© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
30.7.2005
Khánh Trường
Thư ngỏ: Bạch hóa chuyện Hợp Lưu
 
Ra đời tháng 10.1991, tạp chí Hợp Lưu đã đóng dấu ấn rõ rệt của mình trong đời sống văn học Việt gần 14 năm qua, tập hợp một số lượng đông đảo các cây bút có uy tín, thực hiện những chuyên đề đặc sắc, và là một trong những diễn đàn văn nghệ quan trọng nhất xuất phát từ hải ngoại chủ trương một nền văn học Việt vượt qua những ranh giới điạ lí giữa trong và ngoài nước. Chính vì vị trí đặc biệt đó, sự cố diễn ra trong thời gian gần đây với Hợp Lưu đã vượt ra ngoài sự quan tâm trong phạm vi hẹp của một bộ phận trong văn giới và đặt ra những câu hỏi đáng suy ngẫm, ít nhất là về sinh hoạt báo chí tiếng Việt, đặc biệt là báo văn học, tại hải ngoại.
Ý thức rõ sự nhạy cảm của những nội dung thuộc sự cố này, khi quyết định công bố những bài sau đây, chúng tôi đã có thư mời các bên liên quan trình bày quan điểm, cách nhìn của mình và phản hồi những ý kiến khác, với hi vọng rằng qua đó độc giả sẽ được thông tin đa chiều và đầy đủ để có thể tự mình có được một nhận định độc lập.
talawas
Trên dưới ba năm nay, do chuyển biến nội tâm và bệnh tật, tôi không còn tha thiết với văn chương, hội họa, vốn đã hệ lụy với tôi gần trọn kiếp người. Gần đây nhất, tuần trước, Phùng Nguyễn đến thăm tôi, khi đề cập đến chuyện Hợp Lưu, anh nói: Hiện nay dư luận rất mù mờ, chả biết phải trái thế nào, kể cả tôi, vì thế anh nên công khai mọi uẩn khúc để sáng tỏ vấn đề, nhất là sau khi Hợp Lưu số 83 phát hành, có thư từ nhiệm của Chủ biên Trần Vũ, và thư của Tổng thư ký Đặng Hiền thông báo về việc chủ nhiệm Khánh Trường rút lui khỏi Hợp Lưu. Tôi đã trả lời Phùng Nguyễn: “Theo các bác sĩ, nhiều lắm, tôi chỉ còn sống được 3 năm nữa’’. Đối với người sắp rời bỏ trần gian này, Hợp Lưu bị cưỡng đoạt hay bất cứ chuyện gì cũng không còn là mối bận tâm. Mọi chuyện, xét cho cùng, là chuyện... thế gian. Tôi không muốn bị vướng vào nữa.

Nhưng trách nhiệm của tôi đối với Hợp Lưu không cho phép tôi buông xuôi ngoảnh mặt, hôm nay phải đành viết lá thư này. Để quý anh chị có thể hiểu rõ được phần nào những sự việc phức tạp đã xảy ra cho Hợp Lưu từ mấy tháng nay, thư khó có thể thu ngắn lại. Mong các anh chị thông cảm.

Chuyện bắt đầu vào trung tuần tháng 3 năm 2005, thời gian Trần Vũ từ Pháp sang Mỹ du lịch. Tại nhà tôi, một buổi trưa, nhân có vợ chồng Trần Vũ, và hai thành viên trong Ban Biên Tập là Đặng Thơ Thơ và Nguyễn Hương, chúng tôi bàn sơ khởi về tương lai Hợp Lưu. Trần Vũ tái xác nhận anh sẽ từ nhiệm sau số 84, lý do: công việc chủ biên tờ tạp chí đã lấy mất của anh quá nhiều công sức và thời giờ, lẽ ra phải được dành cho gia đình và sáng tác. Việc Trần Vũ từ nhiệm là một mất mát lớn khó bù đắp, nhưng dù muốn dù không vẫn phải đối diện thực tế này, và tìm hướng giải quyết. Tôi dùng cụm từ “tái xác nhận”, vì từ cuối năm 2004 Trần Vũ đã nói đến chuyện này với nhiều người, cũng như chính Trần Vũ đã đề nghị và mời một số anh chị trong Ban Biên Tập thay anh nắm giữ chức chủ biên. Nhưng mãi đến trước buổi họp mặt ở nhà tôi, vẫn chưa có ai chịu nhận gánh trọng trách này. Vì thế, sau khi thảo luận hôm đó, chúng tôi cùng đồng ý sẽ đưa ra hai phương án:
  1. Đóng cửa Hợp Lưu nếu không tìm ra giải pháp.

  2. Mở rộng Ban Biên Tập, kết nạp thêm thành viên, phân bố trách nhiệm nhân sự cho từng bộ môn. Chủ biên đương nhiệm Trần Vũ cũng đã tán thành đề án này với thành phần nhân sự được đề cử, nhưng còn chờ sự bàn thảo và biểu quyết của những người còn lại trong Hợp Lưu theo đúng nguyên tắc. Trần Vũ đã nhận lời giúp đỡ cho tiến trình chuyển tiếp, và cho Ban Biên Tập tương lai.

Theo tôi, nếu chọn phương án thứ 2 thì phải tìm và đề cử một Tổng thư ký mới, điều hành công việc theo đúng danh xưng. Ba năm qua, Đặng Hiền trên danh nghĩa là Tổng thư ký, nhưng thực tế chỉ làm công việc trị sự. Tất cả mọi công đoạn liên quan đến nội dung như tìm, đề xuất chủ đề cho mỗi số báo, liên lạc xin bài, thảo luận và cùng các tác giả chỉnh lý bản thảo để có được những tác phẩm hoàn chỉnh, đủ và phù hợp với chủ đề đều do Chủ biên cùng Ban Biên Tập làm. Sau đó, tôi hoàn tất khâu trình bày, làm bìa. Trong khoảng một năm cuối, Chủ biên Trần Vũ phải gánh vác công việc nặng nề hơn nữa vì một vài thành viên trong Ban Biên Tập không có thời gian để giúp chuyện bài vở hữu hiệu như trước. Bản thảo hoàn tất, Đặng Hiền đến nhà tôi lấy, mang đi in. In xong lấy về phân phối cho các nhà sách, độc giả dài hạn; vài ba ngày cập nhật danh sách độc giả dài hạn, trả lời những email, thư từ liên quan đến việc mua báo, nếu có; quản lý chi thu, tổng kết tài chính hàng năm. Nghĩa là, trước sau, Đặng Hiền chỉ đóng vai trò của một Trị sự.

Với phương án mới, nếu không có chủ biên, rất cần thiết phải có một Tổng thư ký đúng nghĩa, đầy đủ năng lực trên lĩnh vực văn học để có thể thay mặt Ban Biên Tập liên hệ với văn hữu. Theo tôi, Đặng Hiền không gánh nổi trọng trách này. Các anh chị nào đã từng tiếp xúc liên lạc với Đặng Hiền hẳn hiểu khả năng của Đặng Hiền.

Khi đề nghị thay đổi chức danh của Đặng Hiền, tôi vẫn chủ quan nghĩ, cũng như tôi, Đặng Hiền sẽ vì Hợp Lưu mà vui vẻ nắm giữ vai trò trị sự, vốn rất hợp với khả năng của Đặng Hiền, cẩn thận, chi li và khôn ngoan trong chuyện tiền bạc. Nhưng tôi đã lầm: đề nghị của tôi có lẽ đã khiến Đặng Hiền thấy mình bị tổn thương, nên đã có những phản ứng dữ dội. Kết quả là Đặng Hiền đã sử dụng vũ khí trong tay là môn bài, trương mục ngân quỹ, danh sách độc giả dài hạn của Hợp Lưu để tuyên bố đình bản tạp chí trong một thông cáo đề ngày 25 tháng 3, 2005 gửi đi cùng khắp. Nếu không vì động cơ cá nhân thì khi có mâu thuẫn với cá nhân nào trong Hợp Lưu hay với cả tập thể, tại sao Đặng Hiền không giao lại môn bài, trương mục, và danh sách độc giả để cùng tập thể quyết định?


Môn bài trong tổ chức của Hợp Lưu

Môn bài của Hợp Lưu từ đầu luôn được đứng tên bởi một người đại diện.

Tất cả chúng ta, khi chọn văn học nghệ thuật làm nghiệp dĩ, đều không bao giờ nghĩ đến chuyện có lúc phải rơi vào vòng tranh chấp pháp luật. Ngày xưa, khi Hợp Lưu mới khai sinh, do nhóm anh em gồm tôi, các anh Nhật Tiến, Phan Tấn Hải, Phạm Việt Cường, Đỗ Hữu Tài và một số văn hữu nữa cùng thảo luận, đề xuất thành lập một Foundation với mục đích Vận động dân chủ cho Việt Nam bằng Văn học, Nghệ thuật. Hợp Lưu là tạp chí của Foundation. Chúng tôi đã phân trách nhiệm như sau:

Chủ tịch: Nhật Tiến.
Chủ biên Hợp Lưu: Khánh Trường
Phụ tá chủ biên: Phan Tấn Hải & Phạm Việt Cường
Tổng thư ký: Đỗ Hữu Tài

Phan Tấn Hải ngày ấy chưa có gia đình và là người rảnh rỗi nhất nên anh em đã đề cử Phan Tấn Hải đứng tên xin môn bài cho Hợp Lưu. Những năm đầu tiên Hợp Lưu được sự đóng góp công sức, vật chất lẫn tinh thần, của anh em trong nhóm và của rất nhiều anh chị em văn hữu khác, ở khắp nơi. Gần, như Đỗ Kh., Lê Thị Thấm Vân... Xa, như Trương Vũ, Thụy Khuê...

Ba năm trước, khi bàn giao công việc với nhau, chúng tôi cùng đồng ý Phùng Nguyễn & Đặng Hiền xin môn bài mới cho Hợp Lưu ở thành phố Đặng Hiền đang có cửa tiệm sửa computer, để thuận tiện hơn cho Đặng Hiền khai thuế hàng năm. Tôi, thời điểm này rất chán ngán báo chí nên đã không muốn đứng tên chung, dù Đặng Hiền & Phùng Nguyễn yêu cầu. Lúc Phùng Nguyễn thôi giữ chức chủ biên, anh rút tên ra, chỉ còn duy nhất một mình Đặng Hiền. Nhưng không hề có việc chuyển nhượng quyền sở hữu Hợp Lưu từ Phan Tấn Hải sang cho Đặng Hiền.


statement by domestic nonprofit corporation


Tài chánh và danh sách độc giả

Tuy nhiên môn bài Hợp Lưu không phải là mấu chốt. Vấn đề là danh sách địa chỉ độc giả dài hạn, yếu tố quyết định sự sống còn của tờ báo. Ba năm trước, vì cả tin, tôi giao tất cả cho Đặng Hiền nắm giữ. Nay, Đặng Hiền không trả lại. Dù một số vị, vì muốn giúp Hợp Lưu nên đã không quản ngại đến nhà Đặng Hiền dàn xếp, và chính tôi, đã rất nhiều lần minh định: Hợp Lưu bây giờ là tài sản chung của mọi người, nếu Đặng Hiền không muốn cộng tác với Hợp Lưu nữa, thì hãy trả lại cho tập thể. Tôi còn nói với các vị khi tiếp xúc thương lượng nói giùm: nếu Đặng Hiền muốn, Hợp Lưu tặng luôn số tiền hiện có trong trương mục Hợp Lưu. Có được danh sách độc giả dài hạn, anh chị em sẽ góp mỗi người một ít, dựng lại Hợp Lưu, không khó. Nói tóm, tuy trên môn bài hiện tại Đặng Hiền đứng tên, nhưng Hợp Lưu không là của riêng ai, kể cả tôi hay Đặng Hiền cũng không được độc quyền sở hữu. Nhưng mọi nỗ lực đều vô ích, Đặng Hiền vẫn tuyên bố: Hợp Lưu là của Đặng Hiền! Nhiều văn hữu rõ chuyện, đưa hướng giải quyết: Nếu không thể giải quyết bằng luật pháp vì sợ xấu mặt Hợp Lưu, thì nhờ các website bạn thông báo đến mọi văn hữu và độc giả về tình hình Hợp Lưu, đề nghị họ liên hệ về địa chỉ mới, thiết lập lại danh sách độc giả dài hạn để có thể tiếp tục. Nhưng như đã nói, do chuyển biến nội tâm và do bệnh tật, nhất là ngày “lên đường” không còn xa, tôi không đủ sức làm lại từ đầu, và nhất là không tha thiết bất cứ chuyện gì nữa.


Những hành động của Đặng Hiền

Từ trung tuần tháng 3 năm nay lúc xảy ra sự cố cho đến gần đây tôi vẫn giữ thái độ im lặng trước rất nhiều phản ứng của Đặng Hiền như ly gián, gây nghi ngờ, chia rẽ giữa tôi với nhiều văn hữu.

Điển hình: Đặng Hiền cố tình chia rẽ tôi với Chủ biên Trần Vũ. Ngót 20 năm nay, chúng tôi có một giao tình rất gắn bó, từng xem nhau như anh em ruột thịt, thế mà, để cô lập tôi, Đặng Hiền đã dùng một email tôi viết riêng cho Đặng Hiền, đem công bố rộng với văn hữu khắp nơi, làm cho dư luận hiểu lầm tôi có ý đồ tìm cách đẩy Trần Vũ khỏi chức chủ biên vì bất đồng chính kiến. Điều ấy hoàn toàn sai, anh em có thể cãi nhau, nhưng mục tiêu chung vẫn là muốn Hợp Lưu khá hơn.

Chuyện bất đồng ý kiến trong khi bàn thảo về bài vở, đường hướng, nội dung… trong nội bộ là chuyện đương nhiên để đưa đến một giải pháp chung, không phải để dẫn đến bất hòa. Vừa phản ánh, vừa để thực hiện chức năng của một diễn đàn mở rộng, những người thực hiện Hợp Lưu tiêu biểu cho rất nhiều khuynh hướng chính trị, truyền thống tri thức, văn hóa, nghệ thuật ở nơi sinh sống, tại Việt Nam hay trên khắp thế giới. Chính sự đa dạng này của thành phần nội bộ Hợp Lưu đã là sức mạnh, điểm son của Hợp Lưu. Đặng Hiền đã nhân vào đó mà tung tin chia rẽ nội bộ với bên ngoài, khuynh đảo dư luận để che đậy cho việc làm sai trái của cá nhân mình.

Về nguyên tắc làm việc, Đặng Hiền đã không ngần ngại công bố các thư trao đổi nội bộ về những vấn đề còn trong vòng thảo luận như 2 bức thư đề án tái cấu trúc của tôi mà Đặng Hiền đã phổ biến một cách trái phép vào tháng 3 năm nay.

Chưa dừng lại ở đó, Đặng Hiền còn tìm đủ mọi cách nhằm bôi nhọ uy tín cá nhân tôi cùng nhiều người khác. Đặng Hiền đã hăm dọa với ít nhất là vài người rằng sẽ công bố thư riêng của tôi. Tệ hại hơn nữa, bất chấp nguyên tắc căn bản và tối thiểu trong công việc làm có trao đổi chung trong một tổ chức, cùng danh dự và lòng tự trọng, Đặng Hiền còn đe dọa sẽ phổ biến tất cả thư từ trao đổi giữa những thành viên của Ban Biên Tập và Chủ biên liên quan đến chuyện phê bình quyết định đi hay không bài vở của văn hữu gửi đến Ban Biên Tập, cả những biến động dẫn đến việc thay đổi nhân sự trong nội bộ Hợp Lưu. Một phần vì bệnh tật, nói năng, viết lách khó khăn, phần khác, nặng nề hơn, tôi quá mỏi mệt, ngán ngẩm, nên khó cưỡng mọi chuyện trôi theo hướng Đặng Hiền đã vạch.

Không thể giữ sạch sẽ cho Hợp Lưu được nữa rồi. Đành vậy!

Sau này, do sinh kế, các thành viên trong nhóm không còn gặp nhau thường xuyên, nhưng công việc và tinh thần tập thể vẫn nguyên vẹn. Đó là lý do tôi không ngừng lặp đi lặp lại: Hợp Lưu là tài sản chung của mọi người.

Thế nhưng, vì tham vọng, Đặng Hiền bất chấp lý lẽ, đã tuyên bố với những người trong buổi gặp gỡ tại nhà Đặng Hiền vào cuối tháng 3 gồm Lê Thị Thấm Vân, anh Lê Thứ, chị Mỹ Lộc, Trần Vũ, Ngọc Mỹ, Nguyệt Cầm, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Hương (khi những vị này đến nhà Đặng Hiền dàn xếp sau lá thư ngày 25 tháng 3 tuyên bố đình bản Hợp Lưu của Đặng Hiền): “Hợp Lưu là ai? Hợp Lưu là Hiền nè, Hiền muốn nó chết là nó chết.”

Còn ngao ngán hơn, Đặng Hiền đã viết trong một thư gửi Ban Biên Tập rằng Khánh Trường không có quyền gì cả, chỉ là “chủ nhiệm sáng lập”. Giả sử còn khỏe mạnh và nhiệt tâm như xưa, tôi sẽ liên lạc với các thành viên cũ, đưa nội vụ xin tòa xét xử, với đầy đủ hồ sơ (do luật sư Nguyễn Hữu Liêm làm khi thành lập Foundation). Giả sử thôi, chứ làm thế chỉ xấu mặt Hợp Lưu. Nhà văn Ngô Tự Lập, nhà thơ Tô Nhuận Vĩ, và rất nhiều anh chị em văn hữu trong ngoài nước vẫn đến thăm tôi, cùng có chung nhận xét: Bọn văn nghệ sĩ thông minh, tài cán trên chữ nghĩa, nhưng lại vô cùng non nớt khi va chạm cuộc đời. Nhất là trước những thủ đoạn tráo trở. Vì thế luôn luôn thua thiệt. Nhận xét trên có phần đúng, nhưng tôi cho không phải vì non nớt, mà vì lòng tự trọng. Sự cố Hợp Lưu càng lúc càng nhầy nhụa, trầm mình vào, bẩn quá. Đó là lý do dù nhiều anh chị em hiểu rõ uẩn khúc câu chuyện vẫn đành phải tránh xa, im lặng.

Tôi rất cực lòng và xấu hổ khi buộc phải công khai mọi chuyện.

Cực lòng. Như đã nói, Hợp Lưu là một diễn đàn văn học có uy tín, cho nên Hợp Lưu sống hoặc chết vẫn phải trong tư thế xứng đáng với tầm vóc của nó. Vì thế, hơn 4 tháng qua, tôi không phản ứng trước những hành động nói trên của Đặng Hiền. Thậm chí nhiều bằng hữu trong và ngoài giới đến nhà chơi, cũng như qua thư từ trao đổi bằng email, vẫn chưa biết gì về tình trạng Hợp Lưu hiện tại. Tôi đã hy vọng mọi chuyện sẽ qua, để, nếu may mắn có được một chủ biên tài năng, Hợp Lưu sẽ tiếp tục nắm giữ ngọn cờ tiên phong, dấn thân vào những vùng đất mới, như 15 năm qua Hợp Lưu đã làm. Bằng không, nếu chết, Hợp Lưu sẽ cố gắng chọn một cái chết sạch sẽ.

Nhưng mọi diễn biến càng lúc càng đẩy sự cố lún sâu xuống vũng sình. Hợp Lưu muốn sống một cách đường hoàng chắc chắn bất khả thi. Ngược lại, muốn chết cũng không được. Tôi cực lòng lắm.

Với tư cách Chủ biên rồi Chủ nhiệm, lẽ ra tôi không được quyền tắc trách để gây nên hậu quả tệ hại này. Càng nghĩ, tôi càng thấy mình xấu hổ, có tội. Không chỉ với những vị đã cùng tôi sáng lập ra Hợp Lưu, các văn hữu khắp nơi, mà lớn hơn, với văn học Việt Nam.

Cũng hồi trung tuần tháng 3, qua sự dàn xếp của Nam Dao, tôi đã ký tên vào thông cáo với danh xưng “chủ nhiệm sáng lập”, có nghĩa là chủ nhiệm và cả là người sáng lập. Qua thỏa thuận này (bằng văn bản đề ngày 29 tháng 3 với chữ ký của Khánh Trường, Trần Vũ và Đặng Hiền), chúng tôi đã cam kết không thay đổi đường hướng và thành phần nhân sự ít nhất là cho đến hết số 84. Và sau này, khi có thay đổi thì đương nhiên phải theo đúng nguyên tắc thông thường, có nghĩa là phải theo thủ tục biểu quyết của tất cả những người chịu trách nhiệm Hợp Lưu như tôi, chủ biên Trần Vũ, Tổng thư ký Đặng Hiền, và Ban Biên Tập.

Mọi chuyện đã không đơn giản như tôi tưởng. Gần đây nhất, trong Thư Tổng thư ký, đăng ở số 83 (tháng 6&7/2005), Đặng Hiền ngang nhiên nhân danh “chúng tôi” khi thực chất, chỉ duy nhất một mình Đặng Hiền, không hội ý bất cứ ai trong tất cả tập thể thực hiện Hợp Lưu cho đến hôm nay, để tự biên tự diễn, loại bỏ tôi, người Sáng lập và là đương kiêm Chủ nhiệm, ra khỏi Hợp Lưu.

Cũng từ Thư Tổng thư ký của Đặng Hiền trên Hợp Lưu 83, Nguyễn Hương và Đặng Thơ Thơ với tư cách là thành viên trong Ban Biên Tập, và với trách nhiệm thực hiện số 84, đã hỏi ý kiến Ban Biên Tập nên xử lý thế nào khi số 84 với chủ đề đặc biệt vốn là một cam kết trước khi mọi tranh chấp xảy ra và trước khi có sự thay đổi nhân sự. Trong email đề ngày 12 tháng 7 gửi lại cho Nguyễn Hương, Đặng Thơ Thơ và những người trong Ban Biên Tập, thay vì giải quyết chuyện số 84, Đặng Hiền đã thẳng thừng phủ nhận sự có mặt của Ban Biên Tập.

Các thành viên trong Ban Biên Tập đã phải lên tiếng về hành động sai trái của Đặng Hiền, từ tuyên bố đóng cửa Hợp Lưu đến vô hiệu hóa tất cả các nhân sự cũ của Hợp Lưu (từ chủ nhiệm đến các thành viên trong Ban Biên Tập), để thực hiện một Hợp Lưu mới với thành phần nhân sự không được tuyên bố, chính xác hơn, chỉ duy nhất một mình Đặng Hiền. Vì không còn giải pháp nào khác, không thể tiếp tục cộng tác với Đặng Hiền, nên Nguyễn Hương và Đặng Thơ Thơ đã gửi thư thông báo đến các cộng tác viên số đặc biệt Văn Chương Da Màu để xin quyết định của họ về chuyện xử lý bài vở.


Chuyện tôi “giao” Hợp Lưu cho Đặng Hiền

Trong Thư Tổng thư ký ở số 83, và trong Thư tòa soạn ở số 84 do Đặng Hiền sắp phát hành, Đặng Hiền đã cám ơn tôi “tin tưởng giao lại tạp chí Hợp Lưu là một gia tài tinh thần quí giá cho chúng tôi từ 3 năm qua.” Nhưng sự thật đây chỉ là một cách nói hàm hồ, hầu giành lẽ phải và chính danh trong việc độc quyền làm chủ và quyết định Hợp Lưu.

Ba năm trước, vì bệnh tật, tôi phải bàn giao công việc Hợp Lưu cho Phùng Nguyễn trông coi với sự giúp đỡ về mặt trị sự của Đặng Hiền. Sau khi Phùng Nguyễn rút lui, Trần Vũ đã cáng đáng chức vụ và trách nhiệm Chủ biên. Lần lượt Phùng Nguyễn rồi Trần Vũ đã rất xuất sắc trong vai trò này. Nhất là Trần Vũ, 3 năm qua, bằng khả năng, tận tụy, cùng với lòng say mê văn học, dần dần Trần Vũ lấy lại được chỗ đứng uy tín Hợp Lưu từng nắm giữ từ buổi đầu xuất hiện.

Trong Thư Chủ nhiệm đăng trên Hợp Lưu số 66, tôi đã viết: “Đồng thời tôi cũng trân trọng mời nhà thơ Đặng Hiền đảm nhiệm chức vụ tổng thư ký. Với sự tháo vát và quản trị khoa học, chắc chắn Đặng Hiền thừa khả năng giúp Hợp Lưu vững vàng hơn về mặt tài chính, phổ cập hơn về mặt quảng bá.” Như thế tôi đã xác định rõ phận sự của Tổng thư ký Đặng Hiền trong 2 lãnh vực tài chánh và phát hành, không bao gồm phận sự đại diện đường hướng hay biên tập cho tờ báo, cũng không bao gồm quyền sở hữu Hợp Lưu. Khi Trần Vũ thay Phùng Nguyễn làm chủ biên, tôi đã định bỏ chức Tổng thư ký, vì nhận thấy không phù hợp với thực tế, nhưng Đặng Hiền gọi điện thoại, xin “cho em làm Tổng thư ký đi”. Tôi nghĩ, cũng chẳng có hại gì nên bằng lòng ngay. Không ngờ tắc trách này dẫn đến hậu quả ngày hôm nay. Một hậu quả hoàn toàn bất ngờ và vô cùng tai hại.

Như các bạn thấy trong thư này, ở số 66, tôi đã mời Phùng Nguyễn và Đặng Hiền cùng cộng tác với tôi để đảm nhiệm những công việc biên tập và điều hành hằng ngày, hầu làm tốt tờ báo mà sức khỏe tôi đã không còn cho phép cáng đáng. Từ đó đến nay, tôi vẫn giữ vai trò Chủ nhiệm, chịu trách nhiệm tổng quát cho Hợp Lưu.


Ban Biên Tập và trách nhiệm nội dung

Ngoài Chủ biên, Hợp Lưu còn có một Ban Biên Tập chịu trách nhiệm về nội dung. Từ số 70 (tháng 4&5/2003), Hợp Lưu có 12 người chính thức mang danh nghĩa này (trên bìa trong của HL số 70 và 71). Sau một sự tái tổ chức và thành lập Ban Biên Tập mới, từ số 72 đến số 75 chỉ có tôi đứng tên Chủ biên. Trần Vũ vì lý do riêng không muốn công khai hóa chức vị Chủ biên lúc đó, mặc dù đã cùng làm việc với Ban Biên Tập mới. Khi yêu cầu Trần Vũ công khai để tên trong chức vụ Chủ biên trong mục “Kim Thi Ngày Tháng” ở số 75 (tháng 2&3/2004), tôi cũng đã xác định lại công lao và chỗ đứng tương lai của Ban Biên Tập khi tôi viết: “Các bạn tận tình tận lực lo cho Hợp Lưu lúc Kim Thi [tôi] không còn đủ sức gánh vác đơn phương, chắc chắn do tình cảm gắn bó giữa Kim Thi và các bạn, và giữa các bạn với nhau. Kim Thi hy vọng giao tình ấy sẽ mãi mãi bền chặt, để tờ báo này có thể đến tay bạn đọc bằng trí tuệ và tài năng của các bạn.” Chính Chủ biên Trần Vũ vẫn còn mời thêm một thành viên mới vào Ban Biên Tập trong thời gian này, và vẫn viết đến “ban chủ biên” trong thư tòa soạn gần như ở mỗi số kể từ lúc đó. Như thế, Ban Biên Tập đã cùng Chủ biên chịu trách nhiệm nội dung Hợp Lưu trong suốt thời gian từ đầu năm 2003.

