Trước ngày 22 Septembre 1932
Ðầu tiên muốn chống lại cái vẻ đạo mạo, già khụ của các tờ tuần báo quốc ngữ, chúng tôi định cho ra một số báo lấy tên là
Tiếng cười; tờ
Tiếng cười đó đã được giấy phép xuất bản của chính phủ, nhưng không thể ra đời được, vì một lẽ rất giản dị là không kịp thu xếp xong trước ngày hết hạn giấy phép.
Tiếng Cười vì thế đổi thành Tiếng Khóc.
Mới bắt đầu vào nghề làm báo đã gặp ngay một sự thất vọng, một sự thất bại.
Một sự lạ chưa từng thấy
Lúc chúng tôi sắp nhận làm báo
Phong Hóa thì các tuần báo không có vẻ thịnh vượng; ít tờ xuất bản được tới hai nghìn số. Chúng tôi lúc đó mong bán được ba nghìn số và đã tự cho là “tham lam vô độ”.
Muốn được như thế, chúng tôi dự định làm một cuộc quảng cáo to lớn, không tiền khoáng hậu. Nghĩa là chúng tôi cho đi mua một ít giấy Ðáp Cầu mầu tím và mầu trắng, rồi đóng cửa nhà báo lại cẩn thận, đem kéo ra cắt giấy trắng thành một cái mặt trăng trắng và đem dán cái mặt trăng đó lên một tờ giấy tím, giả làm nền trời. Chúng tôi tấm tắc khen là nổi lắm. Trên quảng cáo chúng tôi viết mấy câu rất nhũn nhặn: “Một sự lạ chưa từng thấy trong làng báo: 7 xu”. Rồi muốn cho ai cũng phải để ý đến cái mặt trăng của mình, chúng tôi liền cắt một cái mũi tên dán xuyên qua cái mặt trăng đó, như có ý bảo những người qua đường: “Nhìn đi!”. Mấy hôm sau, khi đem dán mấy chục tờ quảng cáo ấy lên các mặt tường thành phố, không ai thèm nhìn cả, vì nó vừa bẩn, vừa gai mắt. Khách qua đường đối với cái quảng cáo “mặt trăng” của chúng tôi cũng thờ ơ như người mù đối với mặt trăng trên trời vậy (nói thế không phải là bảo người qua đường mù đâu, đây chỉ là một câu ví von).
Lâu lâu cái “mặt trăng” dán không kỹ cứ long dần, chỉ còn trơ lại cái nền trời tím và mấy chữ “Một sự lạ: 7 xu.” Lúc đó, khách qua đường mới thèm nhìn cho, nhưng họ không hiểu quảng cáo gì mà kỳ khôi vậy, quảng cáo một sự lạ mà không nói là sự lạ gì, chỉ bảo giá có 7 xu. Có người đoán sự lạ 7 xu đó là một thứ nước chấm mới, ngon hơn sì-dầu và ma-gi.
Hai sự lạ
Cái nhà in in báo
Phong Hóa lúc đó cũng là “một sự lạ chưa từng thấy” trên hoàn cầu. Nó có cái tên nhũn nhặn là Imprimerie Moderne, dịch nôm ra là “nhà in tân thời.” Cái nhà in tân thời đó nói cho đúng ra nó là cái bếp hay cũng na ná như cái bếp. Những lúc chúng tôi xuống chữa bài, luôn luôn có hơi khói màu lam đưa thoảng qua: nhà in trông mờ ảo giống như bức tranh thủy mặc Tầu. Nhiều khi mùi thịt bò sào, mùi chả trứng, cũng theo gió bay vào thơm nức cả. Những mùi thơm quí hóa đó chỉ vào quãng mười, mười một giờ mới có. Lúc đói bụng vừa chữa bài vừa ngửi những hơi thơm đó, có phần cũng dễ chịu.
[1]
Mùa rét đến thì cái bếp đó biến thành Bắc băng cực. Gió lùa vào các cửa sổ đã vỡ hết mặt kính làm cho chúng tôi không thể chữa bài một cách cẩn thận. Chúng tôi không thể nào quên được cái đêm trước ngày số báo Tết năm 1933 xuất bản. Lúc đó vào quãng mười hai giờ đêm. Chúng tôi ở nhà báo sắp sửa về đi ngủ, thì có giây nói gọi báo tin máy không thể in được nữa. Xuống nhà in mới biết vì trời rét quá, mực đỏ in bìa báo số Tết đóng cục lại.
Chúng tôi thấy giá cả chân tay, và trông cái máy in mà thương hại. Mỗi lần người cai cho máy chạy thử, là nó cứ rung rung như người rét run cầm cập. Sau cùng ông chủ nhà in bảo lấy ra một cái hỏa lò đầy than hồng đặt xuống gần máy để sưởi nó. Quả nhiên máy lại chạy được. Chúng tôi lấy làm lạ rằng máy cũng biết ấm như người; trông cái buồng máy lúc ấy y như hệt cái buồng đàn bà đẻ.
Ba sự lạ
Ngửi mùi thịt bò sào và chịu rét mãi cũng chán, chúng tôi mới định thuê một người chữa bài. Có một ông đến xin chân đó, nói hãy làm tạm ít lâu để thử tài. Ông đó được cái tài chịu rét quen và ngửi khói giỏi, chỉ phiền một nỗi là hễ cứ vào nhà in lúc nào là ông ấy ngủ gật lúc đó. Nhiều khi chúng tôi phải xuống đánh thức mãi ông ta mới chịu dậy cho.
Chúng tôi nhìn nhau cười: trên báo khuyên người ta hoạt động lại vớ ngay ông chỉ ưa tĩnh: ông ưa tĩnh đó ngày nào cũng đọc những bài khuyến khích hoạt động của mình mà vẫn ngủ như thường, trông thấy thế mà chán nản. Ðược cái ông ta tinh ý, nên một hôm ông tự nhiên xin thôi việc để đi ngủ gật nơi khác vậy.
Bốn sự lạ
Tôi chưa nói đủ, nếu tôi không thêm vào rằng: ở trước cửa nhà in tân thời đó, có dán một cái bùa trừ tà. Có lẽ vì thế nên coi báo bẩn như vẽ bùa ma.
Không biết có trừ được tà ma gì không? Có một điều chắc chắn là đã trừ được một bạn hàng: bạn hàng ấy là báo Phong Hóa.
Ngay bây giờ, mỗi lần chúng tôi nhắc lại chuyện cũ, vẫn còn văng vẳng bên tai tiếng máy in, chạy rầm rầm như xe lửa chạy qua cầu và thoang thoảng trước mũi mùi thịt bò sào và mùi trứng áp chảo thơm tho. Thật là một kỷ niệm có hương vị không bao giờ phai trong đời làm báo của chúng tôi.
(Trích lại từ báo
Văn Hóa Ngày Nay, tập 5, do Nhất Linh chủ trương, vào cuối thập niên 50.)
[1]Nhà in Nguyễn Ðình Vượng in Văn Hóa Ngày Nay bây giờ “mô đéc” hơn nhiều nhưng tôi vẫn được cái may hưởng những mùi sào nấu thơm tho khi sửa bài khiến nhiều khi tôi tưởng như mình sống lại hồi 26 năm trước.