Văn há»cVăn há»c Việt NamLoạt bài: Há»™i thảo “Văn há»c Việt Nam từ sau 1975 - Những vấn Ä‘á» nghiên cứu và giảng dạyâ€
21.5.2005
Nguyễn Văn Long
Má»™t số vấn Ä‘á» cÆ¡ bản trong nghiên cứu lịch sá» văn há»c Việt Nam giai Ä‘oạn từ sau 1975
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đó kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc, đồng thời cũng đưa tới một chặng đường mới của nền văn học Việt Nam. Đã tròn 30 năm kể từ thời điểm lịch sử đó, nền văn học Việt Nam luôn đồng hành và gắn bó với vận mệnh của dân tộc, đi qua những bước thăng trầm và thực sự đã tạo ra những biến đổi sâu sắc, toàn diện, làm nên diện mạo của một giai đoạn văn học mới. Ba mươi năm chưa phải là một khoảng thời gian dài đối với tiến trình lịch sử của một nền văn học, nhưng cũng không phải là ngắn ngủi, quan trọng hơn, nó đã đủ để tạo nên diện mạo mới với những đặc điểm và quy luật vận động riêng của một giai đoạn văn học. Mặc dù giai đoạn văn học ấy cũng đang tiếp diễn, nhưng sau 30 năm và ở thời điểm đầu thế kỷ XXI này, đã rất cần đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử văn học giai đoạn từ sau 1975. Công việc đó đã trở nên cấp thiết không chỉ đối với việc tổng kết văn học thế kỷ XX để bước vào thế kỷ mới, mà cũng nhằm đáp ứng một yêu cầu của giáo dục - đào tạo là việc đưa văn học sau 1975 vào nhà trường các cấp, từ phổ thông đến đại học.
Dưới đây, chúng tôi xin phác họa một số vấn đề cơ bản của việc nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn từ sau 1975.
I. Tìm hiểu tiến trình vận động của văn học Việt Nam từ sau 1975
Ba mươi năm qua, văn học Việt Nam đã vận động qua những chặng đường như thế nào, có sự thăng trầm, trồi sụt, quanh co hay vẫn theo một xu hướng vận động nhất quán? Theo chúng tôi, trên đại thể, từ 1975 đến nay nền văn học Việt Nam đã đi qua ba chặng đường, có sự tiếp nối không đứt đoạn: Từ 1975 đến 1985 là thời kỳ chuyển tiếp từ văn học sử thi thời chiến tranh sang văn học thời hậu chiến; từ 1986 đến đầu thập kỷ 90 là thời kỳ văn học đổi mới sôi nổi, mạnh mẽ, gắn liền với chặng đầu của công cuộc đổi mới đất nước; từ 1993 đến nay, văn học trở lại với những quy luật bình thường và hướng sự quan tâm nhiều hơn vào những cách tân nghệ thuật.
Từ sau tháng 4 năm 1975 đến 1985
Đây là chặng đường chuyển tiếp từ nền văn học cách mạng trong chiến tranh sang nền văn học của thời kỳ hậu chiến. Tính chất chuyển tiếp này thể hiện rõ ở cả đề tài, cảm hứng, các phương thức nghệ thuật và cả quy luật vận động của văn học.
