© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
6.4.2007
T. Vấn
Cha ăn mặn, con khát nước
(Nhân câu chuyện trong trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú?” và kết quả bình chọn “100 Bài thơ hay nhất thế kỷ”)
 
1.

Theo sự giới thiệu của một người bạn, tôi vào truyền hình internet (www.vtc.com.vn), chọn chương trình VTV3 phát đi từ Hà Nội ngày 9 tháng 1 năm 2007, để xem trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú” (mô phỏng theo chương trình “Who wants to be a millionaire?” rất nổi tiếng trên đài truyền hình ABC, Hoa Kỳ). Tôi đặc biệt chú ý đến phần trả lời của thí sinh Nguyễn Thị Tâm, 23 tuổi, giảng viên trường Ðại học Sư phạm Thái Bình. Trong 7 câu hỏi đầu, cô Tâm tỏ ra khá bình tĩnh, và vượt qua tương đối suôn sẻ. Câu hỏi số 8 (với phần thưởng trị giá 5 triệu đồng) có nội dung như sau:

“Trong tứ trụ của Tự lực Văn đoàn, ai là người không phải anh em ruột với ba người kia?
  1. Thạch Lam;
  2. Hoàng Đạo;
  3. Nhất Linh; D. Khái Hưng.”
Khuôn mặt khả ái của cô nữ giảng viên Đại học Sư phạm có vẻ ngơ ngác, chứng tỏ cô không có một đầu mối nào khả dĩ giúp cô trả lời câu hỏi. Tôi nghe cô gái tự nói với mình: “Tự lực Văn đoàn… Thạch Lam nghe quen quen. Nhất Linh… em nghe thiên nhiều về cải lương. Khái Hưng thì lạ quá, không biết.”

Rồi cô yêu cầu được sử dụng quyền xin trợ giúp cuối cùng. Cô muốn hỏi ý kiến người bạn không có mặt trong phòng quay, một người bạn, theo lời cô, đọc văn rất nhiều. Người bạn này của cô Tâm khi nghe câu hỏi, bằng một giọng tự tin, đã trả lời ngay không chút do dự: phương án B, Hoàng Đạo. Lẽ tất nhiên, vì cô giảng viên không biết một chút gì về Tự lực Văn đoàn, nên cô không có sự suy nghĩ nào khác ngoài nghe theo người bạn “giỏi văn” của mình. Người điều khiển chương trình (ông Lại Văn Sâm) chờ cho cô khẳng định lần cuối câu trả lời của mình (Hoàng Đạo), mới cho cô biết, người bạn trai của cô hiện có mặt trong phòng quay chọn phương án C, Nhất Linh. Còn ông, lại có một “phương án” khác hẳn với hai câu trả lời của họ. Sau vài phút dành cho quảng cáo tài trợ, ông Sâm cho biết đây là “một câu hỏi khó. Chỉ có 14% khán giả có mặt trả lời đúng. 86% trả lời sai.” Câu trả lời đúng là phương án D, Khái Hưng.

Tự lực Văn đoàn, ngoài vai trò tiên phong trong lãnh vực văn học những năm 1930, đánh dấu một thời kỳ cách tân quan trọng của văn học Việt Nam tiền bán thế kỷ 20, còn gây ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài đến đa số thanh niên trí thức về tư tưởng, xã hội, thí dụ như: tinh thần tự lực, đả phá hủ tục, phổ biến và nghệ thuật hóa việc sử dụng chữ Quốc ngữ, v.v…

86% số khán giả có mặt trong chương trình “Ai là triệu phú” trả lời sai câu hỏi về Tự lực Văn đoàn, một con số đáng suy nghĩ. Riêng thí sinh Nguyễn Thị Tâm còn liên hệ cái tên Nhất Linh (nhà văn, nhà hoạt động cách mạng chống Pháp nổi tiếng Nguyễn Tường Tam, từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến do ông Hồ Chí Minh thành lập ngày 02-03-1946 tại Hà Nội) với một khái niệm “thiên nhiều về cải lương” nào đó, thì vấn đề không chỉ còn là câu trả lời sai của một thí sinh trong cuộc thi kiến thức như “Ai là triệu phú” nữa.

Nhìn cô gái 23 tuổi xinh đẹp trong chiếc áo màu đỏ thật tươi thắm bẽn lẽn rời khỏi tiền trường, tôi không khỏi cảm thấy ngậm ngùi. Lẽ ra, câu hỏi ấy phải là câu hỏi khá dễ dàng với đa số cử tọa. Lại càng dễ dàng hơn rất nhiều so với trình độ một giảng viên đại học, dù là giảng viên dạy môn Sinh học như cô Tâm. Giai đoạn từ năm 1930 cho đến 1945 là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam về các phương diện chính trị, xã hội, văn hóa, nổi bật là lãnh vực văn học với sự ra đời của Tự lực Văn đoàn (1933). Họ đã thổi một luồng không khí hoàn toàn mới vào sinh hoạt văn học nghệ thuật nước ta lúc ấy, qua các tác phẩm văn học và các tờ báo Phong hóa, Ngày nay. Không biết đến những sinh hoạt văn hóa trong giai đoạn này, là một lỗ hổng kiến thức đáng tiếc. 86% cử tọa có câu trả lời sai về Tự lực Văn đoàn. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?


2.

Cũng vừa mới đây, ở trong nước, ngày 3-3-2007, cuộc thi tuyển chọn “100 Bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ” do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và Nhà Xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức trong hai năm đã kết thúc. Cuộc tuyển chọn này dựa trên ý kiến đóng góp của công chúng đọc thơ và yêu thơ ở trong nước (hiểu nghĩa một nước Việt nam thống nhất liền một dải từ Nam chí Bắc). Người tham dự gởi đến ban tổ chức sự bình chọn của mình về những bài thơ Việt Nam nào, theo họ, là hay nhất thế kỷ 20 (tương tự như hình thức People’s Choice Awards trong các giải thưởng về điện ảnh, âm nhạc, truyền hình của Hoa Kỳ).

Trong danh sách 100 bài được bình bầu, mỗi tác giả chỉ có một bài được chọn. Đứng đầu danh sách, không theo thứ tự ABC (trật tự sắp xếp tên tác giả của ban tổ chức) là tác giả Hồ Chí Minh với bài thơ chữ Hán “Nguyên tiêu”. Về chi tiết “thú vị” này, một nhà phê bình văn học ở trong nước đã nhận xét:

“… Trong 100 bài thơ được chọn thì 99 bài là thơ tiếng Việt, 1 bài là thơ tiếng Hán. Không biết khi tiến hành cuộc thi, ban tổ chức có định nghĩa thơ Việt Nam thế kỷ XX là thơ do người Việt viết bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài hay không. Tôi tin là không có quy định đó vì nếu đề ra như vậy thì bất khả thi. Mà đã không có quy định đó thì sự tuyển chọn một bài này đã là phạm quy, phạm luật thơ. Và là sự bất nhất. Bất nhất giữa tiếng Việt và tiếng ngoại quốc. Bất nhất giữa lãnh tụ và thi nhân. Bất nhất giữa chính trị và thơ ca. Sự bất nhất này còn bị đẩy lên khi bài đó phá trật tự bảng chữ cái tên tác giả để đứng đầu danh sách. Thơ ca đòi hỏi được đối xử với tư cách thơ ca. Nhà thơ Hồ Chí Minh có thể có bài được chọn, nhưng không phải là bài chữ Hán, và đứng tên trong danh sách theo đúng thứ tự tên mình. Danh như vậy cũng là không chính.” (Phạm Xuân Nguyên, “Danh xưng một tuyển thơ,” talawas 08-03-2007).

Về phương diện địa lý giữa hai miền Nam Bắc (hay đúng hơn, phương diện phân chia ý thức hệ do cuộc chiến tranh Quốc Cộng 20 năm 1954-1975), trong danh sách chỉ có các nhà thơ sau đây sinh hoạt văn nghệ ở miền Nam: Bùi Giáng, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Á Nam Trần Tuấn Khải (3 ông này di cư vào Nam 1954) có tên, nhưng vẫn có thể xếp các ông vào danh sách những nhà thơ tiền chiến (đây là một sự xếp loại rất tương đối) với Hoàng Cầm, Văn Cao, Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, Chế Lan Viên, Huy Cận, v.v… Ngoài ra, phải kể đến một người sống ở hải ngoại từ những năm 1960 (ông từ Sài Gòn đi du học). Đó là ông Nguyễn Bá Chung, thuộc trường Ðại học Massachusetts ở Boston, Hoa Kỳ. Ông cũng có tên trong danh sách này với bài thơ “Quê hương”. Cũng cần nói thêm, ông Nguyễn Bá Chung là người liên quan đến vụ William Joiner Center, tức vụ việc trung tâm này thực hiện dự án nghiên cứu những nỗ lực xây dựng và tái xây dựng diện mạo cộng đồng Việt Nam hải ngoại, đã một thời lôi cuốn sự chú ý của báo chí Việt khắp nơi. Phần lớn độc giả hải ngoại chỉ biết đến ông Chung làm ở Trung tâm William Joiner. Rất ít người biết ông đã từng dịch và xuất bản thơ chữ Hán sang Việt ngữ và Anh ngữ.

