© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
25.7.2008
Tam Ích
Heidegger, Jaspers và bối cảnh Phật Lão Trang
 
1.

Nói rằng triết học Âu Tây giỏi và bảnh rồi, cho nên kiêu căng biệt cư, không cần chiếu “camé” vào để “thâu” một ít vốn ở các hệ thống triết học Á Đông nữa thì thật là không đúng. Nói rằng triết học Á Đông có một số mặc cảm rồi cam phận đơn cư thì lại càng tuyệt đối không đúng lắm nữa.

Trái lại.

Triết học Âu Tây đến hết duy trí đến Freud, đến Bergson là cần phải có lối thoát cho chính nó. Nó đã gặp khủng hoảng: tự nó nó không giải quyết được vấn đề căn bản là vấn đề con người, giữa lúc đó thì khoa học lại cũng không thể làm hơn cho chính con người. Trong các khoa học thì khoa vật lý toán học là đi lanh vun vút và lanh nhất: mà cũng chỉ vì nó đi lanh quá, cũng chỉ vì thuyết tương đối của Einstein và sự phát minh những yếu lý về nguyên tử lực lăm le đi cho tới… bản thể của vũ trụ vạn vật, nghĩa là đi cho tới cái mà trong những ngày tối tăm của lịch sử cổ Hy Lạp, Démocrite đã theo một định đề mà tìm ra nguyên tử mà đầu thế kỷ XX mới nảy ra cái tình thế chênh lệch giữa khoa học và luân lý tính của loài người (décalage entre la science et la morale) – như chúng tôi đã nói – gây ra một sự khủng hoảng nhân bản trầm trọng làm cho các tư tưởng gia thế giới mất ăn ngon ngủ yên; đồng thời nảy ra cái cảnh vật hoá (chosification) con người – lại cũng như chúng tôi đã đề cập; ấy là chưa nói sự khủng hoảng chỉ có ngày càng tăng chứ chẳng giảm một chút nào; vì nhịp lịch sử ngày nay nói dồn dập, chứ không lững thững như thời phong kiến chính thức xưa!

Triết học Âu Tây có chuyển hướng lớn, thật cũng chẳng phải chuyện lạ: ban đầu từ Kierkegaard, Nietzsche… rồi lại bắt đầu từ Husserl, Heidegger, Jaspers (thôi, khỏi nói Sartre!): tự triết học nó phải giải quyết cho chính nó và đồng thời cũng quy định tinh thần khoa học lý (esprit épistémologique) cho triết khoa học nói chung.


2.

Các triết gia Ây Tây hiện đại có quay qua tìm một ít vốn yếu lý trong các hệ thống triết học Á Đông Nho Phật Lão… - có Vương Dương Minh ở trỏng – cũng chẳng là chuyện phi lý. Họ không thiếu một Khổng Khâu và Mạnh Kha vì họ đã có Sartre và Platon… Vốn Khổng Mạnh, họ không cần vay, chỉ cần một mẩu Vương Dương Minh mà chính họ cũng có rồi! Họ không mượn… nhưng họ đối chiếu: số là thầy Mạnh vốn hưởng gia tài của thầy Tử Tư mà họ Vương lại hưởng lại gia tài của thầy Mạnh rồi hoá hợp cái gia tài ấy với cái phần duy-tâm-luận của Phật giáo: cái être của Aristote là gì nếu không phải là cái vị phát, cái étant là gì nếu không phải là cái dĩ phát, của hai thầy Tử Tư và Vương Dương Minh – và cái vị phát ấy nào có khác cái thực thể “non-manifesté” của bản thể học Âu tây cổ điển! Cái các thầy có, họ có – họ không cần mượn. Duy có Phật Lão Trang là có nhiều cái họ không có. Nên họ phải mượn! Họ chiếu “caméra” vào Thành duy thức, vào Thiền tông – nhất là Thiền Karl Jaspers đã có lần nói rằng Phật giáo là một hệ thống chứa câu trả lời vĩ đại nhất về thân phận con người, và khả năng tri thức của triết học Âu Tây chỉ là một thực thể, có giới hạn – trước Phật giáo.

