© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
26.11.2005
Trần Nguyễn Bảo Anh
Quyền lực và tham nhũng
 
Tham nhũng đã trở thành một vấn đề nhức nhối, là mối quan tâm hàng đầu của cả chính phủ và nhân dân Việt Nam. Vấn nạn này làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực, công sức của mọi người, nhưng vẫn không được giải quyết một cách triệt để, ngược lại còn có chiều hướng tăng lên. Tham nhũng là quốc nạn, nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Bên dưới là những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới giáo dục, văn hoá, phát triển xã hội, kinh tế, giá trị con người, đạo đức, v.v…

Tham nhũng trước hết là một tệ nạn xã hội, vậy chúng ta phải đi tìm hiểu nguyên nhân sinh ra từ xã hội, cụ thể là tìm hiểu cấu trúc, cơ chế, nguyên tắc tổ chức, quan hệ xã hội giữa người với người, quan hệ giữa công dân và nhà nước.

Trong bài “Việt Nam đang xây dựng xã hội trong tình trạng không có hệ thống lý thuyết cơ bản”, tôi có đưa ra một số các nguyên tắc về sự hình thành xã hội, xin tóm tắt lại như sau.

Tự nhiên có trước, điều kiện cần và đủ, trong đó bao hàm những định luật về vật lý, hoá học, sinh học, môi trường và định luật tiến hoá của Darwin, từ đó mới sinh ra con người. Con người chế tạo công cụ tác động trở lại tự nhiên, đó là quá trình lao động. Tiếp theo con người quan hệ với nhau, do đó chế tạo ra công cụ và phương tiện trao đổi. Kết hợp 2 mối quan hệ đó hình thành nên xã hội (hệ thống môi trường xã hội). Mối quan hệ giữa tự nhiên, con người và xã hội là những mối quan hệ đa phương 2 chiều và cân bằng với nhau.

Một nguyên tắc khác: con người là sản phẩm của tự nhiên. Nếu con người chống lại những quy luật của tự nhiên sẽ bị tự nhiên đào thải và thiết lập 1 trật tự mới. Xã hội là sản phẩm của con người, nếu xã hội chống lại hệ thống giá trị nhân bản của con người thì xã hội cũng sẽ bị con người đào thải và xây dựng lại một trật tự xã hội mới (trong một dịp khác tôi sẽ quay lại đề tài này và phân tích một cách tỉ mỉ hơn).

Bắt đầu từ những nguyên tắc trên, chúng ta xem xét những vấn đề nào của xã hội đã đẻ ra tham nhũng, mở đầu bằng một ví dụ điển hình và cụ thể sau:

Một doanh nhân muốn bán một chiếc xe hơi và niêm yết với giá 20 ngàn đô la. Một khách hàng muốn mua, sau khi xem xét và đề nghị giá là 16 ngàn đô la. Sau khi thương thuyết, họ đồng ý với nhau là 18 ngàn. Số tiền 18 ngàn đô la này thoả mãn lợi ích của cả 2 bên và chúng ta gọi đó là giá trị tự nhiên. Nó hình thành do 2 bên quan hệ tự do, trực tiếp với nhau và tự do quyết định. Ở đây chúng ta không có gì để nói. Nhưng một trường hợp khác đã xảy ra: có người thứ ba can thiệp vào mối quan hệ đó bằng quyền lực. Khi đó giá của chiếc xe sẽ nghiêng về một phía, hoặc là người bán, hoặc là người mua. Nếu giá nghiêng về người bán xe, lúc đó giá chiếc xe sẽ là 20 ngàn, không phải là 18 ngàn đô la. Trong thực tế, người chủ của hãng bán xe không thể lấy được hết 20 ngàn mà bắt buộc phải chia bớt một phần dôi ra là 2 ngàn cho người thứ ba nhờ sự can thiệp vào mối quan hệ mua bán này, bởi anh ta cũng cần có tiền để tồn tại và duy trì quyền lực. Ở đây người bán xe đã lấy thêm được 1 ngàn không phải do giá trị của chiếc xe đem lại, mà do sự mua bán, trao đổi quyền lực đem lại. Như vậy quyền lực có thể đem ra trao đổi và biến thành tiền. Tham nhũng xuất hiện.

