© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
26.5.2008
Trương Công Khanh
“Một cõi Niết bàn trong thế giới hiện thực”
 
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 được tổ chức tại Việt Nam đã thành công viên mãn, vượt xa sự mong đợi của người Phật tử. Sự thành công đó khẳng định sức sống của Phật giáo Việt Nam. Sức sống ấy được tiếp nối trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, không bị giới hạn bởi bất cứ tên gọi tổ chức nào mà người ta cố tình gán cho nó những ý đồ chính trị bất ổn, nhằm chia rẽ tinh thần Phật giáo Việt Nam.

Có thể nói chưa bao giờ sự khẳng định những giá trị của đạo Phật lại cụ thể bằng lúc này. Thế giới tôn vinh những giá trị thiết thực của đạo Phật. Nhà nước Việt Nam hiện tại tiếp thêm sự khẳng định đó bằng việc đứng ra đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc. Đó là một niềm vinh dự và tự hào của bất cứ ai có nhân duyên được tiếp xúc và thực hành theo những lời dạy của Đức Phật, được trở thành người Phật tử, và đó cũng là niềm vui chung của những ai không theo đạo Phật (dưới danh phận tín đồ) nhưng nhận thức được những giá trị tốt đẹp phổ biến trong xã hội, không bằng con mắt định kiến tôn giáo hay chủ nghĩa gì đó.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc bao gồm đại sứ của các quốc gia (đa chủ nghĩa, đa đảng phái, đa tôn giáo) đã thống nhất tôn vinh những giá trị đạo Phật, cụ thể bằng việc công nhận ngày lễ Vesak (Tam hợp) vào tháng 5 làm ngày lễ văn hóa - tôn giáo của thế giới. Đó là một minh chứng rõ nét nhất cho nhận thức trên. Bởi chính đạo Phật đã và đang xóa nhòa những định kiến “tín đồ”, “chủ nghĩa”, nhằm đưa những lời dạy của Đức Phật trở thành phương cách sống ứng xử của nhiều người.

Lịch sử cổ trung đại phương Đông từng xuất hiện tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”, như một mẫu thức khoan dung tôn giáo đặc thù. Và lịch sử tôn giáo hiện đại phương Tây đang viết một cách cởi mở và hào hứng về cách thức truyền bá của đạo Phật. Những lãnh tụ tinh thần Phật giáo đem đạo Phật vào phương Tây bằng thông điệp khoan dung tôn giáo, kêu gọi hãy chấp nhận đạo Phật như một phương cách sống hữu ích, thân thiện và hòa hợp, không hề khuyến khích bất cứ một sự cải đạo nào. Chính vì vậy, có những người vừa là linh mục, mục sư vừa có thể thực hành năm nguyên tắc sống của đạo Phật (không giết người, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và sử dụng chất gây say, gây nghiện), thực hành thiền định, thậm chí quy y mà không phải từ bỏ tôn giáo chính của mình, và họ đã có nhiều thăng tiến trong con đường tâm linh. Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và nhiều các vị cao tăng khác trên thế giới đã làm được điều đó và nhiều hơn thế ở phương Tây khi có thể giảng Phật pháp tại nghị viện, công sở, công viên, trường học, nhà tù, thánh đường.

Từ một điểm nhìn tôn giáo, người Phật tử có đủ bình tĩnh để nhìn nhận những thang bậc giá trị đặc thù, trong khi thế giới, theo thói thường vẫn lấy số đông, thậm chí lấy sự cải đổi tư tưởng, sự cải đạo làm đích ngắm cho thước đo “chân lý”. Số lượng người theo đạo Phật có thể thấp hơn số lượng tín đồ của các tôn giáo lớn khác trên thế giới, theo những con số thống kê rạch ròi, cụ thể, nhưng số lượng tín đồ Phật giáo cũng có thể cao hơn nếu người ta có thể nhìn nhận nó dưới góc độ hỗn dung tín ngưỡng, một nét đặc thù trong truyền thống tín ngưỡng tôn giáo phương Đông. Ngay tại Việt Nam, Trung Quốc nếu xét theo các tiêu chí trên thì phải 80% dân số theo đạo Phật và có tín ngưỡng đạo Phật. Nhưng những điều đó cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu những người theo đạo Phật không thể thực hành theo những lời dạy của Đức Phật.

Đức Phật từng nói: “Tin ta mà không hiểu ta tức là bài báng ta.” Có nghĩa rằng đạo Phật không chỉ cần người ta “tin” mà còn cần hơn người ta “hiểu”. Tin và hiểu phải đi đôi với nhau. Tin để gắn bó, hiểu để thực hành, làm được như vậy thì mới có lợi ích, mới trở thành người Phật tử chân chính.

