© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
5.9.2005
Nguyễn Huệ Chi
Một vài gợi ý về phương pháp văn học sử
Nhân đọc mấy bộ lịch sử văn học Trung Quốc mới biên soạn
 
Vấn đề biên soạn văn học sử Việt Nam hiện đang đặt ra sôi nổi trong giới nghiên cứu chuyên ngành vài năm gần đây. Tất nhiên ai cũng có thể viết lịch sử văn học, và theo lẽ thì càng có nhiều bộ văn học sử viết theo những trường phái khác nhau càng giúp ích cho độc giả trong việc phối kiểm nhiều cách nhìn, nhằm lựa chọn một hướng tiếp cận hợp lý các tiến trình văn học đã từng diễn ra trong hơn một nghìn năm lịch sử. Nhưng đặt vào hoàn cảnh học thuật của chúng ta, làm gì cũng có sự chỉ huy thống nhất, điều nghịch lý là ở chỗ: một nước đã giành được độc lập gần 60 năm mà chưa có một bộ thông sử văn học chính thức, để làm một thứ “nội các quan bản” - bản lưu hành có tính chất nhà nước, kể cũng có vẻ lạ kỳ. Phải chăng sự chậm trễ này cần được xem là một may mắn trong tình hình đang ngày càng đa dạng của các quan điểm học thuật hiện nay? Tuy vậy, muốn biên soạn lịch sử văn học ở thời điểm đầu thế kỷ XXI lại không phải là việc dễ. Từ yêu cầu gay gắt của thực tiễn, cái đúng cái sai đã chi phối chúng ta trong nếp nghĩ như những rãnh mòn từ thời còn “bao cấp”, hiện đang đòi hỏi một sự nhìn nhận trở lại thực sự cầu thị, ở một tầm chín và sâu. Trên nhiều phương diện, chân lý không còn hiện ra dễ dàng, và cũng không thể chóng vánh tìm được quan điểm thống nhất, kể cả trong đánh giá, trình bày các hiện tượng văn học. Bởi vậy, chuyện phương pháp luận phải được quan tâm hàng đầu cũng là dễ hiểu, nếu không cách viết sử vẫn cứ giẫm chân tại chỗ như ba bốn thập niên về trước, chắc chắn so với thế giới, “thành phẩm” làm ra sẽ tụt hậu đến khó tin. Một vài điều gợi ý dưới đây về phương pháp văn học sử thực tình chưa phải là một phát biểu toàn diện và hệ thống mà chỉ mới nhắm đến những gì người viết cảm thấy cấn cái nhất, nhân đọc mấy bộ văn học sử mới xuất hiện dăm năm lại đây ở Trung Quốc, mà xem ra đó đây cũng đã có người nói, nhưng mới là lời nói bất thành văn.


*


1.

Để chuẩn bị cho một cái nhìn tổng quan bức tranh lịch sử của văn học dân tộc, trong một số bài viết rải rác tôi đã từng có dịp nêu lên một số điều cần lưu ý [1] . Chẳng hạn đối với giai đoạn văn học từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, có vấn đề soát xét lại cách định danh nhằm tìm ra một thuật ngữ sao cho bao quát và thỏa đáng, bởi hai chữ “Trung đại” lâu nay vẫn quen dùng là mượn của phương Tây, chưa thể nói đã chuẩn xác đối với văn học Việt Nam trong vòng mười thế kỷ dưới chế độ phong kiến tự chủ; và còn có vấn đề quan trọng hơn như cần khu biệt rõ đặc trưng loại biệt của một thời đoạn sáng tác mà mọi phương thức nghệ thuật đều lấy Trung Hoa làm khuôn mẫu, khác với chặng đường sáng tác từ đầu thế kỷ XX trở đi bắt đầu phá vỡ cổ mẫu để hướng tới châu Âu. Nếu hiểu phương pháp là do đặc trưng của đối tượng quy định thì phương pháp tiếp cận và trình bày chặng đường văn học cổ trong lịch sử văn học dân tộc thế tất phải khác với chặng đường sau. Cách làm nhất loạt “dĩ Âu vi trung” như các bộ văn học sử trước đến nay không khỏi dẫn đến một sự đánh đồng về quan niệm và nhận thức, thậm chí đôi khi còn vô tình đánh tráo cả những khái niệm, thuật ngữ hết sức xa lạ cho nhau, khiến cho việc hình dung những tố chất khác biệt giữa văn học “cổ” và “kim” của chúng ta bị mờ nhòe.

Về giai đoạn văn học hiện đại, có vấn đề về tính đa vùng, đa cực nổi bật lên so với văn học quá khứ, chẳng hạn có văn xuôi quốc ngữ vay mượn chữ Hán nhưng lại sớm đi vào điển nhã ở các đô thị miền Bắc và văn xuôi quốc ngữ tương đối thuần Việt nhưng lại giữ mãi chất nôm na dân dã ở các đô thị Nam Kỳ; có “thơ mới” khởi phát ở phía Nam, trưởng thành ở phiá Bắc, và kết thúc bằng sự phá phách của “trường thơ loạn” ở miền Trung; có văn học vùng chiến khu và văn học vùng tạm chiếm ở các thành thị (thời chống Pháp) - một bên có cố gắng cách tân về tư tưởng và ngôn từ song lại phải “trả giá” bằng việc chấp nhận “sự chỉ đạo thống nhất” từ trên xuống, một bên có tấm lòng kín đáo hướng về kháng chiến nhưng nghệ thuật thì vẫn đi theo nếp cũ; có văn học miền Bắc và văn học miền Nam (thời chia cắt) - một bên tự nguyện chính trị hóa bởi phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa khiến cho mọi giọng điệu trở thành đơn điệu, và ít nhiều mô phỏng văn học Liên Xô, Trung Quốc, một bên là sự sáng tạo tự do, đa khuynh hướng, chịu ảnh hưởng sớm của các trường phái hiện đại của văn học Tây Âu.