Ở nửa cuối thập kỷ 70, những năm liền ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nền văn học về cơ bản vẫn tiếp tục phát triển theo những quy luật và với những cảm hứng chủ đạo trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đề tài chiến tranh và khuynh hướng sử thi vẫn nổi trội, tuy đã có những thay đổi và bước phát triển mới, cả ở văn xuôi và thơ. Bước vào những năm đầu thập kỷ tám mươi, tình hình kinh tế xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn chồng chất và rơi vào khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Nền văn học cũng chững lại và không ít người viết lâm vào tình trạng bối rối, không tìm thấy phương hướng sáng tác. Ý thức nghệ thuật của số đông người viết và công chúng chưa chuyển biến kịp với thực tiễn xã hội, những quan niệm và cách tiếp cận hiện thực vốn quen thuộc trong thời kỳ trước đã tỏ ra bất cập trước hiện thực mới và đòi hỏi của người đọc. Đây là khoảng thời gian mà Nguyên Ngọc gọi là "khoảng chân không trong văn học". Nhưng cũng chính trong những năm này đã diễn ra sự vận động ở chiều sâu của đời sống văn học, với những trăn trở vật vã, tìm tòi thầm lặng mà quyết liệt ở một số nhà văn có mẫn cảm với đòi hỏi của cuộc sống và có ý thức trách nhiệm cao về ngòi bút của mình, đó là những người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học, mà người "mở đường tinh anh và tài năng" đã đi được xa nhất ở chặng đầu này là Nguyễn Minh Châu với những truyện ngắn hướng vào các vấn đề thế sự - đạo đức trong đời sống hàng ngày của con người. Góp phần tạo nên chuyển động theo hướng mới của văn học trong những năm này cũng phải kể đến những sáng tác của Nguyễn Khải (Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người), Nguyễn Mạnh Tuấn (Đứng trước biển), Ma Văn Kháng (Mùa lá rụng trong vườn), Dương Thu Hương (Bên kia bờ ảo vọng, Chuyện tình kể trước lúc rạng đông), thơ của Nguyễn Duy (Ánh trăng), Ý Nhi (Người đàn bà ngồi đan), trường ca của Thanh Thảo (Những ngọn sóng mặt trời, Khối vuông Ru-bích)... trên sân khấu kịch nói nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ, Xuân Trình đã trực diện tấn công vào nhiều cái tiêu cực, trì trệ trong xã hội, trong kinh tế và trong tư tưởng của một bộ phận cán bộ quản lý. Những tìm tòi và thành công bước đầu ấy đã mở ra cho văn học những hướng tiếp cận mới với hiện thực nhiều mặt, đặc biệt là cái hiện thực đời thường với những vấn đề đạo đức - thế sự đang tồn tại nổi cộm, đòi hỏi văn học phải nhận thức, khám phá. Những tác phẩm ấy đã giúp thu hẹp bít khoảng cách giữa văn học và đời sống, tác phẩm và công chúng, đồng thời cũng là sự chuẩn bị tích cực cho những chuyển biến mạnh mẽ của văn học khi bước vào thời kỳ đổi mới.
Từ 1986 đến đầu những năm chín mươi
Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đã xác định đường lối đổi mới toàn diện, mở ra một thời kỳ mới cho đất nước vượt qua thời kỳ khủng hoảng để bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ và ngày càng vững chắc. Đường lối đổi mới tại Đại hội VI của Đảng và tiếp theo đó là Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị, cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với đại diện giới văn nghệ sĩ vào cuối năm 1987, tất cả những điều đó đã thổi một luồng gió lớn vào đời sống văn học nghệ thuật nước nhà, mở ra thời kỳ đổi mới của văn học Việt Nam trong tinh thần đổi mới tư duy và nhìn thẳng vào sự thật. Vào nửa cuối những năm 80 và đầu những năm 90 đã phát triển mạnh khuynh hướng nhận thức lại hiện thực với cảm hứng phê phán mạnh mẽ trên tinh thần nhân bản. Tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu được coi là tác phẩm khơi dòng cho khuynh hướng này và đã trở thành sự kiện văn học nổi bật của những năm 1986-1987. Chiến tranh cũng được Nguyễn Minh Châu nhìn nhận từ phía tác động của nó đến số phận và tính cách con người (Cá Lau và Mùa trái cóc ở Miền Nam). Nguyễn Huy Thiệp lại phơi bày sự khủng hoảng của xã hội qua việc thay đổi các giá trị và lối sống (Tướng về hưu, Không có vua). Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng lại là những bức tranh hiện thực với nhiều mảng tối trước đây thường bị khuất lấp, nay đã hiện ra trên trang sách với bao điều xót xa và cả sự nhức nhối mà các tác giả muốn thức tỉnh trong mỗi người đọc cũng như toàn xã hội để có thể dứt khoát vượt qua cái "thời xa vắng" vốn chưa xa là mấy. Cố nhiên, cảm hứng phê phán cũng có lúc bị đẩy tới cực đoan, lệch lạc và người viết bộc lộ một cái nhìn ảm đạm, hoài nghi, thiên lệch. Tiếp tục hướng tiếp cận đời sống trên bình diện thế sự - đời tư đã được mở ra ở nửa đầu những năm tám mươi, nhiều cây bút đã đi vào thể hiện mọi khía cạnh của đạo đức cá nhân và những quan hệ thế sự đan dệt nên cuộc sống đời thường phồn tạp mà vĩnh hằng.