Vậy mà, vào tháng 3 trong buổi gặp gỡ tại nhà Đặng Hiền, Đặng Hiền đã nói với 8 vị có mặt (đã nêu tên ở trên) rằng “tất cả chỉ là văn hữu, vì Hợp Lưu không có Ban Biên Tập.” Gần đây nhất, để biện hộ cho việc tái tổ chức Hợp Lưu không thông qua tôi và Ban Biên Tập, Đặng Hiền đã hàm hồ phủ nhận sự có mặt của Ban Biên Tập. Trong email đề ngày 12 tháng 7, Đặng Hiền viết [nguyên văn]: “Tran Vu co the da nho mot so anh chi em de giup minh nhu coi lai “chinh ta” va giup do sua loi TYPO... nhu da nho anh Pham Vu Thinh ben UC de sua loi chinh ta, the anh PVT co khan khan doi xung minh la ban bien tap HL hay khong?” Sau khi bị phản ứng của các thành viên trong Ban Biên Tập, Đặng Hiền đã đổi giọng lịch sự hơn trong Thư tòa soạn số 84, nhưng vẫn khẳng định Ban Biên Tập đương nhiệm không còn hiệu lực, khi mà tập thể này chưa hề tự giải tán hay bị giải tán.

Như thế, quyết định của Đặng Hiền đóng cửa Hợp Lưu vào tháng 3 và tái tổ chức Hợp Lưu kể từ sau số 83 (tháng 6 & 7/2005) là những quyết định hoàn toàn đơn phương, không được sự chấp thuận của tôi, Chủ biên Trần Vũ, hay của Ban Biên Tập Hợp Lưu. Một hành động lạm quyền trắng trợn đến buồn cười. Cũng thật buồn cười khi tôi là đương kiêm chủ nhiệm muốn đi vài lời thông báo với độc giả và văn hữu lại bị Đặng Hiền báo rằng: Khánh Trường muốn đi gì trên Hợp Lưu thì phải qua sự chấp thuận của tôi, Đặng Hiền.

Tất cả những điều nêu trên cho thấy rằng: Khi Đặng Hiền tiếp tục xuất bản Hợp Lưu, thì đây là một cuộc chuyển giao bất bình thường, đi ngược lại tinh thần và nguyên tắc làm việc của tập thể Hợp Lưu. Sự giành độc quyền quyết định sinh mệnh Hợp Lưu, hay nói trắng ra, ý đồ cưỡng đoạt Hợp Lưu, của Đặng Hiền như thế đã toàn vẹn và rõ rệt. Hợp Lưu đã “là Hiền.”


Kết quả bế tắc

Mới đây nhất, ngày 22/7/2005, qua điện thoại, 3 nhà văn: Ngô Thế Vinh, Phan Nhật Nam, và nhà văn Nguyên Vũ (Nguyên Vũ qua email nhờ Phan Nhật Nam chuyển lời), đã dùng tình cảm, cố thuyết phục tôi gặp Đặng Hiền để dàn xếp, vì dẫu thế nào cũng là anh em một nhà, không việc gì không giải quyết được. Ba người bạn lớn tuổi đã lạc quan nghĩ thế chăng, dù tôi cố giải thích rằng chuyện không đơn giản. Cuối cùng, không thuyết phục được 3 vị, tôi đành nhận lời, nếu không, họ sẽ nghĩ tôi hẹp hòi. Tôi đi. Nhưng suốt buổi họp mặt dài khoảng 2 tiếng, do phát âm khó khăn và do không lường trước được những suy nghĩ, qui chụp quái gở của Đặng Hiền, tôi chỉ ngồi chịu trận, nghe, vừa bực bội vừa buồn cười. Khi Phan Nhật Nam, có lẽ do lòng tốt, năn nỉ tôi đi gặp Đặng Hiền đã nói là Đặng Hiền cho biết sẽ chia cho tôi từ 10 đến 20% lợi nhuận Hợp Lưu vì dù sao tôi cũng là «chủ nhiệm sáng lập». Thật là quái dị, không tưởng nổi. Trong buổi gặp mặt, lúc Đặng Hiền khởi sự nhắc đến chuyện tiền bạc, tôi vội gạt ngay, vì không muốn bị sỉ nhục.

Đặng Hiền đã tiếp tục phủ nhận Ban Biên Tập. Suốt buổi, tôi chỉ nói được với Đặng Hiền: để giữ uy tín cho Hợp Lưu, chúng ta hãy viết một thông cáo chung tuyên bố đóng cửa Hợp Lưu, vì không giải quyết được vấn đề nhân sự. Nhưng Đặng Hiền không bằng lòng, nói “Nếu anh còn tiếp tục quậy, không cho em làm Hợp Lưu, em sẽ đưa anh ra tòa vì tội mạ lỵ cá nhân”. Tôi trả lời Đặng Hiền cứ việc làm những gì Đặng Hiền muốn, kể cả chuyện thưa kiện. Riêng chuyện Hợp Lưu, nếu Đặng Hiền nhất quyết tự biên tự diễn thì hãy rút tên tôi ra, để từ nay tôi không phải chịu trách nhiệm gì cho Hợp Lưu nữa.

Tóm lại, trong buổi gặp gỡ này, hoàn toàn không có một thỏa thuận nào, về mọi mặt, giữa tôi và Đặng Hiền.

Thế mà trong điện thư gửi cho Phạm Thị Hoài, cùng gửi đến nhiều người, Đặng Hiền lặp lại lời hăm dọa, đồng thời nói sở dĩ tôi đề nghị rút tên ra khỏi Hợp Lưu, vì sợ pháp luật. Đặng Hiền tuyên bố rằng mình đã chịu “tạm ngưng những thủ tục pháp lý cần thiết” khi tôi đề nghị rút khỏi Hợp Lưu. Đây là một lật lọng về diễn tiến cuộc nói chuyện. Sau buổi họp mặt, tôi cảm thấy ê chề và tổn thương nặng nề, có cảm tưởng mình bị đẩy lên võ đài đánh nhau với một đối thủ khiếm thị. Dù kết quả thế nào, danh dự, lòng tự trọng cùng tình cảm tin yêu con người trong tôi cũng bị triệt tiêu một cánh đau đớn.

Tôi không còn cách nào khác hơn là gửi thông cáo dưới đây đến các văn hữu và độc giả:


TUYÊN CÁO CHÍNH THỨC CỦA CHỦ NHIỆM HỢP LƯU

Sau 15 năm tồn tại, Hợp Lưu đã vượt qua rất nhiều sóng gió, khó khăn nhiều mặt, từ dư luận đến tài chánh. Để cho ra đời và giữ được một diễn đàn văn học rộng mở vượt qua những lằn ranh bi thảm của lịch sử, Hợp Lưu đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp tiền bạc, bài vở, công sức, của bao nhiêu độc giả, văn hữu, và những người thực hiện. Xuyên qua quá trình đó, Hợp Lưu là tài sản của chung người đọc, người viết và những người thực hiện nội dung và hình thức. Gần đây nhất, trong thời gian tôi bệnh nặng, Chủ biên Phùng Nguyễn đã cáng đáng từ số 66 đến số 69, và sau đó là Chủ biên Trần Vũ đã khó nhọc lèo lái cùng Ban Biên Tập thực hiện Hợp Lưu thành công mỹ mãn với thành quả trị sự của Tổng thư ký Đặng Hiền trong gần 3 năm qua.

Rất tiếc, khi Trần Vũ có ý định từ nhiệm, tôi cũng như chủ biên đã tìm kiếm, đề nghị và mời vài anh chị em thay thế, nhưng vì phản ứng của cá nhân Đặng Hiền, nỗ lực của chúng tôi không khả thi. Dựa vào việc đứng tên môn bài và giữ danh sách độc giả dài hạn, Đặng Hiền đã gạt bỏ mọi ngưòi ra khỏi Tạp chí Hợp Lưu, quyết định tự biên tự diễn. Không còn cách nào khác hơn, tôi tuyên bố kể từ hôm nay, rút tên ra khỏi Tạp chí Hợp Lưu, không can dự, và hoàn toàn không chịu trách nhiệm, mọi mặt, từ nội dung lẫn hình thức đến tài chánh, nếu tờ tạp chí này tiếp tục ấn hành.

Tôi xin được cảm ơn độc giả, văn hữu, những người cộng sự đã gắn bó với Hợp Lưu và cá nhân tôi trong suốt 15 năm qua.

Nếu có cơ hội, tôi sẽ tái ngộ với độc giả trên một diễn đàn mới, trong một đường hướng mới, phù hợp hơn với những nhu cầu trong hoàn cảnh mới của văn học bằng tiếng Việt.

Westminster, ngày 27 tháng 7, 2005

Khánh Trường

© 2005 talawas