© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
23.12.2006
Nguyên Sa
Một bông hồng cho văn nghệ
 1   2   3   4   5 
 
2. Chỗ đứng của văn nghệ trong tình thế hiện tại

Anh nào mà chẳng có chỗ đứng. Tây nhà đèn có chỗ đứng của Tây nhà đèn, trí thức khoa bảng có chỗ đứng của trí thức khoa bảng. Anh cầm cờ chạy hiệu có chỗ đứng cầm cờ chạy hiệu, em ca-ve có chỗ đứng của ca-ve. Chỗ đứng, chắc quá, ai mà chẳng có. Văn học nghệ thuật cũng thế, của một cá nhân cũng như của một nước, chỗ đứng nhất định phải có. Cá nhân, chúng ta còn lạ gì nữa, có chỗ đứng của trái núi cô đơn và có chỗ đứng của những đụn cát tập hợp. Có chỗ đứng của thế kỷ 19, có chỗ đứng của tiền chiến và có chỗ đứng của nhà văn những năm năm mươi sáu mươi. Vũ Hoàng Chương có chỗ đứng trên "sàn gỗ trơn", Nhất Linh có chỗ đứng trên cánh bướm trắng và Vũ Trọng Phụng có chỗ đứng trong "giông tố". Văn học nghệ thuật của một quốc gia có khác gì? Cũng có một chỗ đứng. Có chứ. Chắc lắm. Nhưng đứng ở chỗ nào? Đứng ở chỗ nào? Mỗi cá nhân sau khi tìm được chỗ đứng trong tập thể, sớm muộn cũng phải nhìn trước nhìn sau. Nhà văn nhà thơ, sau khi bước vào tập thể văn nghệ của nước nó, nhất định giải phóng tầm mắt ra bốn phía. Ta đứng ở đâu? Ở trong phòng máy lạnh, trên phía cao nhà ngân hàng hay ở góc đường Catinat đợi khách? Ta đứng ở đâu? Giữa đồng ruộng nóng cháy, cạnh những ụ đất gài mìn, trong quân trường gian khổ, trong đồn bót hoang vu hay dưới bóng mát của làng Thủ Đức? Trong cái cuộc sống chán nản này, anh em ta mỗi đứa, sau những sáng dậy trưa ăn chiều ngủ, sớm muộn cũng nghe nói lên, từ đáy sâu của tâm hồn bị che kín bởi những háo hức của cuộc sống thường nhật, niềm xao xuyến sống, câu hỏi giông bão liên hệ đến chỗ đứng của ta trong tập thể, chỗ đứng của đời ta, căn phần ta trong thế giới này và thế giới khác. Cũng thế, sau những rạo rực của bài thơ đầu tay, những truyện ngắn, truyện dài viết xong, in xong, cháy nóng bởi khoan khoái, bởi đam mê khởi đầu, chẳng thể nào ta giữ được mãi cặp mắt nhắm chặt trước lớp ánh sáng chói loà của ý thức. Chỗ đứng của văn học nghệ thuật ta ở đâu?

Chỗ đứng của nó tồi lắm, yếu lắm, khốn nạn lắm. Lời khẳng định đến ngay này có phải là tiếng nói của tâm trạng bi quan hay của tâm hồn mặc cảm? Văn học nghệ thuật thế giới rộng như thế này, thơm mát như thế kia, chọn lấy một chỗ đứng, tất có gì là khó. Làm sao lại tồi, làm sao lại yếu, làm sao lại khốn nạn?! Sợ à? Chưa đánh đã bỏ chạy, chưa tìm kiếm đã chán nản hay sao? Văn học nghệ thuật thế giới thơm mát và bao la, tôi biết rõ lắm. Tôi biết lắm, có chỗ đứng chói sáng của văn học nghệ thuật Pháp, chỗ đứng sôi nóng của văn học nghệ thuật Phi châu. Có chỗ đứng đẹp đẽ dành cho văn học nghệ thuật Ấn Độ già, có chỗ đứng chọn lọc cho văn học nghệ thuật Mỹ trẻ. Nhưng sự thật nó như thế đấy, trong toà đại sảnh uy nghiêm này cũng như mọi toà đại sảnh khác thế giới khác, thiên đường khác, đáng chán nản lắm có chỗ tốt và xấu có chỗ chọn lọc và chỗ ngồi chủ toạ và chỗ ngồi dành cho những người chuyên nghiệp vỗ tay hoan hô. Thế giới này và thế giới khác đều có chỗ đứng tiện và chỗ đứng bất tiện, chỗ đứng khoan khoái và chỗ đứng chảy mồ hôi. Thiên đường này và thiên đường khác, lạ thay, đều có thánh lớn và thánh nhỏ, thánh quan trọng và thánh kém vế, thánh đàn anh và thánh đàn em. Chỗ đứng của ta trong đại sảnh văn học nghệ thuật thế giới tồi thật đấy, chỗ đứng của ta trong thế giới mặt trời văn học nghệ thuật quốc tế yếu lắm, chỗ đứng của văn học nghệ thuật ta trong cái thiên đường này, không mặc cảm không bi quan, quả thực là khốn nạn. Ta ngồi ở phía dưới cùng của đại sảnh, ta đứng ở chỗ chảy mồ hôi của thế giới mặt trời, ta đóng vai một anh thánh đàn em trong cái thiên đường bần tiện ấy.

Các anh không cần phải hỏi tôi chứng cớ. Tôi có hơn một chứng cớ chẳng cần viện dẫn ra bởi vì chẳng có gì là thích thú trong cái việc tự sỉ này. Các anh hãy hỏi chính bản thân thì biết. Các anh hãy tự hỏi về các giải văn chương thế giới, về ánh sáng của ngọn đèn thời sự văn nghệ, về tương quan giữa văn học nghệ thuật các quốc gia, một phần chứng cớ đã nằm ở hững câu hỏi đau xót đó.

Các anh hãy mở rộng danh sách những nhà văn đã được giải thưởng Nobel ra mà coi có tên nào bắt đầu bằng Trần, bằng Nguyễn, bằng Lê không? Anh này, trong cơn phẫn nộ kể ra cũng chính đáng, sẽ nói lên: không cần. Giải thưởng Tây phương để phát cho Tây phương. Mình Á đông, mình Việt Nam lấy làm gì. Tôi đã nói như thế một lần. Tôi không biết bây giờ và mai hậu ở Oxford này, Ba Lê kia, Harvard nọ, trong những cuộc đàm thoại tuổi trẻ, cuộc đánh đố như thế còn không, nhưng khi còn đi học tôi đã tham dự cái trò chơi cay nghiệt ấy. Thằng này nó, bằng những âm thanh hãnh diện, kể ra những Bergson những Camus của quê hương nó. Thằng kia, cùng với cặp mắt khoan khoái, đọc lên những Faulkner, những Hemingway. Trước khi đến phiên tôi, chẳng cần tìm kiếm lâu dài trong khu vườn ký ức trống rỗng, tôi bỏ đi với niềm an ủi chứa giấu bực tức đó: Giải thưởng Tây phương để phát cho Tây phương. Bây giờ các anh muốn dẫn tới những cái xoa dịu, những cái vỗ về ấy cũng được. Tôi cũng muốn như thế lắm. Nhưng đấy, ta hãy nhớ đến trường hợp của văn học nghệ thuật Nga. Khi Pasternak được mời đến Stockholm thì Nobel là một sản phẩm của chế độ tư bản, một trò bịp bợm, một phương tiện để tấn công xã hội chủ nghĩa. Nhưng khi tác giả Sông Don trầm lặng, nhà văn chính thức của chế độ, được ghi tên vào bảng vàng thì Sholokhov đã có mặt trong những buổi lễ rườm rà mà tác giả Bác sĩ Zhivago đã tới không được. Nếu ý thức cần nói lên tiếng nói dõng dạc của sự thực, ta hãy nói lên: chỗ đứng của văn học nghệ thuật ta trong thế giới, nhìn qua giải thưởng văn chương, là chỗ đứng của một hành tinh lẻ loi cách xa những dòng ngân hà nhiều năm ánh sáng.

Các anh hãy nhìn ngọn đèn thời sự văn nghệ thế giới chói sáng nó chiếu về một phía và ta đứng ở bên này vùng ánh sáng. Hàng tuần hàng tháng anh vẫn mua những tuần báo, nguyệt san ngoại ngữ chứ gì? Anh này mua vì lý do nghề nghiệp là cái nợ làm tin văn nghệ cho một tờ văn nghệ của ta. Anh kia vì ý thức được rằng những phương tiện giao thông đã rút ngắn không gian, sự cần thiết phóng rộng tầm mắt mở lớn ra bốn phía cũng mua và đọc. Các anh đã mua rồi, đọc rồi. Các anh đã đi theo Sartre và S. de Beauvoir trong chuyến du hành sang Nga, các anh đã nghe và nhìn cái nghe cái nhìn của Sagan đứng trước Castro những ngày La Havane vừa mang râu quai nón. Các anh biết tác giả Pour qui some le glas chết như thế nào, A. Miller làm khổ Marilyn Monroe ra làm sao, cuốn sách nào đang best-seller ở Ba Lê, ở Nữu Ước, cuộc thảo luận nào bàn về cứu cánh của nghệ thuật, của văn chương mới được tổ chức, tình bạn đổ vỡ của các tác giả L'étranger, và La nausée, lý do làm cho người viết Phénoménologie de la perception rút khỏi Les temps modernes, tiền bản quyền quay phim của Le vieil homme et la mer, những chuyện lớn và chuyện nhỏ của sinh hoạt văn nghệ thế giới chiếu sáng bởi ngọn đèn thời sự đã được chúng ta theo dõi, bàn cãi, và có khi tường thuật lại trên báo chí, các anh đều công nhận là có thực chứ gì? Và tính chất lạ lùng của sự thực đập vào mắt, bổ vào đầu, chém vai vào ta mỗi tuần, mỗi tháng những nhát dao, nhát búa đau lắm. Tôi muốn nói đến cái vị trí người thưởng ngoạn văn nghệ của anh em ta. Anh em ta làm văn nghệ chứ không phải chỉ là người thưởng ngoạn văn nghệ. Trong thiên đường văn nghệ thế giới này, chúng ta đóng vai những anh thánh bé nhỏ, thánh đàn em, đóng vai người thưởng ngoạn văn nghệ, mặc dù ta đã, đang và sẽ còn làm văn nghệ. Theo dõi sự chiếu rọi của ngọn đèn thời sự văn nghệ để biết sinh hoạt của bằng hữu tốt lắm, thích lắm. Người thưởng ngoạn chỉ theo dõi sự chiếu rọi ấy. Nhưng người làm văn nghệ ở trong một vị trí khác: nó vừa theo dõi sự chiếu rọi hướng đến bằng hữu, vừa bị chiếu rọi bởi ngọn đèn, vừa mang lại thích thú vừa mang lại khó chịu đó. Nghệ thuật của Mai Thảo chiếu sáng thơ của Thái Luân, thì Bầy thỏ ngày sinh nhật của cái anh cao kều đó được soi rõ bởi những ngọn đèn khác. Dưới khu vực chiếu sáng bởi ngọn đèn thời sự văn nghệ thế giới, sự việc không xảy ra dễ chịu như thế. Báo chí ta loan báo lại, chiếu sáng lại sinh hoạt văn học nghệ thuật thế giới. Chúng ta cũng được đọc rõ bằng cả Việt ngữ những sự việc liên hệ đến cái ăn cái ngủ, cái lấy vợ lấy chồng, cái lái xe, cái in sách bán sách của những người làm văn nghệ thế giới. Nhưng ngược lại, trên những tờ báo ngoại ngữ ấy, ngoài những tin mà ta dịch lại kia chẳng còn gì khác. Tôi không nhìn thấy những tuần báo tạp chí văn học nghệ thuật thế giới nói gì về tập thơ cuối cùng của Vũ Hoàng Chương, về sự xuất hiện của Nhã ca mới hay Tỏ tình trong đêm, còn nói gì đến việc nhà văn Việt Nam này chết, nhà thơ Việt Nam kia đẻ con, nhà soạn kịch Việt Nam kia thiếu tiền dựng kịch. Một đôi lần, có nhà văn ngoại quốc viết một vài cuốn sách, dăm ba bài báo nói về Saigon, nhưng để nói về chuyện gián điệp, chuyện đảo chính, chuyện ngủ với đàn bà Việt Nam, chứ chẳng phải nói về Hiện Đại, Hành Trình, Đất nước, hay Tiếng Nói. Cái chết của Nhất Linh được những Times, Newsweek nói tới ở "thời sự chính trị" chứ không phải ở "thời sự văn nghệ".

Đấy, mới đầu theo dõi những chiếu sáng của ngọn đèn thời sự văn nghệ để biết những sinh hoạt của bằng hữu văn nghệ bốn phương thì khoái lắm. Nhưng những chiếu sáng ấy lâu quá chẳng thấy hướng tới nền văn học nghệ thuật ở xứ sở bé nhỏ mà được nhắc đến rất nhiều vì chiến tranh này, có người lâu thành quen, chẳng thắc mắc gì nhưng với tôi, sự đau xót với thời gian tăng lên gấp bội. Càng nhìn thấy đời sáng nước, càng thấy mình tối thui. Cái định luật tương phản thế đấy. Anh này sẽ gọi tôi là thằng háo danh, anh kia bảo mầy đầy tự ti mặc cảm, anh thứ ba nhìn thấy dấu hiệu của lòng yêu nước qua sự lo âu về sự phát huy ngành sinh hoạt dẫn đầu của một quốc gia. Muốn khen cũng được muốn chê cũng được. Nhưng đấy, tôi cứ nói lên cái chỗ đứng lẩn khuất trong bóng tối của văn học nghệ thuật ta. Cái chỗ đứng yên ở bên ngoài vùng ánh sáng rực rỡ của văn học nghệ thuật thế giới. Chúng ta còn phải đứng trong bóng tối như thế kia bao nhiêu lần để ngó, để nhìn, để theo dõi, để cho đau xót biết vụt lên thành ánh sáng soi chiếu? Bao giờ? Bao giờ.

Bao giờ có những tình bạn được thành hình, sự trao đổi được thể hiện, những tương quan một chiều trở thành hỗ tương?

Bao giờ nhà thơ nước ta sẽ đọc thơ ở thính phòng Pleyel, sẽ làm những chuyến đi tiếp xúc với thi sĩ Pháp, Ý hay Anh, Mỹ như Evtouchenko. Bao giờ các người làm văn học nghệ thuật Âu châu đối thoại với nền văn học nghệ thuật ta như họ đã làm với Ehrenbourg trong thời kỳ "băng rã". Các anh đều biết cả có tình bạn giữa nhà văn Pháp này và nhà văn Mỹ kia, có sự trao đổi quan điểm được đối chiếu, bổ sung giữa các nhà văn nhà thơ dù họ là thần dân của Nữ hoàng Anh Cát Lợi, dù họ là công dân của Cộng hoà Pháp hay nước Đức bị chiếm đóng. Tôi ít thấy, những bằng hữu như thế giữa một nhà văn nước ta và một nhà văn khác của thế giới, ngoài trừ trường hợp thi sĩ họ Vũ và những người đã gặp gỡ trong một hội nghị thi ca. Tình bạn không có. Những cuộc thăm viếng trao đổi không có. Việc tìm hiểu nghệ thuật của nhau cũng chỉ một chiều. Báo chí nghệ thuật của ta đã để hơn một số để giới thiệu nhà văn ngoại quốc này, kỷ niệm ngày chết của nhà văn khác. Sách của văn học nghệ thuật thế giới được phiên dịch sang Việt ngữ tuy chưa đạt tới số lượng cần thiết nhưng cũng đã có một số lượng đáng kể. Ngược lại, sách vở của ta được dịch ra ngoại ngữ có những cuốn nào? Truyện KiềuChinh phụ ngâm. Còn gì nữa? Còn cuốn nào khác nữa? Dấu hiệu rõ rệt về cái mối tương quan một chiều này, mà sự bất lợi, mà vị trí thua kém nhất định về phía ta, là các vụ xôn xao, là những tin đồn tác phẩm này sẽ được dịch ra Pháp ngữ tác phẩm kia sẽ được dịch ra Anh ngữ, cuốn sách này của Nhất Linh sẽ được dịch ra Anh ngữ, cuốn sách kia của Chu Tử sẽ được dịch ra Pháp ngữ. Nhưng rồi những xôn xao nói lên mong ước chỗ đứng mát mặt của văn học nghệ thuật ta trong thế giới, đã lắng đi, chìm rất mau lẹ, không tăm hơi như viên đá nhỏ trong biển sâu. Chúng ta nhận thấy rằng chẳng phải Gallimard này hay Hachette khác xin dịch, mà quanh đi quanh lại vẫn chỉ có Saigon Post hay Saigon Daily News. Cũng như chúng ta đã đau xót nhận thấy rằng tác phẩm lớn của Nguyễn Du và Đoàn Thị Điểm chỉ được dịch ra Pháp ngữ với tư cách tài liệu sưu tầm. Người ta phiên dịch và tìm hiểu như tay sưu tầm đồ cổ cho đủ bộ lọ Khang Hy, như nếm thử một trái cây lạ mang về từ một xứ sở xa xăm bởi một tay giang hồ mạo hiểm. Những tác phẩm dịch đó có mặt trong thư tịch của Thư viện Quốc gia, Thư viện của vài Đại học lớn, được nói tới trong một vài bài luận án của mấy anh sinh viên muốn có bằng mau lẹ để về nước làm Bộ trưởng, chứ không có mặt trong sinh hoạt văn học nghệ thuật thật của những nước đó. Giới văn học nghệ thuật Pháp, Anh không bàn đến Nguyễn Du như ta bàn đến V. Hugo hay Lamartine, Byron hay Keats. Nghĩa là ngay khi được phiên dịch, tác phẩm của văn học nghệ thuật ta vẫn đứng ở cái chỗ đứng khốn nạn ấy: hàng ghế chót của đại sảnh, chỗ chầu rìa trong thiên đường của anh thánh đàn em mà cả các thánh đàn anh, cả thượng đế, nếu có, đều không biết tên, không biến mặt.