Nhiệt tình đổi mới xã hội, khát vọng dân chủ và tinh thần nhìn thẳng vào sự thật đã là những động lực tinh thần cho văn học của thời kỳ đổi mới phát triển mạnh mẽ, sôi nổi. Sự đổi mới ý thức nghệ thuật nằm ở chiều sâu của đời sống văn học, nó vừa là kết quả vừa là động lực cho những tìm tòi đổi mới trong sáng tác, đồng thời lại tác động mạnh mẽ đến sự tiếp nhận của công chúng văn học. Tư duy văn học mới đã dần hình thành, làm thay đổi các quan niệm về chức năng của văn học, về mối quan hệ giữa văn học và đời sống, nhà văn và bạn đọc, về sự tiếp nhận văn học. Đồng thời sự đổi mới tư duy nghệ thuật cũng thúc đẩy mạnh mẽ những sự tìm kiếm, thể nghiệm về cách tiếp cận thực tại, về các thủ pháp và bút pháp nghệ thuật, phát huy cá tính và phong cách cá nhân của nhà văn.
Từ 1993 đến nay
Phải chăng tiến trình văn học đổi mới đã chững lại từ giữa những năm 90, như một số ý kiến nhận định ở đây đó? Văn học có cũng tiếp tục xu hướng vận động trong gần 10 năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước và đổi mới văn học? Theo chúng tôi, thoạt nhìn vào diện mạo của văn học thì có thể nhận định như vậy, nhưng nhìn sâu hơn vào đời sống văn học và sự vận động của nó thì không thể nghĩ như trên.
Gần 10 năm của chặng đầu công cuộc đổi mới, xã hội ta, trong đó có nền văn học, ở trong trạng thái chuyển động dữ dội của một cuộc trở dạ. Những khoảng thời gian như vậy có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhưng thường thì không thể kéo dài. Nếu trong chiến tranh, xã hội và văn học đều phải tồn tại trong điều kiện bất bình thường, thì trong thời kỳ diễn ra những chuyển biến lớn lao của đời sống xã hội như chặng đầu công cuộc đổi mới, cũng tạo ra một môi trường tinh thần và những điều kiện ít nhiều khác thường cho văn học phát triển. Từ giữa những năm 90 của thế kỷ vừa qua, trong xu thế đi tới sự ổn định của xã hội, văn học về cơ bản cũng trở lại với những quy luật mang tính bình thường, nhưng không xa rời định hướng đổi mới đã hình thành từ giữa những năm 80. Nếu như trước đó, động lực thúc đẩy văn học đổi mới là nhu cầu đổi mới xã hội và khát vọng dân chủ - đó cũng chính là nội dung cốt lõi của văn học trong chặng đầu đổi mới - thì khoảng 10 năm trở lại đây, văn học quan tâm nhiều hơn đến sự đổi mới của chính nó, mặc dù vẫn không đi ra khỏi xu hướng dân chủ hóa. Đây là lúc văn học trở về với đời sống thường nhật và vĩnh hằng, đồng thời có ý thức và nhu cầu tự đổi mới về hình thức nghệ thuật, phương thức thể hiện hơn bao giờ hết. Tuy ít có những tác phẩm gây được những "cú sốc" trong dư luận, trở thành những hiện tượng thu hút đông đảo công chúng, nhưng hầu như ở thể loại nào cũng có sự tìm tòi, tự đổi mới. Tuy nhiên, tình trạng có phần trầm lắng của đời sống văn học nước nhà gần đây là điều có thực. Điều đó phải được cắt nghĩa từ nhiều nguyên nhân, kể cả do sự hạn chế của chính người cầm bút. Không ít tác giả, sau một vài tác phẩm ban đầu được đánh giá cao thì đã dừng lại, không tự vượt được mình, đổi mới chính mình để đạt được những thành công mới.
II. Xác định những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ sau 1975
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc tìm hiểu, đánh giá một giai đoạn văn học là việc xác định những đặc điểm cơ bản của giai đoạn văn học ấy. Văn học Việt Nam từ sau 1975 đã tồn tại và phát triển trong những điều kiện lịch sử và xã hội khác biệt rõ rệt với thời kỳ chiến tranh, trong một môi trường ý thức tinh thần có nhiều biến đổi. Những điều đó đã tác động, chi phối mạnh mẽ xu hướng vận động và đặc điểm của sự phát triển văn học 30 năm qua. Đã có không ít ý kiến của những nhà nghiên cứu, những người sáng tác nêu lên đặc điểm này hay khác của văn học thời kỳ đổi mới. Song tựu trung vẫn chưa có ai đặt vấn đề xác định những đặc điểm có tính hệ thống của giai đoạn văn học từ sau 1975. Dưới đây chúng tôi thử xác định những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn từ sau 1975, xem như những đề xuất bước đầu để cùng bàn bạc, tìm kiếm đi tới một nhận thức thấu đáo.
Văn học Việt Nam từ sau 1975, theo chúng tôi, có ba đặc điểm cơ bản như sau:
1. Văn học vận động theo hướng dân chủ hóa
Nhìn lại tiến trình văn học Việt Nam thế kỷ XX chúng ta có thể thấy ba xu hướng vận động chính ở ba thời kỳ phát triển của nền văn học. Từ đầu thế kỷ XX đến 1945, văn học vận động theo hướng hiện đại hóa, và đó là đặc điểm bao trùm toàn bộ nền văn học thời kỳ này, làm nên sự thay đổi cơ bản về phạm trù văn học từ trung đại sang hiện đại. Trong ba mươi năm tiếp theo từ 1945 đến 1975, có thể nói đại chúng hóa và cách mạng hóa là xu hướng vận động cơ bản của nền văn học cách mạng trong hoàn cảnh chiến tranh. Cũng từ sau 1975, nhất là từ giữa những năm 80 trở đi, dân chủ hóa là xu thế lớn của xã hội và trong đời sống tinh thần của con người, cũng đó trở thành xu hướng vận động bao trùm của nền văn học. Xu hướng tất yếu ấy của lịch sử đã được thể hiện trong đường lối đổi mới tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986), với tinh thần "đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật" đã tạo cơ sở tư tưởng cho xu hướng dân chủ hóa trong văn học được khơi dòng và phát triển mạnh mẽ. Dân chủ hóa đã thấm sâu và được thể hiện ở nhiều cấp độ và bình diện của đời sống văn học, trên bình diện ý thức nghệ thuật đã có những biến đổi quan trọng theo hướng dân chủ hóa của các quan niệm về vai trò, vị trí, và chức năng của văn học, về nhà văn và quan niệm về hiện thực. Văn học trong giai đoạn trước chủ yếu được nhìn nhận như là vũ khí tư tưởng của cách mạng, phục vụ cho mục tiêu và đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Văn học thời nay cũng không hề từ bỏ vai trò vũ khí tinh thần - tư tưởng của nó, nhưng nó được nhấn mạnh trước hết ở sức mạnh khám phá thực tại và thức tỉnh ý thức về sự thật, ở vai trò dự báo, dự cảm. Trong xu hướng dân chủ hóa của xã hội, văn học cũng là một phương tiện cần thiết để tự biểu hiện, bao gồm cả việc phát biểu tư tưởng, quan niệm, chính kiến của mỗi nghệ sĩ về xã hội và con người.
Văn học không chỉ là tiếng nói chung của dân tộc, thời đại, cộng đồng mà cũng có thể và cần phải là phát ngôn của mỗi cá nhân. Không chỉ kinh nghiệm cộng đồng mới được coi trọng mà cũng cần đến kinh nghiệm cá nhân để làm giàu thêm cho nhận thức của mỗi người và toàn xã hội. Trong một nền văn học hướng tới tinh thần dân chủ, đòi hỏi và có thể thừa nhận tư tưởng riêng, cái nhìn riêng của mỗi người thì người viết dù rất tin và muốn bênh vực cho những tín niệm của mình cũng không thể không biết đến những tư tưởng và quan niệm khác. Mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc cũng thay đổi theo hướng dân chủ hóa, bình đẳng hơn để người đọc thực sự được tôn trọng, được quyền làm chủ. Nhà văn không cũng là người độc quyền ban bố, phán truyền các chân lý không thể bàn cãi, bởi nó là tư tưởng chung, là mục tiêu cao cả của cả cộng đồng (nhưng cũng chính vì thế mà rất ít khi tư tưởng trong tác phẩm là tư tưởng riêng của nhà văn).