Trong diễn văn tại Lễ Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu: “Tôi hy vọng rằng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm nay sẽ là cơ hội tốt để chúng ta tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, cùng nhau hợp tác xây dựng xã hội tốt đẹp, một cõi Niết bàn trong thế giới hiện thực, góp phần ngăn chặn xung đột, hoá giải các cuộc chiến tranh và đẩy lùi các nguy cơ nghèo đói, khổ đau trong đời sống xã hội, đưa con người tới cuộc sống an vui.” [1]

Nói về lợi ích chung của số đông, mọi người đều có quyền và nghĩa vụ để “xây dựng một xã hội tốt đẹp, một cõi Niết bàn trong thế giới hiện thực”, bởi đó là những điểm làm cho con người chúng ta gần nhau hơn. Không ai có thể lạc điệu, đi ngược lại sự tốt đẹp, để ghen tị hay chỉ trích điều đó khi những giá trị của đạo Phật được chọn làm giải pháp hòa bình, hòa hợp, hòa giải từ Liên hợp quốc, và được khẳng định từ trong nhận thức của người đứng đầu quốc gia. Nếu đó là một “nghệ thuật” chính trị, ngoại giao thì chí ít chúng ta còn thấy đó là một nghệ thuật đẹp, không phải là tâm lý, nhận thức và thái độ gây hấn, thù địch và luôn mong muốn xảy ra những bất ổn cho xã hội, nhất là xã hội ấy bao giờ cũng lớn hơn những thiểu số đang nắm quyền, hay những thiểu số đang rắp tâm điêu linh.

Từ phát biểu này, chúng ta chú ý thêm bài viết của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trên Báo Tuổi Trẻ nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008: “Lo cho con người là một minh triết của Phật giáo Việt Nam”. Trong bài viết, bà Nguyễn Thị Bình đã đặt ra những câu hỏi thiết thực: “Tôi cố gắng tập trung suy nghĩ của mình vào hai câu hỏi. Một là, quan niệm hiện đại nghĩ như thế nào về đạo Phật? Hai là, những giá trị Phật học nào đã đóng góp cho văn hóa Việt có rất nhiều ý nghĩa cho thời hiện đại?

Câu hỏi trên đã được bà lý giải một cách rất sáng rõ qua nhận thức của A. Einstein, một nhân cách văn hóa, khoa học vĩ đại của nhân loại.

Bà viết: “Song điều đáng ghi nhận hơn, điều mà bản thân chúng tôi rất tâm đắc là cấp độ thứ ba của tôn giáo. A. Einstein gọi là Đạo Vũ trụ (tiếng Đức là kosmische Religiosität). Tôi chú ý những giải thích sau đây của A. Einstein: Những bậc thiên tài về tôn giáo của mọi thời đại đều được tôn vinh bằng Đạo Vũ trụ ấy – cái đạo không hề biết đến những giáo điều cũng như không biết đến một vị Thượng đế được suy tưởng theo hình ảnh con người.”

Ông nói thêm: Ai thấu hiểu tính qui luật nhân quả của tất cả hiện tượng thì đối với người ấy, ý niệm về một hình nhân (thượng đế) can thiệp vào diễn trình của thế giới là không thể chấp nhận được – với điều kiện là thật sự coi trọng giả thuyết về tính nhân quả. Người ta có thể nhận định A. Einstein đã rất đồng cảm với pháp môn thập nhị nhân duyên của đạo Phật. Và chắc chắn với nhiều luận thuyết khác của Phật học mà A. Einstein đã quả quyết rằng: Những yếu tố của Đạo Vũ trụ còn mạnh mẽ hơn nhiều trong Phật giáo.”

Như thế là tôi đã mượn A. Einstein để nói cảm nhận của tôi về tính hiện đại của tôn giáo cũng như vai trò của Phật giáo trong thế giới đang được coi là đã bước vào thời kỳ của xã hội hậu hiện đại này.”

Khi đề cập đến Phật giáo Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình viết: “Tiến trình văn hóa - lịch sử của Việt Nam khẳng định khi truyền vào và phát triển ở Việt Nam, Phật giáo đã tạo ra hai hệ quả. Mặt thứ nhất là Phật giáo lan tỏa, thấm sâu và trở nên một thành phần cơ bản và quan trọng của văn hóa Việt. Hệ quả thứ hai là Phật giáo cũng dần định hình bản sắc riêng mang dấu ấn bản địa làm nên một sắc thái riêng biệt của Phật học Việt Nam.”