Nguyên văn câu nói ấy, anh Phạm Công Thiện có trích và ghi trong cuốn Hố thẳm của tư tưởng của ảnh, mà chúng tôi cũng đã được đọc trong cuốn Les grands philosophes của nhà xuất bản Plon bên Pháp. Mà việc Jaspers nói vậy cũng chẳng phải là việc lạ! Duy có một điều, ý của Jaspers làm cho chúng ta suy một ra trăm, trăm ra ngàn, để mà hiểu mọi lẽ trong trời đất, trong nhân sinh chung – Đông và Tây – có tương quan đến sự tiến hoá chung của chất trí thức của cả loài người…


3.

Dù cho có loanh quanh hay luẩn quẩn để đi vào mọi ngõ hay mọi ngách, chúng ta cũng nhận thấy chỉ có hai cách phát vấn đề – danh từ này là của Phan Văn Hùm, một người ngày nay chưa ai thay được – siêu hình học hay bản thể học – hai vấn đề này, tùy từng triết gia mà chung, hay mà riêng.

Hai mà thôi.

Phái uyên nguyên, hay siêu tại, hay tại ngoại (essentialisme hay là philosophie de la transcendance) thì cho rằng trước ngoài không thời gian vạn vật có một thực thể siêu hình mà mỗi một triết gia hay tôn giáo gia đặt cho một cái tên khác nhau; và nói về con người thì họ cho rằng con người có một bản chất tiên thiên có sẵn – đồng thời họ gán cho cái bản chất ấy một “tĩnh từ” thiện hay ác và con người làm thì gì làm… cũng theo cái bản chất có sẵn ấy, nghĩa là nô lệ cho nó. Cùng một lúc, họ giải quyết vấn đề nhân bản (humanisme) một cách giản dị: con người làm sao tu dưỡng cho đến cái trình độ người mẫu mà tiếng Pháp gọi là essence-type hay modéle-essence.

Còn phái thứ hai là phái nội tại – trong đó có các phái duy vật và hiện sinh – mà tiếng Pháp gọi là philosophie de l’immanence. Họ không đặt vấn đề siêu hình thuần tuý (métaphysique pure), không đặt vấn đề Thượng Đế và không đặt vấn đề thực thể uyên nguyên siêu hình. Có người như Heidegger thì lại trốn vấn đề, nghĩa là ông không đặt vấn đề Thượng Đế hay Uyên nguyên để cho khỏi phải gặp nó. (Thú vị quá! Chẳng biết nếu ông lỡ gặp, thì rồi mới tính sao!). Có những như Sartre thì lại hơi nhát gan: ổng nói rằng, dù cho Thượng Đế rồi thì cũng vẫn có bao nhiêu vấn đề nhân sinh chứ chẳng phải là có, thì nhân sinh sẽ biến thành Non Bồng Nước Nhược! Kể thì Sartre cũng khá khôn ngoan đây! Rồi phải hiện sinh vô thần nói phứt: con người hiện hữu, rồi con người sẽ tự tạo bản chất sau.

Ấy thế rồi cả Heidegger, Jaspers, Sartre...., vô thần lẫn hữu thần, nói rằng cũng như cái bản chất của con dao là để cắt, của trái banh là để bay bổng, của bánh xe là để quay tít và của con người là để dùng tự do của mình mà tự tạo “bản chất” cho chính mình: đồng thời giá trị con người là ở thành tích (L’homme est la somme de ses actes) – một yếu lý sơ đẳng của thuyết hiện sinh. Nói một cách khác, nói về vấn đề uyên nguyên, họ làm một nhận xét, rồi từ nhận xét là con người hiện hữu họ dựng “hệ thống” triết học về con người sau. Nói một cách khác nữa, họ không đặt vấn đề siêu hình cổ điển. Họ loại hẳn nó đi: kẻ thì can đảm loại hẳn đi, kẻ thì nhát nhát một chút: để lại một con đường mòn, gặp biến cố cũng cố có lời mà trốn!