Cùng với những thay đổi trong quan niệm về nhà văn thì quan niệm về hiện thực như là đối tượng phản ánh, khám phá của văn học cũng được mở rộng và mang tính toàn diện. Hiện thực không chỉ là hiện thực cách mạng, các biến cố lịch sử và đời sống cộng đồng mà đó cũng là hiện thực của đời sống hàng ngày với các quan hệ thế sự vốn dĩ đa đoan đa sự, phức tạp chằng chịt, đan dệt nên những mạch nổi, mạch ngầm của đời sống. Hiện thực đó cũng là đời sống cá nhân của mỗi con người với những vấn đề riêng tư, số phận, nhân cách, với khát vọng mọi mặt, cả hạnh phúc và bi kịch. Hiện thực đời sống trong tính toàn vẹn của nó đã mở ra những không gian vô tận cho văn học thỏa sức chiếm lĩnh, khám phá, khai vì.
Xu hướng dân chủ hóa của văn học không chỉ thể hiện ở các quan niệm như đã nói trên mà đã thâm nhập và được biểu hiện ra trên nhiều bình diện của sáng tác, từ hệ đề tài, các kiểu kết cấu và mô-tip chủ đề, cốt truyện, nhân vật cho đến giọng điệu và ngôn ngữ, nghệ thuật trần thuật. Xu hướng dân chủ hóa đã đưa đến sự nở rộ của các phong cách, bút pháp, bộc lộ hết mình các cá tính sáng tạo của nhà văn cùng với việc ra sức tìm kiếm, thử nghiệm nhiều hình thức và thủ pháp thể hiện mới kể cả tiếp thu và vận dụng những yếu tố của các trường phái nghệ thuật hiện đại phương Tây.
2. Sự thức tỉnh ý thức cá nhân trên cơ sở tinh thần nhân bản là nền tảng tư tưởng và cảm hứng chủ đạo, bao trùm của nền văn học từ sau 1975
Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến tiếp liền sau đó đã khơi dậy và phát triển đến cao độ ý thức cộng đồng mà cốt lõi là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý thức giai cấp, có thể nói nền văn học cách mạng suốt ba mươi năm từ 1945 đến 1975 đã được xây dựng và phát triển trên nền tảng tư tưởng ấy. Cảm hứng chủ đạo của nền văn học là chủ nghĩa yêu nước, khát vọng độc lập, tự do và lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Từ sau 1975, khi cuộc sống dần trở lại với những quy luật bình thường của nó, con người trở về với muôn mặt đời thường, phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề trong một giai đoạn có nhiều biến động, đổi thay của xã hội - Bối cảnh đó đã thúc đẩy sự thức tỉnh ý thức cá nhân, đòi hỏi sự quan tâm đến mỗi người và từng số phận.
Sự thức tỉnh trở lại ý thức cá nhân đã mở ra cho văn học nhiều đề tài và chủ đề mới, làm đổi thay quan niệm về con người. Văn học ngày càng đi tới một quan niệm toàn vẹn và sâu sắc hơn về con người mà nền tảng triết học và hạt nhân cơ bản của quan niệm ấy là tư tưởng nhân bản. Con người vừa là điểm xuất phát, là đối tượng khám phá chủ yếu, vừa là cái đích cuối cùng của văn học, đồng thời cũng là điểm quy chiếu, là thước đo giá trị của mọi vấn đề xã hội, mọi sự kiện và biến cố lịch sử. Con người trong văn học hôm nay được nhìn ở nhiều vị thế và trong tính đa chiều của mọi mối quan hệ: Con người xã hội, con người với lịch sử, con người của gia đình gia tộc, con người với phong tục, với thiên nhiên, với những người khác với chính mình... Con người cũng được văn học khám phá, soi chiếu ở nhiều bình diện và nhiều tầng bậc: ý thức và vô thức, đời sống tư tưởng, tình cảm và đời sống tự nhiên, bản năng, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường, con người cụ thể, cá biệt và con người trong tính nhân loại phổ quát.
