© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
10.12.2005
Bùi Vĩnh Phúc
Trịnh Công Sơn, ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật
Phạm Văn Kỳ Thanh thực hiện
 1   2 
 
Tôi đến thăm nhà lý luận phê bình Bùi Vĩnh Phúc tại nhà riêng của anh ở Tustin Ranch, California, vào một buổi chiều thu. Tôi tìm được nhà anh không khó lắm vì trước nhà có hai chậu cây chuối khá lớn cùng với một bụi cây những cánh “chim địa đàng” (birds of paradise) miền nhiệt đới mầu vàng cam đậm đang nở rộ. Những cánh chim đang như muốn bay vút vào bầu trời với ánh nắng mầu chì pha bạc. Ðường vào nhà cũng có một bụi cây chuối đang ngả nghiêng những chiếc lá tươi non mạnh mẽ. Những dãy núi ở phía xa vương một mầu đen pha tím sẫm. Bầu trời Nam California hôm ấy như đang ôm ấp trong mình một vài cơn mưa nhỏ. Trong không gian thoảng mùi lá cây và hơi nước. Anh Bùi Vĩnh Phúc đón tôi vào nhà. Trên hai bức tường của hành lang vào phòng khách, tôi thấy có một bức vẽ mực xạ pha màu nước của Võ Ðình, một bức ảnh chụp lớn tên Moonrise, Hernandez, New Mexico của Ansel Adams, và một bức ảnh chụp cầu Thê Húc với một góc độ và mầu sắc rất đẹp. Phòng tiếp khách của anh có những tủ sách; một chiếc bàn gỗ lót kính dày phớt mầu xanh lá, ở giữa, với vài cuốn sách và tạp chí Mỹ, Pháp để trên bàn; một tủ kính đựng một số những tượng và vật trang trí mà anh cho biết đã thu lượm được từ những chuyến đi nghỉ hè ở một số nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Một chiếc piano Yamaha mầu nâu đỏ đặt sát tường, trên tường là một bức tranh với những đường nét kỷ hà học. Bức tường phía trên lò sưởi có một bức tranh theo dạng của Mark Rothko, một bức tranh rất “thiền” với những màu đen, cam và đỏ đậm, pha với một vài nét kim nhũ. Căn phòng có trần rất cao, tạo không khí thoải mái cho cuộc trò chuyện.

Nhà phê bình cho tôi biết là anh đã không cho ra mắt chuyên luận Trịnh Công Sơn, ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật của mình vì, như anh cho biết, sau khi quyển sách ra được hai, ba hôm, anh đã lên đường đi Việt Nam và Trung Quốc trong vòng hơn một tháng. Khi về, sách đã được phổ biến khá rộng rãi rồi, và anh cũng không còn thì giờ để cho ra mắt quyển sách. Là người làm phê bình và nghiên cứu âm nhạc Việt, tôi đang cố gắng hoàn tất cuốn sách Những nẻo đường âm nhạc Việt Nam (dự định sẽ cho ra mắt bằng tiếng Anh trước, sau đó sẽ cho xuất bản bằng tiếng Việt), tôi cũng có những quan tâm nhất định đến đóng góp của Trịnh Công Sơn trong gia tài âm nhạc Việt Nam. Tôi đã tìm đến Bùi Vĩnh Phúc. Bài phỏng vấn mà nhà phê bình dành cho tôi ở đây chắc chắn cũng sẽ giúp tôi đào sâu vào việc tìm hiểu về người nhạc sĩ này. Ngoài ra, nó còn cho tôi, và hy vọng cả các độc giả nữa, biết được một số khía cạnh trong mắt nhìn lý thuyết cũng như trong phong cách và quan điểm phê bình, nói chung, và đặc biệt trong quan niệm về hành vi viết và đọc, của nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc.