Như vậy, trừ tác giả Hồ Chí Minh, danh sách 99 bài thơ hay nhất thế kỷ của 99 nhà thơ Việt Nam vừa được (một bộ phận) công chúng Việt Nam tuyển chọn và in ra thành sách có tên 3 nhà thơ của miền Nam (tính theo lằn ranh phân chia trước tháng 4 năm 1975), 64 nhà thơ của miền Bắc (cũng theo lằn ranh vừa nói), số còn lại là những nhà thơ thuộc về những tác giả Tiền chiến (gồm cả những nhà thơ của nhóm Nhân văn-Giai phẩm và các cụ Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà). Con số “vênh” này, được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ở trong nước (cũng có tên trong danh sách 100 này) nhận xét:

“Quá ít những nhà thơ miền Nam rất nổi tiếng, có đóng góp cho sự cách tân thơ Việt từ sau 1954 đến nay. Tôi nghĩ, cho dù bây giờ họ ở đâu, làm gì, thì những bài thơ có giá trị của họ vẫn còn đó. Nếu thực sự muốn chọn những bài thơ hay của dân tộc Việt thế kỷ XX thì dứt khoát phải căn cứ vào bài thơ mới bảo đảm khách quan. Điểm này rõ ràng là không vô tư với Thơ.” (Nguyễn Trọng Tạo, Diễn Đàn Forum 14-03-2007).


3.

Rất nhiều những khuyết điểm của việc tổ chức bình chọn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục đã được nhiều nhà phê bình trong nước chỉ ra. Thí dụ, vấn đề tính tương đối và đôi khi thiên kiến của phần công chúng tham gia việc bình chọn. Thơ văn, nhất là thơ, chuyên chở những suy nghĩ và cách sử dụng ngôn từ rất đặc thù của từng thi sĩ và thời đại mà thi sĩ ấy sống, cho nên, về phía người đọc, để bình phẩm một bài thơ, cũng đòi hỏi một tần số và trình độ đồng cảm nào đó với thi sĩ. Kết quả 3 miền Nam / 64 miền Bắc nêu trên là một phản ánh chính xác thành phần và trình độ của người bình chọn. Nó chỉ ra khía cạnh “bình dân” (chữ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo) của công chúng ấy, chứ không phải tính cách nghiêm túc cần thiết cho danh xưng 100 Bài thơ hay nhất thế kỷ.

Mặt khác, chỉ dựa vào ý kiến công chúng (people’s choice), mà vội vã cho in ấn và công bố tập thơ 100 Bài thơ hay nhất thế kỷ là một việc làm chỉ nhằm kiếm lợi nhuận, không phải là một công trình văn hóa đứng đắn của một nhà xuất bản trực thuộc Bộ Giáo dục. [1]

Trong lãnh vực văn học nghệ thuật, việc bình chọn những tác phẩm xuất sắc luôn là công việc của những nhà chuyên môn, dựa trên trình độ và thái độ thưởng ngoạn khách quan để bảo đảm chất lượng cao nhất cho sự bình chọn ấy. Sự bình chọn của công chúng, tuy cũng quan trọng (vì một tác phẩm văn học nghệ thuật, trước hết, là phục vụ công chúng), không hẳn là yếu tố quyết định. Theo dõi cuộc thi tuyển lựa tài năng mới của trung tâm Thúy Nga Paris vừa qua, người xem nhìn thấy ngay sự khác biệt giữa sự lựa chọn của công chúng (thí sinh David Meng) và sự lựa chọn của Ban Giám khảo (thí sinh Trịnh Lam). Ở Trịnh Lam, đó là tài năng có được do sự luyện tập, học hỏi bền bỉ và triển vọng của một bước tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp nghệ thuật của anh. Ở David Meng, đó là năng khiếu, lòng yêu tiếng Việt của một người có nguồn gốc từ Campuchia. Có thể chính sự kiện này khiến anh gây được cảm tình với những khán giả bình chọn cho anh. Một cách khách quan, tôi vẫn nghĩ sự lựa chọn của Ban Giám khảo cuộc thi do trung tâm Thúy Nga Paris tổ chức chính xác hơn.