3. Văn học phát triển phong phú, đa dạng, hướng tới tính hiện đại
Xu hướng dân chủ hóa và sự thức tỉnh ý thức cá nhân đã đưa tới sự phát triển phong phú, sôi nổi đa dạng của văn học từ sau năm 1975, đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới của đất nước. Sự đa dạng và phong phú được thể hiện trên nhiều bình diện của văn học: đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại, nhiều tìm tòi về thủ pháp nghệ thuật, đa dạng về phong cách và khuynh hướng thẩm mỹ. Quả thực khu vườn văn học ngày nay là một cảnh tượng rất đa sắc màu, hương vị, nhiều dáng vẻ thậm chí có cả những hiện tượng kỳ dị, lạ lùng. Nhưng sự phong phú, đa dạng cũng đi liền với tính phức tạp và không ổn định.
Nhiều khuynh hướng tìm tòi chỉ rộ lên trong một khoảng thời gian ngắn ngủi rồi tắt lịm, thị hiếu của công chúng không thuần nhất và cũng luôn biến động, các thể loại cũng thăng trầm trồi sụt khá bất thường. Sự phức tạp và không ổn định này là đặc điểm tất yếu của một giai đoạn văn học mang tính giao thời, nhưng cũng còn do một nguyên nhân rất cơ bản nữa, đó là sự chi phối của cơ chế thị trường. Văn học tất yếu phải thành một sản phẩm hàng hóa trong một nền kinh tế thị trường, điều đó vừa có tác động thúc đẩy sự phát triển văn học, vừa có nhiều tác động tiêu cực khó tránh khỏi đối với cả sáng tác lẫn xuất bản, phê bình và công chúng.
Trong xu thế hội nhập, sự giao lưu với đời sống văn hóa và văn học thế giới ngày càng mở rộng, cùng với những nhu cầu nội tại của đời sống văn hóa tinh thần trong nước, văn học đã ngày càng gia tăng tính hiện đại. Văn xuôi có nhiều đổi mới về nghệ thuật tự sự, từ sự thay đổi điểm nhìn trần thuật đến xây dựng nhân vật, độc thoại nội tâm và dòng ý thức, tính đa thanh và đa giọng điệu...
Những nỗ lực cách tân trong thơ đã đưa đến nhiều thể nghiệm theo hướng hiện đại chủ nghĩa, đang thu hút ngày càng nhiều sự chú ý của giới sáng tác và công chúng.
III. Sự đổi mới và những đặc điểm của các thể loại
Những biến đổi của nền văn học từ sau 1975 được thể hiện rất rõ ràng trong sự đổi mới của các thể loại văn học. Đây là vấn đề đó thu hút được sự chú ý khá rộng rãi của giới nghiên cứu, phê bình. Đã có một số công trình, luận án tìm hiểu sự đổi mới, và những đặc điểm của văn xuôi, của truyện ngắn, tiểu thuyết, của thơ trữ tình từ sau 1975. Nhưng việc nghiên cứu đầy đủ và toàn diện về diện mạo, đặc điểm của từng thể loại vẫn cần được quan tâm đầu tư công sức nhiều hơn nữa và nhất là cần được dựa trên cơ sở lý luận hiện đại về từng thể loại.