Người viết văn học sử không thể bỏ qua tính đa cực đa vùng nói trên đây để nhấn mạnh riêng một vùng nào mà mình tự coi là bộ phận văn học chủ thể, vì đối tượng hợp thức của văn học sử trước sau vẫn là một nền văn học thống nhất: nền văn học tiếng Việt của người Việt. Mặt khác, phải nhìn sự đa dạng / thống nhất đó theo một tiêu chí chung: tiêu chí văn học chứ không phải phi văn học. Các bộ văn học sử Trung Quốc xuất hiện trong vòng thập kỷ cuối thế kỷ XX đã triển khai văn học của nước họ đúng theo hướng này. Họ đưa văn học Đài Loan, văn học Hồng Kông, văn học Ma Cao vào văn học sử khi Hồng Kông và Ma Cao chưa trả về cho lục địa, và họ vẫn đánh giá các vùng văn học “khác chính thể” theo cùng một chuẩn mực với văn học đại lục, nghĩa là không còn lấy quan điểm chính trị ra làm kích thước hàng đầu để xem xét, dựa trên ý kiến của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phát biểu trong Đại hội Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật toàn quốc lần thứ tư năm 1979, rằng cái châm ngôn “văn nghệ phụ thuộc vào chính trị trong thực tiễn quá khứ đã phát sinh ra những thói tệ” (Nguyên văn : “Văn nghệ tòng thuộc vu chính trị tại dĩ vãng thực tiễn trung sản sinh đích tệ đoan文 藝 從 屬 于 政 治 在 以 往 實 踐 中 產 生 的 幣 端”) [2] , và ý kiến của Đặng Tiểu Bình: “Không nên tiếp tục đề xướng khẩu hiệu văn nghệ phụ thuộc vào chính trị vì khẩu hiệu này rất dễ trở thành căn cứ lý luận cho những sự can thiệp thô bạo đối với văn nghệ; thực tiễn lâu dài đã cho thấy điều đó đối với sự phát triển của văn nghệ lợi ít hại nhiều. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là văn nghệ hoàn toàn thoát ly chính trị” (Nguyên văn: “Bất kế tục đề văn nghệ tòng thuộc vu chính trị giá dạng đích khẩu hiệu, nhân vị giá cá khẩu hiệu dung dị thành vi đối văn nghệ hoành gia can thiệp đích lý luận căn cứ, trường kỳ đích thực tiễn chứng minh tha đối văn nghệ đích phát triển lợi thiểu hại đa. Đãn thị giá đương nhiên bất thị thuyết văn nghệ khả dĩ thoát ly chính trị.” 不 繼 續 提 文 藝 從 屬 于 政 治 這 样 的 口 號,因 為 這 個 口 號 容 易 成 為 對文 藝 橫 加 干 涉 的 理 論 根 据, 長 期 的 實 踐 証 明 它 對 文 藝 的 發 展 利 少 害 多。但 是 這 當 然 不 是 說 文 藝 可 以 脫 離 政 治” - Đặng Tiểu Bình văn tuyển; bài Tình hình và nhiệm vụ trước mắt, tr. 219 [3] ). Mặc dù văn học các vùng ngoài đại lục không phải không có những trào lưu và những tác giả dị biệt về xu hướng thậm chí “phản Cộng”, các bộ văn học sử mới của Trung Quốc vẫn khảo sát, miêu tả chúng một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc, khoa học, và tương đối khách quan, giảm thiểu hẳn đi những quy kết nặng nề nằm ngoài học thuật (“phản động”, “duy tâm”, “mất lập trường”, “tay sai đế quốc”...) như trước đây vẫn có (Xin xem Trung Hoa văn học thông sử của Sở Nghiên cứu văn học và Sở Nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số thuộc Viện Khoa học Trung Quốc phối hợp biên soạn, do Trương Quýnh, Đặng Thiệu Cơ, Phàn Tuấn Chủ biên, công bố vào năm 1997 [4] ).

Đối với văn học Việt Nam, dẫu đến nay vẫn chưa có một tuyên bố chính thức của vị lãnh đạo cấp cao nào “soi sáng”, lẽ nào chúng ta lại cứ phải chờ đợi mà không dám vận dụng một tiêu chí văn học đích thực để soi lại các giá trị của văn học miền Bắc xã hội chủ nghĩa, văn học vùng tạm chiếm thời 1947-1954, và văn học miền Nam thời 1954-1975? Nói cho có vẻ lý thuyết hơn thì đã đến lúc cần phá vỡ khung tư duy cũ trong định tính và định lượng đối với văn học, xuất phát từ chính yêu cầu nội tại của văn học chứ không phải là những yêu cầu ở bên ngoài nó. Từ sau 1975, người viết văn học sử còn phải tính đến cả những trào lưu văn học tiếng Việt hải ngoại xuất hiện khá sôi nổi ở nhiều quốc gia trên thế giới trong 30 năm nay, vì chung quy đấy cũng là những dòng chảy khác nhau thuộc cộng đồng văn học dân tộc. Văn học Nga lưu vong hiện đã được các nhà nghiên cứu Nga ở Viện Gorki đưa vào lịch sử văn học Nga, thế thì sao ta lại không dám nhìn nhận những người anh em cùng chung tiếng nói ở khắp mọi chân trời góc biển, trong khi những bộ như Sông Côn mùa lũ [5] hay Tuyển văn thơ tác gia nữ Việt Nam (hai tập) [6] in cùng lúc nhiều nhà thơ nhà văn nữ Sài Gòn và hải ngoại xen với nhiều nhà thơ nhà văn nữ miền Bắc và cả nước sau 1975, cùng với ít nhiều tác phẩm khác lần lượt được tái bản dè dặt ở trong nước, đã hòa nhập vào đời sống văn học quốc nội một cách bình thường. Tất nhiên khi đã chấp nhận văn học hải ngoại, người viết văn học sử không phải chỉ đối diện với Sông Côn mùa lũ và những tác phầm được cơ quan văn hóa tư tưởng “lựa chọn” hay những gì đại loại như thế mà đối diện với một khối lượng nhiều gấp bội và gân guốc gấp trăm lần. Nhưng đó mới chính là văn học đúng nghĩa - sự tự do sáng tạo; nó không chịu bất kỳ một “định hướng” nào, cũng không lọt ra từ ống tay áo của một “người cầm lái vĩ đại” nào. Dở hay chưa nói nhưng đó đích thực là văn học-nhân học, văn học phát ngôn của sự sống muôn hình nghìn vẻ đang ngày ngày sinh sôi nẩy nở. Đưa văn học miền Nam và văn học hải ngoại vào văn học sử cũng là cách làm sinh sắc lại nội hàm của hai chữ “văn học” mà trong một thời kỳ dài và trong những môi trường nào đấy đã bị tha hóa.


