Xin chú ý: Để đọc được chữ Hán-Nôm trong bài này, bạn phải cài đặt font chữ
Chu Nom Minh. Bạn có thể download ở đây:
taifont.zip (5.3 MB)
Nếu không có chương trình để mở ZIP, bạn có thể download từ WEB, thí dụ xin bấm vào
UltimateZip
Tiếng đệm
Thành từ
Về ngữ pháp, chúng tôi đã đề nghị chia ra tự, từ, ngữ, cú. Tự là từng chữ từng chữ rời ra. Từ là một lời để tỏ ra một khái niệm. Có khi một tự tức là một từ, vì chính nó đủ tỏ một khái niệm, như người, ngựa, trắng, khóc v.v... Có khi phải hai tự trở lên mới đủ tỏ một khái niệm mà thành một từ, như ông già, trăng trắng, hắt hơi, sạch sành sanh v.v... Hai từ trở lên họp lại mà chưa thành câu thì gọi là ngữ. Khi thành câu trọn vẹn thì mới gọi là cú. Tựu trung ngữ pháp phải lấy từ làm đơn vị
[1] .
Từ ở trong ngữ pháp là như thế. Nhưng, trong tiếng ta có những lời lập thành, phần nhiều ghép bởi hai chữ và thỉnh thoảng cũng có đến ba bốn chữ. Những lời ấy vẫn đủ tỏ một khái niệm, khi ở trong ngữ pháp nó có đủ tư cách gọi là từ được; nhưng khi chưa vào phạm vi ngữ pháp, không tiện gọi là từ, vì nó có khác với từ. Khác ở chỗ này, một từ, tùy người nói hay viết sắp đặt; còn nó vốn lập thành, sẵn có, không sắp đặt gì cả, chỗ nào dùng nó thì cứ đưa vào mà dùng. Như người nói hay viết thuật lại con đường mình đã đi, nếu là đường đổ đá thì nói "đường đá", đường trải nhựa thì nói "đường nhựa", đường lát gạch thì nói "đường gạch"... ba cái từ ấy tùy người sắp đặt, không giống với khi nói "đường sá", là cái lời lập thành, sẵn có không phải nghĩ ngợi đắn đo gì, đáng dùng cứ dùng. Vậy thì, đường đá, đường nhựa, đường gạch là từ; còn đường sá, nên gọi là gì?
Bắt đầu từ đây, chúng tôi muốn tựa theo cái danh từ "thành ngữ" đặt cho nó cái tên riêng là thành từ. Thành từ nghĩa là cái từ đã lập thành, sẵn có. Vì cũng như: "cái nhẫn bằng vàng", "vườn hoa của thành phố", đều là một ngữ, mà là ngữ do người nói hay viết sắp đặt mà nên; nhưng, "đầu hai thứ tóc", "trông như trông mẹ về chợ", là hai thành ngữ đã lập thành, sẵn có cứ thế mà dùng miễn dùng phải chỗ.
Tại sao phải đặt thêm cái danh từ mới là
thành từ ấy? Vì trong tiếng nói của ta có một số rất nhiều từ về hạng ấy, cần phải có riêng cho nó một cái tên, nếu không có thì không biết lấy gì để gọi.
Ấy là như: non sông, đất đai, thuyền bè, xe cộ, sách vở, làng mạc, vườn tược... cho đến như đi lại, chơi bời, đánh dẹp, nói năng, làm lụng, cấy hái... lại cho đến như vui vẻ, buồn bã, chễm chệ, bơ vơ, bần thần, ngớ ngẩn, suồng sã... những từ ấy đều gọi là thành từ. Kể về tính chất của nó thì hoặc là danh từ, hoặc là động từ, hoặc là hình dung từ hay phó từ, nhưng nó có một trường hợp chung là mỗi một từ ấy, trong tiếng nói của ta từ xưa đã lấy hai chữ rời nhau mà ghép lại một để biểu lộ một ý hay một khái niệm.
Bài này chuyên nghiên cứu về tiếng đệm mà mở đầu ra lại nói về thành từ lôi thôi dài dòng như thế chỉ vì sự quan hệ này: tiếng đệm chỉ có được ở trong thành ngữ chứ không có được ở chỗ khác. Nếu không thiết lập cái tên mới thành từ thì tiếng đệm không có chỗ tựa, không có nơi để phụ thuộc, nghĩa là một cái hệ không biết ở dưới cái thống nào. Bây giờ có tên rồi, có thể trình bày thế này thì dễ hiểu dễ nhớ lắm.
| | Hệ 1: thành từ không tiếng đệm |
| | |
Thống: thành từ | | |
| | |
| | Hệ 2: thành từ có tiếng đệm |
Như thế, không phải hết thảy thành từ đều có tiếng đệm, mà chỉ thành từ thuộc về hệ 2 là có tiếng đệm.
Thế nào là tiếng đệm
Tiếng đệm, trước hết là cái chữ đi sau một thành từ, thường không có nghĩa gì, giúp cho chữ đi trước để lọn nghĩa, để tỏ một khái niệm. Vậy trong những thành ngữ cử ra trên đây: non sông, thuyền bè, xe cộ, sách vở, không có tiếng đệm, vì chữ đi sau cũng có nghĩa như chữ đi trước. Gọi đúng với tính chất nó phải gọi là danh từ kép. Còn đất đai, làng mạc, vườn tược: chữ
đai, chữ
mạc, chữ
tược, ta thấy chẳng có nghĩa gì cả, tiếng đệm đi theo để làm lọn nghĩa chữ thứ nhất, thì gọi là danh từ có tiếng đệm. Lấy đó suy ra,
đi lại, đánh dẹp, cấy hái, mỗi hai chữ đều có nghĩa của nó, là động từ kép;
chơi bời, nói năng, làm lụng, chữ thứ hai không có nghĩa, là động từ có tiếng đệm. Hình dung từ, phó từ, đại khái cũng có như thế.
Những thành từ nào có tiếng đệm, thì chữ thứ nhất, cái chữ có nghĩa ấy, gọi là từ căn, nghĩa là gốc của từ. Như chữ
đất là từ căn của
đất đai, chữ
làm là từ căn của
làm lụng.
Có một số thành từ khác, cả hai chữ đều không có nghĩa gì cả, hoặc có nghĩa mà không rành rẽ, đệm cho nhau mới bật ra một nghĩa vững vàng, đủ tỏ một khái niệm. Cố nhiên nó không có từ căn, thì gọi là thành từ bằng tiếng đệm. Cái trường hợp này không hề có trong danh từ, động từ, mà thường hay có trong hình dung từ hay phó từ. Tức như
chễm chệ, bơ vơ, bần thần, ngớ ngẩn, suồng sã, mỗi hai chữ ấy hợp lại với nhau thì đều có nghĩa của nó như ta đã nhận biết; nhưng nếu tách riêng mỗi chữ đứng một mình thì không có nghĩa gì, hay là không có cái nghĩa như khi nó đã kết hợp lại.
