© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
30.4.2008
Lê Tôn Nghiêm
Socrate - Tiêu biểu cho triết học hiện sinh hay triết học theo chân lý vương giả?
 1   2   3 
 
3. Tri thức như khoa học

Thực vậy, từ quan niệm linh hồn hiểu như tinh thần thuần tuý tương tự thần minh, Socrate đã rút ra được kết luận sau đây: tác vụ đặc biệt của linh hồn là tri thức như khoa học của tức là trí thức có tính cách suy lý.

Quan niệm trí thức ấy bao hàm hai đặc tính chính yếu và chính vì hai đặc tính chính ấy mà chủ trương xây dựng lý trí của Socrate đã ảnh hưởng sâu xa và quyết liệt trên triết học Tây phuơng trên 20 thế kỷ.

Thứ nhất, tri thức ấy phải có tính cách bẩm sinh (inné) trong linh hồn, vì theo Socrate, là thể hiện chính bản tính của linh hồn lý trí, tri thức không thể từ ngoại tại mà đến được, trái lại nó phải được tiềm chứa trong nội tại của linh hồn ngay từ nguyên thuỷ, như một sản phẩm của thần thánh.

Tuy tiềm ẩn trong đáy sâu của linh hồn nhưng tri thức ấy có thể hiện ra ngoài một khi nó được khai triển thích hợp với bản tính của nó.

Trong đối thoại Ménon, Platon rõ rệt đã trình bày ý tưởng ấy của Socrate khi lần đầu tiên, trình bày về thuyết Hồi niệm (théorie de la réminiscence).

Ai ai cũng nhận rằng ý tuởng này vượt xa ngoài ý tưởng của Socrate, vì lý thuyết Hồi niệm là của Platon, bằng chứng là ví dụ như khi ông trình bày về anh chàng nô lệ Ménon hoàn toàn ngu dốt, nhưng một khi được Socrate tra vấn và sản ý, anh ta đã khám phá ra được một lý thuyết về hình học.

Platon đã trình bày Socrate thắc mắc như sau: Hình như một khó khăn có thể ngăn trở ông không đi làm chân lý, nghĩa là con người không thể tìm kiếm điều họ biết cũng như điều họ không biết gì cả vì họ không biết điều họ phải tìm kiếm.

Đây là giải pháp cho thắc mắc trên: linh hồn nhớ lại những gì đã biết trong một tiền kiếp.

Vậy những gì ta là tìm kiếm và học hỏi đều chỉ là nhớ lại, hồi niệm [1] . Hồi niệm đương nhiên chấp nhận một tri thức bẩm sinh trong linh hồn.

Cả lý thuyết hồi niệm, cả lý thuyết tiền kiếp, Platon đã thừa hưởng được từ Pythagore và ông này đã thừa hưởng từ tôn giáo Orphisme và Đông phương.

Nhưng dầu có loại trừ những điểm nói trên thì lý thuyết và tri thức của Socrate vẫn còn một đặc sắc riêng và đã là khởi điểm cho lý thuyết hồi niệm và tiền kiếp của Platon.

Theo ý tưởng đặc sắc ấy, tri thức về một môn học nào đó có sẵn trong linh hồn con người ở tình trạng tiềm năng; chúng ta chỉ có việc đánh thức dậy trong ta tri thức đang ngái ngủ ấy.

Nỗ lực của Socrate chính là khởi nhóm lên sự thức tỉnh đó.

Không bao giờ chủ trương cống hiến một lý thuyết lập sẵn từ ngoại tại, cũng không bao giờ giữ thái độ một giáo sư công cộng như kiểu các ngụy luận và nhận thù lao [2] , trái lại chỉ muốn cùng đồng tìm kiếm với kẻ khác.

Do đó ông mới dùng những phương pháp đặc biệt mà chúng ta đã trình bày như tranh luận, đối thoại , hài hước sản ý.

Tất cả không còn được giảng nghĩa theo khuynh hướng hiện sinh mà hoàn toàn theo khuynh hướng duy lý.

Trong cuộc tranh luận, sau khi đã coi kiến thức của đối phương của mình là quan trọng một cách nào rồi, Socrate chứng minh rằng tri thức ấy chẳng qua là một sự ngu dốt mà người ta không biết.

Cũng theo đường hướng ấy, Socrate đã giải thích sấm ngôn ở đến Delphes rằng sở dĩ ông được coi là người khôn ngoan nhất là vì ông biết mình không biết gì cả đang khi ấy phần đông người ta khộng biết gì cả lại lầm tưởng rằng mình biết. [3]

Vì phương pháp ấy, Socrate cũng đã gặp nhiều kẻ thù cuồng tín chống đối và tố cáo ông đến án tử hình. [4]

Tuy nhiên, Socrate vẫn một mực coi đó là một phương pháp thiết yếu. Nghĩa là trên con đường tìm kiếm chân lý, trước hết phải từ bỏ tất cả những ý kiến đã nhận được từ ngoại tại để trở về với thuần lý tính của linh hồn. Tiếp đó bằng những thắc mắc khéo léo, Socrate rút từ linh hồn của đối phương ra một chân lý: như thế tất nhiên không còn từ ngoại tại mà tới, chân lý ở đây lại được rút ra từ chính linh hồn vì chân lý thuộc về chính bản tính thuần lý của linh hồn.

Hơn nữa, bên ngoài phương pháp sản ý, nghệ thuật của Socrate còn được chi phối sâu xa bởi ngọn lửa của "tình yêu" (Eros) chân lý vì tình yêu ở đây chỉ yêu có vẻ đẹp của linh hồn chứ không phải yêu vẻ đẹp của thể xác, vì không như vẻ đẹp thể xác, vẻ đẹp của linh hồn không bao giờ qua đi.

Nên tình yêu đích thực cũng không bao giờ bị tiêu diệt. [5]

Nói tóm, đặc tính tri thức căn bản nhất của Socrate phải là tri thức bẩm sinh.

