© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
24.10.2005
talawas
Tự do và dịch vụ
 
Ngày 20.10.2005, trả lời phỏng vấn của BBC Việt ngữ về tự do báo chí ở Việt Nam, trước câu hỏi của phóng viên Hoàng Dương rằng có phải mạng talawas bị ngăn, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Việt Nam Đỗ Quý Doãn cho biết: „talawas là một cái tờ báo điện tử nó hoạt động ở nước ngoài đó, nó lưu hành ở trên mạng internet thì việc đó tôi nghĩ nó phát hành ở nước ngoài thì ở Việt Nam làm sao lại có thể ngăn chặn được cái điều này”.

Bài trả lời phỏng vấn này thống nhất với bài trả lời cũng của ông Đỗ Quý Doãn trong phỏng vấn đăng trên báo Văn Nghệ ngày 05.6.2004, trong đó ông khẳng định rằng Việt Nam không thể và không nên ngăn chặn những trang web như talawas.

Từ tháng 6.2004 đến nay và ngay trong những ngày này, độc giả talawas tại Việt Nam có thể dễ dàng kiểm tra nồng độ của sự thật trong dung dịch thông tin mà ông Thứ trưởng đã hai lần cung cấp. Áp dụng vào một tờ báo mạng, cụm từ “phát hành ở nước ngoài” là một cụm từ khá chênh vênh, trừ trường hợp ông Đỗ Quý Doãn hình dung rằng internet là một không gian có phân chia biên giới. Muốn vào talawas cũng như nhiều báo điện tử tiếng Việt ra ở nước ngoài, độc giả tại Việt Nam vẫn chỉ có cách đáng tin cậy nhất là vượt qua tường lửa. Cũng có thể ông Thứ trưởng muốn ngầm lưu ý rằng tường lửa made in Vietnam chưa được đưa vào hạng mục hàng Việt Nam chất lượng cao để cạnh tranh với tường lửa quốc tế, nên thường thủng hơn pho-mát Thụy Sĩ, nhanh xuống cấp hơn sân vận động Mỹ Đình, và do đó muốn ngăn cũng không thể “ngăn chặn được cái điều này”.

Song tường lửa không phải là sáng kiến duy nhất. Những người được giao nhiệm vụ canh giữ an ninh và bảo vệ môi trường thông tin trong sạch tại Việt Nam đã có nhiều sáng tạo đáng ghi nhận. Thời của những hình ảnh đầy ấn tượng, chẳng hạn một rừng cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, hay một ổ khoá sừng sững, hay một chiếc đầu lâu ngự trên hai chiếc xương bắt chéo... hiện ra khi ai đó vừa gõ xong địa chỉ trang talawas đáng tiếc là đã qua. Ngày nay độc giả tại Việt Nam cũng ít khi bị rơi vào một trang talawas nào đó với bài vở xáo trộn ngày tháng và đề tài, font chữ méo mó, cảnh tượng chẳng khác sau một vụ cháy nhà, khiến người kiên nhẫn nhất cũng thở dài mà bỏ đi. Những ngày này, các công chức hóm hỉnh của hệ thống an ninh mạng tại Việt Nam vừa cho ra mắt một sản phẩm mang tính thời đại cao hơn: Khi gọi địa chỉ talawas, độc giả là khách hàng của một số nhà cung cấp dịch vụ internet nhất định tại Việt Nam bị yêu cầu „khai báo dịch vụ“ bằng một mẫu khai báo. Không ít độc giả talawas đã gửi thư đến toà soạn hỏi về việc này.

Tuy ghi nhận tinh thần liên tục cải tiến của những người dùng tiền thuế của dân Việt Nam để ưu ái quan tâm đến talawas, một „cái tờ báo điện tử nó hoạt động ở nước ngoài“, chúng tôi vẫn e rằng sáng kiến mới này không chắc chắn thành công. Ai cũng biết rằng talawas là một tạp chí và diễn đàn công ích. Mọi bài vở và thông tin trên talawas là hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người. Chúng tôi chưa bao giờ và không bao giờ đòi hỏi bất kì điều gì ở độc giả. Cái gọi là „khai báo dịch vụ“ nói trên nếu không phải là một trò giết thời gian của những công chức ngành an ninh bắt buộc phải giết thời gian bằng cách nào đó thì là một sự mạo danh trắng trợn. Bằng cách này, người ta hi vọng vừa có thể kiểm soát thông tin của những người tìm cách truy cập talawas tại Việt Nam, vừa có thể khiến độc giả bỗng phải đặt dấu hỏi về tính chất công ích, phi thương mại của talawas: một thao tác có thể coi là hiệu quả hay có thể coi là nham hiểm, tùy góc nhìn.

Có phải ngẫu nhiên mà lời tuyên bố của ông Thứ trưởng lại trùng với thời điểm của cái gọi là „khai báo dịch vụ“ kia không? Khi những dịch vụ như học hộ, nghĩ thuê, tù mướn… đã trở thành những ngạch kinh doanh có đất phát triển ở Việt Nam thì cái dịch vụ mà những ai đó đang mạo danh talawas để thực hiện không hẳn là quá kỳ quặc. Chúng tôi chỉ xin phép lưu ý rằng việc lợi dụng nhãn hiệu talawas để làm dịch vụ thu tiền của độc giả hiển nhiên là vi phạm luật pháp, trước hết là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, điều mà Việt Nam đang rất nỗ lực vượt qua để gia nhập thành công Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối năm nay. Chúng tôi cần mọi chứng từ của những độc giả nào đã „khai báo dịch vụ“ này để có thể xem xét mức độ và quy mô vi phạm và quyết định một hình thức phản ứng thích hợp.

Có thể một ngày kia chúng ta sẽ nhặt được một tờ rơi, quảng cáo cho một dịch vụ đặc biệt, dịch vụ tự do báo chí và ngôn luận. Có thưởng.

© 2005 talawas