2.

Trong phương pháp viết văn học sử, chúng ta cần tham khảo các bộ văn học sử nước ngoài, nhất là Pháp, Nga, Trung Quốc. Bộ Histoire de la Littérature Française của Gustave Lanson đã được in rất nhiều lần kể từ năm ra đời vào 1894 cho đến 1951 [7] , từng có ảnh hưởng rất lớn đến các nhà văn học sử Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám (Dương Quảng Hàm, Nguyễn Đổng Chi...) và cho đến cuối những năm 50 (Nhóm Lê Quý Đôn, Nhóm Văn sử địa, Nghiêm Toản...). Bộ Histoire de la Littérature Française (de 1789 à nos jours) của Albert Thibaudet in lần đầu năm 1936 [8] , nhưng những lần in sau, nhất là lần in năm 1963 đã thu hút sự chú ý của các nhà văn học sử miền Nam những năm 60-70 thế kỷ XX mà đại biểu là Thanh Lãng. Khi đọc hai bộ sách của Gs. Thanh Lãng Bảng lược đồ văn học Việt Nam [9] Phê bình văn học thế hệ 1932 [10] phân định nhà văn thành từng thế hệ, tôi hơi lạ thấy ông có cách nhìn rất mới, sau mới biết đó là sự tiếp nhận Thibaudet, người đã chia văn học Pháp thành năm thế hệ nhà văn kể từ năm 1789 đến trước sau Đại chiến I. Còn các bộ văn học sử Trung Quốc thì đúng là rất cần cho chúng ta, vì văn học nước họ và văn học nước ta có những mặt khá tương đồng. Từ 1958 đã có bộ Trung Quốc văn học phát triển sử của Lưu Đại Kiệt [11] chỉnh lý lại bản in trước ngày giải phóng. Đến đầu những năm 60, bộ sách có tính chất nhà nước xuất hiện lần đầu, được chào đón nồng nhiệt, do Sở Nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc biên soạn, dưới quyền Chủ biên của Dư Quán Anh [12] . Bẵng đi khá nhiều năm, đến cuối thế kỷ XX, nhiều công trình văn học sử khác của Trung Quốc lại kế tiếp đua nở.

Đọc hai bộ văn học sử mới nhất của họ mà một bộ ở trên tôi đã đề cập, có thể thấy, giờ đây họ viết sử văn học theo những trường phái không giống nhau, về phương pháp phần nào biểu hiện sự tự do đối thoại, tự do phản biện. Bộ sách Trung Hoa văn học thông sử của nhóm Trương Quýnh tuy có những quan điểm rất cởi mở và táo bạo như đã thấy, nhưng nhìn về tổng thể thì vẫn có vẻ nặng phần lắp ghép, vì hình như đó là sự tập hợp từng mảng văn học của các dân tộc khác nhau trên đất nước Trung Quốc cộng lại mà thành. Ở mỗi chương, họ thường xen phần văn học của dân tộc thiểu số vào văn học của người Hán, chẳng hạn trong phần văn học thời Đường có các tiết nói về văn học của tộc người Đột Quyết và của các tộc người thiểu số phương Nam; trong phần văn học thời Tống, Liêu, Kim có các tiết nói về thơ ca của tộc người Mông Cổ, văn học của tộc người Duy Ngô Nhĩ; trong phần văn học thời Thanh có các chương nói về sử thi của tộc người Mông Cổ, văn học của tộc người Trác Lê Lý, người Duy Ngô Nhĩ, người Tạng, thần thoại và truyền thuyết của tộc người Mãn và người Thông Cổ Tư v.v... Không hiểu viết như thế thì cái nhìn bao quát và nhất quán về cảm hứng chủ đạo và xu thế vận động của văn học mỗi thời kỳ được họ giải quyết thế nào, và xuất xứ niên đại của văn bản văn học các dân tộc thiểu số mà họ đưa vào từng giai đoạn, chuẩn xác đến mức nào. Bộ Trung Quốc văn học sử do Viên Hành Bái Chủ biên, in lần thứ nhất 1999, lần thứ sáu 2001 [13] , có cách viết khác hẳn. Họ chỉ nói đến văn học Trung Quốc như những gì trước nay đã thừa nhận (không có văn học các dân tộc thiểu số chen lẫn), đặt văn học dân gian ra ngoài văn học sử (trừ Kinh thi vốn định hình văn bản từ rất sớm, thần thoại, được hiểu như là ngọn nguồn của văn học viết, và dân ca Nam Bắc triều vốn được văn bản hóa trong sách vở sưu tập nhạc phủ của Triều đình và sự khu biệt sắc thái trữ tình giữa chúng có ảnh hưởng khác biệt đến văn học viết đời sau rõ rệt). Và trong khi bộ sách của nhóm Trương Quýnh viết đến những năm gần cuối thế kỷ XX (tất nhiên phần hiện đại và đương đại chỉ chiếm 4 trong số 10 tập và mỗi tập chỉ mỏng bằng một nửa hoặc hai phần ba các tập văn học cổ), thì bộ sách của Viên Hành Bái dừng lại ở năm 1840. Về chỗ này Viên Hành Bái hoàn toàn thống nhất với Dư Quán Anh, Lưu Đại Kiệt và nhiều nhà nghiên cứu khác như Trịnh Chấn Đạc, Tiền Chung Thư, coi thời kỳ văn học truyền thống và thời kỳ văn học bắt đầu chịu ảnh hưởng của phương Tây là hai đối tượng loại biệt trong văn học sử, đòi hỏi sự vận dụng quy luật để soi sáng cho hai tiến trình cũng không thể giống nhau.

