© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: 240 năm sinh Nguyá»…n Du (1765-1820)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
5.12.2005
Đổng Văn Thành
So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam
3 kì
Phạm Tú Châu dịch
 1   2   3 
 
Bài viết sau đây của tác giả Đổng Văn Thành, Giáo sư Văn học Trung Quốc tại Trường đại học Liêu Ninh, đuợc công bố lần đầu trên Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, số 4 (tháng 6.1986) và số 5 (tháng 9.1987). Theo nhà nghiên cứu Đài Loan Trần Ích Nguyên, Đổng Văn Thành là học giả Trung Quốc đầu tiên đã nghiên cứu so sánh giữa Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du. Trước đó, từ năm 1984, tác giả đã nghiên cứu chuyên sâu về Kim Vân Kiều truyện. Các kết quả nghiên cứu về đề tài này về sau được ông tập hợp trong cuốn Thanh đại văn học luận cảo (Nxb. Xuân phong văn nghệ, Thẩm Dương 1994), bao gồm các phần khảo văn bản, bổ sung khảo văn bản Kim Vân Kiều truyện, diễn tiến của câu chuyện, khảo nguyên hình nhân vật, xây dựng hình tượng bi kịch của Vương Thúy Kiều, so sánh Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam (thượng, hạ) và mối quan hệ với văn học Giang Hộ hậu kỳ của Nhật Bản. [1]
Bản dịch tiếng Việt của bài viết “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam” đã được nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu thực hiện cách đây khoảng mười năm, từ đó chỉ lưu hành dưới dạng bản thảo đánh máy và vừa rồi mới được in trong cuốn 200 năm nghiên cứu bàn luận “Truyện Kiều”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2005. Mặc dù không được công luận văn học rộng rãi biết đến, bài viết so sánh từ ngòi bút của học giả Trung Quốc này đã gây ra những chấn động lớn trong giới nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam, đến mức có nhiều công trình về Truyện Kiều và Nguyễn Du ra đời ở Việt Nam từ thời điểm này trên thực tế là những “đối thoại ngầm” với tác giả Đổng Văn Thành, và chỉ ở một số ngoại lệ là những tranh luận trực diện như bài viết mới đây của nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi (talawas, 02.12.2005). Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Đổng Văn Thành qua bản dịch tiếng Việt của Phạm Tú Châu để rộng đường dư luận.
talawas
Phần I

Vào cuối đời Minh, đầu đời Thanh, trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc xuất hiện cuốn tiểu thuyết chương hồi Truyện Kim Vân Kiều do Thanh Tâm Tài Nhân biến tứ. Sau đó 160 năm, nhà thơ Việt Nam Nguyễn Du dùng hình thức thơ ca dân tộc “thể lục bát” của Việt Nam và thứ chữ của Việt Nam – chữ Nôm – để cải biên tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân thành một truyện thơ có cấu trúc lớn, tên lúc đầu là Đoạn trường tân thanh, sau đó lưu truyền rộng rãi bằng tên Truyện Kim Vân Kiều. Tác phẩm cùng tên của Trung Quốc và Việt Nam ấy phân biệt rõ về mặt hình thức bề ngoài: một đằng là tiểu thuyết Hán văn, một đằng là thơ trường thiên Việt Nam. Vì vậy việc so sánh hai tác phẩm ấy để qua đó nhận thức mối quan hệ giữa chúng, nhận thức chỗ được, chỗ mất về mặt sáng tác của mỗi bên là một vấn đề rất có ý nghĩa.


I. Hai tác phẩm cùng tên có số phận khác nhau

Những năm 60, hồi học khoa Trung văn trường đại học, qua giáo trình văn học nước ngoài, tôi được biết ở Việt Nam có một truyện thơ nổi tiếng thế giới gọi là Truyện Kim Vân Kiều. Từ đó tên Truyện Kim Vân Kiều – viên ngọc sáng của văn học phương Đông, in vào ký ức tôi. Sau đó, qua bài giới thiệu của ông Hoàng Dật Cầu, người dịch truyện thơ đó ra Trung văn, tôi mới biết truyện thơ ấy vốn dĩ là cải biên dựa trên tiểu thuyết thông tục của Trung Quốc đã thất truyền ở trong nước. Vì truyện thơ đó có quan hệ máu thịt với văn học của tổ quốc cho nên tôi rất hứng thú với cuốn sách đó, không những đã đọc bản dịch của ông Hoàng Dật Cầu mà còn luôn lưu tâm đến bài giới thiệu của nhiều người khác. Năm 1965, sau khi đọc bài “Nguyễn Du, nhà thơ kiệt xuất của Việt Nam và Truyện Kim Vân Kiều của ông” do Lưu Thế Đức và Lý Tu Chương viết chung, tôi càng có ấn tượng sâu về truyện thơ nổi tiếng này. Theo bài đó giới thiệu, truyện thơ này có ảnh hưởng lớn đến mức thực sự khiến cho người ta kinh ngạc: phần lớn người Việt Nam đều thuộc mấy câu, thậm chí mấy đoạn truyện thơ. Câu chuyện về cô gái Trung Quốc Vương Thúy Kiều trở thành đề tài cho văn học dân gian Việt Nam với đủ mọi hình thức “vịnh Kiều”, “phú Kiều”, “tế Kiều” bằng thơ, văn xuôi hay câu đốI, đến “tập Kiều”, “đố Kiều” không sao kể xiết. Trong dân ca, truyền thuyết dân gian, truyện dân gian ở nhiều nơi trên đất Việt Nam đều có thể thấy ảnh hưởng sâu rộng của Truyện Kim Vân Kiều. Kịch nói, cải lương và chèo của Việt Nam càng thường xuyên diễn tích Kiều, toàn bộ hay trích đoạn; có những vở Thúy Kiều du xuân, Thúy Kiều bán mình, Hoạn Thư đánh ghen, Kiều tập I, II, III, v.v… đủ thấy hình tượng Vương Thúy Kiều của Trung Quốc được dân chúng Việt Nam đồng tình và yêu mến sâu sắc. Truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du đã được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Tiệp và nhiều tiếng nước khác, trở thành một tác phẩm văn học phương Đông có ảnh hưởng trên thế giới. Đó không thể không nói là sự may mắn của Nguyễn Du.