Người biết hoài nghi mà Descartes gọi là có phương pháp, tôi gọi là đúng lúc, sẽ hỏi to: những điều anh vừa nói chẳng chứng minh được gì cả. Giải thưởng văn chương, ánh sáng của ngọn đèn thời sự, mối tương quan qua không gian của văn học nghệ thuật, tất cả những thứ này chỉ là những cái bám vào văn nghệ, chỉ là ngoại vi văn nghệ, không phải là thực chất. Đó là những cái mũ, cái áo, là chiếc vương miện, là lớp phấn son có thể làm cho nhan sắc tăng được chút ít nhưng làm sao thay thế được nhan sắc. Phụ tùng của nhan sắc, đồ trang sức chưa phải là nhan sắc. Anh không đọc lịch sử văn học hay sao. Thời gian ở trong văn nghệ cũng như trong chính trị là vị thẩm phán công minh. Ngôi sao chính trị này, nhờ sự hỗ trợ của bộ máy tuyên truyền hợp tấu giỏi, nhờ súng ống để đe doạ và tiền bạc để mua chuộc, sáng chói trên vòm trời. Thời gian mà tuyên truyền không làm mê hoặc được, súng ống và tiền bạc không khuynh đảo được, đã đặt nhiều kẻ quyền uy một thời vào chỗ ngồi của những anh hề tác hại. Văn học nghệ thuật cũng chẳng khác gì. Có những tác giả đã được giải Nobel mà nay tên tuổi chỉ còn là những bóng mờ, những âm thanh xa lạ. Ai nhớ được danh sách những vị đã được gọi là bất tử từ khi toà nhà lớn này được thiết lập tới nay? Ánh sáng của ngọn đèn thời sự văn nghệ có hơn gì giải thưởng văn chương? Thời sự có khác gì ngọn lửa rơm. Cháy lên hừng hực như vũ, như bão trong vài phút, vài giây rồi phụt tắt. Biết bao nhiêu người, biết bao nhiêu việc đã được chiếu sáng bởi ngọn đèn thời sự, ở phạm vi văn nghệ cũng như ở mọi phạm vi khác, được chiếu sáng rồi lập tức bị bỏ rơi, bị đẩy lui vào khoảng tối tăm của hậu trường quên lãng. Vả lại, lý do của sự chiếu sáng, ai còn lạ gì nữa, nhiều khi chẳng phải vì thời sự tính của người của việc, chẳng phải vì người và việc vốn dĩ sôi nổi, kỳ thú, mà chỉ vì người và việc vốn dĩ sôi nổi, kỳ thú, mà chỉ vì sự rung chuyển của chiếc đũa thần nằm trong tay vài nhà xuất bản lớn. Tác giả văn học nghệ thuật được bộ máy quảng cáo tô vẽ, thần thánh hoá như minh tinh màn bạc, tác phẩm được thổi phồng đến mức tạo ra một nhu cầu nhân tạo, một hấp lực đối với độc giả. Còn sự phiên dịch, còn sự cô độc, có phải đó là những dấu hiệu của sự yếu kém đâu. Marcel Proust đã được dịch sang Việt ngữ đâu? L'Être et le Néant đã được dịch sang Việt ngữ đâu? Có thể vì thế mà kết luận được rằng tác giả A la recherche du temps perdu kém André Maurois được chăng? Có thể kết luận được rằng Guồng máy hơn L'Être et le Néant được chăng? Giao thiệp, trao đổi thư từ, thăm viếng, có càng tốt, không có cũng chẳng mất gì. Sự cô đơn nhất định không phải là một trở ngại cho việc sáng tạo văn nghệ, hơn nữa như chính anh đã nói nhiều lần, đó là điều kiện thiết yếu, của sự sáng tạo thật.

Đúng lắm. Đúng lắm. Hoàn toàn đồng ý. Người hoài nghi sáng suốt, qua những nghi vấn ý thức vừa nêu lên đó, giúp ta đi mau vào tâm điểm của vấn đề. Chẳng bao giờ tôi khoái cái thực dụng chủ nghĩa, cái pragmatisme của W. James. Chẳng bao giờ tôi coi là đứng đắn cái quan niệm cho rằng "cái hữu ích là cái đúng thực", sự thành công, hiệu quả là tiêu chuẩn, là mực thước đo giá trị của sự thật.

Cái chân có thể hữu ích, hiệu quả điều đó không có nghĩa là hữu ích, hiệu quả, sự thành công tất yếu là chân lý nắm vững.

Bởi thế, mặc dù có một chỗ ngồi khốn nạn, mặc dù đứng trong vùng bóng tối của văn học nghệ thuật thế giới, mặc dù chẳng được giải này giải nọ, mặc dù chẳng được quảng bá rùm beng, trao đổi đúng mức, tôi chẳng bao giờ tin rằng văn học nghệ thuật của ta kém, tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng văn học nghệ thuật của ta không phải là một nền văn học xứng danh. Ở đây không có mặc cảm tự tôn, không có tự kỷ trung tâm cũng như đoạn trên không có tự ty mặc cảm.

Sự thực nó thế đấy. Tôi chưa bằng lòng về văn học nghệ thuật Việt Nam. Không một người viết nào vĩnh viễn bằng lòng về tác phẩm của nó, của bạn bè anh em và đối thủ của nó. Sự khoan khoái kéo dài này là một cái tên khác của tự mãn, hãnh tiến mà hậu quả là ngủ quên trên những vòng hoa chiến thắng, là liều thuốc độc tê liệt trí óc sáng tạo. Phóng lớn kinh nghiệm bản thân đòi hỏi sự không thoả mãn với nền văn học nghệ thuật quốc gia. Nó phải làm khác đi. Nó phải rực rỡ hơn nữa. Nó chưa làm ta thật sự bằng lòng. Cảnh giác trước sự xâm nhập của hãnh tiến, cũng như trước những khen chê hèn hạ của bọn sa-đích, anh em yên chí, điểm này tôi cẩn thận lắm. Và tôi nói rằng nền văn học nghệ thuật Việt Nam, mà tôi chưa thật sự bằng lòng, thực chất không phải là một nền văn nghệ kém, tồi, khốn nạn.

Nhìn gần ta trong đất nước này và nhìn rộng ra thế giới kia, chúng ta tự thấy chẳng có gì để hổ thẹn. Tay này bắn mũi tên: Các anh làm được gì? Mười mấy năm nay có tác phẩm lớn nào không? Tay kia múa một đường kiếm; toàn bộ văn học nghệ thuật của các anh nào có gì đâu. Quanh đi là truyện Kiều, quẩn lại mấy bài hát nói vớ vẩn.

Mười mấy năm nay không có tác phẩm lớn nào. Anh em văn nghệ vẫn nói với nhau như thế. Đó là cái sự tự vấn, tự kiểm cần thiết cho tiến bộ. Văn nghệ nói thế thì được. Các anh khác nói không được. Chính trị gia và kinh tế gia không được quyền nói gì cả. Trí thức khoa bảng càng không có quyền. Trong một cuộc phỏng vấn về giá trị điện ảnh Việt Nam cách đây tám năm, tôi đã bày tỏ ý kiến: quanh ta chẳng có cái gì ra cái gì cả. Bác sĩ không ra bác sĩ, giáo sư không ra giáo sư. Bởi thế một cố gắng như Nguyễn Long tài tử đáng gọi là thiên tài. Bây giờ mở rộng cái ý kiến cũ này ra cho tất cả văn nghệ. Chính trị gia mười mấy năm nay làm được gì? Kinh tế gia làm được gì? Trí thức khoa bảng làm được gì? Các nhà kinh tế còn gì để trả lời khi tác phẩm của họ là sự lạm phát tiền tệ, chế độ xuất nhập cảng dung dưỡng đặc quyền, chợ đen và thối nát. Trí thức khoa bảng chỗ ngồi ở đại học này đại học kia với sứ mạng sưu tầm, khám phá, phát minh, hãy trả lời đàng hoàng câu hỏi này đi. Sưu tầm đâu, khảo cứu đâu, khám phá, phát minh đâu? Các anh làm được việc gì trong việc đóng góp vào việc tìm hiểu các cơ cấu nguyên tử, các anh tìm được phương pháp giải phẫu nào, tìm được thần dược nào, các anh mở mang được gì cho hình học vị tướng, thuyết các nhóm, thuyết các tập hợp, thiết lập được hệ thống triết học nào, thực hiện tìm kiếm văn học sử nào? Hay một số đáng kể trong các anh, cũng như mấy tay chính trị kia, lo cãi cọ về chiếu trên chiếu dưới, tranh chấp về quy chế giảng nghiệm viên, giảng sư, giáo sư, tìm cách xếp đặt thời khắc biểu để sau khi dạy ở đại học này đi dạy thêm hai ba đại học khác như giáo sư tư thục chạy trường, ca sĩ chạy phòng trà, ca-ve chạy bàn. Về phương diện con người, một số đáng kể chúng tôi, văn nghệ, cũng chẳng hơn gì ai. Nhiều anh em chúng tôi, có tôi, cũng sợ độc tài, cũng thoả hiệp bần tiện, và sau đó cũng nói phét nói lác ba lăng nhăng, xí xộ. Một số chúng tôi cũng tham tiền như chính khách ăn cắp, ở một tỷ lệ nhỏ hơn, tất nhiên, cũng hống hách xì xằng, như mấy anh cầm quyền, nhưng ít tai hại hơn, cũng khiếp nhược như trí thức khoa bảng. Nhưng đấy, đặt cái con người xương thịt này sang một bên, xét đến vấn đề công việc, tác phẩm thì quả thực văn học nghệ thuật, từ điện ảnh của Hoàng Anh Tuấn đến tuỳ bút của Mai Thảo, từ feuilleton của Lê Xuyên đến nhận định của Nguyễn Văn Trung, văn nghệ không có gì để hổ thẹn cả. Tác phẩm của văn học nghệ thuật Việt Nam, trong mười mấy năm qua, đối chiếu với các ngành sinh hoạt khác điển hình như chính trị, giáo dục, đại học, đối chiếu với toàn thể xã hội trong đó chẳng có cái gì ra cái gì cả, không biết có lớn hay không phải đợi sự thẩm định của thời gian, nhưng chắc chắn không có gì để hổ thẹn cả. Tác phẩm của Nguyễn Mạnh Côn, tuỳ bút của Mai Thảo, thơ của các nhà thơ hiện viết cho Tiếng nói có thể còn xa chỗ kiện toàn nhưng chắc chắn không thua kém bất cứ đòn phép nào thoát thai từ sách lược chính trị của các nhà chính trị xứ ta, không thua kém kết quả của chính sách kinh tế kể từ Nguyễn Ngọc Thơ đến Âu Trường Thanh, không thua kém bất cứ công trình sưu tầm, khám phá phát minh nào mà chúng ta hằng kỳ vọng ở các tay trí thức khoa bảng vì những công trình đó đến nay, chưa có gì đáng kể.