Bài viết này được thực hiện từ cuộc nói chuyện kéo dài khoảng ba tiếng đồng hồ hôm ấy. Sau đó, bài viết đã được nhà phê bình xem và điều chỉnh lại ở một số điểm, một số từ ngữ trong một buổi gặp mặt khác giữa chúng tôi. Ông cũng thêm vào một vài ý tưởng để giúp cho phần thảo luận được rõ ràng hơn.
Phạm Văn Kỳ Thanh
Nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc
Phạm Văn Kỳ Thanh: Nhiều người đã viết về Trịnh Công Sơn với những bài viết ngắn gọn, từ 2 cho đến khoảng 15, 30 trang, trên các sách báo văn nghệ trong và ngoài nước. Ngoài ra, cũng có một vài tuyển tập những bài viết về Trịnh Công Sơn, chưa kể một cuốn sách trên dưới 150 trang mới ra của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng viết về người nhạc sĩ này. Tại sao bây giờ lại có một thêm một cuốn sách mới nữa về Trịnh Công Sơn của anh? Anh định làm điều gì với cuốn sách này?

Bùi Vĩnh Phúc: Vâng, đúng như anh nhận xét. “Trịnh Công Sơn” là một đề tài đã khá cũ, tuy những nhận xét, phân tích về con người cũng như tác phẩm của anh gần như mới chỉ nở rộ sau khi anh nằm xuống. Nghĩa là mới chỉ cách đây chừng bốn năm rưỡi. Ðã có nhiều bài viết về anh trên báo chí và các tập san văn nghệ, cả ở trong lẫn ngoài nước. Ðã có một vài tuyển tập và một, hai cuốn sách được xuất bản để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về con người cũng như về các tác phẩm của người nhạc sĩ. Tôi không nghĩ là những sự tìm hiểu, nghiên cứu ấy đã chấm dứt. Chắc chắn rồi sẽ còn những người khác tiếp tục suy nghĩ và viết về Trịnh Công Sơn. Ngoài ra, ca từ của anh mang chứa nhiều lời mời gọi, chia sẻ. Và sẽ còn những người đáp ứng lời mời gọi ấy để cất tiếng.

Trong trường hợp tôi, nhìn Trịnh Công Sơn như một hiện tượng xã hội, đã đành, nhưng chủ yếu là muốn nhìn anh như một hiện tượng văn học (chứ không phải chỉ là một “hiện tượng văn nghệ” theo cái nghĩa rất “cliché” và chung chung của nó), tôi muốn làm một cái gì mới. Nói nhìn Trịnh Công Sơn như một hiện tượng văn học có lẽ vẫn chưa thật đúng với điểm nhắm của tôi. Thật sự, tôi muốn nhìn các tác phẩm của anh, đặc biệt hơn nữa, ca từ trong các tác phẩm anh (từ đó, tạo nên một thế giới rất đặc thù ở nơi anh) như một hiện tượng văn học. Qua ngôn ngữ, Trịnh Công Sơn đã xây dựng được “căn nhà của hiện hữu”, xây dựng được những giấc mơ giữa đời của anh. Những giấc mơ ấy được đan kết nên bởi những hình ảnh mà, qua sự phân tích và hệ thống hoá, tôi gọi là “những ám ảnh nghệ thuật” của Trịnh Công Sơn. Những “ám ảnh” này cho phép chúng ta nhìn kỹ hơn nữa vào cái thế giới mà anh đã tạo ra. Một cách ý thức hay vô thức.

Qua cuốn sách, tôi muốn giới thiệu một cái nhìn có tính hệ thống và khoa học, ở một vài mức độ và góc cạnh nhất định, qua đó, đi sâu vào con người vô thức của Trịnh Công Sơn. Một con người, tôi nghĩ, rất hiếm khi để lộ rõ mặt mày trước chúng ta, những người quý mến và nhìn ngắm anh từ bên ngoài, và một con người, có lẽ, cũng hiếm khi để lộ rõ mặt mày với chính mình.

PVKT: Tôi nhận thấy là chuyên luận của anh áp dụng một phương pháp luận khá rõ nét để đi vào thế giới Trịnh Công Sơn. Anh có thể nói thêm chút gì về phương pháp luận và những thao tác nghệ thuật mà anh đã sử dụng để viết cuốn sách?