Muốn phát triển nền văn học xã hội chủ nghĩa ở nước ta, chúng ta cần phải học tập và tham khảo di sản ưu tú của nước ngoài, nhưng cũng không nên lãng quên gốc gác mà nên tôn trọng và kế thừa di sản văn học ưu tú của dân tộc mình. Dựa trên tinh thần đó, từ lâu tôi đã mong có ngày nhìn thấy Truyện Kim Vân Kiều, cuốn tiểu thuyết Trung Quốc nghe nói đã thất truyền ở trong nước. Năm 1981 bất ngờ phát hiện ra cuốn sách đó ở thư viện Đại Liên, nỗi vui mừng của tôi thật không sao hình dung nổi. Tôi đọc một hơi hết cả cuốn sách và lập tức nảy ra ý nghĩ muốn so sánh nó với Truyện Kiều của Việt Nam.

Trước hết tôi so sánh chúng về mặt phản ứng của giới nghiên cứu: Truyện Kiều của Việt Nam được giới nghiên cứu Việt Nam tôn là tác phẩm thành công nhất, lớn nhất, điển hình nhất trong toàn bộ văn học Việt Nam (xem Trên đường học tập và nghiên cứu của Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam Đặng Thai Mai, tr. 233, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1955 [2] . Sau khi truyện dịch sang Trung văn, giới nghiên cứu nước ta cũng đánh giá rất cao, gọi là “tác phẩm lớn vạch thời đại”, “toàn vẹn không khuyết” (xem Hoàng Dật Cầu: “Nguyễn Du, nhà thơ Việt Nam và kiệt tác Truyện Kim Vân Kiều của ông”, đăng trên Học san Học viện Sư phạm Hoa Nam, số 4-1958). Phó Giáo sư Trường Đại học Liêu Ninh Trương Triều Kha trong sách Sơ giản Lịch sử văn học Á Phi do ông biên soạn, viết: “Nguyễn Du là nhà thơ nổi tiếng có địa vị quan trọng trong văn học sử Việt Nam. Tác phẩm tiêu biểu Truyện Kim Vân Kiều của ông phản ánh thành tựu cao nhất trong sáng tác văn học cổ điển Việt Nam. Tác phẩm ở Việt Nam luôn được coi là mẫu mực cao nhất về thơ ca bằng chữ quốc ngữ” (tr. 496). Ông còn dẫn chứng một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, trong sách Bác Hồ của chúng ta dặn dò các đồng chí gần gũi bên mình: “Các chú nên tìm hiểu và học thuộc Truyện KiềuChinh phụ ngâm mới được, đó là những tác phẩm văn học nổi tiếng của nước ta”. Để chứng minh Truyện Kiều của Nguyễn Du được coi trọng như thế nào, Giáo sư Trương còn viết: “Người dân Việt Nam so với Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều, với Pushkin của Nga, Balzac của Pháp và Tào Tuyết Cần của Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ đầy đủ rằng Nguyễn Du chiếm vị trí quan trọng trong văn học sử Việt Nam” (sđd, tr. 516).

Ngoảnh đầu nhìn tiểu thuyết Truyện Kim Vân Kiều của Trung Quốc, số phận của nó cũng như số phận Vương Thúy Kiều – nhân vật chính trong truyện, bấy lâu nay đã bị đối xử rất không công bằng.

Trước hết, cuốn sách của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân bị vùi lấp hàng mấy thế kỷ trong văn học sử Trung Quốc; từ cuối đời Thanh cho tới những năm 50 của thế kỷ XX, cuốn tiểu thuyết ấy hầu như được ít người biết đến. Trong tất cả các sách về lịch sử tiểu thuyết, lịch sử văn học, kể từ cuốn Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc của Lỗ Tấn đến nay, đều không có đến nửa chữ giới thiệu về nó. Thứ hai, ông Tôn Khải Đệ, chuyên gia nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc, người sớm nhất nhắc đến nó trong sách Thư mục tiểu thuyết được thấy ở Tokyo – Nhật Bản, xuất bản năm 1932, lại coi nó là điển hình của những tác phẩm kém cỏi. Ông nghiêm khắc chê bai: “Dựa vào sự việc của Thúy Kiều mà viết cho sáng rõ ra – vốn có thể mở một thế giới khác ngoài lối tiểu thuyết cũ rích in hệt nhau, tiếc rằng lực hút của tác giả quá yếu, không thể mang lại sức sống cho Thúy Kiều. Còn việc Thúy Kiều nhảy xuống sông tự trầm vốn là kết cục rất tự nhiên, có thể viết rất hay, thế mà tác giả lại cố ý xóa nhòa sự thực, cho nàng được người cứu sống, trả lại đoàn viên. Nhân đấy than thở cho kẻ tục trong đời, thật là muốn chữa chạy cũng chữa không nổi. Người xưa tiết hạnh lạ kỳ đến thế, không may lạc vào sách của kẻ tầm thường nên cảnh tượng mới ra như vậy”.

Cuốn sách hầu như bị sổ toẹt, từ đó tiếng xấu lan xa trong ngoài nước. Lúc được phát hiện thì đồng thời cũng là lúc dường như bị phán quyết án tử hình, Truyện Kim Vân Kiều khó mà thay đổi được số phận đáng buồn là bị vứt bỏ. Sau khi người Trung Quốc tự đẩy cuốn tiểu thuyết của mình xuống vực, học giả nước ngoài nghiên cứu văn học Trung Quốc càng không thèm để ý đến nữa. Nếu không có Nhà xuất bản Xuân Phong văn nghệ in lại tiểu thuyết đời Minh–Thanh, hẳn bộ tiểu thuyết này còn bị ngăn cách với bạn đọc lâu hơn nữa.

Phải chăng tác giả Trung Quốc Thanh Tâm Tài Nhân – con người “tầm thường”, “không thể cứu chữa” – đã làm hỏng đề tài Vương Thúy Kiều đến nỗi không một chỗ nào coi được, phải hoàn toàn nhờ sự gia công “thiên tài” của tác giả Việt Nam Nguyễn Du mới biến miếng sắt bỏ đi thành vàng ròng lấp lánh? Muốn trả lời câu hỏi này tất phải trải qua sự so sánh kỹ càng. Tôi bước đầu đã làm như thế. Bản nền tôi căn cứ là bản phồn [3] Truyện Kim Vân Kiều gồm 20 hồi khắc in đầu đời Thanh, tức là bản mà Nhà xuất bản Xuân Phong văn nghệ dựa vào để in, còn bản Truyện Kiều Việt Nam để so sánh là truyện thơ Kim Vân Kiều do ông Hoàng Dật Cầu dịch ra Trung văn, dù bản dịch của ông Hoàng so với truyện thơ Việt Nam khó tránh khỏi có chỗ sai biệt. Ngoài ra tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân có một loại bản rút gọn tên là Song hòa hoan, cũng 12 hồi như số quyển của Truyện Kiều Việt Nam [4] , có lẽ có mối quan hệ trực tiếp hơn với truyện thơ của Nguyễn Du. Hiện tôi chưa được thấy loại bản đó, đành chỉ dùng loại bản 20 hồi để tiến hành so sánh.


II. So sánh nhân vật và cốt truyện

Để tránh chủ quan, dưới đây trích dẫn lời giới thiệu nội dung cuốn sách của người khác để giúp cho việc so sánh.

Về tiểu thuyết Truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, bài “Tuyển lời tựa bạt tiểu thuyết đời Minh–Thanh” do bộ phận tham khảo thư viện Đại Liên biên soạn (Nhà xuất bản Xuân Phong văn nghệ, in lần thứ nhất, tháng 5 -1983) có giới thiệu như sau:

“Sách lấy tên Kim Vân Kiều là do hợp nhất tên của ba nhân vật Kim Trọng, Vương Thúy Vân, Vương Thúy Kiều, như cuốn Kim Bình Mai, Bình Sơn Lãnh Yến vậy. Cốt truyện lấy Vương Thúy Kiều làm đầu mối chính, xen với sự kiện lịch sử Từ Hải quy hàng rồi bị giết chết. Đại ý như sau: khoảng năm Gia Tĩnh đời Minh, cô gái nhà lành ở Lâm Thanh là Vương Thúy Kiều thoạt đầu thề ước hôn nhân với thư sinh Kim Trọng, chẳng bao lâu Kim Trọng vì việc nhà phải xa nhau rồi cha Thúy Kiều mang họa bị bắt giam. Để cứu cha già, mẹ yếu, em còn nhỏ dại, Thúy Kiều bán mình chuộc cha, bị lừa rồi luân lạc làm gái làng chơi. Trong chốn lầu xanh, nàng quen biết thư sinh Thúc Chính, chàng chuộc nàng tòng lương. Vợ cả của Thúc rất ghen, giam lỏng nàng trong gian nhà riêng sai viết kinh, Thúy Kiều thừa cơ bỏ trốn nương nhờ sư bà Giác Duyên; rồi vì lo ngại không ở yên được, lại bị lừa bán làm gái lầu xanh lần nữa, may thay tướng cướp Từ Hải dắt về tôn làm phu nhân. Từ Hải cai quản một vùng biển thanh thế rất lớn, nhiều lần đánh bại quan quân, Thúy Kiều mượn thế lực của Từ Hải trả được thù. Nhiều lần nàng khuyên Từ Hải quy hàng quan phủ, Từ Hải nghe theo. Nhưng quan phủ nuốt lời, Từ Hải bị giết, Thúy Kiều phẫn chí nhảy xuống sông Tiền Đường, được sư Giác Duyên cứu sống. Vừa hay Kim Trọng đi khắp nơi hỏi thăm tin tức Thúy Kiều và khóc điếu nàng ở vùng biển, tình cờ gặp Giác Duyên mới biết nàng còn sống. Lúc ấy, Thúy Vân theo lời chị dặn buổi chia tay đã lấy Kim Trọng thay chị để khỏi phụ lòng ước hẹn trước kia. Sau khi Kim – Kiều đoàn tụ, Kim Trọng đòi nàng thành hôn, song Thúy Kiều chỉ bằng lòng kết nghĩa vợ chồng trên danh nghĩa mà không chung phòng làm cái việc của vợ chồng. Sách này văn chương khá đẹp, tình tiết cảm động, không có những miêu tả dâm uế”.

Xét đoạn giới thiệu trên đây, lời lẽ tương đối ngắn gọn, về cơ bản khái quát được hành động nhân vật và nội dung cốt truyện của cả cuốn sách. Song có hai chỗ lầm: một là nguyên quán Thúy Kiều ở Bắc Kinh chứ không phải Lâm Thanh; hai là người Thúy Kiều quen biết ở chốn lầu xanh là thư sinh Thúc Thủ chứ không phải cha chàng là Thúc Chính. Ngoài hai điểm cần cải chính trên đây, trong đoạn giới thiệu vừa nhắc chỉ có một điểm hơi xuất nhập với Truyện Kiều của Việt Nam, ấy là chi tiết Thúy Kiều cuối cùng “chỉ bằng lòng kết vợ chồng với Kim Trọng trên danh nghĩa mà không chung phòng làm việc của vợ chồng” thì truyện thơ Việt Nam viết tương đối hàm súc hơn. Ngoài ra, không còn chỗ nào không giống, nghĩa là nói sau khi sửa hai điểm sai nói trên, đoạn giới thiệu vừa nhắc tới hoàn toàn có thể dùng để thuyết minh cho nội dung Truyện Kim Vân Kiều bằng thơ của Nguyễn Du, không sai một chữ.

Cũng như vậy, phần giới thiệu nội dung truyện thơ của ông Hoàng Dật Cầu trong lời ghi chép sau khi dịch Truyện Kiều [5] của Nguyễn Du, cũng hầu như hoàn toàn có thể dùng để giới thiệu nội dung cuốn tiểu thuyết cùng tên của Thanh Tâm Tài Nhân. Ông Hoàng chia ra toàn bộ cốt truyện thành 6 đoạn lớn:

Đoạn thứ nhất, từ quyển 1 đến quyển 3, kể về gia đình một sĩ phu sa sút là Vương Viên ngoại. Ông có ba người con, cả trai lẫn gái. Trai út là Vương Quan, chăm chỉ hiếu học; chị cả Thúy Kiều, chị hai Thúy Vân đều vô cùng xinh đẹp. Đoạn này đặc biệt mô tả sự thông minh tài nghệ của cô lớn để bạn đọc trước hết có ấn tượng sâu sắc về nàng. Sau đó tả hội đạp thanh trong tiết Thanh minh, Thúy Kiều điếu mồ hoang của ca kỹ Đạm Tiên, hồn ma xuất hiện tỏ ý cám ơn nàng.

Trên đường về, nàng gặp thư sinh Kim Trọng, do Vương Quan giới thiệu làm quen. Sau đó hai bên quyến luyến, đính ước trăm năm riêng với nhau. Cuối cùng Kim Trọng phải chịu tang, hai người nén đau chia tay nhau.

Xét đoạn trên, Thúy Kiều lần đầu gặp Kim Trọng “trên đường về”, còn ở Truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân thì vào lúc Thúy Kiều cùng hai em vừa kết thúc lễ viếng trước mộ Đạm Tiên. Ngoài ra, tình tiết không có gì khác.

Đoạn thứ hai từ quyển 4 đến quyển 6. Ở phần này, cốt truyện triển khai. Gia đình êm ấm của Vương Viên ngoại bị gian thương câu kết với quan phủ hạch sách, bóp nặn. Người cha và người con trai bị tống giam, Thúy Kiều bị tên lưu manh Mã Giám Sinh lừa gạt rơi vào lầu xanh, chịu đủ nỗi nhục nhã và ngược đãi của mụ dầu Tú Bà và thằng đểu Sở Khanh, sống không ra người.

Xét đoạn này cùng hồi thứ 4 cho đến cuối đoạn hai của hồi thứ 11 trong Truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, tình tiết về cơ bản như nhau. Chỉ có một chi tiết hơi khác: trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, quan lại và công sai lợi dụng việc họ Vương có dính dáng đến bọn cướp [6] , thừa cơ tra tấn người vô tội để bóp nặn tiền của, Nguyễn Du đổi thành “bị xưng xuất của tên bán tơ” làm mờ nhạt sắc thái chính trị của vụ án, đồng thời giảm nhẹ tội lỗi của quan lại và công sai. Ngoài ra, mụ dầu trong tiểu thuyết là “Tú ma” (mụ Tú) sang truyện thơ của Nguyễn Du thành “Tú Bà”.

