© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
8.1.2003
Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Bình Dương, Đặng Nhật Minh
Phim Người Mỹ trầm lặng
 
Hoàng Ngọc Hiến
Ðời thường , chiến tranh và nhạc Thiên Thai

Siêu nhất của đạo diễn Phillip Noyce là đã chọn tiếng hát Thiên Thai của Văn Cao làm nhạc nền cho bộ phim Người Mỹ trầm lặng.
Cũng như mọi bộ phim, tác phẩm này có chủ đề tư tưởng, có cốt truyện, có hành động và những nhân vật... và đây là một tác phẩm hiện thực, tất cả đã được triển khai ở những cảnh đời thường, đời thường rất riêng tư như màn ái ân Phượng và người tình, đời thường rất hàng ngày như những cảnh bà chị đanh đá của Phượng ra tay với Fowler..., cả những cảnh của đời thường chiến tranh nữa: cảnh chết chóc của thường dân, cảnh sa lầy của quân đội Pháp ở Bắc Việt...
Có thể nói trong bộ phim này bình diện hiện thực đời thường là áp đảo. Tiếng hát Thiên Thai làm nhạc nền cho bộ phim đã tạo ra một bình diện khác: bình diện của sự vĩnh cửu. Tiếng hát Thiên Thai lớn hơn cõi đời này- ở cõi trần thì nhớ cõi tiên, còn lớn hơn cả cõi tiên nữa - ở cõi tiên thì nhớ cõi trần. Tiếng hát Thiên Thai là sự đi đi về về vĩnh hằng giữa thượng giới và hạ giới, giữa cõi tục và cõi tiên, giữa thế giới này và thế giới bên kia... Tiếng hát Thiên Thai là bình diện của sự vĩnh cửu, nó còn là bình diện của sự tuyết đối vì chỉ có sự tuyệt đối mới lớn hơn cõi trần và cõi tiên cộng lại. Tiếng hát Thiên Thai dường như không dính dấp với những cảnh đời thường, nó là nền nhạc vừa gần vừa xa, khi ẩn khi hiện từ đó người xem cảm nhận những cảnh đời thường. Phép lạ của nền nhạc này là từ bình diện của sự vĩnh hằng của nó những biến cố, những số phận những con người được đặt trong quan hệ với cái tuyệt đối và đã được cảm nhận khác đi, rất là khác. Số phận của nhà báo Fowler, số phận của Phượng (và cả bà chị đanh đá nữa), đều thảm hại và đều đáng thương; ngay nhân vật điệp viên nhà đạo diễn cũng có ý định biếm hoạ, ông dành cho y một số phận công cụ thảm thương. Biến cố chiến tranh dù có tàn khốc đến đâu thì cũng bị lu mờ trước số phận những con người; và số phận của Phượng, nhân vật trung tâm của bộ phim, nhìn từ bình diện của sự vĩnh hằng và sự tuyệt đối, chẳng qua chỉ là số phận của hàng ức triệu nguời trong nhân loại, ở đâu và thời nào cũng vậy thôi, trong chiến tranh cũng như trong hoà bình, trong mọi hoàn cảnh thì cũng chỉ có một nguyện vọng nhỏ nhoi là qua khỏi và được sống (survivre), và cuối cùng là sống được (vivre). Triết lý của bộ phim là ở nguyện vọng nhỏ nhoi của nhân vật Phượng. Ðời sống tinh thần của con người cũng đa âm vực như Thiên Thai: vươn tới cao xa nhưng vẫn có sự thông cảm với những nguyện vọng nhỏ nhoi, trần tục nhất của con người.

Có những tác phẩm xem (hoặc đọc) xong muốn tác giả tăng thêm "chất hiện thực" cho tác phẩm. Và có những tác phẩm xem xong thấy tiếc cho tác giả đã không biết cứu "chủ nghĩa hiện thực" trong tác phẩm của mình. Ðã không tạo ra bình diện của sự vĩnh cửu và sự tuyệt đối cùng với bình diện của hiện thực đời thường được tái hiện tài tình và điêu luyện. Nghệ thuật lớn thường là ở sự giao cắt của hai bình diện. Không có tiếng hát Thiên Thai bộ phim Người Mỹ trầm lặng sẽ thiếu vắng một bề chiều.

© 2003 talawas



Nguyễn Bình Dương
Trầm lặng mà không đơn giản

Qua mắt người xem
Trong mắt khán giả Mỹ thì có lẽ Người Mỹ trầm lặng quả là có hơi trầm lặng, hơi nhạt. Không nhiều hành động, không nhiều biến cố, các biến cố ít tính giật gân. Ðặc biệt là sau vụ 11-9, người ta khó có thể thưởng thức những tác phẩm đề cập vai trò người Mỹ ở nước ngoài mà không cảm thấy động lòng. Từ góc độ ấy, Người Mỹ trầm lặng lại trở nên một tác phẩm khá nhạy cảm.
Trong mắt khán giả châu Âu thì đây quả là một tác phẩm điện ảnh giàu chất châu Âu: Tinh tế, được trau chuốt kỹ và khá lãng mạn, mặc dù nội dung thuộc thể loại tiểu thuyết chính trị. Các yếu tố gây hấp dẫn được gia giảm vừa đủ đô chứ không phô diễn xảo thuật để ve vãn người xem.
Với người xem Việt Nam, vừa xem vừa ao ước phim ta có được từ những khuôn hình bố cục đẹp, từ chút ánh sáng sắc ngọt, đến những trang phục nền nã, những nét hóa trang... thì Người Mỹ trầm lặng là một tổng thể những yếu tố chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế. Xin hãy nhìn diễn viên Hải Yến trong vai Phượng: gương mặt và mái tóc được chuyên gia hóa trang chăm sóc kĩ lưỡng, quần áo được người phục trang lo tính ở mức khỏi chê, một bông hoa cài trên tóc cũng thật gợi cảm. Còn bước đi dáng đứng, thế ngồi cho ra một cô gái nhà lành sa sút thì được đạo diễn lo đủ. Những khiếm khuyết về hình thể của diễn viên cũng được đạo diễn tinh tường hướng dẫn khắc phục. Phượng khi ấy đã trở thành một sản phẩm tập thể thật chuyên nghiệp. Lưu ý nữa đến giọng nói. Một nữ diễn viên chưa biết dùng tiếng Anh mà nhả chữ công phu như thế, nhiều lúc tiếng cô thoảng qua như một hơi thở, dịu dàng, êm ái. Chắc chắn đó là công lao của những chuyên gia tiếng Anh, của kỹ thuật âm thanh, và sự đòi hỏi tinh tế của đạo diễn... Nói hơi kỹ một chút để thấy rằng làm được như Người Mỹ trầm lặng là không hề "dễ chơi" như một số người trong nghề hấp tấp bình luận. Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng cho người nông nổi cảm tưởng mình cũng có thể làm được dễ dàng.
Xem, lại cứ thầm hình dung, cô diễn viên kia nếu ở trong một bộ phim ta vẫn hàng ngày phải xem thì cô sẽ không còn toả ra xung quanh một không khí khả ái và chuyên nghiệp như thế nữa. Phượng sẽ chỉ thô sơ là một ca-ve lơ ngơ giả khượt mà thôi.

Từ tiểu thuyết đến màn ảnh
Kịch bản chuyển thể phải nói là chững chạc. Tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng tinh tế, thâm trầm một cách rất Ănglê, nhưng nhìn từ góc độ điện ảnh thì dường như dàn trải và hơi tẻ. Nhà biên kịch đã tập trung vào ba nhân vật chính, cô gọn trong 95 phút phim đầy hiệu quả. Tiểu thuyết đã đầy tính biểu tượng, truyện phim chỉ làm cô đọng hơn, sắc nét hơn cái biểu tượng đó.
