© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
23.2.2005
Lại Nguyên Ân
Chuyển các hội văn học nghệ thuật về đời sống dân sự
 
Vào những ngày này, khi mà những người thuộc giới văn nghệ trong nước, theo một thông lệ chỉ mới có từ vài ba chục năm nay, đang bước vào một “mùa đại hội” mới, tôi chợt lưu ý tới, giữa vô số các trang báo hàng tuần hàng ngày, ý kiến của hai bạn cùng giới, cùng lứa tuổi. Nhà phê bình Ngô Thảo trong một bài viết về chính mùa đại hội đang diễn tiến [1] , đã nhấn vào câu hỏi mà anh cho là rất quan trọng đang được đặt ra lúc này: tổ chức lại lực lượng sáng tác thế nào trong điều kiện mới để sớm tạo ra những tác phẩm xuất sắc? Còn nhà thơ Thanh Thảo, nhân bàn về cơn khủng hoảng bóng đá Việt Nam thời gian qua [2] , đã nêu ra khẩu hiệu “hãy trả bóng đá về cho nhân dân!” và nhân đó nhắc đến một chủ trương từ phía nhà nước nhằm “phi chính phủ hoá” các hội văn học nghệ thuật mà anh tin là một chủ trương đúng đắn, để các hội đoàn năng động phát huy khả năng tự lập và sáng tạo của mình.

Quả thật, hai bạn văn nghệ nói trên đã gợi ra một đề tài rất đáng bàn tiếp. Tôi xin nối tiếp câu chuyện với nội dung đã nêu làm tiêu đề bài này: chuyển các hội văn học nghệ thuật về đời sống dân sự.

“Về đời sống dân sự” là thế nào? Tôi chưa thể hình dung hết, nhưng có thể nêu vài nét chính yếu là: Nhà nước chấm dứt bao cấp cho các hội (thôi cấp kinh phí, quỹ lương cán bộ nhân viên văn phòng các hội, thôi cấp trụ sở, thôi cấp xe cộ cho quan chức các hội, v.v…); các hội trên thực tế (chứ không phải chỉ trên lời nói) sẽ thôi không còn đặc tính của những cơ quan nhà nước, sẽ thực sự mang thuộc tính của loại hình tổ chức phi chính phủ, tức là từ đây sẽ tồn tại và hoạt động không phải bằng nguồn tiền từ ngân sách nhà nước mà phải bằng các nguồn khác hẳn: bằng hội phí của hội viên và bằng các nguồn thu từ hoạt động nghề nghiệp, từ các loại tài trợ, v.v… Tất nhiên, có thể thấy trước là, do tất cả những biến chuyển kiểu này, lực lượng văn học nghệ thuật mặc nhiên sẽ được cơ cấu lại, tổ chức lại, sẽ khác đi khá nhiều so với diện mạo hiện nay.

Phải nói ngay rằng, sự biến chuyển như trên nếu diễn ra cũng sẽ tác động rất ít đến những lớp văn nghệ sĩ mà nay đã và đang bước vào tuổi lục tuần, lứa tuổi của kẻ đang viết những dòng này, cũng là lứa của hai anh Thảo nhắc đến ở trên. Lớp người như chúng tôi có lẽ thuộc thế hệ cuối cùng tham dự hoạt động văn nghệ với tư cách những cán bộ. Chúng ta nhớ những lớp văn nghệ sĩ đầu tiên vào Văn hoá Cứu quốc, tham dự khởi nghĩa tháng 8-1945, tham gia kháng chiến, - đối với những lớp văn nghệ sĩ này, cái ý thức rằng mình là cán bộ luôn phải đi trước cái ý thức mình là văn nghệ sĩ; cho nên những mệnh danh “nhà văn cán bộ”, “nghệ sĩ cán bộ” đối với họ là chuyện hiển nhiên, đương nhiên, chẳng có gì là mỉa mai, là châm biếm cả. Trải nửa thế kỷ, tới những năm cuối thế kỷ 20, ý niệm “cán bộ” buộc phải phân lập: tuỳ loại cơ quan mà từng người đang tòng sự, những cán bộ này từ đây được coi là công chức, những cán bộ khác chỉ được coi là viên chức. Nhưng dù chỉ còn là những “viên chức trong biên chế”, thế hệ chúng tôi, đã hoặc sắp lần lượt nhận sổ lương hưu, cũng sẽ thuộc lớp “nhà văn cán bộ” cuối cùng. Sau thế hệ chúng tôi, tình thế sẽ không như trước. Những lời bàn tiếp đây của tôi, của chúng tôi, chủ yếu không phải là về tương lai của mình mà là về các lớp đồng nghiệp tiếp sau.

Từ nay về sau, trong cuộc sống thời bình, nhà văn và văn nghệ sĩ nói chung, là thuộc về đời thường, thuộc về đời sống dân sự. Hoạt động nghệ thuật, tức là hoạt động nghề nghiệp của từng văn nghệ sĩ, - mà nội dung chính bao gồm sáng tác, công bố tác phẩm, - gắn họ trước hết với những đơn vị văn hoá nghệ thuật như toà soạn báo, tạp chí, nhà hát, nhà xuất bản, hãng phim, hãng băng đĩa, xưởng hoạ, phòng tranh, v.v…, - những đơn vị này có thể là đơn vị quốc doanh, cũng có thể là xí nghiệp dân doanh, thậm chí là xí nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, tuỳ theo chế định của luật pháp nhà nước. Sự liên kết tương hỗ giữa văn nghệ sĩ với nhau, nếu thuộc phạm vi các quyền tinh thần và lợi ích nảy sinh từ các tác phẩm do họ sáng tạo ra, - có thể được đảm trách bởi các hãng, các tổ chức tư vấn về bản quyền; nếu thuộc phạm vi chăm sóc sức khoẻ, tuổi già, - có thể được đảm trách bởi các hãng, các tổ chức chuyên về bảo hiểm xã hội. Còn lại, lĩnh vực mà văn nghệ sĩ có thể cần liên kết nhau, chính là lĩnh vực trực tiếp gắn với sáng tác: những xu hướng, những quan niệm, những ý đồ nghệ thuật cần được chia sẻ, hợp tác để cùng nhau phác hoạ, hoàn thiện, cùng nhau biến dự phóng nghệ thuật thành thực thể nghệ thuật. Liên kết nhóm nhỏ này có lẽ là dạng liên kết hữu hiệu hơn cả trong đời sống văn nghệ từ nay về sau. Các nhóm nhỏ này (ví dụ dễ thấy là các ban nhạc trẻ, các nhóm hoạ sĩ, kiến trúc sư, có khi là nhóm vừa nhà văn, nhà báo, hoạ sĩ… cùng làm một tờ báo chẳng hạn) chỉ còn tồn tại chừng nào còn nỗ lực sáng tạo chung, chừng nào sự sáng tạo chung còn có hiệu quả đối với đời sống. Khi những nỗ lực ấy, những hiệu quả ấy không còn thì sự chia tay giữa họ, sự chấm dứt của nhóm là không tránh khỏi, và điều đó không hề gây tai hoạ hay biến động gì cho xã hội, ngược lại, là hiện tượng thông thường, bình thường thậm chí cần thiết của đời sống văn hoá văn nghệ. Dù chỉ tồn tại rất hữu hạn về thời gian, những gì mà một nhóm văn nghệ có thể đạt được, lại có thể không hề bé nhỏ. Chỉ cần nhớ đến một Tự Lực Văn Ðoàn trước đây: chỉ hoạt động hữu hiệu trong khoảng mươi năm, dấu ấn của nó trên văn học sử đã là không thể phai mờ.
Tôi hình dung dạng thức tương tự như vậy sẽ là dạng thức phổ biến của hội đoàn trong giới văn nghệ sĩ thuộc các loại hình nghệ thuật khác nhau ở ta từ nay về sau. Những hội đoàn văn nghệ sĩ kiểu đó, dù quy mô to nhỏ ra sao, dù có cần trụ sở, văn phòng, nhân viên hành chính, lễ tân, bảo vệ hay thậm chí chỉ cần đến một không gian ảo làm trụ sở chung, - tất cả đều là chuyện tự định liệu, tự thoả thuận trong mỗi nhóm, vì tất cả đều do đóng góp của các thành viên, vì mọi thứ đều nằm trong phạm vi những liên hệ dân sự của con người trong xã hội.