Và câu hỏi mà bà đặt ra vẫn còn gợi lên nhiều suy nghĩ trước những bất ổn ẩn ngầm từ nhiều phía của xã hội hôm nay: “Nhưng ta phải hỏi tại sao thiền học đời Lý lại quan tâm đến vấn đề con người đến thế? Rõ ràng quốc gia Đại Việt lúc bấy giờ trong bản năng sinh tồn của mình phải tập trung giải quyết ba vấn đề lớn. Đó là vấn đề giữ gìn lãnh thổ trải rộng từ Hoan Ái lên tận biên giới Trung Hoa, vừa mới thống nhất lại chưa bao lâu. Đó là phải xây dựng một chính quyền có vua sáng, tôi hiền, tướng giỏi. Đó là phải nâng cấp và hoàn thiện văn minh Đại Việt.”

Nhà nước rõ ràng đang tìm cách hiểu đạo Phật từ trong bản chất chứ không phải qua một vài nhân vật Phật giáo (chống đối, ủng hộ) hay một vài danh xưng tổ chức (phe phái, chủ nghĩa), mặc dù ở địa phương này, địa phương kia, nhận thức về Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc của giới cầm quyền còn đôi phần bất cập. Nhưng người Phật tử Việt Nam vẫn hướng về ngày Đại lễ Phật đản với tất cả niềm tin, sự mong mỏi, và uyển chuyển tháo gỡ từng khó khăn. Sự bừng lên rực rỡ của Đại lễ Phật đản từ khắp các địa phương mà ai cũng thấy mới chính là thành công đáng kể, chứng tỏ sức mạnh tinh thần của Phật giáo trong dân gian, chứ không hoàn toàn ở sự hoành tráng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.

Cho nên nếu ai đó cho rằng Đại lễ Phật đản là “Vesak nhà nước” với một thái độ ganh tị và lấy những tin tức phiến diện nào đó để cố tình gây chia rẽ thì xin hãy đọc lại lịch sử Việt Nam, bởi Lễ Phật đản từng là quốc lễ của nhiều triều đại, được đích thân các vị vua Phật tử chủ trì. Nay nhà nước đứng ra tổ chức dù “chính trị” cỡ nào thì cũng là một thành công trong việc nâng cao vị thế của nhà nước và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Và trong Đại lễ này chỉ có “Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đủ tư cách và thẩm quyền để xác định mối liên hệ nhân quả, sự nhận thức và tương quan giữa phương tiện và mục đích của vấn đề, bởi trên thực tế cả về phía Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã tự trao cho mình một vị thế và trách nhiệm cao hơn” (Nguyễn Sơn Hà, Văn hóa Phật giáo). Nhưng có người đã phung phí sức lực và trí tưởng tượng lo sợ khi Phật giáo Việt Nam được khẳng định ở tầm quốc gia và quốc tế thì sẽ dần đi đến nắm quyền trị thế. Đó là người không hiểu biết gì về lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo Việt Nam. Bởi ngay cả khi Phật giáo làm quốc giáo, người xuất gia chiếm nửa phần dân cư cũng không xảy ra việc thống trị quyền hành và thống trị tâm linh. Lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo luôn thống nhất chỉ ra điều đó.

Nhiều vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam (PGVN) vì niềm vui chung mà không có bất kỳ định kiến nào về giáo hội nọ, giáo hội kia, nên thư mời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được chuyển đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (PGVNTN) với sự trân trọng. Còn việc tham gia hay không tùy thuộc ở nhận thức và định kiến của mỗi người, không ai ép buộc. Tuy nhiên, nhiều người Phật tử Việt Nam theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã từ hải ngoại trở về quê hương để chia sẻ niềm vui chung đó với Phật giáo Việt Nam. Đó là tinh thần của người Phật tử Việt Nam. Bởi người Phật tử nào không thể tùy hỷ được với điều đó, người Phật tử ấy đang nuôi dưỡng ba độc tham-sân-si. Và bởi Phật giáo Việt Nam là tinh hoa văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam. Phật giáo Việt Nam không phải là Giáo hội PGVN hay Giáo hội PGVNTN. Phật giáo Việt Nam càng không phải là Hoà thượng Thích Thanh Tứ, Hoà thượng Thích Từ Nhơn, Hoà thượng Thích Huyền Quang, hay Hoà thượng Thích Quảng Độ.

Đạo Phật không đề cao quyền lực mà chú trọng đến việc hóa giải trạng thái tham-sân-si nơi mỗi con người. Phật giáo cũng không đề cao tuyệt đối những con người “ưu tú”, “được chọn” vì bản chất Phật giáo quan niệm mọi người đều có Phật tính, người nào tinh tấn người đó sẽ tiến đến quả vị thánh, người nào không tinh tấn người ấy đi xuống trầm luân. Tất cả dựa trên một chu trình hành nghiệp và nhân quả đã gieo trồng trong cuộc sống. Từ quan niệm này mà cửa chùa luôn rộng mở cho bất cứ ai, không phân biệt giai cấp, thành phần.

Phật giáo không làm chính trị nên Phật giáo không phải khổ công đối phó với dụng ý của những người đến với đạo Phật bằng những mục đích khác nhau. Người Phật tử Việt Nam đủ tỉnh táo để biết đâu là ông sư cộng sản có quân hàm, đâu là ông sư “Phật tử” mà CIA, Vatican cài cắm, đâu là người đã từng phạm tội cướp của, đã từng sống trong thế giới xã hội đen... Nhưng sức cảm hóa của Phật giáo thể hiện ngay trong chính tinh thần và nếp sống Phật giáo, trong chính nhận thức “y pháp bất y nhân” (y vào giáo pháp không y vào con người) của người Phật tử. Cho nên dù ông sư đó có là ứng cử viên của giải Nobel, dù ông sư đó có học vị tiến sĩ... thì cũng sẽ chẳng có nghĩa gì nếu ông ta nuôi dưỡng tham-sân-si còn lớn hơn cả người bình thường. Chỉ có những ai mưu toan mới phải đề phòng và nghi kỵ lẫn nhau. Còn Phật giáo vẫn là Phật giáo, thuần thiện, không mưu toan quyền lực và bất hại.

Phật giáo lo cho đời sống tinh thần của số đông nên Phật giáo sống chan hòa với dân chúng, đặc biệt với những người cô thế, nghèo khổ, bệnh tật. Nhiều người chỉ nhìn đời bằng vẻ hào nhoáng, sang trọng bên ngoài khi thấy như vậy đã vội nói sao Phật giáo để cho bất cứ ai ra vào chùa cũng được. Nhưng đó chính là nét đặc thù của Phật giáo, bởi vì không kín cổng cao tường nên Phật giáo mới dễ dàng đi vào lòng người, mới không bị tổ chức hóa, mới không bị chính trị hóa. Cứ nhìn vào Văn phòng I (Chùa Quán Sứ, Hà Nội) và Văn phòng II (Thiền viện Quảng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) mà lâu nay mọi người gắn cho nó cái thuộc ngữ không mấy thiện cảm “quốc doanh” thì sẽ rõ. Người đến chùa không phải xuất trình giấy tờ, không phải đưa thẻ ra vào và không phải bị nhìn người với con mắt dò xét, lạ lẫm như một kẻ khác đạo. Chỉ nội điều đó thôi, đủ thấy Phật giáo không khuyến khích mưu toan chính trị quyền lực, không chạy theo hư danh phù ảo.

Người Phật tử Việt Nam luôn đề cao tinh thần yêu nước thương nòi vì họ hiểu đất nước này là một ngôi nhà chung, vì họ hiểu hạnh phúc hay khổ đau của mọi người là tương quan với nhau.

Mặc dù tính chất xã hội phổ biến của Phật giáo vẫn là luôn luôn đứng về phía niềm vui chung của con người, nên Phật giáo không chinh phục, thống trị hay đồng hóa con người bằng mọi cách, không vì miếng cơm, manh áo, tiền bạc mà giẫm đạp lên truyền thống, tín ngưỡng, phong tục của người khác. Nhưng cái lo trước mắt là nhiều chùa xây cất to mà tâm linh đạo hạnh người trụ trì tại đó chưa to tương xứng. Cái lo tiếp theo là cái lo mà một số chùa đang có dấu hiệu bước vào nơi sang trọng, quyền quý, thượng lưu. Cái lo căn bản là đời sống tu sĩ có nhiều dư dả, lên xe xuống ngựa. Nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ dần trở nên tách biệt và phản cảm với quần chúng nhân dân, xa lạ với người nghèo khổ, đánh mất sự dung dị vốn có của Phật giáo.

Có thể nói, kể từ khi Việt Nam độc lập và thống nhất đến nay, trải qua những thời khắc khắc nghiệt của những nhận thức sai lầm, khiếm khuyết về Phật giáo, chưa bao giờ những nhà lãnh đạo Việt Nam có nhiều sự tin tưởng, khẳng định tốt đẹp về Phật giáo Việt Nam đến vậy. Sự tin tưởng và khẳng định đó không phải là tiêu chí để Phật giáo mở rộng và nhân lên số lượng tín đồ, mà để những nhà lãnh đạo tâm huyết, những Phật tử và người dân Việt Nam tiếp tục ý thức và nhận thức về ba vấn đề lớn trong lịch sử mà bà Nguyễn Thị Bình đã nêu ra ở trên, để ứng dụng tất cả những tinh hoa tư tưởng khác nhau vào xây dựng xã hội hiện tại, một “Niết bàn trong thế giới hiện thực”.

© 2008 talawas



[1]Chữ in đậm do người viết nhấn mạnh.