Dù có mở ra nhiều cách thẩm định thì mẫu số chung vẫn là câu chuyện tình của nhà báo Anh Fowler với Phượng, một cô gái Sài Gòn, và sự chen chân hồn nhiên có phần lạ đời của nhân viên tình báo Mỹ trá hình Pyle. Ðó là năm 1952, ông già Fowler (Michael Caine) yêu Phượng, tình yêu chu đáo và khá tế nhị, nhưng ông vẫn còn đang vướng víu với bà vợ già ở Anh chưa ly dị được. Anh chàng người Mỹ trẻ trung, thẳng thắn, sòng phẳng thì muốn đàng hoàng đoạt được người đẹp một cách ngay thẳng. Phượng là một cô gái đẹp Á Ðông đang trượt ra khỏi tay ông thực dân già châu Âu để rơi vào lòng một anh đế quốc trẻ mà tương lai xem ra hứa hẹn hơn - như cách đánh giá thực dụng xoi mói của bà chị cô. Và như thường thấy ở mọi cuộc chiến, người đẹp thường dân kia một khi chỉ là con mồi, là đối tượng chiếm đoạt thì không thoát khỏi thân phận ba chìm bảy nổi, bị đẩy qua đẩy lại trong những vòng tay.
Từng nhân vật khi đã lĩnh vai trò là biểu tượng thì tất nhiên không tránh khỏi việc phải trở thành công cụ cho những luận đề. Nhân vật vì thế không chinh phục người xem bằng sự dày dặn về tính cách, về số phận, để đổi lấy ấn tượng mang tính ẩn dụ và hàm chứa những triết lý về quan hệ quốc tế. Nhưng họ đã làm trọn vai trò biểu tượng và hiện ra như những nhân vật trọn vẹn. Diễn viên kỳ cựu Michael Caine đặc biệt nổi trội khi làm được cho người xem tin đó là một ông thực dân già, từng trải, lịch lãm còn vương vấn nhiều với những giá trị cũ nhưng vẫn dấn thân đam mê khi đứng trước một vùng thuộc địa non trẻ. ở bên cạnh ông, hai diễn viên Hải Yến và Brendan Fraser hoàn thành vai diễn, mặc dù Hải Yến không có gì để diễn nhiều với nhân vật Phượng.
Có một cảnh nhỏ dễ bị người xem bỏ qua, nhưng bộc lộ rõ nét phong cách chung của phim: Sau khi Pyle chết, Phượng trở lại ngồi chờ khách nhảy ở vũ trường, có bà chị đi cùng giám sát. ống kính lướt qua người chị (Mai Hoa) ngồi cô độc bên bàn: gương mặt sắt lại, toát ra vẻ hoàn toàn tuyệt vọng, hoàn toàn tan vỡ ảo mộng, bà ta cực kỳ bơ vơ, không còn nơi bám víu. Chỉ có mấy giây cô gọn nhưng hiệu quả mạnh không ngờ. Nếu ống kính dừng lâu hơn nữa, nếu đạo diễn để cho bà ta nói một câu than thở, hoặc làm một động tác tức tối chán chường... thì sẽ không gây được ấn tượng tuyệt vọng đổ vỡ như thế. Chi tiết này cho ta soi lại phong cách tiết chế của đạo diễn Phillip Noyce nhất quán trong toàn phim: kiềm chế một cách sang trọng. Không thật thà dẫn giải, không có những đối thoại dài dòng dốc tuột những điều không thể nói bằng lời. Và biết tận dụng montage trên bàn dựng phim để cắt cảnh đúng lúc, không kéo dài gây phản cảm...
Theo cách chấm điểm của các từ điển phim xuất bản hàng năm ở Âu-Mỹ, Người Mỹ trầm lặng không phải sắc nước hương trời, nhưng vẫn đẹp vẻ bình dị như cô gái Á Ðông trong phim, và có thể đạt 3 sao. Thang điểm 5 sao, nhưng giới thạo điện ảnh không chấm cho phim nào 5 sao, cũng như không thể có một tác phẩm nghệ thuật nào hoàn mỹ. Vậy 3 sao dành cho Người Mỹ trầm lặng là lời khẳng định ngắn gọn: phim hay.