Trong số thơ của các tác giả được chọn trong tập 100 Bài thơ hay nhất thế kỷ, độc giả trung bình (như tôi) dễ dàng nhận ra nhiều sự lựa chọn không “bình thường” chút nào. Thí dụ như nhà thơ Hữu Loan. Ông có bài “Màu tím hoa sim” đã đi vào huyền thoại. Nhưng bài của ông được chọn lại là “Đèo cả”. Nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng có tên trong danh sách với bài “Cổ lũy cô thôn”, nhưng hầu như bất cứ ai yêu thơ Phạm Thiên Thư đều biết và yêu thích bài “Đưa em tìm động hoa vàng” hay “Ngày xưa Hoàng thị”.


4.

Sự kiện 3 nhà thơ miền Nam / 64 nhà thơ miền Bắc còn cho thấy một khía cạnh khác trong chính sách văn hóa của nhà nước Việt Nam. Trước tháng 4 năm 1975, độc giả miền Bắc vốn đã “được bảo vệ không cho bị nhiễm nọc độc của loại văn hóa ủy mị, đồi trụy, phản động thời tiền chiến,” lại càng không thể biết chút gì về sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của miền Nam. Trong khi đó, ở miền Nam, tuy có hạn chế, nhưng người dân vẫn có thể biết ít nhiều về tình hình sinh hoạt văn hóa, xã hội, chính trị ở miền Bắc. Những tác phẩm văn học nghệ thuật của Tự lực Văn đoàn, của các tác giả viết trước 1945 (bao gồm cả những người cộng tác đắc lực với chế độ miền Bắc lúc ấy như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Lưu Hữu Phước, Trần Hoàn v.v...) đều được xuất bản và tự do lưu hành ở miền Nam. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, với chính sách phần thư nhằm “tiêu diệt nọc độc Mỹ-Ngụy” của chính quyền, nhưng thực ra là xóa sạch những thành tựu văn hóa của nửa nước thuộc về một ý thức hệ đối địch, độc giả miền Bắc và lớp độc giả miền Nam trưởng thành sau tháng 4 năm 75 không biết chút gì về sinh hoạt văn học nghệ thuật của miền Nam trước 1975. Với cuộc thi tuyển chọn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ vừa rồi, giả sử, về mặt tổ chức, những người gởi ý kiến tới tham dự là có thật, và được ban tổ chức đúc kết một cách trung thực, không đánh tráo, không lừa gạt công luận, thì kết quả vừa được công bố cũng đồng thời là một bằng chứng cho thấy sự tác hại bởi chính sách ngu dân của chế độ cộng sản. Một bộ phận rất quan trọng của công chúng thưởng ngoạn văn học nghệ thuật trong nước đã không hay biết gì về 20 năm thành tựu của văn học miền Nam, bao gồm cả những thành tựu không mảy may dính líu gì đến vấn đề tranh chấp ý thức hệ Quốc-Cộng, đến cuộc chiến tranh đối đầu Nam Bắc 1954-1975.

Cũng may là cuộc tuyển chọn này được tổ chức và đúc kết vào năm 2007. Nếu nó được tổ chức vào năm cuối cùng của thế kỷ 20, chưa chắc Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Nguyên Sa đã có mặt trong danh sách. Và chắc chắn, những Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Hữu Loan, Quang Dũng, Hoàng Hưng cũng không thể có mặt. [2] Tất nhiên, càng không mong chờ gì việc những thành tựu văn hóa (Việt) của những người Việt sống ngoài đất nước được công luận trong nước ghi nhận. Rất đơn giản, là vì trong nước không có cơ hội giao tiếp với sinh hoạt văn hóa ngoài nước. Nếu có, những giao tiếp ấy đều bị qua một cái sàng lọc khá tinh vi như Người Viễn Xứ, hay chỉ nhằm phục vụ cho những ý đồ chính trị của giới cầm quyền. Ngược lại, tuy sinh sống ở bất cứ nơi đâu ngoài quê hương của mình, người Việt đều biết rất tỏ tường về những gì xảy ra trong nước, bao gồm mọi sinh hoạt văn hóa, văn học nghệ thuật. Do đó, sự kiện không có tên một nhà thơ nào sinh sống ở hải ngoại trong danh sách 100 bài thơ hay nhất thế kỷ (trừ Nguyên Sa đã qua đời và trường hợp đặc biệt kỳ lạ của ông Nguyễn Bá Chung) là một điều rất bình thường. Nó chỉ chứng minh thêm sự hiện hữu của cái hố sâu phân cách người trong nước và người ngoài nước.


5.