Do đó ta có thể cấp cho nó một cái định nghĩa.
(Tiếng đệm là những tiếng tự nó không có nghĩa, đệm sau một từ căn hay đệm cho nhau để nảy ra nghĩa).
Công dụng của tiếng đệm
Chính chữ "đệm", nghĩa là thêm vào. Bởi vậy, khi nghe nói "tiếng đệm", ta hay yên trí rằng nó là những tiếng thêm vào một tiếng khác, ở cái địa vị phụ thuộc, giữ cái chức vụ đưa đẩy, không quan hệ gì lắm. Ta lầm. Thực ra, thì nó có cái tính cách khá trọng yếu, có sự ứng dụng khá linh hoạt, góp một phần công dụng lớn trong tiếng nói nước ta.
Số là, tiếng ta là thứ tiếng đơn âm, chữ nào chết nghĩa ấy, không chắp đầu hay chắp đuôi để biến thành chữ khác nghĩa khác như các thứ tiếng Âu châu được, cho nên rất cần có tiếng đệm. Có thể nói: nhờ tiếng đệm làm cho tiếng nói của ta nẩy nở thêm nhiều ra, và có những cái đại đồng tiểu dị giữa từ ngữ này với từ ngữ khác, là cái làm cho một thứ ngôn ngữ văn tự lên đến bậc minh xác và tinh tế.
Cử ra một vài điều làm lệ.
Từ căn
thẹn: Khi thấy mình có điều thua kém hoặc không thích hợp với người chung quanh, tự nhiên có sự bất mãn về riêng mình: ấy gọi là "thẹn". Sự bất mãn ấy có khi hiện ra nhan sắc bộ điệu, có khi chỉ ẩn trong lòng mình thôi: hai sự thực khác nhau, phải có hai tên gọi khác nhau. Thế thì chỉ có nhờ tiếng đệm để làm nên sự phân biệt ấy. Khi hiện, đệm chữ thò sau chữ thẹn, nói
thẹn thò; khi ẩn đệm chữ thùng hay chữ thuồng sau chữ thẹn,
nói thẹn thùng hay
thẹn thuồng. Cùng một từ căn là thẹn mà đem thò hay thùng, thuồng là những chữ không có nghĩa đệm vào, hóa ra có hai nghĩa khác nhau.
Từ căn
xanh: Xanh là một sắc. Nhưng nó có nhiều màu khác nhau, vậy phải dùng đệm để phân biệt cái khác nhau ấy.
Xanh dờn hay
xanh um để chỉ màu xanh cỏ cây;
xanh ngắt để chỉ màu xanh da trời;
xanh xao để chỉ màu xanh da người khi có bệnh. Chữ
dờn, chữ
um, chữ
ngắt, chữ
xao không có nghĩa gì dính dấp với xanh cả, còn cái nghĩa riêng của nó nếu có cũng chẳng dùng vào đây, nhưng đã đem nó đệm cho từ căn
xanh thì tự nhiên sinh ra ba nghĩa làm cho ba màu xanh khỏi lẫn lộn với nhau.
Cái thành ngữ
óng ánh, do hai chữ óng và ánh mỗi chữ tự nó không có nghĩa rành rẽ, kết hợp lại, có nghĩa là: cái gì trơn láng, có ngòi, hay là cái sắc thái của vật gì có chất thấu quang. Cái thành từ ấy đã là bằng tiếng đệm rồi, do đó lại sinh thêm những thành từ bằng tiếng đệm khác có nghĩa gần như thế. Óng ánh thêm phụ âm thành
lóng lánh, để hình dung cái gì có trạng thái như là ánh sáng, chiếu qua hạt móc hay xuống nước. Lại bỏ dấu sắc đi, chuyển sang
long lanh, cũng để hình dung cái trạng thái ấy mà thêm một ý nữa là có rung động. Điều này tỏ ra tiếng đệm tự nó có sức biến hóa làm cho từ ngữ thêm giàu ra.
Cái thành ngữ
ầm ì, mỗi chữ tự nó cũng không có nghĩa rành rẽ, kết hợp lại, có nghĩa là: cái tiếng gì to, liên tiếp, nghe từ xa. Thêm phụ âm thành ra rầm rì, hình dung một thứ tiếng gì không to mà liên tiếp, không từ xa nhưng nghe không rõ. Thêm phụ âm khác thành ra
thầm thì, là tiếng hai người nói chuyện nho nhỏ với nhau, người ngoài chỉ nghe có tiếng mà không biết nói gì. Chưa hết đâu, còn chuyển sang
ầm ĩ, hình một thứ tiếng to mà không cần có nghe; lại chuyển sang
rầm rĩ, thầm thỉ, là đại đồng tiểu dị một với rầm rì, một với thầm thì, mà khi dùng đến cần phải phân biệt. Điều này lại tỏ ra tiếng đệm tự nó biến hóa càng phong phú hơn.
Ngoài cái công dụng kể trên, tiếng đệm còn có một công dụng nữa là làm cho những danh động từ nào đó đã đệm hoặc thành ra số nhiều, hoặc thành ra phiếm chỉ, có khi gồm cả hai hiệu quả ấy.
Như khi nói
tre pheo, gà qué, tiền nong, đất đai... không những chỉ một thứ tre, một giống gà, một số tiền, một đám đất, mà có ý bao hàm rộng hơn; lại cũng có ý không chỉ rõ tre nào, tiền nào, đất nào nữa. Những danh từ có tiếng đệm ấy giá trị của nó tương đương với danh từ kép, như khi nói sách vở, núi non, sông ngòi, thuyền bè, là bao hàm nhiều sách, nhiều núi, nhiều sông, nhiều thuyền và nói một cách phiếm; mà về phần phiếm, danh từ có tiếng đệm còn phiếm hơn, như đất
đai, phiếm hơn đất ruộng, tiền
nong phiếm hơn tiền bạc.
Về động từ: Chơi, thường phải nói rõ chơi gì, hay là chơi với ai, hay là chơi ở đâu, nhưng
chơi bời thì bao hàm cái ý rộng hơn và đủ rồi, không cần nói rõ nữa. Làm, cũng thế, nếu không nói rõ làm gì thì lời nói có khi thành ra vô ý thức; nhưng khi nói
làm lụng thì ngữ ý đã hoàn túc, không phải bị đòi hỏi gì thêm.