© 2003 talawas



Đặng Nhật Minh
Xem Người Mỹ trầm lặng

Phải là một người rất yêu Việt Nam, có tấm lòng với đất nước và con người Việt Nam, mới làm một bộ phim như thế này. Ðó là ý nghĩ của nhiều ngưòi khi bước ra khỏi phòng chiếu phim của Trung tâm chiếu bóng quốc gia sau buổi chiếu ra mắt bộ phim Người Mỹ trầm lặng tại Hà nội đêm 17 tháng 12 vưà qua. Ðể có buổi chiếu đó, đạo diễn Phillip Noyce đã phải trải qua một chặng đường dài kể từ khi cầm trên tay cuốn tiểu thuyết của nhà văn Anh Graham Greene cách đây 7 năm, ôm ấp những đự định về nó, tìm cách biến nó thành hiện thực, theo đuổi nó cho đến tận ngày hôm nay với không ít chông gai, thử thách. Phillip Noyce là một đạo diễn Úc nhưng thành danh tại Hollywood với những phim hành động mang tính thương mại. Các nhà sản xuất phim Hollywood sẵn sàng bỏ tiền ra để ông làm tiếp những phim như Cái chết êm dịu, Trò chơi ái quốc v .v.. mà thành công về thương mại chắc chắn được đảm bảo từ trước, nhưng không ai chịu bỏ tiền cho ông làm một bộ phim để tố cáo sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam từ những năm 50. Có thể nói Người Mỹ trầm lặng là một phim chính trị, trên nền một câu chuyện tình tay ba vừa mang tính chất tâm lý, lãng mạn, vừa mang tính chất biểu tượng, khác hẳn với những gì mà Phillip Noyce đã làm trước đây ở Úc và Hollywood. Tôi có cảm tưởng ông đã đánh cuộc cả sự nghiệp của đời mình trong bộ phim này, bởi phải có một niềm tin mãnh liệt vào những việc mình làm đến như vậy, ông mới có đủ can đảm để vượt qua mọi sóng gió cho đến phút cuối cùng. Trở ngại lớn nhất đối với bộ phim không phải khi đang sản xuất, hay lúc huy động vốn (do một nhà sản xuất người Anh bỏ tiền)... mà xuất hiện sau khi phim đã hoàn thành. Ðã có lúc người ta (nhà phát hành phim Mỹ ) định để cho bộ phim chìm nghỉm một cách trầm lặng như cái tên của nó. Trong bầu không khí hừng hực chống khủng bố sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, trong cơn sốt của tinh thần ái quốc chưa từng có trên đất Mỹ sau sự kiện trên, không có gì khó hiểu khi các nhà phát hành phim Hollywood từ chối chiếu bộ phim này, một phim mà trong đó kẻ đứng đằng sau những vụ khủng bố lại là những nhân viên của CIA. Vì lòng ái quốc, người ta sẵn sàng chấp nhận chịu lỗ khi dẹp bộ phim vào kho. Thì ra ở Hollywood tồn tại một thứ kiểm duyệt phim ảnh vô cùng khắt nghiệt. Trước đông đảo khán gỉa thủ đô đêm ra mắt, đạo diễn Phillip Noyce đã cám ơn phía Việt nam đã tạo mọi điều kiên thuận lợi để ông làm bộ phim này, cám ơn nhà sản xuất người Anh đã bỏ tiền cho ông làm phim này và trong khi làm phim ông được hoàn toàn tự do, không gặp bất cứ sự kiểm duyệt nào, ngoài sự kiểm duyệt vô cùng khắt khe (đến từng câu từng chữ trong kịch bản) của Hollywood! Một điều ít ai ngờ tới nếu không được Phillip Noyce nói ra. Nhưng rồi bộ phim đã đến được với công chúng Việt Nam và thế giới nhờ sự chiến đấu ngoan cường của Phillip Noyce, của diễn viên Michael Caine, của báo chí và công luận ở Mỹ. Phillip Noyce đã thu được thắng lợi đầu tiên đầy ý nghĩa: bộ phim sẽ được công chiếu ngay trên đất Mỹ, cho công chúng Mỹ vào đầu năm tới. Lẽ công bằng đã thắng bởi trước hết: đây là một bộ phim hay, có gì đó đáng để người xem phải ngẫm nghĩ. Về khía cạnh chính trị, những gì được đề cập đến trong phim (cũng như trong tiểu thuyết của Graham Green) đều là sự thực, không hề bịa đặt thêm bớt. Như Phillip Noyce đã từng tâm sự: Chưa có một bộ phim nào từ trước tới nay cắt nghĩa nguyên nhân sự thất bại của Mỹ ở VN đầy đủ như trong cuốn tiểu thuyết của Graham Greene, và vì lý do đó ông muốn đưa nó lên màn ảnh. Ðương nhiên cái hấp dẫn cuốn hút trong tiểu thuyết là câu chuyện tình tay ba với hình ảnh trung tâm là Phượng - một cô gái VN mà G. Green đã dành những trang viết trìu mến và trữ tình nhất để miêu tả. Khi chuyển thành phim đạo diễn Phillip Noyce hầu như trung thành tuyệt đối với nguyên tác. Ông chỉ thay đổi 2 chỗ: Một là trong lý lịch của Phượng. Cô tuy làm gái nhẩy, nhưng xuất thân trong một gia đình có học, cha là giáo sư mất sớm nên gia đình sa sút. Hai là nhân vật Hinh (người cộng sự của Fowler). Trong tiểu thuyết thì đây là một người Ấn Độ có quan hệ với Việt Minh. Nhưng khi sang phim thì nhân vật này là một người VN có tên là Hinh, một cán bộ Việt Minh nằm vùng. Những gì cần nói về bộ phim này, theo tôi: trước hết là tấm lòng của Phillip Noyce (tấm lòng yêu mến và trân trọng đối với đất nước này thấm đẫm trong từng hình ảnh của bộ phim, làm nên cái hồn của bộ phim), sau đó là tài nghệ diễn xuất tuyệt vời của Michael Caine (vai Fowler), của Brendan Fraser (vai Pyle), là vẻ đẹp dịu dàng dung dị của Ðỗ Hải Yến (vai Phượng). Không thể không nói đến ống kính điêu luyện của nhà quay phim hàng đầu thế giới Christopher Doyle (ông là người Úc nhưng lập nghiệp và thành danh tại châu Á với những phim hợp tác cùng các đạo diễn Hông Công, Ðài Loan và Trung Hoa). Tất cả những yếu tố trên, cộng với một cốt truyện vừa trữ tình, vừa lôi cuốn bởi mầu sắc trinh thám với bố cục chặt chẽ sẵn có của tiểu thuyết đã làm nên chất lượng của phim Người Mỹ trầm lặng. Như trên tôi đã nói, đây là một phim chính trị, bộc lộ thái độ quan điểm rõ ràng của các tác giả (tiểu thuyết cũng như phim), nhưng các nhân vật của nó lại bị dằng xé bởi những xung đột hết sức đời thường trong một tam giác tình yêu muôn thưở. Chính ở đây cá tính của các nhân vật được bộc lộ một cách mạnh mẽ. Fowler, một nhà báo trung thực, có lúc đã phải lừa dối Phượng (nói rằng vợ mình đã đồng ý ly dị) để khỏi mất cô vào tay Pyle, và Pyle với tính cách hồn nhiên thẳng thắn đã lặn lội qua bao hiểm nguy ra tận Phát Diệm chỉ để thú nhận với Fowler rằng anh đã yêu Phượng từ buổi gặp gỡ đầu tiên. Tôi cho rằng trường đoạn trong hầm ở Phát Diệm là một trường đoạn rất độc đáo. Trong tiếng pháo kích và ánh hoả châu, hai người đàn ông đã không nói gì về chiến tranh, những mối nguy hiểm đang rình rập mà tâm sự với nhau về một người phụ nữ, cùng muốn đem lại hạnh