Thế kỉ XX trong lịch sử Việt Nam vẫn đang còn là một câu chuyện chưa kết thúc về một quá trình chuyển hoá liên tục của một dân tộc về cả mặt vật chất lẫn mặt tinh thần mà dân tộc ấy phải mầy mò và dần dà cũng tìm ra được cách thế để chuyển hoá những kiến trúc xưa cũ, những tư tưởng lỗi thời và những tập tục cổ hủ; thay vào đó là những hành trang khả dĩ vứt bỏ được những dấu tích của một thời lệ thuộc và đường hoàng bước vào một kỉ nguyên mới với bản sắc nguyên vẹn và một tư thế mới mẻ: một thành viên mới của cộng đồng thế giới.
Hôm nay tôi xin được bày tỏ đôi điều về nhạc sĩ Phạm Duy, sinh năm 1921 tại Hà Nội, vừa mới trở về Sài Gòn cư ngụ sau 30 năm lưu vong tại Thị trấn Giữa Đàng, Cali., xem như một nhân chứng và một người phát ngôn của thế kỉ này. Số phận cũng như hàng loạt những chọn lựa trong đời đã đẩy đưa ông vào giữa lòng những chuỗi biến cố chuyển hoá xã hội, khiến ông bật lên những cung bậc để khóc cười theo mệnh nước cho nhiều thế hệ đồng bào ông cùng nghe
[1] .
Trên bước đời riêng, cho dù ông quen biết đủ hạng chính trị gia và những lí thuyết gia chính trị, Phạm Duy vẫn thuỷ chung với vai trò chứng nhân của thời cuộc không một lần chen chân vào vũ đài chính trị; phải nói rằng ông rất lợm cái quyền lực chính trị. Trong
Hồi ký, ông nói về Đại hội Văn nghệ tại Hà Nội năm 1945 do Việt Minh chỉ đạo, khi đó ông mới tuổi 25, và là một người tham dự trẻ tuổi. Ông kể lại thế này:
“Làm chính trị là phải bẩn tay.
Ngụ ngôn La Fontaine đã nói: ‘La raison du plus fort est toujours la meilleure’ (chân lí nằm trong tay kẻ mạnh). Tục ngữ ta còn có câu: ‘Được làm vua, thua làm giặc’. Tôi chán chính trị là thế.
Tôi… nhìn thấy rõ trong ván bài tranh đua nắm chính quyền này, phe nào thắng phe nào rồi… Nhưng biết là biết vậy mà thôi, vì trò chính trị lọc lừa và đổ máu, đó là trò chơi của người khác, tôi thích làm văn nghệ hơn là làm chính trị. Ngay từ lúc này cho tới mãi mãi về sau, tôi quyết tâm là không bao giờ tham dự vào các cuộc chơi đó cả.’’
[2]
Bốn tập
Hồi ký mà tôi vừa trích một đoạn trong đó cho ta thấy rõ hình ảnh một người hết sức dị ứng với trò trấn áp tri thức, một người luôn bận tâm với sự dấn thân và tích hợp, một người lúc nào cũng muốn nhìn ra cứu cánh cho những thể nghiệm bản thân và một phương tiện cho mọi thứ ông trải nghiệm, một người như biết đủ thứ người và việc ở xứ Việt và là người luôn trăn trở về việc phơi trải những suy nghiệm về đời mình. Những người hâm mộ ông thường cho ông là một
tư tưởng gia, bên cạnh con người sáng tác, và ông cũng minh nhiên cho mình vai trò một triết nhân khi nhắc đến một vài nhân vật quá khứ trong lời dẫn nhập pho
Hồi ký. Ông viết thế này: “Hình như Goethe và Maxime Gorki đã coi những ngày thơ ấu của hai ngài là những ngày Đại Học. Vốn chẳng được theo đuổi việc học hành trong sách vở tại nhà trường, tôi cũng bắt chước hai vị để nói rằng trường Đại Học Âm Nhạc của tôi là kho tàng âm nhạc bình dân mà tôi hấp thụ trong quãng đời sớm lang bạt của tôi.”
[3]
Phạm Duy sinh ra và sống thời ấu thơ ở một góc phố cổ Hà nội, chỉ cách Hồ Gươm một hai khu phố, nơi đó đã từng chứng kiến quá trình đổi mới Âu hoá một thời diễn ra tại thủ đô văn hoá đất Việt. Cha ông, cụ Phạm Duy Tốn, là một nhà văn nhà báo và một doanh nhân tiến bộ, người bạn thân của nhà dịch thuật và cũng là nhà cải cách Nguyễn Văn Vĩnh, và cũng là người từng viết những đoản văn đầu tiên của thể loại truyện ngắn theo lối Tây phương. Phạm Duy Tốn là một trong số những người Việt Nam đầu tiên húi tóc ngắn và mặc Âu phục, một trong số những người sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà nội năm 1907, và cũng là người đi dự đấu xảo ở Marseille năm 1922 cùng với Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh
[4] . Tất cả những chuyện đó hẳn đã để lại dấu ấn sâu đậm lên Phạm Duy, cũng một đời không mệt mỏi kiếm tìm những cái mới mẻ, tiến bộ và khai phá. Khi cụ Phạm Duy Tốn mất sớm vì bệnh lao năm 1923, Trần Trọng Kim - sử gia và thủ tướng tương lai của Việt Nam - thay bạn mà chăm sóc mấy anh chị em Phạm Duy, trong số đó có người con trưởng Phạm Duy Khiêm sau này đỗ đạt cao tại Pháp và có lúc làm Đại sứ tại Pháp dưới thời Ngô Đình Diệm
[5] .
Dù cho gia thế có thời lừng lẫy như thế, thời ấu thơ của Phạm Duy không hẳn là được thoải mái mặc dầu không đến nỗi rách rưới, cả về vật chất lẫn văn hoá. Bà mẹ thường cho cậu út lên chùa lễ Phật. hoặc lặn lội lên vùng cao để tìm mua sừng nai và hổ cốt về nấu cao nuôi nấng mấy mụn con; lắm khi bà vú phải ẵm cậu út về quê bà ở một làng quê tên là Trạm Trôi, ở đó cậu út được đùa chơi với cảnh đồng lúa, mái tranh và những hội làng mà âm hưởng của chúng sẽ còn vang động trong tâm thức chàng trai trẻ Phạm Duy mãi về sau này
[6] .
Trước khi bước hẳn vào thế giới âm nhạc, có một số thiên hướng hoạt động thời trẻ mà về sau này vẫn còn gắn bó suốt đời ông. Có thể kể đến niềm đam mê trình diễn, sở thích tìm tòi về kĩ thuật tân tiến, sự bất kham với những khuôn khổ, niềm lạc quan vô biên đủ sức chuyển hoá những đau buồn ập xuống đời ông để thăng hoa chúng thành những giây phút sáng đẹp.
Niềm đam mê sân khấu khởi đầu là từ một gánh xiếc diễn tại khoảng đất trống cạnh Hồ Gươm, đặc biệt là một nghệ nhân tên là ông Hai Tây, có biệt tài xiên mũi và biệt tài thổi kèn bằng mu bàn tay
[7] . Cậu bé Phạm Duy mê đi theo gánh xiếc để được thoả thích với những trò ảo thuật, nhào lộn và những trò xiếc thú vật, nay đây mai đó khắp các phố Hà Thành và biểu diễn ở chợ Hàng Da. Cậu bé mê xiếc đến độ đặt tên cho mình cái tên “Em Mê Xiếc”, có thể hiểu theo cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp
[8] . Suốt thời ấu thơ cậu ao ước trở thành một nghệ sĩ xiếc dạo, bắt bạn bè và người nhà xem cậu biểu diễn trò bàn tay ảo thuật mà cậu học lóm được
[9] , rồi thì có một bận cậu bỏ nhà mấy hôm đi theo gánh xiếc xuống tận Nam Định
[10] . Đi rong chơi nay đây mai đó và biểu diễn trên sân khấu, đấy là hai niềm đam mê một đời của Phạm Duy, và đã trở thành động lực chính, hẳn nhiên là theo hướng âm nhạc chứ không còn là kiểu gánh xiếc như xưa.
Vào độ tuổi thiếu niên, ông lại thêm một say mê kĩ thuật qua việc chế tạo các mẫu máy bay các loại, làm radio chạy bằng khoáng thạch, thực tập ở mấy lò đúc đồng ở khu Ngũ Xã Hà Nội, gần mé Hồ Tây
[11] , làm việc trong các địa hạt kĩ thuật như sửa radio, trắc địa, bảo trì trạm phát điện, vân vân
[12] . Sở thích tìm hiểu sự vận hành của sự vật tự nó đã lí giải việc ông say mê tìm tòi các mặt kĩ thuật của mọi thể loại dân nhạc và ca nhạc tài tử Việt Nam. Vào cuối thập niên 1980, ông là người đầu tiên trong số những người Việt hải ngoại sản xuất và phát hành đĩa CD nhạc, rồi từ đó về sau ông chuyển hẳn sang làm nhạc với computer và điện tử. Ông cho ra mắt những cái được ông gọi là “sách điện tử” (CD-ROM có âm thanh, văn bản, và hình ảnh) mà ông tin tưởng là chúng sẽ thay thế dần loại sách in trên giấy, rồi thiết lập một
website rất quy mô để chuyển tải toàn bộ sự nghiệp của mình, phải nói là trang nhà của ông chẳng thua kém ai về mặt mĩ thuật, phong phú, và vận hành ổn vững
[13] .
Hồi ký Phạm Duy tràn đầy những tiếng reo vui về mỗi cảnh ngộ mới mẻ mà đời tặng cho ông. Khi bị người anh lớn ép vào học trường kĩ nghệ thực hành vì không muốn hoài của mà phóng ra cho cậu em lang bang theo học một trường khoa học xã hội nhân văn, ông liền lao ngay vào học hỏi những bí quyết của ngành luyện kim hiện đại
[14] . Lúc đi làm công việc trắc địa, rong ruổi nơi này nơi kia để định ranh giới các thửa đất, ông không ngừng tán thán về niềm vui được rong ruổi qua các làng mạc vùng Nhã Nam và Yên Thế cũng như tấm lòng chân chất của người dân quê nơi ông đi qua
[15] . Có lần ông giữ chân coi lò than nhà máy điện ở thị trấn Móng Cái xa xôi hẻo lánh, trong khung cảnh nóng nhễ nhại và đầy đặc thán khí, ấy thế mà đời lại thật vui vì có người bạn đồng sự là một kép
cải lương giải nghệ thường ca những câu vọng cổ mùi mẫn
[16] . Mùa xuân năm 1946, lúc ấy vừa xung phong vào du kích, cùng xuôi tàu vào Nam trong nhóm 13 chàng trai đi đánh Pháp ở chiến khu Bà Rịa-Vũng Tàu, lòng ông căng đầy nhiệt huyết; ông hát lên bài “Xuất quân’’ và rất hãnh diện là được mọi người trên tàu tán thưởng, và đương nhiên nhóm 13 chàng không thiếu gì thức ăn ngon lành
[17] .
Niềm lạc quan không hề vơi là một nét đặc trưng trong nhạc Phạm Duy, ở đó ta thấy một sự gắn bó với những âm thể trưởng và một tiết tấu giục giã hân hoan rất hiếm hoi trong
tân nhạc Việt Nam vốn thường chuộng âm thể thứ, câu nhạc dài lê thê, và thể hiện những cảm thức vũ trụ cùng nỗi chán chường.
Bốn tập
Hồi ký cũng cung cấp những chứng liệu liên quan đến một cá tính khác có phần nào trái ngược với nếp nhà, và cũng là một nét cá tính xuyên suốt cuộc đời người nhạc sĩ đồng thời cũng là một nhân vật của quần chúng: sự dị ứng mãnh liệt đối với quyền lực hay sự câu thúc. Ông chỉ lưu lại Trường Kĩ Nghệ Thực Hành chưa đầy một năm là vì, như chính lời ông kể lại, liên tục vi phạm nội quy nhà trường – chẳng hạn như đánh nhau, trốn học, rồi giơ búa lên hăm doạ ông đốc học khi ông vừa định véo tai cậu học trò mới phạm lỗi gì đó
[18] . Ít tháng sau, bị hai người anh lớn và anh rể mắng là đồ rắn mặt, ông bỏ nhà đi ở riêng bằng nghề sửa radio ở Hà Nội
[19] . Cũng vì không chịu được sự phân biệt mà ông từ bỏ Việt Minh năm 1950. Năm đó, tại Đại hội Văn nghệ tổ chức trong rừng Yên Giã thuộc vùng tây bắc, lãnh đạo Việt Minh bắt đầu có ý muốn kiểm soát tác phẩm của người nghệ sĩ sáng tác, phê phán gay gắt và cấm trình diễn ca kịch
cải lương hay kịch thơ, vì cho rằng những thể loại này uỷ mị yếu mềm, sầu bi quá, làm nhụt nhuệ khí của người nghệ sĩ
[20] .
Phạm Duy từng phục vụ trong hàng ngũ Việt Minh trong vai trò cán bộ văn hoá từ đầu Kháng Chiến, đến lúc đó ông đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng có thể nói là đã gắn liền với cuộc kháng chiến, chẳng hạn như “Chiến sĩ vô danh’’, “Nợ xương máu’’, “Nhớ người ra đi’’, “Chinh phụ ca’’, “Thu chiến trường’’, “Nhạc tuổi xanh,’’ và còn nhiều nữa. Tại Đại hội Văn nghệ, giới lãnh đạo Việt Minh đặc biệt chiếu cố đến ông, dành cho ông một ngạc nhiên lớn.
Chính nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã bắn tin cho ông trước tiên. Ông ấy bảo là lãnh đạo đã quyết định kết nạp Phạm Duy vào Đảng Cộng sản và cử ông đi Nga tu nghiệp về âm nhạc và chính trị. Ông sẽ được ông Hồ Chí Minh tự tay gắn huân chương. Nhưng có một số điều kiện kèm theo. Ông phải từ bỏ thói tiểu tư sản phù phiếm và phóng dật. Ông phải công khai từ bỏ một tác phẩm ông viết ra và rất được phổ truyền lúc bấy giờ, đó là bài “Bên cầu biên giới’’, bài hát mà giới lãnh đạo cho là nặng tính lãng mạn chủ quan sặc mùi tiểu tư sản, không thể chấp nhận được, và rằng ông phải đi Moscow một mình; người vợ trẻ, ca sĩ và diễn viên Thái Hằng, lúc ấy vừa mang thai cũng phải ở lại Việt Nam. Những điều kiện khiến Phạm Duy phải đau đầu, nhưng ông đặc biệt quan ngại, giận dữ, và xem thường một đòi hỏi là ông phải từ bỏ “
Bên cầu biên giới’’. Ông tự nghĩ rằng lãnh đạo nhìn vấn đề quá nghiêm trọng:
“Một bài hát, theo tôi, nếu nó có may mắn được hát lên trong một thời kỳ nào đó thì đời của nó cũng chẳng khác chi một đời hoa, sớm nở tối tàn, có gì đâu mà quan trọng hoá đến độ phải treo cổ nó lên hả?’’
Phạm Duy cũng cảm thấy ngay là vào Đảng thì sẽ lắm phiền phức đây. Mặc dầu có cảm tình sâu nặng với kháng chiến, ông cũng tự biết là với xuất thân và cá tính như thế thì ông chỉ là một chàng tiểu tư sản chứ chẳng thể nào nào vô sản được. Cả đời ông sợ nhất là phải khép vào kỉ luật. Ông lại không ưa những lí luận viển vông. Những khi ngồi nghe các cán bộ thảo luận về những lí thuyết cộng sản cao siêu, ông bảo là cứ như vịt nghe sấm, chẳng hiểu gì cả. Hiển nhiên là ông không phải là kẻ thuộc bài, nhớ nghị quyết và lí thuyết của Đảng. Ông mà bước vào cái Đảng ấy thì chỉ ba bảy hăm mốt ngày là bị khai trừ, quản chế mà thôi.
Thế là mấy hôm sau Phạm Duy trả lời Nguyễn Xuân Khoát rằng ông cảm thấy vinh dự được Đảng chiếu cố, nhưng tự nghĩ ông không xứng đáng với những đãi ngộ như thế. Ước ao duy nhất là ông xin được cùng với vợ về ngay Khu IV, khu giải phóng thuộc tỉnh Thanh Hoá
[21] .
Khi trở lại Thanh Hoá, ông nhận ra ngay là ông bị cấp lãnh đạo trở nên lạnh nhạt với mình. Đoàn văn nghệ Việt Minh không giao công tác cho ông
[22] . Cuối cùng, sau một năm trời trăn trở, ông quyết định cùng gia đình giã từ khu giải phóng Thanh Hoá sau sáu năm tận tuỵ với kháng chiến, để về thành trong khu vực kiểm soát của Pháp, thoạt đầu là Hà Nội, rồi Sài Gòn, chỉ với mục đích duy nhất là mưu sinh
[23] .
Việt Minh muốn loại bỏ bài hát “Bên cầu biên giới’’ không cho lưu hành trong công chúng hẳn nhiên là vì đó là nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật cộng sản là để phục vụ mục tiêu cách mạng; nhưng chuyện này xét cùng với những ý đồ cấm đoán những tác phẩm trong tầm ngắm của họ xem ra khá đồng điệu với một quan niệm lâu đời ở Á Đông, bắt nguồn từ Trung Hoa, theo đó thì có loại âm nhạc làm quốc gia cường thịnh, có loại lại làm cho suy bại. Sách cổ Trung Hoa gọi những thứ nhạc uỷ mị kia là những “vong quốc chi âm” (âm thanh làm mất nước)
[24] . Một khía cạnh của quan niệm này là thứ nhạc “hại nước” thường mê đắm lòng người, cho nên cần phải dứt khoát chống lại nó bằng thứ quan điểm thanh cao.
Ý nghĩ cho rằng có thứ nhạc có thể ảnh hưởng đến số phận hưng vong của một quốc gia có lẽ vẫn còn phổ biến khắp Việt Nam, và thỉnh thoảng vẫn chi phối lối hành xử của nhà chính trị và trí thức cả Nam lẫn Bắc. Vào những năm 1970 chẳng hạn, Tổng thống Thiệu ở trong Nam cũng ra lệnh cấm hát nơi công cộng bài “Hận Đồ Bàn’’ của Xuân Tiên và Lữ Liên, bài hát có nội dung là lời than thở về sự kiện binh đội của vua Lê Thánh Tông thôn tính kinh đô nước Chàm năm 1470. Ông Thiệu tin rằng bài hát mang một thứ âm khí có thể làm nền cộng hoà lâm nguy. Ông còn tiện đà cấm luôn cả người ca sĩ hát bài hát đó (Chế Linh, người ca sĩ gốc Chàm), không cho biểu diễn trước công chúng nữa
[25] . Cũng tương tự như vậy, khi Phạm Duy viết ca khúc phản chiến “Kỷ vật cho em’’ vào cuối thập niên 1960
[26] , trong đó người lính tiên đoán ngày anh trở về từ chiến trường có thể là “bại tướng cụt chân” hay là “hòm gỗ cài hoa”, nhiều người la hoảng lên rằng cho phổ biến bài hát đó thì chiến sĩ sẽ chẳng còn lòng dạ nào mà chiến đấu, thì rồi miền Nam sẽ lọt vào tay cộng sản Bắc Việt. Kể lại chuyện này trong
Hồi ký, Phạm Duy đã đứng trên một quan điểm rất tiến bộ, tỉnh táo, đã hóm hỉnh hỏi rằng hoá ra một bài hát vớ vẩn thế mà có sức mạnh ngang với bom nguyên tử và có thể đánh bại đoàn quân cả triệu người chăng
[27] .
Nếu có ai muốn đi tìm một quan điểm nhất quán của Phạm Duy thì hẳn là sẽ sớm thất vọng, bởi lẽ ông là kẻ thừa tự nếp nghĩ tập thể của truyền thống cộng với quan điểm phóng khoáng của thân phụ. Trong
Hồi ký, Phạm Duy thường hay bày tỏ rằng trong suốt thời kháng chiến chống Pháp, tác phẩm của ông hay những bạn bè khác cùng thời đã đóng vai trò trọng yếu trong việc giáo dục và phấn khích tinh thần của chiến sĩ và quần chúng
[28] . Ngược với quan niệm Tây phương, ông cho rằng nhà nước có quan tâm giúp đỡ văn nghệ thì văn nghệ mới giúp tranh thủ lòng người. Ông cho rằng chính quyền mà không biết sử dụng văn nghệ thì cũng chẳng khác kẻ lỡ tàu, và ông trách cứ các chính quyền miền Nam đã hoàn toàn thua ở mặt này
[29] ; trong khi đó Việt Minh rất đáng khen, nhất là ở giai đoạn đầu, vì họ nhận thức được tầm quan trọng của văn nghệ trong việc khích động tinh thần chống Pháp, và đã lập ra những đoàn văn nghệ có nhiệm vụ giúp vui chiến sĩ và nhân dân vùng giải phóng
[30] . Chữ
tuyên truyền trong tiếng Việt không hẳn có ý nghĩa tiêu cực như trong tiếng Anh. Lúc còn làm cán bộ đoàn văn nghệ Việt Minh, nhiều hôm Phạm Duy tới những nơi vừa mới đánh nhau, nhân dân thật cơ cực; ông có được những chất liệu sống để sáng tác. Những bài hát như “Tiếng hát trên Sông Lô’’, “Bao giờ anh lấy được đồn Tây’’, “Mười hai lời ru’’, và “Bà mẹ Gio Linh’’ của Phạm Duy là những thu hoạch từ kinh nghiệm thực tiễn như thế
[31] .
Đặc biệt ba ca khúc cuối là kết quả của những chuyến đi thực tế rất vất vả mà ông và các bạn đồng đội lặn lội từ vùng Nam Thanh Hoá vào khu Bình Trị Thiên gồm ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên. Lúc ấy chưa có đường mòn Hồ Chí Minh; Phạm Duy và đồng đội trong đoàn văn nghệ phải chia ra từng tốp nhỏ dùng mã tấu phát rừng mở lối mà xuôi Nam
[32] .
Lúc còn đóng ở Thanh Hoá, lúc bấy giờ thuộc Quân Khu IV, có một quãng thời gian hơn một năm Phạm Duy được đặc cách trực thuộc vị tư lệnh Nguyễn Sơn và học giả Nguyễn Đức Quỳnh, lúc ấy là một cố vấn đặc trách công tác huy động lực lượng văn nghệ và trí thức trong công cuộc kháng chiến. Phạm Duy hết lời ca ngợi hai vị này về lối đãi ngộ giới văn nghệ. Hai vị hết lòng giúp đỡ anh em ở những mặt cụ thể mà ít phần lí thuyết. Tướng Nguyễn Sơn đã từng công tác ở đội văn hoá trực thuộc Bát lộ Quân của Mao Trạch Đông, nên có lần ông lôi các ca sĩ diễn viên ra đứng một bên hồ rộng để luyện kĩ thuật khuếch âm, đến khi nào đồng nghiệp đứng phía bên kia hồ nghe được mới thôi. Ngày ấy làm gì có dàn máy khuếch âm như bây giờ
[33] .
Nguyễn Sơn có lần khen ngợi chàng nhạc sĩ trẻ Phạm Duy là ông sẽ không bao giờ quên kỉ niệm thời gian có anh ở đơn vị. Lúc bấy giờ Phạm Duy vừa viết xong ca khúc “Thi đưa ái quốc’’, trong đó có những lời hát thế này:
“
Anh có cây súng kia
Thì tôi có bàn tay thợ.
Anh có cây cuốc này
Thì tôi có một cây đàn.
Anh giết bao thực dân
Thì tôi cướp bao súng đạn.
Anh có bông lúa vàng
Thì tôi có ngàn lời ca...”
Nghe đến đấy vị tư lệnh nheo mắt: “Cậu phải nhớ đấy nhé. Phải làm đủ cả ngàn lời ca mới được.” Hơn bốn mươi năm sau, nơi Thị trấn Giữa Đàng ở Cali, Phạm Duy ấn hành một tập sách có tựa đề là
Ngàn lời ca, ghi lại lời ca của gần như tất cả những bài hát ông làm ra. Ông có ngậm ngùi nhắc đến Nguyễn Sơn xem như một lời hứa đã giữ vẹn
[34] .
Xem thế thì mặc dầu vào năm 1945 Phạm Duy có lúc hoang mang khi thấy xảy ra những sự việc như khủng bố tiêu diệt những nhà ái quốc chống Pháp thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Nhất Linh và Khái Hưng và Việt Nam Quốc Dân Đảng vào lúc diễn ra Đại hội Văn nghệ, và cho dù ông có nghe chuyện Việt Minh thủ tiêu đối thủ
[35] , ông cũng chẳng thấy gì gọi là sự khống chế văn nghệ trí thức đối với đoàn văn nghệ mà ông tham gia suốt thời gian 1946-1950, nơi đó chỉ có đầy ắp tình đồng đội, niềm hăng say và thú phiêu bồng. Chỉ sau khi Mao Trạch Đông chiến thắng tại Trung Hoa năm 1949, giới lãnh đạo mới để lộ ý đồ kiểm soát tư tưởng văn nghệ sĩ và trí thức thì những người thích tự do tư tưởng bèn bỏ về vùng thành thị do Pháp kiểm soát
[36] . Thời gian này thì cựu hoàng Bảo Đại cũng đạt được một điều mà trước kia Hồ Chí Minh không thực hiện được: Pháp nhìn nhận chủ quyền của Việt Nam; thế là trong các khu vực thành thị, một nhà nước Việt Nam độc lập và tự do trên danh nghĩa được thành hình để đẩy mạnh thêm nữa vận động đòi tự chủ, chưa kể đến những nhóm biệt lập như Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên và khu công giáo tự trị Bùi Chu Phát Diệm
[37] .
Cả hai người đỡ đầu cho Phạm Duy, Nguyễn Sơn và Nguyễn Đức Quỳnh, lúc này cũng nếm trải thử thách của tư duy độc lập khi lãnh đạo ngả theo đổi xu hướng tả khuynh toàn trị. Sau một cuộc đấu khẩu gay gắt với ông Hồ Chí Minh về chuyện lãnh đạo ngả theo Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện qua việc nhận viện trợ và cố vấn, tướng Nguyễn Sơn bị điều về Trung Quốc để “huấn luyện thêm nữa”
[38] . Nguyễn Đức Quỳnh, giống như Phạm Duy, cũng “bỏ phiếu bằng chân” vào Sài Gòn, rồi hai người lại hợp tác trong một vài đề án văn nghệ
[39] .
Tại Sài Gòn vào những năm đầu thập niên 1950, cả Phạm Duy và Nguyễn Đức Quỳnh cộng tác mật thiết với báo
Đời Mới, lúc đó là tuần báo đẹp và nhiều độc giả tại miền Nam. Nhằm mục đích xây dựng tinh thần quốc gia mới trong công chúng, hai ông mượn tuần báo này để mở ra một diễn đàn thảo luận về những bản sắc dân tộc đã gắn bó cộng đồng dân tộc. Nguyễn Đức Quỳnh phổ biến hàng loạt những bài viết như “Người Việt đáng yêu’’, Đất Việt đáng yêu’’, và “Tiếng Việt đáng yêu’’. Về phần Phạm Duy thì có đóng góp hai bài hát hay là “Tình hoài hương’’ và “Tình ca’’
[40] .
Bài thứ nhất là niềm bâng khuâng đoái tưởng về những cảnh trí quê nhà, sau này lại diễn tả đúng cảnh ngộ của hàng triệu người tị nạn ngoài Bắc khi họ vượt tuyến vào Nam năm 1954, rồi rời bỏ quê hương năm 1975. Bài thứ nhì hướng đến thống hợp lòng người ở khắp mọi nơi trên đất nước cùng chia sẻ một thứ tình cảm chung về ngôn ngữ, về đất nước và giống nòi:
“
Tôi yêu đất nước tôi từ khi mới ra đời,
người ơi;
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời !’’
[41]
Ca khúc này có thể xem là một tác phẩm tuyệt vời của Việt Nam nói lên được những cảm thức sâu nặng về bản sắc tình tự dân tộc. Trước kia, sự chia rẽ chính trị cộng với tệ địa phương chủ nghĩa, quan điểm chật hẹp về chữ “trung”, rồi đến gần đây là sự đối đầu quốc gia - cộng sản, tất cả đã góp phần huỷ hoại ý thức thống nhất quốc gia. Qua ca khúc này cũng như trong một số tác phẩm khác, Phạm Duy muốn với tay đến mọi người, không phân biệt chính kiến hay niềm tin. Ông muốn vượt lên trên những chia cắt, nghi ngại, cùng sự kì thị địa phương, để xoá bỏ những lằn ranh. Ông xem thứ chính trị dựa trên những tệ nạn sùng bái mù quáng các lãnh tụ, đảng phái, giáo điều chính trị hay tôn giáo, và kì thị địa phương, là những thứ sẽ đẩy lùi Việt Nam xuống vũng lầy quá khứ, và muốn mượn nghệ thuật để đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực đó. Một số người đồng hương tỏ ý dè bỉu rằng Phạm Duy không có “lập trường chính trị.” Nhạc sĩ thì vững tin rằng quan điểm đoàn kết thống nhất chứ không phải là thái độ chia cách mới có cơ may vun trồng sự cảm thông giữa các thế hệ mai sau, và sẽ là hướng chọn lựa bắt buộc của mọi người con dân Việt.
Một điển hình cho sự kiên quyết vượt lên trên sự chia cách chính trị là khoảng 1956, ông phổ nhạc bài thơ “Ngậm ngùi’’ của Huy Cận, sau này trở thành một ca khúc rất được ưa thích. Bài thơ xuất hiện từ những năm 1930 khi Huy Cận còn là một thi sĩ trẻ trong lớp người khai phá của ThơMới và rất được giới trẻ hâm mộ. Như nhiều người cùng thế hệ, sau này Huy Cận đi theo kháng chiến, ở lại với Việt Minh, rồi trở thành nhà thơ của chế độ và cán bộ Đảng
[42] . Ca khúc mà Phạm Duy làm năm 1956 đó là sự hoà quyện những khác biệt. Nó gắn kết hai thời kì lại bên nhau: thời hoà bình xưa cũ và thời chiến tranh đang hiện tiền; nó là sự hợp tác giữa hai người nghệ sĩ ở hai miền lúc bấy giờ đang còn nhìn nhau như kẻ thù.
Khi sang Paris hai năm trước khi phổ nhạc bài thơ này, Phạm Duy chú ý đến một sự kiện là đám sinh viên Việt ở thành phố này phân hoá kịch liệt. Bấy giờ đang xảy ra cảnh tượng kẻ thì “phò” ông Hồ, người thì “theo” ông Diệm. Cỏ vẻ như là kiểu suy nghĩ nhị nguyên phân biệt “ta-địch” mà trước kia rất cần để chống trả quân Pháp trong thời kháng chiến thì nay nó được hướng mũi về các phe nhóm trong nội bộ cộng đồng người Việt. Hầu nhưrất đông sinh viên ở Paris bị hớp hồn vì phong thái của Hồ Chí Minh khi ông đến Paris đàm phán về quan hệ Pháp Việt tại Fontainebleau vào dịp hè thu 1945. Niềm phấn khích của các chàng còn dâng cao hơn nữa sau chiến thắng Điện Biên Phủ, và vì chẳng có chút vốn kinh nghiệm hiểu biết nào về Việt Minh, mấy cậu sinh viên này là những kẻ sùng tín cái huyền thoại cách mạng và xem bất cứ ai không theo cụ Hồ là “kẻ địch.” Không có đất đứng chung. Phạm Duy bị xem là “kẻ địch” vì ông giao du với Võ Lăng, người bạn học cũ ở Trường Mỹ Thuật, nay đang là cố vấn của Bảo Đại và Ngô Đình Diệm, rồi ông lại còn là em của ông Phạm Duy Khiêm, đại sứ miền Nam ở Pháp nữa chứ. Thế là những năm tháng giữa thập niên 1950 ấy, Phạm Duy tách khỏi khối người Việt ở Paris. Ông kể lại là ba mươi năm sau, trở lại Paris sau khi khối cộng sản Đông Âu sụp đổ, và cái huyền thoại xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng phai nhạt đi, mấy anh chàng hung hăng con bọ xít thuở những năm 1950 nay đều là những bác sĩ, trạng sư giàu có, chẳng còn chút đoái hoài gì đến ‘chính chị chính em’ gì nữa
[43] .
Rồi nhờ ý chí, tinh thần năng nổ và niềm đam mê nghệ thuật, Phạm Duy bỗng trở thành một trong những món trang sức văn hoá của miền Nam, và trở thành đối tượng công phá của chế độ ngoài Bắc, xem ông như thứ lãnh tụ của thế lực ma quỷ; hàng loạt những người cán bộ, có người là nhạc sĩ, viết bài trên các báo nhà nước phê phán người nhạc sĩ tài ba và yêu đời tuyệt đối bỗng trở thành một kẻ gieo rắc thứ
nhạc vàng mà người cộng sản cho là uỷ mị, du hồn người vào vũng lầy tuyệt vọng, chán chường và sẵn sàng chấp nhận số kiếp nô lệ
[44] . Vết thù Việt Minh đối với Phạm Duy đã kéo dài suốt ba thập niên (bây giờ đã băt đầu giảm thiểu môt chút), biểu hiện qua sự cấm phổ biến hay biểu diễn nhạc phẩm Phạm Duy
[45] . Thế là cái lập trường “cách mạng” vẫn còn là lá chắn cho những hành vi lạc hậu, phong kiến, phe phái và có phần cuồng tín.
Trong khi đó thì ở bên Hoa Kì, Phạm Duy không hoà nhập được với nhóm người cực đoan trong cộng đồng người lưu vong, và từ năm 2000 đến nay, việc ông đã quyết định về thăm Việt Nam lại càng làm đề tài cho giới truyền thông người Việt hải ngoại quy chụp ông là
thân Cộng - mặc dầu trước nay ông vẫn chẳng coi những hành đông cực đoan, vô nhân đạo, của phe cộng sản ra gì.
Suốt những năm tháng ở Sài Gòn và thời kì tạm dung ở Hoa Kì, Phạm Duy vẫn không ngừng xưng tụng sự vượt thoát lên trên hố ngăn cách. Trường ca
Con đường cái quan ông khởi thảo năm 1954 và hoàn tất năm 1960 hình dung một người lữ khách rong ruổi trên con đường Quốc lộ Một, đi từ địa đầu miền Bắc đến chót cùng của đất nước; tác phẩm này là tiếng nói phản đối Hiệp Định Genève chia cắt đất nước làm hai miền
[46] . Trường ca
Mẹ Việt Nam hoàn tất năm 1964 có các phần “Đất mẹ”, “Núi mẹ”, “Sông mẹ”, và “Biển mẹ” tuyên xưng những giá trị và những biểu tượng mà cả hai miền Nam Bắc đều tôn vinh; tác phẩm kết thúc bằng chung khúc “Việt Nam Việt Nam” có tính cách của một bài quốc ca
[47] . Trong khi hai bài quốc ca của hai miền hô hào con dân Việt Nam hi sinh xương máu cho tổ quốc, Phạm Duy chỉ đơn giản kêu gọi đoàn kết để xây dựng một đất nước dân chủ tự do. Vào những năm cuối thập niên 1960, khi các thế lực ngoại quốc bắt đầu can thiệp dẫn đến leo thang chiến tranh, Phạm Duy viết một loạt những bài hát chống lại những tàn hại vô nghĩa và bi thảm kia, và bày tỏ điều cần thiết là giữ gìn những giá trị nhân bản giữa cuộc tương tàn này
[48] .
Ba mươi năm dài sống nơi đất khách, Phạm Duy viết mấy loạt bài hát về những thống khổ của những nạn nhân của ý thức hệ cách mạng, đó là loạt ca khúc
Tị nạn ca [49] , và loạt ca khúc mang tên
Ngục ca phổ nhạc vào thơNguyễn Chí Thiện - một người tù chính trị thâm niên
[50] . Cũng thời gian này, ông làm một loạt ca khúc mang tên
Hoàng Cầm ca, phổ những bài thơHoàng Cầm, trong đó có nói về tình yêu vô vọng của một người trai trẻ dành cho một người con gái cao tuổi hơn anh (mà theo cảm nhận của nhạc sĩ thì đó có thể là thứ phúng dụ về tình cảm của người dân đối với chế độ)
[51] . Nhà thơ Hoàng Cầm có lẽ là một nhà thơ hiện thời còn khá sung mãn trong năm 2005, từng là bạn đồng đội của Phạm Duy trong những năm kháng chiến, về sau là một nhà thơ của chế độ rồi trở thành nạn nhân của đường lối toàn trị trong quản lí văn hoá. Trong loạt tác phẩm viết ra trong thời gian những năm 1990 có
Mười bài thiền ca, nói về một người bước vào tuổi già và những mối liên hệ với những thứ quen thuộc trong đời
[52] , và một tổ hợp những ca khúc phổ từ những lời thơ đẫm màu sắc tôn giáo huyền nhiệm của Hàn Mặc Tử - nhà thơ Công giáo sống ở đầu thế kỉ XX qua đời vì bệnh cùi
[53] . Loạt bài hát mới nhất là những bài
Hương ca, gồm những suy cảm của người nhạc sĩ qua những lần về thăm quê hương sau hơn hai mươi năm xa cách, và một soạn phẩm rất có ý nghĩa:
Minh hoạ Kiều, gồm bốn phần nối tiếp nhau phỏng theo tác phẩm
Truyện Kiều [54] .
Tác phẩm cuối này được khởi soạn khoảng 1998, thể hiện rõ hơn cả lòng sắt son của Phạm Duy đối với quan điểm trung hoà về mặt văn hoá. Tác phẩm truyện thơ kể bằng điệu lục bát nói về thân phận chìm nổi của một người con gái tài sắc vẹn toàn
[55] . Tác phẩm truyện thơ này phản ảnh tính cách và số phận mà bất cứ người Việt Nam nào không phân biệt gốc gác cũng có thể thấy mình trong đó. Tác giả Nguyễn Du, vốn là một ông quan triều đình nhà Nguyễn, hẳn nhiên thuộc về một bầu không khí văn hoá khác xa với thời Phạm Duy; nhưng – cũng như người nhạc sĩ thời hiện đại – nhà thơ là người hoàn toàn không bị câu thúc trong những lối mòn tưduy. Nhân vật của ông đều lưỡng tính: không ai hoàn toàn tốt mà cũng chẳng ai xấu hoàn toàn; nhân vật của nhà thơ không hành xử theo những thuyết lí như trung - hiếu - tiết -nghĩa, mà sống theo tiếng gọi của con tim của chính mình
[56] .
Minh hoạ Kiều của Phạm Duy nay đã hoàn tất hai phần đầu và hầu như đã xong phần ba, có tính cách một đại ca kịch. Tác phẩm là phức hợp của lời văn gồm cả ngâm thơ, nói lối, hợp xướng, tấu nhạc, và giai điệu. Các phân khúc rất ít khi trùng lặp nhưng lại gắn quyện với nhau khó phân biệt trước sau hay là những gì đang diễn ra, cho nên không thể tách khỏi tổng thể để hát riêng ra.
Có thể nói, suốt một đời, và nhất là qua đại tác phẩm gần đây nhất, Phạm Duy đã tạo được một gia tài đồ sộ mà xã hội và nhà nước Việt Nam khó có thể loại trừ được. Trong khi bao nhiều người đồng hương khác, dưới sức ép của chính trị quốc tế hoặc là lề thói phong kiến đã dần dà bị dạt sang bên lề, rồi đứng từ ngoài xa mà không ngớt lời oán hận kẻ chiếm đóng, thì Phạm Duy vẫn an nhiên đứng ở chiếu giữa, vẫy chào mọi người. Cũng là một điều hay, là sức sáng tạo đã làm nên sức bền đủ khiến mọi phía người ta phải chú ý đến ông, buộc họ phải chào thua ý nghĩ về một con người sống hiên ngang giữa đời, không thèm gắn bó với thứ lí thuyết, thần tượng, hay phe phái nào cả.
Mặc dầu rất khó tiên đoán về thời tương lai, nhưng có điều chắc chắn là một ngày nào đó pho
Hồi ký và sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy sẽ được theo chân
Truyện Kiều mà vào trường học của thế hệ trẻ Việt Nam. Một dân tộc không thể phủ nhận bản sắc của nó mãi được. Tiến trình hội nhập đã bắt đầu rồi đó. Hiện nay phần đông tác phẩm Phạm Duy vẫn còn bị nhà nước cấm công diễn, nhưng ngày càng có nhiều ca sĩ bất chấp lệnh cấm, và dường như nhà nước cũng làm ngơ đi. Cách nay vài năm ở Hà Nội còn có một người cả gan mở một quán cà phê nhỏ xíu, chỉ có đủ cho tám chỗ ngồi, và cô chủ quán đặt tên là “Café Phạm Duy”. Khách có thể đến đấy nhắp những giọt cà phê tuyệt hảo và nghe nhạc Phạm Duy, không phải do ca sĩ hát mà là từ các CD của quán. Người phụ nữ chủ quán có lần bị bắt vì tội “tuyên truyền văn hoá phản động” nhưng rồi cũng được thả và cho tiếp tục hành nghề.
Vào tháng Năm 2005, Phạm Duy đưa gia đình về ở luôn tại Việt Nam, sự kiện này đã thu hút chú ý của người Việt trong nước cũng như ở hải ngoại, và báo chí đưa tin khá sôi động ; đây là một sự kiện mà chính Phạm Duy cũng đã từng báo trước trong tổ khúc
Bầy chim bỏ xứ [57] . Cho tới tháng Tám 2005, nhà nước Việt Nam đã bỏ lệnh cấm một số bài hát mà ông sáng tác trong thời kì Việt Minh Kháng Chiến, và một ít bài sáng tác về sau này. Chẳng rõ nhà nước thôi không cấm những tác phẩm khác không, chứ ở trong nước thì đã có nhiều nhân vật quen biết ở trong nước đã bày tỏ lòng mong mỏi là việc này sẽ xảy ra sớm sủa
[58] .
Càng ngày càng có nhiều người Việt hải ngoại bắt đầu bỏ ngoài tai những lời hô hào cực đoan, và bắt đầu trao đổi liên hệ với người trong nước. Trước kia người ta thường kỉ niệm ngày cáo chung của Việt Nam Cộng Hoà bằng danh xưng “Ngày Quốc Hận”, nay thì họ chỉ gọi là “Lễ Quốc Biến”. Sự chuyển hoá từ cả hai phía có vẻ chỉ là những thay đổi cỏn con, ngẫu nhiên, và cá nhân, như thể những hạt cát ngoài bờ biển, hoặc như những chiếc lá vàng mùa thu, nhưng không còn hồ nghi gì nữa về những kết quả chung cuộc. Khi nào cả hai phía cùng hoà giải với nhau thì họ sẽ thấy Phạm Duy đón họ ở đấy, vì ông đã thấy trước từ lâu rồi là sẽ có một ngày như thế.
Ts.
Eric Henry, University of North Carolina, Chapel Hill
© 2005 talawas
[1]Phạm Duy (tên thật: Phạm Duy Cẩn) là nhạc sĩ của hàng ngàn ca khúc, trong số này có nhiều tổ khúc được viết ra qua những phong cách khác nhau về cùng một số chủ đề. Là nhạc sĩ sáng tác, ông luôn luôn tìm lối thể hiện hoà hợp giữa phong cách truyền thống và quy cách Tây phương. Ngoài bốn tập
Hồi ký (xem chú 2 dưới đây), ông còn soạn
The Musics of Vietnam (Carbondale: Southern illinois University Press, 1977, là một tập giới thiệu dân nhạc Việt Nam, trong đó ông quan tâm đến những phong cách và thể loại địa phương. Xem: Eric Henry, “
Tân nhạc: Notes Toward a Social History of Vietnamese Music”,
Michigan Quarterly Review 44.1 (Winter 2005), pp. 135-147.
[2]Phạm Duy,
Hồi ký 2.5 (tập 2, chương 5), đoạn kết.
Hồi ký của Phạm Duy gồm bốn tập: I.
Thời thơ ấu – Vào đời; II.
Thời cách mạng – Kháng chiến; III.
Thời phân chia Quốc Cộng; và IV:
Thời hải ngoại. Tôi chỉ trích dẫn theo số tập và số chương chứ không ghi số trang, mặc dù sách đã được xuất bản (Midway City, Cali.: PDC Musical Productions, 1990 và 1991), nay các tác phẩm của ông được đưa hết lên trang mạng của riêng ông (nhưng nay đã đóng cửa); và tôi cũng chỉ có được tập II và IV nhờ lấy xuống từ trang mạng. Ba tập
Hồi ký đầu viết khoảng 1989-1991, còn tập cuối thì viết xong năm 2001. Tất cả những đoạn trích dẫn đều do tôi dịch.
[3]Phạm Duy,
Hồi ký 1, Lời mở đầu
[4]Phạm Duy,
Hồi ký 1.3
[5]Sđd, 1.11
[6]Sđd, 1.4
[7]Sđd, 1.2
[8]Sđd, 1.5 và 1.9. Tên
em-mê-xiế
c còn có nghĩa khác nữa: lúc đặt tên này, chàng nhạc sĩ tương lai đang mê một cô bé lai Pháp, tên là Emilienne. Đọc theo âm Việt là
em-mê-liên. Thế nghĩa là lấy tên
em-mê-xiế
c, cậu nhỏ và Emilienne hoá ra có tên khá trùng nhau!
[9]Sđd, 1.10
[10]Sđd, 1.9, 1.13
[11]Sđd, 1.10
[12]Sđd, 1.12, 1.16, 1.13
[13]Sđd, 4.18
[14]Sđd, 1.11
[15]Sđd, 1.16
[16]Sđd, 1.13
[17]Sđd, 2.8
[18]Sđd, 1.12
[19]Sđd, 1.12
[20]Sđd, 2.32
[21]Sđd, 2.33
[22]Sđd, 2.34
[23]Sđd, 2.34, 2.35
[24]Một thí dụ về ý niệm này tìm thấy trong
Thuyết viên (một văn bản tấu trình nhà vua năm 17 trước tây lịch), Quyển 13, Mục 6, trong đó một triều thần đã tiên đoán sự tiêu vong của nhà nước Trung Sơn khi ông thấy nhà vua xứ đó chẳng hề khuyến cáo thần dân đừng mê đắm thứ “âm nhạc não lòng người”. Lưu Hướng,
Thuyết viên hiệu chính, do Hướng Tổng Lộ hiệu chú (Bắc Kinh: Trung Hoa Thư cục, 1987), tr. 317
[25]Hồ Trường An,
Theo chân những tiếng hát. Arlington, VA: Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 1998, tr. 273
[26]Đó là nội dung bài thơ của một người lính dù mà Phạm Duy tình cờ đọc trên báo. Bài thơ có tựa đề “Trả lời một câu hỏi” (Phạm Duy,
Hồi ký 2.22)
[27]Phạm Duy,
Hồi ký 2.33
[28]Sđd, 2.17
[29]Sđd, 3.6
[30]Sđd, 2.26
[31]Sđd, 2.15 (“Tiếng hát trên sông Lô”); 2.29 (ba bài hát khác)
[32]Sđd, 2.29
[33]Sđd, 2.26, 2.28
[34]Sđd, 2.28
[35]Sđd, 2.5
[36]Sđd, 2.32
[37]Sđd, 3.4
[38]Sđd, 2.33
[39]Sđd, 2.34, đoạn cuối, 3.3
[40]Sđd, 3.3
[41]Sđd, 3.3
[42]Sđd, 3.8, khúc kết
[43]Sđd, 3.5
[44]Đại biểu cho lối phê phán này là Đỗ Nhuận trong bài viết “Nhạc vàng” viết năm 1969 để phát biểu tại đoàn thanh niên Hải Phòng, sau in lại trong: Đỗ Nhuận,
Âm thanh cuộc đời. Hà nội: Nxb. Âm nhạc, 2003, tr. 349-358. Trong tiểu luận này, Đỗ Nhuận nói cùng với cử toạ rằng nhân dân Miền Nam chống lại thứ nhạc phản động của Phạm Duy, họ phải nghe chỉ vì bộ máy tâm lí chiến Mỹ Nguỵ bắt phải nghe. Đỗ Nhuận (1922-1991) là một nhạc sĩ có tài, đã ở lại Miền Bắc sau năm 1954. Ông được đào tạo tại nhạc viện Tchaikovsky ở Moscow, và có làm hai nhạc kịch, ngoài những nhạc phẩm khác. Ông và Phạm Duy là bạn và là đồng nghiệp trong thời Kháng chiến 1945-51.
[45]Tuy nhiên, cũng nên để ý là những cố công của nhà nước muốn triệt tiêu Phạm Duy đã không thành, vì cả nước đã tràn ngập những CD và video từ hải ngoại chuồi (lậu) về. Cùng với Văn Cao và Trịnh Công Sơn, Phạm Duy vẫn được xem là ba nhạc sĩ được ngưỡng mộ nhất.
[46]Phạm Duy,
Hồi ký 3.11
[47]Sđd, 3.13
[48]Sđd, 3.14. Giai đoạn này trong sự nghiệp âm nhạc của ông được đánh dấu bằng ca khúc “Tôi còn yêu, tôi cứ yêu”. Một nét đáng chú ý là trong ca khúc này cũng như trong những ca khúc của những năm tháng phong độ, Phạm Duy luôn tự khẳng định mình qua lời hát dùng đại từ “
tôi”. Tôi không thấy ai sáng tác thể loại này (ngay cả các thể loại nào đi chăng nữa) mà lại làm như ông.
[49]Sđd, 4.6, 4.7, 4.8, 4.9, 4.10, 4.11, 4.12, 4.13.
[50]Sđd, 4.13. Nguyễn Chí Thiện bị giam giữ khoảng ba mươi năm, từ 1961 đến 1991, chỉ vì ông không chịu luỵ kẻ áp chế trí thức. Năm 1982, khi đang còn ở tù, ông đã chuồi được tập bản thảo cả nghìn bài thơ vào Toà Đại sứ Anh. Những bài thơ này về sau xuất bản dưới tựa đề
Hoa địa ngục, đã làm chấn động cộng đồng hải ngoại. Phạm Duy phổ nhạc 20 bài thơ trong tập này.
[51]Sđd, 4.14, 4.15
[52]Sđd, 4.24
[53]Sđd, 4.25
[54]Sđd, 4.26
[55]Xem: Nguyễn Du,
Truyện Kiề
u, bản in song ngữ có chú giải của Huỳnh Sanh Thông; New Haven: Yale University Press, 1983
[56]Xem bài tham luận của tôi về tác phẩm này: Eric Henry, “Nguồn cảm hứng Trung Quốc và bản địa trong các truyện thơ Việt Nam ở Thế kỷ XX”,
Crossroads 15.2 (2001), tr. 1-40
[57]Phạm Duy,
Hồi ký 3.11. Tác phẩm này được soạn ra nhiều chặng, năm 1975, 1985, rồi 1990. Sự trở về của Phạm Duy gần đây cũng được bàn tán tương tự sự trở về nguồn của hai nhân vật khác cũng lưu lạc lâu ngày: Nguyễn Cao Kỳ và Thích Nhất Hạnh.
[58]Trong số những người công nhiên bày tỏ lòng mong mỏi đó có nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, và nhà thơ Lưu Trọng Văn (con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư).