© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
16.4.2005
Xanh Melan
Về một sự thiếu nhạy cảm
 
Bây giờ, ở thời đại mà những "hình thức", "phong cách", "trơ lỳ", "vô cảm", "bạo liệt", "bấn loạn", "tân", "mới", "new", phân mảnh, lắp ghép, giễu nhại, phi lý và phi lý hơn nữa... đang trở thành thời thượng, còn ai đó dám rón rén nhắc tới những giá trị như "tư tưởng", "cái đẹp", "sự tinh tế", "sự sâu sắc"..., người đó hẳn phải được xem là... anh [k]hùng.

Một sự thiếu nhạy cảm như làn khói thuốc phiện, mơ hồ nhưng có thật đang ngự trị.

Bài viết của Nguyễn Trần Khuyên, với tất cả sự "nghiêm trọng" của nó, dù sao, vẫn đáng được đón nhận như một làn gió mới mẻ, và chỉ cần một chút tinh tế là người ta có thể rút ra khối điều hay ho. Thay vào đó là hai bài viết "thanh minh thanh nga" với những ý tưởng cũ kỹ lặp lại đến phát chán của Nguyễn Quốc ChánhĐỗ Kh.

Cuộc "so găng" giữa Phan Nhiên Hạo và Tiền Vệ lại càng thú vị. Phan Nhiên Hạo, anh ta tin vào một số giá trị (đoán vậy): nghiêm túc trong sáng tạo và tôn trọng những sản phẩm sáng tạo. Có thể (đoán rằng) anh ta làm thơ chậm rãi, cân nhắc, đầy lý tính. Những đứa con tinh thần của anh ta hẳn là được chăm sóc kỹ lưỡng lắm. Thế mà, lại có kẻ dám đường đột nhảy vào "ăn sẵn" trên sản phầm mồ hôi nước mắt của mình, lại chẳng ý kiến ý kọt gì đến "ông chủ" của nó cả (thậm chí đến chào hỏi cũng không, hờ, láo quá!), thử hỏi làm sao không tức! Mà khi đã "tức" thì người ta có thể sinh nghĩ (và "ngờ") nhiều chuyện, âu cũng là con người. Người như thế là thường (theo nghĩa tích cực). Mặt khác, những điều Phan Nhiên Hạo "nghĩ" và "ngờ" cũng chẳng phải hoàn toàn vô cớ, mà, ngay cả khi những chứng cớ của anh không thuyết phục đi nữa, thì, như một con người cá nhân và tự do, anh ta vẫn có quyền làm vậy (quyền được sai lầm). Chẳng hạn, anh ta cũng chẳng cần một sự suy lý ráo riết nào mà vẫn có thể nói (bằng cảm giác), rằng Tiền Vệ "quy chụp". (Hơn nữa, theo tôi thấy thì anh ta cũng đã rất cố gắng "thu thập bằng chứng" và vận dụng sự suy lý đấy chứ?). Nhưng, cứ cho là anh ta nhầm lẫn đi, thì đã sao? Còn Tiền Vệ? Tôi nói rằng: Tiền Vệ không phải là người. Tiền Vệ là một Tòa soạn. Mà, một tòa soạn là cái gì? Nó không phải là một con người. Nó là một "guồng máy" với những nguyên tắc (mềm dẻo hay cứng nhắc, người hay không người, tùy, nhưng cần phải minh bạch). Tất nhiên, một nguyên tắc, dù thế nào, cũng do ai đấy đặt ra và nó có thể bị dao động bởi những sự nhạy-cảm-người nhất định. Trong trường hợp này, tôi thấy, vâng, tôi thấy, những phản ứng của Tiền Vệ vừa thiếu nguyên tắc vừa thiếu nhạy cảm. Thiếu nguyên tắc ra sao thì bài của anh Hoàng Ngọc-Tuấn đã tự bộc lộ. Chẳng hạn, Tiền Vệ "chưa hề từ chối bất kỳ tác phẩm nào" của Phan Nhiên Hạo, và "luôn luôn thực hiện mọi yêu cầu" của Phan Nhiên Hạo một cách "có lợi" cho Phan Nhiên Hạo. Thế mà, trong bài, hơn một lần, Hoàng Ngọc-Tuấn nhắc lại ý này: bài thơ "Tại sao hỏi?" của Phan Nhiên hạo là một bài thơ "rất bình thường". Thế nào là một bài thơ "rất bình thường"? Và tại sao một bài thơ "rất bình thường" như thế lại chưa hề bị từ chối? ("Bình thường" đến mức Hoàng Ngọc-Tuấn đã "không thể nhớ nổi" trong hàng nghìn bài thơ trên Tiền Vệ!). Và, quan trọng hơn, việc "chưa hề từ chối" ấy có nhất thiết phải là một hành động mang lại điều "có lợi" cho Phan Nhiên Hạo trong tư cách người sáng tác hay không?

