© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
22.6.2004
Hoằng Danh
Tản mạn với Thông cáo của talawas
 
1.

À há, cuối cùng thì sự ngây thơ… cụ của tôi cũng đúng là ngây thơ. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, ông Nguyễn Khoa Điềm, đã xác nhận việc talawas bị tường lửa. Tôi có ngây thơ mấy thì cũng không “ngây” để mà “thơ” đến nỗi thật lòng nghĩ rằng không có một cấp lãnh đạo nào đó liên quan đến quyết định dựng tường lửa với talawas. Nhưng tôi đã ngây thơ cụ đến mức ngây thơ… con trẻ, khi cố tình đặt lãnh đạo ra khỏi quyết định… trẻ con đó, với mong mỏi rằng nếu ai đó trực tiếp với sự việc sẽ có lúc suy nghĩ lại và có quyết định “cụ” hơn.


2.

Về những ví dụ để dẫn chứng cho lý do tường lửa:

Phim “Kí ức Điện Biên”: cần gì phải kết tội talawas khi mà những bài viết trên đó dông dài hơn rất nhiều so với một tình tiết ngắn gọn hết sức nhưng lại lột tả sạch trơn, ngay tức khắc bản chất của vấn đề, đã nêu lên tại một tờ báo Đảng trong nước: kinh phí của phim là 15 tỉ, mà doanh thu từ vé tại TP.HCM là… 700 ngàn đồng, vị chi mỗi suất chiếu là… 2 vé! Xin mời tìm lại bài viết này trên Sài Gòn Giải Phóng điện tử.

Việc tường thuật buổi đọc văn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn ngày 28.5.2004 tại Viện Goethe: tôi không theo dõi, miễn ý kiến.

Việc đăng tham luận của nhà phê bình Lại Nguyên Ân cho hội thảo về lí luận phê bình văn học tại Hà Nội ngày 27.5.2004: khi bài viết này xuất hiện cùng ngày với hội thảo, tôi đã cho đây là một khinh suất của tác giả và talawas. Tuy nhiên liên quan đến tường lửa ở sự việc này lại nằm ở vấn đề khác, không phải là thời điểm của nó.

“Hoa thuỷ tiên”: có lẽ thời gian qua, rát nhất trên talawas chính là sự việc này. Tôi không hoàn toàn đồng tình với một số diễn đạt của Nguyễn Huy Thiệp, tôi cũng chẳng màng quan tâm đến tranh cãi giữa những người đầy chữ nghĩa và ý tưởng ấy, nhưng có điều là… Á chà, chuẩn bị “mở van áp suất” đây…

Xin cho phép tôi đặt sang một bên phong cách trung dung của mình, để nói bằng sự căm giận rằng tôi phỉ nhổ lên cái “phong thái” của sự tranh biện qui chụp, và lớn hơn - của nền văn học qui chụp, nền học thuật qui chụp, rồi lớn hơn nữa - nền văn hoá qui chụp, nền đạo đức qui chụp, và còn nữa…, cái mà về mặt vĩ mô, thực chất là chuyên chế về tư tưởng và tinh thần, và về mặt vi mô, thực chất là sự tự ti, thiếu khả năng, khi tự bản thân mình không với tư cách cá nhân mà tranh luận, lại đi kích động cả một thành phần xã hội, cả một dân tộc, cả một lịch sử, nhân danh của một lực lượng này, uy tín của những danh nhân nọ… để mà trói tay, chặn họng, bịt mắt và xử bắn người ta về mặt chính trị, điều mà ở Việt Nam có nghĩa là dùng vũ lực vô hình để ép buộc người khác phải bước tới mạt lộ của sự nghiệp, công danh, và cả “đạo đức”.

Thì ra các quan văn nghệ có sự bảo kê của các quan chính trị. Khi các quan văn nghệ không còn được độc quyền qui chụp người khác từ những công cụ độc quyền trong tay mình, họ cảm thấy trở nên yếu ớt ghê gớm và bị xúc phạm ghê gớm, và vòi đến sự bao bọc của các quan chính trị!


3.

Báo chí được yêu cầu không đưa tin và bình luận về sự việc tường lửa này. Vì sao? Nếu tin việc chúng ta làm là chính đáng, là minh bạch, hơn nữa, với sức mạnh của quyền lực, thì ai có thể làm gì được khi ta công khai điều đó giữa thanh thiên bạch nhật?

Vì:

Để một lượng lớn độc giả trong nước của talawas vẫn còn chưa biết đến sự việc này không tìm cách trèo tường, vượt rào, và những người chưa biết đến talawas cũng không vì sự nổi đình nổi đám này mà tò mò để làm việc tương tự.

Tránh khả năng “hớ” do lời nói không đi đôi với việc làm, kiểu như cuộc trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Đỗ Quí Doãn.

“Hớ” à? Đơn giản thôi, trước công chúng không ai nói rằng ta đây chặn thông tin trong thời buổi thông tin, tự do, dân chủ và hoà nhập; rằng ta đây niêm phong một tờ báo mạng, tự-làm lấy và tự-phục vụ (từ những người chủ trương đến tác giả, dịch giả, và độc giả) của những người trí thức trong và ngoài nước, những người công khai danh tánh vì biết rằng việc làm của mình không hề vi phạm pháp luật (nếu không muốn nói là được pháp luật bảo hộ), và xuất phát không những từ nhu cầu trao đổi thông tin và tồn tại tinh thần của giới mình, mà còn từ nhiệt tình đối với nền văn học, nền học thuật, và tình hình xã hội của đất nước.


4.

Đến đây, lạy Chúa, tôi sợ mình đang đi đến cái thực chất dẫn đến việc có tường lửa với talawas! Có gì lạ đâu, lý do đưa ra đã nói rồi: talawas có tham vọng và đã can thiệp ngày càng sâu vào những hoạt động văn hoá xã hội tại Việt Nam.

Như vậy, giới hữu trách lo ngại talawas đang trở thành một thế lực văn hoá, tinh thần trong xã hội Việt Nam, mà chính xác hơn, trong giới trí thức Việt Nam. Họ lo rằng đây đang là nơi tập hợp của những tiếng nói tâm huyết, những tiếng nói độc lập (hay có phần độc lập) mà không phải là sự hòa giọng cùng, hay từ một trung tâm phát ra duy nhất.

Không lo ngại sao được khi mà trong một thời gian rất ngắn gần đây, với uy tín đã tích lũy được, lượng người tham gia tự-làm lấy và tự-phục vụ ở talawas không còn chỉ là một số khuôn mặt xưa cũ, từ hải ngoại, mà có nhiều khuôn mặt mới từ trong nước, có học hàm, học vị cao, có kiến thức và khả năng chuyên môn mà một số người phải ghen tị, có tinh thần dấn thân mà người khác phải nể trọng… Không lo ngại sao được khi mà giữa những con người dù được đào tạo, lớn lên trong những môi trường và quá khứ thù địch, lại đang có sự liên hệ trên tinh thần hòa giải, với động cơ và nhiệt tình chung đối với đất nước.


5.

Thông tin và thông báo này đến với bạn đọc vào Ngày Nhà báo việt Nam. Từ talawas, theo link, tôi lại vào bài viết Báo chí tự do là sự sám hối công khai của Nguyễn Khắc Mai trên Tuổi Trẻ Online. Bài viết thật hay và thật đúng lúc. Hãy nghe: “Sám hối không phải là sự đổ lỗi cho người khác mà trước hết phải là sự nhận rõ lỗi lầm lớn nhỏ của mình. Nhưng không được làm nhòe chữ mình, biến nó thành một thứ chúng ta chung chung, không rõ địa chỉ. Vì như thế cũng chẳng thật tâm gì. Có những nhóm xã hội thường coi mình là vô can, bao giờ cũng đúng, nếu có sai lầm là do người khác.” Xin các vị có liên quan hãy từ lời nhắc nhở của Nguyễn Khắc Mai mà liên hệ đến sự kiện talawas: Nên đổ lỗi cho talawas hay nên nhận ra lỗi của chính mình? Dựng tường lửa với talawas, ai đó có xuất phát từ cái “chúng ta chung chung” hay từ những động cơ, quyền lực, địa vị cá nhân?, Và thêm nữa, vì sao mà có talawas trên mạng, nếu không phải là vì cũng có phần từ sự sám hối đáng nên có ở những người đáng nên sám hối mà lại không sám hối?

Đọc tiếp xuống, bài báo nói đến sự sám hối cũa vụ án Lệ chi viên dưới triều Lê, về dòng văn học sám hối ở Đức, Nhật, và Trung Quốc. Còn ở ta? Nhìn nếu thẳng vào sự thật, cho dù trên tinh thần hết sức xây dựng và trung dung, nhưng có điều là nằm ngoài những gì người ta muốn nghe khi người khác nói, là lập tức giảy nảy lên và…chụp mũ.


6.

Patrick Raszelenberg có viết về sự kiện này: “Thật buồn và buồn cười: talawas có vẻ như đang làm cho…”. Xin phép nói với anh bạn thế này, anh dụng từ tiếng Việt ở đây chưa «độc» lắm. Câu đó chỉ có nghĩ là buồn và - nói theo ngôn ngữ miền Nam - tức cười, muốn cười, có khi lại không liên can nhiều giữa việc buồn và sự muốn cười đó. Nếu anh viết: “Buồn...cười“ thì hay hơn nhiều. Nó có nghĩa, hoặc là buồn nhưng cắn răng mà cười cho qua chuyện, hoặc là buồn nhưng ngẩng đầu mà cười - cái cười khinh mạn cho đối tượng, đồng thời tự tin vào chính mình, xác quyết tiếp tục con đường đã chọn.

Tôi tin cái cười sau chính là cái cười của talawas.

Ngày Nhà báo Việt Nam, 21.06.2004

© 2004 talawas