© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
15.5.2007
Kahlil Gibran
Trầm tưởng
Đăng Quang dịch
 1   2   3   4 
 
Mục lục

Lời dịch giả
Nhà thi sĩ Baalbeck
Nhà thi sĩ Baalbeck năm 1912 ttc
Ngày trở về của người yêu dấu
Kết hôn
Linh hồn tôi đã dạy cho tôi
Hậu duệ thần nữ
Răng sâu
Trong đêm tối
Cục phấn mạ bạc
Ông tán gẫu
Martha
Ảo ảnh
Thanh khí tương giao
Dưới ánh mặt trời
Một thoáng nhìn về tương lai
Nữ thần mộng tưởng
Lịch sử và dân tộc
Loài thú không tiếng nói
Thi sĩ và thi ca
Giữa nơi phế tích
Trước cửa đền
Thuốc ma tuý và dao giải phẫu
Toàn thiện mỹ
Hôm qua, hôm nay và ngày mai
Câu truyện của một người bạn
Những người khổng lồ
Ngoài trái đất
Ô đêm
Trái đất
Tro tàn thời đại và ngọn lửa vô cùng


*


Lời dịch giả

Trầm tưởng sưu tập những dòng tư tưởng và phút giây trầm mặc của nhà thi sĩ và tiên tri Kahlil Gibran, người gốc Liban, nguuyên tác Ả-rập ngữ, được chọn và dịch bởi Anthony R. Ferris dưới nhan đề Thoughts and Meditation (The Citadel Press, New York, tái bản lần thứ tư, 1969). Bản dịch sang Việt ngữ này đã dựa vào bản Anh dịch nói trên, ngoại trừ truyện ngắn “Martha” đã được so với bản Anh dịch của H. M. Nahmad, trong cuốn nhan đề Nymphs of the Valley của Gibran (Alfred A. Knopf. Inc. New York, tái bản lần thứ mười ba, 1969).

Đăng Quang


*


Nhà thi sĩ Baalbeck

Sarkis Effandi, một trong những người bạn thân nhất của Gibran, được giới trí thức Li-băng vô cùng kính phục. Ông đã từng đứng chủ một nhà xuất bản và một nhật báo Ả-rập ngữ có tên là Li-San-Ul-Hal. Năm 1912, Liên minh Tiến bộ Ả-rập, tổ chức nhằm phát huy sự thống nhất và nền văn hoá Ả-rập, quyết định vinh tôn nhà đại thi hào Li-băng là Kahlil Effandi Mutran.

Vì Sarkis đứng đầu uỷ ban tổ chức buổi lễ vinh tôn, cho nên ông đã gửi thơ mời Gibran, lúc bấy giờ đã di cư sang Nữu Ước, trở về họp mặt tại Beirut nhân dịp này. Gibran không thể tới được, nhưng gửi Sarkis một tiểu truyện và dặn là đọc hộ truyện này trước mặt nhà thi sĩ. Trong truyện tán dương nhà thi sĩ, Gibran biểu lộ lòng tin tưởng vào hiện tượng luân hồi và ngợi ca linh hồn vĩ đại đã được tái sinh vào nhà thi sĩ. [1]


Nhà thi sĩ Baalbeck

Tại thành Baalbeck năm 112 t.t.c.

Đức Vương Hầu ngồi trên ngai vàng, chung quanh đèn đuốc sáng rực và lư trầm mạ vàng nghi ngút. Hương thơm của trầm sực nức cung điện. Bên phải và bên trái của Ngài là các vị đại tư tế và thủ trưởng; các toán nô lệ và vệ binh đứng bất động trước mặt Ngài như những pho tượng đồng dựng trước mặt trời.

Sau khi các ca thủ giáo lễ đã xướng lên những khúc thánh ca vang dội, thì một vị trưởng lão đại thần đứng dậy trước mặt Vương Hầu, và bằng một giọng ngân nga êm đềm của tuổi sương hôm, cất tiếng nói:

“Ô Đại vương đầy lòng quảng đại, ngày hôm qua có một bậc hiền nhân từ Ấn Độ tới thành ta. Bậc hiền nhân này tin vào sự đa tạp của các tôn giáo và nói nhiều điều lạ lùng khó hiểu. Ông ta đi truyền bá một chủ thuyết luân hồi và sự hoá thân của những linh hồn di chuyển từ thế hệ này sang thế hệ kia, đi kiếm tìm những cuộc hoá thân càng ngày càng hoàn hảo, cho đến khi nào biến hoá thành thần thánh. Bậc hiền nhân này muốn bệ kiến Đại vương để giải thích chủ thuyết của ông ta.”

Đức Vương Hầu khẽ lắc đầu, mỉm cười và nói:

“Nhiều điều lạ lùng và kỳ diệu từ Ấn Độ mà đến. Hãy gọi kẻ hiền nhân vào để ta có thể nghe những lời hiền triết của ông ta.”

Vừa dứt lời, thì một ông lão da ngăm đen uy nghiêm bước vào và đứng trước mặt đức Vương Hầu. Đôi mắt lớn màu nâu của ông ta nói lên những niềm bí ẩn sâu xa. Ông lão cúi đầu lạy, ngẩng mặt lên, đôi mắt long lanh, và bắt đầu nói.

Ông ta cắt nghĩa cách thức những linh hồn đi từ một cơ thể này sang cơ thể kia ra sao, được nâng lên cao bởi những hành vi tốt của vật trung gian mà những linh hồn đã chọn lựa, và chịu ảnh hưởng của kinh nghiệm trải qua trong mỗi kiếp sống; khao khát vươn lên một hào quang nó khiến cho linh hồn phấn khởi và phát triển bằng Tình Yêu, khiến cho linh hồn vừa sung sướng vừa đau khổ…

Rồi nhà hiền triết nói đến cách thức những linh hồn di chuyển từ nơi này sang nơi khác đi tìm sự toàn hảo ra sao, đền tội trong hiện tại vì những tội ác đã phạm trong quá khứ, và gặp trong kiếp này những gì đã gieo trong kiếp trước.

Nhận thấy những dấu hiệu bất an và mệt mỏi trên dung nhan đức Vương Hầu, vị trưởng lão đại thần thì thầm vào tai nhà hiền triết:

“Giờ ngài đã thuyết giáo đủ rồi; xin hoãn bài diễn giảng cho đến kỳ gặp sau.”

Nghe đến đây nhà hiền triết cúi đầu cáo lui và đến ngồi giữa các nhóm tư tế và thủ trưởng, mắt nhắm nghiền lại dường như mệt mỏi vì đã mải nhìn vào những miền thâm u của Hiện Hữu.

Sau giây lát yên lặng sâu xa, giống như trong trạng thái xuất thần của một nhà tiên tri, đức Vương Hầu ngó sang bên tả rồi sang bên hữu, và hỏi:

“Nhà thi sĩ của ta hôm nay đâu rồi? Đã mấy hôm nay ta không thấy ông ta đâu cả. Có gì đã xảy đến cho ông ấy? Ông ấy vẫn thường có mặt trong các cuộc họp mặt của ta mà.”

Một vị giáo sĩ đáp:

“Một tuần trước đây thần có trông thấy ông ta ngồi trên trụ lang ở đền Ishtar, đôi mắt xa xôi và buồn thảm ngó ra tít khoảng hoàng hôn mù khơi y như là đã đánh lạc mất bài thơ của ông ta trên chín tầng mây xanh rồi ấy.”

Và một vị thủ lãnh nói thêm:

“Hôm qua thần cũng có trông thấy ông ta đứng dưới bóng cây liễu và cây trắc bá. Thần có chào hỏi ông ta, nhưng ông ta chẳng để ý gì đến lời hỏi thăm của thần cả, mà cứ vẫn chìm đắm trong biển trầm tư mặc tưởng.”

Đến lượt vị đại quan Thái Giám lên tiếng:

“Hôm nay thần có trông thấy ông ta trong thượng uyển, nét mặt tái ngắt và bơ phờ, thở dài sướt mướt, và đôi mắt đầy lệ.”

Đức Vương Hầu lập tức phán rằng:

“Hãy cho đi tìm ngay linh hồn bất hạnh đó đến đây, vì sự vắng mặt của nhà thi sĩ làm phiền lòng ta không ít.”

Được lệnh truyền, bọn nô lệ và vệ binh rời vương điện để đi tìm nhà thi sĩ, trong khi đó đức Vương Hầu cùng các giáo sĩ và thủ lãnh ở lại trong nghị điện chờ họ trở về. Dường như tâm hồn họ đều đã cảm thấy sự hiện diện vô hình của thi sĩ quanh quất đâu đây.

Chẳng bao lâu vị đại quan Thái Giám quay trở lại và phủ phục khấu đầu dưới chân đức Vương Hầu nhanh thoắt như một con chim trúng tên.

Thấy vậy đức Vương Hầu quát lớn:

“Làm sao… ngươi có điều gì nói ta nghe?”

Tên nô lệ ngẩng đầu lên và giọng run rẩy thưa:

“Muôn tâu Đại vương… chúng con thấy nhà thi sĩ nằm chết trong vườn thượng uyển…”

Đức Vương Hầu liền đứng dậy và vội vã, buồn thảm bước ra ngoài thượng uyển, dẫn trước là toán người cầm đuốc và theo sau là toán giáo sĩ và thủ lãnh. Ở đằng cuối vườn gần hàng cây hạnh nhân và thạch lựu, ánh sáng vàng của các ngọn đuốc soi sáng người thanh niên đã chết. Xác hắn nằm trên thảm cỏ xanh như một đoá hồng đã héo khô.

Một trong số cận thần của đức Vương Hầu nói:

“Ngó kìa, nhà thi sĩ ôm chiếc thất huyền cầm như là hai tình nhân ước hẹn chết cùng nhau kìa!”

Một người khác nói:

“Chàng vẫn đăm đăm ngó vào trung tâm không gian như lúc còn sống; chàng vẫn còn có vẻ như đang theo dõi những chuyển động vô hình của một vị thần vô danh giữa các hành tinh.”

Và vị đại giáo sĩ tâu với đức Vương Hầu:

“Muôn tâu Đại vương, ngày mai ta hãy chôn chàng dưới bóng đền Ishtar như một đại thi hào, và cho phép dân trong thành cử hành tang lễ chàng, trong khi đó có các thanh niên ngâm vịnh thơ chàng và các trinh nữ rải rắc hoa trên phần mộ chàng. Với thiên tài của chàng, hãy cử hành một lễ kỷ niệm cho xứng đáng.”

Đức Vương Hầu gật đầu mà mắt vẫn không rời khuôn mặt nhà thi sĩ trẻ tuổi lúc này đã tái ngắt sau màn che của Thần Chết.

“Ta đã xao lãng tâm hồn thanh khiết này hồi chàng còn trên dương thế, hồi chàng còn đang lấp đầy Vũ Trụ bằng trái cây trí tuệ sáng ngời của chàng và toả khắp không gian hương thơm tâm hồn chàng. Nếu giờ ta không vinh tôn chàng, thì ta ắt sẽ bị chê cười và lăng nhục bởi các thánh thần và các thần nữ ngoài thảo dã và sơn cốc.”

“Hãy mai táng nhà thi sĩ ở nơi đây, nơi chàng đã trút hơi thở cuối cùng, và hãy cứ để cho cây đàn thất huyền nằm giữa hai cánh tay chàng. Nếu các ngươi muốn tôn vinh chàng và tỏ lòng kính mến với chàng, thì hãy nói với con cháu các ngươi rằng Vương Hầu đã xao lãng nhà thi sĩ và đã là nguyên nhân cho cái chết đau khổ và cô đơn của chàng.”

Và rồi đức Vương Hầu hỏi:

“Thế còn nhà hiền triết từ Ấn Độ kia đâu rồi?”

Và nhà hiền triết bước tới và nói:

“Muôn tâu Đại vương, bầy tôi đây.”

Và đức Vương Hầu cất tiếng hỏi:

“Hãy nói cho ta nghe, hỡi hiền nhân, liệu các thánh thần có bao giờ sẽ hồi phục ta trở lại thế giới này làm một hoàng tử và làm phục sinh nhà thi sĩ đã mãn phần này không? Liệu rằng linh hồn ta có sẽ được hoá thân trong thể xác người con trai một đại hoàng đế, và liệu linh hồn thi sĩ có sẽ luân hồi vào thể xác một thiên tài khác hay không? Liệu rằng Thánh Pháp có sẽ làm cho chàng đứng trước mặt Vĩnh Cửu để chàng làm thơ về Cuộc Đời hay không? Liệu chàng có sẽ được phục sinh để cho ta có thể vinh tôn và tỏ lòng kính mến bằng cách trút tưới cho chàng những tặng phẩm và phần thưởng quí giá khiến cho tim chàng được phấn khởi và tâm hồn chàng được nhiều linh cảm, hay không?”

Và nhà hiền triết đáp đức Vương Hầu:

“Bất cứ điều gì mà tâm hồn mong muốn, sẽ đạt được bằng tinh thần.”

Hãy nhớ rằng, ô Đại vương, Thánh Pháp phục hồi sự trác tuyệt của Mùa Xuân sau khi Mùa Đông đi qua sẽ phục hưng Đại vương làm một hoàng tử và chàng làm một thi sĩ thiên tài.

Niềm hy vọng của Đức Vương hầu được làm sống lại và trên dung nhan ngài đã hiện ra những dấu hiệu vui tươi. Ngài bước về phía vương điện, nghĩ lại và suy ngẫm các lời nói của nhà hiền triết: “Bất cứ điều gì mà tâm hồn mong muốn, sẽ đạt được bằng tinh thần.”