Bây giờ chúng ta sẽ đi tìm nguyên nhân xã hội dẫn đến sự ra đời tham nhũng.

Bản chất của mọi mối quan hệ trong xã hội là quan hệ trao đổi, nhưng trong xã hội Việt Nam, những mối quan hệ ấy không phải là mối quan hệ tự do và trực tiếp, mà luôn có sự can thiệp của nhà nước (người thứ ba) bằng bạo lực (công cụ chuyên chính vô sản).

Hệ thống giá trị xã hội bị đảo lộn.

Quyền lực không có sự kiểm soát và giám sát chặt chẽ.

Quyền lực nhà nước không được sử dụng đúng mục đích (nhà nước là công cụ của xã hội, sử dụng vào mục đích tổ chức, quản lý, điều hành hệ thống môi trường xã hội và điều tiết sự trao đổi trong xã hội).

Hệ thống cân bằng quyền lực trong xã hội bị phá vỡ.

Từ những nguyên nhân trên sẽ dẫn đến những hậu quả như sau:

Xét về mặt kinh tế: Tham nhũng phá hoại nền kinh tế một cách nghiêm trọng. Khi hệ thống giá cả bị đảo lộn, một bộ phận kinh tế bị thiệt thòi. Do đó, họ phải tìm cách bù cho những khoản chi phí do tham nhũng gây ra bằng cách giảm giá nhân công, hàng kém chất lượng, trốn thuế, gian lận, v.v... Bên hưởng lợi thì lãng phí chi tiêu. Việc có lợi thế về kinh tế dẫn đến chèn ép các doanh nghiệp khác, cạnh tranh một cách thiếu lành mạnh. Niềm tin của doanh nhân vào giới đầu tư bị giảm sút. Khả năng huy động vốn trong xã hội vào đầu tư cơ bản bị hạn chế. Chi phí xã hội tăng lên đột biến cho bộ máy quản lý nhà nước, lãng phí tài sản quốc gia và tiền thuế của nhân dân.

Về mặt chính trị: Bản chất của nhà nước bị thay đổi, hệ thống giá trị xã hội và hệ thống giá trị nhân bản bị mâu thuẫn. Nhiệm vụ của nhà nước trong việc điều hành kinh tế, duy trì luật pháp, bảo vệ sự công bằng xã hội và quyền công dân không được thực thi nghiêm túc, v.v…

Về mặt luật pháp: Luật pháp và quyền lực bị đem ra mua bán trao đổi, xã hội rối loạn, bất công xã hội tăng vọt…

Về mặt xã hội: Hệ thống giá trị xã hội sẽ là cơ sở của nhận thức. Thông qua hệ thống giá trị xã hội, con người nhận thức về xã hội và bản thân. Nhưng khi hệ thống giá trị đó bị đảo lộn thì nhận thức về đạo đức, nhân cách, danh dự, phẩm giá, giá trị con người bị thay đổi theo. Khi quyền lực đã can thiệp vào mối quan hệ xã hội (sai mục đích và không có sự kiểm soát) nó sẽ sinh sôi nảy nở và lan tràn vào xã hội, biến mối quan hệ giữa người và người thành quan hệ bạo lực, từ bộ máy chính quyền, trong dân chúng, ngoài xã hội len lỏi vào gia đình, trường học (học để làm quan, có quyền lực), thậm chí cả các cơ quan nghiên cứu khoa học (mua bán bằng cấp, nghiên cứu giả tạo,…) và tôn giáo cũng không bị loại trừ (mua bán quyền lực của thần thánh, mê tín dị đoan tăng lên, dùng quyền lực và lòng tin tôn giáo để lừa gạt).