Chính đặc tính ấy đã làm cho Socrate trở thành người sáng lập ra thuyết triết lý có tính cách duy lý vĩ đại nhất, vì theo chủ trương ấy, trong tác động tri thức, trí khôn không lệ thuộc vào những sự vật ngoại tại, mà là tiềm chứa trong chính mình nguyên tắc của chân lý .

Lý thuyết của Socrate đã được Platon khai triển; rồi được Descarte, Leibnitz, Kant lập lại với nhiều hình thức.

Do đó có thể nói rằng lý thuyết ấy đã chi phối tất cả quá trình triết lý xưa nay. [6]

Thứ hai, theo Socrate, tri thức phải có đối tượng là cái phổ biến. Nói khác, đối tượng của tri thức không thể là những sự vật đặc thù mà phải là yếu tính chung cho tất cả những sự vật nào thuộc về cùng một chủng loại, quả như sau này Aristote thiết định: Chỉ có tri thức về cái gì tổng quát, chứ không có tri thức về cái gì đặc thù (Il n’y ade science que du général, il n’y pas de science du particulier).

Theo giả thích của Mucchielli với Socrate, lý trí là quan năng "thưởng ngoạn" một hình thức tổng quát về sự vật khác với quan năng thực nghiệm sự vật bằng giác quan.

Nói khác, trong ta có một con mắt riêng của linh hồn, nó nhìn sự vật khác con mắt thể xác.

Vậy con mắt linh hồn là lý trí hay lý tính (Logos). Lý tính mới là yếu tố đồng nhất nơi bất cứ con người nào và nhờ đó mọi người như một mới đồng ý được với nhau về một số những nguyên tắc căn bản.

Để chứng minh khẳng định trên, có thể dùng bằng cớ của Aristote (đã trình bày trên kia) như sau, ông viết:

Cả hai đều có thể gán cho Socrate một cách hợp lý: một là những lập luận quy nạp, hai là định nghĩa bằng ý niệm tổng quát. [7]

Nói khác, Socrate đi từ những sự vật đặc thù được gọi bằng một tên như nhau để vươn tới yếu tính chung cho mọi sự ấy và cố gắng diễn tả những đặc tính ấy bằng một định nghĩa xác đáng. [8]

Cùng trong một đoạn văn, Aristote còn nhắc nhở ta rằng Socrate chỉ chú ý tới những vấn đề luân lý, ông đã không nhằm định nghĩa những sự vật vật lý, mà chỉ tìm yếu tính của sự vật trong lãnh vực luân lý một cách có phương pháp mà thôi. [9]

Bằng chứng của Aristote rất chính xác vì thực sự trong Xénophon và trong Platon luôn luôn Socrate cũng đi tìm những định nghĩa. Xénophon nói rằng Socrate luôn luôn giản lược những vấn đề vào nguyên lý tổng quát mà chúng lệ thuộc và không ngừng đi tìm yếu tính của vạn vật trong cố gằng định nghĩa sự sùng tín và sự không sùng tín, sự công chính và sự bất công, can đảm và hèn nhát. [10]

Xénophon còn tuyên bố rằng thâu lượm được tất cả những định nghĩa của Socrate là một công việc vĩ đại. [11]

Thế rồi trong những đối thoại đầu tiên của Platon luôn luôn chúng ta cũng gặp Socrate đi tìm yếu tính.

Trong Lachès, ví dụ Socrate đã tìm cách định nghĩa đức can đảm, trong Lysis tình bạn bè ; trong Charmide sự khôn ngoan, trong Ménon, ông tìm yếu tính về nhân đức nói chung.

Một cách tự nhiên, Socrate trình bày theo phương pháp tương tự, tức là khởi điểm từ những ý niệm đã được mọi người chấp nhận để rồi vươn tới một ý niệm tổng quát, sau đó ông áp dụng tổng quát ấy vào trường hợp đặc thù ông đang nghiên cứu. [12]

Một phương pháp khác cũng hay được Socrate dùng tới là khởi sự từ một định nghĩa do đối phương của ông đề nghị, nhưng bị ông coi là khuyết điểm và đề nghị sửa chữa nhiều.

Trong những đối thoại đầu tiên của Platon, chúng ta gặp rất nhiều ví dụ về phương pháp ấy. Riêng trong sử liệu của Xénophon, chỉ cần nhắc tới một đoạn trong quyển "Mémorables" ở đó Socrate khởi sự từ một ý niệm quá rộng rãi về sự bất công, thế rồi ông tìm cách thâu hẹp nó lại bằng nhiều định nghĩa cho tới khi đạt được một định nghĩa nếu không quyết định thì ít ra cũng tạm thời chấp nhận được. [13]

Nói tóm, theo Socrate, tác vụ chính yếu của tri thức là bằng những định nghĩa chính xác, diễn tả được yếu tính của đức công chính, đức can đảm, đức sùng tín. Hay một cách tổng quát hơn nữa, tri thức là phải khám phá được yếu tính của nhân đức là phải khai triển ra được ý niệm về sự thiện đích thực để mọi người có trí khôn cùng chấp nhận được.

Hơn nữa, tác vụ chính yếu ấy còn quan trọng là vì theo Socrate (như đã nói trên kia) tri thức lập tức và đương nhiên kéo theo hành động: Tri đương nhiên là hành.

Nói khác, thiết định cho mọi người thấy được rõ rệt những đặc tính sáng ngời của sự thiện tức nhiên là đặt họ vào một tư thế cố định không thể hành động khác gì ngoài việc hành động sự thiện.

Một lần nữa với đặc tính thứ hai mà Socrate yêu sách tri thức phải có, chúng ta phải nhận đó là mầm mống làm khởi phát lên những lý thuyết tri thức vĩ đại cho triết học Tây phương. Một cách minh bạch, Aristote đã tuyên bố rằng lý thuyết về những lý tưởng của Platon đã bắt nguồn từ ý niệm Socrate yêu sách cho trí thức khi ông nói rằng đối tượng cho trí thức là yếu tính của sự vật. [14]

Trong một trang súc tích, J. Hirschberger hình như còn muốn giải thích cặn kẽ hơn ý niệm tri thức của Socrate, để đặt nổi bật một khả tính khác mà ít học giả để ý tới.

Đó là khả tính luận lý mô thức (ein formales Interesse) nằm tiềm tàng trong quan niệm yếu tính định nghĩa bằng ý tưởng tổng quát.

Nhà tiết sử gia ấy viết:

"Không quan niệm vạn vật theo cách thức hình thể màu sắc của trí tưởng tượng thơ mộng hay của nhận thức đầy cụ thể của những hình ảnh biến dịch liên lỉ, trái lại Socrate nhìn vũ trụ bằng một tiêu thức tổng quát theo lối tư tưởng khô khan, lạnh lùng, sơ đồ.

Chính sách thức tư tưởng ấy dẫn đến một sự làm nghèo nàn hình ảnh vũ trụ của ta" [15]

"Nhưng (trong chính sách nghèo nàn ấy) – Hirschberger viết tiếp – lại thấy hai lợi điểm lớn lao sau đây: một là tri thức ấy chính là một tri thức sâu sa nhất vì cái tổng quát ở đây không còn phải cái gì mau qua, phụ thuộc, mà lại chính là cái gì luôn luôn mãi như thế. Như thế yếu tính là cái gì làm cho nhân đứcnhân đức; hai là, trong ý niệm tổng quát của nó. Tri thức ấy biết một cách chính xác" [16]

Hơn nữa, cũng nhờ tính cách tổng quát, cố định ấy mà Socrate mới chiến thắng được những chủ trương của đối phương như Tương đối thuyết và Hoài nghi thuyết của Ngụy luận gia.

"Nhưng khái niệm tổng quát không phải một biểu tượng xuất hiện ở chỗ này hay chỗ kia mà là phác họa một nội dung của tri thức đâu cũng xuất hiện theo cùng một trạng thái cố định và một chủ tri có thể tư tưởng được. Như thế tri thức ấy không phải được khai triển và thi vị hoá từ những tình cảm hay những quan điểm riêng tư mà lại được đào sâu lên từ thực nghiệm. Nhờ đó Socrate chiến thắng được Tương đối thuyết và Hoài nghi thuyết của Ngụy luận gia. [17]

Do đó, Hirschberger mới kết luận rằng: Như thế đã rõ, Socrate chú ý đến tính chất trong tri thức.

Aristote đã thuật lại rõ ràng rằng Socrate không triết lý về vũ trụ thiên nhiên theo toàn diện như các triết gia Ioniens đã làm. Họ thì chú trọng đến tri thức thể chất ngược lại Socrate theo lối tra vấn của phương pháp luận lý, như ngày chúng ta tiến tới tri thức khắt khe và chính xác. Vì thế Socrate quả là một lý thuyết gia về tri thức luận đầu tiên và đồng thời là một triết gia thời nay!! [18]

Đàng khác, Aristote còn ghi nhận rằng Socrate đã không thiết định sự biệt lập giữa yếu tính một bên và những sự vật cảm giác một bên, trái lại – theo Aristote – chính Platon đã tách biệt yếu tính và gán cho nó cái tên "lý tưởng" [19]

Như thế phải nói rằng học thuyết những Lý tưởng là của Platon, nhưng nó đã khởi phát lên từ tư tưởng của Socrate.

Wener kết luận: "Nếu chúng ta quan niệm lý thuyết vĩ đại [20] ấy là căn bản cho tất cả các hệ thống Duy niệm của triết học thượng cổ và cận đại, thì cũng từ quan điểm ấy ý niệm của Socrate về tri thức cũng phải được ta coi là mầm mống chứa tất cả diễn tiến của Duy niệm." [21]

Trên đây là mấy lối giải thích Socrate tiêu biểu nhất cho khuynh hướng duy lý do Nietzsche khời xướng khi ông nói rằng Socrate là tiêu biểu con người không có tính cách thần bí (Socrate est le type de l’homme non mystique), nghĩa là theo Nietzsche, Socrate chỉ là tiêu biểu con người duy lý, đối lập với mọi khuynh hướng tin tưởng vào những người ngoại lý, phi lý hay siêu lý.

Hơn nữa, căn cứ vào thế giá ngôn ngữ và não trạng triết lý của Aristote, nhất là khuynh hướng Duy niệm của Platon ảnh hưởng trên lịch sử triết lý Tây phương (Wener), cả Hirschberger, Wener, cả Taylor [22] , Copleston hình như còn muốn vượt xa hơn những tiền đề của Nietzsche để đi đến kết luận rằng sau cùng trên bình diện luận lý đạo đức, tri thức của Socrate cũng thiết yếu có tính cách duy lý như bản tóm lược lý thuyết Socrate trên kia đã gọi là "Đạo đức duy lý" (rationalisme moral). Copleston còn nhấn mạnh hơn bằng những danh từ như "Đạo đức duy trí" (ethical intellectualism) hay "thái độ siêu duy trí của Socrate "(the over – intellectualism attitude of Socrate) [23]

Tuy nhiên từ quan điểm tri thức thuần tuý theo tri thức luận đến quan điểm tri thức áp dụng vào lĩnh vực luân lý đạo đức, hình như không hẳn có kết luận một cách đương nhiên như vậy, nghĩa là hình như không thể kết luận rằng một khi lý thuyết tri thức thuần tuý xem ra có tính cách suy lý đến duy lý trong đạo đức luân lý của Socrate, vì kỳ cùng, đối với Socrate không thể có tri thức thuần tuý mà chỉ có tri thức để sống đạo đức, theo công thức thời danh: Tri thức như là nhân đức (La science comme vertu)

Đó là nghi vấn của J. Brun khi ông viết: "Vị thần hộ mệnh cho Socrate là bằng chứng rằng trong lòng của nội tại tính đều có hiện diện một siêu việt tính. [24] Vì vậy nói như Nietzsche rằng: Socrate là tiêu biểu cho con người không thần bí thì điều đó vừa đúng nhưng cũng vừa sai; vì thực sự, nơi con người Socrate vừa thấy thể hiện một tinh thần thần bí làm nền tảng vừa thấy thể hiện một khuynh hướng duy trí như là một phương pháp […]