Từ những cách làm của hai bộ sách vừa lược thuật, có thể rút được những kinh nghiệm không kém phần hữu ích cho việc viết văn học sử Việt Nam. Đối với văn học dân gian, không khó khăn gì để nhận ra những “vấn nạn” trong tiêu chí xử lý, khi xếp chung vào văn học viết. Vì đấy là bộ phận văn học mà đại đa số không có niên đại, và nó chỉ được phát huy đến mức cao trường ảnh hưởng của nó đến đối tượng tiếp nhận theo một phương thức tổng hợp, trong đấy có kể chuyện, có diễn xướng, có hội lễ, có thực hành tín ngưỡng... chứ không đơn thuần tác động bằng ngôn từ. Còn văn học các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hầu hết cũng mới là văn học dân gian, nếu có những bộ phận văn học viết nào đấy (truyện nôm Tày Nùng v.v…) thì dường như chúng đều bị phong bế trong môi trường sinh hoạt tộc người mà chưa có điều kiện tham gia vào tiến trình văn học chung, chưa có mối tương quan trực tiếp hay gián tiếp nào với các trào lưu văn học chủ đạo đã từng diễn ra trong lịch sử. Lỗi ấy thuộc về lịch sử mà thời đại chúng ta cần phải bổ cứu, nhưng văn học sử thì chỉ trình bày sự thật đã có; nó không làm nhiệm vụ “sửa lỗi”. Nhập chung văn học dân gian với văn học viết như một đối tượng khảo sát tổng hợp là điều không còn hợp lý. Riêng đối với văn học hiện đại, tôi nghĩ, cũng nên chọn một điểm dừng thích đáng. Trong quan niệm sử học của cả phương Đông lẫn phương Tây, tư liệu lịch sử của triều đại đương kim phải giữ thật kín để đến triều đại sau mới đem ra sử dụng. Điều đó chứng tỏ, lịch sử phải là cái gì đã được thời gian làm cho lắng xuống. Văn học sử cũng vậy, đối tượng của nó chủ yếu phải là các giá trị đã ổn định, không phải các giá trị đang phải luận bàn. Cái đang luận bàn không phải là đối tượng của văn học sử mà là đối tượng của phê bình văn học.


3.

Trước đến nay, chúng ta viết văn học sử thường nặng về trình bày bối cảnh lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội của từng thời kỳ, từng giai đoạn. Thời kỳ nào, giai đoạn nào cũng phải được giới thuyết mào đầu bằng bấy nhiêu mục cố định đại loại kiểu ấy. Bởi theo quan điểm hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc, lôgic của vấn đề sẽ là: kinh tế và chính trị của một thời đại bao giờ cũng trực tiếp chi phối thế giới quan, nhân sinh quan tác giả, và cả thời đại và tư tưởng tác giả thì cùng trực tiếp quyết định nội dung và hình thức văn chương. Các bộ văn học sử Trung Quốc hiện đại không tuân thủ lôgic máy móc như thế nữa. Trái lại, họ chú ý soi sáng văn học bằng các sự kiện văn hóa. Đây cũng là một điểm mới. Có thể nói họ không còn đặt dấu nối mật thiết giữa văn học sử với xã hội sử; bởi thế, ở những chương tổng luận, mục tiêu họ chú ý là các loại hình nhà văn và các hệ hình văn hóa đã góp phần sinh tạo quan niệm nghệ thuật của từng loại hình. Nói cho xác đáng, trong cuốn sách của Lanson cũng chú ý nhiều đến nhân tố văn hóa, như ông đã nói về ngôn ngữ địa phương và văn hóa tộc người trong quá trình hình thành tiếng Pháp thống nhất ở thời Trung cổ, hay trong phần tổng quát văn học Pháp thế kỷ XVIII, ông cũng quan tâm phác họa các loại hình nhà văn, tuy rằng ông dùng các trường phái tư tưởng triết học, tôn giáo (những người không tín ngưỡng, những người theo thuyết Descates, những nhà thần học) để quy nạp loại hình. Nhưng phải với nhóm Viên Hành Bái, nhân tố văn hóa mới thực sự trở thành một tiêu chí then chốt khu biệt sắc thái từng thời đại văn học. Ở chương tổng luận văn học thời Đường, nhóm này đã nêu lên 4 tiết chính :
  1. Bối cảnh của nền văn hóa khai phóng thời Đường và sự phồn vinh của văn học;
  2. Bốn loại hình nhà văn: ngao du, vào mạc phủ, đọc sách nơi núi rừng, và bị biếm trích;
  3. Ảnh hưởng của hai lưu phái Phật và Đạo đối với văn học đời Đường;
  4. Sự phát triển của thơ Đường, của văn phong và thể loại đời Đường và địa vị của văn học Đường trong văn học sử.

Điều cần nói là cách hiểu nhân tố văn hóa ở đây không hề có tính chất chung chung, như một định đề mặc nhiên thời nào cũng vậy, trái lại, được trình bày tường tận theo quan điểm cụ thể - lịch sử. Trong chương tổng luận về văn học thời Thanh, họ cũng nêu lên 3 tiết lớn làm sáng tỏ vai trò của văn hóa, nhưng có khác với cách viết tổng luận văn học thời Đường:
  1. Học thuật và văn học dưới ảnh hưởng của văn hóa chuyên chế: a. Văn hóa chuyên chế: độc tôn của lý học Trình Chu; b. Viết sách và cấm sách; c. Văn tự ngục ngày càng nghiêm khắc; d. Sự hưng thịnh của Hán học; đ. Sự xác lập tông phái chính thống Đồng thành cổ văn; e. Hiện tượng ngưng trệ hóa trong văn học.
  2. Tư trào nhân văn đời Thanh và văn học: a. Sự chuyển hướng của học thuật vào đầu đời Thanh; b. Chuyển hóa sâu sắc trong sự biện biệt giữa “thiên lý” và “nhân dục”; c. Sự cường điệu công dụng xã hội của văn học; d. Sự phát triển của phê bình lý luận văn học; đ. Ý thức nhân văn trong văn học.
  3. Đặc trưng lịch sử của văn học đời Thanh: a. Là tập đại thành của văn học các đời; b. Hình thái văn học cổ điển lại một lần nữa chiếm địa vị huy hoàng; c. Bước tiến vọt của sự đổi mới thể loại ; d. Xu thế diễn biến của văn học.