Về mặt khoa học, giáo dục: Khi quan hệ giữa người với người, giữa công dân và nhà nước có sự can thiệp của quyền lực thì sẽ không có chỗ cho văn hoá và khoa học phát triển. [Phát minh, sáng chế, phát triển kinh tế, văn hoá, công cụ và phương tiện trao đổi thuộc về châu Âu do bản chất của mối quan hệ trực tiếp và dân chủ mà ra.] Và đây là bế tắc lớn nhất đối với nền giáo dục hiện nay trong việc tìm ra hướng giải quyết.

Đoàn kết dân tộc: Xét về bản chất, đoàn kết là sự thống nhất về mục tiêu, chung một phương pháp và hệ thống lý luận và một hệ thống điều hành thống nhất. Trên cơ sở đó, ta thấy rằng khối đoàn kết dân tộc, là sức mạnh của sự phát triển, đang bị quyền lực tàn phá và chia rẽ sâu sắc.

Về con người: Khi hệ thống giá trị nhân bản con người và hệ thống giá trị xã hội bị mâu thuẫn thì lòng tin của con người bị xói mòn., kể cả tin vào bản thân, tin vào xã hội và tin vào tương lai. Nó thủ tiêu khả năng sáng tạo, ý chí vươn lên, tình thân ái, mục tiêu cuộc sống, thậm chí tàn phá sức khoẻ con người.

Sau đây là những kinh nghiệm và thực tế các nước đã giải quyết vấn đề đó như thế nào về mặt nhà nước.
  1. Phải trở về với đúng chức năng của mình là tổ chức và quản lý, điều hành xã hội trong việc khai thác tài nguyên, điều tiết sự phân phối tài nguyên trong xã hội, tạo ra một sự công bằng. Điều hành sự cân bằng của hệ thống môi trường xã hội (tôi có nhắc đến vấn đề này trong bài “Việt Nam đang xây dựng xã hội trong tình trạng không có hệ thống lý thuyết cơ bản”). Trả lại mối quan hệ trực tiếp của mọi chủ thể trong xã hội. Nhà nước không được tham gia vào các mối quan hệ đó. Nhà nước quan hệ trực tiếp với hiến pháp và pháp luật. Người ứng cử quan hệ trực tiếp với cử tri. Người sản xuất quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng. Khoa học quan hệ trực tiếp với sản xuất và đời sống. Văn hoá nghệ thuật quan hệ trực tiếp với quần chúng, v.v... Báo chí quan hệ trực tiếp với bạn đọc.

  2. Phải thiết lập hệ thống cân bằng quyền lực xã hội. Bản chất của mọi mối quan hệ xã hội là quan hệ trao đổi. Trong trường hợp sự cân bằng quyền lực bị phá vỡ, sẽ xuất hiện sự áp đặt. Vì vậy, quan trọng nhất là cân bằng giữa quyền lực nhà nước và nhân dân. Nhân dân phải được bảo vệ bởi đại biểu quốc hội, báo chí, dư luận xã hội và hệ thống toà án độc lập. Cân bằng quyền lực giữa người làm chủ và người làm thuê. Người công nhân phải được bảo vệ bởi nghiệp đoàn và luật bảo vệ người lao động. Cân bằng giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Người tiêu dùng được bảo vệ bởi kinh tế thị trường, tự do cạnh tranh, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, v.v…
Việt Nam đang cố gắng để hội nhập vào thế giới, có nghĩa là chúng ta đã và phải chấp nhận một luật chơi chung. Đây không phải là vấn đề áp đặt mà là vấn đề khoa học và quy luật của sự phát triển. Do đó Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt được những nguyên tắc và luật chơi đó mới có thể nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ như hiện nay. Những vấn đề tôi đã nêu về mặt xã hội ở trên chỉ nhằm một mục đích là phục vụ và phát triển con người. Xin được nhắc lại một nguyên tắc: nếu con người chống lại tự nhiên, tự nhiên sẽ đào thải con người. Và nếu xã hội chống lại con người thì sẽ bị con người đào thải. Những giải pháp tôi đưa ra chẳng qua là đưa xã hội về đúng vị trí của nó. Xã hội chính là sự thăng hoa của hệ thống giá trị nhân bản con người.

© 2005 talawas