Dạng thức hội đoàn văn nghệ ấy rất khác dạng thức các hội văn học nghệ thuật hiện tồn, di sản cuả thời bao cấp, hoạt động không khác các cơ quan nhà nước, vì được sử dụng kinh phí, có trụ sở, xe hơi lớn nhỏ, v.v… do nhà nước cấp, bộ máy văn phòng, ban bệ rườm rà, hầu hết nhân viên đều được tuyển dụng, được hưởng quy chế “người trong biên chế nhà nước”. Lớp quan chức đứng đầu, quản lý các hội này, tuy là do hội viên bầu ra, nhưng khi đã ngồi vào ghế lãnh đạo của hội rồi, họ lại nghiễm nhiên được hưởng quy chế công chức cao cấp của nhà nước với bậc lương cao, với tiêu chuẩn nhà riêng, xe riêng. Chính phương diện lợi ích này đã được nhận ra khá sớm và do vậy con đường tham gia các ban chấp hành cống hiến cho công việc của hội và con đường tắt để trở thành viên chức cấp cao hưởng lợi lớn, - hai “con đường” này thường bị nhập vào nhau, nhoà lẫn nhau đến mức không sao phân biệt được. Ðằng sau những cuộc vận động ráo riết, cạnh tranh ngấm ngầm quyết liệt trên thềm các kỳ đại hội, thật khó mà tin được rằng các ứng viên chỉ thiết tha gánh vác công việc hội đoàn chứ không thiết tha giữ vững hoặc giành lấy ghế cao lợi lớn; thậm chí có khi người ta còn tính tới cả việc sửa điều lệ hội làm kế sách hợp thức cho một vài người trụ lại ở ghế “trùm hội” thì chắc hẳn lợi ích riêng chứ không phải lợi ích chung đã được đặt lên trên hết! Cũng có thể vì những động cơ tương tự cho nên dù đã sang thời hậu bao cấp mà hàng loạt hội đoàn kiểu bao cấp vẫn muốn được lập ra thêm: nhiều mục tiêu cao cả được nêu ra trên những đề tài hoạt động khác nhau, nhưng hầu như đều giống nhau ở chỗ: xin nhà nước cấp kinh phí, trụ sở, xe cộ, bộ máy để hoạt động! Không rõ cho đến nay số hội mà nhà nước đang phải bao cấp là bao nhiêu, nhưng hẳn phải tính bằng con số trăm, và tổng kinh phí nhà nước bao cấp hàng năm hẳn phải tính bằng con số chục tỉ đồng, - mà tiền từ ngân sách tức là tiền do dân đóng thuế! Kiểu hội bao cấp không chỉ xài tiền của, tài sản nhà nước mà còn đương nhiên được tận dụng “quyền độc quyền” của mình, - cái quyền được là tổ chức duy nhất trên toàn lãnh thổ trong một chuyên ngành; điều này chỉ gần đây mới lộ rõ dần ra, khi một số đơn vị kinh tế sinh sau đẻ muộn bị chèn ép, cạnh tranh bất bình đẳng từ phía những đơn vị được lập hồi bao cấp với tư cách đơn vị độc nhất của ngành mình, vừa làm chức năng quản lý nhà nước vừa trực tiếp sản xuất kinh doanh, “vừa thổi còi vừa đá bóng”.

Sự tồn tại của loại hình hội bao cấp như trên hiển nhiên là hiện tượng lỗi thời trong điều kiện hiện nay, khi mà cải cách hành chính đòi hỏi tinh giản chính ngay bộ máy các cơ quan công quyền theo hướng gọn nhẹ, vừa hoạt động hiệu quả vừa đỡ tốn tiền của dân; chứ chưa nói đến loại hình đơn vị sự nghiệp, - chắc hẳn càng cần phải tinh giản, thậm chí cần phải dân sự hoá, dân doanh hoá, tức là chuyển từ kiểu đơn vị do nhà nước trực tiếp cấp vốn và điều hành sang kiểu đơn vị tự quản (công ty cổ phần, đơn vị dân doanh). Sự thay đổi đối với loại hình hội đoàn bao cấp, thiết nghĩ, cũng cần được đặt ra tương tự như đang đặt ra yêu cầu thay đổi đối với hệ thống các đơn vị quốc doanh, các xí nghiệp kinh tế độc quyền.
Hẳn có người sẽ hỏi: làm sao đảm bảo sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của nhà nước trong điều kiện chỉ còn các hội đoàn dân sự? Thiển nghĩ, sự lãnh đạo của đảng cầm quyền luôn được thể hiện đầy đủ ở đường lối chung, được đề xuất ở cấp vĩ mô. Thứ nữa, Ðảng đã có (và nếu cần có thể lập thêm) những cơ quan chuyên trách với chức năng nghiên cứu, theo dõi tình hình, tham vấn về các chính sách cần ban hành và thực hiện đối với văn nghệ sĩ, đối với sự nghiệp văn hoá nghệ thuật.