Trong bộ sách của nhóm Viên Hành Bái cũng có một chương duy nhất nói đến nhân tố kinh tế, đó là chương tổng luận văn học thời Minh. Nhưng xem kỹ, việc nhấn mạnh này quả có lý do: thời Minh thương nghiệp đặc biệt phát triển tạo tiền đề cho sự phát triển của sinh hoạt văn hóa đô thị, trên cơ sở đó tầng lớp thị dân ra đời và lớn mạnh, làm nẩy sinh một thị hiếu khác hẳn trước đối với văn học, và một nền văn học mới đáp ứng thị hiếu đó cũng xuất hiện với nhiều thành tựu rực rỡ. Chính vì thế, vài nét miêu tả sự phồn vinh của kinh tế thương nghiệp được viện dẫn ở đầu chương, thực chất cũng chỉ là nhân tố khơi nguồn cho một loại hình văn hóa mới dưới thời Minh.

Rõ ràng đặt văn học trên cái nền của văn hóa là phát hiện đúng môi trường hữu cơ của nó, qua đó dễ dàng nhận ra không phải bản chất xã hội, bản chất giai cấp mà bản chất thẩm mỹ, chiều sâu tư tưởng nghệ thuật của văn chương. Tzvetan Todorov, nhà nghiên cứu văn học Pháp, cũng đã nói từ năm 1972: “Cần phải phân biệt lịch sử của văn học và lịch sử có tính chất xã hội. Đánh tráo cái này cho cái kia, đó là cách khẳng định rằng, người ta có thể giải thích sự chuyển biến nội tại của văn chương bằng những sự đổi thay của xã hội: câu trả lời được tìm thấy ngay cả trước khi người ta có thể lập xong phương án cho câu hỏi. Điều đó không hề muốn nói rằng giữa hai loại là độc lập: phân biệt không có nghĩa là cách ly. Vấn đề đáng kể hơn ở đây là thiết lập một trật tự thứ bậc trong đối tượng nghiên cứu, cái trật tự nó tác động một cách cần thiết lên ngay chính các hình thức nghiên cứu” [14] . Như vậy, trong chừng mực nào đó phương pháp xã hội học, nhất là trường phái xã hội học của Phê bình mới như Lucien Goldmann, vẫn còn cần thiết cho các nhà văn học sử, song nhất thiết chớ đánh đồng nó với phương pháp văn học sử [15] . Chính đây là chỗ lâu nay ta thường nhầm. Không thể bác bỏ việc tìm hiểu nội dung xã hội của thơ văn, thậm chí vẫn phải chiếu ứng với bối cảnh lịch sử cụ thể của từng giai đoạn để bóc tách nội dung thơ văn cho xác đáng, nhưng nội dung xã hội của thơ văn chỉ có giá trị đối với nhà văn học sử khi chúng đã biến thành một đại lượng thông báo thẩm mỹ. Điều này quy định các bước đi cụ thể trong phân tích trào lưu, tác gia, tác phẩm.


4.

Cho đến nay giới nghiên cứu văn học Việt Nam hình như vẫn coi bộ văn học sử do Dư Quán Anh Chủ biên dười thời đại Sở trưởng Hà Kỳ Phương là bộ sách “kinh điển” của các nhà hàn lâm Trung Quốc (biểu hiện cụ thể là việc một nhóm dịch giả ở đại học vừa tu chỉnh lại bản dịch ra đời những năm 60 và được Nhà xuất bản Giáo dục in với kỹ thuật lý tưởng, như một thứ “cẩm nang” cần thiết cho sinh viên các khoa xã hội và nhân văn ở Việt Nam đầu thế kỷ XXI này). Đúng là bộ sách ấy có giá trị, nhóm Trương Quýnh cũng khẳng định rằng họ đã tích cực thừa kế nó. Nhưng nhìn chung mà nói, so với thế hệ Dư Quán Anh, phương thức tiếp cận và lý giải văn học sử của thế hệ sau đã có một bước đổi mới rõ rệt mà chúng ta thường không nắm bắt kịp thời. Cho nên ta dễ “bảo thủ” cũng là phải thôi. Chỉ nói về sách Lão Tử, ở Trung Quốc đã có những phát hiện văn bản quan trọng vào năm 1973 (ở Mã Vương Đôi) và vào năm 1996 (ở Quách Điếm), đến mức đã có một văn bản đặt phần “Đức” lên trên phần “Đạo” gọi là Đức đạo kinh, và đã xuất hiện một ngành học gọi là “Trúc giản học” bắt nguồn từ những phát hiện này mà tại Hoa Kỳ cũng đã có những học giả theo đuổi, trong khi đó ta vẫn “bằng chân như vại”, yên tâm với các bản dịch cũ của Nghiêm Toản, Nguyễn Hiến Lê, Thu Giang Nguyễn Duy Cần... mà không cần biết văn bản Lão Tử nên được bổ sung, khảo chứng mới như thế nào. Cũng thế, ta có thể vẫn học tập được rất nhiều ở bộ sách của nhóm Dư Quán Anh, nhưng ta càng cần phải biết những thao tác mới của giới văn học sử Trung Quốc những năm gần đây. Họ đã không phân tích tác giả theo lối chia đôi: nội dung tách rời nghệ thuật, mà phân tích quyện lẫn vào nhau, trong đó, nội dung xã hội của tác phẩm nằm ẩn sau những thành tựu về thể loại, những đóng góp về nghệ thuật ngôn từ của tác giả. Xin đơn cử dưới đây bốn bảng so sánh: cách viết của nhóm Dư Quán Anh về Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lục DuHồng lâu mộng và cũng chừng ấy đối tượng trong sách của nhóm Viên Hành Bái:

I. Lý Bạch
NHÓM DƯ QUÁN ANH:
  1. Thân thế Lý Bạch;
  2. Nội dung tư tưởng thơ Lý Bạch;
  3. Đặc điểm nghệ thuật thơ Lý Bạch.

NHÓM VIÊN HÀNH BÁI:
  1. Cuộc đời, tư tưởng và nhân cách;
  2. Lý Bạch và thể loại nhạc phủ và ca hành:
    • Sự cách tân và cá tính sáng tạo của Lý Bạch trong cổ nhạc phủ;
    • Phương thức trữ tình của Lý Bạch ở thể hành vân lưu thủy;
    • Giá trị thể loại ca hành của Lý Bạch.

  3. Thơ tuyệt cú của Lý Bạch:
    • Tình tứ vô tận được biểu hiện ở ngôn ngữ thanh thoát;
    • Phong cách và thần thái hào sảng của một giọng điệu mới mẻ, trong trẻo và cao siêu;
    • Ảnh hưởng của nhạc phủ dân ca đối với thơ tuyệt cú của Lý Bạch.

  4. Cá tính nghệ thuật của thi ca Lý Bạch:
    • Sắc thái chủ quan;
    • Đặc sắc của sự tưởng tượng;
    • Loại hình tượng ý và sắc điệu của ngôn từ.

  5. Địa vị và ảnh hưởng của Lý Bạch.


II. Đỗ Phủ

NHÓM DƯ QUÁN ANH:
  1. Thân thế Đỗ Phủ và quá trình sáng tác;
  2. Nội dung tư tưởng trong thơ Đỗ Phủ;
  3. Thành tựu nghệ thuật của thơ ca Đỗ Phủ.


NHÓM VIÊN HÀNH BÁI:
  1. Xã hội loạn lạc và nhà thơ Đỗ Phủ;
  2. Thơ luật của Đỗ Phủ:
    • Phạm vi và thủ pháp biểu hiện trong việc khai thác và mở rộng luật thi;
    • Kỹ xảo xuất thần nhập hóa trong sự dung hóa từ luật thi đến tổ thi.

  3. Phong cách nghệ thuật của thơ Đỗ Phủ:
    • Phong cách ủ dột và ngưng trệ đóng vai trò chủ lưu trong thơ Đỗ Phủ;
    • Các phương diện khác của phong cách thơ Đỗ Phủ: tiêu tán tự nhiên;
    • Mối quan hệ giữa ngoại cảnh và tâm cảnh trong phong cách thơ Đỗ Phủ.

  4. Địa vị và ảnh hưởng của Đỗ Phủ.

III. Lục Du

NHÓM DƯ QUÁN ANH:
  1. Thân thế Lục Du;
  2. Tinh thần yêu nước trong thơ ca Lục Du;
  3. Truyền thống sáng tác được kế thừa trong thơ Lục Du và đặc điểm nghệ thuật.


NHÓM VIÊN HÀNH BÁI:
  1. Con đường sáng tác của Lục Du và ngọn nguồn sâu thẳm của thi ca:
    • Tấm lòng yêu nước suốt đời không thay đổi;
    • Sự biến hóa trước và sau khi vào Thục;
    • Sự kế thừa thi phong của Lữ Bản Trung và Tăng Kỷ;
    • Sự suy tôn Đào Uyên Minh, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Sầm Tham.

  2. Đặc điểm và thành tựu của thơ ca Lục Du:
    • Chủ đề kháng địch phục quốc;
    • Hứng thú ẩn dật;
    • Thơ tình yêu;
    • Khí cốt khoáng đạt hào hùng ẩn trong sự bình dị sáng sủa;
    • Thành tựu cao độ của thơ thất ngôn.

  3. Ảnh hưởng của thơ Lục Du:
    • Ảnh hưởng của Lục Du đối với thi đàn hậu kỳ Nam Tống;
    • Ảnh hưởng của Lục Du đối với thi nhân đời sau.

IV. Hồng lâu mộng

NHÓM DƯ QUÁN ANH:
  1. Tác giả Hồng lâu mộng;
  2. Hồng lâu mộng phê phán xã hội phong kiến;
  3. Hình tượng những nhân vật chính trong Hồng lâu mộng;
  4. Ý nghĩa xã hội rộng lớn của tình yêu trong Hồng lâu mộng;
  5. Thành tựu nghệ thuật của Hồng lâu mộng.


NHÓM VIÊN HÀNH BÁI:
  1. Gia thế Tào Tuyết Cần và việc sáng tác Hồng lâu mộng:
    • Một đời “sống trong phồn hoa chết trong luân lạc”;
    • Bản in Hồng lâu mộng;
    • Cao Ngạc và Trình Vĩ Nguyên.

  2. Giả Bảo Ngọc và thế giới bi kịch của Hồng lâu mộng:
    • Bi kịch ái tình, hôn nhân giữa Bảo Ngọc, Đại Ngọc, Bảo Thoa và sự hủy diệt của Đại Quan viên;
    • Bi kịch suy sụp của đại gia tộc phong kiến;
    • Giả Bảo Ngọc và bi kịch đời người.

  3. Sự sáng tạo nhân vật của Hồng lâu mộng:
    • Mỗi con người một diện mạo;
    • Tính phong phú về nội hàm của tính cách;
    • Sự phơi bày đời sống tâm linh.

  4. Nghệ thuật tự sự của Hồng lâu mộng:
    • Sự dung hợp giữa tả thực và thi vị hóa;
    • Kết cấu mạng lưới trong sự hỗn dung nhất thể;
    • Sự chuyển biến, thay đổi của điểm nhìn tự sự;
    • Ngôn ngữ văn học cá tính hóa.

  5. Ảnh hưởng của Hồng lâu mộng:
    • Việc tục biên xuất hiện ồ ạt;
    • Việc cải biên lặp đi lặp lại;
    • Ảnh hưởng sâu xa đối với sáng tác;
    • Hồng học.

Xem các bảng so sánh trên có thể thấy ngay, thế hệ viết văn học sử hôm nay ở Trung Quốc đã cố gắng bỏ qua phương pháp tiếp cận xã hội học - chính trị trong thao tác nghiên cứu, và lồng ghép việc phân tích hai phạm trù nội dung / hình thức trong mỗi tác giả, mỗi tác phẩm vào nhau một cách khá đa dạng và nhuần nhuyễn. Nội dung ưu tiên của họ là cá tính, phong cách nghệ thuật của nhà văn và sự sáng tạo của nhà văn đối với những thể loại tiêu biểu. Biến đổi của hệ thống thể loại được xem như một trong những dấu hiệu đặc trưng của cả tiến trình. Để đạt đến một cách thể hiện tối ưu các nội dung này, họ vận dụng tổng hợp nhiều phương pháp, trong đó có thi pháp học, phong cách học, phê bình mới, loại hình học, văn học so sánh (kể cả tiếp nhận văn học)... nhằm soi sáng cho phương pháp văn học sử. Những khái niệm gọi bằng “tinh thần chống phong kiến”, “tinh thần phê phán hiện thực”, “nông dân đấu tranh chống địa chủ”... theo kiểu bình tán nội dung thơ văn suông nhằm thể hiện quan điểm giai cấp của chủ nghĩa Marx không còn được chấp nhận. Các tác phẩm nặng tính chất chính trị-xã hội học thuộc trào lưu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng phải chịu một sự phán xét nghiêm chỉnh.


5.

Dĩ nhiên, theo tôi, văn học sử có phương pháp riêng của nó chứ không thể đồng nhất với thi pháp học là bộ môn hiện đang được giới nhà giáo kiêm nhà nghiên cứu Việt Nam mê thích, hầu như đề tài nào cũng cố xen vào một vài chương, một vài đoạn, ít ra cũng một vài câu (và không chương đoạn nào mà không lặp lại vô số những sáo ngữ hệt nhau). Bởi lẽ, thi pháp học là xem xét hình thức nghệ thuật như một khả năng tự ý thức, nói cách khác là đi tìm quan niệm nghệ thuật của nhà văn hoặc nhóm nhà văn thể hiện ở những hệ thống tác phẩm nào đấy, những hệ thống thể loại nào đấy, thông qua một số dấu hiệu lặp đi lặp lại có tính chất biểu trưng. Còn lịch sử văn học là đi tìm quy luật vận động của các phương thức kết hợp văn bản ngôn từ một cách thẩm mỹ trong những chu trình lịch sử khác nhau. Quy luật vận động của văn bản ngôn từ chung quy cũng là thành quả của các loại quan niệm nghệ thuật, tư tưởng nghệ thuật, cá tính sáng tạo của nhà văn, ở từng thời kỳ nhất định, nhưng văn học sử không nhất thiết phải vạch rõ nội dung quan niệm - dựa trên những quy ước ít khi thay đổi (chẳng hạn quan niệm về con người, quan niệm về không gian xã hội, không gian tâm lý, không gian trết lý nơi hư cấu nên câu chuyện, quan niệm về sự biến chuyển của cảnh đời, của tạo vật gắn với nhân vật và cốt truyện...), mà chỉ trình bày hiệu quả nghệ thuật đa dạng nhưng vô ngôn của những quan niệm ấy. Kết quả càng phong phú bao nhiêu thì càng chứng tỏ sự vận động của thực tiễn văn học có nhiều hình nhiều vẻ.

Mấu chốt của văn học sử là phải xác định đúng các tiến trình của nó, để tìm ra sợi dây nhất quán nối kết những hiện tượng văn học đặc thù trong cùng một tiến trình. Khi ta chia cắt văn học Việt Nam thế kỷ XVIII thành hai giai đoạn, nửa đầu và nửa cuối thế kỷ, e rằng ta đã cắt đôi một tiến trình liên tục - mà chủ điểm là cảm hứng nhân văn biểu hiện ở yêu cầu hạnh phúc lứa đôi, quyền sống con người và thân phận người phụ nữ - thành hai khúc riêng rẽ; làm như thế cái nhìn xuyên suốt của chúng ta sẽ không đến đầu đến đũa. Còn khi ta gộp văn học thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX vào một giai đoạn như các bộ giáo trình đại học trước đây đã làm, e rằng ta cũng đã cưỡng chế hai tiến trình khác biệt vào làm một. Về mặt xã hội học, gộp vào để muốn nói xã hội nửa đầu thế kỷ XIX cũng loạn lạc như ở nửa cuối thế kỷ XVIII là điều không đúng. Nửa đầu thế kỷ XIX rõ ràng đất nước trở lại ổn định, tâm lý người dân từ Nam đến Bắc cảm thấy an lạc hơn. Về sự phát triển nội tại của văn chương, có thể nghĩ cảm hứng chính của văn học nửa đầu thế kỷ XIX tuy vẫn đặt trên cơ sở chủ nghĩa nhân văn nhưng lại có những dạng thức biểu hiện không đơn giản, và không còn đóng khung trong những môtip chủ đề dễ xâu chuỗi như ở thế kỷ XVIII:
  1. Một mặt văn học giờ đây vừa trở lại với sự mực thước một cách tự nguyện - và cả hào hứng nữa - trong những phát ngôn về chức trách, phận vị của nhà văn đối với dân và nước, trong tâm lý chung của con người từ loạn lạc, phiêu tán, chết chóc chuyển sang thái bình và dưới áp lực của một nền văn hóa chuyên chế và thống nhất vừa được xác lập;
  2. Mặt khác đó lại là sự phản ứng với nền văn hóa chuyên chế ấy bằng tâm thế hoài cổ, bằng cái nhìn hồi cố lịch sử, bằng nỗi mặc cảm về “con người thừa”, hoặc bằng cách thoát ly khỏi sự chi phối của trung tâm văn hóa Huế để trở về với văn hóa Thăng Long;
  3. Cao hơn một mức nữa, văn học của thời đoạn này còn đẩy tới sự giải phóng cá nhân ở những xu hướng táo bạo hơn thế kỷ XVIII: thị tài, dốc mình vào chữ danh với ý nghĩa bày tỏ chỗ hơn đời, chỗ phát lộ bản sắc cái “tôi” của mình, hành lạc, buông mình trong chữ nhàn, chữ dục;
  4. Ngoài ra còn có thêm cái nhìn sắc sảo khơi sâu vào tấn bi kịch xã hội của hạng người “dưới đáy” mà thế kỷ XVIII chưa kịp phát hiện.

