© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
8.2.2005
Nguyễn Văn Lục
Thư trả lời các ông Lương Thư Trung, Trần Hoài Thư, Tam Nguyên và Phạm Tế Giác
 
Thường khi viết bài mà bị phê bình thì không khỏi bực mình, hoặc buồn, hoặc nản. Nhất là thay vì phê bình thì người đọc chỉ chụp mũ vô bằng, chửi bới và bôi nhọ. Trước lối viết trù dập xảy ra thường xuyên trong cộng đồng nguời Việt, chỉ còn biết im lặng. Nhưng lần này, tôi cảm thấy một nỗi vui vì sự phê phán ở một chừng mực chấp nhận được, có sự tôn trọng lẫn nhau. Xin có lời trân trọng đến cả bốn vị nêu trên và cho phép tôi được trả lời gộp trong một bài viết.

Bài viết của tôi thật ra gồm ba bài liên tiếp: Lão hoá các nhà văn, Nhận diện các nhà văn trẻ (Hợp Lưu, tháng 2.2005, số 81), và Nhận diện các nhà văn trẻ viết văn bằng ngoại ngữ (Ði Tới, số tháng tư 2005). Tốt hơn cả vẫn mong muốn độc giả có dịp đọc được cả ba bài. Bài viết lại mang tính chất thời sự, đụng chạm đến một vấn đề mất còn của văn học, đụng chạm đến uy tín của các nhà văn đủ cỡ tuổi. Thật khó mà không gây một phản ứng. Tôi đã dự cảm được điều đó khi viết. Rất có thể, còn nhiều độc giả cũng như các nhà văn khác không chấp nhận bài viết, nhưng không tiện nói ra. Nhưng tôi thiển nghĩ, trước sau cũng cần phải nói. Và nhân có ý kiến của 4 vị trên, tôi lại được cái cớ để nói đầy đủ hơn.


1. Hiện trạng lão hoá đề tài

Trong văn học, có một số đề tài quen thuộc, lấy con nguời làm đối tượng, thời nào cũng được nói đến như tình yêu, chiến tranh, hòa bình, tình yêu đất nước, quê hương xứ sở. Trong chiến tranh, các nhà văn khai triển vấn đề thân phận con người, những đau khổ, mất mát, sự tàn phá, hoặc kêu gọi lòng yêu nước v.v... Ðề tài có thể vẫn vậy, nhưng cách khai triển đề tài, từ những góc cạnh khác nhau, mỗi nhà văn mỗi khác. Cái khác đó là sự sáng tạo, cái mới của nhà văn. Vấn đề đặt ra ở đấy là các nhà văn ở hải ngoại có đạt được cái chất mới, cái nhìn mới không? Văn chương úy kỵ nhất cái lặp lại, cái đã được nói rồi. Trong 30 năm đó, phải làm sao chứng minh được rằng, không phải một nhà văn, mà một thế hệ, hay ít ra, một số nhà văn đã có xu hướng canh tân, sáng tạo, đã tạo được những xu hướng văn chướng, đã tạo được một đường hướng mới, đã chứng tỏ có được những nét đặc thù của một thời kỳ nhất định?