Tuy với Socrate ta có thể gặp thấy ý tưởng chính yếu rằng nhân đức là một tri thức, nhưng không nên quên rằng chính tri thức ấy lại gắn chặt ta với một siêu việt tính là căn nguyên khởi phát của nó, nghĩa là xưa kia linh hồn ta đã chiêm ngưỡng siêu việt tính ấy diện đối diện và kỹ thuật sản ý có nhiệm vụ phải nhắc nhở để ta hồi niệm lại […]

Vì vậy, phải hiểu một cách thật chính xác điều Socrate muốn nói khi khẳng định rằng: "Nhân đức là một tri thức." [25]

Vậy phải hiểu thế nào về công thức thời danh: tri thức như là nhân đức hay ngược lại? Và những ý kiến khác nhau phát biểu về công thức ấy?


4. Tri thức là nhân đức [26]

Trên hết, và trước hết, Socrate chú trọng vấn đề đạo đức là một điều hiển nhiên. Aristote đã tường thuật rõ ràng rằng: Socrate chú trọng những vấn đề đạo đức, [27] "và Socrate chú ý tới những gì hoàn hảo trong tính tình và liên hệ tới những hoàn hảo ấy, ông đã trở thành người đầu tiên khởi xướng những vấn đề tổng quát." [28]

Thực vậy, như đã nói, tri thức là cái gì bẩm sinh trong linh hồn con người và nhiệm vụ của ta là khai triển trí thức ấy từ chỗ mặc nhiên thành minh nhiên.

Nhưng đối với Socrate, tri thức ấy không phải tri thức về thiên nhiên mà là tri thức về con người, tức là về những gì tốt nhất cho con người. Tri thức ấy gọi là tri thức sự thiện (la science du bien)

Khi còn thanh niên, Socrate đã học hỏi về thiên nhiên nhưng khi được sấm ngôn của thần minh từ đền Delphes giác ngộ, ông đã ý thức được sứ mệnh thiêng liêng của ông nên đã bỏ việc học hỏi thiên nhiên để chỉ tìm sự thiệnhạnh phúc cho con người.

Trong Apologie, Platon thuật lại sứ mệnh ấy của Socrate khi ông bị lên án rằng ông đi mọi nơi nào có thể làm được điều tốt nhất cho bất cứ ai:

"Để thuyết phục mọi người trong quý vị rằng phải tự lo lắng cho mình và tìm kiếm nhân đức, sự khôn ngoan hơn là tìm kiếm những lợi ích riêng tư." [29]

Nói tóm, tri thức mà con người phải tìm kiếm là tri thức về người, nghĩa là một tri thức có khả năng quy định bản tính con người và hướng dẫn nó tới sự thiện.

Về điểm này, Socrate đồng ý với các nguỵ luận gia vì cũng như họ ông nghĩ rằng tri thức con người là phải lấy con người chứ không phải lấy vũ trụ thiên nhiên ngoại tại làm đối tượng.

Nhưng Socrate lại không đồng ý với họ khi họ chủ trương rằng những công cuộc của con người phải được thực hiện bằng một sự khôn khéo, mánh lới thường nghiệm, tuỳ theo mỗi lúc mỗi hoàn cảnh.

Không những thế, Socrate còn đối lập cả những thi sĩ và những thầy bói hay nói tiên tri, khi họ chủ trương chỉ thực hiện mọi công việc tuỳ theo năng khiếu tự nhiên và cảm hứng nhất thời mỗi lúc của mình, hay chỉ nói toàn những bay bướm mà không tìm ra được một tri thức hay khoa học tổng quát căn bản cho những điều họ nói. [30]

Trái lại, Socrate chủ trương mỗi khi làm gì, nói gì đều phải căn cứ trên một tri thức hay một khoa học làm nền tảng. Mà một khoa học thiết yếu phải có tính cách chính xác có giá trị cho mọi người và mọi hoàn cảnh.

Đạo đức là một hành động, vậy đạo đức cũng phải là một tri thức, một khoa học, gọi là khoa học về sự Thiện.

Với ý niệm khoan học sự thiện này Socrate muốn kiện toàn điều đã dậy trong lý thuyết OrphismePythagorisme xưa, nghĩa là xưa kia các chủ trương tân giáo trên dạy con người phải giải thoát tâm hồn mình khỏi những ràng buộc với thể xác và do đó được thanh tẩy đi vào con đường mới thì Socrate cũng tuyên bố rằng sự thanh tẩy thực là giải toả linh hồn khỏi những ý kiến đã hấp thụ để đưa nó về tình trạng nguyên thuỷ, từ đó phát sinh ra ý thức chân lý và sự thiện.

Nói tóm, theo Werner, Socrate đã muốn đưa tri thức khoa học về sự thiện thay thế vào những tin tưởng mà các tín hữu Orphiques và Pythagoriciens đã có đối với những huyền bí. [31]

Do đó, phải nói rằng đối với Socrate muốn thực sự sống đạo đức là phải có tri thức khoa học về sự thịện.

Điều ấy tối quan trọng đến nỗi Socrate còn quan niệm rằng tri thức sự thiện cấu tạo nên tất cả nhân đức.

Nhưng nhân đức là gì nếu không phải là sự hoàn thiện của con ngườiđời sống hạnh phúc mà họ phải đạt cho được?

Copleston giải thích: "Lý thuyết của Socrate hiểu như sự liên quan giữa tri thức và nhân đức là đặc tính của đạo đức theo Socrate, tri thức và nhân đức là một, theo nghĩa rằng người khôn ngoanngười tri thức cái gì hợp lý và cũng hành động theo cái gì hợp lý." [32]

"Nhưng cần phải hiểu thế nào là "hợp lý" theo Socrate - Copleston viết tiếp – "theo Socrate, một hành động "hợp lý" là hành động phục vụ cho lợi ích đích thực của con người tức là theo nghĩa nó cấu tạo nên sự hạnh phúc đích thực cho họ (eudaimonia)" [33]

Nói tóm, sự hoàn thiện của con người là tri thức sự thiện vì tri thức ấy chính là tác động của linh hồn khi nó thể hiện phù hợp với bản tính tinh thần của nó.