Đối chiếu với văn học nghệ thuật thế giới, niềm tin tưởng của tôi càng đoan chắc. Gạt bỏ mọi tự ái quốc gia, khởi thảo và tiến tới những tìm kiếm tỷ giảo văn chương, chúng tôi không ngần ngại bênh vực những Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Huy Cận. Chúng tôi đã làm những cuộc so sánh khách quan. Trong những ngày tháng kéo dài từ năm năm nay cho đến khi tờ Tiếng nói xuất bản, chúng tôi, một số những người làm thơ, thường xuyên gặp gỡ nhau đề bàn cãi, để cố ý thức rõ những lý thuyết thi ca của những Rabelais, Malherbe, Corneille, Racine, V. Hugo, Beaudelaire, Verlaine, Rimbaul, Valéry, Claudel, Eluard…

Chúng tôi đã duyệt xét lại từ cái quan điểm "thi ca là vũ điệu" của một Malherbe đến quan niệm cho rằng thơ là "ngôn ngữ trong ngôn ngữ", quan niệm chữ sự vật (mot-chose) của những Valéry, Sartre. Những tìm hiểu đào sâu, những ý thức phóng tới đó được mang ra đối chiếu với thi ca của tác giả Truyện Kiều, với tiếng khóc bạn của thi sĩ đất Quế Sơn, với cơn say thần thánh của người núi Tản, sông Đà. Và kết luận tìm thấy cho phép hãnh diện, lạc quan. Nếu chúng ta phải cúi đầu đau xót khi bàn tới cuộc khám phá không gian, sự đẩy mạnh kỹ nghệ nặng, ổn định kinh tế, thì ngược lại, ở trong phạm vi này, ở văn học nghệ thuật này, với lâu đài tác phẩm của những thế kỷ 18, 19 và 20 này, chúng ta có thể ngẩng đầu cao, nhìn thẳng.

Nhận định này hiển nhiên đưa tới thắc mắc lớn: tại sao với nền văn học nghệ thuật cho phép ngẩng đầu, nhìn thẳng đó, văn học nghệ thuật ta, trong hội lớn của văn học nghệ thuật thế giới, phải đứng ở chỗ quá khiêm tốn của tủi hổ, tối tăm. Tại sao ta lại đứng ở chỗ tồi, khốn nạn. Tại sao?


*


Văn học nghệ thuật không tồi, đối chiếu các anh em bây giờ với các ngành sinh hoạt khác của quốc gia, đối chiếu toàn bộ với văn học nghệ thuật thế giới, tại sao chỗ của nó lại kém thế?

Câu trả lời, các anh hãy kiên trì chấp nhận, đau xót thế này đây: văn học nghệ thuật ta, trong thế giới, chỉ có chỗ đứng mà quốc gia nó có. Và tôi nghĩ chân thành rằng: văn học nghệ thuật thế giới hiện bị chi phối bởi một khuynh hướng kỳ thị vô thức.