BVP: Chủ yếu, tôi dùng thi pháp học để nhìn vào thời gian và không gian nghệ thuật trong thế giới của Trịnh Công Sơn, cái thế giới mà anh đã dùng ngôn ngữ qua ca từ hết sức đặc thù của mình để tạo nên. Cấu trúc không gian và tổ chức thời gian của một nghệ sĩ, một nhà văn, một nhà thơ, cho ta nhìn thấy rõ thế giới của anh. Cái thế giới ấy được xây dựng nên từ những ám ảnh, những ám ảnh nghệ thuật.

Tôi nhìn Trịnh Công Sơn như một nhà thơ qua ca từ của anh, bởi chính với con người nhà thơ ấy, Trịnh Công Sơn mới hiển hiện giữa chúng ta vừa như một dấu ấn lửa, ghi khắc một giai đoạn đầy tính tàn khốc và bi kịch của lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20, vừa như một dấu ấn tình yêu ngọt ngào và đau xót qua biết bao bài hát đẹp tươi và bất hạnh của anh. Con người ấy trong khi xây dựng nên thế giới của mình thì, đồng thời, cũng tự buộc mình vào chính cái thế giới ấy. Anh bị những hình ảnh, những biểu tượng của chính những giấc mơ mình, như những sợi dây, giằng cuốn và ghì xiết. Anh là người đan dệt nên tấm lưới nhiều chiều kia, và anh cũng là “con mồi” của tấm lưới ấy. Anh bị nó đánh bẫy. Anh mang một hình ảnh song trùng, vừa là kẻ sáng tạo, vừa là nạn nhân của chính sáng tạo mình. Ngôn ngữ, ở đây, chính là vật liệu để xây dựng cái thế giới kia. Nói như Heidegger, “ngôn ngữ là căn nhà của hiện hữu”, là “ngôi nhà An cư của Tính thể”. Bởi thế, tôi cũng khảo sát nhiều chiều ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn. Bởi lẽ, nếu nhìn Trịnh Công Sơn như một nhà thơ, thì chỉ qua ngôn ngữ của anh, ta mới có thể thâm nhập được vào cái thế giới bên trong của con người nhà thơ ấy.

Ngoài ra, tôi cũng dùng phương pháp xếp chồng văn bản của Charles Mauron để đi sâu vào con người vô thức của Trịnh Công Sơn...

PVKT: Tôi có được nghe nói về phương pháp này, nhưng chưa có dịp tìm hiểu kỹ. Anh có thể cho tôi và các độc giả biết chút ít về phương pháp vừa nói?

BVP: Như tôi đã có dịp trình bày phần nào trong cuốn sách, phương pháp xếp chồng văn bản (superposition) của Charles Mauron có gắn bó với phân tâm học. Trong cái nhìn của tôi, nó cũng là một dạng đặc biệt của phê bình văn học dựa trên nghiên cứu liên văn bản (inter-textual).

Liên văn bản nối kết nhiều loại văn bản khác nhau, từ nhiều nguồn, nhiều trung tâm văn hóa khác nhau, để làm thành một “tấm vải” đan kết chằng chịt bởi những trích dẫn khác biệt. Những “tấm vải” này sẽ có hình dáng khác nhau trong sự nhìn ngắm cụ thể của mỗi một người đọc. Với kinh nghiệm, cá tính, cùng tất cả những yếu tố khác tạo nên con người đặc thù của mình, người đọc sẽ nhìn ra trong tác phẩm mình đang đọc dần dần hiện lên hình dáng “tấm vải văn bản” của tác phẩm mà người ấy đang tiếp cận. Từ đó, dẫn đến ý nghĩa của tác phẩm đối với riêng người ấy. Khái niệm “liên văn bản”, như thế, gắn bó chặt chẽ với vai trò và cá tính của người đọc. Từ đó, nó lại liên hệ đến phương pháp phê bình dựa trên sự hồi ứng của người đọc (reader-response criticism). Và, nói rộng hơn, nó liên hệ đến mỹ học tiếp nhận (reception theory) phát xuất từ trường phái Konstanz của Ðức.

