Aleksandr I. Solzhenitsyn
"Nó vào loại toa có cân ghi
Tám ngựa hay mười bốn người thường dùng trong thời nội chiến ấy".
"Vậy là toa mười sáu tấn rồi. Ông nhớ là không có lính hộ tống hả?"
"Hình như không có thì phải".
Từ buồng bên cô Valia gọi vọng sang:
"Vassily!"
Có tiếng cô nói tiếp vào điện thoại:
"Đây là sở chuyến hàng quân đội!"
Rồi cô cao giọng gọi tiếp:
"Trung uý có muốn nói chuyện với Đại uý không?"
"Không biết tôi có nên nói chuyện với Đại uý không. Có thể hàng hoá ấy không phải là hàng hoá của nhà binh".
"Trung uý có muốn em tìm xem việc này ra sao không?"
"Valia, xin cô vui lòng tìm xem sao nhé. Có thể số chăn ấy chỉ là hàng tạm chuyển đi nơi khác thôi, ai biết được? Bảo họ xoát xét lại số hàng ấy cho thật kỹ lưỡng, lập bản kê khai rõ ràng, rồi niêm phong lại, cô chịu khó để ý xem mọi công việc ấy có được đầy đủ không nhé".
"Được Vassily, trung uý cứ để em làm".
"Cảm ơn cô Valia hết sức, cảm ơn lắm nhé, cô thật là tháo vát quá!"
Valia mỉm cười với chàng, mái tóc quăn xoã xuống mặt:
"A lô! Michurinsk-Uraisky…?"
Zotov đóng cửa lại, chàng vẫn còn xúc động lắm, chàng đi đi lại trong phòng riêng, hai nắm tay chàng đấm đấm vào nhau Chàng hậm hực:
"Ta không thể nào giải quyết hết mọi việc được, thế mà họ không cho thêm mình một người phụ giúp nào cả! Số chăn ấy có thể bị người ta ăn cắp mất hết. Chắc có một số bị mất rồi cũng nên!"
Chàng cứ đi lại trong phòng một hồi lâu, rồi sau mới lại ngồi xuống ghế. Chàng bỏ kính đem mắt ra, lau lại mặt kính bằng miếng nỉ. Cặp kính bỏ ra khiến cho gương mặt đầy ưu tư suy nghĩ vì công việc của chàng lập tức trở thành như mặt con nít, gương mặt ấy nay chỉ còn có chiếc mũ lưỡi trai màu xanh che chở.
Iveritinov vẫn lặng lẽ kiên nhẫn ngồi đợi… Ông ta rầu rĩ nhìn lên bức chân dung Kaganovich bận bộ đồng phục với huy hiệu hỏa xa cao nhất; rồi ánh mắt ông ta hết nhìn bức chân dung lại lơ đãng quay sang nhìn các lò sưởi, hết lò sưởi lại đến thúng đầy than và cuối cùng là nhìn cái xẻng.
Trong căn phòng quá nóng này, chiếc áo khoác đầy bụi than bẩn thỉu của ông ta quả thật là khó chịu, Iveritinov liền tuột chiếc áo khỏi vai, khăn quàng cổ bằng len cũng cởi ra nốt.
Ông Trung uý lại đeo cặp kính lên mắt, đoạn lại cuối xuống đọc lại tờ lộ trình thư. Phải thật thà mà nói rằng mảnh giấy này không thể coi được là một tài liệu nói rõ lý lịch của người mang nó, mà nó chỉ thuộc về người ấy qua lời nói của họ mà thôi. Lời nói ấy, lại có thể là nói sai, cũng có thế là nói đúng. Zotov nhận được các chỉ thị nói là phải hết sức cẩn thận đối với những người bị tập trung, nhất là đối với những người đi một mình chứ không đi chung với một đoàn một nhóm nào. Iveritinov không thể chứng minh được rõ ràng rằng ông ta lỡ chuyến tầu ở Pavelet thì sao? Và trong khoảng thời gian ấy ông có thể đã đi Mạc Tư Khoa, hoặc nơi nào khác mà ông được cử tới.
Mặt khác, sự kiện ông ta đã tới được Krechetovka mau đến như vậy là một điều may cho ông ta.
Nhưng ai là người dám quả quyết lời ông ta nói về chuyến tầu ông ta đi đến đây là đúng thật? ai dám chắc lời ông ta nói là đúng!
"Như thế mà trên đoạn đường tới đây, ông được thoải mái ấm cúng lắm phải không?"
"Dạ phải, tôi mong là sẽ lại được đi với những điều kiện như vậy".
"Thế tại sao ông lại bỏ con tàu ấy?"
"Để trình cho ông biết. Trở lại Tyazhsk, tôi được lệnh là khi nào tới đây tôi phải trình ngay cho sĩ quan vận chuyển biết".
Tất cả những nét trên khuôn mặt Iveritinov đều lớn; trán cao, rộng, lông mày rậm và lớn, mũi dài lớn. Cằm và má lởm chởm râu ria màu xám đen.
"Làm cách nào ông biết được đây là Krechetovka?"
"Trong toa tầu ấy có mấy người xứ Georgia ngủ cạnh tôi, họ nói cho tôi biết".
"Người xứ Georgia? Y là nhà binh? Cấp bực ra sao?"
"Tôi không biết. Ông ta đắp chăn kín cả chỉ có đầu là ở ngoài chăn thôi".
Trong câu trả lời của Iveritinov đượm giọng buồn. Càng nói, điệu buồn càng thêm nữa, như thế càng nói ông ta càng bị mất thêm một cái gì.
Zotov đẩy tờ lộ trình thư sang một bên, hỏi:
"Thôi bây giờ ông cho tôi biết, ông còn những giấy tờ gì khác nào?"
Iveritinov mỉm cười buồn:
"Tôi không có giấy tờ gì khác cả. Tôi lấy giấy tờ ở đâu được?"
"Tôi hiểu. Ông bảo ông không còn giấy tờ gì khác nữa phải không?"
"Khi chúng tôi bị quân Đức bao vây, chúng tôi đã phải huỷ hết các giấy tờ đi rồi".
"Nhưng sau đấy, khi ông trở lại lãnh thổ Xô Viết, chắc chắn người ta phải cấp cho ông chứng thư lý lịch nào chứ?"
"Họ không cấp gì cả. Họ chỉ lập một bản danh sách, chia chúng tôi ra từng nhóm mỗi nhóm bốn mươi người rồi gửi chúng tôi đi".
Sự việc như vậy là đúng. Khi mỗi người còn ở trong toán, thì là một phần tử trong số bốn mươi người và không có bất cứ một lý lịch riêng tư nào.
Nhưng Zotov muốn có một vài bằng chứng cụ thể nào đấy cho cái bản năng cảm tình của mình đối với người đàn ông có phong độ vững vàng và vẻ mặt nghiêm trang này.
"Không có giấy tờ gì… Trong các túi quần ông có sót lại mảnh giấy nhỏ nào không, mảnh giấy gì cũng được?"
"Không… Chỉ có vài cái ảnh. Ảnh gia đình…"
"Cho tôi xem!"
Dù rằng lời nói của Zotov có ý nghĩa là yêu cầu, xin được xem các tấm ảnh ấy chứ không phải là một mệnh lệnh, nhưng Iveritinov cũng khẽ cau mày. Ông ta mỉm nụ cười, vẫn nụ cười như lúc nẫy, có vẻ hơi lúng túng rồi lấy cũng ở trong túi áo ấy (túi bên kia mất khuy cài, ông ta không dùng) một gói giấy mầu vàng cam ra. Ông ta mở gói giấy trên đầu gối lấy ra hai bức ảnh, ngắm nghía, rồi đứng dậy đưa hai cái ảnh ấy cho Trung uý, ghế ông ta sát ngay bàn giấy lẽ ra ông ta không cần phải đứng lên cũng đưa được hai cái ảnh ấy cho Zotov. Zotov cúi người về phía trước cầm lầy, rồi ngắm nghía. Iveritinov vẫn giữ gói giấy vàng cam trên đầu gối, cũng cố nghển cổ đứng nhìn hai cái ảnh trong tay Zotov.
