© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
12.7.2005
Shikwati
Hãy chấm dứt ngay mọi viện trợ cho châu Phi!
Thùy Yên dịch
Thilo Thielke thực hiện
 
SPIEGEL: Thưa ông Shikwati, hội nghị thượng đỉnh G-8 sắp tới tại Gleneagles sẽ bàn về việc cấp thêm viện trợ cho châu Phi...

Shikwati: ... Ôi giời ôi, tôi xin ông, xin thôi ngay chuyện đó đi...

SPIEGEL: Sao lại thôi? Các nước công nghiệp phương Tây đang tính chuyện tiệu diệt nạn đói và nạn nghèo cơ mà.

Shikwati: Từ 40 năm nay những dự định như vậy đã làm hại châu Phi. Nếu các nước công nghiệp
phương Tây thực lòng muốn giúp châu Phi thì xin họ xóa ngay những khoản viện trợ khủng khiếp ấy đi. Cứ nước châu Phi nào vơ được nhiều viện trợ phát triển nhất thì nước ấy tình hình tồi tệ nhất. Bao nhiêu tỉ rót vào châu lục này rồi mà nó nghèo vẫn hoàn nghèo.

SPIEGEL: Xin ông giải thích rõ hơn cái nghịch lí đó?

Shikwati: Tiền viện trợ chẳng qua là để đổ vào những bộ máy quan liêu khổng lồ, là để khuyến khích tham nhũng và thái độ tự vênh váo, là để luyện cho người châu Phi trở thành những kẻ ngửa tay ăn xin và đánh mất mọi khả năng tự lập. Đó là chưa kể, viện trợ còn làm suy yếu các thị trường địa phương và ý thức kinh doanh, mà ý thức kinh doanh lại là thứ chúng tôi hết sức cần đến. Nghe thì có vẻ phi lí, nhưng viện trợ phát triển do bên ngoài rót vào chính là một trong những vấn nạn đối với châu Phi. Nếu bây giờ xoá sạch mọi viện trợ nước ngoài thì người dân thường cũng chẳng thấy có gì khác trước. Chỉ có đám quan chức là sẽ bị sốc. Chính vì thế mà đám ấy cứ khăng khăng rằng không có viện trợ nước ngoài thì mọi chuyện sẽ suy sụp.

SPIEGEL: Nhưng ngay cả ở Kenya, năm nào cũng vẫn có người chết đói. Chẳng lẽ họ không cần ai giúp hay sao?

Shikwati: Cần giúp, nhưng phải để người Kenya tự giúp người Kenya. Cứ một vùng nào đó tại Kenya gặp nạn hạn hán là đám quan chức tham nhũng của chính phủ nước tôi lập tức kêu ầm lên đòi viện trợ. Kêu ầm lên thì đến tai Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc, mà đó là một cơ quan khổng lồ gồm toàn những nhà chức trách ở một hoàn cảnh rất kì quặc: họ dấn thân vào công cuộc cứu đói, nhưng giả sử nạn đói thật sự bị tiêu diệt thì họ sẽ thất nghiệp hết. Vì vậy, dĩ nhiên là khi nghe tiếng kêu cứu, họ sẽ rất sẵn lòng hưởng ứng, chuyển ngay lời kêu cứu về bộ phận đầu não của chương trình, và thậm chí còn yêu cầu nhiều viện trợ hơn yêu cầu của chính đám quan chức của chính phủ châu Phi nào đó. Thế là hàng ngàn tấn ngô được bốc xuống tầu, lên đường sang châu Phi...

SPIEGEL: ... phần lớn các tấn ngô đó là do những nhà nông được các chính phủ châu Âu và Mỹ trợ giá rất cao sản xuất ra...

Shikwati: ... và một thời gian sau, số ngô đó sẽ tập kết tại cảng Momsaba. Một phần thì sẽ rơi thẳng vào tay đám chính khách bất lương, đám ấy sẽ tuồn ngô cứu đói về bộ lạc mình, hình thức tranh cử của đám ấy là như vậy. Một phần khác thì rỏ rỉ ra chợ đen. Tại đó, nó sẽ được bán phá giá, rẻ như bèo. Thế thì nông dân bản xứ còn cầm cuốc làm gì nữa, vứt luôn đi cho xong, ai mà cạnh tranh nổi với tiềm lực của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc! Nông dân Kenya suy sụp vì áp lực kinh khủng đó, nên giả sử sang năm mà nạn đói xảy ra thật thì đúng là Kenya không có dự trữ lương thực để cứu đói, phải ngửa tay đi xin – và thế là vòng tròn giản dị, quái ác kia lại tiếp diễn.

SPIEGEL: Nhưng mọi người sẽ chết đói, nếu Chương trình Lương thực Thế giới khoanh tay đứng nhìn.

