Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!
Nghĩ lai rai - Mười bảy 1. Vật lý là khoa học có mục đích nghiên cứu và tìm hiểu
vật chất. Khoa học vật lý đã từng tuyên bố: khi thì vật chất là những hạt li ti, khi thì vật chất là những làn sóng, khi thì vật chất là những sợi cực nhỏ không có cách gì thấy được nhưng khi khảy lên thì sinh ra vật chất và muôn loài !
Tango! Boléro! Chachacha! Sinh ra mèo, chuột, cù lần.
Bây giờ ở đầu thế kỷ 21 này, khi được hỏi
«vật chất là gì?» thì ngay cả những nhà vật lý lỗi lạc nhứt thế giới, đã từng đoạt giả
Nobel Nôbiếc tùm lum cũng chỉ lắc đầu mà câm như hến, đánh chết cũng không khai. Bó giò!
Bần tăng trộm nghĩ có lẽ vì con người tưởng (bở) rằng mình
có thể hiểu được vật chất, hiểu được vũ trụ, hiểu được linh hồn (hiểu được đàn bà?)... cho nên rốt cuộc không hiểu được gì hết chăng? Nhiều lúc không hiểu được, không giải thích được, nhưng cảm nhận được, tưởng cũng đã là quý lắm rồi!
2. Bận nọ, một người bạn đã phát biểu: “Tôi quan niệm
hạnh phúc như cái đồng hồ. Càng ít rắc rối càng dễ sửa”. Nghe cũng lọt lỗ tai lắm chớ phải không bà con?
3. Trên TV, học lóm được như sau qua chương trình
«Sức khỏe là vàng». Trong lúc cùng nhau gần gũi (hiểu theo nghĩa Liêu trai chí dị), nếu người nam chăm sóc tận tình nhũ hoa của người nữ thì người nữ sẽ tránh được ung thư vú. Vì sao? Vì khi được kích thích thì nhũ hoa người nữ tiết ra một kháng tố chống lại ung thư. Không có gì bí mật hết ráo.
Và thêm một khám phá khác nữa: Thằng nhớn càng hành lạc đều đều thì càng tránh được
ung thư cho thằng bé (cũng như chạy
jogging đều đều thì ngừa được nạn đứng tim bất tử vậy đó). Bởi thế, càng về già, thằng bé của thằng nhớn càng dễ bị ung thư. Có gì đáng ngạc nhiên chăng?
Một khi đã biết như vậy rồi thì mấy cha nội đực rựa mới tính sao đây? “Nói xong, bèn cùng nhau gần gũi!” Các truyện trong sách Liêu trai chí dị thường đều kết thúc bằng câu ấy. Có lẽ nhờ thế mà không thấy sách
Liêu trai nói gì về ung thư cả. Vỡ lẽ: sách Liêu trai đã được “kê toa” bởi Lão thần y
Hoa Đà của mấy ông Trời con từ hồi nẵm, từ hồi Tây Mỹ còn ăn lông ở lỗ và bù trất về y khoa.
4. Khổng Tử viết, Mạnh Tử chùi. Ông Lã Phụng Tiên viết: “
Cái lý của kẻ mạnh bao giờ cũng tốt nhứt”. Bần tăng chùi: “Cái lý của kẻ mạnh bao giờ cũng
mạnh nhứt”. Mạnh thì quả thiệt là nó mạnh. Nhưng còn tốt thì chưa chắc gì nó đã tốt hơn ai. Còn phải hỏi lại!
5. Một bữa nọ, tuy không có ăn gì hết mà Kiều bỗng phát đau bụng dữ dội. Tới phòng mạch cho bác sĩ khám bệnh, Kiều than thở: “Thưa bác sĩ, thiếp sợ là thiếp bị
đau ruột dư hiểm nghèo”. Khám một hồi không thấy gì lạ, bác sĩ hỏi: “Cô em có biết cái ruột dư của mình nó nằm phía bên nào hay không?” Kiều lưỡng lự: “Dạ nó nằm... nó nằm... phía bên trái”. Bác sĩ gặng hỏi: “Cô em có chắc không?” Ngẫm nghĩ một hồi, Kiều đáp nhỏ trong một tiếng thở dài: “Dạ thiếp muốn nói là từ
bên ngoài đi vào... thì cái ruột dư của thiếp... nó nằm phía bên trái”.
6. Bần tăng đang có một mối lo lớn khiến cho bần tăng bỏ ăn chay (chỉ còn ăn mặn): Một ngày đẹp trời nào đó, các bà
nữ quyền sẽ thừa thắng xông lên, phất cờ khởi nghĩa để tranh đấu cho đàn ông được quyền
có bầu, nhân danh cái nam nữ bình quyền, công bằng xã hội và cách mạng tình dục. Khi đó mới quả thiệt là: “Công cha như núi
có con / Nghĩa mẹ như nước
hai hòn chảy ra”.
Khi đó chỉ có dân
gays là hoan hô hết hai tay hai cẳng! Theo chuyện cổ tích xưa trong sách “Đàn ông bửu giám” thì hồi kết cuộc thường là như sau: “Hai chàng
gays yêu nhau thắm thiết, làm đám cưới linh đình, sống bên nhau hạnh phúc lâu bền, nhưng mà... không có con”. Giờ đây, nhờ các bà nữ quyền chanh đấu nên kết cuộc có hậu hơn: “Hai người sống bên nhau hạnh phúc lâu bền và có rất... nhiều con mí nhau”.
7. Hòn vọng phu: “Thôi đứng đợi làm chi / Thời gian có hứa mấy khi / Sẽ đem đến trả đúng kỳ / Những người
mang mền biệt ly”. Đi cái
gulắc ở
Sibérie phải ôm mền theo là cái chắc. Bi giờ Xô Viết sập tiệm rồi thì ôm mền mà trở về cho vợ con nó mừng!
8. Đời sống vốn nó không giản dị, cũng không rắc rối. Biết sống giản dị thì nó sẽ giản dị. Bằng không, nó sẽ rắc rối chết luôn!
9. Tử vì đạo: “Ta thà bỏ vợ chớ không bỏ đạo!” Bần tăng xin bổ túc: “Ta thà bỏ vợ lớn chớ không thèm bỏ vợ nhỏ".
10. Kinh không nằm trong Kinh Thánh, kinh không nằm trong Kinh Phật, kinh không nằm trong Kinh Coran. Kinh không nằm trong một bộ kinh nào hết, mà kinh nằm trong
Trời Đất. Trời Đất không nói kinh mà kinh vẫn thường trực có đó, hoài hoài, vô ngôn.
Cuối cuộc đời thuyết pháp của mình, Phật đã dứt điểm: “Ta không nói một chữ”. “Zất nà chí ný dậy thay".
Nghĩ lai rai - Mười tám 1. “Đời sống vốn nó là một
vấn đề miên viễn. Còn sống là còn vấn đề. Hết vấn đề cũng là hết sống”. Nói xong, bèn kiếm thuốc nhức đầu mà uống rồi đi trùm mền!
2. Trong
sòng bạc, khi đã có một thằng bắt đầu
đánh lận rồi thì mấy đứa kia cũng bắt buộc phải đánh lận, nếu không muốn đứng dậy ở truồng mà ra về. Ngó lại
sòng đời của con người, đứa nào cũng leo lẻo là mình chơi lương thiện, nhưng khi nhìn kỹ, có đứa nào thiệt sự là không đánh lận chăng? Thường khi còn đánh lận
trắng trợn nữa là đằng khác. Ngay cả đứa đứng lên tố cáo đánh lận cũng đánh lận nốt! Bó giò!
3. Trong
sòng bạc của con người, đứa nào ngoài miệng cũng bô bô phải
loại bỏ hết những thằng
đánh lận. Nhưng than ôi! Nếu loại bỏ hết những thằng đánh lận rồi thì thử điểm lại coi còn thằng nào thực sự
xứng đáng được ngồi lại ở sòng bạc để mà tiếp tục chơi nữa hay không? Hay là phải
dẹp tiệm? Đóng cửa
casino. Trả
Las Vegas lại cho sa mạc
Nevada và cho mấy con bọ kẹp tha hồ nắm lấy càng của nhau mà
let’s twist again!
4. Kinh phát khởi từ
mê lầm chứ không từ trí tuệ. Kinh nhằm dẫn dắt con người tới
giác ngộ. Nhưng không có mê lầm thì làm sao kinh được
viết ra, và để dẫn dắt ai mới được chớ? “Phiền não tức bồ đề” là vậy chăng? Bà con thử nghĩ, nếu không có ai làm bậy hết thì Nhà nước đặt
luật ra để làm gì?