Tôi chẳng bao giờ ngừng tin tưởng rằng dân tộc ta là một dân tộc lớn, suy sụp trong hiện tại nhưng đã hiên ngang trong dĩ vãng, nước ta là một quốc gia phì nhiêu mà sự khai thác chưa được thực hiện đúng mức. Nhưng đấy, bây giờ, ta cần ý thức rõ rệt rằng đất nước đang bị bê bết lắm. Những từ ngữ "chậm tiến", "thiếu mở mang", "đang phát triển", "tiểu nhược quốc", có thể, với nhiều người, đó là những vỗ về an ủi, nhưng với tôi, tất cả chỉ là những cái tát sỉ nhục. Tôi chẳng bao giờ quên được một buổi chiều ngồi trên thềm cửa, nhìn xe chạy ngoài phố, thằng con tôi hỏi tôi về nhãn hiệu của những chiếc xe chạy qua. Tôi trả lời chính xác: Dauphine, Volkswagen, Mercedes… Sau đó, vì sự thúc đẩy của trí tò mò nhi đồng, nó đòi tôi cho biết tên những quốc gia chế tạo các xe có những nhãn hiệu đó. Tôi tiếp tục cuộc chơi: Dauphine của Pháp, Fiat của Ý, Mercedes của Đức… giữa cuộc chơi, đứa bé hỏi: Thế xe nào của Việt Nam hở bố? Tôi im lặng, xoa đầu đứa con rồi bỏ vào trong nhà hút thuốc lá. Tôi chẳng thể nào quên được đã la mắng vô lý con tôi vì nó hát với những lời ca sửa chữa lại bài "Suy tôn Ngô Tổng thống" rồi ít tháng sau lại la mắng nó vì nó hát đúng. Cái phản ứng của sự sợ hãi đấy mà: mấy tháng trước nó đổi lời ca có thể gây ra nguy hiểm, mấy tháng sau nó hát đúng lời ca có thể gây ra nguy hiểm. Ngòi bút quen bàn về thời sự, về những vấn đề kinh tế, xã hội chính trị, qua những kinh nghiệm thê thảm đó sẽ rút tỉa những ghi nhận đại loại như: Nước ta nghèo lắm. Kinh tế của ta chưa mở mang. Dân chủ, tự do ta không có. Trong khi cuộc chạy đua không gian đốt ngọn lửa hào hùng bừng trong thế giới, ta vẫn di chuyển bằng xe thổ mộ, ta vẫn nhập cảng xe mobylette, ta vẫn mừng rỡ khi mua được vài món đồ hộp phế thải, ta vẫn có những người vì quyền lợi không muốn có bầu cử tự do.

Địa vị của nước ta trên thế giới hiện nay, một nước ở trong tình trạng kinh tế viện trợ, thuộc địa cũ, sự phân hoá chính trị đến mức cùng cực, chiến tranh tàn phá thập nhị sứ quân, cắt nghĩa được một phần nào cái chỗ trống, tồi tệ của văn học nghệ thuật ta trên thế giới.

Các anh sẽ hỏi thế giới thiếu gì nước bé nhỏ, thiếu gì thuộc địa cũ, thiếu gì nước chậm tiến mà văn học nghệ thuật của họ vẫn chiếu sáng rực rỡ bởi những ngọn đèn thời sự văn học nghệ thuật? Nước chậm tiến Ấn Độ này chẳng được giải thưởng Nobel đó sao? Khổng Tử, Lão Tử vẫn có mặt đều đặn trong gian ngoài của những tiệm sách lớn Tây phương. Tiểu thuyết Trung Hoa, Nhật Bản được phiên dịch đều, các nhà văn Pháp, Nhật chẳng hạn đã hơn một lần trao đổi gặp gỡ hội thảo diễn thuyết. Anh quên nền văn nghệ da đen với A. Cesaire, R. Wright, Langston Hughes, L. S. Senghor, rồi hay sao? Anh đã đọc bài "Orphée noire" của Sartre chưa? Đúng. Tất cả những câu hỏi này đúng cả. Nhưng chúng ta hãy nhìn kỹ mà coi. Trung Hoa, Ấn Độ, chậm tiến về kỹ nghệ nhưng vẫn là những khối dân số khổng lồ. Những quốc gia này, với hàng trăm triệu người, liên tục đòi hỏi Tây phương chú ý đến sự có mặt nặng nề của họ. Bởi thế, văn học nghệ thuật của họ, ít nhiều được kể tới, được chiếu cố. Còn những nước nhỏ, phần lớn đều đứng ở những chỗ kế cận với văn học nghệ thuật nước ta. Các nhà văn da đen, hầu hết, đều viết bằng Anh ngữPháp ngữ. Ngay chính Tagore cũng viết bằng tiếng Anh. Cho nên những nhà văn đen này đã được trắng hoá. Cũng như những Phạm Duy Khiêm, như Phạm Văn Ký, những nhà văn vàng đã được trắng hoá vì họ đều viết bằng Pháp ngữ. Họ thuộc về văn học nghệ thuật Pháp, không phải văn học nghệ thụât Việt Nam. Quốc gia nhỏ bé Do Thái, tan tác trong lịch sử, văn học nghệ thuật của họ vẫn có chỗ đứng quan trọng, vì nó trắng đấy. Văn chương Ả Rập được chiếu cố đến vì số lượng quốc gia và số lượng người nói viết tiếng Ả Rập không phải là ít.

