© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
19.1.2004
Quốc Việt
Tuổi hai mươi yêu dấu hay là Cuộc phiêu lưu của bố tôi
 
Nếu bạn muốn biết Nguyễn Huy Thiệp-truyện-ngắn-gia Việt Nam nổi tiếng viết tiểu thuyết như thế nào thì có thể đọc cuốn tiểu thuyết (hình như là đầu tay) của ông ở trang web http://nguyenhuythiep.free.fr/tuoi20/index.html Bởi cuốn tiểu thuyết này chưa in ở đâu cả, nên tôi đã vội đọc nó nhân dịp cuối tuần, trước khi vì một lí do nào đó nó không còn là của chùa internet nữa.

Tôi quan niệm rằng, bàn về cái hay, cái sáng tạo, cái mới của một tác phẩm văn học thì nhất định phải cần đến một nhà văn, một nhà phê bình lí luận văn học. Còn bàn về cái một người không thích của một tác phẩm văn học thì ai cũng có thể làm được. Nhớ lại cái thời kì chúng tôi chuyền tay nhau đến rách bươm những tờ báo Văn nghệ có đăng Kiếm sắc, Vàng lửa, Những ngọn gió Hua tát… tôi muốn viết vài dòng về cảm nghĩ của mình sau khi đọc xong Tuổi hai mươi yêu dấu. Bạn có biết một người bị tình phụ thì làm gì không?

Cuốn tiểu thuyết gồm 30 chương. Mỗi chương khá ngắn gọn được viết bằng một ngôn ngữ pha trộn giữa Thương nhớ đồng quêCơ hội của Chúa [1] . Sau khi đã đọc tất cả vì bị kích thích bởi những tuyên bố trên báo chí về cuốn sách và bài giới thiệu ca ngợi của Liễu Trương được talawas đăng lại, tôi nhận thấy phần đáng đọc nhất có tựa đề là Chú giải. Sau khi đọc xong phần này, cũng là phần cuối cùng của tiểu thuyết, tôi hầu như rút ra được một nhận xét rất cá nhân là có lẽ tôi không nên đọc sách làm gì nữa mà chỉ cần mua cuốn Bách khoa danh ngôn từ điển về gối đầu giường để nghiền ngẫm là đủ.

Tin tôi đi, trong cuốn tiểu thuyết gồm các đoạn văn ngắn này, có vô thiên lủng các danh ngôn có thể tóm gọn trí khôn của loài người vào lòng bàn tay và có các tên tuổi Tây và Ta bò lổm ngổm như cua tháng Sáu. Những tác phẩm kinh điển và cổ điển được đả động đến rất nhiều, từ Thủy Hử (Trại bên bờ nước) của nhị vị tiên sinh Thi Nại Am-La Quán Trung đến Chúa tể của những chiếc nhẫn của JRR Tolkien. Những tên tuổi được nhắc đến thì còn nhiều hơn, từ Khổng Khâu, người sáng lập ra Nho Giáo, đến một vị thủ lãnh của giáo phái Real bên Mĩ; từ những ông Tây và Ta (chủ yếu là Tây) đủ cả họ tên được trích dẫn làm đề từ nhưng vô danh tiểu tốt không được chú giải, đến Michelangelo với một nhận xét về Dante nhảy xổ ra từ trong bụi rậm của sự đau khổ như một mãnh cọp hung dữ gào thét về một bội bạc ở đây đó. Ở riêng trong phần chú giải, bạn vừa có thể biết được có một cái gì đó là "không có trong thực tế", lại vừa có thể biết đến một phân loại thơ riết róng và khệnh khạng của một nhà tư tưởng. Điều đáng tiếc làm tôi phàn nàn là phần chú giải quá mỏng làm cho vô khối anh hùng không có chỗ chen chân. Đáng lẽ nó phải được phát triển thành một cấu trúc chủ yếu của tiểu thuyết để tương xứng với tầm vóc của các vĩ nhân và các danh ngôn được nhắc đến trong 30 chương của tác phẩm.

Ngay ở chương đầu tiên, chỉ với khoảng 1000 chữ, nhân vật chính đã có phát biểu chính kiến về gần như là tất cả: nền giáo dục ngục tù với bọn giáo sư vô đạo đức và bọn sinh viên lưu manh tương lai, lũ người thối tha ở quốc hội và lí do cho sự căm ghét gia đình một cách bản năng của anh ta. Thì có sao đâu! Còn những 29 chương cơ mà. Biết đâu đó chẳng là một cách mở đầu ấn tượng của tác giả và ở những chương sau, ta có thể nhẩn nha theo dõi con đường hình thành nên những chính kiến ấy. Thế nhưng ngoại trừ những con số nghìn để chỉ tiền được dẫn ra thành những con số ước lệ thì bạn sẽ không tìm đâu ra những lí lẽ thuyết phục, những con đường dù là rất nhỏ đưa đến các phát biểu có thể là có lí mà cũng có thể là rất hồ đồ và vô lối ấy. Bạn đành phó mặc cho tác giả muốn phát biểu thế nào cũng được, cho sướng miệng thôi. Nhân vật chính đã thề rất nhiều lần. Tin anh ta đi!