phúc cho cô ta. Rồi Pyle đã chiếm được Phượng từ tay Fowler. Khi tình cờ Fowler biết rằng chính Pyle là kẻ đứng đằng sau những vụ khủng bố gây bao nhiêu chết chóc cho người dân vô tội thì kẻ tình địch đã trở thành kẻ thù của lương tri. Như lời của nhân vật Hinh một cán bộ Việt Minh nói với ông: Con người ta phải chọn đứng về một phía nào chứ. Và Fowler đã lựa chọn: theo lời Hinh, ông hẹn Pyle đến quán Vieux Moulin để những người của Việt Minh hạ sát, như trừ khử một kẻ đã gieo tai hoạ cho đất nước này. Lúc đó ông hành động theo tiếng gọi của lương tri hơn là xuất phát từ động cơ cá nhân: muốn loại bỏ một kẻ tình địch. Cái sự dằng xé nội tâm này đã được Michael Caine diễn tả thật xuất sắc trong trường đoạn ngồi chờ Pyle ở quán Vieux Moulin. Fowler thảng thốt bồn chồn, có vẻ như đến phút chót ông ta mong cho Pyle đừng đến. Rồi không chờ đợi được nữa ông lao ra ngoài phố để tìm Pyle. Nhưng đã muộn rồi. Nhát dao của Hinh đã đâm xuyên qua ngực Pyle với một câu nói lạnh lùng: vứt xác nó xuống sông. Tiết tấu dồn dập của nửa phim về cuối đã thu hút toàn bộ sự theo rõi của người xem, một việc làm không khó đối với Phillip Noyce, một người chuyên làm những phim hành động đứng tim. Nhưng có lẽ chú tâm quá vào việc cuốn hút khán giả mà đạo diễn đôi khi quên đi những quãng lặng cần thiết cho phim. Ðó là những không gian rộng của phong cảnh, của phố phường của đời sống trên đất nước mà tác giả của tiểu thuyết đã từng gắn bó tha thiết. Cuộc tình của Fowler và Phượng không chỉ là tình yêu đối với một người phụ nữ VN mà còn cả với xứ sở quê hương của cô nữa. Ðối với một phim như thế này thì những đoạn có quá nhiều hành động đôi khi không giúp gì nhiều cho phim bằng những phút tĩnh lặng chứa đựng nội tâm của nhân vật. Những phút nội tâm đó còn hơi ít đối với nhân vật Phượng, một hình ảnh vừa cụ thể vừa tượng trưng mà Graham Greene đã dành những trang viết tinh tế và xúc động nhất. Với tư cánh là đạo diễn của đội quay thứ hai trong bộ phim này, tôi đã được may mắn theo rõi công việc làm của Philip Noyce từ ngày đầu bấm máy trên quảng trường Nhà hát lớn thành phố HCM cho đến khi hoàn thành cảnh quay cuối cùng tại trường quay Fox Studio ở Sydney. Ðiều tôi khâm phục ở ông là nghị lực lớn lao, là tình yêu tha thiết, là ngọn lửa sáng tạo không bao giờ ngưng nghỉ trong ông để chăm chút cho đứa con tinh thần của mình. Tôi cảm động nhớ lại buổi lễ cúng thổ thần trên quảng trường Nhà hát lớn TP HCM trước khi quay cảnh đầu tiên: Phillip Noyce, Michael Caine, Brendan Fraser, Christopher Doyle, Ðỗ Hải Yến, Quang Hải, bà Antonia chủ nhiệm phim cùng tất cả thành phần chủ yếu của đoàn làm phim, mọi người đều cầm trên tay những nén hương cúi đầu khấn vái, xin Thổ công, Trời đất phù hộ cho bộ phim được thuận buồm xuôi gió và thành công. Lời cầu nguyện đó có lẽ đã được Ðất Trời chứng dám và đang trở thành hiện thực bởi chữ TÂM của những người làm phim, mà trước hết của đạo diễn Phillip Noyce.
Nguồn: Người Lao Ä‘á»™ng, 22.12.2002