Một ví dụ khác: Theo diễn giải của Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi hiểu Tiền Vệ đăng bài "Ờ, tại sao hỏi?" của Khuyến chỉ vì muốn "chứng tỏ cho Nguyễn Trần Khuyên rằng chúng tôi không hề có ý nghĩ kỳ thị đối với thơ của chị ấy, mà còn ủng hộ lập trường nữ quyền của chị ấy". Ồ, sao lạ vậy? Bởi điều này dường như mâu thuẫn với nguyên tắc "đặt cơ sở trên chất lượng thẩm mỹ và giá trị sáng tạo" lên trên hết, như Hoàng Ngọc-Tuấn nói ở phần trước trong bài. Nhân đây xin nói về hình thức nhại văn thơ của người khác. Cứ cho là ở cộng đồng tiếng Việt, hình thức này do Bùi Chát, Lý Đợi khởi xướng đi chăng nữa, thì có lý do gì để cả quyết rằng: "Khi chúng xuất hiện lại dưới những ngòi bút khác, chúng không còn tính 'sáng tạo' nữa mà chỉ là sự lặp lại, sự bắt chước mà thôi, bất kể nội dung như thế nào..." (Nguyễn Hưng Quốc). Ồ, vô lý quá! Thế thì chúng ta phải nói sao đây về [hàng trăm] nhà thơ tân hình thức hiện nay? Và nhìn lại lịch sử nữa, tôi không thể kể ra hết được. Người có công khởi xướng một hình thức được ghi nhận, đã đành, nhưng người đẩy hình thức ấy phát triển rực rỡ thiết tưởng cũng nên ghi nhận. Tôi đã đọc nhiều bài thơ giễu nhại của Lý Đợi, Bùi Chát (từ “Thời hoa đỏ lè” cho tới “Trái lựu đạn trong túi quần mùa thu”, và vân vân), tôi ghi nhận ý tưởng sáng tạo của các tác giả, nhưng thú thật, tôi chưa thấy bài nào đạt được hiệu quả cao như bài "Ờ, tại sao hỏi?" của Khuyến. Đối với tôi, bài "Ờ, tại sao hỏi?" của Khuyến là một "đỉnh cao" của thơ giễu nhại (xét về hiệu quả nghệ thuật). Nhưng, sở dĩ nó hay là vì nó đã vận dụng đúng chỗ thủ pháp giễu nhại (trên nền của một bài thơ khác), còn nếu là bài original thì nó "rất bình thường", và, việc Tiền Vệ chọn đăng chỉ vì "hoàn toàn tin đó là bài thơ original", một lần nữa thể hiện sự thiếu nhạy cảm. (Cũng vậy, tôi thấy 3 bài nhại Đinh Linh, Bùi Chát, Lê Thị Thấm Vân của Khuyến cũng "được", hơn nhiều bài khác được "sản xuất" theo "công thức" tương tự).


*


Lẽ ra bài này của tôi có thể kết thúc ở đây. Nhưng thấy nó có vẻ "lôi thôi" quá, và vẫn chưa nói được điều mình muốn nói. Nhân cơ hội này, tôi xin kể thêm một chuyện.

Cách đây gần một năm, đọc quá nhiều "sáng tác" trên Tạp chí Thơ, tôi bỗng nảy ra một ý định hay hay. Tôi nói với các đồng nghiệp của mình: Các anh ạ, tôi muốn "chơi xỏ" Tạp chí Thơ, cho vui (chẳng là đang buồn mà không hiểu tại sao). Họ hỏi: Bằng cách nào? Tôi bảo, trò này đơn giản lắm. Này nhé, bước thứ nhất, các anh hãy vào mục Tâm sự của VnExpress. Hãy nhấn chuột vào một bài bất kỳ. Sau đó, hãy cóp bài ấy ra word. Tiếp theo, các anh hãy đếm chữ, một hai ba bốn... đếm đủ đến tám (hay 7 hoặc 6, tùy), rồi nhấn Enter. Nhấn đến bao giờ cảm thấy muốn dừng thì dừng. Riêng dòng cuối, nếu thừa chữ nào thì bớt đi, nếu thiếu thì viết bừa cái gì đấy vào cho đủ 8 (hay 7 hoặc 6). Thế là xong một bài thơ. "Rồi sao nữa?", các đồng nghiệp của tôi tò mò hỏi. Ờ, để chắc ăn, bước tiếp theo các anh phải dùng mẹo một chút (mà thực ra cũng chẳng cần). Tác giả phải là một cô gái, thế. Cái tên rất quan trọng, phải "mơi mơi" một chút, nhưng cũng không nên quá lõa lồ. Hãy cho cái tên ấy mấy dòng tiểu sử (tiểu sử hay nhất là sinh viên ngữ văn - Hà Nội hay Sài Gòn, Huế cũng được), rồi gõ cái tên ấy vào dưới bài thơ. Sau đó gửi đi. Thế, và chúng ta có một thi sĩ rồi đấy. Chúc mừng!

Chúng tôi đã làm đúng như vậy. Chúng tôi mở mục Tâm sự của VnExpress, kích chuột bừa vào một bài. Chẳng cần đọc xem trong đó viết gì, chúng tôi cóp đại một đoạn text ra word. Rồi, chúng tôi đếm một hai ba bốn... tám. Chúng tôi gõ Enter, bộp, bộp, bộp (đâu có nhìn bàn phím)... Xong, đến phần chọn tên tác giả, chúng tôi trao đổi ngắn và chọn cái tên Lê Trần Vân Anh (tên này cũng chẳng phải chúng tôi 'sáng tạo' gì ghê gớm, mà chính là tên của cô gái được nhắn trong mục "tâm sự" đó luôn - vô tình cái tên này cũng đạt được mục đích đề ra: "mơi mơi"). Chúng tôi bịa cho nhà thơ này một tiểu sử. Và, chẳng buồn đọc lại xem thực ra mình đã làm quái gì. Nhắm mắt nhắm mũi, chúng tôi nhằm địa chỉ tapchitho@org mà "bắn" đi "đứa con tinh thần" của mình. Tất cả diễn ra trong vòng 5 phút: Việc "sáng tạo" thơ (gồm các "thao tác" cóp, phết, đếm chữ, gõ Enter) chiếm khoảng 1 phút, còn lại là thời gian bịa tiểu sử và gửi e-mail. Đó là ngày 01.03.2004.

Kết quả? Ngày... (tôi không nhớ, xin hỏi anh Đỗ Kh.), Tạp chí Thơ đăng bài của Lê Trần Vân Anh (điều này bình thường). Ngày... (không rõ), Tạp chí Thơ chọn bài của Lê Trần Vân Anh vào Tuyển tập Mùa thu 2004 (cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên).

Câu chuyện như thế tự nó đã khép lại. No more comments. Chúng tôi đã chơi một trò chơi mà biết rõ kết cục ngay từ đầu, vì thế chẳng mấy hứng thú. Đúng ra, cuộc chơi còn một phần nữa. Ấy là tôi sẽ thuật lại câu chuyện và gửi đến Tạp chí Thơ. Nội dung cuộc chơi là "xỏ" [xiên] mà người bị "xiên" lại không biết mình bị "xỏ" thì ra làm sao! Nhưng, rốt cuộc, tôi chán. Mà sự chán của tôi xem ra còn to hơn cả thú xiên [xỏ]. Tôi tự nhủ, thôi quên đi [vui gì mà cười].

Lẽ dĩ nhiên, sẽ có những lời biện hộ. Hình như một vị "tiên chỉ" của dadaism đã từng nói rằng, chỉ cần dùng một cái bút (hay thước, không nhớ nữa) vạch một vạch trên tờ báo, rồi ráp bừa những đoạn bị cắt lại thế là thành bài thơ (tốn báo quá!). Và, vân vân...

Một lý do nữa khiến tôi muốn quên đi "bí quyết" sáng tạo của mình là vì lý do kinh tế. Lỡ để lộ ra, người ta bắt chước thì nguy. Chẳng là, những bài Tâm sự trên VnExpress đang phát triển theo cấp số nhân. Mai sau [dù có bao giờ], số trang "tâm sự" ấy sẽ dày đến mức tất cả các nhà in trên thế giới hợp sức lại cũng không chạy xuể. Kinh phí của Tạp chí Thơ thì có hạn, lại in những hợp tuyển trên giấy trắng đắt tiền nữa, tôi lo lắng lắm, các anh ạ.


*


Nghệ sĩ, anh ta không thông minh hơn nhà toán học (đã đành), không dũng cảm hơn nhà chính trị (chắc thế), lại càng không tốt bụng hơn các ông chủ doanh nghiệp (hẳn vậy); anh ta có gì để vênh vang ngoài sự nhạy cảm? Tôi chợt nghĩ đến một bài viết uyên bác nhưng "hơi bị vô cảm" về "văn hóa tục" gần đây của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc. Ông dẫn lại lời Roland Barthes, đại ý nói rằng, những lời văng tục (của Hérbert) không có ý nghĩa gì cả, nhưng nó báo hiệu bằng cách diễn tả một tình thế cách mạng. Ờ, đã nói tục lại dự báo được (thông qua diễn tả) một tình thế cách mạng nữa thì nhất rồi, nhưng, cái sự thiếu nhạy cảm mênh mông hiện nay, nó sẽ dự báo một tình thế gì vậy, thưa Các Ngài?


Tham khảo:

  1. Bài “Vân Anh nên nói thẳng với người yêu” trong VnExpress: http://vnexpress.net/Vietnam/Doi-song/Tam-su/2004/02/3B9CFA84/

  2. Bài thơ của Lê Trần Vân Anh trên Tạp chí Thơ, số mùa Thu 2004: http://www.tapchitho.org/wtho27/ltva.htm


Hà Nội, 15.4.2005

© 2005 talawas