Trong bài Nhận diện một số nhà văn đầu thế kỷ 21, tôi đã nêu ra một số khía cạnh nổi bật của các nhà văn mới trên dưới 10 năm trở lại đây. Họ viết trước hết như một phủ nhận cái đi trước, cái làm nên các nhà văn lớp trước. Họ nhận ra các nhà văn lớp trước đã cạn nguồn về đề tài, về vốn sống mòn mỏi. Nguyễn Thị Thanh Bình đã thẳng thừng viết: „Không trách ở thời đại này, tâm cảm chúng ta khó lòng rung động lại được với những cuốn tiểu thuyết thời xưa. Ngay cả những nhà văn tài năng một thời cũng gặp phải sự thử thách này. Vậy thì một cuốn tiểu thuyết thành công phải đặt trước thời đại tính? Trước hoặc trong nếu chúng ta không muốn chúng sớm trở thành những cuốn tiểu thuyết lỗi thời, đọc lại thấy lợn cợn thế nào đó.“ Phải chăng văn học hải ngoại đã rơi vào chỗ giậm chân tại chỗ, nhái đi nhái lại, lối mòn suy thoái, lão hóa và kiệt quệ? Hãy lấy một tỉ dụ. Một số nhà văn khai trác triệt để đến như vô thức những đề tài chống cộng như về sự tàn độc của thể chế ấy, về chế độ lao tù, về cải tạo v.v. Có những điều đáng phải nói. Nhưng nói, viết với tư cách một nhà văn, người làm chứng, không phải người làm chính trị, người tuyên truyền... Không thiếu những nhà văn, do hận oán chế độ đó để ngòi bút tràn lấp bằng ngôn ngữ thông tục, đời thường, hoặc bằng lối viết lên án trực tiếp. Thế là hỏng chuyện. Ðó không phải là công việc của nhà văn. Tôi nhớ lại đã đọc nhà viết sử Tạ Chí Ðại Trường viết cuốn Một nửa Việt Nam Cộng hoà nối dài. Ông là người nghiên cứu sử, chẳng phải nhà văn. Vậy mà trong cuốn truyện hay cuốn ký của ông viết về tù cải tạo, ông làm tôi rớm nước mắt. Buồn mãi không thôi. Thấm thía lắm. Ông viết về một đám tù cải tạo lếch thếch trên đường về trại. Một thiếu phụ ngồi xe Lambretta ba bánh vụt đi qua. Thiếu phụ bắt xe ngừng lại. Người thiếu phụ không do dự, bằng một cử chỉ máy móc, thẩy hết bao sắn có thể mua về cho con cái, hoặc có thể đi buôn. Ðám tù thất thểu, bỗng chốc như những con chó đói tranh nhau vồ sắn. Người thiếu phụ nhìn cảnh đó, ôm mặt khóc. Còn có lời kết án nào gây xúc động hơn nữa khi nhìn cảnh người thiếu phụ khóc? Khóc cho ai? Cho em bà? Con bà? Hay cho chồng bà? Hay cho thế hệ những người thanh niên đã một thời vang bóng hào hùng?

Ðã thế, đôi khi khó tránh cảm quan tô hồng và bôi vẽ. Thiếu trung thực làm sao làm nhà văn được? Từ những hoài niệm đó được hâm nóng lại, thổi phồng lên, huyễn tượng nhiều điều. Sự khai thác đó nó giống như trường hợp Jean Lacouture đã nhận xét không sai về cuộc Cách mạng Pháp khi ông viết: Thật là thiếu thận trọng khi viết lại lịch sử Cách mạng Pháp 1793 bằng cách chỉ bằng lòng nghe những lời tường thuật của những người di dân vùng Coblence, Londres. (On admettra qu!il aurait imprudent de décrire la Révolution Francaise vers 1793 en se contentant d’écouter les émigrés de Coblence, de Londres.) Nhưng nếu nhà văn không nói thêm được điều gì mới, không mở ra một chiều kích mới, không khơi gợi nơi người đọc một thích thú, một say mê thì việc viết văn sẽ là gì? Cái đòi hỏi gay gắt và khắc nghiệt của văn chương là phải sáng tạo, không sáng tạo được là lão mòn, suy thoái. Cách đây hai ngày, trên toàn thế giới, người ta kỷ niệm 60 năm giải phóng Auschwitz. 60 lần Auschwitz và 30 lần 30-4 có cái gì giống nhau? Báo chí thế giới, nhất là ở Pháp, hàng loạt, hàng trăm bài viết đủ loại nói về biến cố này. Auschwitz là thế, 30-4 thế nào? Theo GS Phạm Văn Lưu, đại học Monash Melbourne, Úc Châu: “Chỉ riêng văn khố Ðông Dương (Indochina archives), thuộc đại học California có hơn 6000 loại sách, không kể các tạp chí, nhật báo viết về Việt Nam đủ loại bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau”. Người ta đã nói quá nhiều, quá đủ về hai biến cố đó rồi. Kỷ niệm 50 năm, người ta cũng đã nói như thế. Nay kỷ niệm 60 năm cũng nói như thế. Những kẻ sống sót trong cuộc diệt chủng này nay chẳng còn bao nhiêu. Ðộc giả trẻ mới lớn lên cảm thấy khó chịu, bị tràn ngập như một thứ nước lũ về những điều đã xảy ra 60 năm trước. Trong một cuộc thăm dò mới đây của British Newspaper, tờ The Sunday Times tiết lộ cho thấy có 62% các thiếu niên từ 11 tuổi đến 14 tuổi trong các trường trung học Anh không biết gì về Holocaust. Truyện đã 60 năm nay thay vì là một vấn đề lịch sử của những nhà viết sử và người đọc sử, nó vẫn còn là một hoài niệm, một ký ức nhắc nhở, thúc bách người ta phải nhớ. [1] Thật vậy, ngày nay những câu truyện về Holocaust được thêu dệt thêm có thể đầu độc giới trẻ, nhất là thanh niên Ðức về một mặc cảm tội lỗi trong quá khứ mà họ hoàn toàn vô can. Chưa kể, ngày nay, người ta thấy rằng những tuyên truyền về những lò hơi ngạt, những trại huỷ diệt (extermination camp) có thêu dệt, không sát sự thực. [2] Con số 6 triệu người bị giết có thể là con số được dàn dựng lên? Ðó chỉ là con số ảo, do tuyên truyền mà có. Lò hơi ngạt không phải là một chính sách đồng loạt của người Ðức trong các trại tập trung. Cuối cùng thì người ta chỉ có thể nói: Never again. Nhưng chữ này cũng như một lời nhắn nhủ: đừng tiếp tục nói mãi như thế nữa.

Ðề tài của các nhà văn viết truyện quanh quẩn chung quanh một số chủ đề cho thấy gần như họ quay lưng lại cuộc sống hiện tại. Không biết, không đọc hoặc không thấy bản thân của họ liên quan đến những vấn đề của thời đại mình đang sống. Họ như thể sống trong một thế giới khác thế giới của đời sống hiện tại. Ngoài những nhà văn mới đầu thế kỷ như Lê Thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Trần Vũ, Trần Diệu Hằng, Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Nguyễn Ý Thuần, Lê Thị Thấm Vân, Nam Dao, Nguyễn Thị Thanh Bình, Ðỗ Lê Anh Ðào, Phùng Khánh Minh, Phạm Thị Ngọc, Thuận… đã có những cố gắng canh tân đổi mới đề tài, cấu trúc truyện và cả đến ngôn ngữ truyện. Có sự khới sắc và ưu thế cho các đề tài liên quan đến tính dục. Ðọc đã thấy có gì khác. Nhưng những cố gắng đó có thể chưa đủ và có thể do hoàn cảnh hội nhập xã hội sẽ đi tới tàn lụi vì không có người đọc.

Vì thế có những nhà văn trẻ hiện nay, thay vì viết bằng tiếng Việt, họ viết thẳng bằng tiếng ngoại quốc như Kim Lefèvre, nhất là Jean-Michel Truong, Linda Lê ở Pháp. Họ đã không còn viết như trước nữa. Những suy nghĩ, cách nhìn, cách đặt vấn đề, những băn khoăn của họ khác hẳn thế hệ các nhà văn ở hải ngoại. Jean-Michel Trương đưa vào truyện những vấn đề nhân bản (tất cả những từ mà tôi dùng để dịch các chữ từ tiếng Pháp chỉ có tính cách tạm thời) như clonage, rồi nhân bản tạo sinh, (clonage reproductif) hay nhân bản chữa trị (clonage thérapeutique). Vấn đề trí khôn nhân tạo (intelligence artificelle), vấn đề về cái chết được thảo trình sẵn (mort programmée), vấn đề quyền được chấm dứt sớm cuộc sống bệnh tật vô phương cứu chữa (euthanasie). Vấn đề lão hoá con người, vấn đề tương lai nhân loại nằm trong bối cảnh của những Web như hiện nay. Vấn đề toàn cầu hóa, vấn đề hệ thống Net. Từ đó họ đặt ra những vấn nạn về ngõ cụt của sự tiến hoá (impasse évolutive). Con người bị kìm kẹp, trở thành những con tin bởi chính những phương tiện mà con người phát minh và sử dụng. Tỉ dụ như mạng lưới Web. Và họ nhìn thấy sự huỷ diệt con người đã không xa nữa. Ðó là xã hội ghê tởm và khủng khiếp mà con người chúng ta đang sống và sẽ phải đương đầu trong những năm tới. Họ nghĩ tới một sự hủy diệt con người đã được hoạch định (programmée). Họ cũng tiên đoán về sự khủng khiếp của guồng máy kinh tế thế giới nhân đôi với sự khủng khiếp của vũ trụ (horreur cosmique). Có thể tóm tắt trong một ý như sau: Tất cả những gì anh mơ tưởng được thì bắt buộc anh phải thực hiện được. If you can dream it, you must do it.

Những đề tài viết lách, suy nghĩ có tính cách phê phán, cảnh cáo và đưa tới một cái nhìn nhân bản về tương lai con người gần như đã không có nhà văn hải ngoại nào nói tới. Tôi có nói sai cho họ về sự lão hóa, cũ mòn trong các truyện của họ không?