Nhà thi sĩ Baalbeck

Tại Cairo, Ai Cập vào năm 1912 s.t.c.

Vầng trăng tròn vạnh đã hiện ra và trải rộng tấm áo bạc của nàng trên thành phố. Vị Hoàng Tử đứng trên bao lơn hoàng điện ngắm nhìn bầu trời trong vắt và suy nghĩ mông lung về những thời đại đã trôi qua dọc trên bờ sông Nile. Ngài dường như đang duyệt qua những đám rước của các dân tộc đã bước đi, cùng với Thời Gian, từ Kim Tự Tháp đến hoàng điện Abedine.

Khi vòng tròn tư tưởng của Hoàng Tử đã mở rộng ra và vươn tới lãnh vực mộng mơ của Ngài, Ngài bèn ngó sang kẻ bầu bạn ngồi bên cạnh và nói:

“Đêm nay tâm hồn ta khao khát; hãy ngâm ta nghe một bài thơ.”

Và người bầu bạn cúi đầu lĩnh ý và bắt đầu một bài thơ tiền – Hồi giáo. Nhưng trước khi hắn ngâm vịnh được nhiều khổ, thì vị Hoàng tử bèn cắt ngang mà nói:

“Cho nghe một bài thơ hiện đại… một bài thơ mới đây.”

Và rồi, cúi đầu lĩnh ý, người bầu bạn bắt đầu ngâm các vần thơ của một thi sĩ miền Hadhramaut [2] . Vị Hoàng tử lại ngắt lời hắn lần nữa, nói:

“Mới hơn nữa… một bài thơ mới đây hơn nữa.”

Kẻ ngâm thơ bèn giơ tay đặt lên trán, dường như để nhớ lại tất cả các bài thơ do các thi sĩ hiện đại viết. Rồi đôi mắt hắn sáng ngời, khuôn mặt rạng rỡ, và hắn bắt đầu ngâm những vần thơ yêu kiều bằng một nhịp êm ái, đầy kỳ diệu.

Say sưa và dường như cảm thấy có một bàn tay vô hình vẫy gọi Ngài rời hoàng cung đi tới một miền xa xôi, Hoàng Tử sốt sắng thăm hỏi:

“Ai đã viết những dòng thơ này?”

Và người ngâm thơ đáp:

“Nhà thi sĩ từ Baalbek.”

Nhà thi sĩ Baalbek từ là một tên cổ xưa, và nói gợi lại trong ký ức Hoàng Tử những hình ảnh ngày qua. Nó đánh thức dậy trong tận cùng trái tim Ngài những bóng ma kỷ niệm, và nó vẽ ra trước mắt Ngài, bằng những đường nét do sương mù tạo nên, một bức tranh hoạ một thanh niên đã chết đang ôm chiếc đàn thất huyền và được bao vây bởi các giáo sĩ, thủ lãnh và các quan đại thần.

Như các giấc mơ bị ánh sáng Ban Mai làm tiêu tán, ảo ảnh dần dần rời đôi mắt Hoàng Tử. Ngài đứng lên và bước về phía hoàng cung, hai cánh tay khoanh trước ngực, Ngài nhắc lại những lời nói của Mohamed: “Mi đã chết và Người đã mang mi trở lại cuộc sống, và Người sẽ trả mi về sự chết và rồi phục hồi mi lại cuộc sống. Rồi sau đó mi mới trở về với Người”.

Rồi Ngài nhìn người bầu bạn đi bên và nói:

“Ta may mắn có được nhà Thi Sĩ từ Baalbek trên đất ta, và sẽ phải coi như một bổn phận tuyệt đỉnh mà vinh tôn và kết bạn với chàng.”

Sau giây lát yên lặng và tôn kính xứng đáng, Hoàng Tử khẽ nói thêm:

“Thi sĩ là một loại chim nhiều tính khí lạ lùng. Hắn bay sà xuống từ vùng thanh cao và trú chân giữa chúng ta, ca hát; nếu ta không vinh tôn hắn, thì hắn sẽ tung cánh bay trở về nơi hắn ở.”

Đêm tàn, và các vùng trời trút gỡ xuống các bộ áo nạm đầy sao của chúng, và khoác lên mình một bộ áo dệt bằng những tia nắng khoẻ của Ban Mai. Và tâm hồn Hoàng Tử chênh vênh, đu đưa giữa những thần diệu và lạ kỳ của Hiện Hữu và những điều bí ẩn phủ kín của Đời Sống.


Ngày trở về của người yêu dấu

Lúc đêm xuống thì quân thù bỏ trốn với những nhát gươm và vết giáo đầy lưng. Những người anh hùng của chúng ta phất cờ khải hoàn và ca khúc chiến thắng theo nhịp vó ngựa nổi trống dồn trên triền đá sỏi sườn đồi.

Trăng đã lên từ phía sau dặng núi Fam el Mizab. Những tảng đá khổng lồ và thanh tú dường như cũng dâng lên cao với tinh thần nhân dân, và rừng cây bá hương nằm dài như một huy chương danh dự trên ngực nước Liban.

Họ tiếp tục bước chân dồn dập và ánh trăng chiếu sáng loáng vũ khí họ. Những hang động phía xa dội lại tiếng ca chiến thắng và tung hô của họ cho đến khi họ tới chân một triền núi. Nơi đây họ bị chận khựng lại bởi tiếng hí một chiếc ngựa đang đứng giữa những tảng đá xanh y như là đã được đẽo ra từ chúng.

Gần chiếc ngựa họ thấy một xác chết, và khoảng đất nơi chàng nằm đẫm đầy máu. Kể dẫn đầu toán binh hô lớn, “Đưa cho ta xem gươm người ấy và ta sẽ cho các ngươi biết ai là chủ nó.”

Vài tên kỵ sĩ xuống ngựa và xúm quanh xác chết, và rồi một người nói với viên thủ lãnh, “Các ngón ta của hắn nắm chật vào cán gươm quá. Gỡ ra thì hổ thẹn lắm.”

Một người khác nói, “Thanh gươm đã bị đời sống chôn đi bao lại rồi cho nên không còn trông thấy kim khí nữa”.

Một người thứ ba nói thêm, “Máu đã đông đặc cả cườm tay lẫn cán gươm và trông như là một ấy.”

Tức thì viên thủ lãnh xuống ngựa và bước lại phía xác chết và nói, “Nâng đầu hắn lên và để ánh trăng soi vào mặt hắn cho ta nhận diện”. Bọn người làm theo lệnh, và khuôn mặt của kẻ tử trận hiện ra đằng sau màn che của Tử Thần cho thấy những dấu vết dũng cảm và quí phái. Đó là khuôn mặt của một tên kỵ sĩ mạnh mẽ, và nó nói lên nam khí ngời ngời. Đó là khuôn mặt của một con người đau khổ và hân hoan; khuôn mặt của một người đã anh dũng đối diện kẻ thù và mỉm cười ngó mặt thần chết; khuôn mặt của một người anh hùng Liban mà, hôm đó, đã chứng kiến phút khải hoàn nhưng đã chẳng được sống để bước đi và ca hát và ăn mừng chiến thắng với đồng chí của mình.

Lúc họ đã gỡ tấm khăn lụa quấn đầu và phủi sạch lớp bụi chiến trường trên khuôn mặt tái xanh của chàng rồi, thì viên thủ lãnh la lên bằng một giọng đầy thương xót:

“Đây là con trai của Assaaby. Quả là một thiệt hại lớn!”

Bọn người nhắc lại cái tên ấy, thở dài. Rồi thảy đều yên lặng, và trái tim họ, lúc trước đã say men chiến thắng, bây giờ tỉnh lại. Bởi họ đã trông thấy một điều gì lớn hơn sự vinh quang của khải hoàn, trong sự mất đi một người anh hùng.

Như những pho tượng bằng cẩm thạch họ đứng yên trong cảnh khiếp hãi đó, và lưỡi họ câm cứng, chẳng hề thốt được một lời. Sự chết làm cho tâm hồn kẻ anh hùng như thế đó. Khóc lóc và than van là dành cho đàn bà; rên xiết và la khóc là dành cho con nít. Chẳng có gì thích hợp với nỗi đau buồn của con người cung kiếm ngoại trừ niềm yên lặng, nó nắm chặt lấy trái tim mạnh mẽ như là hai chân chim đại bàng nắm chặt lấy cổ họng một con mồi. Chính sự yên lặng này nó vượt lên trên nước mắt và la khóc, một sự yên lặng mà trong vẻ uy nghiêm của nó đã tăng thêm khiếp đảm và ưu phiền cho nỗi bất hạnh; một sự yên lặng nó khiến cho linh hồn rơi từ đỉnh núi cao xuống đáy vực thẳm. Đó là sự yên lặng nó xướng lên cơn giông sắp đến. Và khi cơn giông chưa xuất hiện, thì đó là sự yên lặng còn lớn hơn cả giông tố.

Họ cởi áo người anh hùng trẻ tuổi để xem thần chết đã cắm vuốt sắt của nó ở chỗ nào. Và các vết thương xuất hiện trên ngực chàng như những đôi môi cử động tuyên bố trong ban đêm yên tĩnh lòng can đảm của con người.

Viên thủ lãnh đến gần xác chết và quì sụp xuống. Ghé mắt nhìn gần kẻ tử sĩ, hắn tìm thấy một dải khăn quàng thêu bằng chỉ vàng quấn chung quanh cánh tay chàng. Hắn nhận ra cái bàn tay đã dệt tấm lụa và những ngón tay đã thêu chỉ trên dải khăn quàng. Hắn giấu nó dưới áo và kéo nó ra từ từ, bàn tay run rẩy che khuôn mặt khiếp đảm của mình đi. Vậy mà bàn tay run rẩy này, với sức mạnh của nó, đã làm rụng biết bao nhiêu đầu quân thù. Giờ đây nó run rẩy vì nó đã chạm phải khăn quàng do những ngón tay thân yêu buộc chung quanh cánh tay người anh hùng đã chết, và chàng sẽ quay trở về với nàng trên vai những kẻ đồng đội, một thây xác không hồn.

Trong lúc tinh thần viên thủ lãnh đang dao động, hoang mang nghĩ đến sự áp chết của thần chết và những niềm bí ẩn của tình yêu, thì một người trong họ đề nghị:

“Ta nên đào một nấm mộ cho chàng dưới bóng cây sồi kia để cho rễ nó uống được máu chàng và cành lá nó được nuôi dưỡng bằng thân xác chàng. Cây sồi sẽ được sức mạnh và trở thành bất tử và đứng làm một dấu hiệu tuyên ngôn với những đồi những thung lũng kia lòng can đảm và sức mạnh của chàng.”

Một kẻ khác nói:

“Ta nên mang chàng vào rừng bá hương và chôn chàng gần giáo đường. Nơi đó xương chàng sẽ được bóng cây Thánh Giá bảo vệ đến vĩnh cửu.”

Và một kẻ khác nói:

“Chôn chàng tại đây, nơi máu chàng đã hoà với đất. Và cứ để thanh gươm của chàng nằm nguyên trong bàn tay mặt đó; cắm ngọn dáo của chàng bên cạnh và giết chết con ngựa chàng trên mộ và để cho vũ khí của chàng giúp cho chàng vui trong lúc quạnh hiu.”

Nhưng một kẻ khác phản đối:

“Đừng nên chôn thanh gươm đã vấy máu quân thù, cũng đừng giết chết ngựa quí đã chống cự được thần chết trên chiến trường. Đừng để lại trong cõi hoang vu những vũ khí đã quen với hành động và sức mạnh, mà mang chúng về cho thân quyến của chàng làm di sản lớn lao và quí báu.”

“Hãy quì xuống cạnh chàng và đọc những lời cầu nguyện của dân thành Nazareth rằng Thượng Đế sẽ tha tội cho chàng và giáng phúc cho chiến thắng của ta!” Một kẻ khác nói thế.

“Hãy vác chàng trên vai chúng ta và lấy mộc lấy thương của ta làm linh cữu cho chàng và lại đi quanh vùng thung lũng chiến thắng của chúng ta một lần nữa ca hát những khúc khải hoàn đặng những cặp môi của vết thương chàng được mỉm cười trước khi chúng bị đất mồ phủ đi câm kín”, một người đồng đội nói thế.

Và một người khác:

“Hãy xốc chàng lên con chiến mã của chàng và đỡ chàng bằng những chiếc đầu lâu quân thù và đeo cho chàng thanh dáo và chở chàng về làng làm một kẻ chiến thắng. Chàng chẳng bao giờ hề chịu khuất phục tử thần cho tới chừng nào đã chất nặng lên nó những hồn địch quân.”

Một người khác nói:

“Thôi, ta nên chôn chàng tại chân núi này. Tiếng vọng của các hang động sẽ làm bầu bạn cho chàng và tiếng róc rách thì thầm của con suối sẽ làm kẻ du ca. Xương của chàng sẽ an nghỉ trong một vùng hoang vu nơi mà tiếng chân bước đi của đêm khuya tịch mịch sẽ nhẹ nhàng và êm ái.”

Một người khác phản đối:

“Không. Đừng bỏ chàng ở lại chốn này, vì chốn này là nơi trú ngụ của tẻ nhạt và quạnh hiu. Nhưng ta hãy mang chàng về nơi táng địa trong làng. Hồn thiêng của tổ tiên ta sẽ làm bầu bạn chàng và sẽ nói chuyện với chàng trong đêm thanh vắng và kể cho chàng nghe những câu chuyện chiến tranh cùng những cổ tích vinh quang của họ.”

Rồi viên thủ lãnh bước vào giữa và ra hiệu cho họ nín lặng. Hắn thở dài và nói:

“Thôi đừng làm chàng phiền muộn với những kỷ niệm chiến tranh hay nhắc nhở bên tai linh hồn chàng đang bay lượn quanh ta những câu chuyện gươm đao làm chi nữa. Nhưng ta nên bình tĩnh và yên lặng khiêng chàng về nơi chôn nhau cắt rốn của chàng, nơi mà một tâm hồn yêu thương đang ngóng đợi ngày chàng trở về… tâm hồn một trinh nữ đang chờ đón chàng quay về từ chiến địa. Ta hãy trả chàng về cho nàng để nàng được trông thấy mặt chàng và hôn lên vầng trán chàng một lần chót.”

Thế là họ vác chàng trên vai và lặng lẽ bước đi, đầu cúi xuống và mắt nhìn xuống đất. Chiếc ngựa buồn thảm của chàng bước nặng nề đằng sau, kéo lướt thướt dây cương trên mặt đất, thỉnh thoảng hí lên một tiếng ảo não, và tiếng hí được các hang động vọng trở lại in tuồng như các hang động cũng có trái tim và chia sẻ mối sầu thương của họ.

Qua con đường trũng lòng đồi đầy gai nhọn có ánh trăng tròn chiếu sáng, đoàn diễn hành chiến thắng bước đằng sau kỵ đội của Tử Thần và tinh thần của Tình Yêu dẫn đường kéo theo sau đôi cánh đã gãy.


Kết hôn

Trong bài thơ này dương như nhà tiên tri xứ Liban
đã tiên kiến sự hợp nhất giữa Ai Cập và Xyri.

Khi đêm đã tô điểm tấm áo của vòm trời bằng những hạt ngọc tinh tú, thì có một nàng tiên nữ hiện lên từ lưu vực sông Nile và bay lượn trên trời trên đôi cánh vô hình. Nàng ngồi trên một ngọc toà làm bằng sương mù treo giữa trời và biển. Phía trước nàng có một bầy thiên thần đồng ca: “Ôi thánh thiện, ôi thánh thiện, ôi thánh thiện là người con gái Ai Cập, mà lòng cao thượng tràn khắp hoàn cầu”.

Rồi trên đỉnh ngọn Fam el Mizab, có rừng bá hương quấn chung quanh, một chàng thanh niên hư ảo được bàn tay thiên xứ nâng lên, và chàng ngồi trên ngọc toà bên cạnh nàng tiên nữ. Các thần linh bay lượn chung quanh họ ca hát: “Ôi thánh thiện, ôi thánh thiện, ôi thánh thiện thay là người thanh niên Liban, mà vẻ hoa lệ đầy ắp thiên thu”.

Và khi kẻ cầu hôn nắm tay người yêu và ngó tận vào mắt nàng, thì sóng và gió loan truyền đi khắp vũ trụ những lời họ tâm sự:

Ôi hào quang em rực rỡ làm sao, Hỡi người con gái thần nữ Isis [3] , và lòng anh sùng bái em biết ngần nào!

Ôi dáng dấp anh phong nhã làm sao trong đám thanh niên, hỡi người con trai nữ thần Astarte [4] , và lòng em khao khát anh biết ngần nào!

Tình anh mạnh mẽ như những ngọn Kim Tự Tháp xứ em, và thiên thu cũng sẽ chẳng phá huỷ nó cho được.

Tình em bền vững như loài Ba Hương Thánh Thiện xứ anh, và bốn mùa sẽ chẳng thắng nổi nó.

Hiền nhân mọi dân tộc từ Đông chí Tây đều tới để biện biệt trí năng và giải đoán những điềm triệu của em.

Học giả khắp thế giới từ mọi triều đình đều tới để say sưa với mật hoa từ vẻ anh kiều diễm và nét thần diệu của giọng anh nói.

Lòng bàn tay em là những giếng nước phong nhiêu.

Cánh tay anh là những suối nước trong, và hơi anh thở là một ngọn gió mát.

Những cung, điện của dòng Nile biểu thị sự vinh quang, và con Sphinx [5] kể lại sự vĩ đại của em.

Những ngọn bá hương trên ngực anh như một huy chương danh dự, và những tháp đài quanh anh nói lên lòng dũng cảm và cường lực của anh.

Ôi ngọt ngào làm sao là tình em yêu và kỳ diệu làm sao là niềm hy vọng em gieo rắc.

Ôi đại lượng làm sao hỡi người đồng điệu và chung thuỷ làm sao hỡi người phối ngẫu. Trác tuyệt thay là những tặng vật, và quí báu thay là sự hy sinh!

Em gửi đến cho anh những chàng trai trẻ tuổi giống như một cơn thức tỉnh sau một giấc ngủ miên man. Em đã ban cho anh những con người dũng cảm đặng chinh phục lòng yếu hèn của dân tộc anh, và những học giả đặng phấn khởi họ, và những thiên tài đặng làm phong phú quyền năng họ.

Từ những hạt giống em gửi đến anh anh đã trẩy hoa; từ những cây non anh đã dựng thành đại thụ. Bởi anh là một đồng cỏ trinh nguyên nơi đó hoa hồng và hoa huệ mọc và cây trắc bá và bá hương nhô lên.

Anh thấy sầu đau thoáng trong mắt em, hỡi người yêu dấu: ngồi bên anh, em buồn chăng?

Em có những người con trai và con gái đã rời sang phía bên kia biển và bỏ mặc em ở lại khóc than và mong ngóng ngày chúng trở về.

Em có sợ hãi chăng, hỡi nàng con gái dòng Nile, và dân tộc quí mến nhất?

Em sợ một đấng bạo quân đến gần bên em với một giọng nói ngọt ngào để có thể sau này ngự trị em với sức mạnh đôi cánh tay.

Cuộc đời các dân tộc, em yêu dấu, cũng giống như cuộc đời các cá nhân; một cuộc đời được phấn khởi bởi Hy Vọng và kết hôn với Sợ Hãi, ám ảnh bởi những Dục Tình và ủ ê trong niềm Tuyệt Vọng.

Và hai tình nhân ôm lấy nhau và hôn nhau và uống từ những ly tình rượu ngọt của thiên thu; và bầy thần linh ca ngợi: “Ôi thánh thiện, ôi thánh thiện, ôi thánh thiện, hào quang của Tình Yêu toả tràn khắp thiên đàng và hạ giới!”


Linh hồn tôi đã dạy cho tôi…

Linh hồn tôi đã thuyết giảng và dạy cho tôi yêu những gì mọi người kinh tởm và kết bạn với những kẻ mà họ sỉ nhục.

Linh hồn tôi đã trỏ cho tôi thấy rằng Tình Yêu tự mãn chẳng những trong người yêu, mà còn trong cả kẻ được yêu.

Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi rằng Tình Yêu nằm trong tim tôi như một sợi chỉ mong manh buộc giữa hai đầu chốt.

Nhưng giờ đây Tình Yêu đã trở thành một quầng sáng mà chỗ bắt đầu là nơi chấm dứt, và nơi chấm dứt là chỗ bắt đầu. Nó bao vây từng bản thể và từ từ trải rộng ra ôm ấp lấy tất cả những gì sẽ trở nên.

Linh hồn tôi đã khuyên nhủ tôi và dạy tôi nhận thức cái vẻ đẹp đã phủ kín của làn da, hình dáng và sắc màu. Nàng đã dạy cho tôi suy ngẫm về những gì mọi ngưòi gọi là xấu cho đến khi nào vẻ mỹ miều và khoái cảm đích thực của nó hiện lên.

Trước kia linh hồn tôi đã bảo tôi ngắm nhìn Sự Đẹp như một ngọn đuốc rung rinh giữa những cột khói. Giờ đây khói đã bay tan, tôi chẳng thấy gì ngoại trừ ngọn lửa.

Linh hồn tôi đã thuyết giảng và dạy cho tôi lắng nghe những tiếng nói mà lưỡi và họng và môi chẳng thốt thành lời.

Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi, tôi chẳng hề nghe thấy gì ngoại trừ tiếng la hét và rên xiết. Nhưng giờ đây tôi nóng lòng lắng nghe niềm Yên Lặng và nghe thấy những ban hợp xướng của nó ca những khúc thánh ca muôn đời và những khúc hát vùng thanh không báo hiệu những điều bí ẩn của Vô Hình.

Linh hồn tôi đã thuyết giảng và dạy cho tôi uống thứ rượu nho chẳng thể ép thành và chẳng thể rót ra từ những chén mà tay có thể nâng lên và môi có thể đụng tới.

Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi, sự thèm khát của tôi giống như một tia lửa ẩn giấu trong đám tro tàn có thể dập tắt được bằng một ngụm nước uống.

Nhưng giờ đây lòng khao khát của tôi đã biến thành cái chén, tình cảm tôi thành rượu và niềm cô độc của tôi thành thú say sưa; thế nhưng, trong sự thèm khát chưa phỉ này có một niềm vui vĩnh cửu.

Linh hồn tôi đã dạy cho tôi sờ mó những gì chưa thành nhục hoá; linh hồn tôi đã hé lộ cho tôi thấy rằng bất cứ gì ta sờ mó tới là phần ta dục vọng.

Nhưng giờ đây những ngón tay tôi đã hoá thành sương mù thấu nhập những thể hữu hình trong vũ trụ và hỗn hợp với những thể vô hình.


Linh hồn tôi đã dạy cho tôi hô hấp hương thơm mà chẳng loài nhạn-lai-hồng hay trầm hương nào xông toả. Trước kia linh hồn tôi đã thuyết giảng cho tôi thèm khát hương khí trong vườn hay trong lư trầm hay trong bình hương.

Nhưng giờ đây tôi có thể khoái hưởng hương thơm chẳng được đốt để dâng hiến hay hy sinh. Và tôi hít đầy lồng ngực một hương thơm đã chẳng bao giờ được ngọn gió không gian đùa cợt thoảng đi.

Linh hồn tôi đã thuyết giảng và dạy cho tôi nói, “Tôi đã sẵn sàng” khi điều Vị Tri và Nguy Cơ thăm viếng tôi.

Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi rằng tôi chớ trả lời tiếng gọi nào ngoại trừ tiếng gọi của người tôi biết, và chớ bước chân trên con đường nào ngoại trừ con đường dễ đi và con đường trơn miết.

Giờ đây điều Vị Tri đã trở thành một con thần mã tôi có thể cưỡi lên đặng vượt tới Vị Tri; và cánh đồng đã hoá thành một cây thang tôi trèo lên tuyệt đỉnh.

Linh hồn đã gọi tôi mà nói, “Chớ có đo lường Thời Gian vì, đã có hôm qua, là sẽ có ngày mai”.

Và trước kia linh hồn tôi đã nói với tôi rằng tôi tưởng tượng quá khứ như một thời đại chẳng bao giờ trở lại, và Vị Lai như một thời đại chẳng bao giờ với tới.

Giờ đây tôi nhận ra rằng phút giây hiện tại chứa đựng tất cả thời gian và trong đó là tất cả những gì ta có thể hy vọng, thi hành và thực hiện.

Linh hồn tôi đã thuyết giảng tôi, khuyến dụ tôi đừng giới hạn không gian mà nói, “Nơi đây, nơi kia, nơi nọ”.

Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi, tôi cảm thấy rằng bất cứ nơi nào tôi bước đi là cách xa bất cứ không gian nào khác.

Giờ đây tôi nhận ra rằng bất cứ nơi nào tôi hiện hữu thì chứa đựng tất cả không gian; và khoảng cách tôi bước đi ôm lấy mọi khoảng cách.

Linh hồn tôi đã dạy cho tôi và khuyên nhủ tôi thức khi kẻ khác ngủ. Và đầu hàng giấc ngủ khi kẻ khác trở dậy.

Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi rằng tôi chớ nên mơ giấc mơ của họ khi tôi ngủ, và họ cũng chẳng thấy được ảo ảnh của tôi.

Giờ đây tôi chẳng bao giờ giống cánh buồm mơ của tôi trừ khi họ ngắm, và họ chẳng bao giờ cất cánh vụt lên đỉnh trời ảo ảnh của họ trừ khi tôi hân hoan trong niềm họ tự do.

Linh hồn tôi đã giảng cho tôi và nói, “Chớ có vui vì lời khen, và chớ có buồn vì lời chê”.

Trước kia linh hồn tôi đã khuyên nhủ tôi, rằng tôi hoài nghi giá trị của sức cần lao.

Bây giờ tôi nhận ra rằng cây cỏ nở hoa Mùa Xuân và mang trái Mùa Hạ mà chẳng hề đi kiếm lời khen; và chúng rụng lá Mùa Thu và trần truồng Mùa Đông mà chẳng hề e sợ lời chê.

Linh hồn tôi đã thuyết giảng và trỏ cho tôi biết rằng tôi chẳng hơn gì người lùn nhỏ mà cũng chẳng kém gì người khổng lồ.

Trước kia linh hồn tôi đã giảng cho tôi, rằng tôi ngắm nhìn nhân loại như hai người: một kẻ yếu thì tôi thương hại, và một kẻ mạnh thì tôi đi theo hay thách đố chống đối.

Nhưng giờ đây tôi đã học được rằng tôi giống như cả hai và được tạo cùng những thành tố. Khởi nguyên tôi là khởi nguyên họ, ý thức của tôi là ý thức họ, cuộc tranh đấu của tôi là tranh đấu của họ, và hành trình của tôi là hành trình của họ.

Nếu họ phạm tội, thì tôi cũng là một kẻ phạm tội. Nếu họ làm tốt, thì tôi hãnh diện trong sự họ làm tốt. Nếu họ nhỏm dậy thì tôi nhỏm dậy với họ. Nếu họ nằm lỳ, thì tôi chia sẻ sự biếng nhác của họ.

Linh hồn tôi đã nói với tôi, “Ngọn đuốc mi mang theo chẳng phải của mi, và khúc ca mi đang hát đã chẳng được sáng tác trong trái tim mi, bởi lẽ cho dù mi mang ngọn đuốc, nhưng mi chẳng phải là ánh sáng, và cho dù mi là một chiếc đàn nhiều dây, nhưng mi chẳng phải là kẻ chơi đàn”.

Linh hồn tôi đã thuyết giảng cho tôi, hỡi người huynh đệ, và dạy cho tôi nhiều điều. Và linh hồn anh cũng đã thuyết giảng và dạy cho anh cũng nhiều như thế. Bởi anh và tôi là một, và chẳng có gì khác biệt giữa chúng ta ngoại trừ tôi khẩn thiết tuyên ngôn những gì tận cùng bản thể của tôi, còn anh giữ bí ẩn những gì ở trong anh. Nhưng trong niềm bí ẩn đó cũng có điều hay.


Hậu duệ thần nữ và hậu duệ viên hầu

Kỳ dị thay là Thời gian, và khác thường thay là chúng ta! Thời gian quá thực đã thay đổi, và ô kìa, nó cũng đổi thay chúng ta nữa. Nó bước tới một bước, gỡ tấm khăn che mặt ra, làm ta hoảng hốt và làm ta đắm say.

Mới hôm qua đây ta than phiền về Thời Gian và run rẩy trước những khủng bố của nó. Mà hôm nay đây ta đã học cách yêu mến nó và kính trọng nó, bởi vì giờ đây ta hiểu được ý định, khí chất thiên nhiên, niềm bí ẩn và lẽ nhiệm mầu của nó.

Mới hôm qua đây ta bò sát rón rén như những bóng ma run rẩy giữa những hãi sợ của đêm tối và đe doạ của ban ngày. Mà hôm nay đây ta bước đi hoan lạc tới đỉnh núi, nơi trú ngụ của bão tố và nơi sinh trưởng của thiên lôi.

Ngày hôm qua ta ăn bánh nhào với máu, và uống nước pha bằng lệ. Nhưng ngày hôm nay ta nhận lãnh lương thực từ những bàn tay tân nương của sớm mai và uống bồ đào mỹ tửu ngát hương hơi thở của Mùa Xuân ngọt ngào.

Ngày hôm qua ta bị Vận Mệnh đoạ đày. Nhưng ngày hôm nay Vận Mệnh đã tỉnh khỏi cơn say để nô để cười để bước đi cùng ta. Ta chẳng theo nàng mà nàng theo ta.

Hôm qua ta đốt nhang trầm trước thần tượng và hiến tế hy sinh cho thành thần giận dữ. Nhưng hôm nay ta đốt nhang trầm và hiến tế hy sinh cho chính bản thể ta, bởi lẽ vị thánh thần vĩ đại nhất và mỹ miều nhất đã dựng đền đài trong trái tim ta.

Hôm qua ta phủ phục trước hoàng đế và khấu đầu trước sultan. Nhưng hôm nay ta chẳng kính lễ ai ngoại trừ Lẽ Phải và ta chẳng theo ai ngoại trừ Sự Đẹp và Tình Yêu.

Ngày hôm qua ta tôn thờ nguỵ tiên tri và phù thuỷ. Nhưng ngày hôm nay Thời Gian đã thay đổi, và ô kìa, nó cũng đã thay đổi cả ta nữa. Giờ đây ta có thể ngó thẳng bào mặt trời và lắng nghe đại dương ca hát, và chẳng gì có thể làm ta rung chuyển ngoại trừ bão lốc.

Ngày hôm qua ta đạp đổ những đền đài trong linh hồn ta và từ đống hoang tàn ta xây lên những phần mộ cho tổ tiên ta. Nhưng ngày hôm nay linh hồn ta đã hoá thành những hương án thiêng liêng mà hồn ma của Quá Khứ chẳng thể tới gần, mà những ngón tay không còn thịt của kẻ chết chẳng thể đụng tới.

Ta đã là một tư tưởng yên lặng ẩn giấu trong góc Lãng Quên. Hôm nay ta là một tiếng nói vạm vỡ có thể làm rung chuyển vầng trời.

Ta đã là một tia lửa nhỏ chôn dưới tro tàn. Hôm nay ta là một ngọn lửa cháy bùng dữ dội nơi đầu núi.

Ta đã thức trắng nhiều đêm, lấy đất làm gối và lấy tuyết làm chăn.

Như bầy cừu không mục tử ta đã quây quần với nhau nhiều đêm gặm nhấm tâm tư, và nhai lại cảm xúc; thế nhưng ta vẫn còn đói còn khát.

Thường khi ta đứng giữa khoảng một ngày đang qua và một đêm đang tới than van tuổi xuân đang tàn lụi và ngóng đợi một kẻ chưa hề biết, và ngắm nhìn khoảng hư không và bầu trời đen tối mà lắng nghe tiếng than thở của Yên Lặng và tiếng gào thét của hư vô.

Những thời đó qua đi như bầy sói nhảy giữa các nấm mồ. Nhưng hôm nay trời trong sáng, và ta có thể an nghỉ trên những minh sàng và mừng đón tâm tư và mộng mị của ta, và ôm vào lòng những dục vọng. Nắm chặt những ngọn đuốc đang đu đưa quanh ta bằng những ngón tay không run rẩy, ta có thể nói chuyện với quỉ thần minh bạch. Khi bầy hợp xướng thiên thần đi qua, chúng bỗng say sưa tuý luý vì niềm mong đợi trong tim và những khúc thánh ca trong hồn ta.

Ngày hôm qua ta đã, ngày hôm nay ta còn! Đây là di mệnh của nữ thần trong bầy hậu duệ của thần nữ. Di mệnh của người là chi hỡi bầy hậu duệ của viên hầu? Ngươi đã hề bước tới bước nào chưa từ khi ngươi thoát ra từ kẽ nẻ trong lòng đất? Ngươi đã hề nhìn ngắm thiên đàng chưa từ khi Satan mở mắt ngươi ra? Ngươi đã hề nói được một lời nào chưa từ cuốn sách Lẽ Phải từ khi loài rắn độc hôn môi ngươi? Hay ngươi đã hề giây phút nào lắng nghe khúc ca của Đời Sống kể từ khi Thần Chết bịt tai ngươi?

Bảy mươi ngàn năm trước kia ta đã đi qua và thấy ngươi chuyển động như loài côn trùng trong hang động; và bảy phút trước đây ta thoáng nhìn ngươi qua tấm kính pha lê của sổ ta và thấy ngươi bước đi qua những lối đi như bầy nô lệ trong lúc đôi cánh Thần Chết bay lượn trên đầu. Ngày hôm nay ngươi cũng giống như ngày hôm qua; và ngày mai nữa, ngươi sẽ giống như lúc ta ngó thấy ngươi tự thuở ban đầu.

Hôm qua chúng ta đã, hôm nay chúng ta còn! Đây là di mệnh của nữ thần trong bầy hậu duệ của thần nữ; di mệnh của ngươi là chi, hỡi bầy hậu duệ của viên hầu?


Răng sâu

Có lần tôi có một chiếc răng sâu trong miệng. Nó phiền hà tôi vô kể. Ban ngày thì nó ngủ yên. Nhưng cứ vào lúc đêm khuya thanh vắng, khi mà các nha sĩ đi ngủ hết và các hiệu thuốc đóng cửa hết, là nó bắt đầu làm đau.

Một hôm, sốt ruột, tôi bèn đến nha sĩ và bảo ông ta nhổ cái răng khốn nạn nó làm tôi khổ sở và lấy đi mất cái thú ngủ của tôi, biến cái yên lặng của ban đêm thành ra những tiếng rên xiết và la lối.

Vị nha sĩ lắc đầu, nói: “Nhổ răng làm gì, dại lắm, khi mà có thể chữa cho nó khỏi”.

Thế là ông ta bắt đầu khoan phía bên cạnh chiếc răng, rửa sạch các lỗ sâu, và dùng mọi phương tiện để phục hồi nó và làm cho nó khỏi sâu. Lúc khoan xong, ông ta lấy vàng y trám đầy chiếc răng và nói khoe khoang, “Cái răng xấu của ông bây giờ còn khoẻ và vững chắc hơn cả các răng tốt của ông nữa là đằng khác”. Tôi tin lời ông ta và trả tiền rồi ra về.

Nhưng chưa được một tuần, cái răng khốn kiếp đó lại quay trở lại cái tình trạng bệnh hoạn của nó, và sự hành hạ nó gây ra đã làm cho những khúc ca đẹp trong hồn tôi biến thành tiếng kêu gào thảm thiết.

Vì thế tôi đi đến một nha sĩ khác và nói với ông ta, “Ông cứ nhổ phăng cái răng khốn nạn này đi, đừng có hỏi han gì cả, bởi vì người bị roi đánh không có giống người đứng đếm số roi đâu.”

Tuân lời, ông ta bèn nhổ chiếc răng đi. Nhìn nó một hồi, ông ta nói, “Nhổ cái răng thối này đi là phải lắm.”

Trong miệng Xã Hội có nhiều chiếc răng bệnh hoạn, sâu ruỗng đến tận xương hàm. Nhưng Xã Hội chẳng chịu cho nhổ chúng đi và làm cho khỏi đau. Nó chỉ lấy làm hể hả khi được trám vàng. Nhiều vị nha sĩ cũng chữa răng sâu của Xã Hội bằng vàng óng ánh.

Có rất nhiều người chịu xiêu lòng vì những lừa phỉnh của những hạng người cải tạo đó, và đau đớn, bệnh hoạn và sự chết là số phận của họ.

Trong miệng quốc gia Xyri có nhiều chiếc răng thối đen, bẩn thỉu, chúng làm độc và thối hoăng. Các bác sĩ đã cố chữa chạy bằng cách trám vàng thay vì nhổ chúng đi và bệnh sâu vẫn còn.

Một quốc gia có răng sâu ắt sẽ bị đau dạ dày. Nhiều quốc gia mắc phải bệnh khó tiêu như thế.

Nếu anh muốn xem răng sâu của Xyri, anh cứ việc đến thăm viếng các trường học, nơi mà con trai con gái hôm nay đang chuẩn bị để trở thành đàn ông đàn bà của ngày mai.

Hãy đi thăm viếng các toà án và chứng kiến hành vi của những kẻ ban cấp công lý quắt quéo và tham nhũng. Hãy ngắm nhìn cách họ đùa với tư tưởng và trí óc của người dân chất phác như là mèo vờn chuột.

Hãy đi thăm nhà những kẻ giàu có, nơi mà lòng tự phụ, giả dối và giả đạo đức ngự trị.

Rồi đi thăm những vị nha sĩ dẻo tay, có nhiều dụng cụ tinh xảo, thạch cao trám răng và thuốc an thần, suốt ngày trám đầy những lỗ răng sâu của quốc gia để che giấu đi sự hư thối.

Hãy nói chuyện với những con người cải tạo tự kêu bằng giới trí thức của dân tộc Xyri và đứng ra tổ chức xã hội, hội họp, và đọc diễn văn đó. Khi anh nói chuyện với họ, anh sẽ nghe thấy những giọng điệu có lẽ nghe cao siêu hơn cả tiếng mài đá cối xay, và quí phái hơn cả tiếng ễnh ương kêu trong một đêm Tháng Sáu.

Khi anh bảo họ rằng dân tộc Xyri đang nhai nghiền bánh bằng răng sâu và mỗi miếng bánh họ nhai là có pha trộn với nước miếng mang độc, làm lan tràn bệnh hoạn vào dạ dày của dân tộc, thì họ đáp, “Đúng, nhưng chúng tôi đang kiếm chất trám răng tốt hơn và loại thuốc an thần công hiệu hơn.”

Và nếu anh đề nghị với họ “nhổ răng”, thì họ cười vào mặt anh bởi vì anh chưa học gì về cái nghệ thuật nha khoa quí phái đó, nó che giấu bệnh sâu răng đi.

Giá anh cứ năn nỉ cho họ bằng được, thì họ sẽ chuồn đi và tránh mặt anh, tự nghĩ:

“Trên đời này thật là nhiều kẻ lý tưởng, và giấc mơ của họ yếu đuối làm sao.”



[1]A. R. Ferris
[2]Một miền dọc theo vùng duyên hải phía Nam bán đảo Ả-rập (L. N. D.)
[3]Thần thoại Ai-cập, nữ thần phong nhiêu, thường được tượng trưng bằng một người có cặp sừng bò với mặt trời ở giữa. (L.N.D.)
[4]Trong thần thoại dân Semite cổ, nữ thần phong nhiêu và sinh sản. (L.N.D.)
[5]Nhân sự. Trong thần thoại Ai-cập, hình sư tử đầu người. (L.N.D.)
Nguồn: Trầm tưởng (Thoughts And Meditations) của Kahlil Gibran do Đăng Quang dịch, tranh bìa của Nguyên Khai. Nguồn Sáng xuất bản lần thứ nhứt 1970 tại Sài gòn. In tại nhà in riêng của nhà xuất bản, ngoài 3000 bản thường còn in thêm 100 bản đặc biệt trên giấy lụa dành riêng cho người dịch và nhà xuất bản. Người dịch giữ bản quyền. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.