Phương pháp liên văn bản thường sử dụng không những các văn bản có tính văn học khác để soi chiếu một tác phẩm, mà nó còn sử dụng các huyền thoại, truyền thuyết như là những nguồn, cung cấp những dữ kiện, những hình ảnh, những yếu tố để, qua đó, mỗi người đọc đặc thù tự “dệt” nên “tấm thảm văn bản” cho chính mình. Trong khi đó, phương pháp xếp chồng văn bản thường chỉ sử dụng những tác phẩm khác nhau của một tác giả, hoặc “chồng” các văn bản cùng thể loại của một số tác giả khác nhau được nghiên cứu để tìm những đường nét của huyền thoại tập thể; từ đó, cũng làm phát hiện huyền thoại cá nhân của mỗi tác giả. Mauron đã xếp chồng một số tác phẩm của Baudelaire để tìm hiểu những ẩn dụ ám ảnh của nhà thơ này. Ông cũng đã làm thế với Mallarmé để tìm hiểu hệ thống từ vựng, từ đó, đi đến hệ thống ẩn dụ của nhà thơ.

PVKT: Áp dụng phương pháp này vào việc nghiên cứu các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, anh có thể phát hiện được điều gì?

BVP: Như tôi đã trình bày, phương pháp xếp chồng văn bản, với nỗ lực gắn phân tâm học vào phê bình văn học, sẽ cho ta những cơ hội để nghiên cứu những mạng lưới liên tưởng trong ngôn ngữ và hình ảnh được thể hiện trong thế giới nhạc ngữ của Trịnh Công Sơn. Nó sẽ giúp ta khám phá ra những ám ảnh mà anh luôn ôm ấp trong đời sống cũng như trong những giấc mơ giữa đời của mình. Từ sự liên kết các mối ám ảnh này qua những văn bản là hàng trăm bài hát của Trịnh Công Sơn, ta có thể nghe ra các tiếng vọng dội âm nhau cũng như các hình ảnh phóng chiếu, khúc xạ lẫn nhau trong những giấc mơ về đời sống cũng như qua những giấc mơ về một cõi thiên thu giữa cuộc đời của anh.

Tất cả những ám ảnh này làm nên con người vô thức của tác giả. Nó có thể phác họa nên một cấu trúc tinh thần, dẫn đến một thứ mà Mauron gọi là “huyền thoại cá nhân” của một nhà văn, một nghệ sĩ. Tất cả những ám ảnh đó kết thành một mạng lưới cho chúng ta thấy rõ ràng những suy tư về cuộc đời, thân phận, con người, tình yêu của Trịnh Công Sơn. Nỗ lực của tôi, như thế, là muốn kết hợp phân tâm học và thi pháp học với những phân tích hiện tượng luận để đưa ra một cái nhìn về ngôn ngữ và thế giới nghệ thuật cũng như những ám ảnh nghệ thuật của người nhạc sĩ.

PVKT: Ðiều anh vừa cho biết rất lý thú. Tôi có được đọc một bài viết trên Net, phê bình rằng ngôn ngữ và hình ảnh của Trịnh Công Sơn rất đơn điệu. Người viết dùng phương pháp thống kê để chỉ ra là Trịnh Công Sơn đã lặp đi lặp lại nhiều lần một số hình ảnh và từ ngữ. Nhìn theo cách ấy, sáng tác của Trịnh Công Sơn có những nét tiêu cực trong cách thức thể hiện, vì nó biểu hiện một cái gì giống như sự nghèo nàn. Nhưng nếu nhìn những sự lặp đi lặp lại trong một số hình ảnh và từ ngữ ấy không theo cái nhìn “cân đo đong đếm” của phương pháp thống kê một cách máy móc, mà nhìn ra được cái lý nằm đằng sau những sự lặp đi lặp lại ấy, như bằng phương pháp “xếp chồng văn bản” mà anh vừa chỉ ra, thì mọi thứ lại như được soi chiếu dưới một ánh sáng khác hẳn. Có vẻ như sự lặp đi lặp lại ở đây lại là một sự cố ý, một thứ “thao tác nghệ thuật” của Trịnh Công Sơn...