Đồng thời cũng nhờ tri thức mà con người chân nhận được số mệnh của mình nghĩa là một số mệnh phải luôn luôn vươn tới sự thiện.

Nói khác, nền tảng và bản chất của nhân đức tri thức sự thiện.

Và cũng chính vì đó tri thức sự thiện kỳ cùng là minh triết (khôn ngoan). Hay nhân đức kỳ cùng không là gì khác hơn là minh triết nghĩa là tất cả mọi nhân đức đều giả thiết minh triết như một căn bản. Đó là ý nghĩa câu nói trên của Copleston: "Người khôn ngoan người tri thức cái gì hợp lý và cũng hành động theo cái gì hợp lý".

Chủ trương ấy Socrate đã chứng minh trong đối thoại Ménon của Platon.

Nhưng Socrate nói: Muốn hiểu thế nào là nhân đức còn cần phải biết cái gì ích lợi cho con người.

Một cách tổng quát có thể nói, cả những gì thuộc về thể xác như sức khoẻ, sắc đẹp, của cải, cả những gì thuộc tinh thần như đức tiết độ, công chính, can đảm đều là những gì ích lợi cho con người.

Vậy "những đức tính ấy chỉ là những ích lợi và là những nhân đức khi chúng đuợc lý trí đi kèm theo; nếu không chúng lại có hại và không xứng mang tên nhân đức. Nên chỉ thực sự có ích lợi là do trí khôn là quan năng đem lại tri thức sự thiện.

Vì thế nêu hiểu nhân đức là cái gì gây ra ích lợi cho ta thì lý tríminh triết phải được quan niệm là tất cả nhân đức vậy" [34] ( Ménon 87 – 89a và Phédon 69a – b).

Từ kết luận trên, Socrate còn rút ra được một hệ luận khác quan trọng hơn. Đó là việc có thể đem nhân đức ra giảng dậy như một khoa học": Trong khi các nhà ngụy luận chủ trương dạy về kĩ thuật nhân đức thì Socrate không những vì ông tuyên bố chính mình là thầy dạy mà còn vì những kiến thức đạo đức của ông còn hướng về việc khám phá những quy luật đạo đức phổ biến và thường hằng. Nhưng mặc dầu phương pháp của Socrate có tính cách biện chứng hơn là giáo khoa thì chỉ căn cứ trên kết luận của ông về sự đồng tính giữa tri thức và nhân đức, cũng có thể nói rằng: nhân đức có thể đem ra giảng dậy được (Copleston)

Nói khác, theo ngôn ngữ thường của ta thì phải nói rằng giảng dạy một kiến thức lý thuyết về đạo đức thì được, nhưng giảng dạy chính nhân đức là một điều không thể.

Trái lại với Socrate thì chính nhân đức lại là một điều có thể giảng dạy.

Do đó, Copleston mới kết luận bằng cách nhấn mạnh trên tính cách "siêu duy trí" của đạo đức Socrate:

"Mặc dầu những điều vừa trình bày đã đương nhiên nói rõ ràng về lý thuyết của Socrate đối với khả tính giảng dạy nhân đức rồi, nhưng đồng thời điều hiển nhiên hơn là trong lý thuyết của ông rõ rệt nổi bật tính chất siêu duy trí trong đạo đức học." [35]

Nói tóm, với công thức "nhân đức như là tri thức" theo những giải thích trên cộng thêm một số bằng chứng của Platon trong quyển I đối thoại République như: "kẻ tri thức là kẻ khôn ngoan (hay hiền triết), và kẻ khôn ngoan (hay hiền triết ) là người tốt" (350 b) hoặc của Aristote trong quyển Ethique à Nicomaque rằng "tất cả mọi nhân đức đều quy về một mối" (13), người ta đã rất có lý khi kết luận rằng khuynh hướng đạo đức ấy là một khuynh hướng Duy lý hay siêu duy lý. Một cách nào đó, Hirschberger đã tán đồng ý tưởng ấy khi ghi lại một số ý kiến trong lịch sử tư tưởng như sau:

"Nền đạo đức và sư phạm của thời triết lý Ánh sáng đã ghi trên cờ hiệu của họ "tinh thần Socratisme" ấy và đã lấy công thức "nhân đức là tri thức" làm một công thức đồng nghĩa như nguyên tắc đồng nhất với công thức "tri thức là nhân đức" và họ tin tưởng rằng chỉ với tri thức và với Ánh sáng mới huấn luyện được con người.

Rồi ở thế kỷ trước người ta còn so sánh tư tưởng ấy của Socrate với những ý niệm "sức mạnh tinh thần" (Nookratie) và "tri thức lý tưởng" (Idealwissen) và theo họ "Lý tính" (Vernunft) và "tri thức trí năng hợp lý" (richtig verstandenes Wissen) luôn luôn dẫn đến hành động tốt." [36]


5. Đồng hoá tri thức với hành động

Cũng trong viễn tưởng ấy khi tuyên bố nhân đức là tri thức, không phải Socrate chỉ muốn nói rằng: hành động tốt giả thiết tri thức sự thiện, mà hơn nữa ông còn muốn chủ trương hành động tốt tất nhiên phát sinh từ tri thức sự thiện.

Hơn nữa chỉ khẳng định rằng tri thức sự thiện là điều kiện cần thiết cho hành động tốt, Socrate còn khẳng định rằng một mình tri thức sự thiện đã là điều kiện đầy đủ để làm điều tốt rồi.

Vì vậy chỉ cần tri thức sự thiện tất nhiên là hành động sự thiện, như đã giải thích ở trên theo công thức Tri hành hợp nhất, nhưng hiểu như khuynh hướng Duy lý.

