Há»™i nghị toà n thể Trung Æ°Æ¡ng Äảng Cá»™ng sản Trung Quốc (từ 16 đến 19-9) lần 4 khóa 16 Ä‘ang táºp trung thảo luáºn vá» tăng cÆ°á»ng năng lá»±c chấp chÃnh của Äảng. Liệu Äảng cá»™ng sản Trung quốc có thể tá»± cải tạo, tá»± biến đổi, tá»± cải thiện thà nh má»™t tổ chức chấp chÃnh hữu hiệu được hay không? Xin giá»›i thiệu bà i viết của Nadegda Kuznetsova nhÆ° má»™t Ä‘iểm nhìn tham chiếu.- N.D.
Khái niệm chung về chế độ toàn trị
Chế độ toàn trị không ngừng thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu.
Đây là một trong những đối tượng nghiên cứu chủ yếu của khoa chính trị học hiện đại. Đối với nước ta thì vấn đề này không chỉ mang ý nghĩa hàn lâm.
Nghiên cứu chủ nghĩa toàn trị có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn chuyển tiếp của nước Nga từ chế độ toàn trị sang chế độ dân chủ.
Hệ thống chính trị được hiểu là toàn bộ các thể chế chính trị, các chủ thể quyền lực và quan hệ gữa các chủ thể đó, các quá trình diễn ra trong các chủ thể đó khi thực thi quyền lực. Tổ chức chính trị bao gồm tổ chức bộ máy quyền lực, quan hệ giữ nhà nước và xã hội.
Các thể chế và tổ chức chính trị (chính phủ, đảng phái…) là những thành phần của hệ thống chính trị.
Chính phủ, cơ quan thực thi quyền lực là thể chế quan trọng nhất, các thể chế khác phải quần tụ xung quanh nó.
Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu thì quan hệ chính trị, chế độ chính trị, tính chất chính thống của chính quyền và các hoạt động chính trị cũng phải được coi là thành phần của hệ thống chính trị.
Dưới đây hệ thống chính trị của chế độ toàn trị sẽ luôn luôn đặt trong tương quan với chế độ dân chủ-tự do, một đối cực của chủ nghĩa toàn trị. Theo Friedrich von Hayek thì "bất cứ cái gì ngược với chủ nghĩa tự do thì đều là toàn trị cả".
Phân tích so sánh hai hệ thống trái ngược nhau - toàn trị và dân chủ tự do (hay dân chủ lập hiến) - sẽ cho ta thấy rõ những đặc trưng cơ bản của chế độ toàn trị.
Các chế độ toàn trị được đem ra so sánh là nước Đức phát xít và Liên Xô.
Xin được nói thêm rằng Liên Xô dưới thời Stalin (1929-1953) gần với mô hình toàn trị "lí tưởng" hơn là giai đoạn trước và sau đó. Nền chuyên chính Bolsevich dưới thời Lenin và những năm ngay sau khi ông qua đời cũng như chế độ hậu Stalin không phải là chế độ toàn trị "lí tưởng" như dưới thời Stalin.
Trong trường hợp lí tưởng nhất chức năng của hệ thống chính trị trong các nước dân chủ là phát hiện ra các quyền lợi khác nhau của xã hội, tạo ra sự đồng thuận, "đưa về mẫu số chung", tìm cách giải quyết một cách dân chủ, một cách văn minh các mâu thuẫn xã hội.
Chỉ trong mối liên hệ với "môi trường bên ngoài", với các lĩnh vực hoạt động kinh tế, xã hội và tinh thần hệ thống chính trị mới có thể thực hiện được chức năng nêu trên.
Bản thân hệ thống chính trị trong các nước dân chủ chỉ là một phần (tiểu hệ thống) của cả hệ thống xã hội.
Nói chung toàn bộ xã hội có thể được coi là tập hợp của các hệ thống: kinh tế, xã hội, tinh thần và chính trị (các lĩnh vực xã hội và tinh thần đến lượt mình lại tạo thành hệ thống xã hội dân sự).
Trong đó hệ thống chính trị liên hệ với các hệ thống khác nhưng không được đàn áp chúng để không dẫn tới sự thoái hoá toàn bộ xã hội cũng như thoái hoá chính hệ thống chính trị.
Chúng ta phải ghi nhận ngay rằng trong chế độ toàn trị chỉ tồn tại có một hệ thống, đấy là chính trị, ngoài ra không còn một tiểu hệ thống nào khác.
Hệ thống chính trị đã nuốt chửng hệ thống xã hội, tinh thần và cả kinh tế. Trong chế độ toàn trị không có xã hội dân sự, toàn bộ xã hội đã bị khuất phục và hoàn toàn tuân phục nhà nước toàn trị (Đúng hơn phải nói rằng toàn bộ xã hội và nhà nước đã bị độc đảng cầm quyền nuốt chửng).
Tất cả các mặt của đời sống xã hội bị trộn lộn làm một. Đặc điểm quan trọng nhất của chế độ toàn trị là sự hợp nhất một cách tuyệt đối tất cả các lĩnh vực của đời sống. Chế độ toàn trị cố gắng xoá nhoà gianh giới giữa cá nhân, gia đình, xã hội, nhà nước, lãnh tụ, đảng, quần chúng.
