© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
7.5.2008
Thanh Tâm Tuyền
Tiếng nói một người
 
Thanh Tâm Tuyền viết thơ và văn xuôi, hai thứ ấy làm nên con người văn chương và thế giá về con đường nghệ thuật của ông. Thỉnh thoảng, trong các chuyên đề hỏi đáp nhiều người ở tạp chí Sáng Tạo, ông cũng có nói về những vấn đề chung của thơ, của tiểu thuyết, của hội hoạ, và các lĩnh vực nghệ thuật khác. Tuy vậy, nhưng ông lại rất ít khi viết về tác phẩm cụ thể của người khác, ngay cả trong lĩnh vực mà ông có nhiều quan tâm nhất: Thơ. Chính vì thế, bài viết về Trần Lê Nguyễn dưới đây là một trường hợp rất đặc biệt.
talawas
1.

Sự thật không bao giờ là sự thật khách quan. Nhớ lấy những kinh nghiệm thường ngày: cùng một điều việc kẻ này nói, làm được, kẻ khác là thấy chói tai chướng mắt. Chỉ có sự giả trá hư ngụy mới đội lốt khách quan, sự thật xuất hiện từ con người và xác minh làm kẻ khác chấp nhận là của người đã dám phát hiện ra nó. Và trong sự mong manh yếu hèn của kiếp người, nhiều kẻ đã phải mang tự do tối hậu duy nhất của một đời là cái chết để bảo đảm cho sự thật của đời mình được thành sự thật với những người khác.

Thơ là tiếng thổn thức của con tim, đó là một sự thật tôi tìm thấy lại qua Trần Lê Nguyễn. Suốt tập thơ, Nguyễn chỉ nói về mình, nói rất nhiều về mình, nói quá nhiều về mình bằng thứ ngôn ngữ xô bồ, đôi lúc rối loạn, lảm nhảm, buồn cười. Và con tim Nguyễn phơi bày nguyên hình dáng, một khối thịt bầy nhầy bóp vào nở ra bất tận. Đó là hình ảnh của đời sống.

Tiếng nói một người hay tiếng nói một đời, một kiếp?


2.

Trước hết thơ là một nỗ lực tinh khiết hoá thực tại. Các nhà thơ cổ điển đã làm công việc này. Bọn lãng mạn lầm tinh khiết hoá thực tại với ruồng bỏ thực tại, dùng nước mắt, tiếng rên la, sự xúc cảm nhầy nhụa làm vẩn đục thực tại, rồi trốn chạy vào ảo tưởng. Thơ ngày nay cũng là một nỗ lực tinh khiết hoá thực tại từ khởi điểm làm hiện hình nó, cái hình dáng thô sơ đã bị bọn lãng mạn mài nhẵn bằng nước mắt nước mũi.

Thơ Nguyễn là cái ánh sáng lộ liễu khô khan chiếu vào thực tại, sự vật nổi lên còn đủ những góc cạnh sần sùi.

Mỗi lần tôi mượn tiền bạn bè là mấy thằng chó chết chưa hề có con cười hô hố bảo là tôi lại sắp phịa chuyện đến nhà thương thăm con mới đẻ.

Nếu anh hiểu được rằng người ta vẫn có thể mộng tỉnh thức chẳng cần phải tìm tới giấc ngủ hôn mê, anh sẽ nhận ra Nguyễn đang làm thơ.

Đêm cưới em, anh sẽ không ghé câu lạc bộ mà vào Snack Bar uống rượu thật say (dĩ nhiên bằng tiền đánh bạc chứ không phải tiền viết văn) rồi không ghé đăng-xinh (dù biết rằng sắp bị đóng cửa) mà đi ngược về đường Duy Tân (một nhà vua cách mạng) hay dọc theo đại lộ Hai Bà Trưng (hai nữ anh hùng dân tộc) tìm gặp một “me” lính Pháp ra đi còn để lại.

Để suy ngẫm về cõi đời
và mừng em lấy chồng Mỹ

Cái thế giới của Nguyễn là thực tế hằng ngày chúng ta đang sống, quay cuồng, hỗn độn, đầy khát vọng. Tại sao cứ đòi hư vô để mơ mộng? Hãy thử mơ mộng như Nguyễn xem sẽ thấy sự kỳ lạ của thế giới ấy.

Và thơ là gì? Nếu không phải là sự khám phá mầu nhiệm bằng ngôn ngữ một thế giới vẫn trốn mặt ở quanh. Sự phơi mở ở thơ cho anh cảm giác tràn đầy hạnh phúc, tâm hồn đã nhập được một phần của sự sống bí ẩn còn thiếu sót. Những phút xâu dài như một đời.


3.

Tiếng nói một người là tiếng nói của tình yêu, tình bằng hữu. Trong cô đơn và đêm tối.


4.

Người sắp nói là một người bốn mươi tuổi. Người ta thường làm thơ vào những năm hai mươi. Vào tuổi ấy Nguyễn chỉ còn muốn viết tiểu thuyết, viết kịch. Hắn chỉ thấy cần làm thơ trong vài năm gần đây.