Đó là một chủ đề thời danh nói lên tính chất đầy Duy lý với ba đặc điểm càng thêm tính chất Duy lý sau đây:

Một là vì nó muốn biểu thị rằng tri thức chính là tác động của linh hồn và toàn diện linh hồn, rồi toàn diện linh hồn tự chúng là toàn diện lý trí.

Hai là vì nó chứng minh rằng tri thức chính là lý thuyết vừa là thực tiễn, vửa là tư tưởng, vừa là hành động. Nói khác với tư cách chính là tác động của toàn diện linh hồn và sức mạnh thống trị thể xác, tri thức chính là một sức mạnh vô địch trong con người.

Ba là và nhất là chủ đề còn phản ảnh rõ rệt nhất sự tin tưởng của Socrate rằng sự thiện đối tượng của tri thức và hạnh phúc là một. Nói khác, khi sống đầy đủ sự sống của lý trí, đương nhiên con người đạt được sự thiện, như thể con người sống sự sống thần minh và do đó được hạnh phúc.

Nhưng tất cả mọi người ai cũng tìm kiếm hạnh phúc, do đó ai cũng đi tìm sự thiện.

Vậy những ai sa lầy vào điều ác là vì họ lầm lạc không biết sự thiện là gì?

Nói khác, đó là ý nghĩa của những châm ngôn kỳ quặc đã nói trên kia: "Không ai có thể cố tình làm điều ác."

Hay: "Người ta không thể muốn điều ác nếu người ta có trí thức chính xác về sự thiện."

Đó là điều Platon đã khai triển trong những đối thoại Protagoras (351b – 358D), Gorgias (468 - 481b) và huyền thoại cuối cùng 523a tiếp, rồi Lettre VII (335a) tất cả quyển République vĩ đại cho đến quyển Lois (IX, 860d) [37]

Nói tóm, với sự đồng hóa giữa sự thiện và hạnh phúc, chủ trương đạo đức học của Socrate càng ngày càng tiến sâu vào con đường "siêu duy lý".

Đó là kết luận của Werner [38] , Copleston và Hirschberger, nhưng Hirschberger còn nhấn mạnh trên mọi khía cạnh hơi kỳ lạ của khuynh hướng Duy lý như sau:

"Phải! đó là khuynh hướng thường được gọi là Duy trí của Socrate, nhưng không phải thứ Duy trí theo nghĩa hiện nay, mà lại biểu thị một hình thức có thể gọi là tư tưởng "kỹ thuật thủ công của Hi Lạp". [39] nghĩa là mỗi khi trình bày vấn đề giá trị đạo đức, Socrate thường căn cứ trên những ví dụ rút từ lãnh vực kỹ thuật như có nói trong đối thoại Gorgias rằng: "Ngài chỉ luôn luôn nói về những thợ đóng giầy, những người quay cối xay, những nội trợ nấu bếp và lang y" (491 a)

Trong lãnh vực kỹ thuật thủ công này, làm biết. Hay hiểu biết tức đã là có thể và là chính công việc làm rồi. Một người thợ thành thạo là một người thợ tốt. Tri thứcthực hiện (thành giá trị) ở đây cũng đi đôi với nhau.

Đó mới là duy trí trong đạo đức học của Socrate chứ không phải Duy trí theo những lối nói trên.

Vì vậy có thể nói những gì thuộc đạo đức đều hoàn toàn đi đôi với những gì thuộc kỹ thuật thủ công, cũng như người học và hiểu nghề xây nhà là một người thợ nề và thực hiện công việc xây cất và người học và hiểu nhân đức cũng trở thành người có nhân đức và thực hiện nhân đức y như vậy. [40]

Đàng khác tuy một cách tổng quát cả Copleston cả Werner đều hiểu đạo đức học của Socrate theo khuynh hướng duy lý của Nietzsche, nhưng trong một vài chi tiết hình như họ lại muốn hiểu duy lý đạo đức của Socrate theo khuynh hướng thần bí và hiện sinh như Jean Brun, ví dụ như Copleston viết:

"Một điểm then chốt cần chú ý là đối với Socrate việc dạy (nhân đức) không có nghĩa là dạy theo lối thuần tuý lý thuyết như khái niệm mà là hướng dẫn con người vào một trực giác thực sự" [41]

Hay khi Werner viết: "Và nhân đức này có thể đem ra giảng dạy như chính tri thức vậy, nhưng không phải lối dạy từ ngoại tại và theo mô thức như kiểu các Ngụy luận gia, mà là lối dạy sản ý, tức là khơi dậy trong linh hồn chân lý mà nó tiềm chứa nơi chính nó" [42]

Hai nhận định chi tiết xa lạ với khuynh hướng duy lý trên đây lại phù hợp với điều Jean Brun viết về công thức: tri thức như là nhân đức, theo thần bí và hiện sinh là "Tri thức" hàm chứa trong nhân đức là một tri thức không thể sở đắc được như học văn phạm chẳng hạn, trái lại nó hàm chứa cả một công việc hồi chánh nội tâm mà không một ai khác làm thế cho ta được, chỉ trừ người có triết gia mới giúp ta cảm nghiệm được sự cần thiết cấp bách." [43]

Như thế, với cả hai khuynh hướng giảng nghĩa đạo đức của Socrate hoặc là theo thần bí và hiện sinh, hoặc là theo duy lý, ý tưởng nền tảng của Socrate cũng là trí thức sự thiện.

Có lẽ với chính Socrate, ý tưởng nền tảng ấy chưa hoàn toàn có tính cách Duy lý hoặc là một số sự kiện trong đời sống của ông, hoặc là vì chính ông chưa khai triển được hết những yếu tố căn bản về lý thuyết chứa đựng trong ý niệm ấy, quả như E. Boutroux đã nhận định:

"Kỳ cùng tuy Socrate có thất bại phần nào trong công việc ông đã khởi sự, nhưng đối với ông không phải là một công trạng nhỏ bé khi là người đầu tiên, ông đã am hiểu rằng một tri thức đạo đức phải như thế nào và đã đặt những viên đá đầu tiên cho toà nhà mà các môn đệ trứ danh của ông sẽ hoàn tất.