Hoặc như Linda Lê, một trong vài nhà văn nữ sáng giá hàng đầu của nước Pháp hiện nay với hơn 10 đầu sách đã xuất bản đã bàn đến những đề tài về tâm phân lý như sự ám ảnh quyến rũ bởi điều xấu (le thème de l’attirance pour le mal), sự ám ánh về cái chết không dời, ám ảnh siêu hình hay bệnh họan, ám ảnh về cái chết của người cha với những giấc mơ hoang tưởng, hay ám ảnh về một Việt Nam như một xác chết cô mang theo trong mình. (She had also stated that she feels that Viet Nam itself is like a dead body inside). Những ám ảnh về những cái chết thúc bách, tra tấn, dằn vặt cô trong những suy nghĩ viết lách, và từ đó tất cả đã được đưa lên thành chữ nghĩa. Ðôi khi, cô đối diện với nỗi cô đơn tuyệt đối khi viết Les trois parques, trong nhiều tuần lễ, cô đã hoàn toàn sống câm lặng, không nói gì. Vì thế, cô có những ám ảnh khác thường giống như những nhà thơ điên loạn như Hölderlin, Byron, Artaud… Và chính ở trong vực thẳm của đêm tối, ta mới đụng chạm tới được chân lý. Và chỉ trong những cơn điên loạn, ta mới ghi nhận ánh sáng của sự sáng tạo trong một khoảnh khắc nào đó, (tóm lược một vài ý trong bài viết về các nhà văn viết bằng ngoại ngữ).

Tôi khó có thể tìm thấy một số nhà văn hải ngoại có những suy tư có tính cách thời đại, hoặc có những băn khoăn siêu hình. Chẳng hạn như về cái chết, về nỗi băn khoăn ám ảnh về điều xấu, hoặc về những nỗi cô đơn siêu hình với những giấc mơ hoang tưởng như trường hợp Linda Lê.

Một số nhà văn viết truyện bằng tiếng Mỹ như Monique Trương, Kiên Nguyễn, lê thị diễm thúy, Andrew Lam khai thác những đề tài khá mới lạ. Tỉ dụ cuốn The Book of Salt của Monique Truong nói tới thân phận lang thang của một người đồng tính luyến ái, gốc Việt, làm nghề nấu bếp ở Paris.

Nói chung, tôi chỉ có thể nói rằng, họ không còn viết như trước nữa và họ đã thành công ở nước họ sinh sống với tư cách một nhà văn gốc Việt. Và phải chăng, ngoài xu hướng báo chợ, xu hướng viết truyện là một xu hướng tất định phải như thế của cộng đồng người Việt hải ngoại?


2. Sự lão hoá trong giới nhà văn

Vấn đề lão hóa trong giới nhà văn hải ngoại phải được hiểu là một hiện tượng xã hội báo hiệu một sư suy tàn, sự biến mất văn học hải ngoại. Vì thế, không nên hiểu theo cái tinh thần tre già thì măng sẽ mọc, sẽ có lớp người thay thế và vì vậy giới nhà văn già phải được kính nể và tôn trọng. Cả hai ông Lương Thư TrungTrần Hoài Thư đã dẫn đưa câu truyện Nghề thầy của Cao Vị Khanh, một ông thầy giáo già để minh chứng cái tinh thần tôn trọng thế hệ đàn anh, đi trước. Nó rất là đúng, nhưng lại không thích hợp trong trường hợp các nhà văn hải ngoại. Với các nhà văn hải ngoại, sau họ sẽ là khoảng trống, sẽ không như hiện nay và trước đây nữa. Không có tiếp nối mà cũng không có kế thừa. Tiếp nối và kế thừa chỉ có thể xảy ra trong một xã hội bình thường. Không thể có tiếp nối và kế thừa trong xã hội người di tản. Lớp trẻ sinh ra bên này, nhiều người không nói được tiếng Việt, nói chi đến chuyện đọc, viết. Hãy nhìn vào các cộng dồng người di dân như Do Thái, Tầu và Ý, chúng ta thấy gì? Dân số họ đông, đến một nửa dân số người Ý sống rải rác ở châu Âu, nhất là tại Mỹ và Canada. Nhiều vùng con số người Ý, người Tầu tập trung đến cả triệu người. Nhưng không ai nói tới một nền văn học Ý ngoài nước Ý, hoặc văn học Tầu hải ngoại. Chúng ta dựa trên cái gì để khác họ và hơn họ? Ðể vẫn mơ mộng một nền văn học hải ngoại tiếp nối và kế thừa? Những nhà văn Tầu làm nên sự nghiệp văn chương của họ đều dùng tiếng ngoại quốc như Dai Sije, Shansa, HaJin, Gishgen và nhất là Gao Xingjian, giải thưởng Nobel 2000.