Sáng tác văn xuôi là khu vực vẫn được xem là có nhiều thành tựu nổi trội và có những hiện tượng đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học. Vì vậy nó đã thu hút được nhiều sự quan tâm của công chúng và giới nghiên cứu. Nhưng để có một cái nhìn toàn cảnh ba mươi năm văn xuôi sau 1975 thì vẫn cũng rất nhiều việc phải làm. Để hình dung chính xác và đầy đủ về diện mạo và đặc điểm của văn xuôi thì cũng cần làm rõ hơn các khuynh hướng, các thể tài, các mảng đề tài với cái mới mà nó đem lại cho văn xuôi ba mươi năm qua. Để nhận diện và đánh giá đầy đủ hơn những đổi mới về nghệ thuật văn xuôi trên nhiều yếu tố như nghệ thuật trần thuật, kết cấu, xây dựng nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu... cũng cần đến nhiều công trình nghiên cứu, từ cụ thể đến khái quát. Một trong những đặc điểm thể loại của văn học đương đại là sự xâm nhập lẫn nhau, sự giao thoa của các thể loại. Các bảng phân chia thể loại quen thuộc trước đây dường như đã tỏ ra bất cập trước thực tiễn sinh động của văn học.
Trong ấn tượng của nhiều người thì thơ là khu vực không gây được nhiều sự chú ý như văn xuôi. Quả là ở chặng đầu của cuộc đổi mới văn học, văn xuôi nổi lên như một mũi tiên phong. Nhưng nhìn một cách tổng thể cả giai đoạn từ sau 1975 đến nay, đặc biệt là hơn mười năm gần đây, thì lại có thể thấy chính thơ và nhiều nhà thơ thuộc các thế hệ khác nhau đã và đang có nhiều nỗ lực cách tân rất đáng chú ý, mặc dầu thái độ của công chúng và của chính giới văn học trước các hiện tượng cách tân thơ là rất khác nhau. Có thể nói - tất nhiên với ý nghĩa tương đối rằng sự đổi mới trong văn xuôi hướng nhiều vào khát vọng đổi mới xã hội và từ đó dẫn đến những hệ quả đổi mới văn chương thì thơ lại hướng nhiều vào nhu cầu đổi mới chính nó, cố nhiên không thoát ly yêu cầu đổi mới xã hội. Trong khu vực thơ, tuy đã có một số công trình nghiên cứu đáng chú ý nhưng thường là hướng vào cái nhìn bao quát chung, cũng rất thiếu những công trình đi sâu tìm hiểu các phương diện cụ thể, như thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh và biểu tượng, tư duy nghệ thuật, các khuynh hướng và hiện tượng tiêu biểu mà lâu nay để cho tiện nhiều người vẫn gọi chung là xu hướng hiện đại chủ nghĩa trong thơ.
IV. Văn học Việt Nam từ sau 1975 trong tiến trình văn học dân tộc thế kỷ XX và trong bối cảnh văn học thế giới
Nghiên cứu văn học Việt Nam từ sau 1975 không thể không đặt nó vào tiến trình văn học dân tộc thế kỷ XX và tiếp nối liền mạch sang thế kỷ XXI. Nhìn trên đại thể, văn học Việt Nam thế kỷ XX có ba chặng đường lớn: Từ đầu thế kỷ đến 1945 - văn học chuyển từ phạm trù trung đại sang nền văn học hiện đại (mà 30 năm đầu là giai đoạn giao thời); từ năm 1945 đến 1975 - văn học cách mạng phát triển trong điều kiện hai cuộc kháng chiến, và từ sau 1975 văn học thời hậu chiến và đổi mới. Ba chặng đường nói trên của văn học thế kỷ XX là sự tiếp nối của dòng chảy văn học dân tộc, vừa có sự biến đổi tạo ra các bước ngoặt, vừa có sự kế tục chứ không phải là những đứt gãy.
Bước vào công cuộc đổi mới, để khẳng định và thúc đẩy những tìm tòi đổi mới của văn học, người ta cần nhấn mạnh những khác biệt, thậm chí là sự đối lập, đoạn tuyệt với giai đoạn văn học trước đó. Nhiệt tình này đôi khi dẫn đến một thái độ định kiến thiếu khách quan đối với di sản văn học trước 1975. Sự khác biệt của hai chặng đường văn học trước và sau 1975 là điều hiển nhiên, có thể thấy trên rất nhiều phương diện. Nhưng phải chăng giữa hai chặng đường đó là sự cắt lìa, không có chút tiếp nối nào? Chúng tôi không nghĩ như vậy. Những thành tựu và hạn chế của nền văn học sử thi thời chiến tranh không phải là không góp phần chuẩn bị và kích thích sự đổi mới văn học sau 1975. Huống chi, giai đoạn 10 năm chuyển tiếp và tiền đổi mới (1975 - 1985) đã thể hiện rõ quy luật tiếp biến của văn học ở hai chặng đường.