5. Truyện cổ tích “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”: Trong truyện không thấy nói rõ nàng Bạch Tuyết có phải là
trinh nữ hay không. Bởi vậy mới sanh ra tranh cãi, người nói có, kẻ bảo không. Bèn lôi bằng chứng y học ra để mà phân định. Sau khi khám xong người em ngây thơ chong chắng, bác sĩ tuyên bố: “Bạch Tuyết hãy còn là trinh nữ. Duy có một điểm bất thường: màng trinh của nàng có bảy cái lỗ nhỏ”.
6. Lụy vì tình:
“Dao phay cứa cổ
Máu đổ không màng
Chết thì chịu chết
Buông nàng không buông!”
7. Lại nói về
Tình yêu. Khi yêu, người nam yêu người nữ vì
chính nàng là nàng: yêu gương mặt nàng, yêu duyên dáng nàng, yêu thân thể nàng. Khi yêu, người nữ yêu người nam vì những cái
phụ thuộc của chàng: yêu tài sản chàng, yêu địa vị chàng, yêu tương lai chàng. Một cuộc
đầu tư có kế hoạch thực sự, còn cái phần chính là “con người-thân xác” của chàng lại chỉ là một vấn đề rất phụ thuộc. Nếu khiếm khuyết, nàng có thể gỡ gạc bằng cách khác. Gẫm ra: “
Ai thực sự yêu ai hơn ai?”
8. Khi
tìm nhau trong cuộc đời, người nam tìm đến người nữ trước hết là để tìm
tình dục, tìm thoả mãn thân xác. Người nữ tìm đến người nam trước hết là để tìm một nơi
nương tựa, một nơi có thể tin cậy được. Như vậy là kể như huề cờ? Gẫm ra, thằng đực rựa coi le lói vậy, coi
macho vậy mà rất dễ bị xỏ mũi và dắt đi riu ríu bởi cái ham muốn của mình vốn bị người nữ giựt dây. Ai biểu tham dâm mần chi. Rán chịu cho quen đi cha nội!
Lady first! Anhđượcxítten? Compờrenđô? Tuy nhiên cái kiểu tác hợp này xem chừng cũng đã cổ lỗ sĩ, đã quá
date. Bây giờ nam-nữ tìm đến nhau vì lý do gì bần tăng cũng không rõ. Có thể là cho đỡ buồn, cho qua thời buổi. Vậy thôi. Một ngòi bút nữ đã dứt điểm rất tỉnh táo: “
Khi rảnh rỗi, tôi ngủ với hắn. Không hạnh phúc, không đau khổ. Tôi ngủ với hắn để cảm thấy mình có ngủ với đàn ông, vô tội vạ, vô tình cảm. Tôi ngủ với hắn để chứng minh mình là đàn bà. Có thế thôi... Hắn chỉ là một sinh vật giống đực.” (Hợp lưu số 81/ 2005, trang 132). Cái việc
làm tình ở thời buổi hậu hiện đại này thiệt là dễ ợt, không còn ai đặt thành vấn đề hay théc méc làm chi nữa. Bầu bì không còn là một tai nạn (lao động) đối với người nữ nữa. Người ta làm tình như một trò giải trí, như một môn thể thao, giống như chạy
jogging vậy thôi. Điều này đáng buồn hay nên vui?
9. Trong vấn đề
ghen tuông và
ngoại tình, người nam không chấp nhận người yêu của mình
trao thân cho một người đàn ông khác. Còn người nữ thì không chấp nhận cho người yêu của mình
hướng lòng về một người đàn bà khác. Nói tóm: người nữ sợ bị
tình phụ, người nam sợ bị
cắm sừng.
Chẳng qua cũng chỉ là cái vấn đề thể diện mà thôi.
Sợ bị mất mặt bầu cua. Người nữ sợ mình không hấp dẫn bằng tình địch. Còn thằng nam thì sợ thằng bé mình lép vế.
10. Đại dương có thể chứa được hết nước của một cái chậu, nhưng cái chậu không thể chứa được hết nước của một đại dương. Vũ trụ và đầu óc của con người cũng y chang như vậy thôi.
“Bậy nè! Bảo đảm cái đỉnh cao trí tuệ của con người chứa được hết Càn khôn! Và còn dư chỗ nữa là đằng khác” [???] “Thì qua nói cho nó le lói chơi vậy mà, em Hai! Thông cảm cho qua nhờ!”
© 2007 talawas