Shikwati: Tôi không nghĩ như vậy. Khi hoàn cảnh đó xảy ra thì Kenya sẽ phải tìm cách thiết lập những quan hệ thương mại thuận tiện với các nước láng giềng như Uganda hay Tanzania để mua lương thực từ đó. Hoạt động thương mại đó là tối cần thiết đối với châu Phi. Nó buộc chúng tôi phải tự mình cải tiến cơ sở hạ tầng, phải nới rộng những đường biên giới giữa các nước – mà đó là biên giới do người châu Âu đến đây rồi đặt ra chứ đâu phải do chúng tôi -, và hình thành những cơ sở luật pháp để thúc đẩy kinh tế thị trường.

SPIEGEL: Liệu châu Phi có đủ sức tự giải quyết các vấn đề của châu Phi không?

Shikwati: Tất nhiên là đủ sức. Từ phía nam sa mạc Sahara đổ xuống, không có nước châu Phi nào thật sự phải lâm vào cảnh chết đói. Tài nguyên lại phong phú: dầu mỏ, vàng, kim cương. Nhưng châu Phi lúc nào cũng được thể hiện một cách đầy đau khổ. Các con số thống kê thì quá phóng đại. Ở các nước công nghiệp phát triển, người ta tạo ra cái cảm giác rằng nếu không có viện trợ từ nước ngoài, châu Phi sẽ tiêu vong. Nhưng xin ông hãy tin tôi: Trước khi có người châu Âu trên trái đất này thì châu Phi đã có đó. Mà thuở ấy dân châu Phi chúng tôi sống cũng không đến nỗi tồi.

SPIEGEL: Thuở ấy chưa có Aids.

Shikwati: Nếu cứ tin vào những tin tức rùng rợn đó thì bây giờ dân Kenya lẽ ra phải chết hết rồi. Nhưng bỗng nhiên người ta tiến hành thử máu khắp nơi, và kết quả là các con số trước đó hoá ra là đã bị phóng đại quá đáng. Không phải là 3 triệu dân Kenya bị nhiễm HIV nữa, mà bỗng nhiên con số ấy bây giờ chỉ còn là gần 1 triệu. Sốt rét cũng là một vấn nạn lớn, sao chẳng thấy ai nói gì.

SPIEGEL: Vì sao?

Shikwati: Vì Aids là chuyện làm ăn cực lớn, có lẽ là chuyện làm ăn lớn nhất tại châu Phi. Muốn moi cực kì nhiều tiền thì chỉ có cách đem những số liệu kinh hoàng liên quan đến Aids ra là moi dễ nhất. Ở đây, Aids là một căn bệnh chính trị đấy ạ, chúng ta rất nên đa nghi về chuyện đó.

SPIEGEL: Mĩ và châu Âu vừa tạm ngưng khoản viện trợ đã kí kết cho Kenya, vì cho rằng quốc gia này quá tham nhũng.

Shikwati: Tôi chỉ sợ là họ lại sắp mở van cho tiền chảy ra, vì rút cuộc thì tiền cũng phải chảy vào đâu đó chứ. Cái khát khao muốn làm điều thiện của châu Âu là một khuynh hướng rất đỗi kinh hoàng mà đôi khi không thể dùng lí trí sáng suốt để hiểu được nữa. Thật hoàn toàn không thể hiểu nổi vì sao mọi cái van bỗng được mở hết cỡ và tiền ào ạt chảy vào Kenya, ngay sau khi chính phủ mới của Kenya thay thế nền độc tài của Daniel arap Moi.

SPIEGEL: Đó là loại viện trợ có chủ đích rõ ràng.

Shikwati: Chủ đích thì chủ đích, có giải quyết được điều gì đâu! Hàng triệu Dollar Mĩ vốn là để chống Aids vẫn nằm đầy trong các tài khoản ngân hàng của Kenya. Chính khách nước tôi được bên ngoài bơm cho hàng núi tiền, dĩ nhiên là họ thả sức xà xẻo, thủ riêng cho bản thân. Nhà độc tài quá cố của Cộng hoà Trung Phi, ông Jean Bédel Bokassa, đã phát biểu rất tởm lợm mà chính xác như sau: „Ở nước ta, mọi thứ là do chính phủ Pháp chi trả. Ta xin tiền thì Pháp cho tiền, tiền Pháp cho thì mất gì mà ta không xài thoải mái.“

SPIEGEL: Nhiều người dân các nước phương Tây cảm thương cảnh ngộ của châu Phi, thực lòng muốn giúp châu Phi. Năm nào họ cũng góp tiền gây quỹ, rồi nhặt nhạnh quần áo cũ cho vào thùng hàng cứu trợ...

