thế nào. [1] Sự gắn bó đó như một định mệnh đã gây ra không biết bao nhiêu bi kịch cười ra nước mắt cho thân phận người lữ hành long đong vất vả này (“Người lữ hành vất vả” - chữ của Nguyễn Đình Thi).

Nhưng Trần Đức Thảo không phải chỉ là một người Việt Nam có biệt tài, có công lớn nhất hiệu đính chủ nghĩa Mác. Sự nghiệp tư tưởng của ông còn được xây dựng trên một bình diện sáng tạo triết học khác, mới mẻ, không dính dáng gì tới triết học Mác-xít. Theo tôi biết thì ở miền Bắc Việt Nam (tôi nhấn mạnh: miền Bắc Việt Nam) hơn một nửa thế kỉ qua, trong giới văn nghệ sĩ trí thức chỉ có một người duy nhất có đủ lịch lãm triết học để đối thoại được với Trần Đức Thảo về những lao động sáng tạo triết học tuyệt vời này của ông. Người đó là nhà văn Nguyễn Đình Thi. Tôi cũng đã được ngồi nghe một vài buổi hai ông nói chuyện với nhau về những tác phẩm triết học rất thông minh này của Trần Đức Thảo (thường thường phần cuối những buổi nói chuyện đó, hai ông phải nói bằng tiếng Pháp vì tiếng Việt không có đủ từ).

Trong thế hệ những người trí thức được hưởng sự giáo dục đào tạo bậc đại học Pháp (ở trong nước và ở nước ngoài) nhưng lại tình nguyện đi theo phục vụ Đảng Cộng sản Việt Nam thì, Nguyến Đình Thi và Trần Đức Thảo là hai gương mặt nổi bật đặc biệt phức tạp. Cuộc đời và số phận của hai ông đã để lại rất nhiều thông điệp, tuy khác nhau nhưng lại cũng rất giống nhau đang cần được giải mã. Có thể vì thế mà khi còn sống, Nguyễn Đình Thi và Trần Đức Thảo có một mối thông công với nhau rất trang nhã và lịch duyệt.

Mối thông công ấy rất khó còn tìm thấy hiện hữu trong giới văn nghệ sĩ trí thức, nhất là trong giới văn nghệ sĩ trí thức trẻ Việt Nam những năm tháng này ở trong nước đang sống và hành xử với cuộc đời.


© 2007 talawas


[1]Bài viết của Trần Đức Thảo đăng lại trên talawas ngày 23.6.2007 là toàn văn bản đăng trên tạp chí Cộng sản tháng 2.1991. Nếu được cung cấp bản gốc của bài viết này, chúng tôi sẽ rất biết ơn và sẽ đăng bổ sung để độc giả có thể đối chiếu (talawas).