E. Fehér Pál
Tại nước Nga thời nay, việc cho ra đời một tác phẩm chưa đủ để dẫn đến thành công. Thường phải thêm một xì-căng-đan đi kèm. Số lượng khổng lồ của một tác phẩm được xuất bản ở thời xã hội chủ nghĩa, ngày nay đã giảm đi rất nhiều. Thời đó, không nhất thiết là Solzhenitsyn
[1] , sách vẫn được in ra với hàng triệu cuốn. Ngày nay, một sáng tác được in ra với số lượng chục nghìn bản đã là thành công lớn ở đất nước 160 triệu dân này (!).
Không phải tư tưởng thích nổi loạn của tuổi trẻ đã nung nấu nhà văn Nga, Viktor Jerofejev (57 tuổi). Trong cuốn tiểu thuyết lý luận
Bách khoa toàn thư của tâm hồn người Nga nhà văn đã tự sự về đặc điểm bản thân mình như sau: „Tôi như một tên
Di-gan ngỗ ngược, đeo sợi dây chuyền vàng nặng è cổ, đang viết về thói thích ăn trộm vặt của dân tộc mình“.
Cũng trong cuốn tiểu thuyết đó, ông còn nói tiếp: "Nếu tại
Paris có quảng trường
Stalingrad - điều đó không phải ngẫu nhiên. Vì cuối cùng thì Hitler đã quyến rũ được giới trí thức tiến bộ Phương Tây, những chuyên gia của lĩnh vực tình báo tư duy Xô viết ngả sang Phe Nga-Xô vào những năm ba mươi. Và đến những năm bốn mươi thì cả thế giới đã hoàn toàn đứng về phe của chúng ta (phe Nga-Xô)“.
Viktor Jerofejev là một nhà nghiên cứu phê bình văn học khi bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình. Một công trình nghiên cứu trước kia của nhà văn nói về
Hầu tước De Sade, dĩ nhiên, cũng gây xáo động trong công chúng. Jerofejev thuộc vào một số ít những người đã được bảo vệ. Giới lãnh đạo Nga-Xô (trong đó có những nhân vật giữ chức vụ quan trọng như Konstantsin Simonov
[2] ) đã uốn nắn sự nghiệp của ông.
Cha của Jerofejev là cố vấn đặc biệt của Molotov, thông dịch viên tiếng Pháp của Stalin, cố vấn đại sứ tại Paris, phó chủ tịch UNESCO. Cuối cùng, trong khi ông chờ đợi được bổ nhiệm làm đại sứ tại Áo, con ông, nhà văn trẻ đầy tài năng, Jerofejev Viktor, đã nổi loạn. Vào năm 1979, cùng với vài đồng chí của mình (trong số họ có Aksionov
[3] , Voznesensky
[4] ) nhà văn không bao giờ chịu ngồi yên Jerofejev đã cho xuất bản không qua kiểm duyệt một tuyển tập văn thơ. Sự vụ này đã khuấy động khá mạnh xã hội Nga-Xô thời đấy. Aksionov buộc phải trốn ra nước ngoài. Jerofejev bị tước thẻ thành viên Hội Nhà văn. Người cha của ông, do không từ con, nên đã bị mời khéo ra khỏi bộ Ngoại giao.
"Tôi là hung thủ trong một vụ giết người. Không phải một vụ án hình sự, một vụ sát nhân chính trị. Nạn nhân lại chính là cha tôi. Theo hình luật Xô-viết và bối cảnh lịch sử, cha tôi đã chết thực sự." - Ông đã tự thú sau đó. Và sự tự thú này, một cách tượng trưng, cũng là điếu văn ông đọc cho đám tang của nền văn học Xô-viết. Sau này, trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới (
Cô gái Nga xinh đẹp -1996)
[5] của mình, ông có nói thêm một ý liên quan đến việc này: "Những cô gái điếm Nga ngày càng "ế khách", vì khi quên đi Stalin, dục cảm đồi bại
[6] đã giảm xuống (!)".
