Cuộc
triển lãm lớn về nghệ thuật thị giác mang tên “Come-in” do Viện Goethe Hà Nội và Viện Văn hoá Ðức (ifa) tổ chức vừa diễn ra tại trường Ðại học Mỹ thuật Hà Nội từ ngày 10 tháng 1.2007. Tôi xin trích nguyên văn
lời giới thiệu trong vựng tập của triển lãm:
"Đâu là điểm giới hạn của thiết kế? Đâu là nơi bắt đầu của nghệ thuật? Thiết kế và nghệ thuật có liên hệ gì với nhau? Chúng tách rời nhau ở điểm nào? Chẳng hạn, một bộ ghế ngồi - một đối tượng của thiết kế cổ điển, có thể nhờ sắp đặt mà trở thành nghệ thuật được không? Hoặc khi nào một chiếc đèn bàn là một sản phẩm design thuần tuý và khi nào nó được xem là một tác phẩm nghệ thuật?
Bằng những tác phẩm của mình, 29 nghệ sĩ Đức và 2 nghệ sĩ Việt Nam đã nghiên cứu cái đường ranh giới mỏng manh, rất khó xác định nhưng cũng vô cùng hấp dẫn này giữa nghệ thuật và thiết kế. Kết quả, họ đã cho ra những sản phẩm, phần quái chiêu, phần khó hiểu, phần có tính châm biếm, nhưng cho dù thế nào, chúng cũng thách thức và thúc đẩy cả hai lĩnh vực: nghệ thuật và thiết kế.
Trong lịch sử phát triển, thiết kế luôn hướng tới cái ngôn ngữ hình ảnh, tới sự làm mới và đột những đột phá về phong cách của nghệ thuật và tạo ra các chi tiết mẫu khả dĩ có thể ứng dụng và thoả mãn những chức năng nhất định trong thực tế. Có thể kể ảnh hưởng của Pop Art những năm 60 và 70 vào trang trí nội thất hoặc sự tổng hợp chặt chẽ giữa nghệ thuật, kiến trúc và thiết kế trong trường phái "Bauhaus" là những ví dụ. Tuy vậy, triển lãm lần này của chúng ta lại kể về một quá trình ngược lại: đó là những sáng tạo nghệ thuật được gợi hứng từ các phong cách thiết kế đương đại. Những tác phẩm được trưng bày thể hiện phản ứng của các nghệ sĩ trẻ với nền công nghiệp thiết kế. Đó là những tác phẩm phần nghiêm túc, phần thể hiện sự mỉa mai châm biếm với cái đương đại.
Trên một diện tích hơn 800 m2, triển lãm lần này bao gồm hàng trăm sản phẩm, tác phẩm sắp đặt, tác phẩm video và nhiếp ảnh. Có thể nói, từ đợt triển lãm "Quobo" năm 2003 đến nay, ở Việt Nam chưa hề có một triển lãm quốc tế nào về nghệ thuật tiền phong đương đại có quy mô hoành tráng đến như vậy.
Khai mạc: 10.01.2007, 18h00
Triển lãm: 10.01. - 04.02.2007
Trung tâm Nghệ thuật Việt, 42 Yết Kiêu, Hà Nội
Viện quan hệ văn hóa Đức (ifa) là một tổ chức quốc tế, hoạt động trong lĩnh vực trao đổi nghệ thuật và đối thoại văn hóa. Trọng tâm của ifa là tư vấn và tổ chức các dự án về triển lãm nghệ thuật đương đại Đức, về không gian triển lãm cũng như học bổng cho các nghệ sĩ.
Những năm vừa qua, Viện Goethe Hà Nội đã đưa nhiều triển lãm của ifa tới Việt Nam, trong đó có các triển lãm "Quobo" (2003), "Consciously Simple" (2003) và các triển lãm tranh của Gerhard Richter (2004), Georg Baselitz (2004), Wolfgang Laib (2004) và Sigmar Polke (2005). Năm 2006, ifa đã cùng các Viện Goethe Đông Nam Á thực hiện dự án "artconnexions" với sự tham gia của 9 nghệ sĩ Đức và 9 nghệ sĩ khu vực."
Trong bài này tôi không có ý mô tả toàn bộ cuộc triển lãm, mà muốn bàn về một chuyện buồn của triển lãm. Ðó là việc các tác phẩm của hai nghệ sĩ Việt Nam là Trương Tân và Nguyễn Quang Huy được trưng bày một ngày và hôm sau thì bị công an văn hoá không cho trưng bày tiếp. Mặc dù Viện Goethe đã xin được giấy phép từ Vụ Mỹ thuật của Bộ Văn hoá cho tác phẩm của hai nghệ sĩ Việt Nam này, nhưng theo lời giải thích của Viện Goethe thì công an văn hoá nhất mực không cho trưng bày nữa. Sự việc này hoàn toàn không thể áp dụng lý lẽ để hiểu nổi. Tôi chỉ còn biết thốt lên một câu cho toàn bộ sự việc là: "Nó thế đấy", và làm tôi nhớ lại đã từng nghe lỏm đâu đó, một học giả ở Hà Nội thường có một câu nói khôi hài, mỗi khi không giải thích được những chuyện trái khoáy, cuối cùng ông thường nói: "Ở Việt Nam nó thế đấy".
Về tác phẩm của hai nghệ sĩ Việt Nam nói trên, tôi xin mô tả như sau:
|
|
Nguyễn Quang Huy: "Ngôi đền cùa tình yêu" (2007) |
Nguyễn Quang Huy dùng một con thiên nga đạp nước mua ở hồ Trúc Bạch mà ai đi qua đường Thanh Niên thì thấy, người ta đạp chúng để dạo chơi trên mặt nước thật thanh bình và âu yếm. Anh sơn và vẽ lại con thiên nga này theo cách tô sơn mài truyền thống, với những hoạ tiết như ở đình chùa, rồi đặt lên trên một chiếc kiệu gỗ cổ. Anh đặt tên cho thiên nga là: "Ngôi đền của tình yêu". Kế bên ngôi chùa, anh đặt một màn hình TV, chiếu một đoạn video do anh quay, cảnh đôi tình nhân bên nhau say đắm trên con thiên nga đạp nước tại hồ Trúc Bạch.
Còn Trương Tân thì với tài nghệ may vá, anh làm một bức điêu khắc bằng vải. Ðó là một chiếc Bỉm thay cho tã lót trước kia của các em bé nhưng được phóng với tỷ lệ 1:10 nghĩa là gấp 10 lần kích thước thật. Khi lại gần thì thấy phía trong của chiếc Bỉm được lát bằng một lớp túi áo ngực (138 cái) ngay ngắn và đều đặn. Những túi áo ngực này có kích thước và hình dáng chính xác như thật, được may bằng vải màu vàng nhạt na ná như màu đồng phục của cảnh sát giao thông Việt Nam hiện nay. Nhìn cái túi áo ngực là nhớ ngay ra hình ảnh cái áo mà người ta quen gọi ngày trước là áo đại cán. Khi tôi đến xưởng, nơi anh làm việc, anh cho tôi xem cái áo công an cũ mà anh đã mua ở đường Lê Duẩn, cạnh ga Hàng Cỏ. Những cái túi áo này chính là thủ phạm gây nên việc công an đến và không cho trưng bày, cho dù đã xin được giấy phép từ Vụ Mỹ thuật. Nghe đồn rằng, công an nói đó là hình ảnh túi áo của tấm áo mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày xưa từng mặc. Thì đây tôi cũng chỉ nói lại theo dạng tin đồn, chứ không biết có thực thế hay không và chúng ta cũng chỉ hiểu nó ở dạng tin đồn. Nhưng những túi áo ngực mà Trương Tân dùng làm lớp đệm phía trong của chiếc Bỉm phóng đại này, với riêng tôi thì đúng là giống hệt như ở cái áo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc trong nhiều bức ảnh.
|
Nghệ sĩ Trương Tân và tác phẩm “Bỉm” (2007) |
Tôi luôn khâm phục và ngưỡng mộ các tác phẩm của Trương Tân, nhưng với tác phẩm này tôi quả thực còn phục anh hơn nữa.
Theo như tôi tự kiểm duyệt, thì tác phẩm "Ngôi đền tình yêu" của Nguyễn Quang Huy chẳng có vấn đề gì là phê bình nhà nước, hay khiêu dâm, hay bạo lực, để bị kiểm duyệt. Thế mà cũng bị dẹp luôn. Cũng nhiều người băn khoăn như tôi khi biết chuyện này. Thôi thì đành hiểu là "ở Việt Nam nó thế!" vậy. Người Ðức mời hai nghệ sĩ Việt Nam triển lãm cùng 29 nghệ sĩ Ðức tại Việt Nam, thế mà hai người Việt Nam không được triển lãm. Thế mới đen. Nguyễn Quang Huy nói: “Tôi cảm thấy như bị đàn áp, vì sáng tạo của mình không được triển lãm. Một tác phẩm tôn thờ tình yêu mà cũng bị cấm, tôi không thể hiểu nổi”.
|
|
Tôi muốn tập trung nói về tác phẩm điêu khắc "Bỉm" của Trương Tân. Có lẽ trong rất nhiều tác phẩm nghệ thuật tạo hình mà tôi xem của nghệ sĩ Việt Nam thì "Bỉm" của Trương Tân là tác phẩm hài hước nhất. Với riêng tôi đó là một kiệt tác. Tôi chiêm ngưỡng tác phẩm này mà lòng thấy được an ủi và vinh hạnh biết bao, khi ít ra người Việt Nam đã có tác phẩm ngang tài các tác phẩm lớn trên thế giới. Ðó là nhận xét của tự mình tôi và chỉ tự mình tôi an lòng về điều này chứ thực sự, đến giờ tôi chưa nghe ai nói thế cả. Tuy nhiên người được xem thấy tác phẩm này không nhiều. Tôi nói điều này là vì tôi vẫn luôn âm thầm tin, không lâu nữa nghệ thuật Việt Nam sẽ có vinh dự được sánh vai cùng nghệ thuật các cường quốc năm châu. Tôi cũng không thấy có căn cứ cho niềm tin này, nhưng không hiểu sao tôi cứ tin thế, kể cả nhiều khi tôi mắng mình là thật hão huyền.
Từ "Bỉm", tôi nghĩ là một từ nôm, mà không hiểu nó được gọi như thế từ bao giờ. Nhưng âm thanh của nó thực là chính xác cho cái mà nó được gọi, đến mức không thể diễn tả nổi. Có nhiều cách hài hước, nhưng tôi thường thấy ở Trương Tân cái hài hước hồn nhiên, ngộ nghĩnh và trong trẻo, mà "Bỉm" là một bằng chứng cho vẻ hài hước ấy. Ở Việt Nam bây giờ mỗi khi hài hước là người ta diễn tục, bậy và thô bỉ để gây cười, ai coi "Gặp nhau cuối tuần", một chương trình hài của TV Việt Nam thì biết.
Trương Tân khổ từ nhỏ, nhà nghèo và đông con, anh sinh năm 1963, lớn lên đúng thời kỳ đau khổ nhất của Việt Nam. Nhưng anh yêu vẽ và học giỏi, sau làm giảng viên trường Ðại học Mỹ thuật Hà Nội, sau nữa anh được học bổng của Cité des art - Paris và triển lãm nhiều nơi ở châu Âu, Úc, Mỹ, Nhật… rồi giờ đây anh trở về Việt Nam, sống tại Hà Nội vẫn tại khu phố bên ngoài đê sông Hồng, nơi anh sinh ra và lớn lên.
Ðây không phải lần đầu tiên tác phẩm của anh bị kiểm duyệt khi triển lãm. Trước đây người ta cũng làm như vậy khi anh triển lãm chung với một nghệ sĩ Mỹ năm 1995, tại Hà Nội. Nghệ sĩ Mỹ thì được trưng bày, còn Trương Tân thì không.
Thay vì không được treo tranh, anh đã viết những hàng chữ "xin lỗi" lên giấy dó bằng 3 thứ tiếng Việt, Pháp và Anh, để treo thế chỗ cho những bức tranh. Chuyện này giờ trở thành một giai thoại thiêng liêng cho văn nghệ Việt Nam thời đổi mới. Những bức tranh của anh từ xưởng vẽ di chuyển đến gallery để trưng bày, bằng một phép màu oan nghiệt tự dưng biến ngay thành lời xin lỗi. Lời xin lỗi ấy được viết bằng bút lông, nét chữ của anh chân phương đơn giản và còn có vẻ hơi non nớt, nhưng, những chữ ấy tự dưng lại biến thành bức tranh, bởi phép màu của lòng thành thật. Những từ “xin lỗi” được viết ra đúng khi xã hội đã gần quên mất từ “xin lỗi”, khi mà bầu không khí văn hoá đói khát lời xin lỗi, khi mà lời xin lỗi bị chôn giấu bởi hàng chục năm cuồng tín và hận thù. Khi mà người ta chỉ dạy nhau say sưa với chiến thắng và anh hùng. Tác phẩm "xin lỗi" ấy của Trương Tân đã làm ấm dần lên cõi lòng một số ít đám bọn tôi, khi ấy còn là sinh viên của anh. Từ đó, băng dần tan trong tâm hồn chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu hiểu nghệ thuật.
|
Còn với "Bỉm" lần này anh may những cái túi. Những cái túi nghiêm trang. Những cái túi 60 năm nay đựng những tư tưởng, những tư tưởng trung ương. Những cái túi đựng quyền lực. Những cái túi đựng tiền. Những cái túi đựng hai chiến thắng Pháp và Mỹ, bên ngoài còn treo thêm nhiều huân chương cho đẹp, cho vinh quang. Những cái túi đựng một thiên đường xã hội chủ nghĩa. Những cái túi đựng lời nguyền rủa đế quốc, tư bản và quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh. Những cái túi ấy còn đựng nhiều thứ nữa, nhưng có một thứ mà ngay sau khi "Bỉm" được triển lãm hai ngày, người ta dùng nó để khiêng "Bỉm đi, đó là:
"quyền" không được tự do triển lãm.
Tôi không biết có cách nào để những người cầm quyền ở Việt Nam hiểu cho một điều rằng: văn nghệ sĩ phải được trưng bày, trình chiếu tác phẩm của mình một cách hoàn toàn tự do. Và tự do có nghĩa là tự do. Còn cái lối khôn hết cả phần thiên hạ của người Việt Nam là nói "tự do trong khuôn khổ". Ðó là cái kiểu gì vậy? Cái khuôn là cái khuôn, cái không khuôn là không khuôn. Làm sao lại cho cái không khuôn vào trong khuôn rồi bảo đấy là không khuôn rồi đấy! Tôi muốn giải thích với các nhà cầm quyền là:
Thứ nhất: Chính trị có thể sai, nghệ thuật không có sai. Dù nghệ sĩ làm bất cứ cái gì thì cũng không có sai, chỉ có tác phẩm nhạt nhẽo, hoặc nhàm chán, chứ không có tác phẩm sai. Vì sai, là sai với ai? Nếu đúng là người nghệ sĩ, thì họ không làm tác phẩm để phục vụ cho một chính quyền nào, cho một đảng phái nào hay cho một tổ chức nào. Họ luôn phải là người tự do trong suy tư và tư tưởng hơn bao giờ hết.
Thứ hai: Nghệ sĩ ngày nay làm tác phẩm không phải chỉ nói về cái Đẹp mà cả cái Xấu, không chỉ cái Thiện mà cả cái Ác, điên rồ và thậm chí càn rỡ nữa. Nói vậy nhiều người hoảng hồn, nhưng sự thực là thế đó. Xã hội cần đến luật pháp để giữ cho những điên rồ, cuồng loạn, càn rỡ trong nghệ thuật không bị biến thể, xâm hại tới lãnh vực an ninh dân sự. Ví dụ: nếu là tác phẩm có tính chất bạo lực, hoặc dâm dục, thì người tổ chức triển lãm phải làm đủ các điều kiện cần thiết, như cảnh báo, hoặc cấm người từ độ tuổi nào thì không thể xem, vân vân. Nhà nước và luật pháp chỉ có vai trò đảm bảo cho người muốn xem thì được xem, người muốn trưng bày thì được trưng bày và không lợi dụng, hoặc bị lợi dụng. Còn phẩm chất hay đạo đức của tác phẩm nghệ thuật là do phán quyết của công chúng, báo chí, các nhà chuyên môn. Tác phẩm nghệ thuật cũng được quyền phê phán bất kỳ điều gì, kể cả chính phủ hay lãnh đạo và tôn giáo. Tất nhiên, không được thoá mạ hay mạt sát hoặc kích thích đồi bại vô nhân tính.
Nếu đối tượng bị phê phán thấy phê phán nào đó sai, hoặc bị bóp méo điều gì, thì đối tượng ấy phê phán lại, hoặc lên án, hoặc thanh minh, cũng bằng quyền dân sự mà luật pháp đảm bảo. Khi nghệ thuật phê phán, hay biểu hiện điên rồ, cuồng nộ, càn rỡ, người có tính vội vàng sẽ cho là chúng có hại cho người ta. Nhưng hãy bình tĩnh, vì những sắc thái có tính chất tiêu cực mà nghệ sĩ tư duy và biểu hiện trong tác phẩm là những tìm kiếm, phân tích có ý nghĩa tương đương với các biểu hiện tích cực. Cả hai đều chỉ nhằm một việc, là tìm thấy con người trong con người và trong muôn thuở, là cày xới, mở mang, nới rộng tâm địa con người. Nếu không có nghệ thuật thì tâm địa người ta trở nên thu hẹp lại và cằn cỗi. Nếu nghệ thuật chỉ được biểu hiện mỗi mặt tích cực thôi, thì con người trong nền văn hoá ấy đang phát triển lệch lạc, cũng có thể nói cách khác, là con người tinh thần của xã hội ấy đang mang bệnh. Xét về văn hoá hiện nay ở Việt Nam, tôi nói, con người tinh thần Việt Nam đang mang bệnh. Có bệnh thì chữa bệnh thôi. Và thuốc chữa là: Tự do cho nghệ thuật.
Khi Trương Tân may chiếc Bỉm to lớn này mà công an cấm trưng bày, là động vào đúng chỗ bệnh tật ấy. Nhưng, phản ứng cấm là phản ứng sai. Nghệ thuật không sai nhưng người ta lại cư xử sai với nghệ thuật. Trong các phim chưởng bộ của Tàu rất hay có câu: "Nếu muốn bảo là không có chuyện đó, thì tốt nhất là đừng bao giờ làm chuyện đó". Những chuyện đó đã làm rồi, chẳng qua chỉ là còn giấu trong các túi áo ấy thôi, chứ không thể giấu vào hư vô được. Chúng tôi chỉ muốn xem cái túi áo thôi mà. Xem cái túi áo mà cũng không cho xem! Ðến đây tôi nghĩ: hay là Trương Tân làm tác phẩm khác, làm những chiếc áo ấy, mà không may túi vậy. Hay giá như những chiếc áo đại cán sinh ra trước kia không có túi, thì làm sao Trương Tân có thể làm được tác phẩm này. Ôi những cái túi ngực vô tội, bị xô đẩy đi làm cái nghề che giấu và chứa đựng những sự thật.
Cái Bỉm có phải là thứ bậy bạ không? Với tôi, nó không bậy bạ, vì nếu em bé mà không nhờ công ích của cái Bỉm thì bẩn thật. Người ta khôn khéo để khắc phục sự bẩn kia bằng cái Bỉm. Cái Bỉm cũng có chức năng như cái túi, Những cái túi được lót bên trong một cái giống như túi. Nếu những cái túi ngực tham nhũng, thì có nên đựng trong Bỉm không? Ðảng Cộng sản Việt Nam đã gây biết bao sai lầm, mà ngày nay, như sử gia Dương Trung Quốc nói: "Việt Nam bây giờ mới bắt đầu trở lại quỹ đạo bình thường". Tại sao lại đến bây giờ mới bắt đầu? Chúng ta đã phí hoài bao nhiêu năm, cái lỗi nó không biến mất đi được, nó cũng cần có những cái Bỉm, để chuyển hoá những lỗi lầm và làm sạch dần trở lại. Cho tới mai này khôn lớn, thì thôi không cần đóng Bỉm nữa. Ðảng Cộng sản tới giờ vẫn không nhận lỗi, không phải là Ðảng Cộng sản không có lỗi, mà là Ðảng Cộng sản chưa nhận lỗi. Tôi chẳng thấy hả hê, nếu khi được nghe lời nhận lỗi ấy, tôi chỉ thấy rằng khi nào còn chưa làm được việc ấy, Việt Nam còn chưa trưởng thành. Chưa kể, trong khi trưởng thành có lành mạnh không? Hay bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều méo mó, dị tật, trong văn hoá, do những sai lầm chính trị gây ra. Chưa trưởng thành, thì còn bị người ta bắt nạt, đó là quy luật tự nhiên thôi.
Cũng là một người làm nghệ thuật, tôi thấy rằng, nghệ thuật Việt Nam đang là nô lệ. Nghệ sĩ cũng là nô lệ luôn. Nhưng với riêng tôi, tôi theo tinh thần Phật giáo, nên tôi không đứng lên đấu tranh, phá ách nô lệ như tôi được dạy theo tinh thần của Ðảng, khi còn đi học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Tôi chỉ dám nài xin. Tôi chịu nhục vì thân mình hèn mọn thế và tôi chỉ biết nài xin như thân phận kẻ nô lệ. Nếu không cho, hay chưa cho tôi vẫn cứ phải chịu vậy, nhưng lời nài xin của tôi luôn đợi đó. Tôi xin nhà cầm quyền hãy cho nghệ sĩ được tự do, báo chí, truyền thông và ngôn luận được tự do, hãy bỏ chế độ kiểm duyệt, hãy bỏ chế độ xin phép khi làm triển lãm, hãy học cách làm quản lý văn hoá như một số các nước, ví dụ như Mỹ, Nhật, Ðức, Pháp, Úc,... hay ngay như bên Thái Lan là cũng tốt lắm rồi. Ðừng dùng cái lý lẽ "người ta khác mình khác" để rũ bỏ trách nhiệm. Nếu cái lý lẽ ấy là có lý, thì tại sao đi theo làm cộng sản làm gì? Cộng sản cũng là của người ta mà. Chẳng còn cách gì hơn ngoài cách học người hơn mình cho tới nơi tới chốn.
Khi suy ngẫm về cái "Bỉm" của Trương Tân, tôi thấy quần áo gây biết bao phiền toái cho đời người. Những bộ trang phục che đậy người ta, che đậy để lúc thì không nhận ra nhau, lúc thì lừa nhau, lúc thì chiến tranh với nhau. Ðằng sau những cái túi ngực là trái tim, cách nhau chẳng mấy xa xôi, thế mà hàng chục năm giời muốn tìm trái tim thì chỉ trông thấy cái cúc áo, hoặc tấm huy chương. Hỡi những cái túi ngực anh hùng, hãy đừng che lấp trái tim, hãy ủ ấm trái tim mà thôi.
Tôi vẫn luôn hy vọng và ao ước, cho đến một ngày dưới bầu trời xanh, nghệ sĩ chúng tôi được tự do, hết sợ nhà nước và công an. Nghệ sĩ thực sự là
nhân văn, thoải mái bay bổng làm nên các
giai phẩm. Công an thì chuyên tâm săn bắt cướp, chứ không ngăn chặn rình rập nghệ sĩ. Dưới bầu trời xanh, chính quyền bình đẳng với nghệ sĩ, với nhân dân. Nghệ sĩ cũng có thể yêu chính quyền, công an cũng yêu nghệ thuật. Trời xanh còn cao lắm, còn chờ đón tâm hồn chúng ta thăng hoa, tại sao cứ lẹt đẹt, lết lê dưới mặt đất này đến bao giờ?
Hà Nội tháng 1 năm 2007
© 2007 talawas