© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
1.9.2008
Aleksandr I. Solzhenitsyn
Tầng đầu địa ngục
Hải Triều dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
Tác giả và tác phẩm

Aleksandr I. Solzhenitsyn được thi sĩ Yevgeny Yevtushenko, một nhà thơ trẻ tuổi được ái mộ nhất của văn nghệ Nga Xô gọi là “Nhà văn cổ điển duy nhất của chúng ta…” Ở Nga Xô không có nhà văn nào xứng đáng với danh hiệu trên hơn là tác giả Tầng đầu địa ngục.

Solzhenitsyn ra đời năm 1918. Sau mười một năm sống trong những trại tập trung tù chính trị của chế độ Xô Viết, nơi ông thu thập, ghi nhận những tài liệu sống để viết thành hai tác phẩm Một ngày trong đời của Ivan DenisovichTầng đầu địa ngục, ông sống như một bệnh nhân trong một bệnh viện điều trị bệnh ung thư cho tới năm 1950. Năm 1967, ông công khai lên tiếng chống lại chính sách đàn áp tư tưởng con người của chế độ Xô Viết. Ông từng viết: “Không còn có thể chịu đựng được lâu hơn nữa sự đàn áp tinh thần ấy, nền văn nghệ của chúng ta đã quằn quại dưới sự đàn áp ấy trong nhiều thế hệ. Không ai có thể chặn đường sự thật. Để chiến đấu cho sự thật, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng và chấp nhận cả cái chết”.

Harrison E. Salisbury, một chuyên gia Hoa Kỳ về các vấn đề Nga Xô Xiết, đã ví Aleksandr I. Solzhenitsyn như một Dostoevsky của thời đại mới. Harrison E. Salisbury đã viết về Aleksandr I. Solzhenitsyn và tác phẩm Tầng đầu địa ngục như sau trên tờ New York Times Book Review:

Tầng đầu địa ngục là một tác phẩm mới nối tiếp tập Hồi ký của Dostoevsky. Trong thời gian chế độ Xô Viết ngự trị trên đất Nga chúng ta có một chuỗi dài vô tận những tiết lộ bi thảm về những trại giam tù chính trị ở đó. Giờ đây, vóc dáng to lớn vượt bực của Solzhenitsyn xuất hiện. Cũng giống như Dostoevsky, Solzhenitsyn là một kẻ sống sót, một người trở về từ địa ngục lao tù. Ông từng sống nhiều năm trong tù ngục và lưu vong. Những người đàn ông, đàn bà trong tác phẩm của ông đều là những nhân vật bằng xương, bằng thịt, họ yêu, họ ghét, họ thù, họ thương, họ cười, họ khóc, họ trò chuyện, họ ước mơ. Và bỗng dưng, ta hiểu rằng lao tù, khủng bố, sa đọa và tàn ác chỉ làm trong sạch thêm tinh thần con người. Cuối cùng, không phải tù nhân là những kẻ bị tiêu diệt dù rằng họ có thể bị mất đời sống. Kẻ bị tiêu diệt dù rằng họ có thể bị mất đời sống. Kẻ bị tiêu diệt chính là những tên cai ngục. Bọn đàn áp chính là bọn thất bại. Những nhà độc tài kể tiếp nhau đã cố gắng ngăn chặn ý tưởng tiến đến những lý tưởng nhân bản của các nhà văn Nga trong quá nhiều năm đến nổi giờ đây, ta khó có thể biết chắc sự cố gắng ngăn chặn ấy bắt đầu có từ bao giờ. Nhưng ta biết chắc rằng họ đã thất bại thê thảm. Solzhenitsyn là bằng chứng của sự thất bại ấy.”

Aleksandr I. Solzhenitsyn được giải văn chương Nobel năm 1970. Chính quyền cộng sản Nga ngăn cản không cho ông đi sang Thụy Điển để lãnh giải này. Tầng đầu địa ngục là tác phẩm dài nhất của ông. Tác phẩm này không được xuất bản ở trong nước Nga, tác giả của nó đã phải gửi bản thảo ra ngoại quốc để in. Tầng đầu địa ngục được dịch và ấn hành ở Hoa Kỳ dưới nhan đề The First Circle trong năm 1968. Trong khoảng thời gian năm năm trời nay, The First Circle là quyển tiểu thuyết được nhiều người đọc nhất thế giới.

Hiện nay, Aleksandr I. Solzhenitsyn sống ở ngoại ô Mạc Tư Khoa cùng với gia đình ông gồm một người vợ trẻ và hai đứa con nhỏ. Cộng Đảng Nga mở chiến dịch bôi lọ ông, vu cáo ông và cô lập ông, họ không cho vợ chồng ông làm việc ở bất cứ đâu và gạt ông ra ngoài mọi hoạt động văn nghệ. Nhưng uy tín và giá trị cá nhân của ông đã quá lớn, cho tới nay những người lãnh đạo chế độ Xô Viết ở Nga chỉ cố tình quên ông nhưng chưa dám thẳng tay hãm hại ông.


Nhân vật

1. Và anh là ai?

Đôi kim đồng hồ chỉ bốn giờ năm phút.

Trong ánh sáng hấp hối của một ngày tháng Chạp, mặt đồng của chiếc đồng hồ đặt trên giá trông như có màu đen.

Hai cánh cửa kiếng của khung cửa sổ cao nhìn xuống dãy phố đông đảo, nhộn nhịp bên dưới, nơi những người gác cửa đang dồn những mảnh tuyết nâu lại thành từng đống, tuyết tuy mới rơi nhưng đã ướt và dơ bẩn, những cây cào gỗ đẩy tuyết ngay dưới chân những người qua đường.

Innokenty Volodin, cố vấn Quốc gia đệ nhị, nhìn ngây xuống cảnh đó nhưng không ghi nhận gì hết, chàng đứng dựa vài vào thành cửa sổ, miệng khẽ huýt gió một điệu nhạc mệt mỏi. Những ngón tay chàng lật mở từng từ giấy trắng bóng, in sặc sỡ nhiều màu của một tập san ngoại quốc. Nhưng mắt chàng cũng không nhìn thấy những hình ảnh in trên những trang báo đó.

Cố vấn Quốc gia đệ nhị hạng Innokenty Volodin, chức vụ này của chàng trong ngành ngoại giao tương đương với cấp Trung tá trong quân đội, là một thanh niên cao và mảnh mai. Không bận đồng phục và bận bộ y phục may bằng một thứ hàng len dệt, trông chàng có vẻ là một công tử hào hoa hơn là một viên chức trung cấp trong Bộ Ngoại giao.

Bây giờ đã đến lúc chàng phải bật đèn trong văn phòng nếu chàng muốn ở lại làm việc ngoài giờ, nhưng chàng không bật đèn, hoặc rời văn phòng để về nhà. Chàng cũng không để lộ vẻ gì là sửa soạn ra về.

Bốn giờ chiều không có nghĩa là giờ làm việc trong ngày đã hết, bốn giờ chiều chỉ có nghĩa là ánh sáng của một ngày đã tắt, hoặc mờ đi, vào giờ nay tất cả mọi người đều về nhà ăn bữa tối để rồi bắt đầu từ mười giờ đêm, cả ngàn khung cửa sổ của sáu mươi nhăm cơ quan chính phủ ở Mạc Tư Khoa lại sáng đèn. Chỉ có một người, một người mà thôi, sống ở giữa khoảng một tá tường thành ở Mạc Tư Khoa, không ngủ được ban đêm, và người này đã làm cho tất cả những viên chức chính phủ lớn nhỏ ở Mạc Tư Khoa cũng phải thức với y cho tới ba, bốn giờ sáng. Vì đã biết rõ thói quen thức đêm của Vị Chúa Tể, đêm nào cũng vậy, khoảng ba mươi ông Tổng trưởng ngồi như những chú học trò được gọi đến tên. Để cho khỏi buồn ngủ, những ông Tổng trưởng này hành hạ những ông phụ tá, những ông phụ tá hành hạ những ông trưởng phòng và những nhân viên phụ trách lưu trữ hồ sơ vất vả leo lên những bậc thang mở những ô kéo tìm những tấm phiếu lý lịch hồ sơ, trong hành lang có những viên thư ký hấp tấp đi lại và trong văn phòng có những viên thư ký hồi hộp làm gãy những ngọn viết chì.

Và ngay cả hôm nay nữa, đêm nay là đêm Giáng sinh Tây phương, từ hai ngày nay tất cả những Tòa đại sứ ở Mạc Tư Khoa đều đóng cửa, tê cứng trong cái lạnh đêm cuối năm, trong những Tòa đại sứ ấy tất cả những máy điện thoại đều ngừng reo chuông, và ngay trong phút này, nhân viên của những Tòa đại sứ ấy chắc là đang thoải mái ngồi chung quanh những cây Giáng sinh, trong những cơ quan chính phủ này người ta vẫn làm việc. Nhiều người ngồi đánh cờ, nhiều người ngồi khảo chuyện phiếm, nhiều người khác nữa ngủ gật – nhưng đêm nay, người ta vẫn là làm việc.

Những ngón tay bối rối, hơi run của Volodin lơ đãng lật nhanh những trang tập san. Suốt trong thời gian đó cảm giác sợ hãi dâng lên trong chàng, nó bốc lên như lửa một lúc rồi tàn đi và sau cùng, đông lại.

Từ ngày còn thơ ấu, Innokenty đã biết bác sĩ Dobroumov, chàng vẫn nhớ rõ hình ảnh của ông từ ngày đó cho đến bây giờ. Thời ấy bác sĩ Dobroumov hãy còn là một ông thầy thuốc rất thường, danh tiếng ông chưa nổi sáng và người ta chưa cử ông cầm đầu những phái đoàn đi ra ngoại quốc. Thời ấy, chưa ai coi ông là khoa học gia, ông chỉ là một ông thầy thuốc đi chữa bệnh tận nhà. Mẹ của Innokenty thường đau yếu luôn và lần nào có bệnh bà cũng mời đến bác sĩ Dobroumov. Bà tin ở tài ăng và kinh nghiệm của ông. Mỗi lần ông đến nhà và treo cái mũ da của ông lên mắc dsau cánh cửa, cả nhà như tràn dầy một làn không khí dễ chịu bình yên, tin tưởng. Không lần nào ông ngồi lại dưới nửa tiếng đồng hồ bên cạnh giường người bệnh. Ông hỏi về tất cả những khó chịu, những đau đớn của người bệnh, như những chuyện đó làm cho ông hài lòng, ông xem mắt, xem lưỡi, nghe ngực người bệnh và sau đó ông giải thích cho người bệnh nghe về phương pháp điều trị mà ông áp dụng cho người bệnh. Khi đi ra khỏi nhà, lần nào đi ngang trước mặt chú nhỏ ông cũng dừng lại để hỏi một câu, chú nhỏ sẽ nói ra một câu thông minh. Trong những ngày xa xưa đó, ông bác sĩ đã có mái tóc bạc xám. Bây giờ không biết ông ra sao?

Innokenty liệng tập bào xuống bàn và thần kinh chàng căng thẳng, bối rối, khó nghĩ, chàng đi đi lại lại trong phòng.

Chàng có nên gọi điện thoại hay không?

Nếu vụ này liên can đến những bác sĩ mà chàng không đích thân quen biết, Innokenty sẽ không phải bận trí suy nghĩ đến hai lần về việc nên hay không báo cho người trong cuộc biết. Nhưng người trong cuộc lại là bác sĩ Dobroumov!

Có thể có cách nào làm người ta nhận ra được giọng của một người qua ống điện thoại nếu người nói nói thật nhanh, gác máy và đi ngay khỏi chỗ đặt máy điện thoại? Họ có thể nhận ra tiếng nói của một người qua điện thoại không? Chắc là họ chưa có kỹ thuật nào dùng vào việc này.

Chàng đi trở lại bàn giấy của chàng. Trong bóng tối của ngày đông tàn chàng vẫn nhìn thấy rõ tập chỉ thị mật về công tác mới mà chàng sắp phải làm. Chàng sẽ đi trước ngày đầu Năm mới, vào thứ Tư hay thứ Năm gì đó.

Nếu chàng đợi thì hợp lý hơn. Chàng cũng sẽ khôn ngoan hơn nếu chàng đợi.

Trời ơi! Hai vai chàng rung động trong một cái rùng mình, vai chàng chưa bao giờ bị đè nặng như thế này. Nếu chàng đừng biết gì hết về vụ này, chàng sẽ đỡ khổ biết là chừng nào. Nếu chàng đừng biết…

Chàng cầm tập chỉ thị và tất cả những giấy tờ trên bàn đem đến cất vào trong tủ sắt.

Nhưng… Làm sao người ta lại có thể kết tội bác sĩ Dobroumov chỉ vì lời hứa đó của ông? Lời hứa đó chỉ biểu lộ tấm lòng quảng đại của một người có tài. Tài năng là một cái gì bao giờ cũng biểu lộ ra ngoài bất kể người có tài muốn biểu lộ hay không, người có tài và có lòng tốt bao giờ cũng sốt sắng chia sẻ tài năng của mình cho người khác.

Cảm giác bối rối, khó xử trong Innokenty tăng lên, mạnh hơn. Chàng đứng tựa vai vào thành tủ sắt, đầu cúi xuống, hai mắt nhắm lại. Chàng đứng như thế ở đó một lúc khá lâu.

Rồi đột ngột, như chàng vừa để cơ hội tốt cuối cùng trôi qua, không gọi điện thoại xuống nhà để xe để người ta mang xe hơi của chàng ra trước cửa, không kịp cả đậy nắp lọ mực trên bàn, Innokenty đi vội ra khỏi văn phòng. Chàng khóa cửa và đưa chìa khó cho người hạ sĩ trực ngồi ở cuối hành lang, bận áo khoác ngoài và bước nhanh xuống thang lầu. Chàng đi như chạy ra khỏi tòa nhà, len lỏi giữa đám nhân viên bận những chiếc áo thêu vàng, cầu vai vàng, nẹp vàng. Và chàng chạy vào vùng trời hoàng hôn bên ngoài, chàng thấy dễ chịu hơn nhờ sự hoạt động này.

Đôi giày da bóng theo kiểu Pháp của chàng súc vào những tảng tuyết ướt bẩn.

Đi ngang đài kỷ niệm Vorosky trong sân trước của Bộ Ngoại giao, Innokenty nhìn lên và không thể ngăn được rùng mình. Chàng cảm thấy tòa nhà mới xây cất ở đường Bolshaya Bubyanka đối diện với công viên Furkasovsky có một ý nghĩa mới đối với chàng. Tòa nhà trắng xám chín tầng kia giống như mười tám khẩu đại bác. Cô đơn và yếu đuối, Innokenty bị cuốn hút qua công viên nhỏ tới dưới đầu chiến hạm khổng lồ ấy.

Chàng quay đi, như để tự cứu – chàng rẽ tay phải, đi xuống đường Kuznestsky Most. Ở đầu đường này, ngay khúc quanh, một chiếc tắc xi sắp rời khỏi vỉa hè. Innokenty vào xe và bảo tài xế chạy theo đường Kuznestsky Most rồi quẹo trái để vào con đường Petrvka vừa mới sáng đèn đường.

Chàng vẫn còn do dự – chàng nghĩ đến chuyện chàng có thể gọi điện thoại ở đâu để khỏi bị người đứng chờ đến lượt bên ngoài gõ gõ lên cửa kiếng phòng điện thoại thúc dục chàng nói mau và nhường chỗ. Nhưng nếu chàng đi tìm một phòng điện thoại công cộng ở một chỗ vắng vẻ, ít người, chàng sẽ còn dễ bị nghi ngờ nhiều nữa. Có lẽ chàng nên đến một phòng điện thoại ở một khu thật đông người, miễn là phòng điện thoại đó đứng sát vào một bức tường. Rồi chàng nghĩ ra rằng chàng không nên đi lang thang vô định trong thành phố trong chiếc tắc xi này, nếu có chuyện gì xảy ra, người tài xế này sẽ là một người làm chứng. Chàng thò tay vào túi áo tìm một đồng mười lăm kopeck.

Bỗng dưng tâm trí chàng an định gần như hoàn toàn. Tất cả những đe dọa dường như vừa trở thành không đáng kể nữa. Chỉ trong vài giây đồng hồ ngắn ngủi, Innokenty bỗng thấy tâm hồn bình thản như chàng chưa từng bao giờ sợ hãi, chưa từng bao giờ do dự trước việc làm này. Vì chàng vừa nhận ra rằng chàng không sao làm khác được. Việc này có thể nguy hiểm, nhưng chàng vẫn phải làm…

Nếu người ta cẩn thận quá, nếu người ta đề phòng quá, người ta có thể nào còn là người được không?

Dưới ánh những ngọn đèn đường Okhotny Ryad những ngón tay chàng tìm thấy trong túi áo hai đồng mười lăm kopeck – một dấu hiệu tốt!

Xe chạy ngang trường Đại học và Innokenty ra hiệu cho người tài xế rẽ sang tay phải. Xe chạy nhanh về đường Arbat. Innokenty trả tiền cho tài xế và không đợi lấy lại tiền lẻ, chàng đi ngang công trường. Chàng cố giữ cho chân bước từ từ và đều đều.

Khu Arbat cũng đã sáng đèn. Từng dãy khán giả sắp hàng trước cửa rạp hát bóng chờ vào coi phim Tình nàng vũ nữ. Chữ “M” màu đỏ trên cửa xuống trạm xe điện ngầm mờ nhạt và gần như chìm mất trong làn sương xám. Một người đàn bà ăn bận giống một thiếu phụ Bô-hê-miêng đứng bán những cành hoa mimosa màu vàng.

Cố gắng làm việc này thật nhanh. Nói ít thôi, càng ngắn càng tối – cắt máy ngay. Càng nhanh chừng nào nguy hiểm càng ít chừng ấy.

Innokenty đi thẳng về phía trước mặt. Một thiếu nữ qua đường nghiêng mặt nhìn chàng.

Rồi một thiếu nữ khác.

Một phòng điện thoại công cộng vách gỗ ở trước cửa xuống trạm xe điện ngầm không có người bên trong nhưng Innokenty đi ngang không nhìn vào, chàng đi thẳng vào trong nhà trạm.

Trong này có bốn phòng điện thoại, tất cả bốn phòng đều sát vách – nhưng trong cả bốn phòng đều có người. Innokenty dừng lại. Ở trong phòng đầu tiên bên trái người thanh niên đứng bên trong đã mắc ông nói lên máy. Thanh niên này vừa ra, Innokenty bước vội vào, chàng cẩn thận đóng cánh cửa kiếng dày lại, một tay giữ cửa, tay kia chàng run run nhét đồng tiền vào máy và quay số. Hai tay chàng vẫn còn mang bao tay.

Sau nhiều tiếng chuống reo dài, máy nói ở đầu dây bên kia được một người nào đó nhấc lên.

“Tôi nghe…”

Một giọng nói đàn bà vang lên, giọng nói không có vẻ vui nhưng cũng không có vẻ khó chịu.

“Đây có phải là nhà riêng của bác sĩ Dobroumov?”

Innokenty hỏi, chàng cố gắng làm cho giọng nó của chàng đổi khác đi.

“Dạ phải.”

“Làm ơn cho mời bác sĩ cho tôi nói chuyện.”

“Anh là ai? Anh là ai mà muốn nói chuyện với bác sĩ?”

Giọng nói của người đàn bà hơi nặng và lười biếng. Rất có thể chị ta đang nằm dài trên đi văng trong khi trả lời chàng, chị ta không vội vã như chàng.

“… Thưa cô… cô không biết tôi là ai đâu. Việc tôi là ai không quan trọng… nhưng mà… tôi có chuyện cần nói với bác sĩ gấp. Thật mà… Mời bác sĩ tới ngay giùm tôi.”

Quá nhiều lời thừa thãi, vô ích – Innokenty hồi hộp nghĩ thầm tất cả chỉ vì chàng lịch sự, lễ phép quá.

Giọng nói của người đàn bà bắt đầu có những âm thanh bất mãn:

“Bác sĩ đâu có thể mất thì giờ nói chuyện với bất cứ ai gọi điện thoại đến…”

Giọng nói của thị làm cho Innokenty nghĩ rằng thị có thể gác ngay ống nói sau khi nói câu đó.

Bên ngoài khung cửa kiếng dầy, người ta qua lại tấp nập, người ta dừng lại chờ nhau, người ta bước vội cho kịp nhau. Có người đã dừng chờ đến lượt vào gọi điện thoại ở bên cửa.

“Anh là ai? Tại sao anh lại không xưng tên?”

“Tôi là một người bạn của bác sĩ. Tôi có chuyện quan trọng cần nói với bác sĩ.”

“Thì sao? Sao anh lại sợ không dám cho tôi biết tên?”

Đã đến lúc chàng nên cắt đứt cuộc điện đàm lẩm cẩm, vô ích này. Người ta không có quyền lấy những chị đàn bà ngu ngốc này làm vợ.

“Cô là ai? Phải cô là vợ của bác sĩ không?”

"Tại sao tôi phải trả lời anh trước?" – Người đàn bà phản đối – "anh phải nói trước…"

Bàn tay cầm ống nói của Innokenty đã giơ lên với ý định là gác máy không nói nữa. Nhưng trong vụ này, không phải chỉ có một mình bác sĩ Dobroumov là bị liên can. Cơn giận trong Innokenty dâng lên và chàng không còn để ý tới chuyện làm thay đổi giọng nói nữa, chàng cũng không còn cố nén hồi hộp, cố giữ bình tĩnh để giọng nói của chàng giống giọng nói của một người chỉ gọi đến để nói một chuyện rất thường. Chàng gằn lên vào ống nói, vừa năn nỉ vừa giục dã:

“Cô nghe tôi… Này cô… Tôi phải báo cho bác sĩ biết một chuyện nguy hiểm.”

“Nguy hiểm?”

Giọng nói của người đàn bà trầm xuống, rồi tắt đi. Nhưng chàng vẫn không nghe thấy tiếng thị gọi ai đến máy. Rồi giọng thị lại cất cao:

“Nếu vậy, tôi lại càng không nên gọi ông ấy tới. Chuyện gì là chuyện nguy hiểm? Biết đâu anh chẳng bày đặt? Làm sao tôi biết được là anh nói thật hay nói dối?”

Sàn phong điện thoại như có lửa bốc lên đốt hai chân Innokenty và ống nói đen có dây xích sắt buộc vào dàn máy như trơn tuột trong lòng bàn tay chàng.

“Nghe tôi nè… Cô phải nghe tôi…” Chàng kêu lên trong tuyệt vọng. “Lần xuất ngoại vừa rồi, khi ông bác sĩ ở Paris, ông ấy có hứa với những bác sĩ Pháp là ổng sẽ cho họ một thứ gì đó. Một thứ thuốc mới. Trong vài ngày nữa ổng sẽ đưa cho họ thứ thuốc ấy. Họ là người ngoại quốc. Cô hiểu gì không?”

“Ông ấy không có quyền cho người ngoại quốc bất cứ thứ gì… Ông sẽ bị…”

Một tiếng cách vang lên và Innokenty đứng chết lặng với ống nói áp trên tai.

Một kẻ nào đó đã cắt đứt đường dây.


2. Ý tưởng của Dante [1]

“Mới tới!”

“Họ đưa tới nhiều người mới!”

Những tù nhân đứng chật hành lang chính. Những người mới đến đứng giữa và những người cư ngụ trước trong nhà tù Mavrino, trong số có những người vừa ăn xong trong lượt tù ăn đầu, những người đi tới để vào phòng ăn, đứng vây quanh họ.

“Từ đâu đến đó các đồng chí?”

“Các bạn, ở đâu đến vậy?”

“Trên ngực áo, trên mũ của các bạn có cái gì vậy? Họ dán cái gì vào đây vậy?”

“Số của bọn tôi đó” – một tù nhân mới tới đáp – “Trên lưng áo chúng tôi cũng có số, cả trên hai đầu gối quần nữa này. Khi chúng tôi đi, họ xé hết những miếng vải ghi số đó đi thành ra quần áo có vết…”

“Bạn nói chi? Số là cái gì?"

"Thưa quý vị" – Valentine Pryanchikov cao giọng nói – "tôi xin phép được đặt câu hỏi này trước quý vị: Chúng ta hiện đang sống trong thời đại gì?"

Anh quay lại hỏi Lev Rubin, người bạn tù của anh:

"Ghi số trên con người. Lev Grigovich… Cho phép tôi được hỏi anh. Anh có thể cho như vậy là tiến bộ được không?"

"Thôi mà Valentulya, đừng có nặng phần trình diễn" – Rubin nói – "Đi vào ăn cho xong đi."

"Nhưng làm sao tôi có thể ăn uống được khi quanh tôi còn có những con người bị ghi số lên áo, lên mũ? Đây là thời Mạt thế mất rồi."

"Các bạn" – một tù nhân khác của Mavrino nói – "Họ sẽ phát cho bọn mình mỗi người chín gói Belomor vào cuối tháng Chạp này. Các bạn mới đến như vậy là hên lắm ạ."

"Bạn nói thuốc lá Belomor – Yavas hay là thuốc Belomor – Dukats?"

"Mỗi thứ một nửa.”

“Dã man thật. Họ định giết mình vì thúc Dukats. Tôi sẽ khiếu nại việc này với đồng chí Tổng trưởng cho mà coi. Tôi thề danh dự với các bạn là tôi sẽ khiếu nại.”

“Còn các bạn, các bạn bận quần áo gì thế này?” – Người tù mới tới hồi nãy giải thích về những vết vải khác màu trên y phục họ lên tiếng – “Tại sao bạn nào ở đây cũng bận đồ như lính nhảy dù vậy?”

“Đây là đồng phục mà tất cả anh em trong này phải bận. Bây giờ họ bắt đầu hà tiện với anh em mình rồi. Trước kia họ vẫn phát quần áo len, có cả áo ngoài.”

Thêm nhiều tù nhân Mavrino nữa bước vào hành lang.

“Kìa… anh em mới."

"Có nhiều anh em mới tới."

"Thôi mà các bạn. Các bạn làm như chưa từng nhìn thấy tù mới bao giờ vậy. Đứng nghẹt hết đường đi…"

"Ô kìa… Phải anh là Dof-Dneprovsky không? Đúng rồi. Mấy năm nay anh ở đâu? Năm 45, tôi đi khắp Vienna [2] tìm anh. Tìm khắp không thấy."

"Bạn nào cũng rách rưới, râu ria. Không được cạo râu à? Các bạn từ trại tập trung nào đến đây vậy?"

"Nhiều nơi lắm. Anh em tôi ở Rechlag…”

"Chúng tôi ở Dubrovlag…"

"Tôi ở đù đã tám năm rồi sao tôi chưa từng bao giờ nghe nói đến hai trại đó kìa?"

"Trại mới cả, trại đặc biệt. Mới có từ năm ngoái, năm 48, theo chỉ thị của Staline: kiện toàn hậu phương…"

"Hậu phương? Hậu phương nào mới được chứ?"

"Chẳng biết. Chỉ biết là tôi bị họ bắt ngay trước cửa vào nhà thờ Đức Bà Vienna – Họ nắm cổ tôi, tống tôi lên xe cây…”

“Chờ chút, Mitenka… Xem anh em mới tới nói gì."

"Không, đi ra sân, đi bộ sau bữa ăn. Đi ra ngoài trời một lúc. Theo đúng thời khắc biểu. Dù có động đất cũng đi. Lev sẽ hỏi họ rồi kể lại cho chúng mình nghe, đừng sợ."

"Đội thứ hai vào ăn."

"Chúng tôi đến từ Ozerlag, Luglag, Steplag, Peshanlag."

"Rất có thể là một nhà thơ lớn nào đó có tâm hồn thơ mộng như Puskhin chưa được ai biết đến ở trong bộ An ninh. Nhà thơ lớn chưa được đời biết này không thèm làm những câu thơ dài, nhưng chọn toàn những cái tên đẹp đặt cho trại tập trung. Thấy không?"

"Ha… ha… Ha. Hay lắm. Thật hay" – Pryanchikov nói – "Xin hỏi quý vị chúng ta đang sống trong thời đại gì?"

"Đừng làm ồn ào, Velentulya.”

“Xin lỗi” – một tù nhân mới hỏi Rubin – “Tên bạn là gì?”

“Lev Grigorich.”

“Bạn cũng là kỹ sư?"

"Thưa không, tôi không phải là kỹ sư, tôi là nhà ngôn ngữ học."

"Ngôn ngữ học? Người ta giữ cả những nhà ngôn ngữ học ở đây sao?"

"Có lẽ bạn nên hỏi những ai không bị giữ trong nhà tù này thì dễ trả lời hơn" – Rubin nói – "ở đây chúng tôi có những toán học, vật lý học, bào chế sư, kỹ sư vô tuyến, quang tuyến, kỹ sư điện, chuyên viên điện thoại, nghệ sĩ, dịch giả, kiến trúc sư, thợ đóng sách, thợ đóng giày, thợ may, họa sĩ, trắc lượng viên, có cả bác sĩ đỡ đẻ nữa."

"Bác sĩ đỡ đẻ làm gì trong này?"

"Ổng xoay xở khéo lắm. Hiện ông làm việc trong Phòng phim ảnh."

"Lev… Anh vẫn nhận anh là nhà duy vật nhưng anh chuyên nói với người khác những chuyện duy tâm" – Valêntin Pryanchikov nói – "Các bạn mới đến nên nghe lời tôi: Khi họ cho các bạn vào phòng ăn, chúng tôi sẽ để sẵn cho các bạn ba mươi đĩa thức ăn ở cái bàn cuối cùng gần cửa sổ. Các bạn tha hồ ăn, ăn cho no, nhưng nhớ đừng ăn quá mà bội thực ạ."

"Cám ơn lắm. Nhưng… các bạn chẳng nên nhường phần ăn cho bọn tôi.”

"Không đâu. Tại tụi tui chán ngấy mấy món ấy rồi. Thời buổi này mà còn ăn cá mòi Mezen với bánh bột kiều mạch kê nữa. Hai món đó ăn thường quá.”

"Cái chi? Bạn cho bánh bộ kiều mạch kê là tầm thường ư? Năm năm rồi tôi chưa từng được trông thấy mặt mũi cái bánh ấy ra thế nào.”

“Chắc không phải là bột kiều mạch đâu, dám là bột bắp lắm à.”

“Bột bắp? Bạn điên hay sao mà nói vậy? Họ đâu dám cho bọn mình ăn bột bắp. Nếu là bột bắp, tôi sẽ nứm vào mặt họ.”

“Vấn đề ăn uống trong những trại tạm trú hồi này ra sao?”

“Ở trại tạm trú Chelyabinsk…”

“Chelyabinsk mới hay Chelyabinsk cũ?”

“Câu hỏi của bạn chứng tỏ bạn là người hiểu biết nhiều. Ở trại mới…”

“Ở đó hồi này ra sao? Họ có còn cấm các bạn không được dùng bồn rửa mặt mà phải xách nước từng bô, rửa xong đem đi đổ ngay không?”

“Vẫn vậy.”

“Các bạn vừa nói nhà tù này là nhà tù đặc biệt. Như thế nào là đặc biệt?” [3]

“Ở đây mỗi người được phát bao nhiêu bánh mì?”

“Những gì chưa ăn, vào đi. Toán thứ hai vào phòng ăn.”

“Bánh mì trắng – ba trăm gờ ram, bánh mì đen thì tùy tiện.”

“Xin lỗi, bạn nói tùy tiện nghĩa là sao?”

“Tùy tiện nghĩa là tha hồ ăn. Bánh cắt sẵn để trên bàn, bạn thích ăn thì lấy ăn, không thích thì thôi.”

“Đúng vậy, nhưng nếu muốn có bơ và gói thuốc Belomor, chúng ta phải làm việc gãy lưng mỗi ngày từ mười hai đến mười bốn tiếng.”

“Làm gì mà gãy lưng? Ở đây không có ai phải làm việc đến gãy lưng cả, nhất là anh, vì anh ngồi ở bàn làm việc. Người gãy lưng là người làm việc với một cái rìu.”

“Mẹ kiếp. Hơn gì đâu? Mình ngồi trong nhà này đâu có khác gì mình ở giữa vùng sa mạc hay đồng lầy – mình cũng bị xa cách với cuộc đời như thế. Các bạn nghe tôi nói đây: họ khoe họ đã tận diệt được bọn ăn trộm và móc túi, ở bất cứ thành phố nào, bạn không còn sợ bị móc túi nữa. Tôi nghĩ rằng nghề móc túi sở dĩ bị diệt là bởi vì đâu có ai còn gì trong túi để mà móc.”

“Phần bơ phát cho giáo sư, kỹ sư ở đây là ba mươi gờ ram, phần bơ phát cho chuyên viên là hai mươi gờ ram. Các bạn thấy không? Làm tùy khả năng hưởng tủy… người ta cho bao nhiêu biết từng ấy.”

“Như vậy là bạn từng làm việc ở Dneprostroi?”

“Phải. Và tôi bị tù vì xưởng Dneprosgres.”

“Bạn nói vậy là sao?"

"Dễ hiểu quá. Vì tôi bán xưởng đó cho bọn Đức."

"Bán gì nổi? Xưởng đó bị bom tan tành hết mà?"

"Thì tôi bán xưởng đó cho bọn Đức với tình trạng tan tành đó chứ sao."

"Tuyệt diệu. Như một trận gió. Tôi như cánh lá bay theo gió. Này nhé… Vô trại tạm trú, lên xe Stolypin. Xe chạy bon bon trên đường thiên lý. Vô trại tạm trú nghỉ. Sáng sau lại lên xe đi. Du lịch như ông hoàng… Ước gì xe chạy thẳng đến công trường Đỏ…"

"Rồi lại chạy trở về…"

"Bạn nói phải. Rồi lại chạy trở về. Và lần trở về, chắc chắn là xe chạy nhanh hơn."

Một người tù mới đến nói với Rubin:

"Lev Grigorich… đầu óc tôi quay cuồng vì sự thay đổi đột ngột này. Tôi đã sống năm mươi hai năm rồi, tôi đã đau nặng gần chết và thoát chết mấy lần, tôi từng được ôm trong tay nhiều người đàn bà đẹp, tôi có vợ, tôi có con, tôi từng được trao tặng nhiều giải thưởng khoa học, nhưng thực tình là tôi chưa bao giờ sung sướng như ngày hôm nay. Hôm nay tôi được đưa đến đây. Sáng sớm mai họ sẽ kinh phí bắt tôi ra làm việc ngoài đầm nước lạnh giá nữa. Tôi được hưởng mỗi ngày ba mươi gờ ram bơ tươi. Tôi được ăn bánh mì đen tha hồ ăn no, ăn chán thì thôi. Ở đây họ không cấm tôi đọc sách. Ở đây tôi được quyền cạo râu. Ở đây lính không đánh tù như đánh loài vật. Trời ơi, hôm nay là ngày gì? Sao ánh sáng ở đây trong đến thế? Hay là tôi đã chết? Hay là tôi đang nằm mơ? Có thể tôi đang ở Thiên đàng chăng?”

“Không đâu ông bạn ơi” – Rubin nói – “ông bạn vẫn sống ở một nơi giống như nơi ông bạn vừa ở, tức là ở Địa ngục. Nhưng ông bạn vừa leo lên được tầng địa ngục cao nhất, tầng địa ngục sướng nhất, tức là tầng địa ngục đầu tiên. Ông bạn vừa hỏi nhà tù đặc biệt này có những gì đặc biệt, tôi xin trả lời ông bạn rằng người có khái niệm đầu tiên về loại nhà tù này là Dante. Ông bạn nhớ rằng thi hào Dante đã vò đầu, bứt tai đến rụng hết cả tóc về vấn đề ông không biết nên cho những nhà thông thái đã chết ở vào chỗ nào dưới địa ngục. Theo tín lý Gia Tô giáo, bổn phận của những tín đồ Gia Tô là phải tống khứ bọn vô đạo xuống địa ngục, những nhà thông thái đời xưa cũng là bọn vô đạo, nhưng lương tâm của nhà đại thi hào không nỡ bắt những nhà thông thái đó phải ở chung một chỗ với bọn phạm đủ thứ tội lỗi và cũng phải chịu những hình phạt như bọn người tội lỗi đó, nên Dante nghĩ ra một nơi đặc biệt dành riêng cho những người hiểu biết ở dưới địa ngục. Vẫn là địa ngục nhưng được ở một tầng riêng. Nếu các bạn cho phép, tôi xin trưng bằng chứng. Ở Ca khúc thứ tư có những câu:

Sau cùng
chúng tôi tới chân tòa thành vĩ đại.

Chỉ cần một chút tưởng tượng các bạn sẽ thấy đây là tòa thành!

… với bảy lần tường cao vút bao quanh và một dòng suối chảy bên ngoài tất cả.

Các bạn tới đây trong những chiếc xe Maria Đen [4] nên các bạn chưa nhìn thấy rõ cảnh vật quanh đây.

… Tôi nhìn thấy bốn Hiện Diện rất mạnh đi tới những Hiện Diện không vui, không ^^ buồn.

Những linh hồn nào mà sự hiểu biết soi sáng bước đi cả ở Địa ngục kia…?” [5]

“Thôi, đủ rồi Lev Grigorich, anh thi sĩ quá” – Valentine Pryanchikov nói – “Tôi có thể giải thích cho ông bạn đây hiểu về nhà tù đặc biệt này rõ ràng hơn anh nhiều. Bạn chỉ cần nhớ lại một bài đăng báo trong đó có câu: “Kinh nghiệm cho ta thấy ta lấy được len nhiều hay ít ở lưng cừu chính là do việc ta nuôi cừu và săn sóc cừu”.


3. Một lễ giáng sinh Cơ đốc

Cây Nô en của họ là một cành thông cắm vào một cái khe trên cái bục gỗ. Một dây bóng đèn nhỏ, ánh sáng yếu ớt được quấn hai vòng quanh thân cây, đầu dây cắm vào bình điện nhỏ đặt dưới sàn.

Cây Nô en được đặt trong một góc phòng, giữa hai dãy giường từng, một tấm nệm giường được dựng lên để che ánh ngọn đèn điện trên trần và chiếu vào đó.

Sáu người đàn ông bận những bộ quần áo binh sĩ Nhảy dù dầy, màu xanh đậm, đứng xúm xít quanh cây Nô en tí hon. Họ chụm đầu vào nhau và cúi mặt yên lặng. Max Richman, một người trong bọn họ, đọc khẽ bàn kinh cầu nguyện đêm Giáng sinh của đạo Cơ đốc.

Không còn ai khác ngoài sáu người này trong căn phòng rộng chỉ có những chiếc giường hai tầng đứng xếp hàng. Tất cả đều là giường sắt. Sau bữa ăn tối và một giờ đồng hồ đi bộ ngoài sân, mọi người đều đi làm việc đêm.

Max đọc xong bài kinh và sáu người cùng ngồi xuống. Năm người trong bọn họ đang ngẩn ngơ vì tâm hồn dạt dào những kỷ niệm vừa dịu ngọt vừa cay đắng về quê hương họ – những Đức mến yêu, những Đức trật tự của họ, ở đó dưới những mái nhà lợp ngói đá đen, cuộc lễ đêm nay được cọi là lễ quan trọng nhất trong năm, cuộc lễ được cử hành ở đó trong không khí thiêng liêng, tin tưởng vui vẻ và ấm cúng biết là chừng nào. Người thứ sáu trong bọn họ là một người đàn ông vóc dáng lực lưỡng với một bộ râu quai nón đen nhánh như những nhà tiên tri trong Thánh Kinh – tên anh là Lev Rubin, anh là người Do Thái và anh là một đảng viên Cộng sản.

Số mệnh của Lev Rubin liên hệ nhiều đến nước Đức cả trong thời chiến và thời bình.

Trong thời bình, anh là một nhà ngôn ngữ học chuyên về Đức ngữ, anh có thể nói tiếng Đức thông thạo không sai một âm thanh, đôi khi cầ đến anh còn có thể nói được cả những thổ ngữ của miền núi nước Đức. Anh có thể nói đến bất cứ một văn thi sĩ người Đức có tác phẩm xuất bản như nói đến một người bạn quen. Anh có thể tả cảnh những thị trấn nhỏ nhất hai bên dòng sống Rhin như anh từng sống ở những nơi đó nhiều năm.

Nhưng thực ra, Lev Rubin chỉ mới đặt chân lên đất Áo – rồi từ đó anh lên mặt trận.

Trong trận đại chiến thế giới, anh là một thiếu tá Sô Viết trong đoàn đặc biệt mệnh danh là “Lực lượng phá hoại tinh thần chiến đấu của binh sĩ địch”. Anh tới những trại giam tù binh tuyển chọn những tù binh Đức nào chịu giúp anh thi hành công tác. Anh đem những tù binh này ra khỏi trại giam, anh huấn luyện và cấp cho họ những vật dụng cần thiết. Vài người trong bọn này vượt được những chiến tuyến bằng những bộ quân phục giả, phù hiệu giả, căn cước quân nhân giả, giấy tờ giải ngũ giả và những bánh thuốc nổ TNT thật. Họ đặt thuốc nổ phá hoại những cây cầu ở sau lưng quân Đức Quốc xã và tìm đường về nhà để sống cho đến ngày họ bị bắt. Với nhiều người khác, Lev Rubin thảo luận về Goethe và Schiller và những tờ truyền đơn tuyên truyền, sau đó anh cho những người này lên những chiếc xe phóng thanh đi ra mặt trận dùng loa kêu gọi những chiến hữu của họ hãy quay súng bắn lại Hitler. Với một số ít người khác, anh vượt qua mặt trận, và chỉ dùng lời thuyết phục, anh chiếm được nhiều cứ điểm của quân Đức, cứu được nhiều tiểu đoàn Xô Viết.

Nhưng Lev Rubin không thể thuyết phục được những người lính Đức nếu anh không trở thành một người như họ, nếu anh không yêu thương họ chân thành, và bắt đầu ngày quân Đức bại trận, anh không thể không thương hại họ. Chỉ vì việc sau cùng này, anh bị bắt. Sau cuộc tấn công tháng Giêng năm 1945, anh bị kết tội phản bội, vì anh đã chống lại chiến dịch trả thù “máu trả máu, chết trả chết” do Hồng quân Xô Viết phát động trên đất Đức chiến bại.

Lời kết tội đúng, Lev Rubin không hề nói là anh oan. Xong sự thật phức tạp hơn, tế nhị hơn, rắc rối hơn nhiều những gì được đăng tải trên các báo hồi đó và ghi trong bản án kết tội anh.

Hai chiếc bàn nhỏ được kê sát vào nhau cạnh cây Nô en làm thành bàn ăn. Họ bắt đầu thưởng thức món đồ hộp mua được từ những Hợp tác xã thực phẩm – (tù nhân ở những nhà tù đặc biệt được quyền gửi mua thức ăn ở những tiệm bán thực phẩm ở Mạc Tư Khoa nếu họ có tiền) – Sau đó họ chia sẻ nhau chiếc bánh Nô en do họ làm lấy và cà phê lạnh. Cuộc nói chuyện bình thường của những cuộc họp mặt anh em nổi lên. Max hướng dẫn cuộc nói chuyện về những đề tài hòa bình: những phong tục, tập quán xưa cũ, những câu chuyện cảm động về đêm Giáng sinh. Alfred, mang kiếng trắng, một sinh viên không được học hết khoa vật lý ở Vienna, nói chuyện rất vui với giọng nói người Áo của anh. Gustav, một đoàn viên đoàn Thanh niên Hitler, bị bắt một tuần lễ sau ngày chiến tranh kết liễu, một thanh niên còn quá trẻ, má bầu, tai hồng, ngồi mở lớn cặp mắt xanh nhạt nhìn cây Nô en, không dám tham dự vào cuộc nói chuyện của các bậc tiền bối.

Tuy vậy, cuộc nói chuyện rồi cũng quay về với chiến tranh. Một người trong bọn nhớ lại lễ Giáng sinh năm 1944 năm năm trước đêm nay, khi tất cả những người Đức đều kiêu hãnh vì trận tấn công ở miền rừng núi Ardennes, y như những chuyện đã xảy ra thời thượng cổ, trong trận tấn công này, kẻ thua đuổi theo kẻ thắng. Họ nhớ lại trong đêm Giáng sinh năm ấy, toàn thể nước Đức đã lắng nghe tiếng nói của Goebbels.

Rubin, những ngón tay rứt nhẹ những sợi trổ ra ngoài bộ râu đen nhánh của anh, công nhận chuyện này. Anh nhớ rõ bài diễn văn đêm Giáng sinh năm xưa của Goebbels nói với một sự xúc động sâu xa như y đích thân gánh chịu tất cả gánh nặng đang làm cho nước Đức gục ngã. Có thể trong đêm đó Goebbels đã có linh tiánh biết trước cái chết của riêng y.

Reinhold Zimmel, cựu Quận trưởng SS, vì quá cao nên phải ngồi khom lưng để đầu khỏi chạm thành giường, bất mãn vì câu nói lịch sử của Rubin. Y không thể chịu nổi việc gã Do Thái kia dám lên tiếng phê bình Goebbels. Y không bao giờ thèm ngồi chung bàn với gã Do Thái đó nhưng đêm nay là đêm Giáng sinh, nếu y không chịu thì y sẽ không được dự cuộc họp mặt với đồng bào của y. Y không bằng lòng những bốn người Đức kia quyết định phải mời Rubin đến dự cho bằng được. Vì với nhóm người Đức nhỏ xíu lạc lõng, chìm mất vì số mệnh trong nhà tù này, người duy nhất có thể hiểu được họ là viên Thiếu tá của cái quân đội đã đánh bại quân đội họ, người đã sống qua cuộc chiến với việc gieo rắc nghi ngờ và phá hoại quanh họ. Chỉ có người này mới có thể giải thích cho họ biết những phong tục, tập quán của giống người xa lạ ở đây, chỉ cho họ cách xử sự như thế nào là đúng và dịch cho họ những tin tức thế giới từ tiếng Nga sang tiếng Đức cho họ nghe.

Với mục đích nói ra một câu gì đó làm cho Rubin phải khó chịu đến tối đa, Zimmel nói rằng Đức quốc thời đó có cả trăm diễn giả tuyệt vời như Goebbels và y vẫn lấy làm lạ không hiểu tại sao những người Bôn Sơ Vích chỉ thích đọc những bài diễn văn đã được viết trước và được cấp trên chấp thuận cho đọc.

Đúng như ý muốn của Zimmel, lời nhận xét có tính cách chê bai này làm cho Rubin khó chịu, anh càng khó chịu hơn khi thấy sự chê bai đó đúng. Nhưng anh không thể giải thích những lý do lịch sử của việc ấy với tên sát nhân này. Rubin ghê tởm Zimmel. Cảm giác ghê tởm vẫn mạnh như ngày đầu. Anh nhớ lại lần đầu tiên anh nhìn thấy y đến đây từ khám đường Butyrshkaya trong chiếc áo da đã rạn hãy còn dấu vết huy hiệu SS thường dân – bọn SS thường dân là bọn tàn ác, dã man nhất hạng. Ngay cả nhà tù và những năm tù đày vẫn không xóa được những nét tàn ác trên mặt Zimmel. Dấu hiệu riêng của những tên hành hạ người đã được đóng xâu trên bộ mặt ấy. Sự có mặt của Zimmel trong bữa ăn này làm cho Rubin mất vui nhưng nhóm người Đức lẻ loi này khẩn khoản mời anh đến dự, và anh thương hại họ cô đơn và lạc lõng ở đây, anh thấy anh không thể nào làm cho ngày lễ của họ trở thành đen tối vì sự từ chối của anh.

Nén giận, Rubin nói bằng tiếng Đức lời khuyên của Pushkin [6] cho một số người: Đừng đưa ra lời xét đoán, nào cao hơn mũi giầy của mình.

Max, hoảng hốt và vội vàng dẹp sự mâu thuẫn đang nhen nhúm như ngọn lửa sắp bốc lên. Max là người, dưới dự hướng dẫn của Lev Rubin, đã đọc được từng vần thơ của Puskhin bằng tiếng Nga. Tại sao, Max hỏi, Reinhold lại không ăn bánh với bơ? Và Lev Rubin ở đây trong ngày Giáng sinh năm 1944?

Reinhold phết một chút bơ lên miếng bánh và Lev Rubin nhớ lại rằng ngày Giáng sinh năm ấy anh ở trong một pháo đài trên chiến tuyến Narew gần Rozan.

Và trong lúc năm người đàn ông Đức tưởng nhớ, mơ về những Đức bị giày xéo, chia xẻ, tan nánt của họ với những màu sắc rực rỡ nhất do tưởng tượng của họ đắp lên đó, Rubin đột ngột nhớ lại tuyến đầu Narew và những khu rừng ẩm ướt quanh hồ Ilmen.

Ánh đèn xanh đỏ trên cây Nô en sáng lên trong mắt của sáu người ngồi dưới gốc cây.

Sau đó, Rubin được hỏi về những tin tức mới. Anh cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng vì những sự kiện xảy ra trong tháng Chạp này ở trên đất Nga cũng như trên khắp trái đất. Nhưng anh vẫn không sao có thể xử sự như một kẻ không phải là người Cộng sản và từ bỏ hy vọng truyền bá chủ nghĩa cho những người này. Xong, anh vẫn không sao có thể giải thích cho họ hiểu được rằng trong chế độ xã hội phức tạp này sự thật nhiều khi tiến diễn theo đường lối quanh co và biến dạng. Vì vậy anh tuyển lựa cho họ – cũng như anh từng tuyển lựa cho chính anh – những sự kiện nào có tính cách chứng tỏ chủ nghĩa xã hội sẽ thắng, anh quên đi những sự kiện nào trái với điều ấy, kể cả những sự kiện làm cho người ta khó hiểu.

Nhưng trong tháng Chạp đặc biệt này, ngoài cuộc hội thảo Nga Xô Viết – Trung Hoa cộng sản vẫn kéo dài và ngày kỷ niệm sinh nhật thứ bảy mươi của vị Lãnh đạo Nhân dân, không còn sự kiện gì đáng để nói cả. Thực ra còn có nhiều chuyện có thể nói về vụ xử án Traicho Kostov, nhưng nếu nói đến vụ xử này, anh sẽ bắt buộc phải kể rằng đó là một trò hề sống sượng, vụng về, rằng những phóng viên nhà báo đến dự phiên tòa xử đã được, sau một chậm trễ khó hiểu nhiều tiếng đồng hồ, phát một bản thú tội giả mạo nói rằng do chính tay Kostov viét trong khám tử tội – những chuyện này làm cho Rubin cảm thấy nhục và anh thấy rõ là chúng không thể có lợi cho việc tuyên truyền chủ nghĩa.

Do đó Rubin chỉ nói với họ về những chiến thắng lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Hoa.

Max chăm chú nghe Rubin nói. Thỉnh thoảng y lại gật đầu tỏ vẻ đồng ý, tán thành. Đôi mắt nâu nhìn trái ô liu của Max biểu lộ sự tin tưởng ngây thơ. Trước đây Max hoàn toàn tin tưởng và trung thành với Rubin, nhưng từ ngày xảy ra cuộc phong tỏa Bá Linh, y bắt đầu nghi ngờ về sự đứng đắn của những nguồn tin Rubin vẫn liều mạng sống để nghe trộm những bản tin của hai đài phát thanh BBC và Colonge phát đi bằng tiếng Đức bằng một cái máy thâu thanh tí hon do chính tay y chế tạo bí mật. Mỗi ngày Max đều ráp cái máy thâu thanh này, nghe tin xong lại tháo rời ra từng bộ phận cất đi dù rằng đó là một cái máy thâu thanh. Với cái máy này không những Max chỉ biết rõ rằng Traicho Kostov đã lên tiếng tố cáo ở giữa tòa việc mình bị bắt buộc phải ký vào những bản thú tội viết sẵn trong những kế hoạch của Liên minh Bắc Đại Tây dương và những tin tức kinh tế của Tây Đức. Tất nhiên là Mã đều nói lại tất cả những tin tức này cho những người Đức ở tù với anh cùng biết.

Tuy vậy, tất cả năm người vẫn chăm chú nghe Rubin với những vẻ mặt tin tưởng.

Bây giờ Rubin thấy rằng đã đến lúc anh nên từ biệt họ. Đêm nay cũng như mọi đêm, anh vẫn phải đi làm việc đêm. Rubin thốt ra vài câu ca ngợi cái bánh ngon và chàng sinh viên Vienna, người tạo ra cái bánh, sung sướng nhận lời khen ngợi. Sau đó Rubin xin kiếu từ. Năm người Đức giữ anh lại theo phép lịch sự trước khi để anh đi. Sau khi Rubin đi khỏi phòng, họ chuẩn bị nho nhỏ những bài ca Giáng sinh.

Lev Rubin đi ra hành lang, tay ôm một quyển từ điển Mông Cổ – Phần Lan và một quyển tiểu thuyết của Hemingway bằng tiếng Anh.

Hành lang rộng, đường đi lát bằng những phiến gỗ lớn, hai bên vách không có cửa sổ và ở đây đèn điện được thắp suốt đêm. Cũng trong hành lang này trước đây hơn một tiếng đồng hồ, Rubin cùng nhiều tù nhân cũ đứng xúm xít hỏi chuyện những tù nhân mới đến. Một cánh cửa từ chân thang lầu mở ra hành lang này, tiếp đó là nhiều cánh cửa phòng khác.

Cửa phòng và cửa xà lim. Được gọi là phòng vì cánh cửa không có khóa, bị gọi là xà lim vì tên cánh cửa có lỗ lắp kiếng để lính canh có thể đứng ngoài hành lang nhìn vào bên trong. Bọn lính canh ở đây ít khi dùng đến những lỗ nhìn này nhưng người ta vẫn cứ cho đục chúng trên những cánh cửa như trong một nhà tù thực sự theo đúng quy chế nhà tù, vì trên giấy tờ chính thức, nơi này vẫn được gọi là “nhà tù đặc biệt”…

Qua một lỗ nhìn một cánh cửa đó, đêm nay người đi qua hành lang có thể nhìn thấy một cuộc lễ Giáng sinh nữa. Đó là cuộc lễ của nhóm tù nhân Latvia, nhóm người này cũng xin được phép nghỉ làm việc đêm nay để hành lễ.

Tất cả những tù nhân khác đều đi làm việc. Nghĩ đến chuyện này Rubin hơi lo lắng rằng anh có thể bị đưa tới Thiếu tà Shikin để giải thích về sự vắng mặt của anh.

Hai đầu hành lang là hai cánh cửa lớn. Một cửa hai cánh gỗ dẫn vào một nơi trước kia, khi tòa nhà này còn là một giáo đường miền quê chưa bị biến thành nhà giam, là tầng lầu ở trên bàn thờ. Nơi này bây giờ trở thành phòng giam người. Cửa thứ hai bọc sắt kín từ trên xuống dưới, có lính canh và người đứng ngoài không thể tự mở ra để bước vào. Tù nhân gọi cửa này là “Cửa thánh”…

Rubin đi tới trước cánh cửa bọc sắt đó và gõ nhẹ lên khung cửa sổ nhỏ trên đó. Bên trong, khuôn mặt chăm chú, bất động của người lính canh hiện ra sau mặt kiếng.

Chìa khóa xoay nhẹ trong ổ khóa. Người lính này là một ông dễ tính và điều này là một may mắn cho Rubin. Người lính này có thể không cho anh vào phòng làm việc vì đã quá giờ và đưa anh tới gặp thiếu tá Shikin.

Rubin đi lên thang lầu. Hai đường thang làm thành một vòng cung và gặp nhau ở tầng trên. Anh rảo bước dưới cây đèn đồng cổ lỗ đã từ lâu rồi không còn xài được nữa và tới đẩy cánh cửa phòng nghiên cứu đề hàng chữ: ÁM THÍNH.



[1]Dante, đại thi hào của Ý quốc và cũng là một đại thi hào của nhân loại. Ông sống ở Ý quốc giữa hai thế kỷ XIII-XIV. Tên họ của ông là Alighieri Dante, sinh năm 1265, mất năm 1321. Ông viết tập truyện thơ bất hủ La Divine Comédie. Trong tập này ông tả cảnh địa ngục và cảnh con người đau khổ dưới địa ngục. Ông mô tả địa ngục có nhiều tầng. Tác phẩm Tầng đầu địa ngục lấy ý từ La Divine Comédie của Dante.
[2]Vienna, thủ đô Áo quốc. Năm 1945, Hồng quân Nga tiến đánh quân Đức Quốc xã ở đây. Lời nói này có nghĩa là tù nhân nói câu đó từng chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân Nga.
[3]Trong truyện này, Nhà tù là nhà tù Mavrino được tác giả gọi là “sharaskha”. Đó là một tòa nhà lớn ở vùng ngoại ô thành phố cho dễ đi lại được chính quyền cộng sản Nga làm thành nhà tù, trong nhà này chứa những tù nhân kỹ sư, chuyên viên, những người này bị bắt buộc phải làm việc theo khả năng chuyên môn của họ. Đời sống vật chất của họ đỡ khổ hơn ở những nhà tù chính. Vì chỉ có Nga Xô mới có loại nhà tù này nên tiếng Anh không có danh từ tương đương. Bản dịch tiếng Anh vẫn giữ nguyên danh từ “Sharaskha”.
[4]Tù nhân gọi những chiếc xe chuyên chở tù sơn đen, kín mít là xe Maria Đen.
[5]Những câu thơ này được trích trong chuyện thơ dài The Divine Comedy của thi hào Dante
[6]Alexandr Sergeyevitch Pushkin, thi sĩ Nga nổi tiếng, sinh 1799, mất 1837.
Nguồn: Tác phẩm viết bằng tiếng Nga của Aleksandr I. Solzhenitsyn, giải Văn chÆ°Æ¡ng Nobel 1970 do Nhà Harper và Row dịch và ấn hành lần thứ nhất năm 1968 ở Hoa Kỳ dÆ°á»›i nhan đề tiếng Anh The First Circle. Bản dịch tiếng Anh của Thomas P. Whitney. Bản Việt văn của Hải Triều dịch theo bản tiếng Anh của Thomas P. Whitney do Nhà xuất bản Đất Má»›i ấn hành lần thứ nhất Sài Gòn, Việt Nam, 1973. Nhà xuất bản Đất Má»›i giữ bản quyền. KD. Số 2137/PTUDV ngày 15-5-1973. Giá 900Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.