Trong cuộc họp báo mới đây, ông đã tuyên bố thẳng thừng: "Tôi lại giết chết cha tôi một lần nữa!". Về hình thức, tiểu thuyết mới nhất của ông-
Stalin chính diện (được xuất bản cùng một lúc bằng tiếng Nga và tiếng Đức) - là một cuốn tình sử gia đình. Nhưng người cha của nhà văn đã nổi đoá khi đọc qua tác phẩm này (Cha Jerofejev vẫn đến dự buổi ra mắt
Stalin chính diện, vì ông chưa kịp đọc). Lý do không phải chỉ vì Jerofejev đã "phơi bày" những sự thật bê bối của gia đình. Người đàn ông tám ba tuổi này đã gán cho con trai mình tội ăn cắp văn chương. "Nó đã sử dụng hầu hết những tư liệu trong tập
Hồi ký sắp được phát hành của tôi. Những chuyện xảy ra trong khoảng thời gian tôi là nhân viên của Kollontaj
[7] ở Stockholm, hoặc những mẩu chuyện khi tôi còn là thông dịch viên cho Stalin, tất cả đều bị nó "lấy trộm" cho vào cuốn tiểu thuyết này."- Ông quả quyết nói như vậy.
Trong khi đó cậu quí tử Jerofejev lại phân bua: "Tôi đã được nghe mọi chuyện khi còn thơ ấu. Với lại, tôi viết tiểu thuyết cơ mà. Tiểu thuyết này là cái tự tôi nghĩ ra và không nhất thiết chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng". Tuy vậy, nhà văn đã phải tạ lỗi công khai với gia đình theo yêu cầu của mẹ ông, vì chính bà cũng tìm thấy nhiều điều trái với sự thật (ngay cả về bản thân nhà văn) trong sản phẩm của trí tưởng tượng này của Jerofejev. Có thể cậu con trai đã nhầm lẫn vài chi tiết. Nhưng dù sao, Jerofejev đã làm tổn thương đến tấm lòng cha mẹ của ông. Họ thất vọng nói tiếp: "Nó là một người con bất hiếu. Chúng tôi đã hy sinh sự nghiệp, cuộc sống no đủ, hy sinh tất cả cũng chỉ vì nó. Vậy mà ngay cái việc tối thiểu là cho chúng tôi xem trước cái bản thảo nói về cuộc đời của chúng tôi, nó đã không làm".
Nhưng, như đã nói ở trên,
Stalin chính diện chỉ là cuốn tình sử gia đình về hình thức. Thực chất, cuốn tiểu thuyết miêu tả cuộc sống của cái gọi là danh mục Stalin bằng những công cụ mang tính
postmodern [8] , và vào thời kỳ "hậu Stalin". Tiểu thuyết tái sinh một thời đại, dẫn ra những lầm lẫn của lớp người đã vững lòng tin vào Stalin. Thêm nữa, tác phẩm còn vẽ lên rất rõ cái gọi là chế độ Stalin. Không quan trọng là cha của Jerofejev có điều e ngại gì về các lĩnh vực nghệ thuật hiện đại, mặc dù ông ta đã có thể làm bạn với Picasso, người mà chính ông ta ca ngợi là một người lính vĩ đại của cuộc chiến bảo vệ hoà bình nhân loại.
Một điều nữa,
Stalin chính diện không phải là một cuốn tiểu thuyết thiếu tiền sử trong sự nghiệp văn chương của Viktor Jerofejev: Năm 1996, trong bài luận văn mang tên
Sức mạnh của pháp trường, ông đã viết về và bản thân mình nhân dịp kỷ niệm 850 năm ngày ra đời của thủ đô. Về cái mốc năm 1947, Jerofejev đã ghi lại: "Tôi sinh ra đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 800 ngày ra đời thủ đô tại khu chung cư Mozajski... Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho rằng để thực hiện công cuộc cải cách tiền tệ một cách thiết thực nhất, cần phải đi xuống dân chúng. Và họ đã đến chỗ tôi ở để tặng cho tôi những tờ giấy bạc có in hình của họ".
Jerofejev nhớ lại thế giới tuổi thơ của mình như vậy. Cái thế giới mà không phải lúc nào cũng đem lại những điều bất hạnh cho nhà văn. Thậm chí, trong cái thế giới này, đã xảy ra quá trình nổi loạn của ông. Và đây cũng là ý nghĩa sâu xa của
Stalin chính diện.
Có thể cho rằng: những xung đột trong gia đình Jerofejev không gây ảnh hưởng gì xấu trong lĩnh vực quảng cáo thương mại của tác phẩm. Tiểu thuyết của Jerofejev vẫn bán được. Thậm chí...