BVP: Vâng, có thể là một sự cố ý, mà cũng có thể là do vô thức. Trịnh Công Sơn có thể ý thức hay không ý thức về vấn đề này. Ðiều đó, thật sự cũng không ảnh hưởng gì đến giá trị nghệ thuật trong sáng tạo của anh. Có thể tôi sẽ trở lại vấn đề này sau. Vấn đề còn lại là cái cách ngắm nhìn và vị trí nhìn ngắm của người làm công việc phân tích, phê bình. Và đây cũng còn dính líu đến vấn đề phương pháp luận nữa. Những phát hiện gần đây của cơ học lượng tử cũng đã cho thấy là “hiện thực”, khảo sát được qua các thí nghiệm chẳng hạn, không thể nào mang tính “khách quan” hoàn toàn. Kết quả của tất cả mọi cuộc thí nghiệm đều phụ thuộc vào người làm thí nghiệm, người quan sát, cũng như tuỳ thuộc vào các thiết bị đo để thực hiện cuộc thí nghiệm của ông ta. Như thế, người làm thí nghiệm cũng trở nên một thành phần không thể chối bỏ dính líu tới kết quả của thí nghiệm ấy. Trong cuốn L’Infini dans La Paume de la Main, ghi lại cuộc nói chuyện về khoa học và tôn giáo giữa Trịnh Xuân Thuận và Matthieu Ricard (bản dịch tiếng Mỹ là The Quantum and The Lotus, bản Việt dịch là Cái vô hạn trong lòng bàn tay của Phạm Văn Thiều vả Ngô Vũ), hai tác giả này, trong những lĩnh vực chuyên môn của mình, cũng đã bàn rất kỹ về điều đó. Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận kết luận về vấn đề này: “Chúng ta bây giờ không còn là khán giả thụ động trước sân khấu náo động của thế giới các nguyên tử, mà là các diễn viên thực thụ trên sân khấu đó.”

Xin trở lại với câu chuyện văn học của chúng ta. Thật sự, cho dù là một nhà văn nào đó có viết được hai, ba chục tác phẩm thì, tất cả, nhìn chung, người ta cũng có thể nói rằng ông ta đã chỉ viết có một tác phẩm duy nhất mà thôi. Có một số chủ đề, một số yếu tố nào đó sẽ cứ được lặp đi lặp lại, bằng cách này hay cách khác, trên mặt này hay mặt khác, mà một người đọc thấu đáo và kỹ lưỡng tác phẩm của nhà văn ấy có thể nhìn ra trong tất cả các tác phẩm của ông ta.

PVKT: Tôi nghĩ, nếu sự lặp đi lặp lại này chỉ là sự kém cỏi, đơn điệu, thì người ta, cùng lắm, chỉ có thể nghe được vài ba bài hát của Trịnh Công Sơn thôi. Những bài sau sẽ không còn độ cuốn hút nữa. Nhưng thực tế lại chứng tỏ ngược lại. Người Việt Nam, đặc biệt là người dân miền Nam, đã biết đến Trịnh Công Sơn từ những năm 60 của thế kỷ trước. Từ đó, họ không ngừng nghe anh, hát những bài hát của anh, và nói về nhạc ngữ cũng như ca từ của anh. Trong vai trò một nhà phê bình văn học, anh có thể cho biết, theo anh, cái đặc sắc, cái khác người của thế giới Trịnh Công Sơn là gì? Tại sao nó lại thu hút chúng ta đến như thế?

BVP: Thế giới của Trịnh Công Sơn là một thế giới được xây dựng bằng ngôn ngữ. Và hình ảnh. Cả hai chất liệu này lại được âm nhạc của anh tháp cho đôi cánh để bay lên. Thế giới của anh là một thế giới “lai”: nó lai giữa hiện thực và mộng ảo, giữa xám và hồng, giữa những điều xảy ra trong đời thường, những điều mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày, và những điều mà chúng ta hằng mơ mộng thiết tha. Chính cái tính chất “lai tạp” kỳ lạ này làm cho chúng ta, những người nghe anh, cũng cảm thấy, một cách nào đó, nửa ý thức nửa vô thức, như mình được sống trong cái thế giới bắc cầu ấy: cùng một lúc ở “hai bên bờ”, vừa bên này vừa bên kia. Sự pha trộn, lai tạp luôn có cái ma lực cuốn hút của nó. Ðó là chưa nói đến chuyện những bài hát của anh cũng là một sự pha trộn giữa nhạc và thơ. Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ, đã hẳn, nhưng điều làm cho Trịnh Công Sơn nổi bật lên so với rất nhiều nhạc sĩ khác chính là ở nơi những ca từ của anh. Bài hát của Trịnh Công Sơn có thể đứng một mình như là một bài thơ, với rất nhiều hình ảnh thơ. Ðó là một hiện tượng rất đặc thù trong nghệ thuật.