Cái cung cách ấy sẽ còn tiếp diễn ở gần như tất cả các phần còn lại của tiểu thuyết. Cuộc phiêu lưu của nhân vật chính qua các ngả đường của xã hội "đen" chỉ là một cái cớ hờ hững như những cái đinh trên tường để tác giả móc lên đó đủ các loại nhận xét về xã hội và con người. Ngắn gọn và chắc chắn, một cách rất trưởng giả. Từ bạn bè đến gia đình, từ giải trí bình dân đến chit chat internet và các công ti trách nhiệm hữu hạn. Từ Hà Nội đêm với một giọng văn tuổi xanh giả cầy đến Nhà hát lớn và những giá trị Annamit đáng phóng uế. Vân vân và vân vân. Vâng, cái đoạn nói về Nhà hát lớn là đỉnh điểm của cái tinh thần thực dân bốc mùi lên từ rất nhiều chỗ. Những chương đoạn của cái tiểu thuyết này tạo ra một cảm giác trực tiếp và ngay tắp lự rằng chúng là những trình bày minh hoạ khụng khiệng của của các danh ngôn đề từ ở đầu mỗi chương. Nếu bạn thích trích dẫn, bạn sẽ tìm được vô số thứ hàng độc ở trong đó, chỉ có điều đừng tin rằng tác giả đang trăn trở với các vấn đề xã hội. Điều đó, các bản tin và phóng sự của những tờ báo "lá cải" thời nay làm tốt hơn nhiều.

Điều cuối cùng còn đọng lại trong tôi? Có lẽ duy nhất là một cảm giác về một sự làm dáng trí thức rất hoang đường và cũng rất thành thực. Nhân vật chính của cuốn sách hay nói I don't know. Nhưng đừng có tin mà mắc lỡm chết. Nhà thông thái biết tuốt luôn có mặt để chỉ bảo bạn từng bước: từ giá trị của thẩm mĩ và nghệ thuật đến văn chương, xã hội, văn hoá, cuộc sống và cái chết. Hãy tin ông ta. Cũng có thể tôi không biết đọc một tác giả lớn. Bạn hãy đọc nó và có thể thích nó. Tôi nghĩ tình đầu là tình trung thực. Nhưng người ta vẫn có thể yêu vì hiểu đó thôi.

*


Đôi điều bàn thêm

Bối cảnh gia đình:
Nhân vật chính bất mãn chẳng vì một lí do gì cả. Có thể lí do chính là quá thông minh và quá hiểu biết (ít ra cũng ngang với ông bố dựa trên hàng tá các nhận xét về con người và xã hội). Chưa có tiền sử tiền án về trộm cắp, tiêm chích. Nói chung là vừa trong trắng ngây thơ, vừa hiểu biết hơn tất cả nền giáo dục và toàn bộ nhân dân cộng lại! Thế nhưng ở chương 2 lại tự bạch là không biết một cái gì hết, từ viết một bài văn đến các khái niệm lượng giác và điạ lí; không hiểu vì sao tốt nghiệp phổ thông và ấm ớ chẳng biết học năm thứ hai của đại học gì. Tuy nhiên, dù tự nhận là cha mẹ che dù bóng rợp, dù điên lên vì mình là con số không tròn trĩnh đang học một đại học không tên nhưng lại trích Exenhin, Turghenhiep, … tư tưởng văn chương đông tây kim cổ nhoay nhoáy như một triết gia tầm cỡ.

Ông bố từng trải, thạo đời, nổi tiếng, nhà văn, nhà tư tưởng, nhà nhân đạo… nhưng lại nóng giận mất khôn đuổi con trai (trong trắng) không thèm hối hận chỉ qua một câu thông báo trốn học chính trị hơi nhiều của một cô bé trưởng lớp cộng với một số tiền 500000 đ (nhà ông giàu lắm) lỡ không đóng học phí (và một cái kim tiêm trong túi áo). Mắng con té tát và vụt con thẳng cánh trong khi tư tưởng giáo dục của ông ta là tha bổng. Lẽ ra, một ông bố với nhiều đức tính như ở chương đầu và chương cuối thì xung đột cha con phải "tiểu thuyết" hơn thế nhiều.

Bà mẹ chu đáo tận tụy. Chỉ phải tội tận tụy quá làm cho anh con trai hiểu biết hơn tất cả nền giáo dục cộng lại căm ghét một cách bản năng. Và ngu dốt quá nên cứ tồng tộc phô hết mọi chuyện của cậu con quí tử cho ông bố đang giận mất khôn. Lẽ ra, một bà mẹ chiều con thì phải có một giai đoạn thông đồng và tiếp tay chứ không kịch tính một cách rẻ tiền như vậy. Nhưng NHT có cách dàn xếp của mình: ông bảo bà mẹ có một tính cách cương trực và thẳng tính?

