Cấu trúc là “toàn bộ nói chung những quan hệ bên trong giữa các thành phần tạo nên một chỉnh thể”
[1] . Cấu trúc ngôi nhà là toàn bộ sắt thép được kết cấu theo sự tính toán được vẽ sẵn, với bộ khung vững chắc. Cấu trúc thơ là mối quan hệ bên trong của ngôn ngữ, hình ảnh, thông qua sự sắp xếp trật tự giữa chúng bằng cảm xúc và sự sáng tạo của nhà thơ trên một ý tưởng hoàn chỉnh. Ðó là một cấu trúc tầng bậc từ câu thơ, đoạn thơ (khổ thơ) và bài thơ. Nhà thơ là một nhà kiến trúc sư lập tứ cho bài thơ và nắm “đạo quân” ngôn ngữ để xây nên tòa nhà thơ.
Tìm hiểu cấu trúc một bài thơ là đi ngược lại con đường mà nhà thơ đã thực hiện để hoàn thành bài thơ của mình. Tìm hiểu cấu trúc thơ của một giai đoạn sáng tác cũng tương tự như vậy, song là một công việc hết sức phức tạp và khó khăn, vì nó đòi hỏi người làm công việc đó, ngoài công đoạn “mổ xẻ”, phân tích, tổng hợp, khái quát hóa cao, phải thực sự hiểu thơ tinh tế và sâu sắc, cũng như có một thao tác khoa học hoàn hảo. Vì thế mà cho đến nay, dù đã có nhiều người tìm hiểu cấu trúc thơ ca của chúng ta, song chúng tôi thấy chưa có một công trình nào thực sự thuyết phục. Với trình độ còn hạn chế, lại tìm hiểu cấu trúc một giai đoạn thơ còn mới mẻ, chưa có ai “khai phá”, chúng tôi nghĩ khác nào mình “đâm đầu bụi rậm”. Song như đứa trẻ, nếu không bước được bước đi đầu tiên trên con đường tập đi thì suốt đời phải bò. Chúng tôi mạnh dạn làm cái công việc hết sức khó khăn này bằng đôi chân của một đứa trẻ, tập đi những bước đầu tiên.
Cấu trúc thơ trong thơ ca Trung đại thông thường ít mang dấu ấn của chủ thể sáng tạo. Nó là một cấu trúc theo một “bản thiết kế” đã được vẽ sẵn, nhà thơ chỉ việc lắp ghép những thi ngôn và thi ảnh, bắt mạch để dựng nên. Và những “bản thiết kế” đã được vẽ sẵn đó cho thơ Trung đại cũng không có nhiều, chỉ vẻn vẹn có mấy loại thơ: Thơ 7 chữ 4 câu, thơ 8 chữ 4 câu, thơ 5 chữ 4 câu, thơ 7 chữ 8 câu, thơ 8 chữ 8 câu, thơ 5 chữ 8 câu, trong niêm luật cấu trúc của thơ Ðường và dạng thơ lục bát gieo vần theo qui tắc riêng biệt. Vì thế, những ngôi nhà thơ được các nhà thơ Trung đại dựng nên giống nhau về hình dáng, chỉ khác nhau về “màu sắc vôi ve”. Lối cấu trúc này, với những qui phạm mà thơ ca Trung đại bắt buộc phải tuân theo, đã làm giảm tính sáng tạo của nhà thơ khi phải “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng” (“Nhớ rừng,” Thế Lữ), dễ sa vào mòn sáo nếu nhà thơ không thật sự có tài và cao tay nghề. Vì vậy, các nhà thơ Trung đại không “chơi” cấu trúc, họ chú tâm “chơi” chữ và tìm cái chuẩn trong niêm luật thơ Ðường để cho bạn đọc thưởng thức.
Ðến Thơ Mới, với việc tiếp thu, “bắt chước” thơ châu Âu, mà trực tiếp là thơ Pháp, các “nhà thơ Tây học” đã cách tân thơ Việt cơ bản trên hai bình diện: “Cái tình đã khác” (Hoài Thanh - Hoài Chân, lời giới thiệu cuốn
Thi nhân Việt Nam) và cấu trúc thơ ca.