Đoạn thứ ba từ quyển 7 đến quyển 8. Phần này tả Thúy Kiều khao khát tự do muốn thoát khỏi hố lửa và chọn người gửi thân như thế nào. Kết quả nàng lấy lẽ Thúc Sinh, con nhà giàu mà nhu nhược bất tài. Cha Thúc Sinh là người mang nặng đầu óc lễ giáo và đẳng cấp, vợ cả Thúc Sinh lại là người cả ghen, xuất thân trong gia đình quan to. Trong hoàn cảnh đen tối đó, Thúy Kiều chịu bao nỗi giày vò; trong lúc đó tuy nàng được bà quản gia và sư Giác Duyên che chở song cuối cùng vẫn rớt xuống hố lửa, một lần nữa mua vui cho khách.

Xét đoạn giới thiệu này hoàn toàn giống tình tiết một đoạn truyện từ giữa hồi 11 đến giữa hồi 17 trong tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân.

Đoạn thứ tư, gồm quyển 9, tả Thúy Kiều sau khi bỏ trốn nhà Hoạn Thư, tá túc am ni sư, rốt cuộc vẫn không thể yên thân, thế lực xã hội đen tối một lần nữa đẩy nàng xuống địa ngục trần gian: lầu xanh. Nàng chịu mọi nỗi giày xéo, làm nhục trong cuộc sống thấp hèn nhưng không khi nào thôi khao khát tự do, hạnh phúc. Nàng rất tỉnh táo, hiểu rằng muốn giũ bỏ trói buộc, thoát khỏi hố lửa mà không có sự giúp đỡ mạnh mẽ của người đàn ông có tinh thần chính nghĩa và trách nhiệm thì không xong. Nàng nhẫn nại đợi chờ, cuối cùng một ngày kia, một anh hùng cứu vớt nàng xuất hiện. Từ Hải – người anh hùng xưng bá trên mặt biển cõi Nam, chẳng những đưa tay kéo Thúy Kiều ra khỏi hố lửa mà còn rửa sạch làu nỗi sỉ nhục mà nàng phải chịu suốt mười năm qua. Yêu ghét phân minh, ơn thù rõ rệt, Thúy Kiều được phán xử những kẻ thù của mình, từ đầu gấu, lưu manh cho đến mụ đàn bà độc ác, gã đàn ông dâm bôn; người lương thiện cũng được báo đền đầy đủ. Tình yêu của Từ Hải đối với nàng xiết bao chân thành trong trắng; chàng trân trọng, bảo vệ người mình yêu, khác hẳn những kẻ thuộc giai cấp bóc lột quen bỡn cợt đàn bà. Thúy Kiều gửi gắm tất cả lý tưởng và tình yêu thuần khiết của mình cho nhân vật anh hùng này. Trong cuộc sống hàng ngày, nàng luôn luôn biểu lộ tình yêu chân thành của mình, bày tỏ niềm hân hoan sau khi được sổ lồng”.

Xét đoạn giới thiệu trên đây, mấy câu mở đầu lặp lại một nội dung của quyển trước, còn phần sau hoàn toàn giống nhau với đại ý tình tiết đoạn truyện từ giữa hồi 17 đến giữa hồi 18 của Thanh Tâm Tài Nhân.

Đoạn thứ năm, trọn quyển 10, viết về Từ Hải sau khi nghe lời khuyên của Thúy Kiều, khuất phục trước đạo đức phong kiến trung hiếu công danh, đầu hàng quan quân; nhưng cái gọi là quan quân do Hồ Tôn Hiến đứng đầu ấy chỉ là một lũ hũ rượu, túi cơm, u mê, bất tài. Chúng không thắng được bằng chiến trận đành thi hành âm mưu quỷ kế, lợi dụng Thúy Kiều, tấn công vào nhược điểm “chồng sang vợ hiền” theo quan niệm phong kiến, nhờ sức lực một người đàn bà mà lừa gạt lấy thắng lợi. Thế là anh hùng tài năng, đảm lược bị chết uổng trong một tay lũ bất tài, bất nghĩa. Còn Thúy Kiều, người “có công” với quan quân, kết quả chẳng những không được quan trên tôn trọng mà còn bị chúng làm nhục đủ điều rốt cuộc đành nhảy xuống sông tự tận.

Xét đoạn giới thiệu trên hoàn toàn giống với tình tiết một đoạn truyện từ giữa hồi thứ 18 đến giữa hồi thứ 19. Chỗ khác duy nhất là tiểu thuyết không điểm danh đốc phủ là Hồ Tôn Hiến còn truyện thơ Nguyễn Du trực tiếp gọi đích danh ông ta.

Đoạn thứ sáu, từ quyển 11 đến quyển 12… thuật thêm việc Kim Trọng và Vương Quan “đỗ cao trong kỳ thi Hội”, dọc đường nhậm chức hỏi thăm tin tức Thúy Kiều; được tin nàng đã chết, họ làm lễ cũng tế bên sông. Cuối cùng được Giác Duyên chỉ dẫn, thuật lại việc nàng được cứu sống, rốt cuộc cả nhà vui mừng đoàn viên.