Nói rõ hơn, khi dùng một động từ đơn, dầu cho nội động từ đi nữa có khi cũng cần phải có bổ túc ngữ. Nhưng dùng động từ có tiếng đệm thì không có bổ túc ngữ cũng được. Như nói
"Tôi làm cả ngày" thì người nghe phải hỏi "làm gì". Nhưng nói
"Tôi làm lụng cả ngày" thì theo lẽ, người nghe không phải hỏi nữa, vì làm lụng có ý bao hàm nhiều công tác, hoặc làm việc này hoặc làm việc khác, hơi đâu mà hỏi? Giá có người nói:
"Nó nói bướng lắm", theo ngữ pháp, câu ấy không đến nỗi sai; nhưng nếu hỏi:
"Nói thế nào mà bướng" thì câu hỏi cũng không phải ngớ ngẩn. Chỉ có khi nói:
"Nó nói năng bướng lắm", thì đã tỏ ra rằng bấu kỳ nói gì cũng bướng, không cần phải hỏi nữa. Xem đó, giá trị của động từ có tiếng đệm cũng tương đương với động từ kép, nhưng còn phiếm hơn động từ kép, như
chạy chọt phiếm hơn chạy lo,
kiện bọng phiếm hơn kiện cáo.
Tiếng đệm còn có một công dụng đặc biệt là: chỉ đệm cho từ căn một chữ, làm cho cái từ ấy không cứ là danh, động, hình dung, mất giá trị đi, thành ra phản ngữ hay phủ nhận mà không dùng phó từ tiêu cực là "không" hay "chẳng". Như
người ngợm, không ra hồn người;
cô lô, cậu lậu, không xứng đáng là cô là cậu;
tu mu hoặc
tu hú, không thật là tu;
hay ho hoặc
hay hớm, thực ra chẳng hay gì cả.
Lại cũng nhờ đệm làm một từ thành có ý trào phúng, như
say sưa, ngụ ý say thì sưa;
hút xách, ngụ ý hút thì xách;
chung chạ, ngụ ý chung thì chạ.
Đặc biệt hơn nữa là cái tiếng đệm bằng âm
iếc hoặc
iệc. Tiếng đệm này bất cứ cho một từ nào nó cũng đệm được, chỉ có việc thêm một phụ âm đầu đồng với từ ấy khi nó có phụ âm đầu. Cái từ nào nó có đệm sẽ biến thành một nghĩa lửng lơ, không hẳn phản ngữ, không hẳn phủ nhận, cũng không hẳn trào phúng mà có thể nói là gồm cả ba ý phản ngữ, phủ nhận và trào phúng. Đó là cái công dụng có vẻ kỳ quái và cũng có vẻ lý thú của tiếng đệm
iếc hay
iệc nổi bật lên trong tiếng nói Việt Nam, chỉ vì nói hay viết người ta cứ dùng luôn, quen quá đến nỗi xem thường. Đây này: vợ
việc, con
kiếc, làm
liệc, ăn
iếc, thanh niên thanh
niếc, làm quan làm
quiếc, đánh giặc đánh
giệc, viết báo viết
biếc, ra sách ra
siếc, mô phạm mô
phiệc, chính trị chính
triệc; trong những câu có từ ngữ như thế, không cần dẫn ra cả câu và cắt nghĩa, ta cũng nhận được ở người nói hay viết có ý thế nào: Đại khái là không có sự tin tưởng ở cái giá trị của con người hay việc làm mà mình đương đả động đến.
Gần nay ở Bắc bộ lại có nghe người ta, dùng một thứ tiếng đệm khác là
ung. Như nói: ăn cơm là
cung, uống thuốc là
thung, đánh đáo đánh
đung, v.v... Nhưng tiếng đệm này chỉ là thêm thôi, không có ý nghĩa như tiếng
iếc và cũng không phổ thông bằng.
Tiếng đệm cấu thành như thế nào?
Đất, sao lại đệm đai, nước, sao lại đệm nôi, chơi, sao lại đệm bời, làm, sao lại đệm lụng; thẹn sao lại đệm thùng, sao lại chỉ được thẹn ẩn, đệm thò, sao lại chỉ được thẹn hiện; xanh đệm um, sao lại chỉ được màu cỏ cây, đệm ngắt, sao lại chỉ được màu da trời, cả đến lóng lánh, sao lại trạng được sắc thái thấu quang, chuyển sang long lanh, sao lại thêm được ý có rung động; ầm ì, sao lại trạng được tiếng to nghe từ xa, chuyển sang ầm ĩ, sao lại trạng được tiếng to mà không cần có nghe. Cả cái lý sở dĩ nhiên ấy là một dấu hỏi lớn trong sự cấu thành tiếng đệm. Muốn giải đáp nó, tôi tin rằng chỉ có căn cứ ở cái
luật âm thanh trong bài nghiên cứu đề là "Âm thanh" của ông Đoàn Phú Tứ đăng ở báo "Thanh Nghị" năm trên. Nhưng đó là một công việc bề bộn, rắc rối, tỉ mỉ mà hiện nay tôi chưa làm được, tôi xin hẹn lại ngày mai hay là kính cẩn trao cho người khác. Ở đây tôi chỉ xét xem cái cách cấu thành tiếng đệm về phần hình thức mà thôi.
Về hình thức, tiếng đệm cấu thành theo bảy cách như dưới đây:
- Đồng phụ âm, như đất đai, bụi bặm, người ngợm, phu phen, thịt thà, rau ràng, làm lụng, nói năng, ngủ nghê, nài nỉ, vỗ vẽ, khấn khứa, xanh xao, vàng vọt, dạn dĩ, thẩn thờ, đậm đà, sặc sỡ, chễm chệ... tiếng đệm với tiếng đứng trước nó đồng một phụ âm đầu với nhau.
- Đồng vận, như xô bồ, lim dim, đôi hồi, tưng bừng, lơ thơ, lố xố, la đà, chơi vơi, hoang toàn, hấp tấp, tiu nghỉu... tiếng đệm với tiếng đứng trước nó không đồng phụ âm mà đồng một nguyên âm hay một nguyên âm ghép hay một nguyên phụ âm, tức là đồng một gốc vận.
- Không đồng âm vận, như làng mạc, chợ búa, tờ bối, giây má, thề bồi, kiện bọng, đãi bôi, chê bai, đon ren, đèo bòng, xanh rì, vàng khè, quê mùa, vắng ngắt, chóng vánh, nhặng xị... tiếng đệm với tiếng đứng trước nó không đồng một phụ âm đầu mà cũng không đồng một gốc vận.
- Điệp âm, như lâng lâng, khăng khăng, bời bời, ẳng ẳng... hai tiếng hoàn toàn giống nhau, ta quen gọi là tiếng đôi.