Cho nên tôi nói rằng: có một khuynh hướng kỳ thị, không phải là sự kỳ thị. Không, chẳng có lẽ nào những người anh em cầm bút đã biết phản kháng cuộc chiến tranh Algérie, cuộc đàn áp Budapest, đã biết chống đối lại những kì thị của Hitler, đã lớn tiếng về vấn đề da đen ở Hợp chúng quốc lại có một chủ trương kỳ thị. Đúng, không có một chủ trương kỳ thị nào cả. Nhưng, từ thế kỷ 19, sự phát triển của những chủ nghĩa thực dân, sự phát triển đế quốc, chính trị, kinh tế và quân sự. đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển những đế quốc văn học nghệ thuật. Sinh hoạt trong thế giới văn học nghệ thuật có tư thế đế quốc đó, các anh em văn nghệ của ta đã có một khuynh hướng kỳ thị mà không biết, có một khuynh hướng kỳ thị vô thức. Ta hãy nhìn vấn đề này một cách kỹ lưỡng. Chất liệu để sáng tạo của hoạ sĩ là sơn, là mầu, chất liệu sáng tạo của nhạc là âm thanh. Chất liệu của sự sáng tạo văn chương là ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ đáng buồn ghê, luôn luôn tuỳ thuộc vào vị trí của một quốc gia trên thế giới. Có tiếng nói của nước lớn và tiếng nói của một nước nhỏ. Có tiếng nói của nước đông dân và nước ít dân, quốc gia đã phát triển về kinh tế, kỹ thuật, quân sự và quốc gia còn kém về các phương diện đó. Có ngôn ngữ của nước đô hộ và nước bị đô hộ. Trên đất nước này, còn ai lạ gì cái địa vị siêu đẳng, quý phái mà một số đồng bào ta thường dành cho ngôn ngữ của các quốc gia mạnh về kinh tế và quân sự, của các đế quốc trắng và đỏ. Trí thức khoa bảng của ta, trước đây và cả bây giờ, nói tiếng Pháp, tiếng Anh với nhau. Người này tôn kính Pháp ngữ vì đó là con đường đưa tới cửa các toà công sứ, khâm sứ hoặc toàn quyền. Người khác bập bẹ Anh ngữ vì có sở làm, vì ích lợi cho việc thương mãi, ngoại giao. Địa vị thực dụng chiếm giữ được bởi ngôn ngữ của các quốc gia Tây phương là cái đà mạnh của sự phát triển văn học nghệ thuật Tây phương. Các người làm văn học nghệ thuật ta, ở chỗ này cố trau dồi Anh ngữ Pháp ngữ, chỗ kia, Nga ngữ, nhưng có nhà văn Pháp nhà văn Mỹ hay Nga nào học Việt ngữ để đọc Người Việt đáng yêu đâu. Có những vị quan cai trị, những nhà ngoại giao, những nhà quân sự cố gắng học ít tiếng "bản xứ" này vì những mục tiêu vụ lợi lớn và nhỏ, như việc chinh phục dễ dàng với người này, mua bán tiện lợi với người khác. Học Việt ngữ, để đọc nhà văn này, để rung động với nhà thơ khác, là một ý tưởng chắc chắn không bao giờ hiện ra trong trí tuệ của những nhà văn hoá dù họ là Sartre, B. Russell, A. Miller hay Evtouchenko. Satre có thể hoặc đã làm, hoặc muốn làm cái việc đọc Dos Passos bằng Anh ngữ, Evtouchenko có thể đã thử đọc Eluard nguyên tác, nhưng có nhiều hy vọng họ không biết đến Nguyễn Du và cũng chẳng bao giờ nảy ra ý muốn, dù chỉ là ý muốn, đọc các nhà văn nhà thơ ta qua nguyên tác. Các người làm văn học nghệ thuật Tây phương này chắc chắn không có một quan niệm kỳ thị. Vả lại họ có thể biện bạch: Không thể học tất cả các thứ tiếng để học văn của mỗi nước. Tôi cũng chẳng nghĩ như thế bao giờ. Nhưng đấy, tôi chỉ muốn nói đến sự thực đơn giản này: Chỗ đứng sáng chói của Tây phương trên thế giới ngày nay, Tây phương Mỹ cũng như Nga, Anh cũng như Pháp, đã mang lại cho văn học nghệ thuật của họ cái chỗ đứng sáng chói. Và trong vùng sáng chói loà đó, dù không chủ trương ý thức và hữu ý, các nhà văn học nghệ thuật Tây phương vẫn bị lóa mắt, không còn nhìn thấy trong vùng bóng tối, do đó chỗ đứng của văn học nghệ thuật của các nước nhỏ, đã hoặc đang bị trị, nghèo đói, trong đó có ta, đã bị lệch lạc vì chỗ đứng của quốc gia, lại càng lu mờ hơn nữa vì khuynh hướng kỳ thị vô thức.

Chỗ đứng tồi, kém và khốn nạn này làm cho buồn, làm đau phát khóc. Nhưng không có vấn đề bi quan, tuyệt vọng. Anh em chúng tôi chẳng bao giờ tin rằng chỗ đứng yếu kém của văn học nghệ thuật ta, cũng như chỗ đứng suy sụp của dân tộc là hiện tại, là một định mệnh. Sự duyệt xét ý thức của anh em chúng tôi nói lên cái tin tưởng dõng dạc: văn học nghệ thuật và dân tộc ta không dừng mãi ở chỗ này. Và sự di chuyển, sự đổi thay đã bắt đầu ngay từ ý thức tàn nhẫn về thất bại. Sự đổi thay của dân tộc sẽ mang lại sự di chuyển của văn học nghệ thuật. Ngược lại, làm cho văn học nghệ thuật di chuyển, đổi mới thoát xác trong thực chất và sáng rõ trong chỗ đứng, chắc chắn sẽ là động lực có sức mạnh, khoẻ hơn cả kinh tế, quân sự, chính trị, làm cho đất nước hồi sinh, dân tộc vạm vỡ, tổ quốc bình phục.
Nguồn: Nguyên Sa, Má»™t bông hồng cho văn nghệ, NXB Trình Bày, Sài Gòn, 1967. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.