Xét đoạn giới thiệu này hoàn toàn giống với tình tiết câu chuyện từ giữa hồi 19 đến hết truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Sau khi đối chiếu qua lại như trên chúng tôi có được một kết luận rõ ràng, dễ thấy, đó là nhân vật chính cùng tình tiết cốt truyện ở hai bộ Truyện Kiều của Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn giống nhau, kể cả kết cấu tự sự cũng không có chút thay đổi. Chỗ khác nhau chỉ là Truyện Kiều Trung Quốc có bản 12 hồi và bản 20 hồi, còn Truyện Kiều Việt Nam chỉ có bản gồm 12 quyển, không có bản gồm 20 quyển. Tiểu thuyết Truyện Kiều Trung Quốc lưu truyền cuối đời Minh, tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân in đầu đời Thanh còn Truyện Kiều của Việt Nam, Nguyễn Du hoàn thành vào năm thứ hai sau chuyến đi sứ Trung Quốc lần thứ nhất (năm 1815, niên hiệu Gia Khánh năm thứ 20), muộn hơn Truyện Kiều Trung Quốc ít nhất là trên 160 năm. Rõ ràng Nguyễn Du chịu ảnh hưởng tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân chứ quyết không thể ngược lại. Năm 1958, Hội trưởng hội Hữu nghị Việt–Trung Bùi Kỷ viết lời tựa cho bản dịch Truyện Kiều thừa nhận rõ ràng: “Truyện Kiều của Nguyễn Du lấy đề tài ở tiểu thuyết Trung Quốc”. Qua sự đối chiếu trên đây, nên nói rằng Nguyễn Du chẳng những chỉ “mượn đề tài của tiểu thuyết Trung Quốc” mà dường như bê nguyên xi; về mặt thuật lại từng trải của nhân vật và viết truyện, Nguyễn Du không có bất kỳ một sáng tạo mới nào, chỉ chuyển thuật khá trung thực nội dung tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân mà thôi.


III. So sánh về chủ đề tư tưởng

1. Chủ đề Truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân

Bài từ khúc “Nguyệt nhi cao” ở đầu Truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân đã hé cho thấy chủ đề chung “giai nhân mệnh bạc, hồng phấn trái thời”, vẽ lên một không khí bi kịch nồng đậm bao trùm cả cuốn sách. Tiếp đó tác giả kể ra số phận bi kịch của chín giai nhân tài sắc tuyệt vời xưa nay để luận chứng cho đề tài trên. Sau rốt tác giả giải phẫu cụ thể bi kịch của nàng Tiểu Thanh, tài nữ ở Dương Châu, đề xuất cách hiểu của mình về giá trị thẩm mỹ của bi kịch:

“Chuyện xin thôi không nói nữa. Đến như Tiểu Thanh ở Dương Châu, tài sắc tính tình chẳng vẻ nào không vào bậc nhất, lấy phải gã chồng ngây ngô đến thế đã đủ hại rồi, lại gặp phải mụ đàn bà độc ác ghen tuông đến thế, đang đầy sức sống mà bị giết chết bằng nỗi buồn khổ, há chẳng thương, há chẳng đáng đau lòng? Chính vì đáng thương, đáng đau lòng nên làm cảm động nhiều văn nhân mặc khách, bao người khắc văn tập, soạn truyền kỳ cho nàng để thành bất hủ, trở nên giai nhân một đời”.

Rõ ràng Thanh Tâm Tài Nhân cảm động trước bi kịch của giai nhân, tự nhận mình chung tình như những văn nhân mặc khách khác, cho nên tự xưng là Thanh Tâm Tài Nhân - Thanh Tâm có nghĩa ẩn là “tình” vậy [7] . Mục đích sáng tác của ông đương nhiên là lập truyện cho Thuý Kiều, nêu rõ số phận bi kịch của nàng, ngợi ca phẩm chất tốt đẹp, than thở cho nỗi không may, mượn đó để làm cảm động đông đảo bạn đọc, khiến họ cùng “khen nết đẹp mà sinh lòng thương, nghe tiếng thơm mà cùng than thở”, tỏ nỗi bất bình thay cho nàng. Bằng cách khái quát nghệ thuật điển hình, tác giả gộp nhiều số phận không may của những giai nhân tuyệt thế vào một mình Vương Thuý Kiều, bắt nàng trăn trở với một tai nạn khiến nghe hãi hùng, từ vạ oan tan cửa nát nhà, luân lạc phong trần, đánh ghen tàn hại đến bỏ trốn đi tu, trải cơn binh hỏa rồi bị nhục tự tử, v.v… Qua rất nhiều bất hạnh và những xung đột mâu thuẫn phức tạp xen kẽ nhau đó, tác giả xây dựng từ nhiều mặt nghiêng, nhiều góc độ tính cách bi kịch của Vương Thuý Kiều, tỏ bày từ nhiều phương diện phẩm chất tốt đẹp trong tính cách của nàng, giành được sự đồng tình sâu sắc của mọi người; đồng thời ánh sáng rực rỡ của tính cách ấy lại soi tỏ biết bao tội ác của thế lực đen tối trong xã hội khiến người ta dựng tóc gáy. Để khuếch trương chính nghĩa, để nhân vật bi kịch có cơ hội mở mày mở mặt, tác giả đã chú ý tô vẽ tình tiết Vương Thuý Kiều dựa vào người anh hùng phản nghịch để báo thù cho mình. Tác giả còn xuất phát từ tình cảm không đành tâm để cho tính cách tốt đẹp bị huỷ diệt hoàn toàn và thuyết luân hồi báo ứng, đặc biệt xếp sắp một kết cục đại đoàn viên cho Thuý Kiều, mượn đó để an ủi nỗi lòng đau đớn mà bản thân bi kịch gây ra cho bạn đọc.