Quý ông Tam Nguyên trách cứ tôi chỉ liệt kê các nhà văn, mà liệt kê chưa đủ và thiếu sót. Hoặc là trích dẫn tác phẩm nhà văn mà không đọc như trong lá thư của ông Lương Thư Trung. Sự trách cứ có phần đúng. hưng trên thực tế thì thật sự khó ai có thể thực hiện được. Cộng đồng người Việt trên dưới 3 triệu người, rải rác khắp hơn 80 chục nước. Không có nhà xuất bản chuyên nghiệp, càng không có nhà phát hành. Sách ra nơi đây, nơi kia không biết. Hiệu sách lỗ lã chẳng ai muốn mở. Chỉ cần vào một hiệu sách, với lèo tèo một số sách báo, còn phần lớn là sự sống còn của hiệu sách dựa vào việc bán băng nhạc. Hiệu sách là hình ảnh của sinh hoạt văn học hải ngoại thu hẹp, sắp sửa dẹp tiệm. Chỉ trong một vài năm nữa, ông chủ hiệu sách của vùng Montréal, vốn là nhà giáo, sẽ nghỉ hưu. Sẽ không còn cách nào để có sách vở, truyện để mua nữa. Cảnh chợ chiều sách vở như thế, cho dù tôi có muốn mua sách để đọc cũng không có. Phần tôi, nghĩ thêm rằng, không nhất thiết bó buộc tôi phải đọc hết mọi tác giả, đọc hết mọi cuốn truyện của các nhà văn trên khắp thế giới mới có thể đưa ra được một lời phê phán văn học trong một bài báo hơn 10 trang... Ðiều đó xem ra là một đòi hỏi quá gay gắt, một yêu sách quá cao đến không thực hiện nổi.

Hãy nhìn vào một vài thực tế để cùng nhau nhìn nhận rằng đã đến lúc văn học hải ngoại không có cơ tồn tại.

Số người đọc sách tiếng Việt giảm dần. Ngay trong số này, nhiều người cũng không đọc sách tiếng Việt nữa, hoặc vì có thể đọc sách báo, truyện trực tiếp bằng ngoại ngữ.

Số trẻ em sinh ra ở bên này, dần không nói được tiếng Việt, hoặc không có thể viết và đọc được nữa. Cho dù cha mẹ có cố gắng cho đi học các lớp Việt ngữ cũng hoài công vô ích, vì không có sách thích hợp cho các em đọc.

Thiếu nhà xuất bản, thiếu hệ thống phát hành, thiếu các hiệu sách… Ðây là cái đinh đóng chốt cái quan tài văn học Việt hải ngoại.

Trong khi đó, cứ nhìn vào số lượng đầu sách xuất hiện ở Paris để có dịp so sánh và suy nghĩ. Năm 2003, số lượng sách truyện ở Paris là 691 cuốn gồm cả sách dịch tiếng ngoại quốc. Trung bình số lượng một cuốn truyện ở Pháp in ra là 100.000. Truyện hay, có thể in đến 150.000 hoặc 250.000 ngàn cuốn, chưa kể tái bản đợt hai, đợt ba. Cứ tính đổ đồng, một cuốn truyện in 100.000 cuốn. Chỉ riêng sách truyện ở Pháp thôi. Một năm có 100.000.000 triệu cuốn sách được in ra. Với ba triệu người Việt ở hải ngoại, so ra với dân số của Pháp, chúng ta phải in ra khoảng 3 triệu cuốn sách truyện? Trên thực tế số lượng sách in ra là bao nhiêu? Hãy nhìn vào những con số, nhìn vào thực trạng sách báo hải ngoại để Requiem cho hiện trạng sinh hoạt văn học hải ngoại. Tuổi quá date của các nhà văn, một lần nữa nói lên một thực trạng văn học không bình thường. Trong số gần 20 nhà văn viết truyện bằng ngoại ngữ, tôi chỉ thấy có 3 người khởi sự viết khi đã trên 30 tuổi.