Ca từ của Trịnh Công Sơn đã làm mới ngôn ngữ Việt Nam và đưa ra những hình ảnh đẹp một cách rất bi thiết pha trộn với nét kỳ ảo. Tất cả những điều đó tạo nên một thế giới riêng biệt, một thế giới chưa bị làm mòn đi bởi sự nhàm chán, sự lặp lại. Và điều ấy tạo nên sự thu hút.

PVKT: Khảo sát về thời gian và không gian trong thế giới Trịnh Công Sơn của anh rất đặc biệt. Ðó là những khoảng không gian và thời gian rất đẹp và lạ, đã được hệ thống hoá và như là được rọi vào một ánh sáng rất mới. Tôi nghĩ ai nghe Trịnh Công Sơn cũng có thể mường tượng ra những không gian và thời gian như thế, nhưng một cách rất mơ hồ và đầy cảm tính cũng như đầy tính mảnh vụn. Những phân tích và soi chiếu của anh không chỉ có tác dụng soi sáng và làm rõ nét, mà nó còn đưa ra được một cái nhìn mặc dù đầy nét thơ mộng nhưng rất lý tính. Một cái nhìn rất hệ thống và mạch lạc. Ngoài ra, hình như nó còn có tác dụng khải thị.

Ðọc chuyên luận của anh, người ta có thể nhìn ra một cách thú vị là anh đã dùng nhiều hình ảnh và các mối liên kết cùng những dẫn chứng từ nhiều nguồn khác nhau trong nhiều ngành khoa học xã hội và văn chương để soi chiếu các tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Và anh đã gắn kết những giải thích ấy với sự rung cảm cũng như với những kinh nghiệm mỹ học của mình để nói một cách hết sức thơ mộng và sâu sắc về thế giới nghệ thuật của người nhạc sĩ. Có thật là Trịnh Công Sơn đã cấu trúc không gian và tổ chức thời gian của anh ấy như thế? Hay đó là những không gian và thời gian được phóng chiếu qua cảm nhận và rung động riêng của nhà phê bình?

BVP: Mỗi người chúng ta đều có cho mình những không gian và thời gian đặc thù và rất riêng. Có điều, cái riêng tư ấy chưa được nhìn ngắm và phân tích một cách thấu đáo đấy thôi. Hiện thực của mỗi người được làm bằng không gian và thời gian của họ. Ðúng hơn, thực tại của chúng ta hiển hiện ra trước mắt mỗi người ngay trong chính sự gặp gỡ của chúng ta với những thời gian và không gian của mình, những thời gian và không gian mà chúng ta cảm nhận riêng trong mắt nhìn, trong tâm hồn mình. Thật ra, đây là một vấn đề của triết học, nhưng, gần đây, các nhà khoa học cũng đã bắt đầu nghiên cứu điều này.

Thời gian và không gian của Trịnh Công Sơn là những mảnh vụn trong chiếc kính vạn hoa của riêng anh, qua đó, anh tạo nên thế giới của mình. Dùng thi pháp học pha với thủ pháp “xếp chồng văn bản”, và áp dụng những thao tác phân tích của tâm lý học miền sâu để thử đi vào cõi vô thức của Trịnh Công Sơn, tôi thử dò tìm xem anh đã cảm nhận những gì trong cuộc sống mình. Ðó cũng chỉ là một sự giải thích thôi. Tuy nhiên, muốn giải thích thì cũng cần phải có một phương pháp. Cũng phải có một số ngôn ngữ và hình ảnh của riêng mình. Chúng ta thấy được điều đó nơi các nhà phân tâm. Thật sự thì ai trong chúng ta cũng đều có thể giải thích bất cứ một điều gì trong đời. Những điều liên hệ đến mình và cả những điều liên hệ đến người. Vấn đề là tại sao lại còn có những nhà phân tâm. Tại sao lại có những nhà phê bình văn học. Tại sao lại có những lý thuyết. Tại sao lại có những nhà lập thuyết. Tất cả những sự hiện hữu ấy đều có cái lý của chúng. Những sự có mặt ấy làm cho cuộc sống con người phong phú hơn. Chúng làm cho con người sống một cách có ý thức hơn và, theo tôi, sống “người” hơn, đáng yêu hơn. Chúng cho thấy là con người là một sinh vật luôn muốn tìm tòi để hiểu biết về tất cả mọi thứ bao quanh mình hoặc liên hệ đến mình. Suy nghĩ, đặt câu hỏi, và tìm cách trả lời những câu hỏi ấy. Những điều đó không phải chỉ dính líu đến triết học, nhưng, thật sự, nó dính líu đến con người một cách rất thiết thân. “Con người”, theo nghĩa xứng đáng nhất...