Về cấu trúc thơ ca, các nhà Thơ Mới đã căn bản xây nên được những ngôi nhà thơ có cấu trúc hầu như hoàn toàn khác nhau, trên hai bình diện ngôn ngữ và hình ảnh, trong sự lắp ghép trên mạch của cái “tình đã khác”. Tuy đa phần Thơ Mới có cấu trúc khổ “vuông” chồng lên nhau theo trật tự tình cảm, song không gian cấu trúc, thi liệu đã được thay đổi hoàn toàn. Những viên ngói ngôn ngữ âm dương rêu phủ trong thơ Trung đại đã được các nhà thơ thời kỳ Thơ Mới thay bằng thứ “ngói Tây” mới mẻ, rực màu hơn. Cấu trúc câu thơ cũng có sự thay đổi cơ bản. Ngôn ngữ trong các câu thơ không bị ràng buộc bởi luật bằng trắc, và các câu thơ cũng không bị ràng buộc theo niêm luật thơ Ðường. Hình ảnh thơ gần gũi với cuộc đời, không còn mang nét tượng trưng như thơ ca Trung đại. Một số nhà thơ còn “chơi” cấu trúc câu thơ, bài thơ bằng lối “xén chữ,” để tạo nên cấu trúc hình thức không gian, cho bài thơ mang một hình hài đặc biệt. Còn đa phần nội dung trong Thơ Mới là lối cấu trúc của những mảnh vỡ tâm trạng cá nhân nhà thơ trước thời cuộc được ghép lại, nên nó mang những hình bóng khác nhau.
Thơ ca chống Pháp, chống Mỹ đã có một bước tiến trong cấu trúc so với Thơ Mới. Vẫn trên cái nền chung của lối cấu trúc hình thức khổ thơ “vuông” là chính, song thi liệu đã hoàn toàn đổi khác. Ngôn ngữ, hình ảnh thơ là “ngói mới” gắn với đời sống hàng ngày, nên câu thơ vì thế gân guốc, thô ráp hơn. Cấu trúc nội dung trong thơ chống Pháp, chống Mỹ chủ yếu là lối cấu trúc theo nguyên mẫu đời sống, được sắp xếp trong trật tự chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tuy đã có sự “phá cách” trong cấu trúc thơ, nhưng đó vẫn là một sự “phá cách” trong khuôn khổ, ngôi nhà thơ ca vẫn được “trang hoàng” theo một gu thẩm mỹ “đóng khung” vuông thành sắc cạnh.
Tuy nhiên, có nhiều nhà thơ đã có những sáng tạo đáng trân trọng trong việc làm mới thi ca. Thơ bậc thang và thơ vắt dòng xuất hiện thời kỳ này, đem đến một hình thức mới cho thơ ca về phương diện cấu trúc, mà nhiều nhà thơ lớp sau “bắt chước”. Về về mặt nội dung, thời kỳ này đã dựng nên được một dạng cấu trúc mô phỏng hiện thực sống động trong thơ.
Cấu trúc của thơ trẻ sau 1975 được chia làm hai thời kỳ rõ rệt. Thời kỳ đầu từ năm 1975 đến năm 1986. Thời kỳ này, thơ trẻ căn bản vẫn giống cấu trúc thơ ca chống Mỹ. Thời kỳ thứ hai từ năm 1987 trở lại đây. Ðây là thời kỳ mà thơ trẻ có những tìm tòi thể hiện, đưa ra được những mô hình cấu trúc khác lạ so với các thời kỳ trước đó.
Ðể làm nổi rõ hơn những đóng góp mà thơ trẻ sau 1975 sáng tạo được, hãy tìm hiểu ở phương diện hình thức mà họ thể hiện. Chúng tôi tìm hiểu trên hai khía cạnh: Câu thơ và bài thơ. Khác với câu thơ được qui định số chữ và độ dài nhất định trong thơ Trung đại và độ dài để tạo “khối vuông” cho khổ thơ trong Thơ Mới, thơ chống Pháp, thơ chống Mỹ, câu thơ trong thơ trẻ sau 1975 có độ dài ăn nhịp với cảm xúc trữ tình của nhà thơ. Nhịp câu thơ là nhịp của tâm hồn và nhạc điệu của nó không phải được tạo ra do vần và thanh của ngôn ngữ mà đó là nhạc điệu của nhịp tâm hồn rung lên trước hiện thực. Câu thơ có thể kéo dài đến “hết hơi” xúc cảm, song cũng có những câu thơ (thực chất là dòng thơ) rất ngắn.
Câu thơ trong thơ chống Pháp, chống Mỹ là câu thơ sắp đặt, đủ chữ, khớp chữ tạo nên sự “vuông vức” của khổ thơ:
Anh đội viên thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Ðêm nay Bác không ngủ.
(Minh Huệ - “Ðêm nay Bác không ngủ”)
hay:
Anh lên xe trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Anh xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt mối riêng tư.
(Phạm Tiến Duật – “Trường Sơn Ðông - Trường Sơn Tây”)
Câu thơ trong thơ trẻ sau 1975, trong rất nhiều bài của nhiều tác giả, câu dài câu ngắn không theo trật tự của chữ và không tuân thủ ngữ pháp truyền thống. Thực ra “câu thơ” là cách gọi đúng với thơ Trung đại, Thơ Mới và thơ chống Pháp, chống Mỹ tuy có một số ngoại lệ vì có sự trùng khớp giữa câu thơ và dòng thơ. Nghĩa là câu thơ được biểu diễn trên một dòng, đúng quy tắc ngữ pháp. Thơ trẻ sau 1975 lại khác. Vẫn có trường hợp câu thơ và dòng thơ trùng nhau, song với phần lớn các nhà thơ có ý thức cách tân thơ, thì câu thơ và dòng thơ nhiều khi không trùng nhau. Và đặc biệt, dòng thơ được sắp xếp không theo một trật tự ngữ pháp chuẩn mực truyền thống. Biểu hiện hình thức rõ nhất là chữ đầu tiên trong dòng thơ nhiều khi không viết hoa (điều này từ thơ chống Mỹ trở về trước ít xảy ra). Ðể tạo được hình ảnh và bóng của hình ảnh trong thơ, các nhà thơ trẻ sau 1975 sẵn sàng áp đặt nhịp tâm hồn và sự liên tưởng cá nhân lên câu chữ nhằm tạo ra một cấu trúc khác lạ. Chúng ta thấy có dòng thơ rất ngắn:
Nâng
Trọn nửa tôi sai biệt
Tìm chốn bặt tin
Tìm...
Cây gậy trúc mù
Khua vách thời gian dò lối.
(Trần Tiến Dũng – “Trở về”)
Song cũng có dòng rất dài:
Những ngôi sao hoàng hôn, những lòng trứng hải âu đẻ vụng.
Ðang chín dần trong chảo mỡ u mê.
(Nguyễn Quang Thiều – “Boston 1911”)
Có dòng ngắn, dài đan xen:
Gương mặt Fe Inox
Của phố ca dao
Của ngày tháng lạ
Của bao nhiêu rầm rộ eo xèo không tên gọi
Những gương mặt đang nhai rau ráu điều gì trong hang
miệng sâu vợi thăm thẳm tối.
(Phan Bá Thọ - “Tận đáy chìm xuống”)
Hay dòng thơ không viết hoa chữ đầu dòng, chỉ viết hoa chữ đầu của khổ thơ:
Những con mèo đực lười biếng
mệt mỏi ngủ nơi đâu trong ổ đêm bưng mắt
vô tình trước mùi tình gọi mời tiết ra từ nhạy cảm của lưỡi
của những chuỗi quằn mình nhói lên tưởng tượng
từ mượt và êm xuôi theo vết xếp hàng
của rạo rực thèm muốn trần mình không dấu diếm
dâng hương!
(Trần Quang Ðạo – “Tiếng đêm”)
Trật tự ngữ pháp truyền trống trong thơ, hoặc cấu trúc cụm từ để xây dựng hình ảnh thơ nhiều khi được các nhà thơ trẻ sau 1975 sắp đặt và áp đặt chưa “thuận tai, thuận mắt”. Trật tự ngữ pháp đảo lộn để thực hiện ý đồ thẩm mỹ:
Bóng vật ngược vào thân ăn trọn giãi bày mở phút giây thưởng niệm mắt tỏa mềm góc quét chợt hiện bầu trời từ cách nhìn kim đồng hồ lên cơn sài giật dù kêu gào hay im bặt không có cách gì chạm được trái nhựa non.
(Mai Văn Phấn – “Niệm khúc số 18”)
bão
triều cống
Miền Trung
một nhấp sóng hắt hơi đại dương tím tái,
con đò xoáy vào lòng tổ quốc
chiếc mũ rơi
bão kêu
vút pháo hiệu
đỉnh em
(Văn Cầm Hải – “Ðỉnh em”)
Hình ảnh thơ được tạo dựng nhiều khi không theo qui tắc thông thường mà áp đặt, sắp đặt bởi dấu ấn cá nhân, với sự liên tưởng bắc cầu ý nghĩa, hoặc “làm mới” những hình ảnh quen thuộc bằng những hình thức tu từ độc đáo trong sự “liên tưởng ngược” mà ít dùng từ đưa đẩy để gắn kết chúng. Chính vì vậy, câu thơ, đoạn thơ trở nên “lấp lánh” trong một kết cấu “lỏng”, tưởng rời rạc, song mang dáng dấp hiện đại. Trần Quang Ðạo đã sử dụng sự liên tưởng bắc cầu ý nghĩa để tạo cho câu thơ một kết cấu lạ:
Em ra đi
sự vụn vỡ bên trong chỉ đêm về anh biết
như quả trứng chẳng nở ra tiếng gáy
những tròn đêm chẳng nở ban mai.
(“Nguyên vẹn”)
Hai câu thơ đầu nói về sự chia ly, tuy có sử dụng hình ảnh mang tính chất mạnh, song vẫn chỉ mang một nội dung thông báo đơn thuần. Nhưng khi nội dung thông báo đó được tu từ bằng thủ pháp so sánh trong sự liên tưởng bắc cầu và chồng lên nhau trong một kết cấu kép: Quả trứng - tiếng gáy/ tròn đêm - ban mai thì “sự vỡ vụn bên trong” trở nên đau đớn, vô vọng, chủ thể trữ tình không tìm được niềm vui, niềm hy vọng nào nữa trong cuộc đời. Như thế, liệu “em” có đang tâm ra đi không?
Trần Quang Quý là một nhà thơ cũng hay sử dụng lối liên tưởng bắc cầu này cho kết cấu câu thơ, đoạn thơ, làm người đọc có được những bất ngờ thú vị trong thưởng thức:
Cái chết của ngôn từ
Trong những nấm mồ lưỡi
Cái chết của chiếc lưỡi
Trên cánh đồng ngôn từ.
(“Giấc mơ về lưỡi”)
Cũng nhiều khi Trần Quang Quý tu từ bằng sự liên tưởng ngược hết sức độc đáo:
Cây rơm mơ ngoạm những đàn bò
Thảnh thơi nằm góc vườn, vàng một màu thắng cuộc
Những chú chuột mơ gặm sống bầy mèo và rửa vuốt
Vinh quang...
(“Giấc mơ hình chiếc thớt”)
Chúng ta tìm gặp rất nhiều cấu trúc hình ảnh thơ trong câu thơ, đoạn thơ theo kiểu liên tưởng bắc cầu hoặc liên tưởng ngược trong thơ trẻ sau 1975:
Ta nghe trong cát tiếng lâu đài
hồi hộp của ngày mai
Thủy tinh đợi thành chai về cuộc rượu
Những mảnh gương thiếu nữ còn đang cát...
(Trần Quang Quý – “Cát”)
Lưỡi thiếu nữ ngủ trong hàm răng giả
Nụ hôn quay về truy nã khoảng không.
(Mai Văn Phấn – “Ước phục sinh”)
Chúng ta cắt dao vào ngón tay trỏ
Nhưng xuýt xoa ngón tay cái
Nhìn xuống gầm bàn chúng ta chửi
Chiếc giày chân phải
Hay tranh chỗ chiếc giày chân trái.
(Nguyễn Quang Thiều – “Bức thư đề ngày 25 tháng 12”)
Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa
(Nguyễn Hữu Quý – “Mười nghìn khát vọng”)
Chích chòe lửa ngửa cổ thơ
thơ không lửa
đốt giọng thành kẻ khác.
(Phan Huyền Thư – “Không thường”)
Ngoài ra, thơ trẻ sau 1975 còn có lối cấu trúc trong từng bài thơ hết sức đặc biệt. Một trong những dạng cấu trúc đó là cấu trúc theo trật tự giấc mơ. Rất nhiều bài thơ của các nhà thơ trẻ sau 1975 được viết về những giấc mơ.