- Sai thanh, như the thé, hơ hớ, leo lẻo, phơi phới, dằng dặc, vằng vặc, dửng dưng, lẳng lặng, văng vẳng, lồng lộng, khanh khách, chan chát... hai tiếng đồng một phụ âm đầu, một nguyên âm, một nguyên âm ghép hay một nguyên phụ âm cùng chiều với nhau, chỉ khác cái dấu.
- Đệm ba, như sạch sành sanh, khỏe khòe khoe, dửng dừng dưng, ba lăng nhăng... hai tiếng cùng đệm một từ căn hay ba tiếng đệm nhau không có từ căn; nhưng thứ này ít lắm.
- Đệm tư, như ì à ì ạch, cầu bơ cầu bất, rỉ ra rỉ rách, nhí nha nhí nhảnh, dật dờ dật dưỡng, hất hơ hất hải, thậm thà thâm thụt, lau chau lách chách, tưng bừng túi bụi, xù xì xụt xịt, tù ti tút tít... Không có từ căn, bốn tiếng đệm nhau để tỏ ra một nghĩa. Thứ này cũng không có nhiều.
5. Một luật chung: luật phù trầm
Tiếng đệm cấu thành có bảy cách như trên, nhưng đều ở dưới một luật chung, là: theo sự điều hòa của tám âm giai, phù đi với phù, trầm đi với trầm, không thể hỗn loạn: gọi là
luật phù trầm [2] .
Tám âm giai là: bình thanh, chia ra: 1• phù bình không dấu và 2• trầm bình dấu huyền; thướng thanh chia ra 3• phù thướng dấu hỏi và 4• trầm thướng dấu ngã; khứ thanh, chia ra 5• phù khứ dấu sắc và 6• trầm khứ dấu nặng; nhập thanh, chia ra 7• phù nhập dấu sắc nhập và 8• trầm nhập dấu nặng nhập.
Thế thì, tiếng đệm không cứ đệm bằng cách nào, cứ phải phục tùng luật ấy một cách ngoan ngoãn như có bị quyền pháp nào bắt buộc, trừ ra một ít ngoại lệ vả cũng chưa có hẳn là ngoại lệ. Nhưng đây mới là cái phần hình thức về âm thanh, chưa phải đi sâu vào cái nghĩa thuần túy của luật âm thanh như trong bài của ông Đoàn Phú Tứ đã nhắc đến trên kia.
Theo luật phù trầm, tức là bốn dấu "không"
[3] , sắc, hỏi, sắc nhập đi với nhau: bốn dấu huyền, ngã, nặng, nặng - nhập đi với nhau.
Như:
xanh với
xao,
lẩm với
cẩm, cháng với
váng, hấp với
tấp, ngủ với
nghê, đất với
đai,
tấp với
tếch, rắp với
ranh... và như
tần với
ngần, nghễnh với
ngãng,
cặm với
cụi, vọc với
vạch, ì với ạch,
mò với
mẫm, hợm với
hĩnh, mịt với
mùng v.v... Không khi nào phù đi với trầm hay trầm đi với phù, tức là không khi nào "không, nặng, ngã đi với nhau, hay là huyền, sắc, hỏi đi với nhau".
Tuy vậy, trong luật phù trầm có những điều kiện như là được đặt ra để chế bớt cái sức chi phối của nó. Ấy là: nếu
đồng vận thì phù và trầm có thể đi với nhau, như tưng bừng, hoang toàng, lùi xùi, túi bụi, lép kẹp, ủ rũ v.v...
Lại một điều kiện giống như vậy nữa, là: nếu
đồng phụ âm thì cũng có được không theo luật, như
mơ màng, rình rang, "không" đi với huyền;
chung chạ, "không" đi với nặng;
lẳng lặng, hỏi đi với nặng;
nài nỉ, huyền đi với hỏi;
ngoan ngoãn, "không" đi với ngã v.v... Thế nhưng, những thành từ hợp với hai điều kiện này, kể ra cũng không có nhiều.
Điều kiện thứ ba là:
đệm ba, đệm tư, vì số chữ tăng lên, không thể theo đúng luật được, nên chúng nó thường có khi trái luật.
Ngoài ba điều kiện ấy mà còn có không theo luật thì mới hẳn là
ngoại lệ. Ấy là như: chợ búa, góa mụa, quê mùa, đãi bôi, xanh rì, vàng hoe, trắng nõn v.v...
Về thứ ngoại lệ này tôi có thêm một điểm hoài nghi. Theo định nghĩa trên kia, chỉ có những chữ không có nghĩa đệm cho một từ căn hay đệm cho nhau sinh ra nghĩa thì mới là tiếng đệm. Vậy thì như
đồng áng, nâu sồng, sửa soạn, kẹo đai, đều là những danh từ, động từ, hình dung từ kép, vì bốn chữ đi sau đều có nghĩa của nó, nó không phải tiếng đệm cho nên không theo luật phù trầm. Ấy là khi gặp những chữ như
áng, sồng, soạn, đai, ta biết nghĩa thì mới phân biệt được như thế. Còn khi gặp cái chữ đi sau ấy là một tiếng xưa hoặc tiếng ngoài len vào mà bây giờ không tìm được nguồn gốc của nó, không biết nghĩa là gì, rồi ta cho nó vào loại tiếng đệm và trách nó không theo luật thì chẳng cũng oan nó lắm sao?
Tức như chợ
búa, góa
bụa, tôi đã tìm được ít nhiều chứng cứ, đoán rằng nó gốc ở chữ Hán
thị phú (市 府)
quả phụ (寡 婦) mà ra. Nếu cái giả thuyết này mà đúng sự thực và sau này do đó còn tìm được bao nhiêu chữ khác giống như thế nữa, thì chúng nó đều sẽ được hồi phục lại cái tính chất vốn có là danh, động, hình dung từ kép; rồi cái điều thứ ba trong mục tiếng đệm cấu thành trên đây cũng sẽ bị xóa đi, và cái luật phù trầm cũng sẽ bớt số chữ ngoại lệ đi hay là đến không có ngoại lệ nữa.
6. Tiếng đệm với từ căn
Ở trên đã chia ra hai thứ tiếng đệm: Có từ căn và không có từ căn. Thứ sau để riêng ra; ở đây nên có đôi điều xét nhận về thứ trước.
Cùng một từ căn mà tiếng đệm đồng phụ âm với tiếng đệm không đồng phụ âm khác tính chất với nhau chứ không những khác nghĩa.