Một cái ảnh chụp cảnh một ngôi vườn nhỏ trong một ngày trời nắng – chắc phải là một ngày đầu xuân, vì cây cối lá mọc còn rất nhỏ và có thể trông qua được cả một lùm cây – có một cô gái trạc mười bốn tuổi mặc chiếc áo có sọc thưa thắt lại ở chỗ ngang thắt lưng. Cổ cô bé gầy, cao vươn lên khỏi cổ áo, mặt cô bé hơi cúi xuống gầy gò, không có vẻ gì là xúc động lúc ấy cả, nhưng lại làm cho ta có cảm tưởng là cô bé vừa rùng mình. Hình ảnh có một cái gì non nớt, chụp vội quả không diễn tả được điều gì, không có vẻ gì là thân mật trong bức ảnh cả.
Zotov thấy thích cô bé ở trong ảnh lắm. Môi chàng trễ xuống. Chàng hỏi một cách thật thản nhiên:
"Cô bé này tên chi?"
Iveritinov lúc ấy đã ngồi xuống ghế, hai mắt ông ta nhắm lại. Ông ta đáp bằng cái giọng vẫn trầm tĩnh, bây giờ có lẽ càng trầm tĩnh hơn nữa:
"Lala".
Đáp xong, ông ta mở bừng mắt, chữa vội lại:
"Không phải, tên nó là Irina".
"Ảnh này chụp hồi nào?"
"Năm nay".
"Ở chỗ nào đây?"
"Ngoại ô Mạc Tư Khoa".
Nửa năm trời! Một nửa năm trời đã trôi qua kể từ khi ấy đến nay, hồi ông ta nói: "Sẵn sàng, Lala, chụp này!" và bấm… Và từ đấy, hàng ngàn hàng vạn họng súng gầm thét, tung hàng triệu giọt đất đen vọt lên trời, khiến cho hàng triệu người quay cuồng trong cái trò chạy quanh bi thảm, những con người chân không từ Lithuanie chạy đi, những người chạy trốn bằng xe lửa từ Irkutsk đi nơi khác… Và đêm nay, một đêm lẫn lộn cả tuyết phủ, mưa rơi, lất phất tuyết xuống nơi nhà ga xe lửa với những chuyến tầu đợi khởi hành này, nơi những con người đi lang thang vơ vẩn suốt cả ngày cho đến bây giờ thì nằm lăn ra sàn ngủ mê mệt, làm sao có thể tin được rằng cảnh ngôi vườn này, cô gái nhỏ này, bộ áo sọc này, tất cả lại còn có thể tồn tại ở một nơi nào đấy trên thế gian này?
Tấm ảnh kia chụp một người đàn bà và một cậu bé ngồi trên một chiếc trường kỷ, cả hai đang xem một cuốn sách hình thật lớn. Hình dáng người mẹ gầy gầy, có những nét thanh nhã, vóc có vẻ cao, trong khi ấy thì thằng bé phải vào khoảng bẩy tuổi lại có gương mặt thật rắn rỏi, thằng bé không nhìn vào quyển ảnh mà lại nhìn mẹ nó, vẻ mặt thằng bé rất sáng sủa, dường như nó đang chú hết tinh thần nghe mẹ nó giảng giải về những hình ảnh. Hai mắt thằng bé rất lớn, giống như cặp mắt mẹ nó.
Nhìn chung, tất cả mọi người trong cái gia đình này hình như là những người được chụp có lựa chọn, có mục đích gì. Chính Zotov cũng chưa bao giờ được biết một gia đình nào như gia đình này, nhưng trong ký ức nhỏ bé xa xôi nào đấy của chàng còn mơ hồ ghi lại một vài chi tiết còn sót lại trong Viện triển lãm Tretyakov, từ một sân khấu, hay từ những câu chuyện tiểu thuyết nào, những thứ ấy có mô tả về cuộc sống như cuộc sống trong bức ảnh này của gia đình. Bỗng chàng cảm thấy như từ hai tấm ảnh này thoáng hiện ra luồng văn hoá và dễ chịu.
Vừa trả lại Iveritinov hai bức ảnh, chàng vừa hỏi:
"Ông có vẻ nực. Sao ông không bỏ hẳn áo ngoài ra?"
"Tôi xin phép".
Rồi ông ta cởi áo, chiếc áo bẩn thỉu. Rồi ông ta lúng túng không biết mắc cái áo vào đâu. Zotov giơ tay chỉ về phía ghế trường kỷ:
"Ông để trên ghế ấy".
Bây giờ thì có thể thấy được bộ quần áo mặc mùa hè thật luộm thuộm nghèo nàn của ông ta: tất cả các khuy trên áo ông ta đều mỗi thứ một cái, chẳng cái nào giống cái nào. Zotov lại nhận thấy Iveritinov rất vụng về về cách quấn xà cạp – có vòng thì chặt quá, có vòng lỏng quá tuột cả xuống. Nhìn chung, thì nhân vật này có vẻ khôi hài với cái đầu to tướng mầu xám.
Ngay từ đầu khi giọng nói của Iveritinov, Zotov không ngớt cảm thấy thích cái giọng nói êm đềm ấy. Chàng hỏi, giọng có vẻ kính trọng:
"Thế còn ông, ông làm nghề gì?"
Iveritinov vừa gói mấy cái ảnh lại, vừa buồn rầu đáp:
"Tôi là kịch sĩ".
Zotov kêu lên ngạc nhiên:
"Thế hả! Tôi lấy làm lạ sao tôi lại không nhận ra nhỉ. Quả thật ông trông giống một kịch sĩ thật!"
(Bây giờ thật ra trông ông ta chẳng có chút gì là một kịch sĩ cả).
"Tôi đoán ông là một kịch sĩ trong đoàn "Huy chương" phải không?"
[1]
"Không phải".
"Thế ông diễn ở đâu?"
"Tại Sân khấu Kịch nghệ Mạc Tư Khoa".
"Tôi chỉ mới được tới Mạc Tư Khoa có một lần. Tôi có viếng thăm Sân khấu Nghệ thuật. Nhưng tôi thường xem diễn tại sân khấu Ivanov. Ông có bao giờ diễn ở sân khấu Ivanov không?"
"Không, tôi chưa bao giờ diễn ở đấy".
"Phải, bên ngoài thì chẳng thấy gì. Nhưng bên trong thì mới thật là vĩ đại nhỉ! Tôi rất thích đi xem diễn kịch. Tôi thấy xem kịch không còn là để giải trí nữa. Xem kịch, tôi thấy mình học hỏi được một cái gì hay, nếu vở kịch ấy là vở kịch khá. Ông có đồng ý như vậy không?"
Đã hắn là Zotov rất hiểu chàng có nhiều công việc, giấy tờ bề bộn về vụ chuyến tầu bị hư hại, nhưng công việc cũng phải mất đến trọn hai ngày mới giải quyết xong, do đó chàng có phí đi một tiếng đồng hồ để nói chuyện với một kịch sĩ danh tiếng, thêm kinh nghiệm, thì cũng chẳng sao.
"Ông hay đóng những vai nào?"
"Nhiều vai lắm…"
Iveritinov trả lời, nở một nụ cười chẳng có vẻ gì là khoan khoái cả, ông ta tiếp:
"Tôi chẳng thể nào kể hết ra cho ông nghe được, tôi đóng kịch nhiều năm rồi".
"Hiện giờ ông vẫn còn đóng kịch chứ?"
"Có, vai Đại tá Verhinin này… Rồi vai Bác sĩ Rank này…"
Zotov không thể nhớ được những vai ấy. Chàng hỏi:
"Hừ! Có bao giờ ông đóng một vai nào đấy trong các vở kịch của Gorky không?"
"Tự nhiên, cần gì phải nói nữa".
"Gorky là nhà viết kịch tôi thích nhất, nói chung thì Gorky là nhà văn tôi thích nhất. Gorky là khuôn mặt quan trọng nhất trong văn học nước ta đấy, ông đồng ý không?"
Iveritinov hơi nhíu đôi mày, ông ta cố tìm câu trả lời nhưng không được, đành im lặng.
"Tôi chắc tôi có thể nhớ được tên ông… Ông bảo ông không phải là một kịch sĩ Huy chương phải không?"
Sắc mặc Zotov bây giờ hồng hào với một vẻ vui sướng trong câu chuyện.
"Tôi nghĩ rằng, nếu tôi là một kịch sĩ Huy chương thì chắc lúc này tôi chẳng ngồi đây".
Iveritinov vừa nói vừa khoan thai xoè bàn tay giơ ra phía trước, cử chỉ của ông ta có vẻ thất vọng.
"Tại sao ông lại nói như vậy? A phải rồi, tôi hiểu rồi, vì ông không được gọi…"
"Người ta không nhận tôi. Tôi tình nguyện gia nhập quân đội. Chúng tôi đã qua các trung tâm tuyển mộ rồi".
"Chắc cũng có một số các kịch sĩ Huy chương trong số các ông cũng tình nguyện nhập ngũ chứ?"
"Ai cũng tình nguyện hết, ngay cả đến các ông giám đốc cũng vậy, nhưng danh sách các người ấy bị phân ra làm đôi bằng một cái gạch ngang, những người nào có tên ở dưới cái vạch ngang ấy thì được vào quân đội, những ai tên ở trên cái vạch ngang thì phải ở lại".
"Ông đã được huấn luyện quân sự bao giờ chưa?"
"Có, mới cách đây vài ngày thôi. Chúng tôi được học đánh lưỡi lê, đánh gậy, học cách ném lựu đạn…"
Hai mắt Iveritinov đăm đăm nhìn xuống sàn nhà, đăm đăm nhìn đến nỗi hai mắt đờ đẫn.
"Sau khi học người ta có cấp súng cho ông không?"
"Có, sau đấy chúng tôi sẵn sàng lên đường đi ra mặt trận, họ phát cho chúng tôi loại súng kiểu năm 1901. Chúng tôi đi bộ suốt cho đến Vyazma, tại đấy chúng tôi bị lọt phục kích của địch".
"Trận ấy các ông bị thiệt hại nhiều không?"
"Tôi đoán phần đông là bị bắt sống. Một số chúng tôi gặp một đơn vị chiến đấu từ chiến tuyến tới, chính đơn vị ấy cứu chúng tôi ra khỏi vòng vây của địch. Hiện giờ tôi cũng chẳng hiểu mặt trận hồi ấy là chỗ nào nữa. Ông có bản đồ không?"
"Không, tôi không có, còn các thông cáo thì không rõ ràng, nhưng tôi cho là không cần bản đồ tôi cũng có thể nói cho ông biết nơi ấy là chỗ nào được. Chúng ta bị chặn lại ở Sebastopol và một ít ở các vùng chung quanh, chúng ta còn Taganrog, vùng Thung lũng Donet cũng vẫn còn trong tay quân ta… Nhưng địch chiếm mất Orel và Kursk…"
"Hả! Như vậy là đến sát chung quanh Mạc Tư Khoa rồi?"
"Thật khó mà biết được hiện giờ đang ra sao. Theo các thông cáo nói thì chiến trận đang xẩy ra ở một vài vùng nghỉ mát ở ngoại ô. Còn đường đi Leningrad, thì hoàn toàn bị cắt đứt".
Trán Zotov nhăn lại, hai mắt chàng nheo lại vẻ đau khổ. Chàng nói:
"Thế mà tôi chẳng bao giờ được ra tiền tuyến cả!"
"Ông đừng buồn, đúng lúc tất ông sẽ được ra mặt trận".
"Tôi cho là thế nào tôi cũng sẽ được ra mặt trận, vì hiện giờ thì chiến trận lan rộng chắc sẽ còn kéo dài".
"Trước ông làm gì – sinh viên hả?"
"Vâng. Tuy thế nhưng ngay từ khi chiến tranh bùng nổ, tôi đã nộp giấy tờ xong rồi. Nhưng không còn có thi nữa. Lẽ ra chúng tôi thi vào tháng Chạp, nhưng họ báo chúng tôi là cứ hoạch định bất cứ biểu đồ và tính toán cũ nào có thể thực hiện được".
Zotov thật sự say mê trong câu chuyện những lời chàng nói ra lời nọ lẫn sang cả lời kia, chàng có vẻ muốn nói hết thẩy mọi việc ra, nói cho hết, nói cho hả.
"Hầu hết cả năm năm… Franco khởi đầu cuộc nổi dậy… Rồi họ đầu hàng quân Áo… Tiệp Khắc… Rồi là khởi đầu Thế giới chiến tranh lần Thứ hai… và trận chiến tranh Phần Lan nữa… Hitler tràn vào nước Pháp! Quân phát xít tấn công Hy Lạp, rồi Nam Tư!... Như vậy ông thử tưởng tượng xem chúng tôi được dễ dàng biết mấy trong việc tập trung sáng kiến vào các máy dệt! Nhưng đấy cũng không phải là điều tôi muốn nói. Ngay sau khi chúng tôi đoạt được mảnh bằng rồi, họ cử phần lớn chúng tôi vào học lớp động cơ cơ khí hoá do Hàn lâm Viện Khoa học tổ chức. Nhưng họ không nhận tôi vì mắt tôi kém – tôi cận thị nặng quá, ông thấy đấy. Vì thế tôi mới đi vận động với các nhân vật nhà binh. Tôi được việc làm đầu tiên vào năm 1937. Nhưng công việc của tôi là một người bảo lãnh hỏa xa cho Trường Tiếp liệu Quân đội. Rồi với cái chức bảo lãnh hỏa xa ấy, tôi đi Mạc Tư Khoa, việc làm đầu tiên của tôi là đến Bộ Quốc phòng. Tôi vận động xin gặp được một ông Đại tá già, lúc tôi vào gặp ông ta thì ông ta đang vội lắm, ông mở vội cặp giấy. Tôi nói với ông ta là tôi không muốn ở trong ngành tiếp tế vì tôi là một kỹ sư. Ông ta lại bảo: "Được, tôi sẽ hỏi anh đúng một câu hỏi thôi, nếu anh trả lời được đúng câu hỏi ấy thì anh chính là người kỹ sư từ lâu tôi vẫn mong muốn. Nào, bây giờ anh trả lời cho tôi biết, tay quay là cái gì?" Tôi mới trả lời rằng: "Một cái tay quay là một bộ phận nối liền vào với trục chuyển ráp vào một sợi dây trân để…" Vừa mới đến đấy, ông ta gạch bỏ Trường Tiếp liệu trên giấy thông hành của tôi, rồi viết thay vào đấy chữ Trường Vận chuyển. Rồi ông đóng cặp giấy lại. Tôi mừng rỡ quá? Nhưng khi tôi đến Trường Vận chuyển Quân đội thì họ lại không nhận thêm bất cứ người nào nữa, thế là họ gửi tôi đi học một lớp về vận tải hỏa xa thay vào đấy vậy. Thế là truyện cái tay quay cũng chẳng cứu vãn được gì cho tôi cả!"
Zotov hiểu rằng đây không phải là lúc để mà ngồi chuyện ngẫu nhắc lại việc ngày xưa, nhưng anh không thể nào cưỡng lại được cái cơ hội để trút ra bầu tâm sự của anh, tâm sự của một người có ăn học.
Bỗng chàng sực nhớ ra, hỏi:
"Ông có hút thuốc không? Ông cứ tự nhiên nhé. Đây cũng có một ít thuốc lá có cả giấy vấn nữa đây. Họ phát phần thuốc hút cho tôi, nhưng tôi không biết hút thuốc".
Chàng liếc mắt nhìn tờ giấy thông hành hỏa xa của Iveritinov, rồi rút từ trong ngăn kéo bàn ra một gói thuốc lá đẩy lại phía Iveritinov.
"Vâng, tôi có hút thuốc".
Iveritinov đáp như vậy, vẻ mặt ông ta rạng sáng với cả trước khi hút hơi thuốc đầu tiên. Ông ta hơi ngồi cao lên, cúi mình lại phía gói thuốc, nhưng, thay vì vấn điếu thuốc thì ông ta lại hít hít một cách say sưa những sợi thuốc mầu nâu, Zotov thấy dường như ông ta còn thốt ra tiếng rên rỉ nữa thì phải. Rồi ông ta đọc nhãn hiệu trên gói thuốc, gật gù:
"Thuốc xứ Amernie đây!"
Rồi ông ta vấn một điếu thật lớn, thè lưỡi liếm cạnh tờ giấy, ghé mồm châm lửa ở que diêm Zotov vừa bật cho ông ta.
Zotov bảo:
"Tôi chắc khi ông cuộn tròn trong đống chăn ấy, không có ai hút thuốc cả?"
"Tôi không thấy".
Iveritinov trả lời lấy lệ, ông ta đang chìm trong hạnh phúc vô biên của khói thuốc. Ông ta nói tiếp:
"Tôi đoán thì bọn họ không ai có thuốc lá cả".
Ông ta tiếp tục hút, hai mắt lim dim.
Bỗng Iveritinov hỏi:
"Thế còn việc ông nói về năm 1937 là thế nào?"
Zotov nồng nhiệt:
"Vâng, ông nhất định phải nhớ đến cái bầu không khí của thời ấy rồi! Trận Nội chiến Tây Ban Nha, bọn phát xít tiến lại gần Khu Định cư sinh viên Madrid, Lữ đoàn Quốc tế, Guadalajara, Teruel! Thật khó lòng mà ngồi yên được! Chúng tôi hò hét đòi hỏi các lớp mở rộng về tiếng Tây Ban Nha, nhưng họ lại cho chúng tôi học tiếng Đức. Tôi có một cuốn tự học tiếng Tây Ban Nha, rồi ngồi cặm cụi học thay vì sửa soạn cho các kỳ thi. Tôi cảm thấy chúng tôi đã dính líu ghê gớm vào tình hình Tây Ban Nha và cái ý thức cách mạng của chúng tôi làm cho chúng tôi không thể nào im lặng đứng bên lề các sự việc được nữa, nhưng tôi lại nhận thấy rằng: các báo chí của ta chẳng biểu lộ được chút nào về ý thức cách mạng ấy, và tôi cũng lấy làm lạ là tại sao mình lại lạc lõng tới đây. Giả thử trốn đi Odessa, lén xuống thuyền mà ra đi thì đã hẳn đấy quả là một ý tưởng trẻ con, vả chăng hành động như vậy khó lòng thành công được với các đạo quân tuần phòng biên cảnh của nước ta. Ấy cũng vì thế mà tôi mới đến Bộ Quốc phòng, năn nỉ các vị Tư lệnh các Đệ Tứ, Đệ Tam, rồi Đệ Nhị, cuối cùng là Đệ Nhất Phân Khu, xin các vị ấy cho chúng tôi được đi Tây Ban Nha. Các vị ấy đều cười vào mặt tôi, các vị ấy hỏi tôi: "Anh có mất trí không đấy? Ở đấy làm gì có người đồng bào nào của anh đâu, vậy thì anh nghĩ như thế nào và anh định làm gì ở xứ Tây Ban Nha ấy nào?!!..." Ấy, tôi thấy ông có vẻ thích hút thuốc, ông cứ giữ cả gói thuốc mà hút. Tôi để thuốc ấy chỉ để mời mọi người thôi đấy mà, vả lại ở nhà tôi còn thuốc nữa mà… Không, không, xin ông cứ cất bao thuốc ấy đi, như thế tôi lại còn hài lòng là ông sẽ không quên nó. Những ngày như ngày này thuốc lá nó sẽ mở những cánh cửa cho ông, tôi tin chắc là nó cũng lại sẽ tiện cho ông nữa… Rồi có một ngày tôi mới đọc trong một tờ Sao Đỏ - trong những ngày ấy tôi vớ được báo gì là đọc hết các báo ấy – tôi đọc thấy một đoạn trích ở một tờ báo Pháp nào đấy, mẫu bài ấy nằm giữa các tin tức bài vở khác, nó viết rằng: "Đức và Nga cùng nhìn Tây Ban Nha như là vùng đất cho một cuộc trắc nghiệm chiến tranh". Đoạn văn ấy nó làm cho tôi thấy mệt mỏi. Suốt trong ba ngày tôi đợi chờ, mong đợi được đọc một bài bình luận nào đấy chống lại, bác bỏ những ý tưởng ở trong mẩu tin trích của báo Pháp. Nhưng chẳng có bài báo nào viết như vậy cả. Thế là tôi lại đến Bộ Quốc phòng, tôi mang theo cả tờ Sao Đỏ nữa. Tôi đưa bài báo cho họ đọc. Tôi bảo: "Mời các ông đọc chỗ này xem. Tôi đợi mãi không thấy có cái chỉnh gì cả, vì thế tôi thấy đây đúng là sự thật, sự thật là chúng ta có những hoạt động chiến tranh tại Tây Ban Nha. Vì thế tôi xin được các ông cho tôi đi Tây Ban Nha với tư cách là thằng binh nhì thôi là được". Ông nhân viên Bộ Quốc phòng mới quát lên, đấm xuống bàn mà rằng: "Anh không được đến đây gây sự với tôi! Ai gửi anh đến đây làm gì? Nếu ở đây cần anh, người ta sẽ cử anh đi! Cút ra!"
Nhắc lại việc ấy, Zotov cười ngất thật thành thật, sung sướng. Vẻ vui sướng lại hiện ra trên gương mặt chàng. Chàng cảm thấy nói chuyện với nhà kịch sĩ này thoải mái dễ chịu lắm, rồi chàng lại còn kể về chuyện mấy nhà hàng hải Tây Ban Nha tới và chàng được gọi đến để dùng tiếng Tây Ban Nha mà trả lời cho họ biết.
Chàng cũng muốn hỏi Iveritinov xem sao lại cảm thấy bị quân Đức bao vây, xem ông ta nghĩ như thế nào và chiến tranh, và nhất là để được nói chuyện thêm nữa với người có học thức, thông minh.
Nhưng cửa mở, Valia bước vào, cô bảo:
"Vassily! Sở gửi hàng dân sự hỏi xem Trung uý có hàng hoá gì gửi đi với chuyến Bẩy Chín Bốn hay không? Nếu không có gì, thì ta nên để cho chuyến tầu đi luôn!"
Zotov nhìn vào bản ghi. Chàng hỏi:
"Chuyến tầu nầy đi đâu? Có phải là chuyến đi Povorino đấy không?"
"Thưa đúng!"
"Đã tới chưa?"
"Thưa, khoảng độ mươi phút nữa thì chuyến tầu ấy đến".
"Chuyến tầu này hình như chỉ có vài toa hàng hoá của quân đội. Ngoài ra còn có những toa nào khác?"
"Thưa còn có vài toa chở vật liệu kỹ nghệ và vài toa hành khách".
Zotov quay sang Iveritinov:
"Ồ, thật là lạ! Đây là chuyến tầu tôi sẽ để ông đi đấy! Chuyến tầu này rất tiện cho ông, ông sẽ không cần phải đổi tầu gì nữa cả. Còn cô Valia, hàng hoá thì ở đây cả rồi, cô có thể gửi đi được ngay. Lúc tầu đến, tôi muốn cho đậu lại gần, vào Đường Một hay Hai. Cô bảo cho họ biết thế nhé!"
"Vâng, Trung uý!"
Valia đi ra.
Zotov quay về Iveritinov:
"Thôi thật hết sức buồn là không có gì ăn được để mời ông cả. Xin ông hiểu cho tôi nhé, đến một cái bánh bít quy nhỏ tôi cũng chẳng có nốt!"
Zotov kéo ngăn kéo bàn giấy ra thật rộng để chứng minh là trong ngăn kéo của chàng quả thật không có gì ăn được cả. Trong ngăn kéo trống trơn, chàng có thói quen là khẩu phần của chàng được đem vào tận bàn giấy, và bao giờ chàng cũng ăn hết ngay. Chàng bảo:
"Tôi chắc là từ khi ông bị lỡ tầu đến giờ vẫn chưa ăn thứ gì cả, phải không ông?"
Iveritinov xoè bàn tay ấp lên ngực áo bẩn thỉu, đáp:
"Cảm ơn ông, nhưng ông đừng lo gì cho tôi cả. Quả thật tôi chưa ăn gì cả, nhưng tôi thấy mến ông vô cùng…"
"Ông làm ấm lòng tôi, ấm cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Ông là một người tốt. Tính tình tốt ấy của ông trong cái thời khó khăn này làm cho người ta phải quý trọng lắm. Nhưng bây giờ thì xin ông vui lòng cho hay nhé, đi khỏi nơi này thì tôi sẽ tới chỗ nào, sau đấy thì tôi phải làm gì, hở ông?"
Zotov giải thích thật trôi chảy:
"Trước hết là ông phải đến tận Gryazi. Tôi không có cái bản đồ để chỉ cho ông rõ, thật xấu hổ… Ông có thể tưởng tượng ra được nơi này không?"
"Tôi không chắc lắm… Tuy thế tôi tin là tôi có nghe nói đến cái tên chỗ ấy".
"Chỗ ấy là giao lộ quan trọng lắm đấy. Bây giờ nếu, trong ban ngày ông tới Gryazi, ông mang theo lộ trình thư – tôi đã thêm vào trong đó để chứng thực là ông đã tới tôi rồi – đến gặp sĩ quan chuyển vận quân đội ở đó, họ sẽ cấp cho ông một thẻ khẩu phần, ông có thể mang thẻ khẩu phần ấy đến lĩnh thực phẩm ở nhà kho, như vậy là ông có phần ăn trong hai ngày".
"Cảm ơn ông lắm lắm!"
"Nếu ông tới đấy vào ban đêm, ông vẫn còn liên hệ chặt chẽ với chuyến tầu này đấy! Lúc ấy ắt ông còn quấn chặt trong đống chăn, xuống tầu tất khổ lắm – không biết ông có dậy nổi hay không! Rồi chuyến tầu sẽ đưa ông từ Gryazi đến Povorino, nhưng dù có đến Povorino rồi, ông cũng đừng rời toa tầu trừ phi đi lấy các khẩu phần của mình. Đừng để chuyến tầu lại bỏ rơi ông lần nữa, sau đấy thì tầu sẽ đưa ông tới Archeda, đấy chính là nơi chuyến tầu của ông phải tới – chuyến Hai Bốn Mươi Lăm Bốn Một Ba".
Zotov trao lại cho Iveritinov lộ trình thư, Iveritinov vừa cất tờ giấy vào túi áo – bên túi có khuy cài - vừa nói:
"Archeda Archeda? Tôi chưa bao giờ nghe đến cái tên này. Acheda ở chỗ nào nhỉ?"
"Phải, Acheda là vùng ngoại ô của Stalingrad".
"Một vùng ngoại ô của Stalingrad…"
Iveritinov gật gù, rồi ông ta nhíu mày ra vẻ cố nhớ:
"Xin lỗi ông, Stalingrad… Trước nơi này tên là gì nhỉ?"
Trong người Zotov bỗng nhiên có gì rúng động và băng giá lại. Có thể nào lại như thế này được không – một công dân Xô Viết mà lại không biết Stalingrad được sao? Quả là một điều không thể nào tưởng tượng được! Tuyệt đối không thể nào tưởng tượng được! Không, không! Chàng không thể chấp nhận được bất cứ một sự việc nào như thế này cả!
Dù thế, chàng cũng cố trấn tĩnh, cố kiểm soát lấy mình. Chàng ngồi thẳng dậy, sửa lại mục kính cho ngày ngắn, nói thật bình tĩnh:
"Trước kia thường gọi là Tsaritsyn đấy mà".
(Như thế thì người này có thể không phải là một quân nhân Hồng Quân từng thoát hiểm trong một cuộc bị bao vây. Người này đã được cấy vào đám người ấy mất rồi. Một cán bộ của địch! Có thể là một trong những người Nga di cư, một lính Bạch vệ…) Phải, có thế mới giảng rõ được các tính tình, cử chỉ của y…
"A phải rồi – Tsaritsyn… Phòng tuyến danh tiếng của Tsaritsyn… (có lẽ ông ta là một sĩ quan Bạch vệ ngụỵ trang nữa cũng nên? Chắc rồi, chẳng thế tại sao ông ta lại hỏi bản đồ? Nhưng ông ta ngụỵ trang với những thứ áo quần lôi thôi rách rưới như thế này, thì chẳng là quá đáng một chút, nó làm cho người ta chú ý đến ông ta là gì?)
Mấy tiếng "sĩ quan Bạch vệ" tạo cho Zotov một cảm nghĩ vất vả, khổ sở về hình ảnh nguyên thuỷ của một tâm hồn Xô Viết: tâm tư ấy rất ồn ào, nhưng không nói thành lời được, nó hành hạ Zotov như đâm chém chàng bằng lưỡi lê cũng không bằng.
(Hà, ông ta thế là bị rơi vào bẫy rồi! Ông ta để lộ cái chỗ dại dột ra rồi! Tự ông ta chui đầu vào tròng, hãy thận trọng, hãy cẩn thận. Rồi bây giờ ông ta sẽ làm gì đây? Ông ta sẽ làm gì?)
Zotov nhấc ống nói điện thoại, tiếng chuông reo thật lâu.
Chàng áp ống nghe vào tai, hi vọng đầu giây bên kia Đại uý sẽ nghe.
Nhưng Đại uý không nhấc ống nghe.
Iveritinov nói:
"Trung uý, tôi thấy lấy cả gói thuốc của ông thì có tội nhiều lắm".
"Không sao, ông cứ giữ cả đi".
Zotov vừa nói vừa xua tay.
(Hà, hắn, Zotov, đã cư xử như một mụ đàn bà trong sạch – trong lòng hoàn toàn dịu dàng! Y đang giơ lưng ra cho địch thấy mà lại không biết làm cách nào để khiến cho địch được vui lòng!)
"Vâng, nếu vậy tôi xin phép được hút ở trong phòng của Trung uý thêm lần nữa – nếu Trung uý không thích thì tôi xin ra ngoài hút?"
(Y muốn ra ngoài? Có thể là một cái cớ thật giản dị - y đã biết là phạm phải một lỗi lầm, để lộ một hớ hênh rồi, và bây giờ y chạy trốn.)
"Không, không sao, ông cứ việc ngồi đây mà hút. Tôi thích ngửi mùi khói thuốc mà".
(Zotov mong rằng y nghĩ về một việc gì đấy. Không biết hắn sẽ hành động ra sao, làm thế nào để hành động?)
Zotov giục chuông điện thoại ba lần. Đầu giây đằng kia có tiếng động?)
"Phòng gác, tôi nghe!"
"Trung uý Zotov đây".
"Vâng, đồng chí Trung uý?"
"Guskov có đấy không?"
"Thưa đồng chí Trung uý, ông ấy vừa ra ngoài rồi".
"Ông ấy đi đâu? Ông ấy đi có việc gì? Trong vòng năm phút nữa xem ông ấy có ở bàn giấy không nhé!"
(Như vậy là cái anh chàng vô tích sự ấy chắc lúc này đang hú hí với một cô nào chứ gì!)
Zotov lấy một tờ giấy, không để cho Iveritinov trông thấy, chàng viết lên tờ giấy giòng chữ lớn: "Valia, vào phòng, rồi bảo rằng chuyến tầu Bẩy Chín Bốn đến trễ một tiếng đồng hồ nhé."
Chàng gấp tờ giấy, cầm đến cửa, trao cho Valia và nói:
"Đây, đồng chí Podshebyakina! Đây là những gì về chuyến tầu tôi nói lúc nẫy!"
"Chuyến tàu nào, Vassily?"
"Chuyến tầu mang số hiệu tôi ghi trên đó đó!"
Cô Valia bộ điệu thật ngạc nhiên, cô đi lại chỗ cửa đón lấy tờ giấy Zotov trao cho cô, Zotov không đợi chờ gì, chàng quay trở lại bàn giấy ngay.
Iveritinov lúc ấy đã mặc lại áo khoác ngoài xong.
Ông ta hỏi, giọng thật thân mật:
"Chúng mình không thể lỡ chuyến tầu này được đâu nhỉ, phải không?"
"Không, lần này chúng ta không lỡ đâu!"
Zotov đứng lên đi đi lại lại trong phòng, tránh không nhìn Iveritinov. Ông ta kéo tà áo xuống làm cái gì nhúc nhích một chút ở phí trên thắt lưng ông ta, ông ta ấn khẩu súng từ phía đằng sau lưng lại phía bên phải đội lại chiếc mũ lầu xanh cho ngay ngắn. Ông ta chỉ làm có như vậy, cũng không nói gì thêm.
Với Zotov, thì gian dối đã hẳn là không tốt lắm.
Chàng mong Iveritinov nói ra vài lời, vài điều. Nhưng ông ta giữ im lặng, kín đáo.
Bên ngoài cửa sổ, nước xiết mạnh trong máng xối, gió giật từng hồi.
Trung uý dừng lại bên bàn giấy, một tay vịn vào góc bàn, chàng lặng lẽ nhìn mấy ngón tay.
(Chàng hiểu rằng chàng có thể nhìn ông ta bằng con mắt lúc trước được, vì thế mà ông ta sẽ không cảm thấy gì, không thấy có gì thay đổi, nhưng chàng không muốn buộc mình nhìn như vậy được).
Zotov nói, và nóng nẩy đợi câu trả lời:
"Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày lễ rồi!"
(Nếu như ông ta mà hỏi là "Lễ gì?" thì thật không còn gì phải nghi ngờ thêm nữa.)
Nhưng ông ta lại đáp:
"Phải, phải…"
Zotov liếc nhìn Iveritinov, ông ta vừa hút thuốc vừa tiếp tục gật gù với tiếng "phải". Zotov bảo:
"Tôi không hiểu năm nay có diễn binh ở Công Trường Đỏ không nhỉ?"
(Ai lại có thể nghĩ đến một cuộc diễn binh được. Chàng không còn lạ gì về cuộc diễn binh cả, nhưng chàng cứ nói để cho qua thì giờ).
Có tiếng gõ cửa.
"Xin lỗi, đồng chí Trung uý…"
Valia thò đầu qua khe cửa ra vào. Vừa trông thấy cô, Iveritinov đi lại gần cái ba lô của ông ta. Valia nói tiếp:
"Chuyến tầu Bẩy Chín Bốn bị trễ ở chặng chót, vì thế phải một giờ nữa chuyến tầu mới tới đây được".
Zotov thốt kêu lên:
"Hả, cô đừng nói vậy! Rầy rà thật!"
Giọng chàng nghe ra khó chịu, bực mình với cái âm thanh giả dối:
"Thôi được, cảm ơn đồng chí Podshehyakina".
Đầu Valia lui khỏi cửa.
Ở bên ngoài, ngay sát căn phòng, trên Đường Số Một, Zotov có thể nghe được tiếng sì sì của đầu máy giảm sức và tiếng lịch kịch của các toa tầu chạm vào nhau khi sắp dừng lại. Mặt đất rung nhè nhẹ.
Zotov nói to lên:
"Làm sao bây giờ đây? Bây giờ phải đến nhà kho mới được…"
Iveritinov vẻ lo lắng vì gặp khó khăn. Ông ta bảo:
"Thôi tôi xin ra ngoài. Tôi đi loanh quanh đâu đây để đợi vậy…"
Ông ta đứng lên, nhấc cái ba lô lên.
Zotov nhấc áo khoác ra khỏi chiếc đinh treo trên tường. Chàng bảo:
"Ở ngoài lạnh lắm, ông ra làm gì cho bị lạnh? Ông vào phòng đợi không được đâu, vì người ta ngủ ở đấy đông nghẹt cả, không còn chỗ mà len chân được. Nếu ông muốn thì ông đi với tôi đến nhà kho vậy? Có thể tôi xoay xở được gì cho ông ăn chăng?"
Chàng nói chứ không tin là được việc, mặt nóng bừng.
Câu nói có thể khiến Iveritinov không vui! Nhưng ông ta lại có vẻ vui vẻ:
"Như vậy thì ông tốt quá rồi. Tôi thật không dám xin xỏ ông quá nhiều như vậy…"
Zotov quay đi, liếc nhìn bàn giấy, thận trọng đi ra cửa, tắt đèn.
"Tốt, thôi ta đi".
Vừa khoá cửa, chàng vừa bảo với Valia:
"Nếu có ai gọi dây nói cho tôi, cô bảo là tôi đi vắng vài phút rồi trở lại ngay nhé!"
Iveritinov đi trước Zotov, ông ta vẫn khoác chiếc áo lạ lùng và với đôi xà cạp quấn vụng về, cả hai đi qua dãy hành lang vừa lạnh vừa tối, hành lang có ngọn đèn mầu xanh, rồi bước ra ngoài sân ga.
Trong bóng đêm tối đen, dưới bầu trời mù mịt, nặng trĩu, chẳng có gì hơn là một trận mưa tuyết trắng xoá, tuyết ở độ đang tan.
Chuyến tầu đậu trên đường Số Một, ngay cạnh đấy. Chuyến tầu đen ngòm, mầu đen còn đen hơn cả bầu trời cho nên vẫn có thể nhận ra được những đường nét của mui các toa tầu. Phía bên trái, là đầu tầu, khoang chứa than sáng rực với tro hồng nóng bỏng rơi xuống đường rầy và lập tức bị gió cuốn đi ngay.
Quá về đằng trước chút nữa, ở chỗ cao hơn đầu tầu, có một ngọn đèn tròn mầu xanh đứng trơ trọi một mình, ngọn đèn treo ở đấy như không dính vào đâu cả. Ở phía đằng kia, về phía đằng đuôi chuyến tầu, có những tàn than đỏ nhấp nhánh bốc lên từ các ống khói lò sưởi các toa chở hành khách và các toa trống trải chở súc vật. Về phía những vệt nhấp nhánh sống động ấy, có những khuôn mặt đàn bà to lớn, hấp tấp đi lại dọc trên sân nhà ga; hơi thở của họ nặng nhọc dưới những gói nặng trong đêm đen không trông rõ được, tất cả lẫn vào nhau thành một âm thanh hổn hển thật lớn. Có vài bà lại lôi xềnh xệch ở đằng sau mấy đứa trẻ, có đứa khóc lóc, có đứa im lặng… Có hai bóng người vừa thở hồng hộc vừa xấn xổ vẹt đường mà đi, xô bắn Zotov ra một bên, hai bóng người trong bóng tối dường như khiêng một vật gì như một khúc cây lớn. Đằng sau hai người ấy, lại có mấy người khác đang đẩy một vật gì xem ra còn nặng hơn vật hai người kia khiêng, họ kéo vật ấy bằng một sợi dây.
(Người ta chọn đúng ngay vào những ngày này, khi sự đi lại đã trở thành nguy hiểm chết người như vậy, để bắt đầu lôi kéo đám con nít, các bà, nào hòm nào rương lớn nặng không làm sao vác lên được, những cái bó quá khổ phải to bằng cả một chiếc ghế trường kỷ lại thêm những đống gì như cái thân cây lớn bằng cả một cái tủ chén bát…, họ lôi tất cả những thứ ấy đằng sau họ, chen nhau mà đi).
Nếu không có những tro than sáng rực ở đầu máy, ngọn đèn xanh treo trên cao, tàn than bay phía trên các toa tầu, và những ánh đèn lù mù của công nhân hỏa xa đi ở xa, thì không ai lại có thể tin được rằng có nhiều đoàn tầu đến nằm cạnh nhau ở nơi này, rằng đây là một nhà ga chứ không phải là một nơi ở giữa rừng hoang, cũng không phải là một vùng bao la trống trải đang sửa soạn cho mùa đông tới.
Nhưng tai nghe rõ các toa tầu đang nối vào nhau, tiếng còi của người bẻ ghi, tiếng phì phò của các đầu tầu, và tiếng người ta ồn ào.
"Đường này!"
Zotov gọi to lên, chỉ một con đường từ sân ga chạy đi ngả khác.
Zotov xách một chiếc đèn bão, kính che chung quanh cây đèn sơn phủ một nước sơn xanh, chàng giơ cây đèn soi nhiều lần vào chân Iveritinov để ông ta có thể trông thấy đường mà đi.
Iveritinov làu nhàu:
"Hà, gió mạnh thật, khéo không lại bay mất cả mũ mất!"
Zotov lặng lẽ bước đi.
Iveritinov nói nữa, dường như để bắt chuyện:
"Cái thứ đang đổ xuống đây không phải là tuyết, nhưng nó lọt vào cổ áo sao mà lạnh thế!"
Áo khoác ngoài của ông ta không có cổ.
Lúc cả hai đang bước vào nơi bùn lầy lội, đặc quánh, Zotov bảo:
"Coi chừng, chỗ này bùn không à!"
Nhưng trong bóng đêm, không làm sao nhìn ra được lấy đường đi chỗ nào khô ráo.
Bỗng có tiếng quát của người lính gác nào đấy ở ngay bên cạnh:
"Đứng lại! Ai?"
Iveritinov giật bắn người, Zotov đáp:
"Trung uý Zotov".
Bùn ngập đến mắt cá chân, có khi còn sâu hơn thế nữa, rút được chân lên thật vất vả, hai người vượt gió đi về phía nhà kho. Lại gần chỗ cửa vào ở phía bên kia. Hai người giậm chân thật mạnh, rũ áo quần phủi tuyết rơi trên vai áo. Zotov vặn to ngọn đèn lên, dẫn Iveritinov vào một thứ phòng như phòng đợi, trong phòng có một chiếc bàn lớn và hai chiếc ghế dài – Các binh sĩ trong đội canh gác nhà ga thường thường ăn và nhận các chỉ thị tại nơi này, nhưng lúc này thì trong phòng hoàn toàn vắng vẻ. Giữa mặt bàn, có một ngọn đèn lù mù, sắp tắt, trong các góc phòng tối dầy đặc.
Cánh cửa phòng gác mở ra, một người lính xuất hiện, đèn điện bật sáng trong phòng gác chiếu từ phía sau lưng người lính lại, mặt người lính vẫn chìm trong bóng tối.
Zotov hỏi, giọng nghiêm nghị:
"Guskov đâu?"
Bên ngoài người lính quát hỏi:
"Đứng lại! Ai?"
Có bước chân nơi cửa vào, và Guskov hiện ra, theo sau là người lính đi tìm anh ta, cả hai bước vào.
Guskov phác một cử chỉ chào loáng thoáng như lối chào của nhà binh, y nói:
"Thưa đồng chí Trung uý, tôi đến để trình Trung uý rõ".
Trong bóng mờ của căn phòng, Zotov nhận rõ nét mặt khó chịu cau có, vẻ mặt y bao giờ cũng có vẻ kiêu căng, y rõ ràng là bực mình với ông Trung uý này, Trung uý hiện không phải là thượng cấp trực tiếp của y, làm cho y lúc nào cũng thấy bực mình, và bực mình về đủ mọi lý do.
Bỗng Zotov giận dữ:
"Trung sĩ Guskov, phiên trực của trung sĩ có bao nhiêu người?"
Guskov cứng cỏi, không sợ sệt, dù rằng anh ta có đôi chút ngạc nhiên – Zotov không bao giờ lớn giọng cả.
"Có hai người, nhưng trung uý đã biết…"
"Tôi không biết cái gì cả! Tìm hai người ấy ngay, thi hành đúng như trong quy định!"
Môi Guskov lại cong cớn:
"Binh nhì Bobiev! Lấy súng vào trạm gác!"
Người lính đi tìm Guskov đi ngang mọi người, y giậm chân thật mạnh, rồi đi vào phòng bên.
"Còn Trung sĩ, đi với tôi lên bàn giấy!"
Trước đây một lát, Guskov đã nhận thấy có điều gì đặc biệt xẩy ra.
Người lính đi ra ngoài phòng gác, tay anh ta cầm cây súng có gắn lưỡi lê, anh ta thận trọng đi ngang chỗ mọi người, rồi đứng gác ở chỗ cửa.
Và lúc ấy Zotov bỗng nhiên rụt rè, ngập ngừng, những lời chàng nói ra như thể không phải do chính ở cửa miệng chàng thốt ra nữa. Giọng Zotov hết sức dịu dàng, chàng hết sức cố gắng nhìn thẳng vào mặt Iveritinov:
"Ô… Tôi… Tôi phải đợi một việc…"
Giọng nói người xứ Volga lúc này thật rõ ràng, nghe rành mạch:
"Ông vui lòng ngồi ở đây. Ông không phải đợi lâu đâu. Xin ông vui lòng đợi…"
Cái đầu ông ta trông có vẻ không hợp với vành mũ xụp xuống, nó làm cho hiện ra hai cái bóng ông có vẻ nặng nề, khó nhọc – một cái bóng in lên trên tường, một cái hằn trên trần nhà. Chiếc khăn quàng quấn quanh cổ dài thòng như một cái mũi.
"Ông muốn bỏ tôi một mình ở đây? Như thế này thì tôi lỡ chuyến tầu mất… Không, thôi tốt hơn cả là tôi ra đợi ở ngoài, đợi ở sân ga tốt hơn, còn nếu như,…"
"Không, không… Ông phải đợi ở đây…"
Zotov bước nhanh lại phía cửa.
Và Iveritinov chợt hiểu ra. Ông ta kêu lên:
"Ông… Ông bắt tôi? Nhưng, đồng chí Trung uý, tại sao thế, tại sao thế? Xin ông cho tôi đi, cho tôi đợi chuyến tầu".
Ông ta lại làm cử chỉ như lúc ông ta cảm ơn Zotov – bàn tay ông ta xoè năm ngón ra đặt lên ngực. Ông ta bước ra phía cửa toan theo chân trung uý Zotov bước ra ngoài, nhưng người lính gác nhanh trí giơ ngay súng có gắn lưỡi lê ra cản đường ông ta.
Zotov không dám quay đầu lại nhìn ông ta lần chót nữa. Và, trong cái ánh sáng lù mù của ngọn đèn, trong những thứ âm u vây quanh, chàng nhìn thấy gương mặt của một thứ "Hoàng Đế Lear".
Iveritinov gào lên, giọng ông ta sang sảng như tiếng chuông vang dội:
"Ông làm gì kỳ vậy! Ông làm gì kỳ vậy! Ông nhớ lại xem, có bao giờ ông lại làm như thế này được!"
Iveritinov buông tay. Cổ tay ông vươn ra khỏi tay áo, tay áo có vẻ hơi ngắn. Một tay ông ta xách cái ba lô nhà binh, bây giờ thì dường như cái bóng của ông nở rộng ra cùng với bóng tối chung quanh, vì vậy trần nhà như đè xập xuống đầu ông ta.
Zotov nói như dỗ dành an ủi, chàng cảm thấy đế giầy đè trên ngưỡng cửa:
"Ông đừng phiền lòng, đừng phiền lòng. Có một chút xíu việc cần xét cho rõ ràng lại thôi mà…"
Rồi chàng quay gót bước đi.
Guskov đi theo Zotov.
Lúc đi ngang qua phòng của Valia, Trung uý Zotov bảo:
"Cô giữ chuyến tầu nầy chậm lại một chút nhé!"
Vào trong phòng, ngồi xuống trước bàn, chàng viết:
"
Gửi: Toán Hành Động NKVD
Tôi xin gửi đến các ông một người khai tên là Iveritinov, Igor Dementievich, Ông ta khai là quân nhân trong lực lượng Xô Viết thoát chết trong một cuộc bao vây của địch. Người nầy khai là trễ chuyến tầu số 24-54-13 tại Skopin".
"Trong lúc nói chuyện với tôi…"
Zotov bảo Guskov:
"Chuẩn bị. Lấy một người rồi dẫn y tới trung tâm".
Ít ngày trôi qua. Ngày lễ lại gần.
Nhưng Zotov không tài nào quên được con người có nụ cười chưng hửng và tấm ảnh chụp người con gái ông ta trong bộ quần áo có sọc.
Tuy thế, dường như chàng đã hành động đúng, làm được một điều phải.
Đúng, và cũng không đúng.
Zotov cho rằng người đàn ông ấy là một cán bộ địch trá hình. Vì thế chàng mới báo cho mật vụ NKVD biết.
"Tôi đưa đến các ông một người khai tên là Iveritinov vào ngày mồng một tháng Mười một. Xin quý ông có thể vui lòng cho tôi được biết về trường hợp của ông ấy đã rõ ràng như thế nào chưa?"
NKVD trả lời bằng điện thoại một cách cứng rắn, rằng:
"Trung uý Zotov, công việc điều tra còn đang tiến hành! Và theo các tài liệu liên quan đến số hàng hoá bị hư hại lên đến tám chục phần trăm, chắc chắn có những điều mờ ám gì trong vụ này đây. Đây là một việc hết sức quan trọng, vụ này có kẻ nhúng tay vào đây".
Và suốt mùa đông, Zotov làm việc vẫn tại nhà ga ấy với chức vụ sĩ quan phụ tá cho sĩ quan chuyển vận trưởng quân đội. Nhiều lần chàng muốn hỏi lại NKVD xem việc trước ra sao. Nhưng hỏi mãi như thế tất người ta nghi ngờ.
Có một lần, thẩm tra viên của Mật vụ NKVD từ trạm trung ương tới, Zotov liền hỏi xem ông ta có biết vụ ấy không:
"Ông có nhớ một người có cái tên là Iveritinov không? Hồi mùa thu năm ngoái tôi có bắt giữ ông ta ấy mà!"
Người Thẩm tra viên cau mày có vẻ khó chịu, giọng quan trọng:
"Tại sao ông lại hỏi việc ấy?"
"Thưa, bởi vì… tôi băn khoăn không hiểu ông ta ra sao".
"Người ta sẽ điều tra cặn kẽ về việc cái tên Iveritinov ấy của ông, ông không phải lo ngại gì cả. Chúng tôi không bao giờ bỏ rơi một vụ nào lưng chừng cả".
Nhưng sau đây, thì trong suốt cả cuộc đời, Zotov không bao giờ quên được con người ấy nữa.
Hết
*
Vài nét về Aleksandr I. Solzhenitsyn và tác phẩm Bất ngờ tại nhà ga Krechetovka
Aleksandr I. Solzhenitsyn, nhà văn lớn Nga Sô mới được độc giả Việt Nam "làm quen" trong vòng 2 năm mới đây, và cũng chỉ xuất hiện trên văn đàn thế giới vừa đúng một thập niên, đã là một hiện tượng có một không hai của lịch sử văn chương thế giới: lần đầu tiên, vào năm 1970 giải Nobel Văn chương đã được trao cho 1 nhà văn chỉ có mới 8 năm văn nghiệp!
Nhưng toàn thể dư luận thế giới không tỏ một chút ngạc nhiên nào về quyết định trên của Hàn lâm viện Thụỵ Điển, mà ngược lại nhất loạt tán tụng sự chọn lựa xứng đáng này. Bởi lẽ, tuy chỉ mới xuất hiện trên văn đàn có 8 năm, nhưng cuộc đời của Solzhenitsyn đã là cả một cái kho tàng cho văn tài của ông sinh sôi lớn mạnh.
Ông sinh năm 1918 tại Kitslovodsk, một tỉnh nhỏ thuộc vùng Caucasus ở miền nam nước Nga. Cha mất sớm từ thuở ông còn nhỏ, Solzhenitsyn sống với mẹ tại Rostov và được cho ăn học cho đến khi ông tốt nghiệp Đại học đường Rostov năm 1941 về ngành toán và vật lý.
Vừa ra trường và lập gia đình không lâu thì chiến tranh bùng nổ, cũng trong năm 1941 ông nhập ngũ vào ngành pháo binh, tham dự hầu hết các trận đánh tại các mặt trận Leningrad, Balan, Đông Thổ, được tuyên dương công trạng 2 lần.
Năm 1945, trong khi đang chiến đấu với cấp bậc đại uý, ông đột ngột bị cơ quan phản gián Nga bắt giữ, đánh đập về tội viết lời phỉ báng Stalin trong 1 lá thư gởi bạn. Ông bị kết án 8 năm tù và bị đưa đi làm lao công tại các công trường xây cất ở Mạc Tư Khoa.
Sau đó, vì có bằng chuyên môn về toán và vật lý, ông được đưa về Maverino, một trại giam gần Mạc Tư Khoa chuyên nhốt tù trí thức. Vài năm sau, ông lại bị đưa đến 1 trại tập trung ở Tây Bá Lợi Á làm nghề thợ nề.
Mãn hạn tù, ông ra khỏi trại lao công nhưng vẫn bị lưu đầy ở Tây Bá Lợi Á, và đây chính là thời gian ông viết lại những điều tai nghe mắt thấy trong những năm sống dưới chế độ lao tù của C.S. Nga.
Đến năm 1957, một năm sau khi Kruschev hạ bệ Stalin, Solzhenitsyn mới được phục hồi quyền công dân, và ông trở về nghề giáo sư toán, sống khắc khổ tại một tỉnh nhỏ cách Mạc Tư Khoa 250 cây số về phía Đông Nam. Thời gian này ông tiếp tục viết, và đến cuối năm 1961, ông gởi cuốn truyện đầu tiên đến nguyệt san văn chương
Thế Giới Mới xin đăng (đó là cuốn
Một ngày trong đời Ivan Denisovich).
Đích thân Kruschev đã cho phép đăng truyện này trong số ra tháng Giêng 1962, và chỉ trong vòng vài ngày đầu, 95.000 số báo đã bán hết; cuốn truyện được in thành 100.000 ấn bản tiếp đó cũng bán sạch. Toàn thể nước Nga rúng động vì sự xuất hiện của một nhà văn lớn, nhà văn mà các văn sĩ tên tuổi tại Nga đã không ngần ngại tặng cái danh hiệu "nhà văn lớn nhất còn sống của Nga Sô".
Nhưng đến năm 1965, khi phong trào phục hồi Stalin bành trướng, Solzhenitsyn đã bắt đầu bị "hất hủi" ra mặt. Các tác phẩm sau đó của ông như
Khu ung thư và
Tầng đầu địa ngục đều bị cấm xuất bản ở Nga, và chỉ được lén lút chuyển ra ngoại quốc để ấn hành. Càng ngày ông càng bị nhà cầm quyền C.S. đàn áp, công khai bôi nhọ và bị cấm nhắc đến trên hệ thống thông tin.
Ngày 12-11-1969, Solzhenitsyn bị khai trừ ra khỏi Hội các Nhà văn Sô Viết, một biện pháp kỷ luật tối quan trọng đối với một nhà văn Nga. Nhưng đền bù lại, ông đã được công bố trao tặng giải Nobel Văn chương 1970. Tuy nhiên ông không được hưởng cái vinh dự đi nhận giải ở Thụỵ Điển vì nhà cầm quyền Nga tìm mọi cách ngăn cản ông.
Cho đến nay, Solzhenitsyn vẫn chưa nhận được giải Nobel. Ông hiện sống hoàn toàn cô lập với vợ và 2 con tại ngoại ô Mạc Tư Khoa. Vợ chồng ông bị Cộng đảng Nga cấm làm việc và cấm hoạt động văn nghệ, nhưng với uy tín quá lớn của ông, nhà cầm quyền Sô Viết chưa dám hạ độc thủ với ông.
Các tác phẩm chính của ông gồm:
Một ngày trong đời Ivan Denisovich, Tầng đầu địa ngục, Khu ung thư, Căn nhà của Matriona và
Tháng Tám năm 1814 [2] . Cuốn
Bất ngờ tại nhà ga Krechetovka tuy ngắn hơn các cuốn kia, nhưng đã được các nhà xuất bản Hoa Kỳ chọn lọc và xếp vào hạng tác phẩm xuất sắc tiêu biểu nhất cho trung thiên tiểu thuyết của nền văn chương Nga.
Cuốn sách này khác với các tác phẩm kia của Solzhenitsyn ở chỗ: trong khi các cuốn kia mô tả đời sống u uất của con người dưới chế độ cộng sản, từ phía những "nạn nhân", thì cuốn
Bất ngờ tại nhà ga Krechetovka được viết dưới cái nhìn của một sĩ quan ưu tú thuộc quân đội Sô Viết.
Trung uý Zotov, viên sĩ quan trẻ tuổi nhiệt thành và hết lòng tin tưởng ở chế độ Sô Viết, nhân vật chính của cuốn truyện, đã nhìn chế độ mà mình phục vụ ra sao, đã có những phản ứng, những cảm nghĩ như thế nào trước những biến cố đang xảy ra trước mắt, dưới sự cai trị của chế độ? Diễn biến tâm lý của Zotov là điểm đặc biệt bàng bạc trong khắp cuốn truyện.
Đọc xong cuốn truyện, người ta có thể thấy thấm thía hơn bao giờ hết, khi nghĩ đến cái thân phận tù hãm của mọi cá nhân con người – bất cứ là kẻ được ưu đãi hay kẻ bị bạc đãi – trong chế độ Sô Viết. và đọc xong cuốn này, người ta cũng sẽ thấy thấm thía hơn bao giờ hết khi nghe Solzhenitsyn tuyên bố trong 1 lá thư ngỏ gởi Hội các Nhà văn Sô Viết năm 1967 tại Mạc Tư Khoa: "Tôi có một lương tri sáng suốt, bởi lẽ tôi đã hoàn tất các bổn phận nhà văn của tôi trong mọi tình huống và bởi lẽ tôi sẽ còn hoàn tất chúng một cách thành công hơn nữa khi mà tôi chết đi hơn là tôi có thể hoàn tất lúc tôi còn sống.
Không một ai có thể ngăn cản con đường đưa đến sự thật. Tôi sẵn sàng chấp nhận sự chết cho cuộc vận hành đó…"
Nxb Hành Trình
[1]Ở nước Nga, các nghệ sĩ sân khấu hạng nhất, các lực sĩ, v.v. được tưởng thưởng nhiều danh hiệu nhà nước, những danh hiệu ấy cũng là cấp bậc nghề nghiệp của họ.
[2]Tại Việt Nam chỉ mới xuất bản 2 cuốn:
Một ngày trong đời Ivan Denisovich (1971) và
Tầng đầu địa ngục (năm 1973). Cuốn này là cuốn thứ 3 được dịch sang Việt ngữ.