Về nét đẹp tình người hàm chứa trong tính cách Thuý Kiều, tuy tác giả chưa khẳng định đầy đủ, song ông có khái quát rõ ràng về nét đẹp đạo đức của nàng. Chẳng hạn tác giả đã mượn lời tiên tri của Tam Hợp đạo cô và lời báo mộng Lưu Đạm Tiên để khái quát chung về phẩm chất đạo đức cao thượng của Thuý Kiều: “Nàng thoạt đầu si mê tình ái song khéo giữ được đức trinh không hề phạm dâm, sau gặp bao khổ nạn đều do chữ hiếu, không có nguyện vọng nào khác. Nay lại không vương vấn với con nhỏ, coi trọng đại nghĩa của triều đình, khuyên được kẻ nghịch quy thuận, tránh được sự tàn hại cho trăm vạn sinh linh ở miền Đông Nam, do vậy công đức của nàng lớn mà nghiệp chướng cũ tiêu trừ, được kết tân duyên vậy” (lời đánh giá của Tam Hợp đạo cô).

Thuý Kiều không những có tài, sắc, tình của người đẹp thông thường và có đẹp truyền thống về hôn nhân tình ái (trung với tình yêu, quan tâm tới người khác) mà còn tinh thần tự hy sinh mà người đẹp thông thường chưa biểu hiện ra, chứng tỏ một tình yêu phi phàm, thiên luân, ân oán rạch ròi, vì lợi ích dân tộc, quốc gia mà hy sinh ơn nhỏ của riêng mình v.v… Tất cả những điều đó làm cho người đẹp bị ô nhục, tàn hại này có được phong thái, tiết tháo cao đẹp của bậc trượng phu trong đám nữ lưu, trở thành một điển hình nữ tính giàu nội hàm tư tưởng. Trong thời đại tác giả sinh sống, hình tượng đó cao hơn hẳn cuộc sống hiện thực và có ý nghĩa điển hình tương đối lớn.


2. Chủ đề Truyện Kiều của Nguyễn Du

Truyện Kiều của Nguyễn Du tuy rập theo nhân vật và cốt truyện Truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân song động cơ sáng tác có khác biệt lớn, vì thế ảnh hưởng đến sự biến đổi của chủ đề. Trong lời tựa viết cho bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt-Trung Bùi Kỷ chỉ rõ: “Nguyễn Du tiếc cho mình có tài mà vô mệnh. Ngày nay sống trong xã hội vinh quang lao động sáng tạo, chúng ta mới được phát triển hoàn toàn, không còn thuyết định mệnh nữa. Nếu Nguyễn Du sống lại thì thuyết tài mệnh tương đối hẳn ông sẽ tự đả phá”.

Mấy câu này đại khái có thể tiêu biểu cho cách nhìn nhận chung của giới văn học Việt Nam về chủ đề Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tóm lại, chủ đề đó là mượn truyện tiểu thuyết Trung Quốc để gửi gắm nỗi cảm khái về “có tài mà vô mệnh”.

Mở đầu truyện thơ, nhà thơ cũng có đoạn nghị luận:

Nhân sinh bất mãn bách,
Tài mệnh lương tương phương.
Thương tang đa biến ảo,
Xúc mục sự kham thương.
Bỉ sắc tư phong, nguyên vô túc dị,
Hồng nhan thiên đố, sự diệc tầm thường.


(Đời người không đầy trăm,
Tài mệnh ngáng trở nhau.
Biển dâu nhiều biến ảo,
Mắt thấy việc mà thương.
Bỉ sắc tư phong, vốn không đáng lạ,
Hồng nhan trời ghét, việc cũng tầm thường.)

Lời nghị luận mở đầu nguyên bản cuốn tiểu thuyết Trung Quốc xuất phát từ lập trường một người đa tình mà than thở cho số phận bi kịch của giai nhân kim cổ, lên tiếng bất bình thay cho họ. Còn đoạn nghị luận của Nguyễn Du là nhằm phát tiết nỗi phẫn uất bất bình với việc có tài mà không gặp thời của mình; cuối cùng nghị luận tuy cũng có mấy chữ “trời ghét hồng nhan” song tình cảm đối với bi kịch của người phụ nữ rất lạnh nhạt, bảo đó chẳng qua “việc cũng tầm thường”.

Nguyễn Du trong Truyện Kiều tuy không nhắc tới Tiểu Thanh song ông có riêng một bài “Độc Tiểu Thanh ký” bằng thơ:

Hồ Tây cảnh đẹp hoá gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng? [8]


Tố Như là tên chữ của Nguyễn Du. Câu cuối cùng nêu chủ đề, tỏ rõ Nguyễn Du than thở cho Tiểu Thanh cũng vì mục đích gửi gắm nỗi lòng “thấy người lại nghĩ đến ta”. Chủ đề sáng tác của cái lối mượn chén người khác để rót bầu tâm sự của mình ấy hoàn toàn nhất trí với việc ông cải biên Truyện Kiều. Đó có thể nói là chủ đề chung của việc Nguyễn Du ca vịnh những nhân vật trong văn học Trung Quốc. Ông còn có hai bài thơ “Đến Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu’’ mà theo ông Hoàng Dật Cầu, “trong hai bài thơ này, nhà thơ coi Khuất Nguyên là người tri kỷ nghìn xưa của mình, thậm chí ví mình với Khuất Nguyên, điều đó cho thấy nỗi đau khổ và hoài bão trong nội tâm nhà thơ”. Ý phân tích đó khá xác đáng.