Như thế cũng đủ nói lên vì sao Socrate đã chiếm một chỗ đứng vĩ đại trong lịch sử tinh thần của nhân loại và sự thán phục của bao nhiêu thế hệ liên tiếp đối với ông" [44] .

Một trong những môn đệ trứ danh nhất của Socrate đã khai triển một cách hoàn hảo lý thuyết đạo đức về sự thiện theo khuynh hướng duy lý chính của Platon.

Trong lý thuyết ấy một điểm nòng cốt được triệt để khai thác là thay vì tìm ở vũ trụ ngoại tại nguyên tắc nền tảng cho trí thức và hành động thì phải tìm trong chính những miền sâu của linh hồn.

Nói khác, đối với Socrate, như đã trình bày là chỉ trong linh hồn tức lý trí của ta mới khám phá ra được chân lýchân lý cũng là sự thiện.

Từ nguyên tắc ấy, triết học duy lý của Hi Lạp thiết yếu nhận thức rằng linh hồn tức lý trí con người có khả năng liên lạc được với một đối tượng không thuộc thế giới vật lý ngoại tại này và sự hoàn hảo mà ta cảm nghiệm thấy tiếng gọi nơi ta là một nguyên tắc siêu việt trên vũ trụ vật giới và thiết định ra những quy luật cho vũ trụ này.

Như thế tuy rằng Socrate đã cấm đoán triết học không được tìm kiếm nguyên nhân của vạn vật, nhưng thực sự tư tưởng ông đã ngầm chứa mầm mống cho một khuynh hướng tìm nguyên nhân như vậy.

Platon chính là môn đệ đã đi tìm nguyên nhân đích thực của vạn vật trong một thế giới khác gọi là Lý giới, tách biệt hoàn toàn với thế giới cảm giác của ta. Từ đó khởi phát một quan niệm mới về vạn vật tức là vượt ra bên ngoài những sự vật cảm giác để vươn tới nguồn suối lý tưởng đã sinh hạ ra chúng.

Nói khác, một triết học về những Lý tưởng đến thay chỗ cho triết học về vũ trụ thiên nhiên.

Công trình vĩ đại của Platon sẽ rút ra hậu kết ấy từ lý thuyết của Socrate và cải biến nó thành một siêu hình học vĩ đại là nền tảng và mô phạm cho tất cả mọi nền siêu hình học tương lai.