Như chúng ta đã biết, giấc mơ là biểu hiện của sự trông thấy những hình ảnh khi ngủ. Nó là một hiện thực ảo, một hiện thực chập chờn đứt quãng, nhảy cóc và thường không có kết thúc. Nhà thơ là người luôn luôn bị những nỗi ám ảnh của đời sống hiện thực đeo đẳng, vì thế mà nó hay đi vào giấc mơ của họ. Thụy Khuê cũng đã nói rằng: Giấc mơ là một hiện thực. Hiện thực trong những giấc mơ mang một màu sắc đặt biệt. Nó hư đấy mà thực đấy. Trong cái hư là cái thực đã được lột trái [2] ... Ðã có không ít người viết về những giấc mơ, và có những bài thơ khá thành công. Song mô phỏng giấc mơ để tạo cấu trúc cho bài thơ mới là những nhà thơ có tay nghề cao. Nhiều nhà thơ trẻ đã thể hiện dạng cấu trúc này, nâng lên thành lối cấu trúc đứt quãng hình ảnh, mạch ý, nhưng được xâu chuỗi bằng sợi dây tâm linh độc đáo, sáng tạo. Thơ trẻ sau 1975 viết về những cơn mơ và cấu trúc bài thơ theo trật tự giấc mơ khá nhiều.
Nếu thơ chống Pháp, chống Mỹ thường sử dụng cấu trúc bài thơ theo lối đồng hiện, cấu trúc theo lối thuận chiều, cấu trúc tầng bậc, vắt dòng mà các nhà thơ trẻ cũng áp dụng thì dạng cấu trúc bài thơ theo trật tự giấc mơ là “đặc sản” do các nhà thơ trẻ sau 1975 “chế biến”. Ðó là những “Giấc mơ” (Dương Kiều Minh), “Linh hồn đã bay” (Mai Văn Phấn), “Hiện” (Trần Tiến Dũng), “Ðêm một nửa” (Vi Thùy Linh), “Giữa bóng và hình” (Lê Khiêm Trung), “Cơn mơ”, “Giấc mơ” (Trần Quang Ðạo), “Giấc ngủ nắng”, “Khuya nào” (Nguyễn Bình Phương), “Cơn mê”, “Lúc ba giờ sáng”, “Trong giấc ngủ muộn”, “Bài ca những con chim đêm” (Nguyễn Quang Thiều), “Giấc ngủ tháng tư” (Ðặng Thị Thanh Hương), “Mơ trắng”, “Tôi mơ thấy bài thơ”, “Chỉ là mơ thấy em thôi” (Hồng Thanh Quang), “Giấc mơ” (Ly Hoàng Ly), “Trong mơ” (Nguyễn Trọng Hoàn), “Giấc mơ cao nguyên” (Hải Ðường), “Những linh hồn tháng mười” (Inrasara), “Một cơn mơ” (Nguyễn Công Bình), “Giấc mơ của lưỡi”, “Giấc mơ” (Phan Huyền Thư), “Những giấc mơ” (Ðoàn Mạnh Phương), “Sau giấc mơ” (Lê Thiếu Nhơn), “Giấc mơ về lưỡi”, “Giấc mơ hình chiếc thớt” (Trần Quang Quý)...
Chúng tôi có thể trích rất nhiều câu thơ, đoạn thơ trong những bài thơ trên và ở những bài thơ khác không liệt kê đầy đủ ở đây vì quá nhiều. Song một đặc điểm để tạo dựng nên cấu trúc thơ theo trật tự giấc mơ là thực ảo đan xen theo kiểu “cắt lớp,” gây cho người đọc ám ảnh khi đã gấp sách lại. Không những thế, người đọc cũng bị “cuốn” vào giấc mơ của nhà thơ trong cơn chập chờn của câu chữ, hình ảnh; có khi còn tưởng mình bị lạc sang một giấc mơ khác. Song khi đã tìm được mạch ngầm tâm linh dẫn dắt giấc mơ đi, thì sự bất ngờ thú vị sẽ “chớp sáng” trong cảm nhận của người đọc. Vì vậy, muốn “giải mã” cấu trúc thơ theo trật tự giấc mơ cần, phải có hai điều kiện cơ bản: a. Bóc tách sự cắt lớp thực - ảo của giấc mơ bằng cách đi ngược lại giấc mơ của nhà thơ; b. Tìm được mạch ngầm tâm linh dẫn dắt giấc mơ.
Bài thơ “Giấc mơ của lưỡi” của Phan Huyền Thư là một trong những bài thơ có cấu trúc độc đáo theo dạng trật tự giấc mơ. Ðây là cơn mơ đầy ám ảnh của nhà thơ về ngôn ngữ thơ qua ẩn dụ sáng tạo là chiếc lưỡi. Bóc tách từng khổ thơ để tìm cái thực và cái ảo đan xem trong từng lớp ngôn từ không phải là điều dễ dàng. Song ám ảnh chúng ta là những thi ảnh mà ta giải mã được ở khổ thơ đầu: “mặt vũng”, “cánh đồng ngôn từ”, “gieo vần” = Cảnh báo thi ngôn sáng tạo, độc đáo đang bị nhà thơ đánh mất. Khổ thơ thứ hai có những thi ảnh: “gốc rễ”, “lưỡi hái cùn”, “mầm hạt” = Tuyên thệ đi tìm thi ngôn cho thơ. Khổ thơ thứ ba có những thi ảnh: “đám mây hành khất”, “mặt trời”, “sấp ướt”, “nhập nhằng ma trơi”, “lưỡi nằm ngoan”, “răng ngủ vùi”, “nụ cười chết” = Thi ảnh sáng tạo không ra đời được khi nhà thơ lười biếng trong lao động nghệ thuật. Khổ thơ thứ tư có những thi ảnh: “sấm phục sinh”, “mưa rao lân tinh”, “nấm mộ”, “hoa tử huyền” = Thi ảnh và bài thơ hay được sáng tạo khi nhà thơ có hiện thực cuộc sống và tư tưởng thẩm mỹ. Khổ thơ thứ 5 có thi ảnh: “giấc mơ của lưỡi”, “mở nguyên âm” = Kết quả của lao động sáng tạo thơ.
Như vậy khổ thơ thứ hai là hệ quả của khổ thơ thứ nhất, vì từ gieo hạt trên cánh đồng đến lưỡi hái cùn nằm trong một trường liên tưởng, chúng ta có thể khám phá được. Song sang khổ thơ thứ ba có sự đứt đoạn của mạch liên tưởng thuận chiều: Từ cánh đồng gặt hái thất thu sang một hiện thực là thi ngôn sẽ vô sinh khi nhà thơ lười biếng sáng tạo. Ðến đây ý tưởng mà nhà thơ đưa ra mới được hé lộ. Vì nếu “bịt” đầu đề bài thơ, đọc hai khổ thơ đầu chúng ta không thể nắm bắt được chủ ý của nhà thơ. Ðến khổ thơ thứ tư thì “giấc mơ” càng trở nên “xa lạ” bởi những hình ảnh tưởng như không ăn nhập gì với chính nó, và một hình ảnh mang tính chất điển cố làm người đọc tưởng cũng phải “bơi” cùng nhà thơ trong giấc mơ ám ảnh, mù mờ. Nhưng khổ kết đã mở ra, khi giấc mơ đã được gọi tên.
Cái “ảo”, cái mạch ngầm tâm linh của giấc mơ mà chúng ta xâu chuỗi và tìm ra ở bài thơ này là giấc mơ sinh nở. Sự chết, sự vô sinh, sự nằm im cũng là một cách nói “phản biện” về sự sống, sự sinh nở. Quá trình “đi” của giấc mơ đã cho ta nhận ra điều đó. Ðiều làm chúng ta thấy thú vị ở bài thơ này là nhà thơ đã dựng lên được một không gian giấc mơ với những cánh đồng chết, lưỡi hái cùn, đám mây hành khất, ma trơi, mưa lân tinh, nấm mộ, hoa tử huyền, rất phù hợp với bản chất mà một giấc mơ thường và cần có. Từ giấc mơ sinh nở này, Phan Huyền Thư thông điệp với chúng ta rằng: Nhà thơ muốn có tác phẩm hay thì phải lao động sáng tạo về mặt thi liệu (ngôn ngữ và hình ảnh) và một tư tưởng thẩm mỹ trong sáng lành mạnh. Và vượt ra ngoài công việc sáng tạo thi ca, mọi sự sinh tồn trong cuộc sống của con người cũng phải theo quy luật đó. Bài thơ vì thế mang tính đa nghĩa.