Lỗ hổng kiến thức đáng tội nghiệp của cô giảng viên Ðại học Sư phạm hay khả năng đánh giá văn học nghệ thuật một cách phiến diện của một tầng lớp thưởng ngoạn trong nước vào thời điểm của kỷ nguyên thông tin hóa toàn cầu có gốc rễ sâu xa từ sự du nhập và thực thi chủ nghĩa cộng sản ở nước ta. Những tác hại tương tự rồi sẽ từ từ bộc lộ mỗi khi có cơ hội. Chỉ không công bằng lắm với các thế hệ mai sau, khi mà “đời cha ăn mặn, đời con khát nước.” Sự bối rối ngượng ngùng của cô giảng viên đại học trước hàng bao nhiêu cặp mắt khán giả đang chăm chú theo dõi chương trình “Ai là triệu phú” khi không trả lời được câu hỏi mà người Việt sinh sống ở miền Nam (1954-1975), chỉ cần học xong lớp 10 hệ 12 năm trung học phổ thông, có thể trả lời được một cách dễ dàng, hay tầm nhìn hạn hẹp của một lớp công chúng trong nước qua sự kiện bình chọn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ, là hệ quả từ lỗi lầm của các bậc cha anh của họ.

Không bao giờ quá muộn khi người ta muốn sửa chữa những lỗi lầm.


© 2007 talawas


[1]100 năm văn học không phải là khoảng thời gian ngắn để có thể dễ dàng làm công việc tuyển chọn những viên ngọc quý nhất, lại càng là công việc không thể dựa hoàn toàn vào sự lựa chọn của công chúng thưởng ngoạn , dù là công chúng thưởng ngoạn có trình độ. Không ai không biết điều này. Vì thế, tôi không thể không đặt câu hỏi về việc làm của Nhà xuất bản Giáo dục. Có thể họ làm vậy không phải vì lợi nhuận, mà vì một ý đồ khác, một ý đồ phục vụ cho những quan điểm chính trị thiển cận nào đó.
[2]Viết xong đoạn này, tôi mới được đọc bài “Không nói thì thôi, nói thì phải ‘uốn lưỡi’… nghìn lần” của nhà thơ Hoàng Hưng trên talawas ngày 26-03-2007, trong đó có đoạn: “Mặc dù rất nhiều khiếm khuyết trong việc tuyển chọn 100 bài thơ hay thế kỷ XX của Trung tâm Văn hoá Doanh nhân, tôi vẫn ghi cái tâm của Lê Lựu khi anh đưa vào đó bài “Lời mẹ dặn” - một “Tuyên ngôn Nhân văn" của nhà thơ Phùng Quán và bài “Người về” - viết về tâm trạng người tù của tôi.” Đọc tới đây, tôi thấy có điểm trong bài viết này của mình bị phủ định, có điểm lại được xác định. Điểm bị phủ định là phần giả định của tôi về tính trung thực của Ban tổ chức (không đánh tráo). Điểm được xác định là tên nhà thơ Hoàng Hưng trong danh sách 100 bài là nhờ “cái tâm của Lê Lựu”. Tôi lại liên tưởng đến câu trả lời của ông Lê Lựu, giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, trong cuộc phỏng vấn của báo Tuổi trẻ ngày 07-03-2007. Câu hỏi là:
“Nhiều người ngỡ ngàng vì kết quả đã được công bố, nhiều bài thơ hay, đi vào tâm thức nhiều thế hệ đã không có tên trong danh sách, và cũng có nhiều bài thơ… lạ (ví dụ như Hữu Loan có tên trong danh sách không phải bằng ‘Màu tím hoa sim’ bất hủ mà lại là Đèo Cả). Liệu kết quả có tuyệt đối là sự bầu chọn của độc giả?
Nhà văn Lê Lựu dường như cố tình tránh trả lời vào ý chính. Ông nói:
“Vì phối hợp với NXB Giáo dục nên tuy đối tượng bầu chọn là tất cả những ai yêu thơ nhưng thực tế vẫn chủ yếu là sinh viên và học sinh trung học tham gia. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có một hội đồng thẩm định để đọc và so sánh những thư bình chọn của bạn đọc gửi đến với hàng trăm tuyển tập thơ đã in trước đó, chủ yếu để xem có độ chênh nào đáng kể không, có tên tuổi lớn nào bị bỏ sót không. Và đáng mừng là không có ai bị bỏ sót, độ chênh trong các bình chọn của độc giả và của các người làm tuyển chọn thơ chuyên nghiệp không lớn lắm. Trong số 100 bài đã được chọn cuối cùng, thật ra chỉ chênh với các danh sách khác khoảng 5-7 bài.”
Tôi hơi thắc mắc, “đọc và so sánh” thôi sao, có tôn trọng tuyệt đối sự bầu chọn của độc giả hay không? Có đánh tráo hay không (dù là đánh tráo với thiện ý, với cái tâm như trường hợp của nhà thơ Phùng Quán và Hoàng Hưng dẫn ở trên)?