Sách tham khảo



[1]Apol. 19d – 20; 31b – a; 33ad
[2]Apol. 19d – 20; 31b – a; 33ad
[3]Apol. 20c – 23c;
[4]sd. 21e; 22e; 23a – 24a.
[5]Alcibiade I, 131c – e và bài tường thuật của Alcibiade trong Banquet của Platon 215a tiếp.
[6](Par cette notion de la science comme innée à l’âme, Socrate est le fondateur de la grandeurdoctrine philosophique d’après laquelle l’esprit, dans l’acte de connaitre, ne dépend pas des choses extérieures,mais contient en lui-même le principe de la vérité La Théorie de Socrate a été développée par Platon; elle a été reprise, sous des formes diverses, par Descartes, Leibnitz et Kant. On peut dire qu’elle a commandé tout le développement de la philosophie ancienne et moderne). (Charles Werner: P.Gr, trg 52)
[7]Méta. XIII, 4, 1078b, 27 – 30.
[8]Plat.: Phèdre 265d.
[9]Méta. XIII, 4, 1078b, 17 – 19; và I, 6 978b, II.
[10]Mém. I, I, S/ 16; IV, 6>
[11]Mém. IV, 6 S/ I;
[12]Mém. IV, S/ 15;
[13]Mém. IV, 2, S/ 14 – 19 Đoạn văn này chứng minh rằng: Socrate đã dùng phương pháp phân chia, mà theo Platon lý thuyết ấy được Socrate trình bày trong Phèdre (265e.)
[14]Meta. I, 6, 987a, 29 – b, 10.
[15](Sokrates erfasst die Welt nicht mit der Plastik der dichterischen Phantasie oder der konkreten Fülle der ewig Fliessenden Bilder, sondern mit der allgemeinen Typik des nüchternen, blassen, schematischen Gedankens. Das führt zu einer Verarmung unseres Weltbildes) G. Ph. I (Geschichte der Philosophie, trg 54)
[16](Es werden aber dafür zwei grosse Vorteile erreicht. Einmal ist dieses Erkennen ein vertieftes Erkennen. Das Allgemeine ist nicht Vorübergehendes, Nebensächliches, sondern das, was immer da ist. Es ist darum das Wesentliche, das, wodurch die Arete Arete ist. Und dann hat er in seinem Allgemeinbegriffe ein sicheres Wissen) ( G. Ph. I trg 54)
[17](Die Allgemeinbegriffe besagen nämlich nicht eine Vorstellung, die hier so und dort so erscheint, sondern bilden einen Wissensinhalt, der überall mit dem gleichen Bestand auftritt, welches Subjekt ihn auch denken mag - Und er ist nicht erfunden und erdichtet aus Stimmungen und Standpunkten heraus, sondern er wird aufgefunden in der arfahrbaren Wirklichkeit, damit überwindet Sokrates, den Relativismus und Skeptizismus der Sophistik) (sd).
[18](Wie man sieht, hat Sokrates am Wissen ein formle Interesse. Aristoteles berichtet ausdrüchlich, dass Sokrates nicht über die Natur in ihrer Gesamheit philosophiert hatte, wie die lonier das taten. Diesen ging es um das Wissensmaterial. Sokrates dagegen geht es um die methodisch logische Frage, wie wir zu echtem und sicherem Wissen überhaupt kommen. Er ist der erste wirkliche Erkenntnistheoritiker und insofern ein moderner Mensch.) (sd.)
[19]Met. XIII, 4, 1078b, 30 – 32
[20](tức là học thuết về những Lý tưởng của Platon).
[21](Si donc nous considéron que cette grande théorie devait constituer le fond de tous les systèmes idéalistes de la philosophie ancienne et de la philosophie modèrn, de ce point de vue encore la notion socratique de la science nous apparait comme renfenmant, à l’état de préformation, tout le développement de l’idéalisme) (P. Gr, trg 54 và trg 50 – 54)
[22]Sokrates, trg 153 – 173.
[23]H. Phy. I (History of Philossphy) trg 109 và 110.
[24]Đó là ngôn ngữ của thần bí, hiện sinh; trái lại ngôn ngữ suy lí nói; trong mỗi linh hồn hay trí óc cá nhân tức tinh thần cá nhân đều thấy có sự hiện diện của Tinh thần thần minh. Nhờ sự thân cận ấy linh hồn con người mới có được những ý tưởng tổng quát.
[25](Le démon de Socrate témoigne de l’immanence de la transcendance au coeur de toute intériorité. C’est pourquoi il est à la fois vrai et faux de dire avec Nietzsche que Socrate est le type de l’hmme non mystique; il y a en effet chez Socrate un mysticisme de fond et un intellectualisme de méthode (…)
Nous trouvons certes chez Socrate cette idée essentielle que la vertu est un savoir; mais il conviént de ne pas perdre de vue que ce savoir nous rattache à une transcendance don’t il est issu, dans la messure òu notre âme a pu jadis contempler face à face, ce don’t la maiecutique apour mission de nous faire ressouvenir (…)
Il convient en effet de bien entendre ce que voulait dire Socrate lorsqu’il affirmait que la vertu était un savoir (sd, trg 91 – 92).
[26]Werner: “La science comme vertu”; Brun: “La vertu comme science”; Copleston: “the ralation between knowledge and virtue is characteristic of the Socratic ethic” H. Phy. I trg 108)
[27]Meta. A 987b I – 3
[28]Meta. M I, 078b 17 – 19
[29]Apol. 36.
[30]Apol. 22a – c
[31]P. Gr, trg 56
[32](the socratic theory as to the relation between knowledge and virtue is characteristic of the socratic ethic. According to Socrate’s knowledge and virtue are one, in the sense that the wiseman he who knows what is right, will also do what is right.) (H. Phy. I, trg 108)
[33](But it is important to hear in mind what Socrates menat by “right”. According to Socrates that action is right which serves man’s true utility, in the sense of promoting his true happiness (eudaimonia) (H. Phy. I, trg 109)
[34](Ces qualités sont utiles et sont des vretus, orsqu’elles sont accompagnées d’intelligence; sinon, elles sont nuisibles et ne mérient pas le nom de vurte. Rien n’est vraiment avantageux que par l’intellegence qui donne la science du bien. Si donc on éntend par vertu ce qui, nous procure un avantage, l’intelligence, la sagesse, doit être considérée comme étant toute la vertu) (Werner, P. Gr, trg 56)
[35](Yet although such consideration undoubtedly render Socrates; doctrine of the teachability of virtue more intelligible, it remains true that in this doctrine the over – intllectualism of his ethic is again apparent) (sd, trg 112)
[36](G. Ph. I, trg 56)
[37]Werner: P. Gr, trg 62 – 64
[38](tuy rằng ở trg 56 chú thích I, Werner cũng chỉ trích Nietzsche như Brun.
[39](In Wahrheil ist der sogenannte sokratische Intellektua-lismus überrhaupt kein Intellectualismus im dodernen Sinn, sondern Ausdrucksform des griechischen Techne – Denkens) (G. Ph. I trg 56). Xem L. Brunschvicg: Le progrès de la conscience dans la philosophie occidentale, tập I, trg 5 – 6)
[40]In der Techne aber ist das Wissen schlechthin alles. Das Verstehen (epis-tasthai) ist hier auch schon das konnen (dunasthai) und Werk (èsgon). Der gescheite Werkmeister (sophos demiourgos) ist auch der gute Werkmeister (agathos demiourgos), Wissen und Wert fallen hier zusammne. (…)
Dies und nichts anderes meint der sokratische Intellectualismus in der Ethik. Ethische Sachverhalte werden ganz parallel zu technische Sachverhaten aufgefasst. Wer das Bauhandwerk erlernt hat und verstelt, ist ein Baumeister und baut; und wer die Tugend erlehnt hat und versteht, so wird analog forgefahren, ist tugendhaft und übt die tugent) (G. Ph. I trg 56 – 57)
[41](The chief point to remark is that “teaching” for Socrate did not mean mere notional instruction, but rather leading a man to a real insight.) (H. Phy. I, trg 112)
[42]Et cette vertu peut s’enseigner comme la science elle-même: il ne s’agit pas, bien entendu, d’un enseignemet extérieur et formel, à la manière des sophistes, mais d’une maieutique, qui fait exprimer à l’âme la vérité don’t elle est grosse) (P. Gr. trg 57)
[43](Le savoir qu’implique la vertu est un savoir qui ne s’acquiert pas comme la connaissance de la grammaire, il implique tout un travail de conversion intérieure que personne d’autre ne peut faire pour nous, mais don’t le philosophie peut nous faire découvrir l’urgente nécessité) (P. Gr trg 93)
[44](Si Socrate a, en dernière analyse, partiellement échoué dans l’oeuvre qu’il avait entreprise ce n’est pas pour lui un mince honnéur d’avoir le premier compris ce que devait être la science morale et d’avoir posé les premières pierres de l’édificé que sés glorieux disciples dêvaientachever Ainsi s’explique èt se justifie la grande place què Socraté occupe dans l’histoire de l’esprit humain et l’admiration que tant de génèrations successives lui ont témoigné)
(E. Boutroux; Socrate, fondateur de la science morale trong tạp chí Etudes d’histoire de la philosophie, Paris 1913 trg 33 tiếp)
Nguồn: Socrate. Tác giả: Lê Tôn Nghiêm. Tủ sách Đạo sÄ© triết gia và nghệ sÄ© nhân loại. Quế SÆ¡n Võ Tánh in lần thứ nhất. Sài Gòn, Việt Nam 1971. Giấy phép số: 1272 BTT/PHNT, ngày 31/3/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.