© 2004 talawas
[1]Alexander Solzhenitsyn sinh năm 1918 trong một gia đình Ca-dắc trí thức. Cha ông mất trước khi ông ra đời. Ông được phong tặng phần thưởng bởi thành tích chiến đấu trong Thế chiến thứ hai. Năm 1945, ông bị bắt vì những lá thư phê phán Stalin. Đến năm 1956, ông được tha bổng và trở thành giáo viên dạy toán tại Rjazany. Trong những năm 60, ông viết tiểu thuyết
Một ngày của . Tiểu thuyết nói về cuộc đời của một nhân công trong trại lao động Stalin. Tác phẩm đã gây một tiếng vang lớn tại Liên Xô và trên thế giới. Sau sự sụp đổ của, vào năm 1964,
Một ngày của đã bị cấm xuất bản. Tuy vậy, người ta vẫn in lén và chuyền tay nhau đọc cuốn tiểu thuyết này. Những tác phẩm (
Trong vòng đầu,
Giai cấp tôm hùm) được in hàng loạt ở nước ngoài là nền tảng cho sự nghiệp văn chương và tiếng tăm của ông. Đến năm 1970, ông đạt được đỉnh cao văn học, giải Nobel văn chương. Nhà văn đã không đến Stockholm nhận giải, vì lo rằng người ta không cho ông trở lại Liên Xô. Năm 1973, cuốn tiểu thuyết tài liệu
Quần đảo Gulag được xuất bản tại Paris. Cuốn sách phơi bày toàn bộ mạng lưới các trại lao động khổ sai của chế độ Stalin. Nhà văn đã bị kết tội phản bội tổ quốc và bị đày khỏi Liên Xô. Ông chỉ nhận lại được quốc tịch vào năm 1990. Đến năm 1994, ông mới có thể trở về tổ quốc, nước Nga của ông.
[2]Một nhà thơ nổi tiếng của nước Nga. Ông sinh năm 1915, và mất vào năm 1979. Những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn đa số nói về Đệ nhị Thế chiến. Đặc biệt, cuốn
Một trăm ngày của chiến tranh đã gây ra nhiều khổ ải cho ông, vì tác phẩm đã phạm uý, dám khơi ra những thủ đoạn thanh toán dã man các tướng lĩnh Hồng quân của Stalin. Nhiều sáng tác sau này của tác giả (
Ban ngày và ban đêm,
Chúng ta sinh ra không phải là những người lính,
Kẻ sống và người chết,
Bác sĩ Sophia,
Mùa hè cuối cùng...) đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ông chết đi trong tâm trạng vẫn chưa truyền đến được độc giả tư tưởng chống Stalin và những dằn vặt lương tâm của ông.
[3]Nhà văn xuất sắc Vasilji Pavlovic Aksjonov sinh năm 1932 tại Cazany. Cha mẹ của ông phải làm việc khá lâu trong các trại lao động Stalin. Bản thân người mẹ của nhà văn, nữ văn sĩ Jevgenhia Ginzburg đã viết một cuốn tiểu thuyết gây chấn động nhân loại,
Cuộc cưỡng bức (
Krutoj marsrut). Aksjonov tốt nghiệp đại học y Leningrad và viết cuốn tiểu thuyết đầu tay
Những người đồng nghiệp vào năm 1970. Năm 1979, ông tham gia việc xuất bản lén tuyển tập văn thơ chống chế độ. Ông phải trốn ra nước ngoài vào năm 1980.
[4]Voznesensky: Nhà thơ xuất chúng của nước Nga, sinh năm 1933. Ông được người thầy vĩ đại là nhà thơ Boris Pasternak phát hiện tài năng từ năm 14 tuổi. Có lẽ sự kiện lịch sử không thể không nhắc đến trong đời ông là: Khi đến , trong chương trình cá nhân, cố tổng thống đã đến tận nhà riêng để gặp ông tại Peregyelkino. Dĩ nhiên trong buổi gặp mặt đó, tổng bí thư Brezhnev không có mặt (!). Một sự kiện quan trọng nữa xảy ra trong cuộc đời của: cuối cùng đã phải xuống nước, xin lỗi nhà văn vì đã nhiều lần cho rằng ông là tình báo của Phương Tây và lớn tiếng đuổi ông ra khỏi quê hương, tổ quốc của mình.
[5]Tiểu thuyết được viết vào năm 1996, đã được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Hung.
[6]Perversion
[7]Alexandra Mihajlovna Kollontaj (1872-1952). Nữ văn sĩ và nhà ngoại giao nổi tiếng. Năm 1906, bà gia nhập đảng mensevik. Năm 1915, bà chuyển sang đảng bonsevik, và đến năm 1917 bà đã lọt vào Ban Chấp hành Trung ương. Từ năm 1923, bà là đại sứ ở Na-uy, Mexico và Thuỵ Điển.
[8]Thời kỳ sau sự sụp đổ của Liên Xô, mang xu hướng phát triển theo chủ nghĩa đa nguyên.