Và về mặt thể loại - là tiêu chí quan trọng thứ hai đánh dấu một tiến trình văn học mới, thì trong khi thế kỷ XVIII nổi bật lên ở thể ngâm khúc và bắt đầu trước bạ thể truyện thơ, bên cạnh thể thơ kỷ sự và các thể truyện, ký chữ Hán, phải nói đến nửa đầu thế kỷ XIX thể loại đã thật sự có một bước biến đổi về chất: truyện thơ đến đây mới là bước tập đại thành (Truyện Kiều [16] của Nguyễn Du, Nhị độ mai, Phan Trần, Bích Câu kỳ ngộ của Vũ Quốc Trân (?), Ngọc Kiều LêTruyện Tây sương của Lý Văn Phức, Phù dung tân truyện của Trúc Lâm cư sĩ, Phương Hoa tân truyện của Nguyễn Cảnh…) [17] , thơ Đường luật Nôm phát triển rực rỡ (Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương…) song song với thơ Đường luật chữ Hán (mà chủ yếu lại không phải là thơ kỷ sự như các nhà thơ giai đoạn trước), đồng thời còn có những thể loại ở thế kỷ trước hầu như chưa có: hát nói, kịch bản tuồng...

Văn học bao giờ cũng phát triển theo quy luật tiệm tiến nên ít khi có đột biến giữa tiến trình này và tiến trình kia, nhưng không vì thế mà giữa thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX không có một sự phân đôi - hiện tượng thăng hoa của chặng đường sau so với chặng đường trước là một bằng chứng khó chối bỏ. Mà một khi đã cưỡng chế hai tiến trình văn học lại làm một, tức là bắt cả hai tiến trình cùng tuân thủ những quy luật chung mà trên thực tế chúng không bao trùm được, thì chắc hẳn cũng sẽ làm cho việc trình bày diện mạo và xu thế của văn học, nếu không trở thành khiên cưỡng ắt cũng gặp không ít khó khăn.
Tháng IV-2003



[1]Xin xem: 1. “Thử tìm vài đặc điểm của văn xuôi tự sự quốc ngữ Nam Bộ trong bước khởi đầu”; Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 5-2002. 2.“Một vài vấn đề phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam, nhìn từ điểm đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Văn học, California, số 184, tháng 8-2001. 3. “Mấy đặc trưng loại biệt của văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX”; Tạp chí Văn học, Hà Nội, tháng 5-2003.
[2]Dẫn theo Trung Hoa văn học thông sử. Tập X; tr. 398-399.
[3]Sđd.
[4]Sách gồm 10 tập, Hoa nghệ xuất bản xã, bắc Kinh, 1997.
[5]Nxb. Văn học, 2000.
[6]Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2002.
[7]G. Lanson. Histoire de la littérature française (in lần đầu 1894), remaniée et complétée pour la période 1850-1950 par Paul Tuffaut. Nhà sách Hachette, Paris, 1951.
[8]Nhà sách Stock, Paris, 1936, bản mà chúng tôi có trong tay là bản in năm 1963.
[9]Nxb. Trình bày, Sài Gòn, 1967.
[10]Phong trào văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1973.
[11]3 tập. Cổ điển văn học xuất bản xã, Thượng Hải, 1958.
[12]3 tập. Nhân dân văn học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1962.
[13]4 tập. Cao đẳng giáo dục xuất bản xã, Bắc Kinh, 1999-2001.
[14]Oswald Ducrot-Tzvetan Todorov. Dictionnaire encyclopédique des sciences du langage. Édition du Seuil, Paris, 1972; tr. 188. Nguyên văn : “Il faut distinguer clairement l’histoire de la littérature de l’histoire sociale. Substituer celle-ci à celle-là, c’est affirmer que l’on peut expliquer la variabilité littéraire par les changements de la société : la réponse est donnée avant même que l’on ait pu formuler la question. Ce qui ne veut pas dire que les deux séries sont indépendantes : distinguer ne signifie pas isoler; il s’agit plutôt d’établir un ordre hiérarchique dans l’objet de l’étude, ordre qui se répercute nécessairement sur la forme de l’étude elle-même”.
[15]Xin xem thêm Đỗ Đức Hiểu. Thi pháp hiện đại. Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2000; tr. 52-54.
[16]Gần đây, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn phát hiện ra một số chữ kiêng húy đời Lê trong bản Kiều Duy Minh Thị cho phép đặt giả thuyết Truyện Kiều có thể xuất hiện sát cuối thế kỷ XVIII, nhưng điều đó vẫn không làm thay đổi quan điểm của chúng tôi cho rằng phải đến đầu thế kỷ XIX Truyện Kiều mới đích thực phát huy ảnh hưởng rộng rãi của nó trong đông đảo người đọc.
[17]Ảnh hưởng của lời thơ Truyện Kiều trong Nhị độ maiPhan Trần cho phép khẳng định các tác phẩm này không thể ra đời trước thế kỷ XIX.
Nguồn: Tạp chí văn học, Hà Ná»™i, số 6-2003. Tác giả có chỉnh lý và bổ sung