Ví dụ: Cùng một từ căn là
xanh, vàng, buồn, vắng, nóng, lạnh, ấm, mát mà xanh rì, xanh um, xanh dờn, xanh ngắt, vàng khè, vàng hoe, buồn tanh, buồn thiu, buồn dượi, vắng tanh, vắng ngắt, nóng hổi, nóng nực, lạnh tanh, lạnh ngắt, ấm hỉm, mát rợi: khác phụ âm với từ căn thì, theo ngữ pháp, tính chất của nó là phó từ làm lọn nghĩa cho từ căn nó đi theo, nhưng vốn là tiếng đệm. Còn xanh xao, vàng võ, vàng vọt, buồn bã, vắng vẻ, nóng nảy, lạnh lẽo, ấm áp, mát mẻ: đồng phụ âm với từ căn thì, theo ngữ pháp, nó cũng là tiếng đệm nhưng được coi như hình dung từ kép, hỗn hòa làm một với từ căn nó đi theo.
Từ căn luôn luôn ở trước nhưng cũng có đôi khi ở sau. Điều này đáng kể là một điều lạ.
Như
lam làm, khong khen, đắn đo, ao ước, ngao ngán, trà trộn, thao thức, rắc rối... thì quả là cái từ căn ở sau, ở chữ thứ hai, vì chữ ấy có nghĩa.
Đáng lẽ phải đảo lên, lấy chữ thứ nhì làm chữ thứ nhất thì mới hợp lý, huống nữa cái lý ấy đã chiếm phần đa số rồi. Nhưng, trong ngần ấy thành từ kể trên, chỉ có thể đảo hai cái là
đo đắn, ước ao mà thôi, vì người ta cũng có nói như thế; còn thì không thể đảo được, không ai hề nói làm lam, khen khong, ngán ngao, trộn trà, thức thao, rối rắc cả. Đó là một vấn đề tôi đưa ra mà tự mình chưa giải đáp được. Tôi không cắt nghĩa được tại làm sao có sự bất hợp lý ấy.
Đó là động từ và hình dung từ, còn lấy lẽ rằng nó thiên về trừu tượng, từ căn ở sau cũng không hại lắm. Đến như danh từ, tuy vô hình đi nữa, từ căn phải ở trước thì mới nổi bật cái "danh" lên được chứ. Như
màu mè, mối manh, hơi hám (hướng),
dáng dấp, cái chữ có nghĩa đứng trước, có phải làm cho ý nghĩa của mỗi từ được vững chãi và sáng sủa hơn không? Trái lại, từ căn ở sau như "nông nỗi", hay "nhiêu nỗi" mà lại ở sau chữ "nông" là chữ không có nghĩa gì ở đây, thật đáng cho ta lấy làm lạ và để ý tìm tòi, xét cho ra lẽ.
7. Tiếng đệm với song âm mẫu
Riêng về những
thành từ có
hay bằng tiếng đệm đồng phụ âm, khi hai chữ đi với nhau, như nợ đi với nần mà không với "nàng", thấm đi với thía mà không với "thá", tất nhiên có một cái lý thuộc về
luật âm thanh thế nào đó, bài này chưa nói đến. Ở đây chỉ mới tìm thấy một cái sự thực là: những thành từ ấy phần nhiều có từng lũ một, ít thì một hai, nhiều thì đến mười mấy, hai chục, cùng nhau chung lấy hai âm làm gốc, thành thử mỗi một lũ thành từ ấy chỉ khác nhau cái đầu chữ và những dấu, còn bụng chữ và đuôi chữ thì hoàn toàn giống nhau. Cử ra mấy lũ làm lệ:
- Cò kè, hó hé, khò khè, nhỏ nhẻ, ro re, thỏ thẻ, trọ trẹ, vo ve, vò vè, vỏ vẻ: chung nhau hai âm o, e.
- Cũ kĩ, khù khì, rủ rỉ, rù rì, rũ rĩ, tù tì, tù ti (tút tít), xù xì (xụt xịt): chung quanh nhau hai âm u, i.
- Bực bội, nực nội, nhức nhối, tức tối: chung nhau hai âm ưc, ôi.
- Bệu bạo, dêu dao, lếu láo, mếu máo, nghêu ngao, phều phào, trệu trạo, xều xào: chung nhau hai âm êu, ao.
- Cáu kỉnh, kháu khỉnh, láu lỉnh: chung nhau hai âm au, inh.
- Dùng dằng, dùng dắng, dúng dắng, hung hăng, chủng chẳng, lung lăng, lủng lẳng, ngủng ngẳng, nhùng nhằng, thủng thẳng, thung thăng, vùng vằng, vung văng: chung nhau hai âm ung, ăng.
Hai cái âm làm gốc ấy nên đặt cho nó có một cái tên mới là
song âm mẫu; lũ thành từ tiếng đệm nào cùng nhau chung lấy hai âm nào làm gốc thì gọi là lũ thành từ ấy
đồng một song âm mẫu.
Những song âm mẫu ấy thường thường không có nghĩa, như sáu cặp cử ra trên đây; nhưng cũng có khi có nghĩa như:
- U ơ có nghĩa, đi theo nó là: hụ huợ, khù khờ, lu lơ, rù rờ, su sơ, tru trơ, vu vơ, vù vờ.
- Êm ái có nghĩa đi theo nó chỉ có một thành từ: mềm mại.
- Âm áp có nghĩa, đi theo nó là: bậm bạp, chậm chạp, lấm láp, nhấm pháp, ngấm ngáp, rậm rạp, thấm tháp.
- Õng ẹo có nghĩa, đi theo nó là: khõng khẹo, lỏng lẻo, mỏng mẻo, tòng tẹo, trong trẻo, tròng trẹo, thõng thẹo.
Tôi, trong khi viết đây, đã tìm ra được 82 cặp song âm mẫu mà chỉ có 19 cặp có nghĩa.
Vì sao những thành từ tiếng đệm lại cùng nhau từng lũ từng lũ chung lấy một song âm mẫu làm gốc, đó là sự tình cờ hay có ý nghĩa gì? Hiện đây tôi chưa tìm ra được tất cả và cũng chưa thấy đến chỗ sâu mầu của nó, chỉ cắt nghĩa được một số ít và đại khái, nhưng đã đủ quyết nhận rằng không phải tình cờ đâu.
Một lũ thành từ tiếng đệm nào đi theo một cặp song âm mẫu nào, thì lũ thành từ ấy tuy không cùng có một nghĩa nhưng cùng có một ý hay một trạng thái tương tự với nhau, như:
- Chung một song âm mẫu ưc, ôi: bực bội, nực nội, nhức nhối, tức tối, đều có chung một ý là: ở giữa cái tình trạng phản thường, làm cho khó chịu.
- Chung một song âm mẫu u, ơ, có nghĩa là nói không nghe ra tiếng gì: hụ huợ, khù khờ, lu lơ, rù rờ, su sơ, tru trơ, vu vơ, vù vờ, đều có chung một ý là: không thành ra cái gì, không có đâu ra đó.