Cả nhà nước và xã hội đều bị đảng cầm quyền nuốt chửng, còn văn hoá tinh thần, bao gồm văn học nghệ thuật, triết học, đạo đức thậm chí cả khoa học đều bị hệ tư tưởng toàn trị nuốt chửng.
Công cụ quan trọng nhất để biến xã hội thành đám đông vô tổ chức, thành các cá nhân "hạt nhân" chính là khủng bố.
Sau khi mất hết các mối liên hệ theo chiều ngang giữa người với người, các cá nhân trở thành đơn độc, trở thành một mình đối diện với đảng-nhà nước.
Tất cả tổ chức đều phải bị giải tán bởi vì chúng có thể cản trở sự thống trị của đảng cầm quyền, ngăn chặn quyền lực của nó đối với xã hội. "Chế độ toàn trị luôn luôn biến các giai cấp thành đám đông", Hannah Arendt đã viết như thế.
Không gian chính trị (lĩnh vực hoạt động của chính trị, chính quyền và tư tưởng) đã bao trùm lên toàn bộ xã hội, mọi biểu hiện của đời sống con người đều bị đặt dưới sự giám sát của chính trị.
Trong chế độ toàn trị hoạt động chính trị là vô giới hạn cho nên không gian chính trị cũng là vô cùng tận, không có biên giới.
Như vậy nghĩa là trong chế độ toàn trị khái niệm "phi chính trị" là không tồn tại. Chỉ thị của chính quyền và tư tưởng của đảng cầm quyền ngấm vào tất cả các tế bào của cơ thể xã hội, ngấm vào kinh tế, văn hoá, và đời sống, kể cả riêng tư cũng như đời sống xã hội của cá nhân. Ngay các giá trị đạo đức cũng được nhà nước toàn trị ấn định.
Tất cả các quyết định của chính quyền đều mang tính chất chính trị và đều được biện giải về mặt tư tưởng (nhưng thực ra sự biện giải chỉ là để che đậy lí do thực sự của những quyết định đó). Ngay Lenin, người tạo lập cơ sở của nhà nước toàn trị đầu tiên trong lịch sử loài người đã đòi hỏi sự kiểm soát toàn diện của đảng đối với đời sống xã hội:
"Hiến pháp Liên Xô cả về mặt luật pháp lẫn thực tiễn được xây dựng trên cơ sở là đảng uốn nắn, ấn định và xây dựng theo một nguyên tắc duy nhất", ông đã tuyên bố như vậy vào năm 1920.
Cũng trong năm đó ông còn viết: "Không một vần đề chính trị hay tổ chức nào do bất kì cấp chính quyền nào giải quyết mà không có chỉ đạo của Ban chấp hành trung ương".
Nhưng Lenin đã không đưa được sự kiểm soát toàn diện của đảng đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội tới thắng lợi cuối cùng.
Từ đặc điểm của chế độ toàn trị là ngoài hệ thống chính trị ra, tất cả các hệ thống khác của đời sống xã hội đều không tồn tại, chúng đã bị trộn lộn vào làm một, được một hệ tư tưởng duy nhất thấm đẫm và cố kết, tất cả đều được chỉ huy và kiểm soát từ một trung tâm, có thể rút ra đặc điểm thứ hai của chế độ toàn trị: đấy là về nguyên tắc, chế độ này không thể "học hỏi" được vì nó không có mối liên hệ ngược giữa quyết định của chính quyền và phản ứng của xã hội.
Chính quyền chỉ tác động lên xã hội khi đưa ra một quyết định hay thực hiện một bước đi nào đó; không có một tín hiệu nào theo hướng ngược lại, những người ra quyết định không hề biết hay không cần biết phản ứng của xã hội đối với quyết định của mình.
Một đặc điểm nữa của chế độ toàn trị là mặc dù xã hội bị chính trị hoá từ trên xuống dưới, hoạt động chính trị thực sự chỉ xảy ra trên đỉnh cao nhất của kim tự tháp quyền lực.
I. Cơ cấu và nguyên tắc hoạt động của chế độ toàn trị
Sau khi đã xem xét các đặc trưng cơ bản của chế độ toàn trị chúng ta sẽ tiến hành khảo sát cơ cấu và các nguyên lí hoạt động chủ yếu của nó.
Trước hết ta xét nhiệm vụ chủ yếu của hệ thống chính trị trong chế độ toàn trị. Nếu trong chế độ dân chủ lập hiến nhiệm vụ của hệ thống chính trị là điều hoà và kết hợp các quyền lợi của các nhóm xã hội khác nhau, là giải quyết các xung đột quyền lợi của các nhóm đó bằng con đường dân chủ và văn minh thì trong chế độ toàn trị hệ thống chính trị có nhiệm vụ tái tạo, củng cố và mở rộng quyền lực của nhóm quan liêu đương quyền. Nếu trong chế độ dân chủ tự do, hệ thống chính trị phục vụ xã hội thì trong chế độ toàn trị toàn bộ xã hội phải phục vụ hệ thống chính trị.
Hệ thống chính trị của chế độ toàn trị bao gồm bộ máy chính trị quan liêu và một loạt phương tiện (bộ máy tuyên truyền, cảnh sát mật, v.v.) để đảm bảo cho nó tiếp tục nắm giữ quyền lực.