Anh trai học trường đại học mĩ thuật "ngu dốt đạo đức giả". Sau khi em bỏ nhà ra đi mấy ngày, vừa mới gặp đã "vừa chửi rủa vừa nện cho tôi một trận tàn bạo". Không biết vì lí do đạo đức giả nào. May mà có bạn của hắn can chứ không thì chết rồi! Thế rồi lại khóc lóc xin lỗi rồi rứt ruột đưa xe máy cho cái thằng đi hoang ấy.

Bi kịch gia đình trong cách xây dựng tiểu thuyết cho tuổi hai mươi của NHT dựa trên những nhân vật không có quá khứ mà tính cách và hành động ông chẳng bà chuộc với nhau, tệ hơn rất nhiều lần những nhân vật trong các tác phẩm điện ảnh "không ngửi được" ở cái xứ này.

Khúc giữa:
Những cuộc phiêu lưu của Khuê chẳng có gì đáng nói. Anh ta chỉ đi, chứng kiến và phán xét thay cho tác giả mà thôi: về đủ các khiá cạnh của xã hội và con người Việt nam. Tuy nhiên, mặt phải cũng như trái của xã hội trên báo chí thì còn sống động và bi tráng hơn thế nhiều. Liệu tác giả có nghĩ rằng chửi bới và phỉ nhổ sẽ làm nên một giá trị văn chương mới chăng?

Gần đoạn cuối, để tìm ra giải thoát cho con người, NHT cho ông nhà thơ bạn cố tri của bố Khuê, tống con của bạn mình ra một hòn đảo hoang (trong khi chưa biết đầu cua tai nheo thằng con của bạn như thế nào), và hình như chẳng thông báo gì cho gia đình của bạn cả. Những diễn tiến sau đó: chẳng ai thèm đi tìm; hơn một năm sau, bố chết mà cũng chẳng ai báo tin;… cho phép khẳng định điều đó. Khuê, nhờ một sự trùng hợp đúng vào ngày lên bờ cắt tóc đọc báo một năm sau mới biết tin bố chết và bỗng nhiên, ông bố trở thành người thân yêu nhất. Dĩ nhiên, ông bố luôn có mặt bên Khuê qua những câu kiểu như: bố tôi nói …. Nhưng điều đó chẳng quan trọng vì ta biết rằng toàn bộ cái câu chuyện này và những suy nghĩ của Khuê đều là của ông bố cả.

Khúc kết:
Khuê, 20 tuổi, mới chỉ hít một vài lần. Chưa vật vã, chưa từng sốc thuốc, hầu như chưa nghiện ma túy nhưng lại tự mình lao động chữa bệnh đến quên cả gia đình, tự nguyện làm dân chài, tự lo lắng xoay xoả cuộc sống giống như một vị thiền sư. Một năm sống trên đảo với dân đảo, chẳng suy nghĩ gì mấy, thậm chí "gia đình cũng chẳng nhớ gì nhiều", nhưng lại bạc trắng cả mái đầu (chả biết đấu tranh tư tưởng những gì)! Và cũng chỉ khi vào bờ cắt tóc soi gương mới biết (cả trăm người sống cùng dĩ nhiên không ai biết rằng tóc Khuê bạc). Không thể biết được lỗi lầm xã hội của Khuê là gì và cái gì đã làm Khuê phải hối cái lỗi tác giả tưởng tượng ra đó. Tôi cuộc rằng chính điều này làm Khuê bạc tóc.

Hơn một năm Khuê phiêu lưu và ở cùng dân chài, nhà văn phát minh mãi chuyện những người nghèo khổ lao động chân tay hoá ra lại còn có tình nghĩa hơn nhiều những kẻ mặc com-lê, đeo cà vạt, xách ca táp, và ở nhà thành phố; và cả chuyện đồng tiền do mình kiếm được bằng mồ hôi nước mắt thì có giá trị. Điều này rồi sẽ được nhiều người tâm đắc phải biết đấy. Nhưng đó lại là một trong những điều tởm nhất bởi sự sáo mòn, sự dễ dãi đến mức có thể gọi là sự lừa dối.

Chương cuối cùng đặc biệt lãng mạn cảm động: được tin bố chết, sự căm ghét bản năng của 20 năm trước biến mất, sự thờ ơ của 1 năm gần nhất biến mất. Và Khuê chợt biết và hiểu nhà văn-ông bố của mình, mặc dù đột ngột đến không thể tin được. Những tư tưởng nhân đạo và chân thiện mĩ chợt ở đâu kéo ra một lũ, chẳng ăn nhập gì đến công cuộc sinh tồn ở đảo hoang cả.

Lẽ ra, Khuê phải đặt tên cuốn tiểu thuyết này là "Cuộc phiêu lưu của bố tôi".

© 2004 talawas


[1]Tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà