© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
Loạt bài: Phỏng vấn của talawas
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
24.10.2003
Qingsong Wang
Những lạc thú đêm của trí thức
Phỏng vấn nghệ sĩ nhiếp ảnh đương đại Trung Quốc Wang Qingsong
Mai Chi thực hiện
 
Mai Chi: Anh Qingsong, những tranh sơn dầu thời kỳ đầu của anh gây một ấn tượng rất mạnh. Những cái đầu cận cảnh, những cơ thể bọc trong nylon trong suốt. Những khuôn mặt bị méo mó, như thể vì sự hãi và đau đớn. Dường như họ đang vật lộn một cách tuyệt vọng. Anh có thể kể thêm về những bức tranh này?

Wang Qingsong: Những bức tranh dầu vẽ những cơ thể biến dạng, bị bọc trong nylon này hình thành từ 1995 tới 1997. Thời gian đó, tôi luôn luôn ở trong tình trạng phải di chuyển. Công an thường xuyên tới làng nghệ sĩ để kiểm tra và canh chừng các nghệ sĩ vì họ sợ phá hoại. Tôi phải chuyển chỗ ở tới năm lần trong năm. Do vậy tôi có cảm giác ai cũng rất yếu ớt và sợ hãi. Họ nhìn thấy những chuyện đang xẩy ra ngoài kia, và họ sợ ra khỏi nhà. Những bức tranh này diễn tả sự sợ hãi và đau đớn của tôi, giống như một quyển nhật ký vậy.


Những khuôn mặt (Faces), 1995-1997



Mai Chi: Xin anh kể thêm về giới nghệ sĩ Bắc Kinh vào thời điểm đó. Làng nghệ sĩ mà anh nhắc đến có phải là khu nghệ sĩ mang tên Yuan Ming Yuan mà nay đã trở thành huyền thoại không? Cái làng nghệ sĩ này đã hình thành thế nào, và nó thay đổi theo thời gian ra sao? Có thật là lúc đó người nghệ sĩ có một vị trí rất thấp trong xã hội Trung Quốc không? (Tôi có nghe một chuyện tiếu lâm: Một tay công an tra hỏi một cô gái điếm là cô có tiếp khách nghệ sĩ không, cô này nổi cáu: "Anh cho tôi là cái hạng gì vậy?")

Wang Qingsong: Đúng là tôi nói tới cái làng nghệ sĩ Yuan Ming Yuan nổi tiếng đó đấy. Thời gian đầu chỉ có vài nhạc sĩ, nhà thơ và họa sĩ tới làng ở. Sau này, do ảnh hưởng của nó và sự gần gũi với trường Đại học Bắc Kinh, càng có nhiều người tới ở hơn. Sau 1992, xã hội biến đổi và nhiều người chuyển sang hướng thương mại; người ta tự kinh doanh. Ngày càng đông các nghệ sĩ đi tìm tự do và giá thuê nhà rẻ cập bến Yuan Ming Yuan. Năm 1995, có tới 100 nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực khác nhau ở đó, chiếm tới một phần năm số nhà. Qua năm tháng làng thay đổi rất nhiều. Trước đây chỉ có một trạm điện thoại công cộng, sau này có tới 10 trạm khác nhau. Các quán ăn mọc lên. Qua đó, giá nhà cũng đắt lên nhiều. Tới 99% số nghệ sĩ ở đây không kiếm sống được bằng các sáng tác của mình. Tôi cũng biết cái chuyện tiếu lâm hài hước trên, lý do là rất nhiều nghệ sĩ nghèo rớt. Sự chán chường lan rộng trong làng, dẫn tới bực bội, cãi vã, đôi khi cả đánh đấm nhau.

Thêm vào đấy, vì sự gần gũi của nó với trường Đại học Bắc Kinh và trường Đại học Tsinghua nên chính quyền rất để ý tới tác động của nó. Năm 1995, nhân dịp đại hội phụ nữ toàn thế giới được tổ chức tại Bắc Kinh, chính quyền giải tán các nghệ sĩ, lấy cớ họ là những phần tử làm mất an ninh. Ngày nay khu vực này đã biến mất hoàn toàn và được biến thành một công viên công cộng.

Tôi ở Yuan Ming Yuan từ 1993 tới 1995. Sau 1995, các nghệ sĩ tản mát khắp nơi, kể cả Shang Yuan, Tong Xian, Hai Dian v.v...

Mai Chi: Hiện nay, mỹ thuật Trung Quốc xuất hiện khắp nơi trên trường mỹ thuật quốc tế. Ví dụ, trong danh sách các nghệ sĩ tham dự triển lãm Venice Biennale năm nay có rất nhiều nghệ sĩ và dự án đến từ Trung Quốc. Anh đánh giá quá trình mỹ thuật Trung Quốc trở nên được ưa chuộng tại phương Tây ra sao? Mỹ thuật Trung Quốc đã trở nên phức tạp hơn, đa dạng hơn, hay nó chỉ thời thượng vào lúc này, và sẽ bị hết mốt khi sự chú ý của phương Tây quay sang một nước hay khu vực khác sau vài năm tới? Trong tác phẩm "The Art Express" ("Chuyến xe tốc hành Nghệ thuật") của anh, người ta không có cảm giác là cuộc du ngoạn mỹ thuật từ Trung Quốc ra thế giới là một chuyến đi vui vẻ. Trông nó như một chuyến đi của những nông dân nhếch nhác tới vùng Kinh tế mới.


Chuyến xe tốc hành Nghệ thuật (The Art Express), 2002


Wang Qingsong: Vâng, người ta bắt đầu chú ý tới mỹ thuật đương đại Trung Quốc từ năm 1993, năm các nghệ sĩ Trung Quốc lần đầu tiên tham dự Venice Biennale. Vào thời điểm đó, nhiều người cho rằng sự chú ý này sẽ không kéo dài hơn năm năm; rồi sự chú ý này sẽ nhạt dần thôi. Nó sẽ giống như sự chú ý mà người ta đã dành cho mỹ thuật của Liên Xô cũ vậy. Vậy nhưng sau một thập kỷ, ta thấy càng có nhiều nghệ sĩ Trung Quốc tham dự Venice Biennale hơn. Trung Quốc đã trở thành một món ăn trong bữa đại tiệc của mỹ thuật thế giới. Ai cũng muốn trở thành món chính trong bữa tiệc này. Hiện tại, các nghệ sĩ Trung Quốc không hơn gì một đĩa thức ăn lạnh ngắt. Mặc dù phần lớn các nghệ sĩ Trung Quốc rất thất vọng, một phần nhỏ trong số đó ngày càng giầu nữa và giầu mãi. Cái cách nhìn toàn cầu vọng phương Tây của các nhà phê bình và curator dẫn đến sự tham dự rất sớm của các nghệ sĩ Trung Quốc. Theo tầm nhìn của ngày nay thì sự chú ý đã chuyển sang Nam Mỹ, châu Phi v.v… bởi những đặc tính văn hoá lạ và sự bất ổn định xã hội ở đó. Có thể Trung Quốc sẽ không bao giờ đánh mất cái mùi vị cộng sản chủ nghĩa của mình, nó vẫn là thành trì cộng sản cuối cùng sau khi Liên Xô sụp đổ. Cũng vì vậy, phương Tây rất tò mò muốn tìm hiểu những gì đang diễn ra ở đất nước này. Tôi không chắc là liệu sự chú ý sẽ mất đi không, nếu cấu trúc xã hội chủ nghĩa tiếp tục tồn tại ở Trung Quốc. Cũng có thể sau 50 năm nữa cái cấu trúc cơ bản không thay đổi của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục lôi kéo sự chú ý của thế giới tới mỹ thuật đương đại của đất nước này. Ngược lại, không có một người phương Tây nào bận tâm tới những thay đổi hiện nay trên đất nước Liên Xô cũ, họ không quan tâm tới một đất nước có cấu trúc xã hội tương tự như ở phương Tây.

Tác phẩm "The Art Express" của tôi thể hiện rằng mỹ thuật Trung Quốc cơ bản phải dựa vào phương Tây để sống sót và để có được những kích thích bên ngoài. Trong ảnh có một bảng dẫn đường chỉ hướng tới một loạt các triển lãm quốc tế. Những lớp khói dày và đám đông ám chỉ một tương lai không rõ ràng, ngoài ra, hai xe buýt chạy từ Trung Quốc ra thế giới nằm chắn đường nhau. Tôi luôn luôn nghĩ là giữa các nghệ sĩ Trung Quốc và người phương Tây có một quan hệ vừa lợi dụng vừa bị lợi dụng.

Mai Chi: Hiện nay các nghệ sĩ mỹ thuật được công chúng và chính quyền Trung Quốc nhìn với con mắt gì? Ở Việt Nam, khi các nghệ sĩ xuất hiện trên báo chí truyền hình, họ ăn nói như những ngôi sao nhạc Pop. Ở ngoại ô Hà Nội đã xuất hiện một khu nghệ sĩ giầu có: những đồn điền rộng, những biệt thự to, những bộ sưu tập gốm lớn... Ở Trung Quốc cũng có tình trạng tương tự?

Wang Qingsong: Ở Trung Quốc dư luận và chính quyền bắt đầu để ý tới các nghệ sĩ, mặc dù với một cách thức hết sức không xây dựng. Các nghệ sĩ bị sử dụng để tạo ra giá trị thương mại cho chính phủ. Ví dụ, tại các triển lãm quốc tế Biennale Thượng Hải và Bắc Kinh, chính phủ tham gia vào việc tổ chức, mời các curator thế giới và các nghệ sĩ tham dự. Qua việc dựng nên các Gian phòng Trung Quốc tại các triển lãm Sao Paulo hay Venice, họ thực hiện chính sách ngoại giao qua mỹ thuật, thay thế chính sách ngoại giao thể thao của những năm trước đây. Tôi cho rằng Trung Quốc qua đó muốn thiết lập một nền mỹ thuật đương đại chính quy. Tất nhiên việc này rất là dở bởi nó rất không chuyên nghiệp.

Còn dư luận thì thực ra không hiểu biết gì về nghệ thuật đương đại, thậm chí không muốn tìm hiểu nó nữa. Họ quan tâm hơn tới việc ai kiếm được nhiều tiền nhất và ai bán được nhiều đĩa nhất. Bắc Kinh, cũng giống như Hà Nội vậy, đã sản sinh ra nhiều tỉ phú, họ xây những đại biệt thự trên những khuôn viên lớn để khoe địa vị và sự thành công của mình. Tất nhiên sự thành công của họ là do sự quan tâm và chú ý của người nước ngoài mà ra.

Mai Chi: Giai đoạn sơn dầu của anh tương đối ngắn, từ 1995 tới 1997. Trước đó anh sáng tác như thế nào? Với những tranh sơn dầu anh đã đạt được một sự chú ý của quốc tế nhất định, khi anh tham gia một số triển lãm quốc tế, ví dụ tại London hay Singapore, vậy lý do gì làm anh chuyển sang lĩnh vực nhiếp ảnh là một lĩnh vực không truyền thống tại Trung Quốc lúc đó?

Wang Qingsong: Trước 1995 tôi cũng vẽ trên toan, thể hiện những con người bình thường trong môi trường quen thuộc của họ, như một người đàn ông trong tiệm cắt tóc, một người hàng thịt đang làm việc. Sau đấy, tôi vẽ trên nền nhung những cậu bé mũm mĩm theo truyền thống Trung Quốc, thử cách mạng hoá một số motive trên lớp vải Trung Quốc đặc biệt. Cho tới 1998, sau một số triển lãm quốc tế quan trọng tôi đã thu nhận được sự chú ý của quốc tế. Cuối năm 1996, tôi dùng những kỹ thuật máy tính đặt những hình ảnh lên trên nền láng bóng và sặc sỡ, để chỉ trích cuộc chạy đua tìm kiếm vật chất như mất trí. Thoạt đầu tôi không nghĩ tới việc sử dụng nhiếp ảnh để thể hiện các ý tưởng. Năm 1998, tôi vẫn tiếp tục in các tác phẩm của mình lên trên giấy bóng láng, như thể một chiếc gương phản ánh những điều người ta làm và suy nghĩ trong cuộc sống hàng ngày. Tới tận năm 2000 tôi mới bắt đầu nhận ra là những tác phẩm của tôi có thể được in lên giấy Kodak như những tác phẩm nhiếp ảnh. Như vậy quyết định chuyển sang nhiếp ảnh của tôi là một quá trình lâu dài. Hiện nay tôi làm việc với nhiếp ảnh và dùng nhiều kỹ thuật bổ trợ như kỹ thuật quét, in và sản xuất số.

Mai Chi: Khi những tác phẩm của anh xuất hiện năm 1998, anh được coi là một trong những người phát ngôn của trường phái Mỹ thuật Sặc sỡ (Gaudy Art), một danh từ được nhà phê bình Li Xianting dùng lần đầu. Ngôn ngữ nghệ thuật của Mỹ thuật Sặc sỡ được đặc trưng bởi sự châm biếm, chế nhạo, và sự bắt chước, để thể hiện cực điểm của cái rởm. Nó là sự pha trộn của Pop chính trị Trung Quốc và Chủ nghĩa hiện thức yếm thế. Rõ ràng là qua Mỹ thuật Sặc sỡ mà thế giới đã biết đến mỹ thuật đương đại Trung Quốc. Tuy nhiên, phong trào này cũng ngắn ngủi và bị chỉ trích nhiều. Nhìn lại, bản thân cá nhân anh đánh giá về phong trào này thế nào?


Requesting Buddha Series no. 1, 180x110cm, 1999


Wang Qingsong: Sự xuất hiện của Gaudy Art là kết quả của cái làn sóng ồ ạt đi tìm kinh doanh và phát triển. Li Xianting ám chỉ cái gu rởm và hỗn loạn của những tay nông dân mới phất lên, khác hẳn với những thẩm mỹ tư sản ở phương Tây. Do vậy tôi cho rằng việc phong trào này tới được với mỹ thuật thế giới là rất quan trọng. Nó vẫn đang ảnh hưởng tới sáng tác của nhiều nghệ sĩ. Tôi hiểu những lý do vì sao nó bị chỉ trích nhiều như vậy. Trước hết, nó xung đột với cái văn hoá cao cấp, và bị văn hoá này coi là quá nhà quê, thậm chí là rác rưởi. Thứ hai, nhiều người không chịu được nó bởi nó phản ánh một hiện thực mà họ không muốn chấp nhận. Nhìn lại giờ đây, việc ca ngợi hay chỉ trích là không quan trọng, với tôi, quan trọng hơn là việc mỗi nghệ sĩ phát triển phong cách riêng của mình thế nào. Câu hỏi không phải là tiếp tục hay không tiếp tục Gaudy Art. Phong trào này đã có ích cho mỗi nghệ sĩ mà qua giai đoạn thử nghiệm với nó họ sau này đạt được sự chín muồi. Chắc chắn tôi sẽ không từ bỏ Gaudy Art hoàn toàn, mà sẽ tiếp tục phát triển thêm khái niệm này.

Mai Chi: Một trong những tác phẩm quan trọng của anh, "Những lạc thú đêm của Lao Li" (2000), dựa trên bức tranh lịch sử nổi tiếng đời Vãn Đường "Những lạc thú đêm của Han Xizai". Anh đã đến với ý tưởng này thế nào và tác phẩm đã được thực hiện ra sao?


Night Revels of Lao Li, 120 x 960cm, 2000


Night Revels of Han Xizai, Post-Tang Dynasty, 33 x 281cm, Traditional painting, Gu Hongzhong




Wang Qingsong: Tác phẩm này dựa vào bức tranh nổi tiếng của Gu Hongzhong. Bức tranh nguyên bản nêu hiện trạng xã hội và văn hoá đời Vãn Đường. Những người trí thức muốn cống hiến năng lượng và tài năng của họ cho một đất nước đổ nát, nhưng Hoàng đế, bởi sợ mình bị lật đổ, không chấp nhận ý tưởng này.

Sau bao nhiêu năm của lịch sử Trung Quốc, tôi thấy số phận của trí thức ở Trung Quốc không có gì thay đổi. Ngày nay, dẫu là người kinh doanh hay là một trí thức viết ra điều gì đấy sáng láng, ai làm ra nhiều tiền thì người đó được trọng vọng. Người ta đánh giá người trí thức dựa vào những vật chất thu được, hơn là vào chức năng soi sáng của họ. Tác phẩm "Những lạc thú đêm của Lao Li" nêu lên thực tế là người trí thức chẳng thể đóng góp gì cho chính quyền cả, họ chỉ có thể vui thú trong nhà riêng của mình thôi. Ngoài mặt thì rất vui vẻ, khách khứa và tiệc tùng. Sau khi tiệc tàn và khách đã tan thì người trí thức cảm thấy rất cay đắng. Anh ta muốn diễn sự thích thú ngoài mặt của mình để che giấu những lo lắng sâu sắc và sự thất vọng với người cầm quyền trong lòng.

Tác phẩm có năm phần kể những câu chuyện độc lập, mời khách và tiếp khách trong một đêm: đón khách, tiệc tối, múa hát, chuyện phiếm với gái, và tiễn khách về. Tôi chụp mỗi phần riêng rồi ghép lại bằng kỹ thuật máy tính. Bức ảnh cuộn này được chụp trong một studio rộng chừng 300 mét vuông, với một nguồn sáng rất lớn chiếu xuống tất cả các người mẫu trong cảnh.

Mai Chi: Những phụ nữ trong các bức ảnh của anh là ai vậy?

Wang Qingsong: Họ là những người làm mẫu tại nhiều viện mỹ thuật ở Bắc Kinh. Về cơ bản những người mẫu tôi chọn phải có những nét đặc sắc trong hình ảnh và cơ thể, để qua đó người xem có thể đọc được những chi tiết nhỏ khác nhau. Họ không cần phải trông xinh đẹp hay gầy như những người mẫu thời trang. Tôi rất hài lòng với những người mẫu trong ảnh của tôi. Người xem có thể thấy thêm những người mẫu khác trong tác phẩm mới của tôi, "Ngôi nhà Trung Quốc" ("China Mansion").


Ngôi nhà Trung Quốc (China Mansion), 2003


Mai Chi: Vậy là trong ngôi nhà Trung Quốc khách khứa - những hình ảnh nổi tiếng của Ingres, Monet, Man Ray v.v… - đã đông đủ, ngồi hay nằm bên cạnh những cây bonsai, đồ gỗ Trung Quốc, tranh tường Trung Quốc. Những thần tượng rất đặc trưng này của mỹ thuật phương Tây mang xương thịt của các cô gái Trung Quốc bình thường, giống như những cô gái trong một quán Karaoke vậy. Anh có ý định châm biếm văn hoá cao cấp phương Tây, hay anh có nguyện vọng đưa nhập văn hoá phương Tây vào cuộc sống đương đại Trung Quốc một cách hài hoà?

Wang Qingsong: Có lẽ đúng nếu như nói tôi muốn châm biếm văn hoá phương Tây cao cấp. Tôi nảy sinh ra ý định thực hiện tác phẩm này từ cái hiện thực Trung Quốc ngày nay. Tác phẩm này thâu tóm cái nhìn của tôi về xã hội Trung Quốc thời kỳ mở cửa. Trong hai thập kỷ vừa rồi, Trung Quốc đã tích cực mời các chuyên gia nước ngoài về kinh tế, công nghệ, kiến trúc và văn hoá để giúp đỡ và hướng dẫn trong nỗ lực hiện đại hóa của mình. Những chuyên gia nước ngoài đã tạo ra rất nhiều cơ hội và đem đến những ý tưởng tiến bộ. Tuy nhiên, họ cũng gây ra nhiều điều hoang moang. Trước sự trao đổi quá nhanh của các khái niệm, người Trung Quốc hiện nay bị rối rắm và đôi khi họ không phân biệt được cái phải với cái trái.

"China Mansion" là một bức ảnh cuộn, bố cục trong một ngôi nhà đặc trưng Trung Quốc. Trong bức ảnh có năm cảnh này tôi đã mời các vị khách nước ngoài, những người mẫu nữ của mỹ thuật, trong đó có những nhân vật khả kính trong các tranh hay ảnh của Ingres, Courbet, Manet, Gauguin, Yves Klein, Boucher, Rembrandt, Rubens, David, Renoir, Man Ray v.v… và v.v… Họ là khách mời đặc biệt của "gia đình Trung Quốc" của tôi. Tôi muốn họ chuyện trò với nhau, vượt qua ranh giới các thế kỷ và văn hoá, và tạo dựng nên được một quan hệ nhất định giữa bản thân họ và giữa họ với Trung Quốc. Tôi cho rằng có một xung khắc giữa họ và ngôi nhà Trung Quốc.

Mai Chi: Trong nhiều bức ảnh của anh, giống như bức "Bath House" ("Phòng tắm"), 2000, Trung Quốc hiện đại hiện lên như một cuộc sống không tì vết, đem lại cho ta những khoái cảm vô tận: hoa, nụ cười và Coca-Cola. Có phải anh nhìn vai trò bản thân như một nhà đạo đức đang cảnh tỉnh một xã hội mà trong đó người ta tự mua vui cho tới chết?


Phòng tắm (Bath House), 2000


Wang Qingsong: Là một nghệ sĩ tôi nghĩ tôi cần cảnh tỉnh những con người hiện nay đang chôn vùi mình trong cái sự thoả mãn vật chất hời hợt. Chúng ta đang mê man theo đuổi sự tích lũy vật chất mà quên mất cuộc sống thực sự ra sao. Tôi hy vọng những sáng tác nhiếp ảnh của tôi sẽ đem lại cho mọi người một ý thức nhất định trong giấc ngủ mê của họ.

Mai Chi: Anh có những kế hoạch tương lai gì?

Wang Qingsong: Tôi sẽ tiếp tục quan sát những gì đang xẩy ra, tiếp tục kể những cách nhìn của tôi về những câu chuyện của Trung Quốc ngày nay. Tôi sẽ tiếp tục làm việc trong nhiếp ảnh và có thể sau này sẽ phát triển lên các sáng tác video.

Mai Chi: Xin cám ơn anh Wang Qingsong.




Wang Qingsong, sinh 1966, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Sichuan, Trung Quốc, Hiện sống và làm việc tại Bắc Kinh.

www.wangqingsong.com



Triển lãm cá nhân

2002
Golden Future - Photography by Wang Qingsong, Galerie LOFT, Paris, France. Wang Qingsong Photographic Works Exhibition, Marella Arte Contemporanea, Milan, Italy. Wang Qingsong Photography, Foundation Oriente, Macao, China. Satirizing the times, Pingyao Intenrational Photography Festival, Shanxi Province, China.
2000
Glorious Life- The Photographs of Wang Qingsong. Wan Fung Art Gallery, Beijing.
1997
Wang Qingsong Painting Exhibition. Chinese Contemporary, London, UK.


Triển lãm tập thể (chọn lọc)

2003
China Art Now - Out of the Red, Trevi Flash Art Museum, Italy. Fashion and Style, The Museum Moscow House of Photography, Moscow, Russia. Prague Biennale 1, Czech Republic. Noorderlicht 2003 Photofestival --- Global Detail, Groningen, the Netherlands. Mois de La Photo Montreal --- Now, Images of Present Time, Montreal, Canada.
2002
Run, Jump, Climb and Walk, East Modern Art Center, Beijing. Money and Value/The Last Taboo, Basel, Switzerland. Special Projects, P.S.1 Contemporary Art Center, New York, USA. Let's go! The Art Museum of China Millennium Monument, Beijing. Chinese Modernity, Museum of the Foundation Armando Alvares Penteado, Sao Paulo, Brazil. Paris-Pekin, Espace Cardin, Paris, France.

© 2003 talawas
Bản gốc