Đó là hai song âm mẫu có cử ra trên kia, ngoài ra còn:
- Chung một song âm mẫu uc, ăc: dục dặc, hục hặc, lúc lắc, khúc khắc, nhúc nhắc, trúc trắc, trục trặc, súc sắc, vúc vắc, đều có chung một ý hoặc một trạng thái là: không yên ổn, không êm thuận.
- Chung một song âm mẫu ơ, ác: ngơ ngác, nhơ nhác, phờ phạc, xơ xác, xờ xạc, đều có chung một trạng thái là: mất đi hoặc ít hoặc nhiều cái thần sắc vốn có.
- Chung một song âm mẫu ung, inh: bùng binh, đủng đỉnh, chùng chình, húng hính, khủng khỉnh, phúng phính, rung rinh, thùng thình, thủng thỉnh, trùng trình, trũng trịnh, vùng vinh, xùng xình, xúng xính, đều có chung một ý hay một trạng thái là: rộng, chao đảo, chậm chạp.
- Chung một song âm mẫu ấm ức, có nghĩa là: hơi lên nghẹn cổ nuốt xuống lại lên mà thành ra tiếng: ậm ực, hậm hực, rậm rực, tấm tức, trậm trực, đều có chung một ý hay một trạng thái là: muốn mà không được, tỏ vẻ bất bình.
- Chung một song âm mẫu ất, ơ: dật dờ, ngất ngơ, phất phơ, thất thơ, vất vơ, vật vờ, đều có chung một ý là: không nhất định, không yên thân, không chỗ tựa.
- Chung một song âm mẫu ơ, ân: dớ dẩn, đờ đẫn, ngơ ngẩn, ngớ ngẩn, vơ vẩn, vớ vẩn, thơ thẩn, đều có chung một ý là: có vẻ kém lý trí, mất tinh thần.
Trên đầu đoạn này tôi có nói tìm ra được một sự thực, tức là có song âm mẫu và có những lũ thành từ tiếng đệm cùng chung một song âm mẫu; cái sự thực ấy, tiếc rằng cho đến đây cũng còn chưa phát huy được hết, nhưng với bao nhiêu điều chứng giải trên đây, đã dám tin chắc chắn nó là sự thực rồi.
8. Kết luận
Chiếu lệ, cuối bài thì cũng cho vào một đoạn kết luận, chứ thực ra, cái "luận" này chưa có thể "kết" được, vì tôi thấy trong tiếng đệm còn có nhiều điều nên đào bới sâu và rộng hơn nữa, tiếc tôi chưa có đủ khí cụ để đào bới.
Tôi có ý thức về tiếng đệm từ lâu. Khi định viết bài này, tôi nghĩ ngợi, sắp đặt trong trí thật đâu ra đó rồi mới cầm bút viết. Không ngờ viết được mấy trang giấy thì phải ngừng lại, vì những tiếng đệm với những tiếng không đệm cứ đeo lấy nhau, không làm sao rứt ra nổi.
Mất công mấy ngày ngồi lục những tiếng đệm và tiếng không đệm ra trên giấy, sau khi kiểm soát và nhận định rõ ràng, đặt cho chúng nó một cái tên mới là
thành từ xong, tìm ra hệ thống, mới xóa bỏ mấy trang đã viết mà bắt đầu viết cái khác, tức là đoạn mở đầu bài này.
Đến chỗ nói về tiếng đệm cấu thành như thế nào, lại thấy rối ren lộn xộn, không thể không ngừng bút. Lại phải mất công mấy ngày ngồi lục những thành từ theo thứ tự chín nguyên âm và vần ngược. Lục xong, chúng nó tự trình bày ra sự đồng và dị khá tách bạch, khi ấy mới nắm lấy đó chia ra bảy cách cấu thành và viết tiếp theo.
Cuối cùng còn phải ngừng viết một lần nữa ở chỗ nói về những lũ thành từ cùng đi theo một song âm mẫu. Cái danh từ này cũng đã phí mất mấy ngày đêm mới đặt được ra. Rồi còn phải ngồi lục những lũ thành từ đồng một song âm mẫu đến 87 cặp bằng chữ lăn tăn trên giấy, xong, mới lại viết cho đến cuối bài được.
Có mấy điều trọng yếu trong tiếng đệm tôi đã tìm thấy thình lình trong khi viết, mà trước kia tôi chưa hề nghĩ đến.
Viết xong, tôi thấy vui không biết vui vì lẽ gì. Tôi có nói đùa với anh em rằng đáng lẽ phải có một lễ lạc thành!...
Xin lỗi bạn đọc, cái kết luận quá vu vơ. Chẳng qua tôi muốn ghi cái quá trình của tôi trong khi viết và cái cảm tưởng của tôi sau khi viết.
28-2-1949
(Viết tại Ao Châu trong những ngày mưa lạnh đầu năm 1949, có 3 lần xuống hầm tránh mấy bay địch khủng bố vào ba ngày 7, 20, 25 tháng 2)
Viết thêm về sau
Bổ di:
Trong bài
Tiếng đệm này, còn sót mấy điều xem ra cũng trọng yếu. Sau khi viết đã lâu, tôi mới thấy ra, bèn viết thêm mấy đoạn dưới đây, gọi là "bổ di".
Về tiết 3, "Công dụng của tiếng đệm", chỗ nói về tiếng đệm đặc biệt, nên thêm một thứ.
Có những danh từ, động từ hình dung từ hay phó từ, mới nghe như từ ngữ đôi, mà kỳ thực là tiếng đệm, vì chữ đi sau không có nghĩa gì ở đó cả mặc dầu nó vốn có nghĩa của nó.
Như "xe pháo" trong khi nói: đi một nước đường cũng xe pháo, tính cả tiền xe, tiền pháo thì tiếng "pháo" ấy là tiếng đệm. Đáng lẽ nói xe ngựa, hay xe cộ là danh từ kép, nhưng muốn nói một cách càng phiếm hơn, người ta mượn "pháo" là vật một loại với xe trong bàn cờ tướng để đệm cho xe. Pháo nghĩa là súng lớn, trong cờ tướng, nó cũng có nghĩa ấy, nhưng ở đây nó không còn có nghĩa súng lớn nữa, chỉ là tiếng đệm.
"Nước non", non là núi nhỏ, nói nước non cũng như nói sông núi, nó là danh từ kép. Nhưng khi người ta nói: nước non gì, hay là nói: chẳng nước non gì, để tỏ nghĩa chẳng được gì, chẳng có ích lợi, thì tiếng "non" ấy chỉ là mượn và đệm cho tiếng "nước", chứ nó không có nghĩa núi nhỏ ở đây.
Khi nói nước non theo nghĩa này thì chữ nước cũng không có nghĩa là sông mà là nước cờ. Đánh cờ tướng, trong lúc nghĩ không ra nước gì làm bên địch thua, người ta nói: chẳng nước gì, tỏ ý là cờ không có nước thắng. Nói nước non theo nghĩa sau là mượn câu ấy mà thêm chữ non vốn không có nghĩa gì ở đây, đệm vào cho thấy nó có ý phiếm đó thôi.
Gần nay người ta lại có nói: chẳng nước mẹ gì, cũng có nghĩa như chẳng nước non gì, đó là dịch nghĩa chữ "mẫu quốc" bằng một ý mỉa (péjoratif) và phủ định (négatif).
"Hạch nhọt", hạch đây vốn nghĩa là hạch hôi, tra hạch, nhưng nó đồng âm với chữ hạch là cái hạch có khi sinh ra trong thân thể người ta. Nhọt là ung độc, mỗi khi trong thân thể người ta. Nhọt là ung độc, mỗi khi trong thân thể có nhọt, cũng thường thường có hạch. Nhân đó mượn chữ nhọt đệm cho chữ hạch là hạch hỏi để làm chữ hạch hỏi ấy ra có ý mỉa và phỉ định.
"Chim chuột", chim là ve vãn, mà đồng âm với chim là con chim. Đệm chữ "chuột" là con chuột vào để tỏ ý phiếm và cũng có ý hài hước. Chữ chuột này ở đây mất cái nghĩa là con chuột đi, chỉ là tiếng đệm.
"Nói hành nói tỏi", nói hành nghĩa là trách móc hay chỉ trích người nào sau lưng họ. Mà hành lá thứ rau vừa thơm vừa cay vừa hôi một loại với tỏi. Cho nên mượn chữ tỏi đệm vào chữ hành để làm cho động từ có ý mạnh thêm, chứ chữ tỏi ở đây không có nghĩa, chỉ là tiếng đệm.
Về tiết 4, „Tiếng đệm cấu thành như thế nào?" phải để thêm điều này:
đồng nguyên âm. Như thế là tiếng đệm cấu thành theo tám cách chứ không phải bảy cách như đã nói.
Đồng nguyên âm là những thành từ hai chữ hoặc bốn chữ, mỗi chữ đều có nguyên âm đứng đầu như
ấp úng, ậm ực, eo óc, ỏn ẻn, uể oải, ục ịch, ấp a ấp úng, ì à ì ạch v.v...
Nhưng thành từ ấy hầu hết là
thành từ bằng tiếng đệm, nghĩa là hai chữ hoặc bốn chữ mà mỗi chữ đều không có nghĩa, họp với nhau tỏ được một ý hoặc một trạng thái, mới trở nên có nghĩa.
Chúng nó hầu hết là hình dung từ hay phó từ, không hề là danh từ, và thỉnh thoảng mới có một vài động từ, như ao ước, âu yếm.
Về tiết 5, Luật phù trầm, chỗ cử ra mấy ngoại lệ, tôi có để ý hoài nghi, nghi có điều thứ ba, không
đồng âm vận trong tám cách cấu thành tiếng đệm, có lẽ không thành lập được, nhất là những danh từ mà tôi gọi là
danh từ có tiếng đệm, không chừng, nó là danh từ kép mà vì ta không biết nghĩa cái tiếng thứ hai nên tưởng là tiếng đệm.
Bây giờ tôi tin chắc, chỉ có danh từ nào
đồng phụ âm như đất đai, bụi bặm, thì mới là danh từ có tiếng đệm, còn danh từ nào
không đồng âm vận như làng mạc, từ bồi thì tôi rất sợ nếu chữ "mạc" chữ "bồi" có nghĩa mà mình không biết. Ấy thế mà cái danh từ
đồng phụ âm như phu phen, cũng còn muốn phá sự tin chắc của tôi đây, vì thấy trong cuốn sách tựa là
"Lý Thường Kiệt" của ông Hoàng Xuân Hãn có nói "đi phen", nếu nói thế được thì "phen" lại là danh từ mất rồi. Nhưng thôi, khoan nói cái chuyện lôi thôi ấy.
Tôi hẵng cứ ra những chữ mình tưởng là đệm, không có nghĩa, mà té ra nó có nghĩa, không phải đệm.
áng là đám, làng Xuân Áng ở Phú Thọ cũng gọi là Xuân Đám. Áng mây là đám mây, áng công danh là đám công danh. Vậy đồng áng là đồng ruộng và đám đất.
Nâu sồng: sồng là một thứ cây, người ta lấy lá nó nấu nước nhuộm trước rồi phủ nâu sau, màu nó đỏ sậm.
Chợ búa: Tôi nói do chữ Hán, "thị phủ" mà ra, có lẽ không đúng. Năm 1949, ông Nguyễn Thiệu Lâu cho tôi biết ở Hà Tĩnh vẫn gọi cái chợ nhỏ là búa.
Góa bụa: Tôi đoán do chữ Hán "quả phụ" mà ra, chắc đúng. Vì tôi đã cầu chứng ở nhiều chữ Hán ra nghĩa Nôm một loại với nó
詉 (tỏa) là khóa,
挼 (noa) là thoa,
誇 (khoa) là khoe,
梭 (thoa) là thoi,
瓦 (ngỏa) là ngói, thì
寡 quả) là góa được lắm.
苻 (phù) là bùa,
斧 (phủ) là búa,
敷 (phu) là bủa,
扶 (phù) là vùa,
註 (chú) là chua,
舞 (vũ) là múa,
主 (chủ) là chúa,
輸 (du hay thâu) là thua,
須 (tu) là tua,
諛 (du) là dua,
分 咐 (phân chú) là phân bua, thì ....... (phụ) là bụa cũng đáng lắm nữa.
Bốn chữ trên trong bài tôi đã nói, chúng nó đều không phải tiếng đệm. Dưới đây còn mới biết thêm được mấy chữ nữa.
Tre pheo: pheo là một thứ tre xấu, danh từ, không phải tiếng đệm.
Heo cúi: Ở Côn Đảo có một thứ cá gọi là cá cúi, giống con heo, tức lợn, chắc trong nước ta có nơi gọi con heo tức lợn là con cúi.
Chó má: Người Tầy gọi con chó là "tu ma", cái thành từ "chó má" của ta, tiếng "má" ấy có lẽ bởi tiếng "ma" của Tầy mà ra; có một số danh từ của Tầy giống của ta lắm.
Ruộng trưa: Trưa cũng là một thứ ruộng gì đó, không phải tiếng đệm. Có câu tục ngữ:
ướp dưa phải dằn đá, vải má phải soạn trưa. Trưa là ruộng để gieo má chăng.
Đường sa: Sá do chữ Hán ra, chữ ....., âm là "xoa" hay "thoa", lại có một âm nữa là "sá". Sá chữ Hán, nghĩa là ngã ba đường. Thế thì "sá" của đường sá là danh từ, không phải tiếng đệm.
Lại, theo như đã nói ở bài trên, cả tiếng Hán-Việt và tiếng Nôm, hai âm
s và
th thường thông nhau, thay thế cho nhau, cho nên có tiếng "thá" nữa cũng tức là "sá". Từ Hà Đông đi Sơn Tây, có chỗ ba dòng sông gặp nhau, gọi là "Ba thá". Ba thá tức là ngã ba sông, mà đã thành ra danh từ riêng rồi. Thơ Nguyễn Trãi (trong
"Ức Trai thi tập" sách in, phần chữ Nôm, thấy ở tủ sách Văn sử địa) có
câu một cơn một việc nhiều người muốn, hai thá ba dòng họa kẻ tham, chữ thá ấy, Nôm viết là
庶 (mượn chữ
thứ).
- Bếp núc: Đầu rau, có nơi gọi là ông núc. Vì vậy mà có danh từ kép "bếp núc".
- Giá cả: Người Quảng Đông đọc chữ 價 là ká. Trong tiếng ta, dấu sắc chuyển sang dấu hỏi, thành ra "cả". Cả cũng tức là giá. Ghép hai tiếng làm một danh từ kép, "cả" không phải là tiếng đệm.
- Ghế đẳng: Đẳng là thứ ghế không có bành, không có tay vượn, tức là ghế đẩu. Cũng có nơi gọi ghế đẩu là đẳng, nhưng không phổ thông, cho nên ta tưởng đẳng là tiếng đệm. Đẳng, chữ Hán là 凳 , đọc là đẳng, theo tự điển giải, đúng là ghế đẩu, không có bành, không có tay vượn.
- Áo xống: Tiếng xống này ở Trung Nam, người ta cũng tưởng là tiếng đệm. Nhưng ở Bắc, xống là cái quần, như quần lãnh gọi là xống lãnh.
- Rẫy bái, đồng bái: Tiếng bái này, ở Trung Nam cũng tưởng là tiếng đệm. Nhưng bái tức là bãi. Người Trung Nam nói bãi, phần nhiều để chỉ cát, như nói bãi cát, bãi biển. Ở Bắc thì nghĩa nó rộng hơn, như nói bãi mía, bãi dâu, là đám đất trồng mía, trồng dâu. Người Thổ (Tầy) thì đất dưới nhà sàn cũng gọi là bãi, và có nơi nói thành ra bái. Vậy bái không phải là tiếng đệm.
Tôi mong rằng sẽ còn tìm thêm nhiều nữa, tìm ra được hết thảy những chữ ta tưởng là không có nghĩa, là đệm ấy, mà thấy nó có nghĩa, không phải đệm, thì điều thứ ba sẽ xóa bỏ, ngoại lệ sẽ không còn, như tiết 5 tôi đã nói.
Về tiết 6, "Tiếng đệm với từ căn", còn có một trường hợp đảo từ căn nữa. Những hình dung từ thuộc về hình thể, sắc thái, hoặc phương diện khác, như
ớn, nhỏ, trắng, đỏ là từ căn, đệm một tiếng lên trên nó (tức là đảo), thành ra
lơn lớn, nho nhỏ, trăng trắng, đo đỏ, thì biến thành một nghĩa khác với nghĩa của từ căn. Khác, là vì khi nói độc một tiếng
lớn, có ý là thật lớn, mà nói
lơn lớn thì có ý là hơi lớn; nói
trắng là thật trắng, mà nói
trăng trắng chỉ là hơi trắng. Lơn lớn kém lớn, trăng trắng kém trắng, cái trường hợp của những tiếng đệm này gọi là chữ gia nghĩa giảm: chữ thêm ra mà nghĩa lại bớt đi.
Trong khi đệm đó cũng phải theo luật phù trầm, nói
nho nhỏ không nói
nhò nhỏ, nói
đo đỏ không nói
đò đỏ.
Vế tiết 7, "Tiếng đệm với song âm mẫu, phải thêm một hạng nữa là "song phụ âm mẫu". Thứ tiếng đệm này không phải từng lũ đi theo hai nguyên âm làm gốc mà lại đi theo hai phụ âm làm gốc, như:
- Lấy b-ch làm gốc: bã chã, bôn chôn, bồn chồn, bon chen, bóp chắt, bợp chợp, bờm chờm, bù chì, bổng chảng, bồng chanh bốc chách, bờ chờ bợt chợt.
- Lấy b-r làm gốc: bần rùn, bủn rủn, bí rị, bó rọ, bịn rịn, bối rối, bệt rệt, bức rức, bực rực.
- Lấy b-v làm gốc: chao vao, chần vần, chật vật, chạy vạy, chầm vầm, chênh vênh, chêu vêu, chót vót, chơi vơi, chới với, chù vù.
- Lấy ch-b làm gốc: chầm bẫm, chành bành, chè bè, chì bì, chùng bùng, chư bứ, chừ bự.
- Lấy đ-h làm gốc: đành hanh, đôi hồi, đìu hiu.
- Lấy l-đ làm gốc: la đà, lác đác, lao đao, lẩn đẩn, lận đận, lầy đây, lẻo đẻo, linh đình, liu điu, lìu địu, lếm đếm, long đong, lổ đổ, lù đù, lừ đừ, lục đục, lờ đờ, lừng đừng.
- Lấy l-th làm gốc: lang thang, lẩn thẩn, le the, lê thê, lòi thòi, lòng thòng, lịch thịch, lúc thúc, lơ thơ, lượt thượt, lửng thửng, lôi thôi, lốc thốc.
- Lấy l-x làm gốc: lao xao, liềng xiềng, lố xố, lù xù, lùi xùi.
- Lấy t-l làm gốc: tào lao, tàn lan, tập lập, tỏa loa, tòe loe, túy lúy, tùm lum.
- Lấy x-r làm gốc: xanh xanh, xấu xấu, xó ró, xớ rớ, xơ rơ, xác rác.
Trong đoạn kết luận bài này, tôi có nói mới tìm ra song âm mẫu được 82 cặp, thì về song phụ âm mẫu, tôi mới tìm ra chỉ được 55 cặp. Cặp đây nghĩa là cứ hai phụ âm đi với nhau làm một cặp:
b-ch làm một cặp,
t-l làm một cặp v.v... Đây mới cử ra một số.
(
23-6-1951)
[1]Xem bài "Một phương pháp dạy văn pháp tiếng ta", sau cùng sách này.
[2]Xem bài
Phân tích vần quốc ngữ.
[3]"Không", tức là không dấu, cũng kể là một dấu cho tiện.