© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
1.9.2004
Cao Việt Dũng
Vài góp ý với nhà văn Nguyên Ngọc về bản dịch Độ không của lối viết
 
(Roland Barthes, Độ không của lối viết, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 1998, đăng lại trên talawas)

Bên cạnh các tiểu luận về nghệ thuật tiểu thuyết của Milan Kundera, Độ không của lối viết là một đóng góp lớn nữa của nhà văn Nguyên Ngọc cho nền dịch thuật Việt Nam. Bản dịch công phu, truyền đạt rất tốt nguyên bản, nổi bật lên trong số các bản dịch về lý luận văn học thời gian gần đây. Nhiều chỗ của bản dịch đạt đến độ tài tình, chuyển hóa được những ý tưởng khó nhất, thể hiện độ hiểu sâu sắc nguyên bản và tài năng sử dụng tiếng Việt của dịch giả, nhất là tài sử dụng từ Hán Việt. Nhưng không bản dịch nào là hoàn hảo. Ý thức rõ điều đó, tôi xin phép chỉ ra một số sơ suất trong bản dịch này.


Phần giới thiệu tác phẩm

Ở phần mở đầu, sau khi liệt kê một số tác phẩm mà ông cho là nổi bật hơn cả của Roland Barthes, Nguyên Ngọc viết: “trong đó quan trọng và nổi tiếng nhất là cuốn sách các bạn đang cầm trong tay đây: Ðộ không của lối viết.”

Độ không của lối viết (1953), là tác phẩm đầu tay độc đáo của Barthes, khiến người ta phải để ý đến một nhà phê bình mới bước chân vào “làng”, và quả thật ở một số nơi trên thế giới người ta chỉ gắn tên ông vào tác phẩm này, dường như phần sự nghiệp còn lại của Barthes không có gì đáng kể. Nhưng để công bằng và đầy đủ hơn, cần biết rằng lâu nay Roland Barthes vẫn được coi là khuôn mặt tiêu biểu của ký hiệu học, của Phê Bình Mới (kiểu Pháp chứ không phải New Criticism) và của phê bình liên văn bản, trong khi Độ không của lối viết chỉ động chạm sơ lược tới ký hiệu học, chưa hề có yếu tố của Phê Bình Mới và càng không có chút gì liên văn bản. Khi nhắc đến Barthes, giới nghiên cứu nhắc đến trước nhất là Sur Racine (Về Racine, 1963), quyển sách nhỏ gây sóng gió đảo lộn toàn bộ nền phê bình Pháp hồi đó, chia phê bình thành phe Phê Bình Cũ (Picard) đối lập với phe Phê Bình Mới (dĩ nhiên Barthes là thủ lĩnh), nghĩa là giữa phe bảo vệ Racine “trong sáng” với phe “dám bảo” Racine viết về tình dục. Danh tiếng Barthes lên như cồn, đến mức Sartre cũng phải biết tiếng và bàn về khái niệm écrivant, écrivain của nhà phê bình trẻ (Situations IX, bài phỏng vấn với Verstraeten). Tiếp theo đó, Critique et Vérité (Phê bình và sự thật, 1966) khẳng định sự lên ngôi của Barthes cùng Phê Bình Mới (xem thêm, chẳng hạn, Serge Doubrovsky, Pourquoi la nouvelle critique, Tại sao cần phê bình mới, 1966). Đóng góp lớn của Barthes cho cánh liên văn bản (ông từng rất thân thiết với vợ chồng Philippe Sollers và Julia Kristeva cùng nhóm Tel Quel) thường được nhắc tới là mục từ Texte, (théorie du) viết cho bộ từ điển Encyclopaedia Universalis, trong đó ông đưa ra định nghĩa (hoàn toàn mới mẻ) về văn bản. Còn S/Z (1970) cho người ta hiểu một nhà phê bình nên đồng thời là một nhà văn, một hình mẫu nhà phê bình mới, nhiều khi còn sáng tạo cao hơn cả nhà văn… Đó là những văn bản đưa Barthes lên ngôi vị thống trị của cả giới phê bình Pháp những năm “đổi mới”.

Thật tiếc vì tên tiếng Việt một số tác phẩm khác của Barthes mà Nguyên Ngọc nhắc đến không thật chính xác. Hệ thống điệu thức chắc hẳn dịch từ tên quyển Système de la mode (1967). Có lẽ la mode ở đây đã bị nhầm với le mode. Tên tác phẩm này rất đơn giản: Hệ thống mốt. Nhà ký hiệu học Barthes đã để tâm nghiên cứu các loại mẫu mốt áo quần, chủ yếu trên các trang mốt các tạp chí ElleLe Jardin des Modes. Ý định viết về mốt này được Barthes nung nấu từ lâu: năm 1957, ông đã viết một tác phẩm nhỏ tên là Histoire et sociologie du vêtement, quelques observations méthodologiques (Lịch sử và xã hội học trang phục, vài nhận xét về phương pháp). Cách nhìn «vụn vặt» này đã có ở Barthes của Mythologies (Huyền thoại, 1957), trong đó ông nghiên cứu các «huyền thoại» thời hiện đại, chẳng hạn thịt bò beef-steak, vận động viên đua xe huyền thoại Louison Bobet, một vụ lụt lội ở Paris… Đỗ Lai Thúy cũng không hiểu điều này, nên trong bài giới thiệu cho bản dịch Nhập môn phân tích cấu trúc truyện kể của Tôn Quang Cường (cho đến giờ tôi vẫn chưa tìm ra nguyên bản của văn bản này trong toàn tập của Barthes, mà theo các dịch giả thì được dịch từ tiếng Nga) [Bản dịch đã đăng trên tạp chí Văn học nước ngoài số 1, 2003 và đăng lại trên eVăn: http://evan.vnexpress.net/Functions/WorkContent/?CatID=4&TypeID=25&WorkID=103&MaxSub=103], ông đã dịch thành Huyền thoại học (và trích dẫn sai nguyên bản, viết thành Mythologie).

Cái tên Niềm thích thú của văn bản mà Nguyên Ngọc dịch từ Le Plaisir du texte (1973) dễ gây hiểu nhầm, vì như vậy khiến người đọc hiểu văn bản là một chủ thể, nó cảm thấy thích thú; trên thực tế đó là niềm thích thú, khoái cảm mà văn bản đem lại.

Trong số các tên tác phẩm được trích dẫn còn lại, tôi không tìm được Cái tự nhiên và cái trì độn trong toàn tập Roland Barthes (NXB Seuil 1993, 1994, 1995, do Eric Marty biên tập), còn Rì rào văn bản (Le Bruissement de la langue) trên thực tế không phải là một tác phẩm toàn vẹn, mà là một tuyển tập các bài viết, trong đó có nhiều về sân khấu (Barthes viết rất nhiều về sân khấu, trong đó ông dành dung lượng đặc biệt lớn cho Bertolt Brecht và đoàn kịch Berliner Ensemble của ông), còn được gọi là Essais critiques IV, không do bản thân Barthes đứng ra tuyển tập, vì được xuất bản vào năm 1984, 4 năm sau ngày mất của ông.


Phần chính của tác phẩm

Sau đây là một số điểm mà tôi thấy nên xem lại trong bản dịch của nhà văn Nguyên Ngọc.

(Tôi sử dụng tập thứ nhất bộ Toàn tập Roland Barthes của Eric Marty đã nói ở trên, đánh số đoạn văn theo cách trình bày trên talawas).


Phần Mở đầu



Phần I



Phần II




Góp ý về chú thích

Phần chú thích trong bản dịch được thực hiện công phu và chu đáo - thêm một điều khiến bản dịch của Nguyên Ngọc tăng phần uy tín. Tôi chỉ xin có vài đề nghị bổ sung:

Khi chú thích về thời Passé simple (quá khứ đơn giản trong tiếng Pháp), có lẽ nên nói đó là thời kể chuyện được dùng phổ biến nhất trong các tác phẩm văn xuôi của Pháp, nếu không người đọc không biết tiếng Pháp sẽ không hiểu tại sao bỗng dưng Barthes lại nhắc đến thời này.

Khi Barthes viết «khi nhà tiểu thuyết kể rằng bà hầu tước đi ra khỏi nhà lúc năm giờ», (I,19), nên hiểu là ông đang ngầm nhắc đến một điển tích: Paul Valéry từng tra vấn mình câu đó (nguyên văn là «la marquise sortit à cinq heures») có thể được coi là văn chương hay không, và cuối cùng kết luận là không.

Pradon đúng là một nhà viết kịch cùng thời với Racine, ông cũng viết một vở Phèdre giống như Racine. Cathos và Magdelon (II,16) là hai nhân vật trong vở kịch Les précieuses ridicules của Molière; Cathos là cháu gái, còn Magdelon là con gái Gorgibus, nhà tư sản tốt bụng (hai chi tiết này tôi tra được trên Internet, search bằng google).

*

Người viết bài này rất biết những gian truân của nghề dịch và hiểu là gần như không thể không có sai sót, nhất là ở trường hợp các tác phẩm khó. Xin nhà văn và dịch giả Nguyên Ngọc nhận ở tôi sự chia sẻ của một người đọc chăm chú và lòng mong muốn trao đổi của một đồng nghiệp trẻ.

Nottingham, 18.8.2004

*


Nguyên Ngọc

Kính gửi talawas và anh Cao Việt Dũng,

Tôi đã đọc bản góp ý kiến của anh Cao Việt Dũng đối với bản dịch Ðộ không của lối viết của tôi. Những chỗ sai sót anh Cao Việt Dũng chỉ ra trong bản dịch của tôi đều rất chính xác. Tôi xin chân thành cám ơn.
Một số câu ở một vài phần đã bị bỏ sót thật ra là đã bị nhà xuất bản cắt đi khi in, lý do vì sao chắc ta đều có thể đoán biết. Tôi mong có dịp nào đó, khi tái bản cuốn sách quan trọng này, sẽ có thể sửa chữa lại những chỗ sai sót trong bản dịch trước, và khôi phục lại được những đọan đã bị cắt bỏ.

Nhân đây tôi cũng muốn nói: theo chỗ tôi được biết, ở các nước, những tác phẩm quan trọng như của Roland Barthes thường được dịch đi dịch lại nhiều lần, do một hoặc nhiều người dịch khác nhau. Mong sao ở ta cũng sẽ đến ngày có được tình hình bình thường đó.

© 2004 talawas