3. Tình trạng lão hóa nơi người đọc

Sự sống còn của một nền văn học không thể thiếu người đọc. Người đọc làm cho một tác phẩm có cơ tồn tại hay bị chôn vùi. Tôi có nhận xét này cần nói ra: người đọc hải ngoại chẳng những không mua sách mà còn lười đọc. Ngay trong số bạn bè, có nhiều người chưa bao giờ mua một cuốn truyện tiếng Việt. Có thể họ cũng đọc, nhưng là đọc báo chợ. Tại nơi tôi ở, một tờ báo chợ có thể in đến 5000 số báo một tuần, so với các báo văn học hay nguyệt san, mỗi tuần bán được vài cuốn. Ðiều đó đủ nói lên thực trạng sinh hoạt văn học hải ngoại chưa? Khi viết về điều này, tôi không phải chỉ viết về người khác, mà viết về chính mình như người trong cuộc. Nếu như anh Lương Thư Trung trách cứ tôi quá tàn nhẫn khi hạ bút viết như thế thì trước hết là tôi tàn nhẫn với chính tôi. Chính tôi là một người viết muộn, khi đã luống tuổi, khi đáng nhẽ phải nghĩ đến chuyện không cầm đến cây viết. Vậy mà tôi đã không ngượng ngùng, sắn tay áo lên hùng hục viết. Tôi là thứ người viết có tuổi mà chưa có tên. Tôi cũng là một loại người đọc bị lão hoá. Nếu không do công việc thúc bách, vị tất tôi đã đọc được nhiều sách? Ðây đúng là công việc khổ sai, tự ý, nên tôi ráng mà đọc, ráng phớt phớt cho nhanh. Ðối với tôi, người đọc bao giờ cũng có lý, chỉ nhà văn, người viết là có trách nhiệm về sự đọc hay không đọc của mình. Cuộc sống thì đã đổi mới mỗi ngày trong suốt 30 năm nay. Tâm thức người đọc, nhu cầu người đọc không còn như trước nữa. Nhưng nhà văn viết như thể mọi chuyện vẫn như cũ. Cái khoảng cách về tâm thức đó giữa người đọc và nhà văn đã sớm chôn vùi những tia hy vọng sống còn của văn học hải ngoại. Là người Việt, tôi cũng như mọi người đều mong mỏi đến sốt ruột sao cho văn học hải ngoại được tồn tại mãi mãi. Tôi cộng tác với một số báo, nguyệt san, tôi chia sẻ những thao thức và mong mỏi của những người làm văn học, nhất là của các vị chủ bút. Họ để tâm huyết, thì giờ, vừa đi làm, vừa lo tiền bạc và bỏ công sức chăm lo cho tờ báo của họ. Họ được gì? Chắc chắn các vị đó mong sao các lớp nhà văn trẻ tiếp nối các nhà văn lớp trước sáng tác cho tới, cho coi được. Vì thế bài viết Nhận diện về các nhà văn đầu thế kỷ 21 nhằm mục đích xiển dương họ được chừng nào hay chừng đó. Cái chia sẻ riêng tư đó, cũng như về đủ mọi vấn đề không thể nói ra hết được. Tôi cũng hoàn toàn chia sẻ những bực dọc, những bất đồng ý của các quý anh Lương Thư Trung, Trần Hoài Thư, Tam Nguyên và Phạm Tế Giác và có thể bạn đọc cũng như một số nhà văn quen biết cũng như không quen biết về bài viết của tôi. Chẳng hạn, một số nhà văn có biết, hoặc có quen mà không có đủ điều kiện tư liệu để nêu tên họ và tác phẩm của họ trong bài viết. Thiếu sót không tránh được.

Tôi đã viết ra một thực trạng chẳng ai mong muốn nó kết thúc như vậy. Mặc dầu do những điều kiện xã hội khách quan dẫn đưa đến chỗ sẽ không tránh khỏi sự triệt tiêu văn học hải ngoại vốn chỉ đáp ứng cho một lớp người di dân thế hệ một và hai. Tôi vẫn muốn đưa ra một câu hỏi mà chưa thấy mấy ai đặt thẳng thừng ra: Lớp nhà văn đợt đầu di dân như Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyên Sa, và sau đó Doãn Quốc Sĩ, Duyên Anh, Thảo Trường, Phan Nhật Nam… đừng kể thời kỳ còn ở trong nước… thực sự họ đã đóng trọn và đúng mức vai trò một nhà văn trong môi trường hải ngoại? Tôi cũng đã trải tấm lòng ra rồi. Mong được chia sẻ.

© 2005 talawas


[1]Media Studies instructor Neil. Lazarus. Lazarus@netvision.net.it
[2]Xem thêm bài The International Holocaust Controversy, của Arthur R Rutz.