Shikwati: ... và làm thị trường của chúng tôi ở châu Phi tràn ngập các kiểu quần áo cũ. Ra đến chợ đen, loại quần áo viện trợ này rẻ lắm. Có những người Đức sang đây, bỏ ra vài Dollar là mua được áo cầu thủ của các câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng ở Đức như Bayern München hay Werder Bremen, do trẻ em Đức hảo tâm gửi sang cho người châu Phi. Mua xong, đem bán đấu giá ở eBay với giá gấp ba rồi lại đóng gói gửi về cho khách mua ở Đức. Thật là điên đảo…

SPIEGEL:... và mong sao đó chỉ là ngoại lệ.

Shikwati: Nhưng gửi hàng núi quần áo sang châu Phi làm gì cơ chứ! Ở châu Phi có ai chết rét vì không có gì để mặc đâu. Mà lại làm khổ thợ may của chúng tôi. Họ thành ra thất nghiệp hết, y như số phận của nông dân. Nhân công ở châu Phi có rẻ mạt thế nào thì cũng làm sao cạnh tranh được với các sản phẩm cho không từ bên ngoài tuồn vào như vậy? Năm 1997, Nigeria có tổng cộng 137.000 công nhân làm việc trong ngành may mặc, năm 2003 chỉ còn 57.000. Trong mọi lãnh vực khác cũng đều như vậy, sự hăng hái giúp đỡ quá mức của bên ngoài đụng phải sự mong manh của thị trường châu Phi.

SPIEGEL: Nhưng sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nhờ tiền của Mĩ trong Chương trình Marshall mà Đức mới vực dậy được. Viện trợ phát triển cũng có thể thành công lắm chứ?

Shikwati: Ở thời điểm đó, Đức chỉ cần vực dậy hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng bị chiến tranh tàn phá mà thôi. Tuy chiến tranh, tuy trải qua khủng hoảng kinh tế dưới thời Cộng hoà Weimar, Đức vẫn là một nước công nghiệp phát triển cao. Thậm chí những tổn hại do sóng thần gây ra ở Thái Lan cũng có thể dùng tiền viện trợ để khắc phục. Nhưng châu Phi thì khác, châu Phi phải tự mình bước vào thời hiện đại đã. Nó phải qua một bước ngoặt về tâm thức. Chúng tôi phải thôi không cảm thấy mình là những kẻ chuyên ngửa tay nhận bố thí của người khác. Bản thân người châu Phi bây giờ nói chung đều chỉ cảm thấy mình là những nạn nhân. Không ai hình dung nổi một người châu Phi lại có thể là một doanh nhân. Muốn được như vậy, có lẽ các tổ chức cứu trợ nên rút hết đi thì có ích cho chúng tôi hơn.

SPIEGEL: Nhưng như thế thì biết bao người sẽ không còn công ăn việc làm ...

Shikwati: ... Đó chỉ là những công ăn việc làm được tạo ra một cách giả tạo và làm méo mó hiện thực. Tất nhiên, tôi biết là những chỗ làm tại các cơ quan nhân đạo nước ngoài rất hấp dẫn, nên toàn rơi vào tay những người giỏi giang nhất. Cơ quan cứu trợ nào mà cần một người lái xe thì lập tức có ngay hàng chục đơn xin việc gửi đến. Chẳng lẽ lại bắt cán bộ cứu trợ nước ngoài phải thông thạo ngôn ngữ của các bộ lạc châu Phi, nên tiêu chuẩn để tuyển nhân viên lái xe là phải thành thạo tiếng Anh, và ngoài ra lại còn phải biết cách ăn mặc đi đứng lịch sự nữa. Thế là cuối cùng xảy ra cái tình trạng là một chuyên gia sinh hoá châu Phi được tuyển làm tài xế để đánh xe đưa cán bộ cứu trợ đi phân phát thực phẩm châu Âu cho các làng châu Phi, khiến nông dân bản xứ thành ra thất nghiệp. Thật phi lí khủng khiếp!

SPIEGEL: Chính phủ Đức rất tự hào là đã kiểm tra rất kĩ những nơi mà mình cấp viện trợ.

Shikwati: Và kết quả là gì? Là một thất bại thảm hại. Chính phủ Đức đã nhét tiền vào họng Tổng thống Paul Kagame của Rwanda, mà nhân vật này chắc chắn phải chịu trách nhiệm về hàng triệu mạng người bị quân đội của ông ta giết ở nước láng giềng Congo.

SPIEGEL: Vậy người Đức phải làm gì?

Shikwati: Nếu thật lòng muốn chống nạn nghèo đói tại châu Phi thì các vị phải chấm dứt ngay toàn bộ các khoản viện trợ và – tuy muộn nhưng còn hơn không - cho châu Phi cơ hội tự tìm cách vượt lên để tồn tại. Hiện nay châu Phi vẫn cứ như một đứa trẻ, có chuyện gì là gào lên ngay để vòi cô bảo mẫu. Không, châu Phi phải tập đứng bằng đôi chân của chính mình.


© 2005 talawas
Nguồn: Spiegel 04.7.2005: http://www.spiegel.de/spiegel/0,1518,363375,00.html