Trong bài thơ “Giấc mơ”, Trần Quang Ðạo cũng sử dụng cấu trúc trật tự giấc mơ vừa hợp lý, vừa bất ngờ, với sự liên tưởng đứt đoạn và sự vô lý được chấp nhận trong quy luật của giấc mơ:
Một con cá thoi thóp chết
tôi bắt trơn tuột giữa lòng tay
và kiên nhẫn đã thắng
tôi ném nó lên bờ.
Bất thần con cá hóa thành người đẹp
tôi vừa yêu vừa sợ
may thay có ai đó để quên bếp lửa bên đường
người đẹp bốc khói
mắt tôi mờ sương
đêm bớt lạnh.
Và tôi đi tìm chất cay
có một mâm nào đó uống toàn rượu Tây
họ đưa tôi một ly thơm và nóng
mắt người đẹp như lá non môi mềm như lửa.
Bất chợt anh hiện ra
một bi đông rượu men lá thơm hương Cao Bằng
Mười bảy năm không gặp giờ anh già quá
mười bảy năm không gặp giờ tôi già quá
tôi nói và bật khóc!
Bếp lửa ai để quên ngọn lửa cười...
Trên đây chỉ là một đôi ví dụ để chúng ta thấy được cấu trúc trật tự giấc mơ mà các nhà thơ trẻ sau 1975 đã sáng tạo làm nên cái “xương sống” cấu trúc độc đáo cho thơ của thế hệ mình.
Bên cạnh những giấc mơ “ảo,” chúng ta cũng thấy xuất hiện trong thơ trẻ sau 1975 những giấc mơ khá “tỉnh”. Nghĩa là giấc mơ đó đã sắp xếp lại hoặc mơ hóa ý tưởng của mình trong khi thần kinh được “tẩm” cô-ca-in hoặc ta-nanh lý trí. Nhưng dù có sắp xếp theo lối tư duy “tỉnh” thì cấu trúc theo trật tự giấc mơ cũng được tuân thủ chặt chẽ. Ðó là những bài: “Giấc mơ” (Phan Huyền Thư), “Hiện” (Trần Tiến Dũng), “Khuya nào” (Nguyễn Bình Phương), “Lúc ba giờ sáng” (Nguyễn Quang Thiều), “Chỉ là mơ thấy em thôi” (Hồng Thanh Quang), “Giấc mơ hình chiếc thớt” (Trần Quang Quý)... Những bài thơ không nói đến giấc mơ mà có cấu trúc trật tự giấc mơ trong thơ trẻ sau 1975 cũng khá nhiều. Nó thường xuất hiện ở những nhà thơ có lối viết cách tân về hình thức như Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Mai Văn Phấn, Trần Quang Ðạo, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Bình Phương, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Lê Mỹ Ý, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Vân Phúc...
Một dạng khác trong cấu trúc thơ của khá nhiều nhà thơ trẻ sau 1975 là làm cho câu thơ động hơn bằng cách sử dụng nhiều động từ mà giảm thiểu sử dụng tính từ trung tính. Câu thơ trong bài thơ của thơ Trung đại, Thơ Mới, thơ chống Pháp, chống Mỹ, tuy có những nhà thơ thuộc diện ngoại lệ, song nhìn chung họ thường sử dụng động từ với tỉ lệ thấp mà dùng nhiều tính từ. Những câu thơ “Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu” (Trần Quang Khải) và “Bui (?) một tấc lòng ưu ái cũ / Ðêm ngày cuộn cuộn nước triều Ðông” (Nguyễn Trãi) trong thơ Trung đại, bóng dáng động từ ít và những động từ được sử dụng chưa mang tính chất mạnh mẽ... Trong Thơ Mới, tuy động từ đã được sử dụng với tỉ lệ cao hơn thơ Trung đại, song câu thơ vẫn thiếu tính chất mạnh: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp / Con thuyền xuôi mái nước song song” (Huy Cận), “Em không nghe mùa thu / Lá thu rơi xào xạc” (Lưu Trọng Lư). “Ðã thấy xuân về với gió đông / Với trên màu má gái chưa chồng” (Nguyễn Bính)... Trong thơ chống Pháp và thơ chống Mỹ, động từ nhiều sắc thái đã được sử dụng khá phổ biến, song việc lạm dụng tính từ trung tính như “đẹp”, “đẹp vô cùng”, “vui sao”... và nhiều thán từ “ôi”, “ơi”... đã làm cho cấu trúc câu thơ bị bằng phẳng, có khi trở thành sáo: “Ðẹp vô cùng tổ quốc ta ơi/ Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt” (Tố Hữu), “Có những ngày vui sao / Cả nước lên đường / Xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục” (Chính Hữu)...
Ngược lại, thơ trẻ sau 1975, phần đông các nhà thơ sử dụng động từ như sử dụng một “người lính xung kích thiện chiến”, luôn được huy động đến làm nhiệm vụ kịp thời, đúng nơi, đúng chỗ. Câu thơ trong thơ trẻ sau 1975 sử dụng những động từ có tính chất mạnh, một câu có khi sử dụng đến 4, 5 động từ làm cho cấu trúc câu thơ mang tính “động”, chuyển tải được nội dung nghệ thuật của nhà thơ, và đặc biệt, làm cho câu thơ mang vẻ hiện đại hơn.
Nguyễn Quang Thiều viết:
Trộn máu vào phù sa, trộn ban mai vào hoàng hôn,
tôi nặn chiếc bình gốm
Chiếc bình chảy máu, men hoàng hôn chảy, men ban mai
chảy, chảy phù sa.
(“Chiếc bình gốm”)
Những động từ “trộn”, “nặn”, “chảy” được “điệp” trong câu thơ càng làm cho câu thơ như cuồn cuộn hơn. Sau những động từ có tính chất mạnh đó là những từ trừu tượng hoặc mang tính không cụ thể như “phù sa”, “ban mai”, “hoàng hôn,” làm cho câu thơ đẹp và hay hơn. Công thức để tạo nên câu thơ hay theo dạng Danh từ + động từ + từ trừu tượng (danh từ hoặc cụm danh từ + tính từ) được Nguyễn Quang Thiều và một số nhà thơ trẻ sử dụng khá thành công. Ðây là một “công thức” đã có sẵn: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” mà họ đã tiếp nối, sáng tạo. Ðó là những câu thơ:
Chiều xô bóng ngã vào đêm
Chị ngồi không gió ngoài thềm lặng trôi.
(Trần Anh Thái – “Chị tôi”)
Khi tao khóc trong gió Lào nóng bỏng
Bạn tao làm thơ ru ngọn suối đầu nguồn.
(Nguyễn Hữu Quý – “Con mèo đến ở phòng tôi”)
Có ai muốn giương cung nhằm ký ức
ta đã tránh và mũi tên dẫu trượt
vẫn nghe lòng chao chát những ngày thu.
(Nguyễn Trọng Hoàng – “Còn lại với mùa thu”)
Chiếc thuyền nan úp mặt vào ngơ ngác
như vỏ cau khô nhớ tiếc một thời trầu.
(Nguyễn Ngọc Phú – “Ðám mây màu vảy cá”)
Mây trôi đi lấp vội
Chân trời vừa mai táng bóng đêm.
(Mai Văn Phấn – “Linh hồn đã bay”)
Anh lẫn vào em có những hạt cỏ quê
Cỏ cũng mọc tốt tươi khi bén rễ thị thành hút màu từ cám dỗ.
(Trần Quang Ðạo – “Cánh đồng”)
Những chú chim gác mỏ vào trời bằng cơn mưa rỉa hạt
Và tiếng ve lặn về ký ức.
(Trần Quang Quý – “Những chiếc lá ngụ ngôn”)
v.v... và v.v...
Như vậy, thơ trẻ sau 1975 đã ghi được một dấu ấn khá quan trọng đối với sự phát triển của thơ ca qua cấu trúc thơ. Tuy có một số hạn chế như nhiều khi lạm dụng hoặc gò ép trong việc tìm cách thể hiện cấu trúc thơ, song thành công trên sự tìm tòi đã cho thấy tuổi trẻ bao giờ cũng mạnh dạn đổi mới thơ và tìm những cách thể hiện mới lạ. Có thể nói, thơ trẻ mở ra những hướng cấu trúc mới cho thơ ca cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.
© 2005 talawas
[1]Từ điển Tiếng Việt - NXB Ðà Nẵng 2003 trang 128.
[2]Cấu trúc thơ - NXB Văn nghệ California.