Chủ đề của nguyên tác bao hàm trong bản thân cốt truyện, đương nhiên Nguyễn Du không thể hoàn toàn xoá nhoà song chỗ nào ông cũng cho thẩm thấu quan niệm mình vào. Chẳng hạn, tuy Nguyễn Du chuyển dịch mấy câu Tam Hợp đạo cô khẳng định phẩm chất ưu tú của Vương Thúy Kiều, song đã làm tăng luận điểm “tài lắm gây lo” lên rất nhiều.

Câu 2659:

Thúy Kiều thông minh tuyệt luân,
Hồng nhan bạc mệnh thiên chủ tựu.

(Thuý Kiều thông minh không ai bằng,
Hồng nhan bạc mệnh trời định sẵn.)

Và câu 2673:

Đoan vị đa tình chiêu hoạ,
Đa tài thức dã chiêu oán ưu.

(Nguyên vì đa tình mà chuốc hoạ,
Tài nhiều biết lắm cũng chuốc oán lo.)

Trong lời hồn Lưu Đạm Tiên báo qua mộng cho Thuý Kiều biết đã hết đoạn trường, Nguyễn Du cũng tăng thêm nội dung “mệnh bạc tài cao” (Nhĩ mệnh bác tài cao - câu 2715) để làm rõ chủ đề sáng tác của ông.


IV. Kết luận

Thông qua so sánh như trên, có thể rút ra kết luận gồm mấy điểm như sau:

  1. Nhìn tổng thể, tôi thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du bất luận về nội dung hay về nghệ thuật (Phần II sẽ nói rõ) đều không vượt được trình độ của bản gốc - Truyện Kiều của Trung Quốc - mà nó mô phỏng.

  2. Truyện Kiều của Nguyễn Du bảo tồn được phần lớn tinh hoa của nguyên bản tiểu thuyết Trung Quốc tuy có tăng giảm về nội dung và nghệ thuật của nguyên tác, song phần nhiều vẫn bảo tồn được, vì vậy có cống hiến cho sự giao lưu văn hoá giữa Trung Quốc và Việt Nam. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm đáng được khắng định.

  3. Truyện Kiều của Trung Quốc bị mai một, thậm chí bị đánh giá thấp trong thời gian dài. Hiện tượng kỳ lạ đó chứng tỏ chúng ta vẫn còn thiếu nhận thức đầy đủ về kho báu văn học nghệ thuật phong phú mà tổ tiên để lại cho chúng ta; công tác nghiên cứu văn học cổ đại về cơ bản vẫn dừng ở một số ít tác giả và tác phẩm nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn mà chưa hứng thú bao nhiêu với tác giả và tác phẩm loại hai. Việc nghiên cứu cô lập đó không thể thích hợp với tình hình phát triển của học thuật hiện nay. Vì vậy, việc đi sâu vào công tác nghiên cứu tiểu thuyết quý giá cuối đời Minh đầu đời Thanh có tác dụng gợi mở quan trọng nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu toàn bộ văn học cổ điển của nước ta.

  4. Tiểu thuyết Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân cần được đánh giá lại, ảnh, hưởng quan trọng của nó trong lịch sử văn học Tnmg Quốc và lịch sử văn học thế giới cần được thừa nhận và đánh giá công bằng.

  5. Mệnh đề “tiểu thuyết tài tử giai nhân” không thể khái quát một cách khoa học tất cả tiểu thuyết bạch thoại của các văn nhân mà tuyến cốt truyện là tình yêu và hôn nhân. Cần phân tích so sánh nhiều tác phẩm với nhau, nhận thức lại bộ mặt vốn có của số tiểu thuyết này, bổ sung những đoạn còn yếu trong lịch sử tiểu thuyết truyền thống.




[1]Trần Ích Nguyên, Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều, Bản dịch tiếng Việt của Phạm Tú Châu, Nxb Lao Động – Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2004, tr. 136
[2]Nguyên văn tiếng Việt: “Trong toàn bộ văn học Việt Nam ngày xưa, Truyện Kiều là một thành công vẻ vang nhất, là áng văn chương tiêu biểu hơn hết” (các chú thích trong bài đều của người dịch – P.T.C.)
[3]Bản đầy đủ, gồm 20 hồi
[4]Tác giả viết không biết 12 hồi hay 12 quyển là do dịch giả Hoàng Dật Cầu tự chia, không phải vốn có.
[5]Không phải lời ghi chép sau khi dịch mà là lời nói đầu. Người viết bài lầm.
[6]Vợ chồng Vương Viên ngoại đến chơi nhà em gái vợ gặp hai người đến bán tơ hồng, không ngờ là hai tên cướp. Chúng bị phát giác ở đấy và một mực khai nhà chủ là người đã oa trữ của ăn cướp. Viên ngoại có ngồi uống rượu với chúng.
[7]Chữ “thanh” và bộ “tâm” đứng ghép thành chữ “tình”.
[8]Bản dịch của cụ Vũ Tam Lập trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Văn học, 1988
Nguồn: Nguyên văn tiếng Trung đăng trên Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, số 4 (tháng 6.1986) và số 5 (tháng 9.1987). Bản dịch tiếng Việt của Phạm Tú Châu in trong 200 năm nghiên cứu bàn luận “Truyện Kiều”, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Ná»™i 2005