Còn về vai trò của nhà nước, thiển nghĩ, vai trò đó vẫn rất to lớn, cả trong tư cách nhà tài trợ lẫn trong tư cách nhà quản lý. Nhà nước có thể lập ra những cơ quan chuyên trách (thuộc Quốc hội hoặc Chính phủ) để thực hiện vai trò nhà tài trợ và nhà quản lý của mình. Chúng ta biết rằng những nước phát triển vẫn giành một phần ngân sách đáng kể cho sự nghiệp văn hoá. Ở ta cũng phải như vậy, nhất là khi mức sống chung của cư dân đang nhích dần lên. Chỉ có điều, thay cho phương cách nuôi các hội bao cấp, tài trợ cho văn nghệ sĩ gián tiếp thông qua các hội đó, nhà nước cần chuyển sang các phương thức thích hợp hơn. Sự tài trợ, nếu có cũng không nên dàn đều bình quân mà nên lựa chọn ưu tiên tài trợ những ngành hoặc bộ môn nghệ thuật không tự nuôi sống mình nhưng lại là bộ môn hiếm quý cần bảo tồn và phát huy, trong khi đó cần đánh thuế thích đáng những hoạt động nghệ thuật có công chúng đông, doanh thu lớn. Nhà nước cũng cần thể hiện vai trò điều tiết vĩ mô ví dụ đảm bảo thực hiện quyền tác giả, tổ chức đều đặn việc xét tặng các danh hiệu và vinh dự cho những nghệ nhân, văn nghệ sĩ có thành tựu sáng tạo lớn; đồng thời nhà nước nên khuyến khích hoạt động đầu tư vào sự nghiệp văn hoá bằng quy chế miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp chú ý tài trợ cho văn hoá nghệ thuật… Trong xã hội của nền kinh tế thị trường mở cửa, khi mà phạm vi đời sống dân sự ngày một mở rộng, nhà nước cần cho phép và khuyến khích các lực lượng dân doanh, kể cả từ trong nước lẫn từ ngoài nước, đầu tư và tài trợ cho các hoạt động văn hoá nghệ thuật trong nước, coi đây như một nguồn thúc đẩy nữa , làm phong phú thêm sự nghiệp văn hoá nghệ thuật của đất nước cũng như nhu cầu hưởng thụ văn hoá văn nghệ của các tầng lớp nhân dân .

Ðiều chủ yếu nhất, theo tôi nghĩ và hẳn cũng sẽ được nhiều đồng nghiệp khác tán thành, là cần sớm có bộ luật về loại hình các tổ chức xã hội-nghề nghiệp. Sự liên kết với nhau của giới văn nghệ sĩ là thuộc loại hình hội đoàn này. Quy chế hoạt động của các hội đoàn văn nghệ này vừa khác biệt vừa có chỗ gần với quy chế hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh, ở chỗ cần đăng ký tại một cấp chính quyền, được chính thức cấp phép mới đủ điều kiện hợp pháp để hoạt động, và mọi hoạt động phải tuân thủ luật pháp. Nhà nước cũng cần tạo điều kiện hành nghề thiết yếu cho các hội nghề nghiệp này, ví dụ có quy chế chống độc quyền (trên lãnh thổ toàn quốc nếu chỉ duy nhất có một hội cho một chuyên ngành văn học nghệ thuật tất sẽ làm nảy sinh độc quyền, khiến sự phát triển trở nên thiếu lành mạnh), có quy định cho phép (hoặc không cho phép, với những giới hạn xác định) tiếp nhận nguồn tài trợ hoặc đầu tư từ các tổ chức và cá nhân khác, v.v…

Trên một mặt bằng luật pháp đủ cho văn nghệ sĩ hành nghề, từng người có thể tự nguyện tham gia hoặc không tham gia các hội đoàn nghề nghiệp, bởi vì khi đó, người văn nghệ sĩ độc lập cũng không “kém giá” so với những văn nghệ sĩ là thành viên các hội đoàn nào đó. Thật ra thì hiện tại cũng đã có những văn nghệ sĩ độc lập, không là hội viên hội nghề nghiệp của mình. Chỉ xin nêu hai tên tuổi mà tôi biết rõ: nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và nhà thơ Hoàng Hưng. Tất nhiên trong tình trạng “hội bao cấp”, “hội độc quyền” chưa bị vượt qua thì không có gì lạ việc người ta gửi đơn xếp hàng đông đảo đến văn phòng các hội; thậm chí nghe nói còn có cả chuyện đút lót để được vào hội nữa, cũng không có gì lạ. Vấn đề là cần sớm vượt qua trạng thái lỗi thời này.

Có lẽ không ít người, thậm chí khá nhiều người đã nhận ra sự lạc hậu của mô hình hội bao cấp, nhưng hẳn vì còn ngại đụng đến “di sản của quá khứ gần” nên còn nấn ná buông trôi. Thật sự thì trở ngại trước tiên và chủ yếu lại không phải ở phía đông đảo hội viên, - những người nếu là chuyên nghiệp thì vẫn sống chủ yếu bằng thu nhập từ hoạt động nghệ nghiệp tại đơn vị cơ sở văn hoá nghệ thuật; còn lại, khá đông hội viên các hội văn học nghệ thuật thường sống bằng các nghề khác hẳn, chỉ gắn với nghề văn nghệ theo kiểu nghiệp dư. Trở ngại thật sự nằm ở những quan chức và hàng ngũ nhân viên các hội: quan chức thì sợ mất ghế mất quyền mất xe đưa xe đón, nhân viên thì đơn giản là sợ mất việc làm. Trong tình trạng ấy, câu chuyện thoát khỏi hội bao cấp, nếu chỉ đem bàn với quan chức các hội thì có thể thấy trước sự phản ứng tiêu cực! Và sẽ là phản ứng tiêu cực một cách rất hùng hồn. Người ta một mặt sẽ hô lớn: “chúng tôi thuộc loại tổ chức phi chính phủ, gọi theo mệnh danh quốc tế hoá là NGO (non-government organization), đừng có đặt chúng tôi dưới sự quản lý của bộ của sở nào”, mặt khác họ sẽ lại đòi chính phủ tiếp tục cấp kinh phí, trụ sở, xe cộ, v.v…! Lẽ ra phải nói với những quan văn nghệ ấy rằng: “nếu quý vị muốn làm quan chức, hãy theo đường chính ngạch; còn nếu quý vị muốn là văn nghệ sĩ thì hãy dám sống với nghề!” Nhưng hình như điều cần nói còn chưa được nói ra. Câu chuyện đặt ra lâm vào bế tắc.

Thật sự thì đây là vấn đề không nhỏ. Mô hình hội bao cấp (không chỉ trong phạm vi văn học nghệ thuật) là một dạng tồn dư lịch sử với quy mô không nhỏ. Ðã vậy thì cần đem ra thảo luận rộng rãi. Chừng nào thuyết phục được nhau về bước đi không tránh khỏi này, chừng ấy hãy đem áp dụng. Người viết những dòng này không dám tin sự “thuyết phục nhau” có thể dễ dàng, nhưng lại cũng tin rằng việc chuyển các hội văn học nghệ thuật trở về đời sống dân sự là việc mà sớm muộn gì cũng trở thành sự thật.

Hà Nội, 07.02.2005 (29 tháng Chạp năm Giáp Thân)



[1]Ngô Thảo: Tạo nguồn nhân lực sáng tạo cho văn hoá nghệ thuật, “Văn nghệ công nhân”, số 24 (tháng 12.2004)
[2]Thanh Thảo: Hãy trả bóng đá về cho nhân dân, “Thanh niên”, số ra ngày 20.12.2004
Nguồn: Người đại biểu Nhân dân ngày 23.02.2005