Còn như Phật giáo, Phật giáo cũng loại những vấn đề siêu hình thuần tuý và nhận xét rồi nói về đế thứ nhất trong bốn đế: Con người khổ. Như Heidegger sau này.


4.

Chẳng hạn là như Phật giáo. Phật giáo cũng nhận xét rằng con người hiện hữu (chẳng nói rõ thế thì cũng là thế) – rồi nhận xét rằng con người là khổ. Nghĩa là Phật giáo loại hẳn vấn đề siêu hình, loại không thương tiếc – ở tất cả mọi hình thức. Xin nói lại: ở tất cả mọi hình thức. Còn nói về sinh mệnh trong thời gian thì Phật giáo có hai yếu lý. Một là, nói về một cuộc đời tại thế mà thôi thì con người tạo nghiệp – cũng như Sartre nói l’homme est la somme de ses actes; hai là nói về dòng sinh mệnh trong thời gian được coi như là vĩnh cửu (eternité) thì con người trải qua luân hồi… Cái mà trong triết học hiện sinh gọi là sử tính (historicité), trong con người của Phật giáo, nó “có mặt”, nó “đánh dấu”, nó tham dự vào cái việc dựng con người trong một kiếp cũng như trong suốt cái dây luân hồi ấy!

Và, cái bế tắc của triết học Âu Tây của Husserl, của Sartre và cái “khai thông” của triết học Phật giáo nó quay xung quanh cái vấn đề then chốt ấy.


5.

Phật giáo khá phong phú cho nên Phật giáo có một lối thoát về triết học rất chỉnh. Heidegger và Sartre vì “khoa học” quá mà bế tắc!

Phật giáo có bốn đế. Đế thứ nhất là đế khổ. Cái khổ toàn diện và khổ chung! Phật giáo vẽ cái khổ như vẽ một bức tranh, như một cái vạn hoa kính của một cái vạn hoa kính. Vạn nhân với vạn, vạn của vạn của vạn cái khổ lớn nhỏ trong nhân sinh. Chỉ nói: sinh, lão, bệnh, tử… rồi nói thêm: cái gì có mà mất là gây ra khổ, cái gì đương gần mà phải xa đã gây ra khổ, cái gì đương hiệp mà tan là gây ra khổ v.v… Nói thế rồi tự con người dùng thông minh mà hiểu, dùng kinh nghiệm mà sống, dùng trực giác mà linh hồn là đủ hết, đủ hết. Chính những cái khổ muôn mặt, muôn muôn mặt ấy, nó ngăn con đường hạnh phúc, ngăn con đường hướng thượng của con người. Và muốn sướng, phải thoát khổ và thoát nghiệp.

Giữa lúc đó thì Heidegger lại cũng nói về một thứ “đế” của Heidegger: cái mà Heidegger gọi là “existentiaux”. Đối với Heidegger, thì con người khổ một cách thiết yếu (nécessairement malheureux), vì bản chất của con người là có hạn (esentiellement fini). Nói một cách khác, Heidegger gọi con người là ý thức hữu hạn (conscience fini) – và cái yếu lý ấy là trực giác căn bản (intuition centrale) của cả cái “hệ thống” của Heidegger! Vậy chứ “đế” của Heidegger gồm có bao? Phật giáo thì nói sinh, lão, bệnh, tử – nghiệp – luân hồi – hành trình phải dài lắm; trong lúc đó thì Heidegger nói về “đế” của Heidegger như thế này: một là sự cô đơn mà ông gọi là déréliction, nghĩa là tình thế con người tại thế (être-au-monde) bị bỏ rơi giữa đời sống hữu hạn; hai là cái chết – cái chết giống cái tử của Phật giáo, chỉ có khác ở chỗ là cái chết của Phật giáo chỉ là một “giai đoạn” dẫn con người đi xong một “vòng” trong cái vô cùng của luân hồi, trừ phi là ngộ, giác; ba là sự hữu hạn về thời gian của con người mà Heidegger gọi là temporalité. Ngoài ra, Heidegger còn nói tới sự tự do (liberté) – cái tự do đó giúp cho con người sống tự thực hiện một cách bản thể (s’accomplir ontologiquement). Thực ra, cái tự do ấy, cũng chẳng giúp gì cho con người nhiều lắm, bởi vì bên kia sự tự do (au-delà de la liberté) là hết, hư vô, hố thẳm tối tăm… của hiện hữu thuần phác (existence brute), và không còn vấn đề gì nữa mà đặt!

Rồi Heidegger thở than như ai cũng đã thấy!


6.

Và cái mà Heidegger gọi là “existentiaux”, Karl Jaspers gọi là giới cảnh, tiếng Pháp gọi là situations limites – cũng như nhà Phật nói sinh lão bệnh tử - mà cái giới cảnh căn bản là lúc nào con người cũng vướng trong hoàn cảnh (être en situation). Nói một cách khác, Karl Jaspers muốn nói về cái chết (la mort), sự đau thương (la souffrance), sự tranh đấu (le combat) của con người, ngăn đường hướng thượng (?), ngăn đường hạnh phúc của con người.

Thực ra thì, nói về đế một, nhà Phải chỉ nói một yếu lý ngắn, mà đủ hết. Riêng Heidegger và Jaspers thì lại nói những “existentiaux” và “situation-limites” đếm được bằng tính cộng. Nói cho đúng, con người bắt đầu sống là đã gặp ngay giới cảnh rồi vậy! Từ cái nhỏ nhất là một con muỗi cắn gây sốt rét rừng cho con người, cho đến cái lớn nhất là thế chiến đệ nhất, đệ nhị tàn sát hết nhân sinh chẳng hạn. Chẳng riêng gì bấy nhiêu “existentiaux” và bấy nhiêu “situationlimites”! Nói một cách khác: mở mắt ra, nhắm mắt lại – cứ một sát na con người đã gặp giới cảnh rồi vậy thay.


7.

Chúng ta đã thấy rõ, triết học của Heidegger, của Sartre, của Jaspers (Jaspers thì ít) hay nói tới sự thất bại (écbec) sự hữu hạn (finitude) chỉ vì, nói tóm lại, triết học hiện đại của họ, chỉ vì muốn “khoa học”, mà coi đời sống con người cá nhân chỉ có một kiếp – một thôi – là xong! Vậy chứ một kiếp thì còn làm cái gì nữa kia!

Trái lại, Phật giáo thì nói đời sống con người là một sự tu dưỡng liên tục – cho đến ngộ, đến giác qua bao nhiêu cái lóng của dây luân hồi Cho nên triết học Phật giáo có lối thoát – kể cả Lão Trang. Nói rộng ra, triết học Âu Mỹ hiện đại, nếu có bế tắc về nhân bản là cũng tại các phái hiện sinh vô thần phân tích xong thì ngưng lại. Thật ra, không đặt vấn đề siêu hình học, hay có đặt vấn đề bản thể mà lại cho nó một nghĩa khác, thì cũng khó mà đặt vấn đề luân lý.

Trừ Karl Jaspers!


8.

Chính vì vậy, mà Heidegger chẳng hạn chống Hegel, họ lại không làm được như Hegel: thì theo Hegel thì tất cả mọi quá trình biện chứng xong rồi thì một ngày kia, ý tưởng tuyệt đối (idée absolue) sẽ gặp Lý tính phổ biến (Raison Universelle) và lúc đó sẽ đồng nhất (identification): sẽ không có nhị nguyên tính của mọi “vật” – tức là việc của Vương Dương Minh. Nói một cách khác, nói về con người, khi mà cái en-soi-pour-soi của Hegel thực hiện, cuối đoạn đường biện chứng!

Và khi cõi “đắc nhất” của Lão Trang và cõi “bất nhi” (tôi dùng ép chữ cõi) của Phật giáo Thiền tông thực hiện thì biên giới giữa chủ, khách – phải, quấy – trong, ngoài – xấu, tốt - sẽ xóa vậy.

Và những “cái” nhân hiện hữu (dasein), hiện hữu thuần phục (sciendes) và ý hiện hữu (sein) của Heidegger sẽ hoà tan làm một: cái thuần bản thể (ontique) và cái nhân bản thể (ontologique) sẽ mất biên giới; cái tự tại (en-soi) và cái ý thức (pour-soi); của Sartre sẽ hoá nhất (identification); vũ trụ loạn giới (monde comme chaos)vũ trụ thuần vô cùng (monde comme cosmos) của Heidegger lại cũng hoà đồng.

Nói như thế bởi vì theo Jean Paul Satre thì cái vật thể tự tại (en-soi) và cái ý thức (pour-soi) không bao giờ ăn khớp với nhau được!

Thực ra là có!

Tôi xin phép kể một chuyện giai thoại: Ngày xa xưa kia, ngài Ca Diếp, một hôm, bảo ngài Anan phải tu dưỡng một đêm cho chứng quả để ngày hôm sau ra hội nghị các chư tăng cao cấp và “thuyết trình”. Sáng hôm sau, sau khi đã tu chứng quả, ngài Anan đến phòng ngài Ca Diếp, xin vào để trình sự chứng quả. Vì cửa phòng đóng cho nên ngài Ca Diếp, bảo ngài Anan là cứ vào: Vì đã chứng quả rồi thì cứ vào – chui qua khe cửa mà vào chẳng hạn.

Ngài Anan có chui qua khe cửa mà vào không, riêng kẻ viết bài này, vì học thiếu, nêu không rõ. Nhưng có bạn đọc sẽ hỏi: đó là chuyện phi lý.

Thực ra, nghĩ đến cực vi và cực diệu, thì đó không phải là huyền thoại, mà là chuyện có. Câu chuyện đó, nó như một tượng trưng và chứa một số luận cứ. Ngài Anan đã chứng quả rồi, thì đã đến cảnh giới Bất nhị, đến cảnh giới Đắc nhất, đến cảnh giới Nhứt rồi. Không có nhị nguyên tính nữa, không có chủ khác, không có trên dưới, không có trong ngoài phải quấy, trước sau… nữa. Đối với người đã chứng quả thì không có vấn đề vào hay ra, trong hay ngoài!

Vật lý toán học đã làm những bài toán học để đi đến cái điểm nói rằng nếu đem xếp với nhau các trung hoà tử dương tử của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn lại thì Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn sẽ còn nhỏ như hòn bi mà vẫn cái nặng đủ ba trăm ngàn tấn như thường. Tại sao triết học lại không giúp con người thể nghiệm tâm linh được chuyện: chui qua khe cửa vì không có trong và ngoài nữa, của ngài Anan?

Giữa hai chuyện, chuyện Nhà thờ Đức Bà không phải là huyền thoại, thì chuyện ngài Anan sao lại là huyền thoại? (Toàn là chuyện khả niệm chứ không phải là chuyện khả giác!).

Khốn một nỗi, chúng ta hiện đương sống trong cõi khả giác mà thôi! Tuy nhiên, dùng lý tính mà suy, en soi sẽ gặp pour soi; Dasein, Seiendes Sein của Heidegger sẽ hoà; ontique ontologique sẽ đồng nhất như đã nói ở trên. Chẳng thể chối cãi được!


9.

Nói cho đúng ra, mỗ một triết gia Âu Tây hiện đại đều có con đường cho con người tu dưỡng – để làm cái việc mà riêng Phật giáo gọi là giải thoát – mà các triết gia ấy gọi là sống tại đời sống tại thế sống cái thân phận của mình. Phật giáo có bát chánh đạo – còn các triết gia hiện sinh nói gọn lỏn là vượt (dépassement) và nhận cái thân phận trong đời chân nhân sinh, tiếng Pháp gọi là assumer sa condition d’homme, của một chân hiện hữu (existence authentique).

Nhưng Karl Jaspers thì còn có hướng – Heidegger thì lại bế tắc!

Thực ra, Phật giáo cũng không bảo là lên một cõi xa xôi vun vút nào mà tu dưỡng – con người có thể tu dưỡng ngay trong đời sống theo yếu lý bất ly thế gian giác – và theo đường quán cái thức, biến thức thành trí. thức trí còn mê, trí thức đã giác.

Heidegger thì cố nhiên là “khép”: chỉ riêng có Karl Jaspers là nghĩ tới ba cảnh giới của hiện hữu: cảnh giới thứ nhất là giới nghiệm hiện hữu (être empirique hay dasein); cảnh giới thứ hai là nhân hữu (être de l’homme hay là existenz); cảnh giới thứ ba là tự tại giới (être en soi hay transcendance) là cảnh giới cao nhất, siêu nhất mà Jaspers cũng gọi là tuyệt đối, tha hữu viết hoa (L’Autre) và bên kia là hư vô tuyệt đối (Xin hiểu cho rằng các danh từ Dasein, Sein, être, en soi… mỗi một triết gia dùng và gán cho chúng nghĩa mà họ muốn).

Phật giáo khác: bên kia còn có các kiếp trong luân hồi đầu xa xôi là bến giác. Đến bến giác mới hết: và giữa hiện hữu giác có tất cả mọi thực thể bản thể (entité ontologique) mà con người có thể dùng lăng kính khoa học mà lãnh hội – nhưng đó lại là một việc khác.


10.

Thì ra, trên vấn đề nhân bản thuần chất – nếu có thể nói thế – Heidegger và Sartre chỉ có một cái công là đã phản ứng chung các hệ thống cổ điển Âu Tây – nhất là Hegel – nhất là hai phái duy tâm duy thực thôi! Vậy thôi! Chớ vấn đề đặt ra, nó vẫn nằm chình ình! Họ muốn lay chuyển cả gốc Thiên Chúa giáo – là lẽ cố nhiên: nhưng Thiên Chúa giáo đã có Karl Jaspers chèo chống cho tất cả trong những cơn sóng gió, - để đi con đường đã vạch.


11.

Giữa cái thời đại mà hình ảnh một cuộc tự sát chung của cả loài người hiện ra – như một cây kiếm Damoclès, chỉ có khác là về kiếm Damoclès, huyền sử không nói nó có rơi xuống đầu không, chứ bụi nguyên tử thì thật là rất khó tránh, giữa cái thời đại ấy, triết học Âu Tây thường đặt vấn đề quay về Phật Lão Trang. Người có đầu thì vào thư viện, người trẻ thì tập tham thiền.

Heidegger trước kia định mượn vốn Phật Lão.

Phật giáo có tứ diệu đế – tức là bốn đế mới trọn, mới vẹn. Husserl chỉ mượn có một “đế” thứ nhất, mà lại còn sót.

Bế tắc là phải!

Kể cả Jean Paul Sartre!

Cũng chẳng lạ!
Nguồn: Tạp chí Văn, Nghiên cứu và Phê bình văn học, năm thứ nhất, đệ tam tam cá nguyệt 1967, tập 3, trích từ trang 22 đến trang 32. Chi phiếu, bÆ°u phiếu đề tên ông Nguyá»…n Đình Vượng. ThÆ° từ, bản thảo, ấn phẩm đề tên ông Trần Phong Giao. Giao thiệp trá»±c tiếp về mọi việc xin hỏi ông Gia Tuấn. Số 38, Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn. Điện thoại: 23.595. K.D. số 1194 ngày 26-6-1967. Giá 30 đồng. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.