Nếu nhìn trên tiến trình văn học cả thế kỉ thì có thể thấy hướng vận động cơ bản là hiện đại hoá vẫn xuyên suốt các chặng đường văn học. Hiện đại hoá được khởi động ở vài chục năm đầu thế kỷ trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển văn học từ 1920 - 1945. Xu hướng ấy có bị lấn át bởi yêu cầu cách mạng hoá và hiện đại hoá trong giai đoạn 1945- 1975, nhưng đã trở lại thành một nhu cầu và hướng vận động của văn học sau 1975, cùng với xu thế dân chủ hóa. Cố nhiên yêu cầu và quan niệm hiện đại hoá cũng có sự biến đổi ở mỗi giai đoạn văn học.
Khi chuyển từ phạm trù văn học trung đại sang văn học hiện đại, nền văn học dân tộc cũng từng bước hội nhập với đời sống văn học toàn thế giới. Nhưng sự giao lưu và tiếp nhận ảnh hưởng của văn học thế giới với văn học Việt Nam phụ thuộc nhiều vào điều kiện xã hội - lịch sử. Trong 30 năm chiến tranh, sự giao lưu này rõ ràng là có nhiều hạn chế, chủ yếu là chỉ giới hạn trong quan hệ với các nền văn học xã hội chủ nghĩa gần gũi chúng ta. Văn học Việt Nam từ sau 1975, nhất là từ giữa những năm 80 trở lại đây, đã đi những bước tiếp xa hơn trên con đường hiện đại hoá nền văn học dân tộc ở thế kỷ XX, để hòa nhập đầy đủ vào tiến trình văn học thế giới. Nhưng nhận định bao quát đó cần được triển khai trong công việc nghiên cứu theo hướng văn học so sánh để chỉ ra một cách cụ thể sự giao lưu và ảnh hưởng của văn học hiện đại thế giới đối với văn học Việt Nam đương đại, ở nhiều cấp độ và bình diện, từ các trường phái, kiểu tư duy nghệ thuật cho đến các mô-típ chủ đề, hình tượng, các phương thức và phương tiện biểu đạt... ở những tác giả, tác phẩm cụ thể. Cũng đã đến lúc có thể nhắc lại một nguyện vọng tha thiết và cũng là một đòi hỏi của nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” được viết từ năm 1987: "Chẳng lẽ mãi mãi thế hệ nhà văn Việt Nam chúng ta vẫn cứ yên tâm sản xuất ra toàn những sản vật không bao giờ được ngó đến trong nền văn học thế giới - Chẳng lẽ Việt Nam ngày nay chỉ hưởng của thiên hạ mà không làm ra được cái gì góp vào của chung của thiên hạ''.
*
Bài viết của chúng tôi mặc dù đã dài, nhưng chỉ đề cập được một số vấn đề theo ý chủ quan của người viết là có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn từ sau 1975. Chắc chắn là cũng nhiều vấn đề cần được nghiên cứu để hình dung và mô tả đúng đắn diện mạo và quy luật của giai đoạn văn học này, như vai trò của lý luận và phê bình văn học, biến đổi của ngôn ngữ văn học, văn học dịch và tác động của nó, công chúng và sự tiếp nhận văn học, văn học trong nước và bộ phận văn học hải ngoại... Để có thể bắt đầu những công trình về lịch sử văn học từ sau 1975, cũng rất nhiều công việc phải làm và cần đến sự góp sức của nhiều cá nhân, nhiều cơ quan nghiên cứu. Hội thảo khoa học này được mở ra không nằm ngoài mục đích thúc đẩy công việc chung đó.
Hà nội, tháng 4 năm 2005
Tác giả: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.
© 2005 talawas
Nguồn: Tham luáºn tại Há»™i thảo toà n quốc “Văn há»c Việt Nam sau 1975 - Những vấn Ä‘á» nghiên cứu và giảng dạy†tại Khoa Ngữ văn, Äại há»c SÆ° phạm Hà Ná»™i ngà y 26.4.2005