Phương tiện quan trọng nhất là đảng toàn trị, còn đặc điểm nổi bật nhất của hệ thống chính trị toàn trị là độc đảng và phù hợp với nó là tư tưởng nhất nguyên.
Sau khi đã tiêu diệt các đảng phái khác, sau khi đã hợp nhất bộ máy đảng với bộ máy nhà nước và đàn áp sinh hoạt có tính chất tự trị trong nội bộ đảng, chính đảng toàn trị này trở thành trụ cột của bộ máy nhà nước và bộ máy quản lí nằm trong tay những nhân vật chóp bu của đảng.
Trong hệ thống toàn trị, đảng chính là kênh cho người ta thăng tiến vì nó nắm toàn quyền trong việc chỉ định các chức vụ từ lớn đến bé. Chỉ có đảng viên mới được giữ các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, trong các đơn vị sản xuất, trong quân đội, trong lĩnh vực ngoại giao và tất cả các lĩnh vực khác.
Vì vậy vào đảng là con đường duy nhất để có thể leo lên.
Như vậy đảng toàn trị ("Đảng ngoại vi", theo cách gọi của George Orwell) là đội hậu bị cho bộ máy đảng trị thành lập ra những bộ máy quan liêu dưới quyền khác như hành chính, kinh tế, công đoàn, tư tưởng-văn hoá, quân sự, v.v.
Ngoài ra "Đảng ngoại vi" còn là chỗ để lôi kéo những thành phần tích cực, có chí tiến thủ của xã hội; nếu đảng không kết nạp họ thì những cá nhân tích cực này sẽ là mối đe doạ tiềm ẩn đối với chế độ toàn trị.
"Không thể quản lí được khối quần chúng đã biến thành một lũ tiểu nhân… nếu không phân tách chúng thành giai cấp. Chế độ đảm bảo cho mình một cơ sở tự nguyện vững chắc bằng cách liên tục lôi kéo những thành phần tích cực và tài năng từ nhân dân để lập nên tầng lớp thượng lưu mới."
Một điểm quan trọng cần phải nhấn mạnh là sau khi thiết lập được nền chuyên chế độc đảng thì chính đảng lại phân thành "đảng nội bộ" (bộ máy có đặc quyền đặc lợi) và "Đảng ngoại vi" (các đảng viên thường) theo thuật ngữ của G. Orwell.
Như vậy nghĩa là nhóm cầm quyền đầu sỏ của đảng phát triển ngay từ trong nội bộ đảng mà cơ sở của nó, đối với đảng Bolsevich thì là "những người cách mạng chuyên nghiệp" của Lenin; còn đối với đảng phát xít thì là bộ máy của Đảng Quốc Xã. Đặc quyền đặc lợi của những người cầm quyền phụ thuộc trực tiếp vào vị trí của họ trên nấc thang quyền lực của bộ máy.
Giai cấp cầm quyền đảng trị này (ở nước Đức phát xít họ được gọi là "tập đoàn các nhà lãnh đạo chính trị", còn ở Liên Xô thì gọi là "nomenklatura") tồn tại không phải trên cơ sở sở hữu tài sản mà là trên cơ sở nắm giữ quyền lực.
Nếu trong các xã hội có giai cấp, được Karl Marx phân tích, thu nhập của một người trong giai cấp bóc lột phụ thuộc trực tiếp vào số tài sản mà hắn sở hữu thì trong chế độ toàn trị thu nhập phụ thuộc vào mức độ tham gia của hắn vào bộ máy quyền lực, vào quyền lực mà hắn nắm giữ.
Chính sự tồn tại của giai cấp quan liêu nắm quyền lực chính trị này là nguyên nhân sinh ra hiện tượng sùng bái lãnh tụ.
Lãnh tụ toàn trị được gán cho những tính chất siêu phàm: không bao giờ sai, biết tuốt, sức mạnh vô địch, có thể suy nghĩ cho tất cả mọi người…
Nguyên nhân chính của hiện tượng này là bộ máy quan liêu đảng trị cần có ở trên đầu mình một siêu trọng tài, bất khả xâm phạm, một người có thể giải quyết mọi mâu thuẫn trong nội bộ nhóm chóp bu đương quyền và đảm bảo cho nó quyền lực và đặc quyền đặc lợi.
"Thần thánh hoá Stalin là một thành tố tất yếu của chế độ", Lev Trotski đã viết như thế năm 1936. "Bộ máy quan liêu cần một trọng tài bất khả xâm phạm, một cố vấn tối cao, nếu ta không muốn gọi đấy là một vị hoàng đế, nó sẽ đặt ngay lên vai mình kẻ đáp ứng được tham vọng bá chủ của nó".
Milovan Djilas cũng có quan điểm tương tự: "Hôm nay tôi có thể nói rằng việc thần thánh hoá Stalin, hay như người ta nói "tệ sùng bái cá nhân" Stalin không phải chỉ do ông ta tạo ra mà chủ yếu là do những người xung quanh ông ta, do bộ máy quan liêu cố tình tạo ra, bộ máy này cần một lãnh tụ như vậy".
Hitler đã nói thẳng như vậy với những đồng đảng của mình: "Tất cả những gì các anh đạt được là nhờ có tôi. Tất cả những gì tôi đạt được là nhờ có các anh".
II. Lãnh tụ toàn trị - điều kiện cần của hệ thống toàn trị
Lãnh tụ toàn trị là trung tâm châu tuần những mục đích ích kỉ của những người cầm quyền quan liêu và chính những người này tạo ra tệ sùng bái lãnh tụ đối với cá nhân ông ta.
Max Weber là người đã nghiên cứu một cách kĩ lưỡng vấn đề lãnh tụ siêu nhân và chỉ rõ rằng nếu lãnh tụ không còn đảm bảo quyền lợi cho các đệ tử thì tiền đề cho việc mất uy tín đã hiện hữu.
Lí do thứ hai là đảng toàn trị có tham vọng trở thành người nắm được chân lí tuyệt đối, không bao giờ sai.
Sự tự thần thánh hoá này của đảng được thể hiện trong sự sùng bái lãnh tụ và gán những tham vọng nói trên của đảng cho lãnh tụ của mình.
Lí do thứ ba của việc thần thánh hoá lãnh tụ là ước muốn thần phục chúa tể của đám đông hạt nhân hoá, đám đông muốn khuất phục ngay một người có uy tín và nó lập tức biến người này thành một vị thánh sống (Cơ chế tâm lí của hiện tượng này đã đuợc S. Freud phân tích trong tác phẩm: “Tâm lí đám đông và phân tích cái Tôi” (“Massenpsychologie und Ich-Analyse”)
Cần phải nhấn mạnh rằng sau khi lãnh tụ siêu nhân chết thì việc sùng bái lập tức chuyển ngay sang người kế vị dù đấy chỉ là một kẻ rất tầm thường.
Ở đây xảy ra hiện tượng mà M. Weber gọi là "chính thức hoá và phi cá nhân hoá" tính chất thần thánh của lãnh tụ, nghĩa là tự động chuyển những tính chất siêu phàm và uy tín đặc biệt của lãnh tụ sang cho người kế nhiệm. Theo Weber tính chất thần thánh của lãnh tụ đã được "chính thức hoá", nghĩa là gắn kết với một chức vụ nhất định và lập tức chuyển sang cho người nắm vị trí đó không phụ thuộc vào phẩm chất cá nhân của hắn.
Hiện tượng này chỉ có thể quan sát được trong các chế độ cộng sản vì chúng tồn tại trong một thời gian dài (so với chế độ phát xít).
Việc sùng bái người lãnh đạo mới của đảng xảy ra là vì sau khi lãnh tụ thần thánh chết thì những nhân tố tạo nên việc thần thánh hoá đó lại tự động được kích hoạt. Vì vậy đúng ra không nên nói đến tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ toàn trị vì cá nhân không có vai trò quan trọng mà phải nói đấy là tệ sùng bái cái ghế, nghĩa là sùng bái chức vụ, sùng bái địa vị của người lãnh đạo đảng.
"Tại sao lại gọi việc thần thánh hoá đó bằng một từ rất tù mù là sùng bái cá nhân?", V.A. Antonov-Ovseenko viết. "Sùng bái quyền lực, sùng bái cái ghế của bí thư thứ nhất - gần với sự thật hơn".
III. Cơ cấu của đảng toàn trị – cơ cấu của nhà nước toàn trị
Các nguyên tắc lãnh đạo đảng được Lenin chuyển thành nguyên tắc quản lí nhà nước. "Mục đích được Lenin theo đuổi một cách nhất quán", N. A. Berdiaev đã viết, "là tạo ra một đảng mạnh, một thiểu số có tổ chức và kỉ luật sắt, dựa trên thế giới quan mác-xít cách mạng hoàn chỉnh. Đảng phải có một chủ thuyết trong đó mọi điều đều đã hoàn thiện và đảng phải chuẩn bị để quản lí toàn diện xã hội. Bản thân đảng là một tổ chức cực kì tập trung nghĩa là một nền chuyên chế trong một không gian hẹp. Mỗi đảng viên phải khuất phục chế độ chuyên chế của trung ương. Đảng Bolsevich do Lenin thành lập trong nhiều năm trời phải đóng vai trò mô hình tổ chức cho cả nước Nga trong tương lai. Nước Nga quả thật đã được tổ chức theo mô hình tổ chức của đảng Bolsevich. Tất cả nước Nga, toàn thể dân tộc Nga phải chịu khuất phục không chỉ chế độ chuyên chế của đảng cộng sản, ban chấp hành trung ương của nó mà còn phải khuất phục, cả trong tư tưởng, cả trong tâm hồn, học thuyết của nền độc tài cộng sản. Lenin phủ nhận tự do trong nội bộ đảng và sự phủ nhận này được chuyển sang cho toàn thể nước Nga".
Đấy chính là nền chuyên chế của một thế giới quan mà Lenin đã chuẩn bị.
Như vậy nghĩa là đảng toàn trị ngay từ trước khi chiếm được chính quyền đã thai nghén trong lòng nó hệ thống chính trị của chế độ toàn trị, chế độ sinh hoạt đảng báo trước chế độ chính trị mà nó thiết lập, đảng toàn trị là phôi thai, là "hạt mầm" nảy nở ra nhà nước toàn trị.
Tất cả các tổ chức còn lại trong chế độ toàn trị (thanh niên, công đoàn, thể thao…) trên thực tế chỉ còn là những chi nhánh của đảng độc quyền, đảng dùng những tổ chức này để kiểm soát tư tưởng và hành vi của những người không phải là đảng viên.
Xã hội toàn trị được T. Riga gọi một cách chính xác là xã hội của chỉ một tổ chức. Đó là một xã hội không có những tổ chức tồn tại một cách độc lập.
Những tổ chức tồn tại trong xã hội chỉ là các công cụ của bộ máy quan liêu của đảng, là những mắt xích trung gian giữa đảng và quần chúng.
Tất cả các tổ chức đó (trong chế độ toàn trị "toàn hảo" mọi người dân đều phải tham gia vào một hoặc nhiều tổ chức nào đó) thực ra chỉ là những bộ phận của một tổ chức to lớn duy nhất do bộ máy của đảng quản lí.
Như vậy nghĩa là trong xã hội toàn trị, một mặt là một đám đông vô tổ chức vì mọi liên kết theo chiều ngang giữa các cá nhân bị phá vỡ, nhân dân bị biến thành đám đông ô hợp của những cá nhân hạt nhân hoá; mặt khác lại được tổ chức theo chiều dọc vì tất cả mọi cá nhân đều phải tham gia vào một tổ chức xã hội có tính chính thức nào đó. Xuất hiện một tổ chức kết cấu vững chắc theo chiều dọc, nhưng các thành phần cấu tạo nên tổ chức đó chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát dân chúng chứ không thể hiện quyền lợi và cũng không bảo vệ các thành viên của mình.
Độc đảng (chuyên chính của một đảng) nhất định sẽ dẫn tới độc quyền tư tưởng (một hệ tưởng chính thức buộc mọi người phải công nhận và xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống con người). Hệ tư tưởng toàn trị trước hết là phương tiện loè bịp quần chúng và củng cố quyền lực của bộ máy đảng. Hệ tư tưởng toàn trị có thể được định nghĩa như là "nhận thức sai lạc", phản ánh chủ yếu quyền lợi vật chất của tầng lớp nắm quyền lực chính trị và xuyên tạc các mối quan hệ xã hội, che dấu bản chất thật sự của chính xã hội đó.
Chính tầng lớp chóp bu nắm quyền đứng trên học thuyết của mình và chẳng có mối quan hệ gì với nó cả. Như H. Rauschning, một chiến hữu của Hitler, sau này chạy sang Mĩ vì thất vọng với chủ nghĩa phát xít đã nói: "Học thuyết là để dành cho quần chúng… Nó là phương tiện nô dịch quần chúng. Giới tinh hoa đứng trên học thuyết. Giới tinh hoa sử dụng nó để thực hiện tham vọng của mình". Tất cả các lãnh tụ toàn trị đều biết (hay chí ít cũng đoán được) rằng tất cả các phong trào quần chúng đều cần huyền thoại, huyền thoại là để nô dịch quần chúng. Trong một bài nói chuyện, Mussolini đã phát biểu về quan hệ của lãnh tụ toàn trị và tầng lớp ưu tú đối với hệ tư tưởng (huyền thoại) mà nó tuyên truyền như sau: "Chúng tôi tạo ra huyền thoại; huyền thoại là niềm tin, là lòng nhiệt tình; nó không phải là hiện thực, nó là động lực và hi vọng, là niềm tin và lòng dũng cảm".
“Lãnh tụ đứng đầu phong trào biết rõ”, Karl Mannheim đã viết, “rằng tất cả các tư tưởng chính trị và lịch sử chỉ là huyền thoại. Ông ta tránh được tác động của những tư tưởng đó, nhưng ông ta đánh giá cao chúng... vì chúng... kích động lòng nhiệt tình, khởi động những tình cảm... những tầng tâm thức phi lí trong con người và chính những tầng này đưa người ta đến những hành động chính trị”.
Hành động của các viên chức quan liêu của đảng thường thường không được quyết định bởi hệ tư tưởng chính thức mà được quyết định bởi ước muốn củng cố và mở rộng quyền hành của mình.
Như vậy nghĩa là trong chế độ toàn trị dường như cùng một lúc tồn tại hai hệ tư tưởng. Một là hệ thống giá trị dành cho bộ máy lãnh đạo chính trị và thứ hai là để dành cho toàn bộ quần chúng còn lại.
IV. Công tác tư tưởng trong nhà nước toàn trị
Trong chế độ toàn trị công tác tư tưởng thực hiện một số chức năng sau:
- Chức năng chính, chức năng chủ yếu là hợp thức hoá chế độ hiện thời. Công tác tư tưởng phải thường xuyên biện giải cho việc nắm quyền của đảng và lãnh tụ. Tán dương quá khứ, vẽ ra tương lai tươi sáng mà đảng và lãnh tụ đang toàn tâm toàn ý xây dựng.
Tuyên truyền cả những qui luật (lịch sử và sinh học) nhờ đó mà dường như chế độ hiện hành nhất định sẽ chiến thắng.
Hòn đá tảng trong hệ tư tưởng toàn trị là lời khẳng định rằng chế độ xã hội hiện thời được thiết lập là do nhu cầu tất yếu của lịch sử và tự nhiên. Trong trường hợp chủ nghĩa cộng sản thì đấy là chiến thắng tất yếu của giai cấp vô sản đối với giai cấp tư sản và chế độ xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ thành công.
Trong trường hợp chủ nghĩa phát xít thì đấy là khẳng định rằng động lực của lịch sử là cuộc đấu tranh giữa các dân tộc và các giống người, trong cuộc đấu tranh đó sẽ diễn ra quá trình chọn lọc tự nhiên, mạnh được yếu thua.
Theo đó chủ nghĩa toàn trị xuất hiện là do nhu cầu của lịch sử (chủ nghĩa cộng sản) hay nhu cầu sinh học (chủ nghĩa phát xít). Nó chỉ thực hiện ý chí của lịch sử hay tự nhiên khi tiến hành tiêu diệt "các giai cấp bóc lột" hay các "chủng tộc hạ đẳng" vì một chế độ hoàn thiện hơn mà thôi.
- Chức năng thứ hai là động viên quần chúng thực hiện các nhiệm cụ do chế độ đặt ra. Chế độ toàn trị cố gắng giữ cho quần chúng luôn ở trong tình trạng khích động vì khi tình trạng căng thẳng xã hội giảm thì sẽ xuất hiện vấn đề tự do chính trị. Vì vậy chế độ toàn trị luôn luôn giữ vững và hướng dẫn tính tích cực của quần chúng, bằng cách tìm ra những kẻ thù mới, chuẩn bị chiến tranh hay các phong trào, có khi là phong trào thực hiện những kế hoạch kinh tế vĩ đại. Việc động viên quần chúng dĩ nhiên là được thực hiện từ trên xuống bằng biện pháp cưỡng ép hoặc lừa mị về tư tưởng.
- Chức năng thứ ba, có thể gọi theo Aleksandr L’vovich Shapiro, là "làm tê liệt về đạo đức". Để có thể biến một người được giáo dục theo tinh thần Cơ đốc giáo thành công cụ trong tay chế độ toàn trị nhằm buộc anh ta thực hiện các kế hoạch tội lỗi của chế độ thì cần phải cung cấp cho anh ta một tập hợp các tiêu chuẩn đạo đức, hay các điều răn mới (theo Hannah Arendt thì điều răn đầu tiên là: "Ngươi phải giết").
Hệ tư tưởng toàn trị gần giống với tôn giáo, nó có xu hướng không chỉ cải biến hiện thực khách quan mà cải biến cả bản chất con người, nó cung cấp cho người ta những nguyên tắc đạo đức và giá trị mới, sau khi đã tiếp thu những giá trị này thì công dân của nhà nước toàn trị không hề cảm thấy lương tâm dằn vặt khi thực hiện những tội ác mà nhà nước toàn trị giao cho nữa.
Từ đó có thể thấy rằng hệ tư tưởng toàn trị làm cho người ta không còn cảm thấy kinh tởm những hành động tội ác của chính quyền hay của chính mình thực hiện nữa. Tư tưởng này biện hộ cho mọi hành động dã man được thi hành nhằm chống lại kẻ thù.
Như vậy nghĩa là việc tách nhà thờ khỏi nhà nước chỉ để che đậy việc hợp nhất nhà nước với nhà thờ kiểu khác, đấy chính là đảng toàn trị giả tôn giáo. Đảng này trang bị cho mình hệ tư tưởng, giống như một giáo lí trên cơ sở những quan niệm về trạng thái toàn thiện toàn mĩ cuối cùng của xã hội mà loài người sẽ đạt đến bằng cách cải tạo triệt để xã hội hiện tại.
Stalin từng tuyên bố: "Chủ nghĩa Marx là tôn giáo của giai cấp, là biểu tượng của đức tin". Hitler cũng cho rằng "giáo lí của nhà thờ đóng vai trò thế nào đối với đức tin thì nguyên tắc đảng cũng có vai trò như thế đối với một đảng chính trị kiểu mới". Còn cương lĩnh của đảng là: "biểu tượng chính trị của niềm tin". Hệ tư tưởng toàn trị đã "trở thành một cái gì đó giống như tôn giáo của nhà nước với những giáo lí đặc biệt, những cuốn kinh, những vị thánh, những tông đồ, những vị thánh sống (lãnh tụ, Führer, v.v.) và các buổi lễ trọng…"
Hệ tư tưởng toàn trị biện hộ cho tham vọng giải quyết được mọi vấn đề vì nó chính là chân lí cuối cùng. Nhưng rõ ràng rằng khi tuyên bố là chân lí tuyệt đối trong chính trị, nó đã tiêu diệt tính đa nguyên của các quan điểm, tiêu diệt tự do lựa chọn. Tuyên bố chân lí tuyệt đối trong chính trị nhất định sẽ dẫn đến phủ nhận tự do, phủ nhận dân chủ. Louis de Saint-Just, một lãnh tụ phái tiền-toàn trị Jacobin, từng tuyên bố rằng: "Dưới chế độ… dựa trên chân lí tuyệt đối… mọi đảng phái và mọi phe phái đều là những hiện tượng lỗi thời đáng chê trách". Chính vì vậy mà hệ tư tưởng toàn trị có thái độ hoàn toàn bất dung đối với mọi trào lưu tư tưởng, mọi quan điểm khác với nó và thái độ bất dung này ngấm vào toàn bộ hệ thống chính trị. "Thế giới quan chân chính", Hitler viết trong cuốn
Cuộc đấu tranh của tôi (
Mein Kampf), "bất dung và không chấp nhận vai trò "đảng giữa các đảng"; nó đòi một sự sự công nhận vô điều kiện và tuyệt đối và đòi hỏi rằng toàn bộ đời sống xã hội phải được xây dựng trên cơ sở những chỉ dẫn của nó. Một thế giới quan nhất quán vì vậy không thể dung hoà với những người tiếp tục bảo vệ trật tự cũ".
Mọi phương tiện thông tin: báo chí, đài phát thanh, phim ảnh đều được sử dụng cho mục đích tuyên truyền; văn học nghệ thuật cũng không thoát. Viêc nhồi sọ được thực hiện trong hệ thống giáo dục (có thể nói rằng chế độ toàn trị xoá dần ranh giới giữa giáo dục và tuyên truyền), trong các tổ chức chính thức mà trước hết là tổ chức của thanh thiếu niên. Vì bộ máy đảng-nhà nước kiểm soát toàn bộ các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức xã hội và hệ thống giáo dục nên có thể nói hoạt động tuyên truyền thấm sâu và bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoạt động tuyên truyền được lãnh đạo và phối hợp từ một trung tâm duy nhất, ở Liên Xô thì đấy là một Ban trực thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô, ở Đức thì đấy là Bộ giáo dục và tuyên truyền.
V. Đàn áp – một công cụ của chế độ toàn trị
Chế độ dựa trên sự độc quyền, độc đảng, độc tôn tư tưởng còn cần cả hệ thống đàn áp để loại bỏ các đối thủ chính trị.
Cảnh sát mật do đảng thành lập có thể tiến hành thủ tiêu từng đối thủ riêng lẻ cũng như từng nhóm xã hội, thậm chí cả các dân tộc mà chế độ toàn trị muốn thủ tiêu.
Sau đó, như chủ nghĩa Stalin đã cho thấy, cảnh sát mật có thể được lãnh tụ đảng sử dụng để tiêu diệt tận gốc các nhóm đối lập trong nội bộ đảng cũng mọi đối thủ của đảng cầm quyền. Việc đàn áp kẻ thù của chế độ có thể được thực hiện bên ngoài cũng như bên trong các cơ quan tư pháp, mà chính các cơ quan này lại nằm dưới quyền kiểm soát toàn diện của đảng và cảnh sát mật. Người ta đã lập ra cả một hệ thống các trại tập trung để cách li các đối thủ chính trị. Việc đàn áp về mặt thể xác là đặc trưng của thời kì đầu của các chế độ toàn trị. Khi các nhóm đối lập trong xã hội cũng như trong đảng đã bị dẹp tan thì việc đàn áp dã man về thể xác, như trong trường hợp Liên Xô đã cho thấy, có thể giảm đi và lùi lại phía sau, nhường chỗ cho đàn áp về mặt tinh thần.
Đặc điểm của chế độ toàn trị cũng như việc đàn áp của nó là trong chế độ toàn trị đàn áp về thể xác và tinh thần trở thành công cụ quản lí cũng như các công cụ quản lí khác đều nằm trong tay bộ máy quan liêu của đảng.
VI. Bầu cử trong chế độ toàn trị
Hệ thống chính trị của chế độ toàn trị còn có một số đặc trưng nữa. Trước hết đấy là việc hợp thức hoá chế độ.
Chế độ toàn trị luôn luôn dựa vào sự công nhận của quần chúng đối với tính chất hợp pháp của mình (bầu cử toàn dân). Về mặt hình thức, trong chế độ toàn trị vẫn có quốc hội và các cuộc bầu cử, nhưng các cuộc "bầu bán" này đã được ấn định sẵn, chỉ là một trò hề không hơn không kém.
Các ứng viên đã được bộ máy của đảng toàn trị cầm quyền chọn sẵn và chỉ những người được bộ máy ấy thông qua mới được đưa vào danh sách. Kết quả các cuộc "bầu bán" ấy đã được định đoạt từ trước và không thể có tí bất ngờ nào. Luôn luôn có 99% cử tri tham gia và đảng cầm quyền bao giờ cũng thu được trên 99% số phiếu bầu.
Kết quả các cuộc bầu cử phải luôn luôn chứng tỏ "sự thống nhất không gì lay chuyển nổi" giữa đảng và nhân dân. Việc không tham gia bầu cử có thể bị coi là hành động chống đối chế độ.
Nhà cầm quyền cần những cuộc bầu cử chỉ mang tính hình thức này là để chứng tỏ rằng trong chế độ toàn trị, cũng như trong các chế độ dân chủ thực sự, chính quyền là do dân, quần chúng ủng hộ đảng đương quyền, không có đối lập chính trị, nghĩa là không có nhu cầu phải có đảng đối lập. Điều này không chỉ để tác động đến dư luận xã hội trong các nước dân chủ mà còn có tác dụng tuyên truyền trong nước nữa.
Ngoài ra, việc quần chúng tham gia vào các cuộc bầu cử, việc ủng hộ chế độ và các tội ác do nó tiến hành ở một khía cạnh nào đó đã biến tất cả mọi người đều là đồng phạm của các tội ác do chế độ thực hiện, tội lỗi được chia đều cho tất cả mọi người.
Chế độ toàn trị dĩ nhiên rất quan tâm đến việc trút trách nhiệm về đường lối chính trị mà nhóm chóp bu của đảng thực hiện sang cho tất cả các công dân, việc gán ghép tội lỗi cho tất cả mọi người, làm cho mọi người đều là đồng phạm chính là cơ sở tâm lí của lòng trung thành đối với chế độ toàn trị.
Ngoài việc tham gia "bầu cử" việc hợp thức hoá còn được thực hiện dưới những hình thức khác như: tham gia vào các cuộc mít tinh, biểu tình, các cuộc "thảo luận toàn dân" (dưới sự kiểm soát của đảng) các tài liệu từ bên trên đưa xuống, v.v.
VII. Nhóm đầu sỏ trong đảng
Một đặc điểm nữa của hệ thống chính trị trong chế độ toàn trị là việc hợp nhất cả ba nhánh chính quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp vào tay nhà độc tài và nhóm ưu tú của đảng.
Nhóm đầu sỏ đương quyền của đảng tự chọn ra thành phần của quốc hội giả hiệu (lập pháp) ủng hộ mọi việc làm và thông qua mọi điều luật mà bộ máy quan liêu của đảng cần.
Bộ máy lãnh đạo chính trị quan liêu của đảng chuyển các ý nguyện của mình thành các nghị quyết, nghị định của chính phủ, một chính phủ cũng gồm toàn các quan chức ao cấp của đảng. Đảng cũng kiểm soát công tác của toà án, nhiều khi đảng viết sẵn cho các quan toà các bản án, đấy là nói khi đảng cảm thấy cần có toà án.
"Như vậy nghĩa là ba nhánh quyền lực chỉ là những mắt xích… của đảng, giống như các tổ chức của đảng."
Một đặc điểm nữa của chế độ toàn trị là việc bất bình đẳng giữa các công dân trước pháp luật và toà án, các công dân bị kì thị vì quan điểm chính trị, vì thành phần và dân tộc xuất thân của người đó nữa.
Việc kì thị trong chế độ toàn trị - theo cách nói rất chính xác của ông S. Milhaun-Delsol, một nhà nghiên cứu chính trị học người Pháp - là do người ta "viện cớ rằng một số người xứng đáng với giống người hơn là một số khác". Nếu các cuộc cách mạng giải phóng (cách mạng của các xã hội dân sự) tuyên cáo quyền bình đẳng giữa các công dân trước pháp luật thì cách mạng Bolsevich tuyên cáo sự bất bình đẳng và tước quyền công dân của "những kẻ bóc lột". Ngay trong Hiến pháp đầu tiên được ban bố năm 1918 đã nói rằng những người sống "không phải bằng lao động", những người buôn bán, các doanh nhân, giới tăng lữ bị tước tất cả các quyền công dân.
Không chỉ người chủ mà tất cả các thành của gia đình tước hết quyền y như thế. Cho đến giữa những năm 30 của thế kỉ trước những người có nguồn gốc "tư sản" vẫn không được vào đại học, không được tham gia công đoàn, "gốc gác tư sản" còn bị hạn chế trong việc lựa chọn nghề nghiệp nữa.
Tương tự như vậy, luật pháp của nước Đức phát xít được thông qua ở Nürnberg năm 1935 cũng tước quyền công dân của người Do Thái. Trong những năm sau đó nhà nước Đức đã thông qua 13 nghị định, thực chất là đặt người Do Thái ra ngoài vòng pháp luật. Người Do Thái bị cấm làm nhiều nghề, cấm kết hôn người Đức, v.v.
Như vậy là chế độ toàn trị giết chết sự năng động của những người có nguồn gốc giai cấp (chế độ cộng sản) hay chủng tộc (chế độ phát xít) "không thích hợp".
Trong các chế độ có ý định tiêu diệt "những giai cấp phản động" hay "các chủng tộc" hạ đẳng thì nói đến vấn đề bình đẳng trước pháp luật là thừa. Toà án bị bộ máy đảng và bộ máy đàn áp kiểm soát một cách toàn diện và triệt để, toà án chỉ có mỗi một việc là thi hành chỉ thị của đảng mà thôi, năm 1921 Lenin đã từng tuyên bố: "toà án của chúng ta mang tính giai cấp, chống lại bọn tư bản".
Như vậy là trong chế độ toàn trị không có chuyện bình đẳng của tất cả các công dân trước pháp luật và toà án, không có chuyện nhà nước đối xử một cách bình đẳng với các công dân (không phụ thuộc vào nguồn gốc xã hội, tôn giáo, chủng tộc, quan điểm chính trị…), mà đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền. Ngược lại, có thể nói đã có sự kì thị, thậm chí giết hại những người thuộc thành phần "tư sản" (chế độ cộng sản) hay chủng tộc "hạ đẳng" (chế độ phát xít).
Trong khi đó thành phần lãnh đạo và lãnh tụ của các chế độ toàn trị lại đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Pháp luật nhà nước không có hiệu lực đối với đảng và các đảng viên. Điều đó có nghĩa là nhà nước đảng trị hành động một cách phi pháp (vì không có một khung pháp lí tối thượng áp dụng cho cả người cai trị và kẻ bị trị). Nếu chưa bị khai trừ thì đảng viên đảng toàn trị không thể bị đưa ra toà, không thể bị kết án. Quyền lực của lãnh tụ và nhóm đầu sỏ cầm quyền là vô giới hạn vì không có lực lượng nào có thể ngăn cản, có thể buộc họ phải tuân thủ pháp luật cả.
© 2004 talawas