Việc làm thơ của Nguyễn chứng nhận lời tiên tri của Lautréamont: Thơ không phải để một người làm mà để mọi người làm. Thơ là sự giải phóng, sự tự do, là quyền của mọi người, không bao giờ là đặc quyền của một bọn thi sĩ đầu bù tóc rối trí tưởng tượng như con gián bay quanh đèn, sự cảm xúc như tiếng động của thùng thiếc.


5.

Thơ Nguyễn kể lể ồn ào nhưng vẫn nghe đâu sự nín lặng trong cùng.

Hạt nhân nín lặng, khép kín làm mỗi bài thơ tự đầy đủ, phân biệt thơ Nguyễn với thơ Prévert. Hai bên chỉ giống nhau ở điểm tưởng tượng, mơ mộng cùng thực tại. Còn Prévert đòi hỏi những đối tượng ở ngoài để phóng tới.


6.

Một người sống đến bốn mươi tuổi không làm thơ để mong thành thi sĩ. Thi sĩ! Thi sĩ! Thằng người đó đã tự sát. Tên của chàng bị cướp bị bôi nhọ. Ngày nay còn toàn một bọn nhái giọng người chết. Mấy tên thư lại luồn cúi nịnh hót cũng là thi sĩ. Mấy tên cán bộ làm thơ như những bản thỉnh nguyện xin tha mạng sống, xin thêm quyền lợi. Mấy tên thanh niên hiến thân làm tấm gối ôm trong khuê phòng.

Nếu anh đọc thơ Nguyễn, anh nghĩ Nguyễn không phải là thi sĩ, anh nghĩ đúng. Nhưng coi chừng, anh đã bị đầu độc bởi bọn giả danh. Tôi nhắc lại: Thi sĩ đã tự sát. Và anh cũng như Nguyễn cũng như tôi được thừa hưởng cái gia sản của chàng cùng với mọi người, trừ bọn tự nhận là con cháu chàng. Chúng ta phải cướp lại tiếng nói sắp muốn tắt; mỗi người đều được quyền làm thơ như Nguyễn, như làm một hành động giải phóng. Đừng để bọn người nào độc chiếm thơ làm phương tiện áp bức.

Một ngày thi sĩ sẽ hồi sinh. Chưa phải bây giờ. Nhưng hãy thổi những hơi thở mới vào mũi chàng, đuổi bớt những uế khí, ám khí, tử khí, đang ướp quanh chàng.


7.

Tiếng nói của Nguyễn chỉ là tiếng nói một người. Một người hèn mọn như loài run dế.

Nhưng Nguyễn, như anh, biết rằng một người không có nghĩa là một. Nói một người là nói tới số đông. Mai kia hắn chết đi, cái chết bất cứ trường hợp nào cũng chỉ là sự lịm tắt của một khát vọng, là chết theo người yêu một đời của hắn, những bạn bè gần gũi, những mộng ước đau đớn, tuyệt vọng, nghĩa là một phần thế giới.

Đọc mà xem, anh sẽ thấy hắn phải nói trong cô đơn để được gần anh.


8.

Mỗi bài thơ của Nguyễn là một nỗi đầy cô đơn. Nếu tôi nói hắn sống rất vui trong cô đơn, anh sẽ cười tôi. Bởi anh đã khổ vì cô đơn.

Thực ra tôi phải nói là hắn bằng lòng trong cô đơn, vì nơi đó hắn được sống với anh, trong cái thế giới lạnh lẽo đáng sợ, hắn được chia sẻ với nhiều người, những người không được gặp nhau. Như hắn và người yêu của hắn:

Anh đã yêu cùng cực
đến không còn em
............................................
Anh ôm thật chặt khoảng trống căn nhà hoang
như thấy em cả đời trọn vẹn
nửa đêm nào thức giấc

Như hắn và một người bạn nào:

Và những đêm nhìn trăng sao
dưới mái hiên nhà dây thép tôi nói với anh
về trời đất về ước vọng hai đứa mình ở đời.

9.

Đây là tiếng nói của một người nối kết những cô đơn.


10.

Nửa đêm những người yêu nhau nhảy slow
Kẻ hút “píp” đi một mình bờ đại lộ
vì không ai yêu mình
hay mình không yêu ai
ngậm tẩu như hôn người đàn bà một đời

Không phải, Nguyễn yêu nhiều người quá và nghĩ nhiều người đang yêu hắn.


11.

hắn thầm thì, hổn hển, khó nhọc soi sáng những sự thật thầm kín ấy, những sự thật người ta chỉ có thể diễn tả nổi với cố gắng vô biên – những sự thật hết sức tối tăm, hết sức gian nan – nhưng chính với những sự thật ấy, thế giới phải thay đổi toàn diện, một lần cho xong. (Virginia Woolf)



12.

Một sự thật nữa, hắn đã sống.

Rất có thể ở ngoài đời hắn đã sống giả như chúng ta vậy. Lý do giản dị: cái giả hiện ra trong sự vận động mải miết của sự vật vượt qua mình, hôm nay từ chối hôm qua, và mình vẫn thích ứng tồn tại như không hề có gì xảy ra, tấn thảm kịch biến thành hài kịch. Chúng ta nhìn nhận mọi cảnh ngộ bằng cặp mắt chấp nhận tự nhiên, nỗi bất bình chìm sâu ở đáy thân bị nghiến nát không còn. Khi Nguyễn làm thơ (và nếu anh cũng làm thơ) Nguyễn phát hiện sự sống thực.

Và khi đã sống thực người ta sẽ không hài lòng một chút nào trước cảnh ngộ.


13.

Phương,

Tập thơ này Nguyễn viết cho em. Em là người yêu của hắn.

Bài mở này anh viết hộ em. Anh viết những điều em biết về hắn nhưng không thể diễn được thành lời. Và em sợ nên em xa hắn.

Thôi cũng xong. Để cho hắn làm thơ.

13 và 14 tháng 8 năm 1962
Thanh Tâm Tuyền



Phụ lục 1
Thơ Trần Lê Nguyễn
(Trích trong Tiếng nói một người)

Phương

Anh yêu em không ngủ đêm nay
Từ có em
người đàn bà một đêm trở nên vô nghĩa
Hành động của yêu
qua không gian tiếp nối thời gian
như hơi thở có ngưng không bao giờ dứt
phút sống ngập đầy
ý nghĩa lứa đôi tìm thấy
khi em không còn trong tay
Anh đã yêu cùng cực
đến không còn em
sống với màu xanh quá khứ
sương sớm nắng chiều
bông hoa nở giữa hai ngành héo buổi em đi
hơi thở nghẹn ngào
mi khép ứa dòng nước mắt
Anh ôm thật chặt khoảng trống căn nhà hoang
như thấy em cả đời trọn vẹn
nửa đêm nào thức giấc

Anh chả bao giờ có em
chỉ có bốn mắt nhìn nhau một chiều súng đạn
Em có nhớ ra anh
Anh có nhớ ra em
Đường nắng không một bóng dừa
một ngã ba hoang vắng
Anh chả bao giờ có em
chỉ có một đêm chớm lạnh
mưa trên sông
nghe tiếng thở dài của kẻ chung đôi
cùng tiếng thở dài của người cô độc
Anh chả có em nụ cười
chỉ có em nước mắt
Anh muốn giết em để đừng thấy lệ em rơi
để đừng bao giờ em bỏ đi
đừng bao giờ em tìm tới

Tiếng em kêu thất thanh đêm nào
anh nghe chính lời anh hấp hối
Tại sao anh yêu em
Tại sao em yêu anh
Tình yêu rất hiếm một con đường xanh
rất nhiều những con đường lội
Em có nhớ những chiều ngoại ô
buổi sáng ngồi xe thổ mộ
tiệm nước bên dây quan tài
hàng cây trong nghĩa địa
Anh nhớ em gục vào vai anh ướt
nước mắt mặn của môi
chua chua miếng thơm em đem qua nhà giữa trưa rất nắng
Có một hôm anh khen em đẹp
người ta sung sướng nép đầu vào ngực tôi
Em ơi em ơi em ơi em ơi
anh yêu em không thể nào ngủ được.
1957


Ám ảnh

Tôi làm bài thơ giản dị
đến không còn thơ
để gửi anh nhớ ngày gặp gỡ

Trận đói bốn mươi lăm
đồng quê hết gạo chạy về thành phố
Từng đoàn rũ trên đường
chết không kịp chôn
đổ chung một hố
Đàn quạ đen tím cả hoàng hôn
Chị cướp cơm em
Mẹ bịt mũi con cho hết bú
Những chiếc xe bò người kéo đầy thây
bao chiều cửa ô lớp lớp đợi đây
Tôi làm bài thơ bầm vết máu
những người Nhật trói đầy nắng tháng năm
Tôi đi cùng anh
buổi chiều vĩ đại
Hà Nội băm sáu phố phường
tung năm cửa ô
Cách mạng mùa thu Tháng Tám
Đêm kịch nhà hát lớn
tôi đọc thơ cho anh bẻ song tù
sáng mai về quê thấy không còn bố
- Thầy tôi ai bắt.
- Cách mạng cần có trại giam
Giọng anh lạnh
Mặt anh đanh
Tôi lặng người cay đắng
Nước sông Hồng thôi đỏ phù sa
nước sông Hồng màu đỏ chiến khu Phú Thọ
anh không dùng đạn
lưỡi lê
trôi sông
Máu anh Việt Quốc hòa nước sông Hồng
Tôi thôi làm kịch
son hậu trường như máu tanh tanh
tôi đi giết giặc để quên thấy anh

Tôi vào Quảng Ngãi nghe tiếng mõ khuya
thấy rợn hồn trẻ thơ chết chưa kịp đẻ
Diệt mầm phản động mai sau
mã tấu
anh chém cả con lẫn mẹ
Sóng gào bãi biển Tam Quang
dừa xanh hoang tàn thánh thất
một xóm Cao Đài cùng khóc
cha
chồng
anh
con
chết một ngày
một giờ
anh chôn sống chung một hố

Ba lô tháng năm kháng chiến
tôi đi trên những nẻo cùng
lạc loài làm tên phi đảng
mấy lần biên giới qua sông
Tôi vô tới mũi Cà Mau
nghe các anh dân chủ
thời Nguyễn Bình
xác nhận lòng kinh
nghe các anh Đệ tứ
xương bóng rừng cao su mông mênh

Tôi muốn viết cho anh
bài thơ không bằng chữ máu
tôi muốn viết cho anh
bằng những tâm tình
tôi muốn viết cho anh
như thuở ban đầu chiến đấu

Tôi tìm lại về sân khấu
có đêm khi bức màn buông
tiếng gõ ba hồi xuống ván
nghe như vồ đập áo quan.
1957


Khi yêu em
Của O.T.


Tôi bán quê hương lúc con một nửa
Người đàn bà Việt Nam đuổi tôi khỏi tròng mắt đen
của đôi mắt bồ câu
đôi mắt dao cau
Đục màu hạt dẻ
hay xanh chân trời xa
là đôi mắt xứ người chân tình nên phản bội
tôi gặp Berlin
Paris ở thủ đô tôi
thủ đô thiếu một hồ gươm lịch sử
một thư viện trên đường Trường Thi
Như em không quê hương
lấy kinh thành người làm kinh thành mình
ra đời ở Trung Âu
cư ngụ bên hồ Leman trời Thụy Sĩ

Tôi đọc người “Nga-La-Tư”
thấy nàng thiếu nữ
khi chết cho chiến thắng
hôn anh chiến hữu gửi lại người yêu
Và người nữ chiến sĩ “Thông Hành Giả”
không nhận thư tình
bàn tay run run mở tung nút áo
Vết sẹo hành hình in ngực
- bàn tay kéo cao cổ áo đi mưa anh đồng chí một đêm sương mù
Thần tượng ấy giết người yêu bé nhỏ
đau bệnh lao quê tôi ở miền Bắc
Lá thư cuối cùng một hồn người
tôi không được đọc chỉ nghe kể lại
ngày cách mạng thành công

Cách mạng đưa con người tới đâu
chỉ biết anh gặp em không hề chờ đợi
Anh nghe nàng tiên hát bài hát tiếng Nga
có tuyết có gác chuông
buồn chia cách khi vừa gặp gỡ
Anh yêu gió tung mái tóc
để tay anh lùa trong tóc em
Anh thù bóng đêm che sâu màu mắt
chỉ thấy hư ảo một màu nhớ nhung
Hư ảo như tay em trong tay anh
như tình chúng ta
của thời đại không còn được yêu được chết
của thời đại chỉ gặp nhau xa nhau
Nên em chỉ cho anh một nửa bàn tay
Nên anh không dám hôn môi em
như sợ truyền nhiễm bệnh lao
dù anh chưa hề hôn một lần
người yêu chờ chết bệnh lao miền Bắc
Anh cảm ơn sự tàn bạo cho chúng ta gặp nhau
Anh cảm ơn em cho anh sống lại tuổi hai mươi
có một lần trong đời
anh quên sống chạy theo cách mạng
đi bắt bóng những dáng hình
bỏ quên người yêu chết mười sáu tuổi
không một cành hoa trắng cắm lên mồ
Những trận mưa bom đồng minh trên quê hương anh
Những tờ truyền đơn rơi trên lòng đồng bào anh câm nín

Em cho anh sống những gì anh chưa sống
không thể thiếu trong một đời người
Anh không muốn nghĩ đấy là lý tưởng em đang đi tìm
dù có một ngày nào nở hoa
Anh sống với hình ảnh em
Nhìn nghiêng lạnh và buồn như tượng
Với giọng em hát nhỏ khi không đành nói lên lời
Với căn phòng lữ quán cô đơn
Với chiếc ban-công từng lầu ba dưới bóng me cổ thụ phố Sài Gòn
giống như dưới bóng cây hạt dẻ thành Prague
chiếc ban-công em gục xuống tay một mặt phút không đành khóc
Và tiếng cửa cầu thang máy đóng lại gần sáng một đêm nào

Em buồn ra riết trước ngày em đi
và bảo anh nói quá một lần sự thật
Em trách anh đến với em quá mau
Anh biết làm sao
khi không thể níu thời gian ngừng lại
Vì anh gặp em như tự bao giờ
qua năm tháng dài đấu tranh
người nữ cán bộ cô đơn cười vui chiến đấu
Vì em đến và em đi
Anh muốn Việt Nam đón em với tất cả ân tình
Người ta không sống cùng tài liệu mà bằng kỷ niệm

Em đi chấm cuối hàng người trên sân bay
Bao-lơn phi cảng một mình anh đứng lặng
Hai đứa cùng giơ tay –
Bàn tay giơ lần thứ nhất – lần đầu tiên – ở cửa lữ quán Sài Gòn
Bàn tay dơ lần thứ hai – lần cuối cùng – ở trường bay Tân Sơn Nhất

Áo em hồng đẹp nhất
Mắt em buồn đẹp nhất những người ra đi
Con chim hiếm bay
Buổi sáng không vui như chiều đã đến
Em hiện ở góc trời nào
không một chữ
không một tấm hình bưu thiếp
Tôi không muốn nghĩ
em đi tìm lãnh tụ đã dẵm lên hoa cỏ bên đường
Tôi muốn nghĩ
em sẽ là người đàn bà hiền hậu
có chồng có con
một đứa con gái hai đứa con trai
như em hằng mơ ước
Tôi đào ngũ khỏi lòng dân tộc một ngày nào đây
Biết rồi sẽ nhớ đôi mắt bồ câu
đôi mắt dao cau
Tôi gói hình ảnh người đàn bà Việt Nam làm hành lý lên đường
Tôi sẽ không bao giờ tìm em
như bây giờ không viết một dòng thư
chỉ làm bài thơ giấy giáp
Hai đứa yêu nhau rất nhiều để không quên nhau
để thôi nhớ làm lịch sử

Có con bướm trắng vừa đậu trên tóc em
Có bông hoa trắng mới nở trem mồ người yêu chết mười sáu tuổi

Có cách mạng nào thành công
Có tình yêu nào tan vỡ
7-1959


Sài Gòn mưa

Đế giày tôi lủng hai bên
Những chiều Sài Gòn mùa mưa như chiều nay
tôi đi bằng gót qua nhiều lề đường đọng nước
Đĩa nhạc quay tròn quay tròn
âm thanh nổi
Tờ báo buổi chiều loan tin chiến sự xứ Lào

Mưa lại rơi
như tháng bảy mưa rơi ngoài Bắc
Hà Nội không còn
Sáng qua tôi gặp cô gái Hàng Ngang
Ngoài kia đâu còn Hà Nội
Có những người chết đi
mất xác bên cầu Kiệu
con đường hành quân thuở trước vắt qua Dốc Mỏ
gặp mộ người nữ cứu thương
“Thái-mortier” Tây bắn ở Tuy Hòa chết không hay đâu còn Hà Nội

Tôi trú mưa đầu phố
Giày tôi vào nước từ lâu
Gió tạt quán rượu góc đường Charner thuở trước
Ly rượu anh thủy thủ trên đất liền
Người đàn bà Pháp chờ Taxi cô độc
Không là đây Paris
Sao tin chiến sự Vientiane làm nhớ thương Hà Nội
Sao Hà Nội nhắc những người chết đi
Tôi đi nhận lá thư không đến chiều nay
sao lại gặp Sài Gòn mưa như tháng bảy trời mưa xứ Bắc


Đất nước tôi tình duyên tôi
Của V.L.


Đường Tự Do mọc lên nhiều Snack-Bar
Một chiếc chen thêm vào bên chỗ trú chân của những nhà văn hoá văn nghệ xứ mình

Giữa hiện trạng ấy anh nghe tin em lấy chồng
Một đồng đô-la giá chợ đen ăn chín mươi đồng Việt Nam
Anh ước mong em lấy chồng Mỹ vì tình
một chuyện tình như phim Mỹ chúng ta thường xem
một chiến sĩ (cấp tá) bỏ vợ vì cuộc chiến tranh Cao Ly
gặp người con gái Hàng Đào di cư mang tật nguyền máy bay Tây hồi giặc
em bơ vơ sau bao cuộc tình duyên
như người đàn ông ngoại quốc cô độc xứ người sau một đoạn đời
một tình duyên rất cha con
một hôn nhân rất anh em

Anh vui và buồn cùng em như của chính anh
Khi bỏ nghề viết kịch (đánh máy hai mươi trang rưỡi diễn đúng bốn mươi lăm phút, hai tháng sau được 300đ bản quyền tác giả) để đi đánh bạc quên đời
Anh đã vừa viết, vừa đóng vừa đạo diễn cuốn phim Rizamer
Kịch tác gia giải thưởng văn chương toàn quốc của em như vậy đào đâu ra tiền cưới vợ nuôi con
chưa kể về mặt tinh thần
có xứng đáng với em một người con gái muốn thấy đời cao đẹp
Cho nên anh mừng hay tin em lấy chồng
lấy chồng trống trơn
vì anh nghĩ đây là một chuyện khác biệt
hoàn toàn tự do
hoàn toàn bình đẳng
không phải vấn đề đồng đô-la U.S. bên cạnh đồng bạc V.N.
em lấy chồng có cưới xin theo lễ nghi xứ mình
xóa được vết đen môi “kỹ nghệ” thời xưa
viết được một chuyện tình quốc tế

Đêm cưới em anh sẽ không ghé câu lạc bộ mà vào Snack-Bar uống rượu thật say
(dĩ nhiên bằng tiền đánh bạc, không phải tiền viết văn)
rồi không ghé đăng-xinh (dù biết rằng sắp bị đóng cửa) mà đi ngược về đường Duy Tân (một nhà vua cách mạng) hay dọc theo đại lộ Hai Bà Trưng (hai nữ anh hùng dân tộc) tìm gặp một “me” lính Pháp ra đi còn để lại
để suy ngẫm về cõi đời
và mừng em lấy chồng Mỹ
để anh còn được là đàn ông của nước Việt Nam
nay có đàn bà lấy chồng khác nước.
11-5-1959


Đã đi còn đi
cho Cung


Đã đi chân không thuở mười sáu vào đời
trong lò than đá mỏ Vàng Danh
ánh đèn đất ma chơi soi đường hầm địa ngục
Tình anh thợ mỏ yêu chị Nhà Sàng
thân thiết như goòng than
từ một lò đang phá
kéo ra Uông Bí ra “boo” Rơ Đông
xuống những con tàu đại dương ăn than
dọc theo mạn Đông Triều Hòn Gai Cẩm Phả
Còn thấy hố mắt không hồn buổi tan tầm
Mỗi lần sập lò bao xác chết đen thui
chôn một đời min mỏ

Tôi nhớ Vàng Danh linh hồn bé nhỏ
nhớ thường bạn đeo mìn
những đường “tơơi” cực nhọc
tiếng còi tầm xé ruột
ngọn roi song xua thợ đi làm
đá cắt gan bàn chân lạnh buốt

Hai mươi mấy năm rồi tuổi trẻ vui tin
nguyên vẹn tờ truyền đơn đòi cơm áo
Hai mươi mấy năm rồi
tôi đã đi thêm đoạn đường kháng chiến
với dép vỏ xe hơi Bình Trị Thiên
tôi đã đi thêm đoạn đường di cư
với đôi giày đế lủng
Tôi thấm mệt chiều nay nhớ anh người bạn đeo mìn thuở nhỏ

Anh còn sống hay đã chết
được thấy đổi đời chưa
đèn đất anh dùng có bao lưới thép phòng ghi-du khỏi nổ
còn có nạn ngập lò
Muốn gì đi nắm cơm anh ăn vẫn toàn than bụi
vẫn toàn mồ hôi
mồ hôi của thợ mỏ hay của anh hùng công nhân cũng vẫn chỉ là mồ hôi
nhiều chất mặn.

Như tôi vẫn còn phải đi
gọi là đi tìm tự do
tôi hiểu nghĩa hai tiếng ấy trong xà lim hẹp
qua những ngày thiếu ăn
những lần trốn tiền nhà chủ phố
và thấm mệt vẫn còn phải đi
để chạy những thiên đàng đóng hộp

tôi nhớ ngày đầu đi mỏ
lũ loong-toong Tây ức hiếp cướp mất tích-kê
anh đưa tôi ra chợ ăn cơm cởi áo thay tiền trả
và những đêm nhìn trăng sao
dưới mái hiên nhà dây thép tôi nói với anh về trời đất
về ước vọng hai đứa mình ở đời.
Có bao giờ không nhỉ
con anh và con tôi
chúng sẽ gặp nhau tình cờ như chúng ta đã gặp nhau
ở bến Sáu Kho
ở trường Đại học Sài Gòn
hay ở một quê hương nào khác nữa.
14-7-1957


Khuôn mặt

Không thấy nổi khuôn mặt người yêu
buổi chiều bệnh cái chết kéo về khoảng trời xanh ấu thơ

Em hư ảo trăng mùa hạ cũ
em không còn em
chiếc áo hở tay bầy đom đóm hoa dạ lai hương
em còn không em
đôi má hồng người bệnh mùa xuân
em không còn em
bông hoa không nở trên mồ con gái chết mười sáu tuổi

Không thấy nổi khuôn mặt bạn bè
buổi sáng gục bên đường đói khát
mặt trời hết bình minh
Chúng mày ở nơi đâu
cuộc sống mang đầy ung nhọt
một đứa gục xuống súng chửa rời tay
một đứa bước lên miệng còn thơm sữa
Bây giờ mùa xuân không còn
từng đứa lui vào dĩ vãng
chị ngã bên đường xác em nằm đây
mày vội chết đi, mặc tao còn sống
Khi mặt trời chỉ là nắng cháy
kẻ bại trận đi một mình
bàn tay ngửa xin một hơi nước lạnh

Không thấy nổi khuôn mặt mình
một lần sống sót
những ngày không người yêu bạn bè
khuôn mặt ban đêm tiếng kèn già nua thảm thiết
Tìm lại quê hương đã mất
chiều lập đông vườn cải hoa vàng
bóng mẹ già phơi áo
khuôn mặt vỡ tan từng mảnh vụn
như bàn tay mở lựu đạn
liệng ngay khuôn mặt mình
1963


Sám hối

Tôi chưa hề sống 24 tiếng đồng hồ với một người đàn bà
chỉ một đêm
nửa đêm
khoảng khắc trời mưa tại tiệm cà-phê nhìn chiều hè phố
hay dài một cuốn phim
xem lại buổi trưa nắng gắt
một đàn bà
những đàn bà
của một lần gặp gỡ
của cả một đời
Tôi không nhớ hết tên họ dù không hề quên một người
đôi ba lần nghe ai nói muốn có con với tôi
Những đứa con
chắc có trai có gái
có đứa sống đứa bỏ đi
để không một đứa bên mình
người về già hay thương máu mủ

Tôi gặp con tôi một trưa về thăm đầu đường sống
những nàng Sáu Nhỏ
Những nàng tôi gọi là nữ chiến sĩ ân tình
Tất nhiên má của con tôi cũng là nữ chiến sĩ
Và dĩ nhiên không thể rõ ai là cha
Má nó bảo con ra đời thiếu tháng
cho đúng ngày anh bố mạch lô đi biển trở về
Đến đây tôi muốn mở một cái ngoặc đơn
nói về những đôi vợ chồng rất là thương yêu rất là hoà thuận
nhưng đồng lương chồng không đủ sở hụi gia đình
nên anh đi mần
em cũng phải đi làm
Tôi nói rất là thương yêu nhau mới chịu được một chuyện như rứa ở đời

(Lạy Chúa đã để anh mạch lô tin là con ra đời thiếu tháng)
vì dù rất là thương yêu
gã thủy thủ không thể kham được việc người gái chơi lại có con với một kẻ khác ngoài anh
nên thay cho sự hòa thuận
phải là án mạng
vì dù là ghé bất cứ bến bờ nào
anh cũng chỉ có một quê hương
và nếu là nghề nghiệp bắt buộc
không yêu thì có con sao được)
Nghe kể vậy tôi lặng thinh nhìn
đứa nhỏ cười
(tôi vốn hay cười với bất cứ trẻ thơ nào)
muốn thấy một chút gì tôi ở nó

Chuyện không đâu ấy làm tôi thức đêm nay
dù không phải đây là lần đầu
(mỗi lần tôi mượn tiền bạn bè là mấy thằng chó chưa hề có con cười hô hố bảo là tôi lại sắp phịa chuyện đến nhà thương thăm con mới đẻ)
Không phải nghĩ tôi cảm thấy rõ ràng sự thật
sự thật còn thực hơn hai với hai là bốn
sáng đẹp hơn mọi thứ chủ nghĩa tôi đã đi tìm hay người ta sắp giới thiệu với tôi
một sự thực đơn giản không rõ có biết nhưng ai cũng làm
riêng tôi không hay quá nửa đời người tiêu toàn bạc giả

Nhớ lại mối tình lớn
(yêu người ấy từ thủa mười lăm
yêu người ấy qua gia đình đổ vỡ)
tôi nghĩ đến mấy trăm người ta nhờ bác sĩ xoá giùm kỷ niệm
và tác phẩm văn chương toàn quốc từng đem vinh quang cho đời cầm bút
nếu đặt bên miệng cười con tôi
chắc không hơn chồng giấy lộn

Lần đầu tiên tôi cầu nguyện thành khẩn ở đời
Con tôi vì là con gái nên không thể giống tôi
nhưng chính vì là con gái nên xin đừng bao giờ còn là má nó.
21-5-1962


Có em hay không có em

Anh giã biệt em và phi trường và trời xanh và mây mù và quê hương mình khuôn mặt rỗ nham nhở bom đạn. Anh nhìn xuống từ trời cao mũi súng nào ngước lên từ chiến khu lẩn khuất. Bữa ăn “Hầm Rượu” ấy mùa thu cũ châu bản nào xa xưa. Có phải châu Lương Sơn? Cách mạng màu đỏ máu cô bé nhìn cha ngơ ngác vết chém khôn rời. Thầy anh qua đời băng đạn tiểu liên ngọt xớt bàn tay lạnh nảy cò người lính Bắc Phi đen. Sơn Tây kế cận Hòa Bình sát bên Hà Đông như buồn đau em gần gũi tủi nhục anh niềm đau khổ chung đất nước. Tám mươi năm đã qua. Và còn bao nhiêu năm nữa?

Bữa ấy trời xanh cao. Anh hẹn em nơi phòng triển lãm. Và anh rủ em đi mua búp bê khi đứa bạn nói có bày bán ở lề đường. Anh không mua được – dù là một thứ búp bê bày bán ở lề đường – vì con đẹp nhất không còn nữa. Bao giờ anh cũng chỉ là người đến chậm. Rồi hai đứa đi ăn và má em ửng đỏ vì rượu chát như màu cánh hồng trên tay. Ra về anh ngừng lại bên quán hoa muốn mua tặng em một bông hồng khi ngoảnh lại đã thấy em đi mất. Anh bước theo và không bao giờ bắt kịp. Rồi trời mưa. Không hiểu vì sao trời hay mưa vào rất nhiều ngày trong đời anh? Và từ đấy là giận hờn xa lánh. Tại sao? Tại sao anh không được coi em như một người em gái? Các em gái anh ở ngoài miền Bắc và ngoài ấy mưa bom như giờ đây tại sao anh không được phép coi em như một người em gái?

Giáng sinh năm nay không có lễ nửa đêm và anh vẫn một mình đến trước cửa Vương Cung Thánh Đường vào mười hai giờ đúng. Có tiếng súng nào từ đâu vọng đến không em?
27-12-1966

(Nguyệt san Vấn Đề, số 1 tháng 4-1967, từ trang 66 đến 93. Chủ nhiệm/sáng lập: Vũ Công Trực. Chủ biên: Vũ Khắc Khoan. Thư ký toà soạn: Thanh Tâm Tuyền. Địa chỉ: 129 Lê Văn Duyệt, Sài Gòn. Giấy phép số 6068 TBTTCH BCI 2-12-1966. Số K.D. 484/21/3137 B.T.T.C.H.. In xong ngày 22-3-1967 tại nhà in Vạn Hạnh. Giá 40 đồng. Bản điện tử do talawas thực hiện.)



Phụ lục 2
Thơ Trần Lê Nguyễn

Màu đen

Anh đến đêm qua
sáng nay không tìm em
đợi chiều về nắng không soi màu mắt
anh gặp em hoàng hôn
có ngày tàn nào không thắm
Hai đứa sẽ ra sao
khi tình yêu không có sáng mai
chỉ có trưa nắng trên bờ biển vắng
Có lẽ em sẽ không nhìn anh
anh không nói với em
như mặt trời không trối trăng trên rặng núi phía tây
Anh phiêu lưu giữa màu mắt xứ người
để sẽ thấy chiều nay mắt em đen nhất
Nước mắt không nhoà được màu đen
Nụ cười không phai được màu đen
Màu đen về chiều đen nhất những màu đen

Anh nghĩ màu đen chết
một chiều lang thang gặp chồng em hè phố
Chồng em cười vô tội
như không có chuyện gì
dù đứng trước anh một thây ma biết nói

Thủ phạm bao giờ chẳng là vô tội
Anh là quan toà lên án tử hình chính anh
Trốn tránh vào màu xanh
(những màu xanh chồng lên nhau)
vẫn thấy một màu đen ám ảnh
Nụ cười chồng em là sức phá hoại hiền từ
Thơ anh là vết mai đào huyệt
Chúng ta vốn yêu ai có nụ cười vui hơn kẻ chôn người chết
Có thực em sống với nỗi buồn bên trong niềm vui bên ngoài
Anh biết con gái em càng lớn mắt càng đen hơn mẹ

Anh giảm khinh cho mình một lần tự tử
vì trong đời đã có một lần yêu
như anh yêu em
như trời yêu biển
dù lòng em như người đi nghỉ mát mùa hè
không bao giờ nhớ biển mùa mưa
Vì hồn anh là bãi cát
hơn một lần nát vết chân
hơn một lần phẳng lại
Vì anh sinh ra để sống với màu đen
khi biển không sao hoà với mây thành màu duy nhất
ngôi sao là em dù không còn soi đời anh
anh vẫn sống với màu đen
màu đen con mắt
màu đen cuộc đời
như thấy không được quyền yêu màu đen cõi chết.


Nước biển

Tôi yêu người đàn bà không còn muốn thấy mặt tôi
như không thể chán ghét mình tội lỗi
Tại sao em không viết cho anh một lời dịu nhẹ
Nước biển mặn từ ngày yêu nhau
Kiếm đâu một dòng nước ngọt
Anh không đành phản bội chính anh
như em vẫn trung thành với em
Anh là quán em nghỉ chân đoạn đường cháy nắng
cho qua chuyện ngoại tình
trái cấm người đàn bà nào không hái

Nếu vứt được tình yêu như người ta thay áo tắm
áo dài em vẫn trắng tinh anh
vẫn đoan trang màu đen thầm lặng
trọn nghĩa với chồng
trọn tình với con
và coi anh như một tên khốn nạn

Anh không muốn nhớ
người đàn bà một lần đòi chung sống
(yêu người ấy từ thuở mười lăm
yêu người ấy qua gia đình đổ vỡ)
anh thấy những song sắt ngăn đôi
anh nghe tiếng xiềng xích kêu than
anh sợ đứa nhỏ phải nhìn kẻ đàn ông không phải cha sống bên má nó
Anh đã muốn làm tên khốn nạn
dù không được ai yêu như em yêu anh
dù biết mất em anh mất cả đời trọn vẹn

Anh làm thơ thấy nguyện ước thực hiện giữa đời
vui sướng và đau xót
Khi mặt trời mọc với em
đêm tối đến cùng anh
giữa màu đen đi yêu rất nhiều phản bội
không một ngôi sao soi đường
Tại sao em không viết cho anh lấy một lời dịu ngọt
Nước biển mặn chát từ ngày quen nhau

Tôi yêu người đàn bà không còn muốn thấy mặt tôi
Như không thể chán ghét chính mình tội lỗi.
Nguồn: Tạp chí Sáng Tạo, bá»™ má»›i, số 6, ra tháng 12-1960 và 1-1961, trích từ trang 95 đến 98. Chủ nhiệm: Mai Thảo. Quản lý: Đặng Lê Kim. Trình bày: Duy Thanh. Toà soạn và trị sá»±: 133B Ký Con, Sài Gòn. Giá: 15Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.