PVKT: Tôi hiểu rồi. Như vậy có nghĩa là những không gian và thời gian trong thế giới của Trịnh Công Sơn đã làm nên cái đặc thù của thế giới ấy. Và anh đã chỉ ra cho người đọc thấy được những nét đặc thù của nó. Hoặc cũng có thể đó chính là cái nhìn rất đặc biệt của nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc, về thế giới của Trịnh Công Sơn. Thế giới ấy có thể chính Trịnh Công Sơn cũng không hẳn đã biết đến hay nhìn được mặt mũi của nó một cách tường tận. Chỗ ẩn trú của nó là ở cõi vô thức. Văn chương thế giới cho thấy là các nhà phê bình đã làm giàu có cho văn học từ những sự “nhìn ra”, những phát hiện lý thú như thế.

BVP: Tôi nghĩ bất cứ thực tại nào cũng là thực tại trong mắt nhìn riêng của một người nào đó. Thế giới của Trịnh Công Sơn, chủ yếu làm nên bởi không gian và thời gian trong anh, cũng là một thứ “thực tại”. Cho dù nó có là một thứ “thực tại văn học” hay một thứ “thực tại ảo” đi chăng nữa. Vậy thì cái “thực tại” ấy là một thực tại trong mắt nhìn riêng của tôi. Dĩ nhiên, bất cứ một thực tại nào được nhìn ngắm từ một mắt nhìn cũng là một thực tại đã được khúc xạ từ góc độ nhìn ngắm của người ngắm nhìn. Tất cả mọi “thực tại”, như thế, đều khác nhau. Giá trị của từng sự ngắm nhìn được tạo nên bởi chính sự khác biệt ấy. Quan trọng là ta đã nhìn ngắm như thế nào, và ta đã đứng từ góc độ nào để nhìn ngắm. Cũng như phương pháp tiếp cận của ta ra sao.

Phương pháp tiếp cận của nhà phê bình, ở đây, cũng giống như các thứ thiết bị đo của nhà khoa học trong việc thực hiện các thí nghiệm mà tôi đã có dịp đề cập lúc nãy. Cũng thế, tất cả mọi nhà văn, khi tiếp cận thực tại, cũng đứng từ những góc độ khác nhau và có “những thiết bị đo” khác nhau. “Những thiết bị đo” này nằm trong cá tính, trong sự học hỏi, trong những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm đọc, những kinh nghiệm mỹ học, và sự nhậy cảm trước những thực tại cuộc đời của họ. Chính những thứ ấy làm cho các nhà văn khác nhau, các nhà phê bình khác nhau. Và cuộc đời, từ đó, cũng trở nên khác. Lấp lánh, biến hoá và phong phú hơn lên. Người ta yêu văn chương cũng chính vì những điều này. Văn chương không phải là đời thực, nhưng nó cũng chính là cuộc đời này. Chính là sự nhập nhằng, hai mặt đó đã làm nên giá trị của văn chương. Thì văn chương đã không phải là những sự nhìn ngắm, phân tích và giải thích về cuộc đời đó sao?

© 2005 talawas




[1]Bùi Vĩnh Phúc, Trịnh Công Sơn, ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật, California: Nhà xuất bản Văn Mới (310-366-6867), 2005. 286 trang.